• Hoàng Ngọc Nguyên, CHIẾN SĨ ĐƠN ĐỘC!

CHIẾN SĨ ĐƠN ĐỘC!

• Hoàng Ngọc Nguyên




Không thiếu những người cho rằng Tổng thống Donald Trump là một người lạ lùng, điên khùng. Nhưng một người điên khùng đương nhiên không thể là một tổng thống, phải bị truất bãi, cho nên ta tạm thời có thể cho rằng ông là người khác thường. Dù sao đến ngày Lễ Độc Lập năm nay, ông chỉ còn đúng 124 ngày nữa. Đến cuối tháng bảy: 95 ngày. Thời gian chậm chạp qua nhanh. Hay qua nhanh một cách chậm chạp. Và chẳng biết trong bốn tháng tới đây chuyện gì sẽ xảy ra. Đã có nguồn tin thất thiệt ông sẽ rút lui...

Ông lạ lùng, khác thường là vì bình thường một người tái tranh cử cho nhiệm kỳ thứ hai sẽ phải khôn ngoan và thỏa hiệp, củng cố quần chúng ủng hộ mình và mở rộng tầm ảnh hưởng đến quần chúng độc lập hay có thể đối nghịch. Đàng này, như chúng ta đã biết, ông không bỏ được tật ưa tweet bậy, đưa lên mạng những cái clip như hai vợ chồng ở St Louis xách súng ra đầu ngõ một con đường riêng ngăn chận một đám xuống đường; hay tại một cộng đồng hưu trí tại Florida, một người da trắng đang lái xe chơi golf có cờ mang tên Trump, ông già này có thể hơi điên nên la lên “white power”, và Trump bình phẩm “great people”...

Để lấy lòng không cần thiết khối dân số “da trắng siêu chủng” của ông, ông đi Arizona - lần thứ ba trong năm - thăm bức tường biên giới và ký tên vào đó mặc dù một tòa kháng cáo đã ra lệnh cấm sử dụng tiền quốc phòng vào mục đích xây tường. Ông lại đi kiện vụ DACA (Deferred Action on Childhood Arrivals) để đòi tống xuất di dân bất hợp pháp vào Mỹ khi còn nhỏ mặc dù Tối cao Pháp viện đã bác đơn giữa tháng sáu. Bộ Tư Pháp lại đưa đơn lên TCPV đòi hủy bỏ Obamacare, nhằm chấm dứt bảo hiểm của nhà nước cho những người khó khăn có ít nhất 23 triệu người đang thụ hưởng – trong cơn đại dịch này. Và giữa lúc coronavirus đang hoành hành, đe dọa tái phát khiến cho kinh tế có nguy cơ đình trệ trở lại, Trump lại có vẻ đặt trọng tâm vào việc bảo vệ các tượng đài những nhân vật lịch sử Mỹ nổi tiếng về kỳ thị chủng tộc. Và ông xem những người đang xuống đường trong phong trào “người da đen đòi quyền sống” Black Lives Matter như những phần tử khủng bố... Như những phần tử ngu xuẩn cố đấm ăn xôi cho rằng những người xuống đường là có cộng sản đứng đàng sau, chẳng hiểu vào thời nay, nhất là trên nước Mỹ, làm gì còn cộng sản.

Chuyện tai tiếng về ông Trump đương nhiên không ngớt ở một người tin rằng tai tiếng làm nên tiếng tăm. Ông vẫn nghĩ mình là một người lãnh đạo đất nước được Thượng Đế giáng xuống trần, cho nên có toàn quyền hành động - giống như những người ông khâm phục, xem như những tấm gương sáng (Putin của Nga, Tập Cận Bình của Trung Quốc, Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, Duterte của Phi Luật Tân, Hun Sen của Campuchia, hay Nguyễn Phú Trọng của Hà Nội ...) “Chuyên chính” là muốn làm gì thì làm, nói gì thì nói, có cố vấn không phải là để nghe họ nói mà để cho họ nghe mình nói, cho dù chuyện ông làm có thể gây nguy hại khôn lường cho tập thể mà ông đại diện. Những điều ông nói thường thiếu ngay thật đến mức báo chí ví ông như thằng nhỏ trong chuyện ngụ ngôn chuyên môn chạy la làng cháy nhà cho người ta sợ. Ông nghĩ mình có quyển vô hạn -  như chủ một gia đình phong kiến, một doanh nghiệp, hay tổng thống một đất nước – cho dù một đất nước nổi tiếng dân chủ với cơ chế tam quyền phân lập. Và ông luôn luôn thừa sức đối phó với mọi thử thách, tai tiếng vì ông có đầu óc của một “thiên tài rất ổn định”.

Chỉ có điều cái đầu óc “thiên tài rất ổn định” này đã quá 74, càng ngày càng mất ổn định. Ông còn không kiểm soát được cái đầu của ông, huống gì ai. Bởi thế mà ngày phán quyêt đã gần đến, nhưng bao chuyện quốc nội ông không gỡ đưọc tí nào: dịch họa, kinh tế, biên giới, di dân, xung đột chủng tộc, bạo lực súng đạn... Những chuyện lình xình trong nước cũng đủ cho ông đã đi xuống rất mạnh trong thăm dò ý kiến người dân, đến mức một số người quanh ông đang đưa ra giả thuyết ông sẽ có thể đột ngột nghỉ chơi để “chơi” đảng Cộng Hòa của ông một cú chót cho dù họ đã nhắm mắt hết lòng hết dạ trung thành với ông.

Thế nhưng, bận rộn thế mấy, người ta cũng phải biết đến một chuyện tai tiếng, “gây tranh cãi” mới của ông Trump, cho dù đối với ông Trump, lạ thay, chuyện gì rồi cũng qua mau!!! Đây là một chuyện đối ngoại, khiến cho người ta có dịp nhìn lại cung cách đối ngoại của ông, không đường lối, phương hướng, mục đích, mục tiêu, để lo ngại chính đáng là ông trong hơn ba năm qua đã đưa đất nước đến bờ vực nô lệ hóa cho một đế chế đang công phá hữu hiệu một trật tự thế giới truyền thống mà Mỹ từng đóng vai lãnh đạo. Coi chừng! Mỹ đang trở thành môt nước vệ tinh, chư hầu của Đế chế Nga của Putin khi nào không hay!

Câu chuyện tóm gọn như sau: Nhật báo New York Times, trong số ra ngày 26-6, đã tiết lộ một chuyện “động trời”: Tình báo Mỹ đầu năm nay đã cho Tổng thống Trump biết là Nga đã xúi giục lực lượng phản loạn Taliban ở Afghanistan cố giết cho được càng nhiều lính Mỹ càng tốt, và tình báo Nga sẽ thưởng tiền đô-la cho kẻ giết mướn Taliban. Ông Trump đã được báo cáo về chuyện này nhưng không có hành động nào. Sau đó, dựa trên nguồn tin tiết lộ, NYT nói rõ đây là báo cáo bằng văn bản – không phải báo cáo miệng, được gởi đi vào cuối tháng hai năm nay. Thực ra, cũng có nguồn tin nói rằng việc Nga cấu kết với Taliban để phá Mỹ ở Afghanistan đã được báo cáo từ năm 2019 – không phải đợi đến đầu năm 2020.

Câu chuyện Nga phá Mỹ ở Afghanistan là chuyện hiểu được (make sense), như Mỹ đã từng phá Nga cũng ở nước này trong những năm 80 thế kỷ trước khiến cho Nga phải khăn gói ra đi. Phản ứng của ông Trump trước chuyện này cũng chẳng có gì lạ – Putin là người “bạn” (hay người thầy) duy nhất ông tin cậy, hay là người đã “nắm thóp” ông vì câu chuyện Trump Tower ở Moscow và một đêm vui tai tiếng với vụ “tiểu bậy” ở thủ đô Nga mà Putin ngầm chiêu đãi và giăng bẩy để nắm băng thu hình.

Tuy nhiên, Tòa Bach Ốc đã nói đó là chuyện bịa đặt (a hoax) mà NYT dựng lên để phá (ông dùng chữ damage) ông và cả đảng Cộng Hòa (ông kéo đảng Cộng Hòa vào để có chỗ dựa). Và sau bốn ngày ông tạo áp lực lên giới tình báo, mấy ông giám đốc CIA và Tình báo Quốc gia cũng lên tiếng.  Không có báo cáo miệng, cũng chẳng có báo cáo văn bản cho ông Trump. Người ta có nhận những báo cáo như thế từ cấp dưới, nhưng họ không chuyển lên cho ông Trump vì cho rằng thiếu cơ sở xác thực (!). Ông Trump lại gợi ý mơ hồ rằng ông có  đọc không biết bao nhiêu báo cáo tương tự trong một ngày, nhưng chẳng phải chuyện gì ông cũng tin, vì nhiều báo cáo về Nga có tính cách “nói xấu” hay “có ít, xít ra nhiều”. Thực tế, Quốc Hội lưỡng viện của Mỹ đang rất quan tâm đến sự can thiệp của Nga tại Afghanistan vì không biết Mỹ sẽ xoay trở làm sao ở nước này – đi hay ở?

Hai cựu cố vấn an ninh quốc gia đã lên tiếng. Bà Susan Rice dưới thời Barack Obama nói rằng bà chẳng thể  tin được giới an ninh và tình báo được những tin tức như thế mà không cho tổng thống biết và cũng không có bàn bạc nội bộ để tìm hiểu thêm – cho dù có thể chưa chắc về sự chính xác. Do đó, bà Rice nói rằng câu hỏi là vì sao ông Trump có thái độ bao che bất kể đến sự an toàn của lính Mỹ tại Afghanistan và sự nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ (vì cái băng video?). “Nếu ông Trump được báo cáo, tại sao ông không hành động? Nếu ông không được cho biết, thì tại sao? Phài chăng những cố vấn cao cấp của ông vô năng lực? Hay họ quá sợ việc đưa ra tin xấu cho ông Trump, nhất là về nước Nga? Phải chăng ông Trump đang chủ trương một chính sách đối ngoại gian dối tách rời hoàn toàn với lợi ích quốc gia của nước Mỹ? Nếu thực là thế, thì tại sao?”John Bolton, từng là cố vấn cho ông Trump, cũng có quan điểm tưong tự. Ông tin rằng giới an ninh và tình báo phải tức thì cho tổng thống biết - nhất là khi họ nhìn đến quan hệ giữa Trump và Putin khắng khít đến độ Trump cứ đòi mời Putin tham dự hội nghị G7 ở Mỹ vào tháng chín!

Tờ NYT không ngừng “tấn công”: Ngày 2-7, họ lại dựa vào nguồn tin từ giới an ninh quốc gia nói rằng chinh phủ Afghanistan gần đây đã truy lùng một doanh gia Kabul nhưng ông nay đã thoát qua được Nga. Ông ta là người trung gian đưa tiền của Nga cho Taliban!

Vấn đề người ta đã cố tình im lặng là Nga đang tìm mọi cách để Mỹ phải rút khỏi Afghanistan. Vấn đề cũng là ở chỗ Nga đang tìm cách đè bẹp, lấn át Mỹ nơi nơi, theo sách lược toàn cầu của Vladimir Putin. Do đó, vấn đề chính là ở tình bạn thủy chung của ông Trump!

Chớ bao giờ được quên sách lược tái dựng đế chế Nga của Putin trong cả 20 năm qua, bởi vậy mà đầu tháng này ông đã sửa hiến pháp Nga đề ông được ở trong Điện Cẩm Linh cho đến năm 2036 – khi ông đã lên 84 tuổi (dân Nga đã bỏ phiếu “dân chủ” đồng ý việc này, khi Putin dựng lên chiêu bài chủ nghĩa dân tộc để người Nga ủng hộ ông như sa hoàng đời nay). Bao giờ  Putin cũng nêu lên “lỗi lầm” của Mikhail Gorbachev khi giải thể Liên Xô năm 1990 và thu nhỏ tầm ảnh hưởng của Nga lên toàn thế giới. Từ khi lên cầm quyền từ năm 2000 đến nay (làm thủ tướng cho Tổng thống Boris Yeltsin), Putin, một người được đào tạo từ lò tình báo Nga KGB nhiều kinh nghiệm, đã tìm cách tái lập đế chế, tái buộc ảnh hưởng và kiểm soát của Nga lên những nước chung quanh, trước đây là chư hầu hay vệ tinh của Nga. Trước hết là 14 nước trong khối Liên Xô, sau đó là những nước Đông Âu trong khối COMECON (Tiệp Khắc, Ba Lan, Đông Đức, Bulgaria, Romania, Hungari). Dĩ nhiên, mưu định này đã gặp nhiều thách đố vì những nước này đã giành lại được độc lập, và được ủng hộ từ khối NATO/Liên Âu – có Mỹ đứng đàng sau từ bao lâu nay. Bởi thế, Nga đã tìm cách phá mối quan hệ hợp tác tin cậy giữa Liên Âu và Mỹ, NATO và Mỹ, và Nga đã thành công đáng kể khi Mỹ dưới thời ông Trump đã ngày càng lạnh nhạt với những đồng minh châu Âu truyền thống. Gần đây, Mỹ đã thông báo rút bớt 1/3 lực lượng Mỹ đóng tại Đức. Putin vỗ tay, hoan nghênh Trump yêu chuộng hòa bình!

 Chớ quên rằng Nga đang tìm cách làm Mỹ suy yếu thế lực và rút lui ở khắp nơi trên thế giới – vì biết Mỹ dưới thời Trump cũng chủ trương “America First”, cho nên “Make America Great Again” bằng cách rút lui. Những giá trị căn bản của Mỹ độc lập, tự do, dân chủ đang trở nên huyễn hoặc, khôi hài khắp nơi. Ở Trung Đông, sự rút lui của Mỹ là rõ rệt nhất, cụ thể là ở Syria, Iraq, Afghanistan... Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập tự do hơn bao giờ hết trên con đường độc tài. Và ai sẽ thay thế Mỹ ở những nơi này? Putin đã nói “Có tôi đây”. Ngay cả ờ Nam Mỹ, Mỹ nay chẳng muốn dính líu với chuyện của nước nào, làm cho người dân Venezuela vỡ mộng. Bức tường ông Trump muốn xây để ngăn cách Mỹ với Mễ đã nói rõ điều đó.

Cũng chớ quên mục tiêu trưóc mắt có tính chiến lược của Nga đối với Mỹ hiện nay chính là đẩy Mỹ ra khỏi Afghanistan, để trả thù việc hơn 30 năm trước, Mỹ đã cung cấp viện trợ, vũ khí chống máy bay hiện đại để quân cách mạng Hồi giáo (mujahideen) ở Afghanistan, trong đó có Taliban, đẩy Nga ra khỏi nước này. Nga đã cố giữ Afghanistan trong hơn 10 năm, và đã thiệt mạng hơn 15,000 lính, nhưng cuối cùng phải rút năm 1989 vì tổn thất ngoài khả năng chịu đựng của Nga – nhất là trong thời Liên Xô đang tan rã. Chẳng có Mỹ, lực lượng mujahideen có thể đã bị tiêu diệt trước đó. Bây giờ Nga đang hỗ trợ kẻ thù cũ (Taliban) mấy chục năm trước đánh đuổi một lực lượng (Mỹ) từng là đồng minh với họ!

Sau khi Al Qaeda tấn công vào New York tháng chín năm 2001, Mỹ vào Afghanistan năm 2001 đánh đuổi chính quyền Taliban ở Kabul vì Taliban chứa chấp Al Quada của Osama Bin Laden! Mỹ mắc kẹt cho đến nay vì Taliban ở trong vùng rừng núi vẫn mưu toan lật đổ chính quyền tại Kabul mà Mỹ đã dựng lên. Trump muốn làm lịch sử bằng cách rút Mỹ khỏi Afghanistan, nhưng cuộc thương lượng chưa ngã ngũ vì Taliban vừa đàm nhưng cũng vừa gia tăng khủng bố, sát hại người dân. Ông Trump cũng cho thấy điên có hạng khi mời Taliban đến Camp David vào đúng ngay 11-9 năm ngoái để bàn về hòa ước, quên rằng bàn tay Taliban còn vết máu của hơn 3.000 người chết vì vụ khủng bố 18 năm trước, chúng có thể chùi vào người ông!

Trật tự thế giới từng làm vai trò lãnh đạo của Mỹ nổi bật đã trở thành “disaster” và “disorder” từ khi ông Trump cầm quyền. Nói tóm gọn, đâu đâu Mỹ cũng thối lui trước Nga vì ông Trump thối lui trước Putin.  Đó là chuyện tình nghĩa vì Putin đã giúp ông Trump phá bà Clinton trong bầu cử năm 2016. Và nay Trump yêu cầu Tập Cận Bình giúp ông phá Joe Biden trong bầu cử 2020! Ông Trump đã ăn nói, hành động rất kỳ, vì hai lý do: thứ nhất, ông là vua, cũng như bao nhiêu bạo chúa khác thời nay như Putin, Tập, Erdogan... nói gì cũng được, làm gì cũng được; thứ hai, lợi ích cá nhân của ông cũng chính là vì lợi ích đất nước, cho nên ông phải được “miễn qui trách” (luận điểm ông đưa ra trước tòa án liên bang để giải thich vì sao ông tìm cách buộc chinh quyền Ukraine phải điều tra cha con Joe Biden).

Để bào chữa, ông cứ nói chẳng ai hiểu được chiến lược thế giới từ đầu óc thiên tài rất ổn định của ông, và như thường lệ ông cảm khái trên mạng “Ta là Chiến sĩ đơn độc” (lone warrior). Con trai của ông Eric Trump cũng tức thì đáp “Yes, you are. But America loves and appreciates you”. Nhưng tức thì có người an ủi ‘Ông chẳng cô độc đâu. Ông còn có Nga và Tàu bên cạnh”. Người khác: Ông chẳng phải là chiến sĩ. Ông tránh được chiến trận nhờ sưng gót chân”. Ông là chiến sĩ đơn độc trong chiến tranh VN. Ông “home alone” trong khi những chiến sĩ thực sự đều ra trận”. Một người khác nữa: “Chiến sĩ đơn độc? Mẹ kiếp. Một kẻ hèn nhát đáng tởm”...


 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top