Kiều Mỹ Duyên, Tìm Về Cội Nguồn

Phụ Nữ

KIỀU MỸ DUYÊN

TÌM VỀ CỘI NGUỒN


          - Cô ơi, con học xong 4 năm đại học, con nghỉ 1 năm trước khi học Master, vì con muốn để thì giờ đi tìm ba con.
          Giọng nói tiếng Việt rất chuẩn ở đầu giây bên kia của một chàng trai trẻ, giọng nói reo vui. Sinh ra ở Mã Lai trong trại tị nạn, cha định cư ở Úc vì có cha mẹ, anh em định cư ở Úc, mẹ định cư ở Hoa Kỳ. Người con trai và người con gái gặp nhau trong trại tị nạn ở Mã Lai, sinh ra đứa con trai, không có giá thú, mạnh ai nấy chọn con đường của mình.



Phi, chàng trai trẻ, đi tìm cội nguồn của mình.

         
Đứa trẻ sinh ra không có cha, không được ở gần cha. Ông nội chết ở trại tị nạn, bà nội và các bác, chú, cô, đều định cư ở Úc. Đứa trẻ không cha, cùng mẹ định cư ở Hoa Kỳ. Sau một thời gian ngắn, người mẹ kết hôn với một người tị nạn Việt Nam có nhà cửa, làm nghề chài lưới, quanh năm suốt tháng ở dưới tàu ngoài biển, phải cưới ngay để ra biển tiếp tục làm nghề đánh cá, 6 tháng mới trở lại đất liền.



Phi đến thăm Kiều Mỹ Duyên

          Chàng trai dễ thương, tìm về cội nguồn nói tiếp:
          - Tháng 11/2024, con sẽ sang Úc gặp bà nội, các chú bác, cô dì, cậu mợ, rồi sẽ về Việt Nam gặp các cô và bà con. Con đã đi Houston gặp ông Hiền, em ruột của bà nội. Con sẽ đi Las Vegas, Oregon và nhiều tiểu bang khác để gặp ba của con.
          Chàng trai trẻ sinh ở Mã Lai, định cư ở Mỹ lúc 1 tuổi, nói tiếng Việt rất rành. Một mình, một xe đi tìm thân nhân để gặp gỡ để nhìn bà con làm tôi xúc động.


          Tôi cũng hiểu tại sao có những người con mà tôi đã gặp ở Mỹ đi tìm cha suốt mấy chục năm, khi gặp được cha của mình thì ôm cha mà khóc nức nở như Hiếu Nguyễn, làm chánh lục sự ở Orange County, tìm cha ròng rã 40 năm, khi bố của Hiếu Nguyễn rời Việt Nam bỏ lại vợ con.

          Hiếu có khuôn mặt giống Mỹ, sau năm 1975, những đứa trẻ cùng xóm gặp Hiếu hay đánh Hiếu và chế nhạo: con rơi, con rơi. Sau khi được định cư ở Hoa Kỳ theo diện con lai, Hiếu đi học và đi làm. Không lúc nào Hiếu không nghĩ đến việc tìm cha, ít nhất cũng gặp cha một lần trong đời. Nhiều đứa trẻ con lai Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới mơ ước được gặp cha của mình.



Chánh Lục Sự Hugh Nguyễn và cha của ông, ông Roy Patterson. (Hình chụp trước tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ)

         
Riêng người trẻ tên Phi, đi khắp nơi trên thế giới để tìm bà con của mình, dù cha một nơi, con một nẻo, nhưng Phi vẫn giữ được họ cha của mình, vẫn liên lạc được với gia đình bên nội thường xuyên. Đó cũng là phúc đức của một đứa trẻ không cha. Cha kế quanh năm suốt tháng ở trên biển, bắt cá, bắt tôm. Bất kể đứa trẻ nào thiếu tình thương của cha hoặc của mẹ cũng là điều bất hạnh. Bất hạnh lớn nhất của một đứa trẻ không có tình thương của ông bà, cha mẹ. Người lớn cũng cần tình thương huống hồ những đứa trẻ mới 1 tuổi. Tình mẹ không chưa đủ, tình cha không cũng không đủ, gia đình phải có ông bà, cha mẹ. Hạnh phúc thay cho những đứa trẻ nào sinh ra được ở gần ông bà, cha mẹ.



Kiều Mỹ Duyên và Phi, chàng trai trẻ đi tìm cội nguồn của mình.


          Phi, người trẻ đi tìm nguồn cội của mình, cao lớn, khuôn mặt lúc nào cũng vui tươi. Cháu nói:
          - Con đọc được tiếng Việt.
          Mắt cháu thật to, thật sáng, lạc quan, một mình một xe đi xuyên bang để tìm bà con. Phi sẽ đi Úc và về Việt Nam trong năm nay.
          Tự nhiên tôi thấy thương người trẻ này. Tôi nói:
          - Con nghỉ ngơi đi, rồi lên đường.
          Trời nóng trên 80 độ ở Orange County, ở Las Vegas hơn 110 độ. Đường thì xa, một mình lái xe đã nói lên ý chí của người trẻ muốn làm điều gì đó thì làm được thôi.

          Những người trẻ bây giờ tìm về cội nguồn nhiều lắm. Thỉnh thoảng, đọc trên báo, nghe trên radio, nhìn trên TV, thấy con tìm cha, tìm mẹ thật nhiều. Hy vọng những người tìm thân nhân sớm gặp được thân nhân. Mong mọi cuộc đoàn tụ sẽ được tốt đẹp.

          Câu châm ngôn của Pháp muốn là được, hy vọng Thượng Đế sẽ cho người có lòng sẽ được toại nguyện. Bây giờ, phương tiện truyền thông rất phong phú, bên này, bên kia quả đất có thể nhìn thấy nhau qua điện thoại, qua facebook. Mong gia đình đoàn tụ, thân nhân gặp nhau, vui vẻ và hạnh phúc với nhau. Nếu thế gian này mọi người thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, người thương người thì không có chiến tranh, không có giết hại lẫn nhau vì quyền lợi vật chất. Nếu người nào cũng có niềm tin ở Đấng Tối Cao thì sẽ sống hạnh phúc, và bình thản ở tâm hồn. Mong lắm thay!

          Còn biết bao nhiêu người trẻ tìm về cội nguồn, những em trong cô nhi viện được Mỹ bảo lãnh, những người trẻ trên đường vượt biên cha mẹ bị hải tặc giết chết, hoặc đi đường bộ, ông bà, cha mẹ bị giết chết còn lại những đứa trẻ bơ vơ. Những đứa trẻ trong các cô nhi viện được người ngoại quốc nhận làm con nuôi, bây giờ lớn lên có trí khôn, muốn tìm ông bà, cha mẹ của mình. Hàng ngày, có các cơ quan từ thiện quốc tế tìm thân nhân cho những người nhờ thử máu. Có người vừa tìm được cha thì ra nghĩa trang thăm mộ cha của mình. Thê thảm thật!

          Hy vọng người trẻ Phi tìm được thân nhân ruột thịt của mình ở Úc, Việt Nam và Hoa Kỳ. Không có người nào không cảm động khi thấy một người trẻ bỏ học 1 năm để tìm thân nhân, tìm nguồn cội của mình.

          Người trẻ đưa cho tôi xem một tấm hình trong điện thoại cầm tay:
          - Bà ơi, đây là ông bà nội con. Bà xem con có giống ông nội con không? Bà nội con học chương trình Pháp, ông con là hiệu trưởng một trường Pháp, ông nội là sĩ quan, du học ở Hoa Kỳ.

          Người trẻ này nói reo vui trong niềm hạnh phúc:
          - Bà xem con giống ông nội không? Giống lắm phải không?
         
Đó là một đứa trẻ không có tình thương của đại gia đình. Còn nhiều người có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại mà không  thăm viếng, không chăm sóc, lạ thật? Đến một lúc nào đó, người ta sẽ thấy có một thứ là tình cảm thiêng liêng không có không được. Nhiều khi nhu cầu là tình cảm gia đình, tiềm ẩn trong tiềm thức đến lúc nào đó sẽ thức dậy.

          Biết bao nhiêu đứa trẻ ở trong cô nhi viện ở Việt Nam được cha mẹ đến từ khắp nơi trên thế giới đem về nuôi, khi lớn lên cha mẹ nuôi đưa về Việt Nam để tìm cha mẹ ruột. Những đứa trẻ được bồng đi ngày 30/4/2975, sau khi trưởng thành biết mình là người Việt Nam tìm về cội nguồn. Có những em may mắn sau nhiều năm vất vả tìm kiếm, nhờ những hội từ thiện, Hồng Thập Tự quốc tế, đã tìm được người thân nhờ thử máu. Phước đức thay cho những người nào tìm được ông bà cha mẹ của mình. Thương thay cho người tìm được ông bà cha mẹ thì ông bà cha mẹ đã ra người thiên cổ. Quỳ trước mộ tạ ơn cha mẹ đã sinh mình ra đời nhưng tiếc thay không có cơ hội để trả hiếu.

          Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu, tất cả các chùa đều tổ chức đại lễ Vu Lan trong nước cũng như ngoài nước, Phật tử nào cũng về chùa, lạy Phật, cầu cho ông bà cha mẹ của mình sức khỏe, sống lâu trăm tuổi với con cháu của mình. Nếu người nào ông bà cha mẹ đã quá vãng, thì cầu cho ông bà cha mẹ của mình được tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.

          Cầu chúc tất cả mọi người trên thế giới sum họp với người thân của mình trong những ngày lễ, ngày Tết, ngày hội. Cầu chúc cho những người không may mắn thiếu tình thương của gia đình sẽ tìm được người thân và sống thương yêu đùm bọc lẫn nhau.


Orange County, 8/2024
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top