Phải nói Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư độc đáo nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong thời gian gần đây, ông có những phát biểu có tính lịch sử, chưa từng có, cho thấy ông là một nhân vật chính trị “historic” và “unprecedented” – giống như Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông độc đáo là phải!
Trước ông, chưa một tổng bí thư nào kiêm nhiệm chức chủ tịch nước như ông. Trước đây, để cho thấy đảng Cộng Sản Việt Nam tuy là “chuyên chính vô sản” nhưng cũng tôn trọng “dân chủ”, “tam quyền phân lập”, đàng là đảng, nhà nước là nhà nước, Quốc Hội là Quốc Hội, mặc dù nhà nước hay quốc hội thì cũng từ đảng mà ra, do đảng ta chỉ định, cho nên tổng bí thư đảng là một người, chủ tịch nước là người khác, chủ tịch Quốc Hội là người khác nữa, để tránh sự “lạm quyền” (abuse of power). Cho dù cả ba người tuy ba mà một, tuy một mà ba, đều từ đảng mà ra. Thế nhưng, như chúng ta có thể nhớ, sau khi loại trừ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2016, buộc đảng phải cho mình thêm một nhiệm kỳ tổng bí thư nữa cho đả cho dù đã tuổi già sức yếu, Trọng vẫn chưa thỏa mãn khi thấy những vĩ nhân chung quanh mình như Putin, Tập Cận Bình, Hun Sen, Duterte, Donald Trump đều có thể nắm quyền tuyệt đối và có người còn trọn đời. Cái chết của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang năm 2018 quả là cơ hội bằng vàng để cho thực hiện giấc mơ cải cách. Cho nên ông nói, tìm người thay thế làm chi, có tôi đây sẵn sàng hy sinh kiêm nhiệm. Làm cho bà Phó chủ tịch nước hỏng cẳng.
Ông Trọng tài tình ở chỗ người ta, nhất là cựu Thủ tướng Dũng, người Kiên Giang Miền Nam, vẫn nghĩ là sau nhiệm kỳ đầu làm tổng bí thư (2011-16), Trọng phải về hưu vì đã “quá date” (Trọng sinh năm 1944). Theo luật đảng, sau 70 là phải ca bài hưu trí. Dũng vì tưởng thế thật mà mất mạng chính trị, vì ông ta mơ rằng mình sẽ là người miền nam đầu tiên trong lịch sử (lại “historic” và “unpecedented”) được làm người đứng đầu của đảng. Nhưng Trọng là người Hà Nội đời nào chịu thua – thâm thúy nếu không nói là thâm độc hơn nhiều. Một mặt, ông “cho phép” đảng sửa đổi luật lệ để cho ông được đặc quyển thêm một nhiệm kỳ “vì sự nghiệp còn dở dang”. Mặt khác, ông đánh Nguyễn Tấn Dũng và cánh của ông ta trong đảng tơi tả, từ chuyện bè đảng tham nhũng đến gia đình trị và liên kết với “Việt kiều yêu nước” làm sui gia. Chúng ta đều biết Dũng phải hối hả về hưu, và người miền nam mất ghế thủ tướng, để cho một nhân vật dị dạng người miền trung (Quảng Nam-Đà Nẵng) thay chỗ Dũng.
Trọng là người Hà Nội thứ nhì thủ vai tổng bí thư của đảng. Người đầu tiên là Đỗ Mười. Ông này cũng có đến hai nhiệm kỳ, rút lui năm 80 tuổi chẵn, nhưng lúc đó chưa có qui định sau thất thập thì phài “qui khứ lai từ”. Ông Mười nổi tiếng vì nhiều chuyện. Chuyện xuất thân của ông, vốn là thợ sơn dạo ở Hà Nội, ai mướn thì làm. Không ai mướn? Ông theo đảng! Nổi tiếng về chuyện cải tạo ở Miền Nam, quyết diệt cho hết những người có tiền có của để cho hai miền đều vô sản như nhau. Chuyện xây dựng ở miền bắc, ông chủ trương không nhà nào được xây cao hơn những nhà khác để giữ vẻ mỹ tbuật bình đẳng xã hội chủ nghĩa nhà nào cũng như nhau. Và trong thời đổi mới, để chấm dứt tham vọng của ông Võ Văn Kiệt lên làm thủ tướng chính thức (ông Kiệt chỉ được làm quyền thủ tướng vài tháng thì bị bay) thay Phạm Hùng chết năm 1987, Mười, với sự ủng hộ của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nói rằng: ‘Chúng ta ai cũng như nhau, chẳng ai đổi mới hơn ai”. Võ Văn Kiệt tàn giấc mơ hoa và ôm mối hận ngàn đời với anh Mười Cúc (NVL).
Nguyễn Phú Trọng là người Hà Nội như Mười nhưng thâm hơn, có sự nghiệp chính trị vững vàng hơn. Ông ta xuất thân là một nhà “lý luận” của trường đảng Nguyên Ái Quốc, có thể đã tốt nghiệp “tiến sĩ” như hàng chục ngàn tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay, và là chủ biên Tạp chí Cộng Sản, tạp chí nổi tiếng sach sẽ, chỉ đóng bụi, nhờ không ai đọc. Sau đó ông lên từ từ, bắt đầu là bí thư Hà Nội, rồi chủ tịch Quốc Hội, rồi làm tổng bí thư đảng năm 2011, thay ông tổng bí thư thường ca bài “Quê em miền trung du, đồng suối lúa xanh rì”. Nông Đức Mạnh là người Bắc Kạn, cũng nổi tiếng với câu “Ai cũng là con cháu của Bác Hồ” khi được nhà báo Nayan Chanda hỏi ông có phài là con bác hay không.
Gần đây, Trọng bị tuyệt tích giang hồ cũng đến nửa năm, nghe nói vì bị suy tim như thế nào đó. Bí mật quốc gia, chẳng ai rõ. Có người đổ cho Dũng chơi Trọng. Người ta bắt đầu đoán non đoán già ai sẽ thay ông ta, vì nghĩ rằng ông ta bệnh và đã già, sinh lão bệnh tử, thế nào ông cũng nghĩ lại mà rút lui. Dũng cũng mừng. Ai ngờ ông lại tái xuất giang hồ, và xem chừng thẳng tay hơn trước trong việc triệt hạ các phe phái chống đối, với danh nghĩa đánh tham nhũng. Ở Việt Nam, tham nhũng đâu chẳng có. Nhưng chỉ nhằm vào tham nhũng trong hàng ngũ kẻ thù mà thôi. Nguyễn Tấn Dũng đương nhiên đứng ngồi không yên, chẳng biết có định dấy lên Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam hay không? Vấn đề là Băc Kinh vẫn ưa ủng hộ những người miền bắc dễ bảo tại Bắc Bộ Phủ hơn là người trong nam xa mặt trời nên cứng đầu. Quan hệ tốt đẹp giữa Trọng và Tập Cận Bình vẫn thường được nói đến cho dù Trung Cộng ngày càng hung hăng ở Biển Đông. Trung Nam Hải là thế lực lớn nhất của Bắc Bộ Phủ. Ông Dũng làm được gì?
Người ta biết ông Nguyễn Phú Trọng nhiều hơn các “đồng chí tổng bí thư” khác không phải chỉ vì ông nổi tiếng là “Trọng lú” mà vì những phát biểu mới nghe thì tưởng rằng sâu sắc của một nhà tư tưởng, lý thuyết, nhưng nghĩ kỹ thì cũng có vẻ “lú”.
Cách đây ba năm, ông Trọng đã nổi tiếng với phát biểu trong một phỏng vấn của báo chí nước ngoài (cho nên ông chuẩn bị cẩn thận lời ăn tiếng nói): “Chủ nghĩa cộng sản tốt hơn dân chủ” (Communism is far better than democracy). Ông nói chẳng thà độc đảng như ở Việt Nam còn hơn “độc tài đội lốt dân chủ”. Điều này chẳng sai: cộng sản là độc tài công khai, còn độc tài đội lốt dân chủ là lửa bịp. Nhưng ông Trọng phải hiểu độc tài đội lốt dân chủ thì không phải là dân chủ thực sự. Nói làm gì? Thực ra, điều ông Trọng nói cũng chẳng có gì mới, chỉ bắt chước Putin mà thôi. Ông Sa hoàng thời hậu chiến tranh lạnh từng nói: Dân chủ phương tây để làm gì khi chỉ biết phục vụ quyền lợi đảng mà không nhìn đến nhu cầu của người dân. Dân chủ Nga người dân trên hết, và người dân cũng chỉ chọn người biết lo cho mình.
Ông Trọng còn lú lẩn nói thêm: “Đảng Cộng Sản Việt Nam là một chế độ độc đảng nhưng chúng tôi có những nguyên tắc dân chủ và qui trách cho người lãnh đạo. Nếu không thế, việc làm tốt thì cá nhân được hưởng hết, còn việc xấu thi đổ cả cho tập thể” (Ông nói móc Nguyễn Tấn Dũng?). Ông cũng nói đảng của ông chẳng bao giờ có thể độc tài, rất khác với một số nền dân chủ, ở đó mọi quyết định thường chỉ do một người quyết đoán. “Ở đâu dân chủ hơn?” ông hỏi. Bởi thế, ông nói Việt Nam chưa cần chế độ đa đảng, chẳng ai muốn đa đảng làm gì. Nhưng ông quên rằng độc tài đảng trị còn nguy hiểm hơn độc tài cá nhân. Độc tài cá nhân thì dễ dẹp, còn độc tài đảng trị thì tính đến nay cả 90 năm rồi!
Trong những năm gần đây, phong trào đấu tranh đòi dân quyền, dân chủ ở VN đã nở rộ, kết hợp với việc chống tham nhũng và chống chủ nghĩa bá quyền của Trung Cộng. Phát biểu của ông Trọng phải được xem không chỉ là một biện minh yếu ớt cho một chế độ độc tài đảng trị và tham nhũng đảng dung dưỡng ở VN, mà còn là một cảnh cáo lạc hậu đối với những người mơ tưởng VN sẽ sớm có một chế độ tự do dân chủ trong thời đại ngày nay của thế giới. Thực ra, chinh vì cái thế giới toàn cầu hóa thoái trào ngày nay mà dân chủ xem chừng đang đi xuống. Ông Trọng nhìn Nga, nhìn Tàu và rung đùi: Ai cần dân chủ. Ông nhìn Mỹ và cả cười: Dân chủ như thế đó...
Nhưng sự hão huyền của ông Trọng xem chừng ngày càng “viễn mơ điên đảo mộng tưởng”. Trong một bài tờ Quân đội Nhân dân phỏng vấn ngày 20-1 vừa qua, ông “cảm khái”: “Có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với đảng CSVN.” Đúng là làm chính trị, càng lên cao, càng dễ có vấn đề tâm thần. Sự thực ngưòi dân Viwệt Nam ngày nay, “:nhân dân” bàng quan (không biết đến) trước chuyện chính trị nhiều nhất, lý do đơn giản họ không là đảng viên (số đảng viên hiện nay chỉ có khoảng 3.5% dân số), không bầu bán, ứng cử, tranh cử, bỏ phiếu gì thực sự, không có ý kiến về chính trị, và sự hiểu biết về đất nước vừa địa phương hóa vừa rất giới hạn đối với lịch sử, văn hóa...
Ngày 03/02, nhân lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng lại ca ngợi vai trò lãnh đạo “đúng đắn và sáng suốt” của Đảng, nói rằng, ngoài Đảng ta, “không có một lực lượng chính trị nào khác” có đủ khả năng lãnh đạo đất nước.“Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam trong 90 năm qua đã chứng tỏ, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân. Trong bài diễn văn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn định đến quan hệ “máu thịt” với nhân dân: “Gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng sẽ có sức mạnh vô địch. Trọng còn lấy gân hô to: “Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm!” như một đảng viên trung kiên lên đoạn đầu đài.
Làm sao ông Trọng có thể lú hay láo khi nói đến thành công trong sự lãnh đạo của đảng CS cũng như sự tin yêu “vô địch thế giới” của người dân. Một đảng đã làm công cuộc cải cách ruộng đât đến hàng chục ngàn người chết? Một đảng đã phải cho bộ đội đi đàn áp người dân Quỳnh Lưu Nghệ An nổi dậy? Thẳng tay trừng trị giới trí thức văn nghệ Nhân Văn Giai Phẩm “phản động”? Một đảng đã chủ trương tiến hành một cuộc chiến “giải phóng” diệt chủng với hơn 1 triệu đồng bào cả hai miền phải chết trong cả 15 năm, nổi bật nhất là vụ tàn sát Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968? Đã bắt giam cả trăm ngàn người tập trung học tập cải tạo vô thời hạn sau khi Miền Nam tự do bị thất thủ? Đã làm cho mấy trăm ngàn người phải liều mình vượt biên bỏ nước ra đi? Đã ôm chân hết Trung Cộng đến LiênXô để thực hiện cuồng vọng của mình. Đã tiến hành công cuộc cải tạo kinh tế xã hội chủ nghĩa chủ yếu làm cho nền kinh tế Miền Nam càng suy yếu như Miền Bắc? Đã đi theo một con đường kinh tế lạc hậu hơn 10 năm làm cho dân nghèo nước nhược để cuối cùng phải đổi hướng? Và ngay nay, sau hơn 30 năm đổi mới kinh tế theo định hướng chủ nghĩa xã hội, khoảng cách giàu (những người có quyền thế hay mượn quyền thế trong đảng) nghèo (giới công nhân, nông dân) còn khơi rộng hơn cả những nước “dân chủ giả hiệu”.
Người dân tin yêu? Hãy để cho 39 người bỏ nước ra đi đã chết trong xe đông lạnh ở bên Anh trả lời. Hãy để cho người dân ở Đồng Tâm trả lời. Hãy tính xem cho đến ngày nay, bao nhiêu người đã bỏ nước ra đi, chính thức hay đi chui để rồi biết bao người phải chết thảm. Mấy trăm ngàn người phải lao động ở nưóc ngoài, kể cả gái mãi dâm, vì chính khách “xuất khẩu lao động” tự do của nhà nước có quan hệ “máu thịt” với dân.
Theo một đánh giá của EIU, một tổ chức nghiên cứu và phân tích về kinh tế và chính trị của tuần báo Anh The Economist, Việt Nam xếp hạng 136/167 về Chỉ số Dân chủ trong năm 2019. Việt Nam được 3,08 điểm trên 10 điểm, vẫn nằm trong nhóm các nước “Độc tài” theo thang đánh giá của EIU về bốn chính thể từ “Dân chủ Trọn vẹn,” “Dân chủ Có Khuyết điểm”, đến “Hỗn hợp” và mức thấp nhất là “Độc tài”. Tong nhóm các nước độc tài ở Châu Á, Việt Nam “dân chủ hơn” Afghanistan, Trung Quốc, Lào và Triều Tiên nhưng thua Campuchia, Myanmar, Pakistan và Nepal. Chỉ có bốn Châu Á là Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Triều Tiên bị nhận điểm 0 trong đánh giá về tiến trình bầu cử và thể chế đa nguyên. Đây là một trong năm hạng mục được tính trong chỉ số dân chủ. Các hạng mục khác bao gồm hoạt động của chính quyền, các quyền tự do của công dân, sự tham gia chính trị, văn hóa chính trị.
Cũng trong ngày kỷ niệm 90 năm “ta có Đảng”, 26 tổ chức phi chính phủ (NGO) vừa ký chung một lá thư kêu gọi Nghị Viện châu Âu (EP) hoãn phê chuẩn thoả thuận thương mại tham vọng nhất giữa châu Âu và Việt Nam. Dự kiến, phiên họp phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định bảo vệ đầu tư (IPA) sẽ diễn ra vào ngày 11/2. Trong thư công bố ngày 4/2, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) nói rằng việc đa số nghị viên trong Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) đã bỏ phiếu ủng hộ thông qua thoả thuận vào ngày 21/1 vừa qua là một điều “đáng tiếc” vì nó đi ngược lại với quan điểm của Ủy ban Đối ngoại (AFET) của Nghị viện châu Âu và “làm ngơ” với các cam kết đã được lặp đi lặp lại trong vấn đề bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Đó là những điểm lẽ ra ông Trọng phải đề cập trong bài diễn văn hùng hồn của ông ngày 3-2 để khỏi mang tiếng “Lọng Tráo”.
• Chuyện Đời Nay, Thi Phương: Láo, không phải lú
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Hoàng Khoa
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng và hung hản. Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404