TỪ SƠN: Chuyện XHCN tưởng … giả mà thật, Được Nhìn Thấy Thiên Đường

Phụ Nữ

Chuyện XHCN tưởng … giả mà thật

Được Nhìn Thấy Thiên Đường

TỪ SƠN (Đặc San Lâm Viên)  

 


(Lời người viết: Vì nhân vật trong chuyện là một cán bộ cộng sản, bài viết có chứa nhiều từ ngữ của người VNCS, xin được thông cảm)

Hôm nay, tôi buồn lắm, buồn đến muốn khóc, vì biết rằng mình đã trở thành một hồn ma. Tôi đã bấm vào da thịt hoặc tự vả vào mặt mình để kiểm chứng lại rất nhiều lần, vì tôi vẫn không muốn tin rằng mình đã chết. Nhưng thật phũ phàng, cái chết của tôi là một sự thực không thể chối cãi. Tôi bước sang thế giới khác với sự tức tưởi, không cam tâm. Tôi đã được ưu tiên chích hai liều thuốc vaccine tốt nhất của Mỹ, cho nên chắc chắn tôi không mắc phải căn bệnh của cơn đại dịch quái ác đang giết chết rất nhiều người trên thế giới này. Dù vậy, tôi vẫn bị chết bởi một phương cách khác thật đơn giản, phi lý và quá vô duyên.

Ngay lúc đại dịch đang hoành hành trên thành phố, là một cán bộ lãnh đạo, tôi đã quên ăn bỏ ngủ, mở hệ thống  trực tuyến 24 giờ để kịp thời “chỉ đạo” cho nhân viên ở các chốt kiểm dịch. Trên bàn làm việc tại nhà riêng, trên đường dây điện thoại, tôi hết giải thích ý định muốn thực hiện của lãnh đạo với trực ban, thì lại phải lớn tiếng với cấp dưới, truyền ngay lệnh lạc đến các phường các quận, ngăn chận kịp thời những trường hợp các nhà xe, các doanh nghiệp hay những người dân không tuân thủ luật lệ, vô tình hay cố ý vi phạm chỉ thị 16, như mấy xe tải chở tạp hoá, mấy xe bồn chở xăng, mấy xe chở bình oxy, hay mấy xe chở sữa cho em bé, các loại hàng này không phải là “hàng hoá thiết yếu”, đâu có thể vận chuyển trong thời gian “giãn cách” được, bộ mấy nhà sản xuất không biết quy định của chính phủ hay sao mà vẫn cứ vi phạm? Muốn đi thì phải xin giấy phép, gấp quá xin không kịp thì phải biết cách “làm luật” sẽ được qua chốt, chứ khiếu nại ồn ào trên báo chí thì có ích gì? Báo chí có “xử lý” được cơ quan nhà nước không? Lại còn có “ông nào” đó tuyên bố bánh mì cũng là lương thực mới thật là buồn cười. Bánh mì sao gọi là lương thực được? Tôi đã chỉ đạo phải phạt nặng, để ông chừa cái tội ăn nói “linh tinh”.

Chắc là khi thực hiện công vụ, phải “sát sao” điều động cấp dưới, tôi đã la lớn, gào thét nhiều quá, nên lúc nửa đêm trong một đêm đầu tháng tám, tôi bị một cơn đột quỵ. Thần chết đã đến lấy đi mạng sống của tôi, khi tuổi đời của tôi vừa mới 50 còn rất sung sức. 

Nhớ lại hai năm trước đây, trên thế giới đã đột ngột xuất hiện con cúm covid 19, Việt Nam cũng không tránh khỏi. Giai đoạn đầu, mặc dù dịch đang hoành hành giết chết nhiều người trên thế giới, nhưng khi dịch đến Việt Nam thì rất ít người mắc phải, dịch vẫn trong vòng kiểm soát và bị dập tắt dễ dàng. Tôi đã từng cho người viết bài đưa lên các báo, đài truyền hình, ca ngợi hết lời về thành tích dập dịch của chính phủ ta, trên thế giới nhiều nước nhìn thấy rất là thán phục. Dịch đã trở lại hai ba lần, số ca nhiễm đều không đáng kể, nhưng đến lần thứ tư này, khi dịch vừa trở lại thì nó bùng phát dữ dội, số lượng ca nhiễm ngày một cao, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp làm cho một nhà lãnh đạo có bằng “tiến sĩ chuyên tu” như tôi, phải bị hoang mang, rối mù không biết đường nào mà lần. 

Xem kỹ lại các phương pháp lãnh đạo của các cụ đi trước, tôi rút được một nguyên tắc quản lý rất hiệu quả, là hễ việc gì ngoài khả năng kiểm soát là cứ cấm, cấm tất cả. Cấm, tức là mọi thứ phải dừng lại, không cho tiến hành hay thực hiện điều gì, ở đâu ở yên đó, và như vậy là ta sẽ kiểm soát được từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Cấm, lại có một tác dụng khác là tạo hoàn cảnh cho việc “chạy chọt”, quan hệ “ngoài luồng”. các hoàn cảnh “tế nhị” này lại rất phù hợp với “xu thế” của thời đại mới, và cũng là “đặc trưng” của chế độ hiện hành.

Theo tinh thần chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ, thành phố phải trong tình trạng xiết chặt “giãn cách xã hội” (từ ngữ “giãn cách xã hội” này đảng “mượn” tạm nhóm từ “social distancing” của tiếng Mỹ, nghe nói người Mỹ dùng nhóm từ này để chỉ một quy định về đi đứng của người dân khi có dịch covid 19, nhưng ở Việt Nam, nhóm từ trên được đảng định nghĩa khác đi: “giãn cách xã hội”, nói rút gọn là “giãn cách”, nghĩa là “đóng cửa tất cả”. Đâu có ai dám nghi ngờ cái định nghĩa này, vì từ trước đến nay, đảng đã nói ra tất nhiên là phải đúng). Đã có lệnh “giãn cách” mà nhiều người trong ban chỉ đạo phòng chống e rằng dân vẫn vi phạm, nên tôi đã ra lệnh “cấm” tất cả. Tôi cấm xe, cấm chợ, cấm lưu thông hàng hoá. Các chợ lớn nhỏ trong thành phố, tôi ra lệnh cấm “tất tần tật”. Thực phẩm hàng ngày cho gia đình, người dân lo toan cách nào là chuyện của họ.

Noi gương nước lớn Trung Quốc anh em, chấp hành lệnh cấp trên, và theo tiền lệ của các lần dập dịch trước, lần này cũng vậy, mỗi ngày sau khi tôi nhận báo cáo từ các quận huyện, nhất là từ các khu vực đang bị “giãn cách”, tôi đã cho phong toả các khu phố có các ca nhiễm, cho xe đến hốt hết những người bị bệnh F0 đưa đi bệnh viện chữa trị. Sau đó truy vết bắt hết những người từng tiếp xúc với người bệnh, gọi là F1, lập tức đưa họ đi cách ly tập trung.

Gọi là cách ly nhưng thật sự là nhốt họ lại với nhau giống như những tội phạm hình sự (nếu họ không đủ tiền thuê khách sạn bốn năm sao để tự cách ly), họ ăn ngủ túm tụm trong những cơ sở y tế chật hẹp bẩn thỉu, mấy chục người dùng chung một phòng vệ sinh. Dù chi phí ăn ở không cao trong các trại tập trung thô sơ này, nhưng nhà nước sẽ không bao giờ đài thọ, mà bắt buộc họ phải tự trả tiền. Như chi phí “test” (xét nghiệm) hai trăm ngàn một lần (mỗi tuần phải “test” 2 lần) và tiền ăn sáu mươi ngàn một ngày, nhân lên cho mười bốn ngày. Những người bi bắt phải đi cách ly, mà nếu họ nghèo không có tiền, thì thân nhân, dòng họ phải bán nhà hay mượn nợ. Cho dù bằng cách nào, thì họ cũng phải có đủ tiền giao nộp cho nhà nước, để nhà nước “đảm bảo cân đối nguồn thu” cho ngân quỹ quốc gia.

Nếu trong khu cách ly họ có lây bệnh cho nhau thì cũng không cần phải quan tâm lắm, vì đã có bộ đội, công an kềm cặp xiết chặt không cho họ tiếp xúc với những người bên ngoài, dứt khoát bệnh sẽ không có cơ hội lây lan ra cộng đồng.

Đó chính là “phương pháp” dập dịch rất khoa học và có hiệu quả, đã được thực hiện từ mấy mùa dịch trước, mãi cho đến bây giờ “phương pháp” ấy vẫn tốt, cho nên tôi đã tích cực “phát huy” với những biện pháp quản lý kềm cặp càng lúc càng tinh vi hơn.

Tôi đã chỉ đạo thực hiện việc phòng chống dịch khoa học như vậy, hiệu quả như vậy, những thành tích ấy vẫn đang chờ được đảng và nhân dân “biểu dương” nhân rộng, thì thật không may, tôi không được tiếp tục sống để phục vụ cho đảng, trong việc lèo lái nhân dân đi theo đúng con đường xã hội chủ nghĩa của đảng đã vạch ra.

Khi xảy ra cơn đột quỵ, tôi đang trong tình trạng nguy hiểm được đưa vào bệnh viện Thống Nhất, các đồng chí lãnh đạo ỡ trung ương đã quan tâm chu cấp mọi phương tiện điều trị tốt nhất cho tôi. Đội ngũ bác sĩ y tá cùng nhóm phục vụ và săn sóc đặc biệt đã được thành lập thật nhanh, thuốc men cũng rất dồi dào ưu tiên đưa đến chữa trị cho tôi. Nhưng tất cả đều không thể cứu vãn được gì. Sau năm ngày cố níu kéo sự sống, cuối cùng tôi vẫn phải ra đi.

Ông cha ta làm cách mạng, sau khi giải phóng miền Nam, đã có những chính sách cướp bóc rất tuyệt vời, và đã chia nhau của cải lấy được của đế quốc, của tư sản miền Nam, rồi sống sung sướng cả đời. Nay tôi cũng vì là con cháu gia đình cách mạng, cho nên khi hành động trong và ngoài công vụ, tôi phải dành phần hơn, tôi đã làm rạng danh những người đã gầy dựng nên một “truyền thống cách mạng” vững chắc. Những ai tin đảng, một lòng đi theo đảng, đều có cuộc sống phồn vinh tươi đẹp như ta đang thấy ngày hôm nay.

Nhưng riêng tôi không may phải ra đi, bỏ lại tất cả bao nhiêu quyền lợi của một đảng viên tận tuỵ, mà những đảng viên khác ít người có được. Các phong bì lo lót, các khoản hoa hồng hậu hỉnh trong những dự án tôi phụ trách, tôi phải bỏ lại sau lưng. Tôi ra đi trong lòng tiếc nuối không nguôi, vì đang ôm giữ khối tài sản khổng lồ tích cóp được sau bao nhiêu năm làm cán bộ, vậy mà bây giờ, vẫn không được mang theo một thứ gì cho riêng tôi, dù chỉ là bao thuốc lá. 

oOo

Tôi chết đi mà không có bà vợ nào khóc than bên cạnh quan tài, khiến tôi cảm thấy như thiếu thiếu một cái gì đó, tang lễ của tôi cũng bớt đi phần nào sầu thảm. Nhưng mà cũng không sao. Tôi còn nhớ rất rõ, chừng chục năm trước đây, dù sống bên chồng là một cán bộ tiền bạc phủ phê, vợ tôi vẫn bỏ tôi, đeo theo một người tình trẻ tuổi. Thật ra lúc đó tôi không mấy được vui, nhưng bây giờ tôi đã nhận ra, vợ bỏ đi thì cũng tốt thôi. Không có vợ, vẫn có rất nhiều các em trẻ đẹp là sinh viên, ca sĩ, người mẫu sẵn sàng cho một ông cán bộ nhiều tiền như tôi chọn lựa để lập các tổ hú hí bí mật, tôi đã được hưởng thụ như hoàng đế. Vì vậy, không có vợ cũng chưa chắc là điều không hay.

Mấy ngày qua, người ta đã khâm liệm tôi với bộ côm-lê vài ngàn đô và một chiếc quan tài trị giá hơn chục lạng vàng, để “xứng tầm” với chức vụ của tôi khi còn đương chức. Khi sống, tôi được ở “biệt phủ” thênh thang, thì lúc chết, hòm rương, quần áo, lễ nghi, ma chay của tôi cũng phải được “hoành tráng” thì tôi mới an lòng.

Khi nói tới việc chôn cất, ngay trong lúc còn hấp hối, tôi đã dặn thư ký chi nhiều tiền cho ban tổ chức tang lễ, yêu cầu thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn dành cho một cán bộ tầm cỡ như tôi, nhờ vậy họ đã đồng ý cấp cho tôi một mảnh đất chôn cất và thờ tự rộng 6 hecta, và tôi cũng đã yêu cầu quản lý phải xây dựng ở đó một đền thờ thật đồ sộ lộng lẫy, dành để cho người thân thuộc, con cháu tôi cúng kiến, làm giỗ chạp tưởng niệm hàng năm.

Đất chôn hiện giờ còn ít, nên phải quan hệ, tranh thủ thì mới có được. Tụi cán bộ đương chức hiện còn đang sống, nhưng thảy đều đã có công trình chôn cất cả rồi, có người còn xây dựng cả tượng khắc, lăng mộ trang trí rồng bay phượng múa. Làm cách mạng cả đời, khi chết cũng phải chọn nơi an nghỉ có “đẵng cấp” con cháu mới được hãnh diện, chứ để người ta đem thiêu thì mất mặt “gia phả” lắm.

Không biết có gì xui khiến mà hồi năm hai trước, khi có những dấu hiệu thay đổi lãnh đạo trong nước, e ngại có những bất trắc chính trị, tôi đã báo cho cậu con trai lớn đang học ở đại học Harvard bên Mỹ, phải lập tức về gấp để phân chia tài sản, gồm cả nhà xưởng, đất đai, quý kim và tiền bạc trong ngân hàng. Ơn trời mọi việc đã xong xuôi từ lâu, nếu không sau này, khi tôi đã nằm xuống, chúng thưa kiện nhau thì phiền phức và xấu hỗ lắm.

Tôi đã từng khổ tâm nhiều với cậu con trai lớn này, từ nhỏ cậu không ham học chỉ ham chơi, học lực rất kém. Ở lớp 8, 9, 10 tôi phải mua điểm từng môn, rồi trong kỳ thi phổ thông trung học, tôi phải bỏ nhiều tiền bồi dưỡng cho hội đồng chấm thi, cậu mới có được tấm bằng cấp ba như người ta để lo hồ sơ đi du học nước ngoài. Nhờ các bác ở Bộ Chính Trị chỉ cho đường dây, tôi đã chi gần nửa triệu đô đóng góp quỹ xây dựng trường Harvard ở Mỹ, mới có được một chỗ tốt ở trường này cho cậu ấy học, vậy mà nghe đâu ở bển cậu cứ đi casino hoài, lại hay đàn đúm với mấy cô ca sĩ người mẫu, chả biết tương lai cậu sẽ như thế nào. Chỉ có cậu em ở trong nước là học khá, đang theo nghiệp văn chương, thích tự lập. Như vậy tôi cũng đỡ lo cho một đứa.

Còn về con bồ ruột của tôi hiện là ca sĩ nổi tiếng, trước đây tôi đã phòng hờ dặn cho thư ký, uỷ nhiệm chi phiếu tôi đã ký sẵn, nếu có việc gì không ổn, thì lập tức chuyển hai mươi tỷ cho nó. Tôi muốn nó yên tâm yên vị, đừng tiết lộ các bí mật gần gũi thân mật với tôi trong mấy năm nay, kể cả những chi tiết bí mật tôi đã lèo lái các cơ quan, cho nó cùng đi với tôi trong các chuyến công tác ký kết thương ước với nước ngoài. Tôi muốn “thanh danh cán bộ” của tôi không bị xấu đi, dù rằng tôi còn sống hay là đã qua đời.

Chuyện đời với mọi sắp đặt tương đối chu đáo, xem ra đã ổn. Bây giờ tôi sẽ nói tới chuyện chết.

oOo

Tôi đã không còn nhìn thấy bất cứ hình ảnh nào của trần thế ngay sau giờ phút tôi lìa đời, tôi cũng không biết được bằng phương cách nào mà trong thoáng chốc, tôi đã có mặt trong một đại sảnh toàn màu trắng, trần cao và thoáng, tường trắng bao vòng chung quanh.

Với bộ vest đắt tiền được người ta mặc vào cho tôi khi tẩn liệm, tôi thấy tôi đang ngồi trên chiếc ghế sofa làm bằng một chất liệu gì rất mềm mại và trắng tinh, chung quanh không thấy ai, cũng không có một tiếng động nào, không khí rất huyễn hoặc. Có một điều lạ là trước đây tôi rất nhút nhát, ở chỗ vắng vẻ thì rất sợ ma, mà sao hôm nay tôi không thấy sợ gì cả.

Có một người dáng cao, ốm, thân hình rắn chắc, mặc bộ vest trắng, từ ngoài bước vào, tiến lại gần tôi, tướng đi khoan thai chậm rãi. Ông ta ngồi xuống ở chiếc ghế bên cạnh, mỉm cười, và nói với tôi những câu chào hỏi. Ông đang ngồi trước mặt, nhưng tiếng nói của ông vang vang giống như là đang vọng lại từ nơi nào xa lắm. Ông nói giọng từ tốn:

- Tôi tên là “Thượng Vô Thường” được cắt cử đến tiếp đón ông. Tôi có trách nhiệm thông báo và sắp xếp cho ông nghỉ ngơi trong thời gian chờ đợi. Đây là phòng tiếp nhận, ở đây ông có năm ngày để sinh hoạt vui vẻ.

Rồi ông nói tiếp:

- Bên trong kia là phòng của ông đã được trang bị bàn ghế, giường ngủ. Các loại quần áo sẽ xuất hiện đúng lúc theo nhu cầu của ông. Ngoài ra còn có các thứ cần thiết khác để phục vụ cho ông ăn uống, thể dục và giải trí. Bây giờ tôi xin giới thiệu ông với một người.

Sau khi ông Thượng Vô Thường ra hiệu, thì từ xa bước tới một anh chàng trẻ tuổi, chỉ chừng trên dưới bốn mươi, nhưng râu ria rất rậm rạp, mặc áo thun tay ngắn màu đen, khoe cánh tay nhiều bắp thịt cuồn cuộn, vận quần jean sờn gối, giày thể thao còn in nhiều dấu bụi bặm. Tên này trông vẻ ngoài rất “ngầu”, tôi nghĩ trên trần gian nếu hắn không phải du thủ du thực thì chắc cũng là đâm thuê chém mướn.

Ông Thượng Vô Thường chỉ tay vào tên có râu, nói chậm rãi với tôi:

- Người này vừa được chuyển về đây cùng đợt với ông, phòng nghỉ của ông ta ngay bên cạnh phòng ông. Hy vọng hai ông sẽ làm quen với nhau. 

Rối ông ta lật lật trong xấp hồ sơ đang cầm trên tay, và nói:

- Theo sổ chết thì hôm nay, cả hai ông đều đã phải được đưa về thế giới địa ngục, nhưng vì tạo hoá nhận thấy ở trong con người hai ông, hai mảng sáng tối gần như bằng nhau, nên muốn có thời gian xem kỹ lại. Các ông được đưa đến đây trong năm ngày, trước khi hội đồng tạo hoá có quyết định sau cùng. Tôi mong cả hai ông cuối cùng đều sẽ được xét đưa lên thiên đường.

Sau khi nói xong, ông đứng dậy, bước nhanh ra cửa:

- Chúc các ông vui vẻ, hẹn gặp lại các ông sau năm ngày nghỉ ngơi.

Ông Thượng Vô Thường đi rồi, tôi nhìn sang tên có râu, gật đầu chào. Hắn tiến tới, giơ tay bắt, làm quen:

- Chào anh, anh khoẻ không anh? 

- Cảm ơn chú. Tôi khoẻ. Còn chú sao?

- Em cũng khoẻ. Ở trển, anh làm nghề gì mà ăn mặc sang trọng quá vậy anh?

Chưa cần thiết phải tiết lộ nhân thân của mình, tôi nói trớ đi:

- Tôi làm thương gia. Trên đó chú làm nghề gì?

- Dạ em bị thất nghiệp triền miên. Em tốt nghiệp đại học hẳn hoi, nhưng lỡ sống trong cái chế độ gì, mà mọi công việc làm đều phải mua bằng tiền. Em thấy vô lý, không chấp nhận chi tiền, nhưng người ta bảo rằng muốn có việc, ai không chi tiền thì phải có thứ khác thay thế, ví dụ như có thế lực, hay nhan sắc... Những thứ đó em làm sao có. Cuối cùng em đành phải thất nghiệp, nằm nhà.

- Chú không có cách khác để xoay sở việc làm sao?

- Có chứ anh. Do không có việc làm, vợ chồng em chạy tuốt xuống miệt Định Quán Đồng Nai, mua đất cất nhà định làm rẫy sinh sống. Đất mua trăm triệu, nhưng cán bộ huyện thông báo, phải chi trà nước trăm rưỡi triệu mới có sổ đỏ, em ức lòng, gì đâu mà tiền trà nước làm sổ đỏ còn mắc hơn tiền mua đất? Không còn muốn ở đây, em rao bán đất lại cho người khác. 

- Chú bán đất rồi có xoay sở được công việc không?

- Đâu có bán được đâu anh. Vì đất ở vùng sâu, em rao bán hoài vẫn chưa ai mua. Trăm triệu bạc của em đành chôn theo miếng đất. Em bèn về thành phố mướn phòng trọ, chạy xe ôm sống qua ngày. Tai hoạ đến với em từ cái hôm em chở nhằm một bà bạn hàng, mà tuần lễ sau người ta phát hiện bả bị nhiễm Covid 19. Người ta “truy vết”, mới sáng sớm, cán bộ phường cùng công an đến nhà bắt em đi cách ly tập trung mười bốn ngày vì em là F1. Vợ em thì chỉ là F2 nên không bị tập trung.  Họ buộc em phải giao cho họ một triệu đồng để ứng trước tiền ăn ờ tại trại cách ly, mấy ổng nói mười bốn ngày sau nếu được về, mấy ổng sẽ tính lại.

- Rồi sao chú bị chết?

- Cũng tại mấy thằng cha khốn nạn nào đó trong ban lãnh đạo thành phố đã ra lệnh cho công an bắt người đi cách ly tập trung, mà không hề quan tâm đến đời sống và sự an toàn của người bị cách ly. Mấy thằng chả là con người không có lương tâm. Gì đâu mà trời nóng muốn chết, không có một miếng quạt, lại nhét người ta như nhét cá mòi. Chỉ là F1 chứ người ta có phải tù tội gì đâu, mà ép người quá đáng. Họ dùng những lớp học không có học sinh nhốt em ở trong, em kê những bàn học làm giường, nóng nực muỗi mòng, ở trong đó em ăn ngủ không thể nào được. Sống chung đụng với những người cùng là F1 như nhau, nhưng người nào bị bệnh người nào không, làm sao ai biết được. Trại em mới vô hai trăm mấy người đều khoẻ mạnh, nhưng ở chung với nhau dăm bảy ngày như thế, thì có đã một phần ba đã thành F0 rồi. Bắt cách ly kiểu này thiệt là không nhân đạo, không bệnh cũng thành bệnh, bởi vậy mới thấy tại sao trong thành phố các ca bệnh ngày càng tăng. Lãnh đạo gì mà bày ra kiểu nhốt cách ly ngu xuẩn như thế này? Mấy ổng muốn giết người chứ đâu phải cứu người.

Nghe tên có râu mắng chửi cán bộ lãnh đạo, tôi cảm thấy hơi nhột nhạt, nhưng cũng kiên nhẫn nghe hắn kể hết câu chuyện. Hắn tiếp:

- Dù em khoẻ mạnh cuồi cuội, nhưng sau mười ngày ở cách ly, em cũng bị lây bệnh trở thành F0. Người ta lại chuyển đưa em vô bệnh viện dã chiến, từ lúc chuyển viện em không còn được vợ thăm nuôi, thức ăn tiếp tế cũng không. Anh không biết chứ ở xứ mình mùa đại dịch, chỉ những người có tiền, các đại gia bị mắc bệnh, mới được vô các bệnh viện như 115, bệnh viện Chợ Rẫy... bệnh nhân có phòng riêng thoáng mát, có bác sĩ y tá chăm sóc tận tình. Cỡ nghèo như em, chỉ nằm được ở bệnh viện dã chiến là cùng. Nhưng mắc bệnh này mà phải đưa vô bệnh viện, thì dù ở bệnh viện nào, chín chục phần trăm cũng sẽ đến cửa tử mà thôi, những người sống sót là phước đức ông bà đó anh. Em nghe người ta nói bệnh viện dã chiến không đủ máy thở, cho nên khi bị covid hành em không thở được, em chẳng thấy ai đem máy móc gì đến cả. Có hôm em sốt mê man, cả ngày chẳng có bác sĩ, y tá nào đến, thuốc men không ai phát một viên nào. Em không ăn được đã đành, nước uống cũng khi có khi không. Dường như đối với bệnh nhân bị covid nặng, người ta bỏ liều bỏ thí, để cho nằm chờ chết không bằng.

- Chắc là số lượng bác sĩ y tá không đủ để săn sóc một lúc quá nhiều bệnh nhân, nên có sơ sót, chú nên thông cảm.

- Em không biết có thông cảm được không. Nhưng nếu không thể săn sóc bệnh nhân chu đáo, thì ít nhất cũng phải thấy có sự quan tâm. Bệnh viện này bên trong các giường bệnh san sát, chung quanh rất nhiều người đã chết đắp chiếu, cả một hai ngày mới có người đến mang xác đi, vậy mà cũng chẳng thấy ai mang đồ xuống sát khuẩn. Người bệnh thì cứ chết liên tục. Đèn điện chiếu sáng ngày đêm, không khí hãi hùng luôn luôn trùm khắp. Em chịu đựng như thế chỉ với một mình, không gặp được người thân, năm ngày sau thì em cũng qua đời, may được xuống chỗ này, mới có dịp quen anh.

Bất giác, tôi nói để an ủi hắn, mà quên giữ kín những điều cần giữ:

- Chú đừng buồn. Tôi là cán bộ đã được chích đủ hai mũi thuốc ngừa, nhưng vẫn bị chết, dù là chết vì bệnh khác, huống hồ gì chú chưa được chích mũi nào. Chết sống đều có phần số cả chú ơi.

Nghe đến đây, hắn đột nhiên long con mắt nhìn tôi:

- Anh là đảng viên đảng cộng sản hả? Vậy, xin hỏi anh, ở trển, anh đã tham nhũng, hút máu dân được bao nhiêu ngàn tỉ rồi mới chết?

- Chú đừng nói vậy. Ở đây không còn là trần gian. Nghĩa tử là nghĩa tận mà chú.

Hắn đứng lên, vừa nói vừa bỏ đi vô phòng:

- Nghĩa tận! Cái bản mặt anh và đảng của anh có biết nghĩa tận là gì, có đầu thai ba kiếp vẫn không rửa hết tội.

oOo

Sáng hôm nay là đủ năm ngày, trên giường ngủ của tôi xuất hiện một mảnh giấy nhỏ, trên đó thông báo là ông Thượng Vô Thường sẽ gặp tôi lúc 10 giờ sáng tại phòng tiếp nhận để thực hiện phỏng vấn, yêu cầu tôi ăn mặc tươm tất.

Tôi có mặt rất đúng giờ. Ông Thượng Vô Thường vừa đến, lập tức yêu cầu tôi vào bàn làm việc ngay.

Ông Thượng nói, cũng với giọng từ tốn:

- Ông đang ở tạm kế bên phòng ông đã đươc phỏng vấn trước rồi, bây giờ đến phiên ông.

Vậy là tên có râu được phỏng vấn trước tôi, không biết lành dữ ra sao. Nhưng kệ, hơi đâu quan tâm, vì cuộc phỏng vấn này chỉ liên quan đến vận mạng của tôi.

Tôi thấy ông Thượng Vô Thường tỏ ra rất nghiêm trang, ông vào ngay câu hỏi:

- Ở trần gian, ông có tham nhũng và có ăn cắp của công không?

Từ mấy hôm nay, tôi đoán là tôi sẽ bị hỏi câu hỏi này, cho nên tôi đã có sẵn câu trả lời:

- Thưa ông, không.

- Vậy sao ông có quá nhiều tiền như vậy?

- Gia sản của tôi có được là từ đời cha để lại. Bằng cách nào mà ông cụ tôi có được một số tiền vàng khá lớn để lại cho tôi, thì tôi không biết. Tuy nhiên khi tôi chết rồi, chi phí cho tang lễ xong, còn lại tất cả đều đã được hiến tặng cho nhà nước.

Khi trả lời, tôi cố tình giấu biệt số hiện kim, số ngoại tệ chuyển sang Mỹ mua bất động sản, và gửi trong các tài khoản ở ngân hàng ngoại quốc, mà tôi đã bí mật chuyển nhượng số tài sản đó lại cho hai cậu ấm.

Nghe câu trả lời của tôi, ông Thượng Vô Thường gật đầu mỉm cười, không hỏi thêm câu nào, ông đứng dậy, bước tới bắt tay tôi:

- Chúc mừng ông. Ông sẽ được sống đời đời ở cõi thiên đường. 

Nói xong, ông Thượng Vô Thường biến mất. Thật sự tôi không ngờ tôi có thể vượt qua cuộc phỏng vấn một cách dễ dàng như thế. Chưa hết bàng hoàng vì vui mừng, thì trong phút chốc, chỉ qua vài cái chớp mắt, cảnh vật trước mặt đã hoàn toàn thay đổi. Tôi đang đứng trong một thành phố tuyệt đẹp, không khí vô cùng mát mẽ. Có rất nhiều toà nhà mái cong mái thẳng đủ kiểu dáng, đủ màu sắc, nhưng không thấy có nhà cao tầng, cũng không thấy xe cộ qua lại. Bầu trời trong xanh, chim chóc bay lượn hót vang. Chung quanh tôi, cây cỏ tốt tươi, hoa nở khắp nơi rực rỡ. Xa xa tôi thấy có nhiều người, quần áo sang trọng sặc sở, họ chỉ đi bộ, tới lui dập dìu.

oOo

Trong lòng tôi vô cùng sung sướng, vì tôi nghĩ, mình đã chính thức đến được thế giới thiên đường. Ngày tôi còn sống, tôi từng nghe các đồng chí nói về thế giới thiên đường cộng sản. Đã nhiều năm theo đảng, gầy dựng bao nhiêu thành tích trong công cuộc cải cách đất nước theo mô hình chủ nghĩa mác lê-nin, tiêu diệt những mầm mống phản động đi ngược lại guồng máy, thay đổi hầu hết hệ thống kinh tế xã hội cho phù hợp với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã mấy mươi năm kiên trì theo đúng đường lối, mà nào tôi có thấy thiên đường cộng sản hình thù nó ra sao đâu. Hôm nay, chỉ cần nói dối một chút, vượt qua được một cuộc phỏng vấn nhỏ, tôi đã chính thức được nhìn thấy thế giới thiên đường, một thế giới thiên đường đích thực mà triệu triệu người đang hằng mơ ước.Thế giới ấy đang ở đây, đang ở trước mắt tôi đây.
Tôi chậm rãi bước đi trên con đường giống như trải bê tông, thẳng tấp. Những hàng cây ăn trái dọc theo hai bên đường, trái chín nặng trĩu, hương thơm thoang thoảng. Tôi nhìn thấy nhiều hàng quán, kẻ ra người vào rất vui vẻ. Tôi nghe những người chung quanh nói với nhau cũng chỉ bằng tiếng Việt. Người ta nói trong các hàng quán, thức ăn tràn ngập, không có người bán. Tôi không vội gì, từ từ rồi mình sẽ thưởng thức.

Những người qua lại chung quanh tôi, cả trai lẫn gái, đàn ông lẫn đàn bà, ai cũng có gương mặt, sắc vóc vô cùng xinh đẹp. Tôi bắt chuyện với một cô gái vóc dáng cân đối, khoảng ngoài ba mươi, đang đi ngược chiều. Cô gái có nước da trắng, mịn màng, mùi da thịt toả ra thơm ngát. Cô gái mặc chiếc áo dài lụa mỏng màu thiên thanh, nàng xuất hiện trước mắt tôi giống như thiên thần xuất hiện trong chuyện cổ tích. Thấy cô mặc áo dài, tôi thấy gần gũi, nói với cô những lời nói làm quen.

Sau một vài câu xã giao, cô ấy mời tôi đến nhà cô, cô nói nhà cũng gần đây. Dĩ nhiên là tôi nhận lời ngay. Tôi theo chân cô gái về nhà, cách đó không xa lắm. Nhà cô thật đẹp, gọn gàng (dường như trên thiên đường thì nhà nào cũng đẹp). Nhà chỉ có một phòng ngủ và một phòng ăn, bốn phía trang bị những tấm kính lớn để nhìn ngắm được cảnh đẹp chung quanh. Tôi có chút khó hiểu vì chỉ mới gặp mặt tôi lần đầu mà cô gái đã có thái độ quá dễ dãi và thân mật. Tuy khó hiểu nhưng tôi cũng cảm thấy thú vị. Từ khi được sống độc thân ở cái tuổi năm mươi, tôi rất “nhạy cảm” với mấy cô gái, nhất là đối với cô gái này, người cô đẹp như Hằng Nga.

Thấy tôi bước vào nhà có vẻ rụt rè, cô cười và nói với tôi:

- Anh cứ tự nhiên, cứ thoải mái xem ở đây như nhà anh. Thế giới này  không ai nghi ngại ai, nên anh không cần dè dặt, giữ kẽ. Anh cứ cởi mở, nghĩ sao, sống vậy.

Cô mời tôi vào phòng ăn. Trên tường có treo những ngọn bạch lạp thắp sẵn, trông rất là tình tứ. Kiểu bàn cổ kính, ghế ngồi êm như nhung.

Cô chỉ khoát tay, thức ăn Việt, sơn hào hải vị, trong phút chốc hiện ra ê hề trên bàn. Rượu được cô rót đầy hai ly. Cô mời tôi cùng cô vào tiệc, nhưng tôi đưa tay ngăn lại. Tôi chưa vội ăn uống vì đang bận nhìn ngắm cô.

Có lẽ cô thẹn thùng, nên cứ cúi mặt nhìn xuống đất. Nét e lệ, ấp úng của cô càng lúc càng tăng thêm nét quyến rũ của cô và nỗi thèm muốn của tôi. Tôi trờ tới ôm hôn cô, cô cũng không hề tỏ thái độ phản đối, nhưng khi tôi vừa chạm tới làn da mịn màng trên gương mặt thanh tú của cô, thì lập tức, làn da ấy biến thành sù sì, lạnh ngắt như sắt thép. Chỉ thoáng một giây, cô gái biến mất, đất dưới chân tôi tự nhiên vỡ ra giống như đang sụp lở, khiến tôi bị hụt chân rơi xuống một vùng lửa cháy rộng lớn và sâu hút vô tận.





Tôi vừa rơi vừa bị ngọn lửa thiêu đốt nóng khủng khiếp. Lúc này tôi chợt hiểu, tôi đang bị tạo hoá trừng phạt vì những tội lỗi đã gây ra ở trần gian, và cả tội lỗi tôi lại sắp phạm phải ngay tại chốn thiên đường. Những đau khổ từ cảm giác nóng quằn quại, do ngọn lửa bùng cháy dữ dội đang thiêu đốt linh hồn tôi, có lẽ là tôi đang phải trả giá cho những đau khổ tôi từng gây ra cho bao người vô tội.

Trong cơn nóng kinh hoàng ấy, tôi hét lớn:

- Nóng, nóng, nóng quá… xin cứu, xin cứu tôi với…

Trước khi lịm dần, tôi còn hé mắt nhìn xuyên ngọn lửa và qua làn khói, lờ mờ tôi thấy tấm màn phủ trong phòng ngủ, và gương mặt gã cận vệ rất gần:

- Ông chủ tịch, ông chủ tịch… có chuyện gì mà ông ngủ mớ la lớn dữ vậy?

Từ Sơn
(Tháng 09/2021)

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top