• Hoàng Ngọc Nguyên - Nguyễn Thị Phương: THƯA THẦY, CON ĐÂY

THƯA THẦY, CON ĐÂY

• Hoàng Ngọc Nguyên - Nguyễn Thị Phương




Nhìn quanh đi quẩn lại, thầy Trần Long hầu như nay là người duy nhất tôi xưng con khi nói chuyện.

Đương nhiên, tôi luôn luôn nhớ đến thầy Thúc.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc, nay cũng phải xấp xỉ 100, chẳng những là thầy dạy tôi những môn rất quyết định mà thầy còn có tính quyết định không kém trong “sự nghiệp” đời tôi. Thầy dạy tôi “kinh tế học nhập môn” trong năm nhập môn của Trường Chính trị Kinh doanh – Viện Đại học Dalat năm 1964, và môn Chính sách Kinh tế năm thứ nhất 1965. Những môn rất căn bản này đương nhiên đã mở cửa cho tôi đi vào thế giới kinh tế sau này. Điều đáng nhớ là tất cả những phức tạp của kinh tế vi mô và vĩ mô đã được truyền đạt một cách học thuyết khúc chiết nhưng tiếp thu được (tôi không dám nói dễ hiểu).

Sau đó, khi thầy là đồng chủ tịch Ủy ban Chương trình Kinh tế Hậu chiến với Giáo sư David Lilienthal từ thời chính quyền Johnson, tôi đã có dịp phỏng vấn, với tư cách phóng viên của tờ The Saigon Post, một chuyên gia cao cấp  phụ tá cho thầy là Giáo sư Nguyễn Như Cương, cũng là thầy dạy môn “Phát triển Kinh tế” năm  thứ nhất nói trên - một môn cực kỳ hữu ích và một thầy giáo cực kỳ uyên bác. Đương nhiên, giáo sư Thúc đã đọc bài viết này về Chương trình Phát triển Hậu chiến tôi viết trên tờ Saigon Post.
Vào năm 1971, khi tôi đang học Cao học Quốc gia Hành chánh và bị Giáo sư Nguyễn Quốc Trị trị, đưa ra hội đồng kỷ luật để có biện pháp “chế tài” vì tôi ham làm báo không lo học, thầy Thúc, trưởng ban của hội đồng này, nhận ra tôi ngay. Thầy cười và tha bổng “ông nhà báo”.

Cứ tưởng tượng tôi mà bị đuổi học năm đó! Chẳng những bằng cấp cao nhất của tôi đến bây giờ vẫn chì là cử nhân CTKD, mà ngay vào lúc đó, chỉ có một con đường vào trường Thủ Đức tức thì, nếu không trốn lính! Không chừng chiến tranh Việt Nam sẽ kết thúc khác đi!

Thầy Thúc ở xa quá, tận bên trời tây. Con không thể đi thăm thầy được.
Làm sao tôi có thể có dịp gặp – nhất là trong thời buổi Cô-Vy. E rằng trong đời này tôi sẽ chẳng có dịp nói chuyện và xưng con với thầy. Ngẫm nghĩ lại, chỉ có thầy Trần Long là người duy nhất tôi nay còn có thể xưng con.

Khi nói đến các thầy đi qua đời tôi, tôi lại nghĩ đến thành ngữ: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư”. Tôi không thể quên được thầy Lương Đức Hợp, qua đời năm ngoái mà tôi phải ân hận mãi không gặp được thầy một lần trước khi thầy đột ngột ra đi. Cách đây 5 năm, tôi đã gặp thầy tại Orange County, ngay tại văn phòng luật của thầy, và tôi nói với thầy tôi bắt đầu biết đến sự thách đố đầy kích thích của toán học là nhờ hai năm học toán đệ thất và đệ lục với thầy ở trường Trần Lục Tân Định. Tôi theo đuổi toán từ đại số đến hình học, rồi vi tích phân (calculus) và hình học không gian trong cả thời trung học cũng bắt đầu từ đó. Và chính toán học đã tạo nên khả năng lý luận, diễn dịch nơi con người của tôi. Tôi nói: Thế nào con cũng gặp thầy lại. Mong ước đó đã không hiện thực được.
Một thầy nữa tôi cũng không thể nào quên nhắc đến bởi vì nhờ có thầy mà tôi biết đọc, biết dịch và biết viết tiếng Anh và cho đến bây giờ vẫn còn thích đọc, thích dịch, thích viết như thế. Thầy Lê Hữu Phụng đã bắt đầu dạy từ đệ tứ B3 trường Chu Văn An. Rồi đệ tam B6. Thời đó thầy còn trẻ nhưng có vẻ ốm yếu và lưng hơi còng. Nhưng đầu óc bao giờ cũng sắc sảo. Tôi nhớ mãi lời thầy trong “lưu bút ngày xanh” của tôi: “Rồi thời gian sẽ qua đi. Tất cả sẽ chóng trở thành quá khứ. Nhất là tập lưu bút này...” …và thầy khuyên “Với niềm tin, sự nhiệt thành, và sự kiên nhẫn” con người đếu có thể vượt qua đươc mọi trở lực đến thành công. Lời thầy phê cuối cùng cho tôi, năm đệ tam: “Thông minh, học giỏi, chịu khó đọc. Hạnh kiểm tốt” (nhất Anh văn trong lớp).  Học bạ còn đó. Nói có sách, mách có chứng.

Đầu tháng sáu này, tôi được hung tín thầy Trần Mộng Hải vừa qua đời tại Westminster, thọ 89 tuổi.  Thầy dạy Việt văn hai lớp đệ ngũ và đệ tứ, Chu Văn An, thế nhưng học trò nào cũng biết thầy chỉ thích thi hào Lamartine của Pháp (Objets inanimés avez vous donc une âme...)  . Thời đó có lẽ Việt văn của tôi kém lắm, hoặc trong lớp tôi lơ đãng lắm. Thầy phê vào học bạ năm đệ ngũ, tôi còn giữ “Cần ý tứ hơn” (đệ I LCN), “Phải chú ý nhiều” (đệ II LCN); năm đệ tứ: “Phải ý tứ hơn” (đệ I), và may thay “Có tiến” (đệ II)... Có lẽ nhờ thế mà tôi dốc chí tập viết tiếng Việt. Từ năm đệ tứ, 1961, tôi đã được cộng tác miễn nhuận bút trên tờ Đuốc Thiêng...
Và đương nhiên, tôi phải nhắc đến công ơn đặc biệt tôi đã mang với hai thầy Thúc và thầy Cương – vì kinh tế chính là ngành kiến thức (lợi thế tương đối” tôi đã chọn cho mình. Và do đó tôi cũng phải kể đến bà Giáo sư Peter Ady của Đại học Oxford, và Giáo sư C. Brooklyn Derr của Đại học Utah và BYU. Đặc biệt, Brooke đối với tôi vừa là thầy vừa là người “bảo trợ”, vừa là bạn và đồng tác giả!

Và còn một người vừa là thầy vừa là “anh em” - chính là Nguyễn Ngọc Linh. Chẳng có lớp báo chí của thầy ở Việt Tấn Xã, Saigon Post đã chẳng tìm ra tôi. Tôi và thầy biết nhau vì tôi thân với Nguyễn Ngọc Phách, em của thầy, từ những ngày thầy là chủ tịch công ty Mekong trên lầu 7 Caravelle ở Saigon trước 1975. Tôi ở trong nhóm Saigon Enquirer và Vietnam Forum của anh Phách do Vietnam Council on Foreign Relations bảo trợ. Thầy Linh là chủ tịch council này, thầy luôn gọi tôi là em hay “mày” và gần gũi với tôi vô cùng trong chuyện báo chí. Thầy mất đột ngột, ý định của thầy đồng tác giả với tôi một tác phẩm về người Việt tha hương đã không thành.

Và cuối cùng là thầy Trần Long. Last but not least. Thầy là người duy nhất nay tôi còn xưng con khi hầu chuyện. Ngoài các thầy, những người duy nhất tôi từng xưng con nay không còn nữa - cha mẹ của hai chúng tôi. Chú bác cô dì không còn, mà thường tôi cũng chỉ xưng cháu.

Thầy Trần Long là giáo sư kế toán từ năm nhập môn. Kế toán là ngành chuyên môn của thầy. Cho nên thầy soạn tập bài học kế toán rất công phu. Nhưng cũng rất dể đọc, dễ hiểu. Tôi còn nhớ những ý niệm căn bản về balance sheet, assets và liabilities... Hay bảng lãi lỗ... Nhờ thế, chúng ta có những ý niệm về tính toán trong cuộc đời, cái gì mình có, cái gì vay mượn, cái gì phải trả, đừng vay mượn quá lố, đừng chi tiêu quá lố, phải luôn nhìn current assets của mình - nếu biết suy gẫm!

Nhưng tôi cũng như rất nhiều cựu sinh viên CTKD vẫn nhớ thầy nhiều nhất trong vai trò, chức năng, trach nhiệm của người khoa trưởng đầu tiên của Trường Chính trị Kinh doanh. Trường CTKD mới được sáng lập năm đó, và vai trò sáng lập mà thầy góp phần lớn trong đó chẳng thể không nói đến. Dĩ nhiên, sáng kiến của lãnh đạo Viện Đại học Đalat là mạnh dạn, chúng ta không bao giờ có thể quên Cha Nguyễn Văn Lập trong quá trình phát triển của trường. Nhưng phân tích cho cùng, chính vị khoa trưởng đầu tiên đứng mũi chịu sào là nguồn lực đi tới,  là người mở đường, dẫn dắt trong giai đoạn nhiều thử thách nhất (của cuộc chiến).

Trường CTKD là một sáng kiến có tính “cách mạng”. Trường phù hợp với nhu cầu của thời đại, chuyển một nền giáo dục đại học quốc gia chịu ảnh hưởng “từ chương” của giáo dục Pháp qua mục đích thực tiễn của giáo dục của Mỹ, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế và văn hóa xã hội. Sự cải cách này phù hợp với xu thế thời đại, khi Miền Nam đang trải qua những thay đổi trong lối sống có tính Mỹ hóa về kinh tế, chính trị, xã hội. Kinh tế đã chuyển qua “CIP” - viện trợ theo chương trình nhập cảng thương mãi hóa - mở đường cho một hướng phát triển mới sau này. Trước đây, phần lớn người tốt nghiệp tú tài chỉ chọn được cửa văn khoa hay trường luật hay khoa học, đến mức có thể nói “cái học thời nay đã hỏng rồi”. Trường CTKD là một sự dung hợp giữa Trường Quốc gia Thương mại và trường luật. Trường đã làm cho người học và tốt nghiệp có một nhãn quan, hay khảo hướng, “tham dự thực tiễn” về sự lựa chọn nghề nghiệp khi ra trường. Bởi thế, chẳng lấy làm lạ khi sau này Đại học Vạn Hạnh, Minh Đức đều đi vào hướng này, kể cả Đại học Mekong của Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh.

Tôi vẫn cho rằng học trình của trường CTKD là tuyệt, chẳng cần gì phải nói đến trường  nước ngoài, nhất là khi trường còn mời được những người giảng dạy hàng đầu. Về thực hành, sinh viên học những môn như kế toán đại cương, kế toán kỹ nghệ, kế toán ngân hàng, quản trị kinh doanh (Phó Bá Long), toán kinh thương và thống kê (Ngô Đình Long, Nguyễn Văn Mừng)... Về lý thuyết tạo căn bản tư tưởng, sinh viên đã học kinh tế học rất căn bản (lý thuyết, chính sách và phát triển), chính trị học và cả luật. Chắc chắn chúng ta hãnh diện đã có những vị thầy như Trần Văn Tuyên, Vương Văn Bắc, Trần Chánh Thành, Bùi Chánh Thời. Và cũng không thể quên được môn Nhiệm vụ học của Linh mục Bửu Dưỡng, bởi vì chủ nghĩa tư bản chỉ đi đúng hướng khi ngưòi ta có ý thức về đạo đức kinh doanh.

Nhìn lại những kỷ niệm thân yêu về mái trường của mình, chúng ta tiếc là cuộc chiến tranh phá hoại của Viet Cộng đã làm cho trường CTKD đã không phát triển được như ý muốn và sinh viên ra trường cũng không phát huy được năng lực của mình cho “thỏa chí bình sinh”. Trường CTKD vốn có tham vọng chính đáng, như chúng ta nhớ lại cuộc hội thảo “Mục tiêu Quốc gia” được tổ chức vào năm 1967. Thời thế đúng là đã làm cho mộng ước không thành.

Thời thế đã làm cho mộng ước không thành, nhưng mạng Thunhan1-2@yahoogroups.com và Diễn đàn Thunhan.org cho thấy chúng ta vẫn còn đó, Trên đó có thầy. Thầy quan hệ nhiều với các cựu sinh viên trong 45 năm qua – kể từ khi phải bỏ nước đi vào kiếp tha hương. Đó là điều rất đặc biệt ở thầy. Chúng ta chẳng thể kể được có giáo sư nào trong những năm đó lại tham gia vui vẻ vào diễn đàn này. Ngoài thầy. với những email thăm hỏi, nhắc nhở, góp ý, và bông đùa. Và chẳng ngại khi một số thành viên quên sự có mặt của thầy mà buông ra trên mạng những lời không kiêm soát được.

Thầy Trần Long chẳng những là thầy mà còn hơn là một người thầy đối với chúng tôi - những cựu sinh viên trường Chính trị-Kinh doanh Viện Đai học Dalat. Một người thầy bình thường, trung học, và nhất là đại học, thường giữ một khoảng cách với trò, và quan hệ chóng chấm dứt  với thời gian trôi qua. Nhưng thầy Trần Long cho đến bây giờ vẫn khắng khít, thân ái với sinh viên như những ngày còn lui tới trên những giảng đường Spellman.

Từng điều hành một trường CTKD nhiều thử thách mới lạ như thế, thầy Trần Long chưa hề một lần “kể công”. Sự thực là Trường CTKD là một mái trường lớn, tuy chúng ta bất hạnh nên không bao giờ thấy được mái trường mẹ nữa. Trong thành công ít nhiều của mỗi chúng ta, trước cũng như sau này, đều có những năm lớn lên từ ngôi trường này. Ngay cả sự tồn tại của chúng ta trong một thời thử thách của lịch sử.


Xưng con với thầy đương nhiên cũng phải xưng con với cô. Thầy với cô tuy hai mà một. Ít nhất từ 56 năm qua mà chúng ta đã biết. Hai mà một chỉ là một cách nói. Thầy và cô còn hơn thế nữa. Chẳng có cô, thầy chẳng có. Chẳng có thầy, làm sao có cô?

Nhưng đó là chuyện giữa thầy và cô.

Con nói giỡn. Chinh là vì từ lòng thương yêu, kính mến.

Với tất cả lòng cảm kích và tri ân nhân dịp thầy bước vào tuổi 92 vì nhớ bài học xưa của  một người về thăm mái trường xưa và gặp vị thầy cũ của mình.

Hoàng Ngọc Nguyên - Nguyễn Thị Phương

 
Viện Việt-Học và chương-trình văn-nghệ chủ-đề \"Những Tình Khúc Mùa Thu\".
Viện Việt-Học trân-trọng kính mời Quí-vị tham dự chương-trình văn-nghệ được tổ chức vào Thứ Bảy, 19 tháng Mười năm 2024 lúc 3 giờ chiều.  Chương-trình do Nhóm Bạn Văn Nghệ QGHC và Thân Hưũ thực hiện với chủ-đề "Những Tình Khúc Mùa Thu".
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top