AI CAN ĐẢM HƠN AI?
• Hoàng Ngọc Nguyên
Trong ngày 30-4 năm nay, kỷ niệm 45 năm ngày chế độ Saigon sụp đổ và xe tăng của Việt Cộng ủi sập cổng Dinh Độc Lập, những người đang mang nỗi hận ly hương đã không có dịp nghe bài “Saigon ơi vĩnh biệt” chỉ vì con vi khuẩn Corona. 30-4 là một ngày lịch sử mà chúng ta cần tưởng niệm, ít nhất là để nhìn lại, để hiểu nguồn gốc của mình nay đã nhạt nhòa trong tâm trí của nhiều người bởi vì những thử thách và cố gắng trong hội nhập vào một đất nước đa chủng, đa văn hóa.
Thế nhưng, chúng ta cũng nghe từ Việt Nam một phát biểu kinh khủng một cách “can đảm” từ lãnh đạo Hà Nội. Cũng vì COVID-19 mà người ta không thể tổ chức diễn hành chiến thắng, nhưng người lãnh đạo Bắc Bộ Phủ vẫn lên tiếng. Thế nên chúng ta mới nghe phát biểu từ Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng quốc phòng, về sự “thành công” của đường lối “hòa hợp hòa giải dân tộc” của “chính quyền cách mạng” sau ngày 30-4 năm đó. Những gì ông nói đã thể hiện một sự ngu xuẩn, gian trá và đạo đức giả nơi lãnh đạo Hà Nội hiện nay, đáng lo ngại cho trăm triệu dân trong nước ngày nay.
Người ta trích dẫn lời ông ta nói. “Hòa hợp, hòa giải dân tộc đã thành công. Chiến thắng này đem lại lợi ích cho cả người thắng lẫn kẻ thua và thời gian đã chứng minh điều ấy. Những năm đầu sau 1975, hận thù rất lớn, nhất là từ những người từng làm việc ở chế độ cũ. Tâm tư về sự thua cuộc của họ rất nặng nề. Điều đó khiến chúng ta trải qua giai đoạn rất khó khăn về hòa giải dân tộc. Chúng ta vừa phải giúp người dân nhận thức vấn đề thật đúng đắn, đồng thời khẳng định có kẻ thắng, người thua, không thể hòa cả làng…”
Hòa hợp hòa giải dân tộc đã thành công? Có “hòa hợp hòa giải” đâu mà thành công hay không thành công.
Chúng ta nghe đến mấy chữ “hòa hợp hòa giải” từ Hiệp định hòa bình 1973 mà Saigon bị ép buộc ký mặc dù không can dự trực tiếp vào cuộc thương lượng hình thành từ mật đàm giữa Henry Kissinger và Lê Đức Thọ để xem ai man trá hơn ai.
Nếu có hòa hợp, hòa giải thì Bắc Việt đã phải rút quân ra khỏi miền nam từ năm 1973 cho hợp “chánh đạo”. Nếu có hòa hợp hòa giải thì đã không có chinh sách “khoan hồng” bằng cách bỏ tù cả trăm ngàn người không thời hạn, và phỉnh phờ, lừa dối gọi đó là “tập trung học tập cải tạo”. Nếu có hòa hợp hòa giải dân tộc thì đã không có “cải tạo công thương nghiệp”, thực chất không chỉ là “tiêu diệt tư sản mại bản” mà còn nhằm vào lớp tiểu tư sản ở thành thị. Nếu có hòa hợp, hòa giải dân tộc thì Cộng Sản Hà Nội đã không dẹp tức thì gánh hát Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam của Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát ngay sau khi vãn tuồng tháng tư năm 1975. Đánh tư sản, cải tạo công thương nghiệp chính là một hình thức răn đe ngưòi dân Miền Nam về tội trước đây đã không bao giờ chịu đi theo “cách mạng” mặc dù người ta đã ít nhất hai lần mở cửa bằng hai chiến dịch tàn sát Mậu Thân 1968 và Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972.
Chiến thắng này đem lại lợi ích cho cả người thắng lẫn kẻ thù? Lợi ích cho người thắng thì rõ rồi. Lợi ích ngày càng chồng chất, 45 năm sau càng thấy rõ nơi quyền lực tham nhũng, bè phái, tài lực giàu sang của giai tầng lãnh đạo “chuyên chính hữu sản” (chỉ có giới cầm quyền độc tài mới có tài sản) Hà Nội.
Còn lợi ích cho kẻ thù? Ông Vịnh có điên không. Vào trại “học tập” dài hạn mút mùa, “hết ngày dài lại đến đêm thâu”, và gia đình đi kinh tế mới để hiểu thế nào là “đất cày lên sỏi đá”, là lợi ích chăng?
Hận thù rất lớn? Hòa hợp hòa giải cách đó làm sao chẳng có hận thù, nhưng nếu hận thù “rất lớn” thì đã có “mặt trận giải phóng” rồi. Thật ra, có hận thù nhưng đối với nhiều người chẳng là “rất lớn”. Bởi vì những người từng đi “học tập” như chúng ta vẫn phải nhìn đến thực tế, hướng dến tương lai, và tất cả vì con cháu đời sau.
“Khẳng định có kẻ thắng người thua, không thể hòa cả làng”. Chẳng ai chui đầu vào “trại cải tạo” mà mơ tưởng “hòa cả làng” cả, vì làm sao “hòa cả làng” được với cộng sản, từ Nga, sang tàu và nay là Việt Nam. Cho dù là giữa những người đồng bào, cùng máu mủ dân tộc. Chỉ có kẻ thắng mang mặc cảm vì gian dối lường gạt và sau lưng mình còn có Nga, có Tàu cho đến phút cuối.
Người ta còn trích lời ông Vịnh nói “Việt kiều từng làm việc cho chế độ cũ”nay có thể “về nước với tâm lý thoải mái, không hề bị kỳ thị, miễn là họ yêu nước, tuân thủ luật pháp, họ được chào đón, tạo công ăn việc làm lẫn điều kiện để thường xuyên quay trở về.”
Vịnh điên thì không điên, nhưng ngu thì chắc có. Đã 45 năm trôi qua. Việt kiều nào “từng làm việc cho chế độ cũ đang về nước và được tạo công ăn việc làm lẫn điều kiện để thường xuyên quay trở về”? “Miễn là họ yêu nước”! Điều kiện khó quá! Hay điên quá! Người trong nước có yêu nước không mà đòi Việt kiều yêu nước? Hay ngay cả đảng viên cũng âm thầm tìm cách bỏ nước ra đi, không nói gì đến người thường! Ông không nói đến chuyện mỗi năm kiều hối (tiền Việt kiều gởi về nước) hàng tỷ, làm sao vòng tay không rộng mở, miệng không cười được?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vốn là con của Thượng tướng Nguyễn Chí Thanh, người từng chỉ huy quân miền bắc đánh miền nam cho đến khi bị tử thương năm 1967. Con vua thì lại làm vua, con sãi giữ chùa lại quét lá đa, thế thôi.
Ông cũng “tế nhị”, cho nên không kết án “đế quốc Mỹ”, bởi vì Tồng thống Mỹ ngày nay quá nâng niu chiều chuộng Hà Nội trong cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông, và Tồng thống cũng đã giải thích vì sao ông trốn lính trong thời chiến tranh Việt Nam 45-50 năm trước. It’s a terrible war!
Phải nói ông là người can đảm tầm cỡ ông Vịnh, vì chưa có tổng thống nào trước đây dám “nói thẳng, nói thật”như thế. Và ông dám nói công khai, không phải ở Mỹ là nơi có đông đảo người Việt quốc gia đang tỵ nạn, mà ở bên Anh, tức nói với quốc tế, không ngại người ta nhắc đến thành tích của ông, từng khéo léo trốn tránh cuộc chiến tranh Việt Nam nhờ bốn lần được hoãn dịch: hai năm vì lý do học vấn, hai năm vì lý do bệnh tật (sưng xương trong lòng bàn chân). Đương nhiên nhờ cha ông khéo chạy – như chính con ông bác sĩ cấp giấy này tiết lộ. Ông nói ông hài lòng đã tránh được chuyện đi lính, “một cuộc chiến tệ hại”.“Tôi từng nghĩ rằng nơi đó xa, xa lắm; vào lúc đó, chẳng ai biết nước này. Nhiều người chết. Như thế chuyện gì đang xảy ra ở nước này. Bởi thế, tôi chẳng ưa thích gì cuộc chiến đó”.
Ông can đảm ở chỗ dám cho mọi người biết tuy là tổng thống, ông vẫn chẳng cần học hỏi gì thêm về lịch sử nước Mỹ, hiểu gì hơn về cuộc chiến Việt Nam đó. Ông chẳng cần biết chiến tranh lạnh là gì (cho dù ông lớn lên trong thời đó), vai trò và trách nhiệm lãnh đạo của Mỹ đối với Thế giới Tự do, và vị trí tiền đồn của Miền Nam VN ngăn chận làn sóng đỏ tràn đến Đông Nam Á. Đó là chuyện hiển nhiên, chẳng thể tranh cãi – cho dù chẳng phải ai cũng nhìn thấy.
Ông cũng can đảm ở chỗ không cần biết có những cộng đồng người Việt tự do ở các tiểu bang. Cộng đồng của boat people. Có lẽ ông chỉ cần biết trong cộng đồng cũng có những phần tử “cầm chuông” bắt chước người Mỹ trắng, những người không cần biết ông đã nói gì, làm gì.
Ông nói ông không đi lính thời đó không phải vì ông không yêu nước. Và nay để “bù đắp” cho thiếu sót thời đó, ông tăng ngân sách quốc phòng lên mức chưa tổng thống nào trước đây dám làm.
Thượng nghị sĩ Tammy Duckworth thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang Illinois đã trả lời đích đáng: Ông đã ăn cắp ngân sách quốc phòng để chuyển qua biên giới ngăn chận di dân”. “Chỉ có một cách nói... ông là kẻ trốn lính. Đến mức ông không nhớ bị đau thế nào. Ở chân nào”. “Bao nhiêu thanh niên đã đáp lời kêu gọi của Tổ quốc... Họ đã hy sinh... cho những người bịt tai, nhắm mắt và quấn chăn quanh mình”. Bà Duckworth người Mỹ gốc Thái bao đời, tổ tiên và cha ông đều từng phục vụ quân đội Mỹ từ Chiến tranh Cách mạng (1775-1783) , qua Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến. Bà năm nay 52 tuổi, từng là trung tá trong quân đội Mỹ, đang làm luận án tiến sĩ chính trị học tại Northern Illinois Univeristy thì được điều qua chiến tranh Iraq năm 2004, nơi mà bà bị trọng thương cưa cả hai chân. Cuộc chiến này của ông Bush con đương nhiên sai lẩm “gấp ngàn lần” so với chiến tranh VN, là một cuộc chiến thực sự có chính nghĩa.
Như vậy, nhân ngày 30-4 năm nay, 45 năm nhìn lại, chúng ta có thể nói gì với nhau? Thế hệ của những người đã từng sống qua, lớn lên dưới chế độ Saigon, đã từng biết chuyện tù tội, đã trải qua nhọc nhằn khôn kể của những ngày “ăn cơm còn độn khoai mì”, cần nói gì với thế hệ may mắn hơn lớn lên sau này trên đất Mỹ, về cuộc chiến tranh Việt Nam, chinh thức thì từ 1960-1975, nhưng có thể phải nhìn ngược lại xa hơn 10-15 năm. Hiểu biết lịch sử chỉ làm cho con người vững vàng hơn là để cả một khoảng trống trong đầu mà không biết!
Chúng ta cần phải ý thức hơn về một thời đã mất – thế hệ sắp qua và những thế hệ đang tới... Tuy thế, những phát biểu này của ông Vịnh và ông Trump vẫn “có ích, vì làm cho chúng ta có thể nhận thức rõ hơn về nhu cầu giao lưu thế hệ, để cho những thế hệ trẻ vốn biết rất ít về lịch sử, lịch sử Mỹ cũng như lịch sử Việt, biết được nguồn gốc, ngọn ngành của mình. Không thể xem nhẹ câu hỏi về “identity” được. Nhất là sau khi đã nghe một tổng thống dám thốt lên “it is a terrible war” và ông chưa bao giờ là“fan”của cuộc chiến đó.