KIỀU MỸ DUYÊN, LỄ VU LAN 2024
DIỄM PHÚC CHO NHỮNG AI CÒN MẸ
" Đỏ thắm bông hồng diễm ngực em
Vì anh chẳng được bỗng dưng thèm
Người như điệu suối dìu con trẻ
Mẹ sẵn ca thần xoá nẻo lem
Khoả nắng chiều thơm vào giữa nhạc
Là đôi mắt diệu ẩn sau rèm
Buồng cau nải chuối đầy hương vị
Ngọn đuốc soi đường vĩnh cửu xem
Thâm tình mẫu tử lại mà xem
Bé ngủ thường xuyên dõi cạnh rèm
Rủi mất người tim lòng mãi nặng
Đau sờn trí giữa mặt hoài lem
Như trời kiệt nắng buồn xo bủa
Tựa cảnh tàn đông mãn kiếp thèm
Hẳn sướng vui ngày ta nũng Mẹ
Bông hồng ấm ngực quả mừng em."
(Thơ "Bông hồng cài áo" - Thiền Sư Thích Nhất Hạnh)
Trong cuốn “Bông hồng cài áo” Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có viết rằng: “Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza, Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy trong giỏ xách một bông hoa cẩm chướng màu trắng, cài vào khuy áo tràng của tôi.
Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng“.
Thiền Sư nói rằng: “Tôi thấy tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước, áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan".
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh- câu chuyện về "Bông Hồng Cài Áo"
Đây chính là nguồn gốc về sự ra đời của nghi thức bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu tại Việt Nam của chúng ta. Đây là nghi thức được tổ chức để tưởng nhớ những người mẹ đã khuất, để nhắc nhở chúng ta nhớ về mẹ, đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào, đánh thức những trái tim còn mê lạc, vì bôn ba cuộc sống mà quên nhìn lại cha mẹ, người đã có ơn sinh thành, dưỡng dục, dành tình thương vô hạn cho chúng ta.
Người cài hoa hồng hẳn sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ Cha. Ai mang hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.
Lễ Vu Lan diễn ra vào rằm tháng 7 (Âm Lịch), năm nay đặc biệt rơi vào Chủ Nhật, ngày 18/8/2024 (Dương Lịch). Trong ngày này, mọi người tụ họp để cùng nhau tưởng nhớ và tri ân cha mẹ, tổ tiên đã nuôi dưỡng và dạy dỗ mình. Khi đến chùa vào ngày lễ Vu Lan, các Phật tử được cài một bông hoa hồng trên áo. Màu đỏ thể hiện sự hiện hữu của mẹ, trong khi màu trắng tượng trưng cho những ai đã mất mẹ. Việc cài hoa trên ngực áo như một lời nhắc nhở, khuyến khích mỗi người vâng lời, hiếu kính và có lòng biết ơn cha mẹ. Đồng thời, điều đó cũng gợi nhớ về nề nếp gia phong và sự hòa thuận giữa anh em. Đây là một dịp quan trọng để thể hiện lòng biết ơn và lòng hiếu thảo của con cháu đối với gia đình và nguồn gốc của mình. Lễ Vu Lan không chỉ là một ngày trọng đại trong văn hóa truyền thống Việt Nam mà còn là dịp để tôn vinh tình yêu thương và sự đoàn kết gia đình.
Tháng bảy về rồi mẹ yêu ơi
Hoa hồng bông trắng cài lên người
Nhắc con ghi nhớ lời mẹ dặn
Tu tâm tích đức ở trên đời !
(MÙA VU LAN NHỚ MẸ- Thơ: Nguyễn Minh Ngọc)
Sáng nay trời rất đẹp, gió dìu dịu, những con chim sẻ ngoài vườn vô tư nhảy nhót và hót líu lo, chuyền từ cành cây này đến cành cây khác. Đời rất đẹp, thanh bình, vui tươi với nắng ấm chói chang cho một ngày đẹp bắt đầu. Nhìn cây hoa nở rực trước nhà, tôi nhớ mẹ tôi vô cùng. Cây hoa này do chính tay mẹ tôi trồng và chăm sóc. Mẹ tôi đã qua đời năm 1996. Mẹ tôi đã đi xa nhưng mẹ tôi vẫn còn ở đây, trong trái tim của tôi. Tôi cứ tưởng mẹ tôi đi du lịch, và mẹ tôi sẽ trở về. Nhiều khi tôi nhìn những bụi cây trước nhà, tôi cứ tưởng mẹ tôi đang chăm sóc hoa và cây kiểng.
Tôi nhớ nhà chúng tôi trên khu đất rộng. Trước nhà có hàng dừa xanh mướt, lúc nào cũng quằn trái, cành lá xanh mướt làm cho căn nhà trở thành màu xanh. Chúng tôi sinh ra và lớn lên ở ngôi nhà này, hàng ngày uống nước dừa ngọt lịm, hái xuống ăn ngay, ăn cơm dừa và uống cả nước. Nước dừa ngọt lịm, bên hông nhà là hàng rào trúc, sau nhà và xung quanh nhà lá ổi xanh rì, mãng cầu, đu đủ, mía lau, xoài cát, và chuối. Trước nhà có cây vú sữa thật to, cao, cành lá xum xuê, quanh năm có trái ngọt lịm.
Mẹ tôi thường dạy chúng tôi:
- Mình tặng trái cây cho ai thì phải chọn thật ngon, thật tươi, khi mời ai ăn cũng vậy.
Một nồi bắp vừa chín, đổ ra khỏi nồi, mùi thơm ngào ngạt bốc lên, người nào bưng dĩa bắp mời từng người trong nhà, phải để người ta chọn trước, mình chọn sau. Và người chọn trước bao giờ cũng chọn trái nhỏ nhất, để người sau trái lớn nhất. Chúng tôi sống trong gia đình vui vẻ từ sáng đến tối. Buổi tối, mẹ tôi thường nấu chè khoai môn, có nước cốt dừa, em gái tôi gần gũi với mẹ tôi thường hơn tôi nên sau này em tôi nấu chè và nấu ăn rất ngon.
Mẹ tôi thường dạy chúng tôi rằng phước đức là do mình làm nên, chứ không phải phúc đức là đi xin. Mẹ tôi cũng dạy rằng nên làm việc từ thiện. Hạnh phúc là giúp đỡ cho người khác, chứ không phải nhận sự giúp đỡ của người khác.
Vu lan về con lặng lẽ chờ trông
Mùa báo hiếu bông hồng dâng tặng mẹ
Cõi hư ảo mẹ trở về rất nhẹ
Trong tim con hình bóng mẹ không mờ.
Kỷ niệm về mẹ tôi nhiều lắm. Chúng tôi sống trong ngôi nhà rộng, đất rộng. Nhà đầu tiên được xây trên đất của ông nội chúng tôi để lại. Sau này, ba mẹ tôi mua một miếng đất khác rộng rồi xây nhà. Xung quanh là cây xanh, yên tĩnh, chúng tôi lớn lên trong ngôi nhà này, bình yên và hạnh phúc, ngôi nhà có tiếng cười suốt ngày. Nhà chúng tôi nuôi nhiều chó, có những con chó thật to, chó giữ nhà, chó thương chủ nhà, chó đưa chủ nhà ra tận cổng khi chủ nhà đi chợ hay đi đâu đó, chó đón chủ nhà trở về. Có một điều rất lạ mà chúng tôi không hiểu nổi khi thấy một đàn chó chạy ra cổng mừng rỡ đón chủ nhà trở về mà không có tiếng sủa, nhưng nếu có người lạ đến là chó cất tiếng sủa rất to.
Mẹ tôi chỉ cần nói một tiếng rất nhỏ:
- Đi vào các con.
Đàn chó ngoan ngoãn đi vào sau vườn ngay. Mẹ tôi không bao giờ lớn tiếng với con cháu và các con. Các cháu đều nghe lời mẹ tôi, không ai cãi lại một lời.
Trước khi vào lớp học gặp người lớn là chúng tôi cúi đầu chào, và rời khỏi lớp học cũng vậy, gặp người lớn cũng cúi đầu chào hỏi rất lễ phép.
Vu Lan đã đến Mẹ ơi
Cài Bông Hồng Trắng nghẹn lời xót xa
Giờ đây những buổi chiều tà
Tìm đâu bóng Mẹ để sà vào ôm...!
Mẹ tôi thường cúng Phật ở nhà, trên bàn thờ lúc nào cũng có trái cây tươi, hoa tươi và nước lọc.Trái cây ngoài vườn, hoa ngoài vườn hái đem vào cúng Phật. Mẹ tôi thường đi chùa đem trái cây, hoa quả cúng Phật và mẹ tôi cũng làm công quả ở chùa. Mẹ tôi là Phật tử thuận thành, mẹ tôi cầu nguyện mỗi ngày, cầu nguyện cho gia đình, cho người thân và cầu nguyện cho người nghèo, mẹ tôi ăn chay ngày rằm, ngày lễ.
Nói về mẹ tôi nói hoài không hết. Mẹ tôi hay giúp người đó là điều đặc biệt không bao giờ tôi quên. Tôi giống tính mẹ tôi nhất ở điểm này. Vào chùa, mẹ tôi thấy việc gì làm việc đó, từ trong nhà bếp ra ngoài vườn, mẹ tôi thích nấu nướng, dọn dẹp trong bếp, ngoài vườn. Mẹ tôi thích chăm sóc cây cỏ, nên đến chùa nào mẹ tôi cũng có nhiều việc lắm.
Mẹ tôi thường nói:
- Người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết, nên giúp người.
Hồi tôi còn nhỏ xíu, tôi cũng biết xung quanh mình cũng có nhiều trẻ em không cha không mẹ, có người vừa sinh ra là mất cha, có người vừa sinh ra là mất mẹ, ít có ai được một gia đình có ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại,và cha mẹ đầy đủ bên cạnh cho đến khi khôn lớn.
Tháng bảy lòng ta thấy ngậm ngùi
Vu Lan vắng Mẹ mất niềm vui
Cài bông hồng trắng lòng đau xót
Nhớ Mẹ yêu thương, lệ sụt sùi
Mẹ tôi nhỏ người, gầy nhưng sức chịu đựng và làm việc không thể tưởng được. Tôi vượt biên trước, sau đó tôi bảo lãnh mẹ tôi và em tôi sang Hoa Kỳ. Tôi cầu nguyện cho mẹ tôi và em tôi được định cư thì tôi ăn chay để trả ơn Trời Phật gia hộ. Sau đó mẹ tôi bệnh, tôi cầu nguyện cho mẹ tôi hết bệnh và sau này mẹ mất, tôi cầu nguyện cho mẹ tôi siêu thoát và tôi ăn chay luôn cho đến bây giờ, thoáng mà đã mấy chục năm rồi.
Những ngày ở Việt Nam, sau 1975, gia đình tôi khổ, mọi người cùng khổ. Tôi có cháu, con của người anh họ du học ở Pháp, tôi nhờ cháu chuyển tiền về Việt Nam để giúp gia đình, nhưng sau này tôi biết được gia đình tôi cũng ăn bo bo, khoai sắn trộn cơm như mọi người vì mẹ tôi không dám xài tiền, vì không biết ngày mai ra sao? Người phụ nữ Việt Nam nào cũng lo xa, sợ con cháu của mình đói, nhất là sống trong xã hội chủ nghĩa không biết chuyện gì sẽ xảy ra, nên dành dụm là tốt nhất.
Tôi chờ đợi hơn 10 năm, mẹ và em tôi mới được định cư ở Hoa Kỳ. Ngày mẹ đến phi trường, chúng tôi đón mẹ tôi và em gái tôi, trên đường về nhà mẹ tôi nhìn hai bên đường chăm chú, mẹ tôi không nhìn thấy những cánh đồng xanh mướt như ở Việt Nam. Mẹ tôi không nói gì, nhưng về nhà tôi, mẹ đi ngoài vườn và nói:
- Nhân viên của con về thăm mẹ, nói con khá lắm, vườn rộng lắm, nhưng đi bộ có chút là đụng bức tường.
Đất gần 1/4 mẫu, mẹ tôi vẫn thấy nhỏ so với đất rộng mênh mông nhà của tôi ở Việt Nam. Vậy là đúng rồi.
Mẹ tôi là người hoạt động, không bao giờ ngồi yên, thấy nhà tôi cỏ xanh mướt, mẹ tôi muốn trồng rau, trồng cây ăn trái cũng không nói. Đến khi mẹ tôi ở nhà riêng tôi mới biết điều này, vì sau này mẹ tôi trồng mía, đu đủ, nho, đào, ớt, cam, quýt, khế, ...
Mẹ tôi lúc nào cũng tươi cười. Tôi rất biết ơn thầy Minh Mẫn, viện chủ của chùa Huệ Quang, thành phố Santa Ana, đã bảo bọc cho mẹ và em gái tôi. Tôi cũng không quên cám ơn các cụ trong chùa chăm sóc cho mẹ tôi, dù ở trong chùa 1 tuần lễ nhưng mẹ tôi nhớ mãi những ngày mới sang. Ngày nào cũng có người đến chùa làm công quả, tiếng cười tiếng nói reo vui suốt ngày.
Người nào trong cũng rất tử tế với mẹ tôi, ân cần thăm hỏi vì họ biết mẹ tôi mới định cư ở Hoa Kỳ.
Tôi còn nhớ ngày mẹ tôi vừa đến phi trường John Ways, chúng tôi đi đón, rất cảm động. Lê Châu Trí, một chuyên viên địa ốc của chúng tôi thu hình mẹ tôi và em gái tôi ốm nhom, ốm ngoài sức tưởng tượng của tôi, nhưng những bước đi vẫn thoăn thoắt và trí óc vẫn minh mẫn.
Mẹ tôi có trí nhớ rất tốt. Anh Trần Bảo ở Úc sang chơi có mua tặng mẹ tôi một cây ăn trái, khi có trái chín, mẹ tôi nói với em tôi:
- Gởi trái cây này cho chú Bảo.
Một anh sinh viên khóa 4 trường đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt tặng cho mẹ tôi một cây ớt. Ớt quằn trái suốt năm tháng, mẹ tôi thường nhắc đến người sĩ quan này.
Mẹ tôi đi chùa bao giờ cũng mặc áo dài rất trang nghiêm, hái trái cây và rau tươi đem vào chùa, mẹ tôi trồng nhiều loại rau và trái cây, vườn nhỏ nhưng xum xuê bóng cây xanh mướt. Lúc nào mẹ tôi cũng hái rau, trái cây, rửa thật sạch, đợi tôi đến hay gọi em gái tôi đi làm về là đi chùa, chỉ cần chúng tôi mở miệng hỏi:
- Mẹ đi chùa không ?
Chỉ một câu thôi là mẹ tôi lập tức đi mặc áo dài, có lẽ cả ngày, cả tuần mẹ tôi chỉ chờ đợi có thế! Mẹ tôi biết chúng tôi bận rộn với công việc làm, nên không bao giờ bảo chúng tôi chở mẹ tôi đi chùa. Mẹ tôi chỉ chờ chúng tôi hỏi mẹ có đi chùa hay không? Khi được hỏi câu mẹ có đi chùa không? Chỉ cần câu hỏi ngắn và gọn đó là mắt của mẹ tôi rực sáng, chứa chan hạnh phúc, đong đầy trên mặt của mẹ tôi.
Mẹ tôi đi thanh thản nhưng hình ảnh mẹ tôi vẫn còn đây, như vẫn còn ngồi trước bàn Phật tụng kinh mỗi buổi chiều. Viết về mẹ viết ngàn năm cũng không hết, suốt đời con nhớ ơn mẹ.
Rằm tháng 7 rồi Mẹ biết không?
Người người vui nhận cánh hoa hồng
Riêng con được tặng cành hoa trắng
Và ánh mắt buồn với cảm thông.
Là người làm con, chúng ta siêng năng lạy Phật để cầu cho cha mẹ sống lâu. Nếu cha mẹ đã mất thì lạy mười phương tăng chú nguyện cho cha mẹ được tiêu diêu nơi miền cực lạc. Không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, không tình cảm nào sánh bằng tình yêu thương của mẹ cha. Những ai còn may mắn được cài bông hồng màu đỏ trên ngực áo, xin nhớ rằng thời gian bên cha mẹ là hữu hạn. Hãy trân trọng từng phút giây và quan tâm, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn những khi còn có thể, đặc biệt hơn trong những ngày lễ Vu Lan diễn ra sắp tới.
Orange County, Lễ Vu Lan 2024
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)