Nguyễn Anh, VỢ XẤU

Phụ Nữ

Nguyễn Anh

VỢ XẤU


Thời còn đi học, thất tình một nữ sinh viên xinh đẹp, tôi “rút kinh nghiệm” và quyết định chọn vợ chỉ cần là một phụ nữ nhan sắc từ trung bình trở xuống, nhưng giỏi giang, có học. Tôi đã toại nguyện với một nhân viên cùng cơ quan. Tôi quen chớp nhoáng, cầu hôn cũng nhanh như điện xẹt. Ngày tôi đưa thiệp cưới, cả cơ quan đều kinh ngạc, vì tôi vốn cao ráo, đẹp trai trong khi Hân, người đứng tên chung thiệp cưới với tôi có thân hình đẫy đà, lại hơi xấu… 

Ngoài quan niệm “vợ đẹp của người”, tôi “chấm” Hân ở tính nết dịu dàng, không ăn diện, vén khéo và nhất là nấu ăn ngon. Gia đình hai bên đều khá giả, chúng tôi được ở tầng thứ nhất căn nhà ba tầng của gia đình tôi. Yên tâm có vợ lo toan việc nhà, tôi thoải mái la cà cùng bạn bè độc thân hoặc những người chồng, cha vô trách nhiệm khác, sau giờ làm việc là nhậu nhẹt, cặp bồ đi qua đêm...

Hân không nói gì nhưng khi đứa con gái đầu lòng ra đời, Hân lên tiếng yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với gia đình. Tôi cự cãi, lớn tiếng cho rằng “gánh vác giang sơn nhà chồng” là chuyện của Hân. Ba mẹ tôi vốn bảo thủ, thay vì bênh con dâu, lại lớn tiếng bênh vực tôi, mắng mỏ Hân thậm tệ. Một lần, trong lúc cự cãi, mẹ tôi đã nói : 
    - “Con tao không lấy mày thì có mà ma nó lấy mày. Thử mày ra đường xem có ai ngó tới không ?”.

Hân nhìn tôi, tôi đắc thắng xác nhận :
    - “Tôi cưới cô về để có người đẻ con và chăm sóc ba mẹ tôi thôi”.

Không ngờ, Hân vào phòng thu dọn đồ đạc, ra khỏi nhà tức thì. 

Ban đầu, ba mẹ tôi và tôi nghĩ Hân chỉ làm nư, thách thức. Hân có đi đâu thì đi, miễn là để đứa con lại nhà chồng. Chẳng ngờ Hân ra đi rất mạnh dạn, mặc cho con gái kêu khóc trong tiếng mắng chửi, chì chiết của ba mẹ, hai em gái tôi và cả tôi. 

Tôi nghĩ, nhớ con, Hân sẽ về, chỉ là vấn đề thời gian. Sáng hôm sau, gia đình tôi nháo nhào vì không còn ai lo cơm nước. Trước đây, chuyện cơm nước do mẹ tôi phụ trách, lau dọn nhà cửa do em gái đảm đương. Cưới Hân về, mọi việc đều dồn cho cô ấy. Mẹ tôi quen thong dong năm năm qua, nay phải lụm cụm xuống bếp, hai đứa em quen ngủ trưa đến gần giờ đi làm mới xuống ăn sáng, giờ phải dậy sớm để phụ mẹ tôi. 

Chiều về mọi người phải tự bỏ quần áo vào máy giặt, tự lau phòng mình. Đáng nói là không ai đưa đón con gái tôi, bé Hạnh quen hơi mẹ, dù đã ba tuổi vẫn khóc ngầy ngật đòi mẹ. Cả nhà rối tung lên !Tôi điện thoại cho Hân, cô ấy không bắt máy. Tôi điện thoại bàn gặp cô em vợ, bị cô ấy mắng té tát, sỉ nhục trăm bề. Tôi nhắn với cô ấy là tôi sẽ ly dị Hân, cô ấy hét vào máy : 
    - “Ly thì ly, xem ai hầu hạ đám thối tha biếng nhác nhà anh”.

Tôi vào cơ quan, không ngờ Hân đã làm việc với công đoàn, lãnh đạo cơ quan, thông báo sẽ ly hôn với tôi. Hân là một kỹ sư giỏi, mẫn cán và nhất là rất cương quyết trong mọi tình huống công việc, nên với hôn nhân cô ấy cũng vậy. Chuyện tôi trăng hoa, mèo mỡ đi suốt đêm, vô trách nhiệm với vợ con, kể cả chuyện Hân làm “đầy tớ không công” cho gia đình tôi mọi người đều biết. 

Chỉ đợi giọt nước tràn ly và tờ tường thuật của Hân với lãnh đạo trước khi đưa đơn ly hôn lên tòa án. Mọi người đều đứng về phía Hân. Suốt ngày tôi tìm cách nói lời xin lỗi với Hân, không ngờ gương mặt Hân giá lạnh hơn cả băng đá. Đồng nghiệp có vài người khuyên nhưng Hân lạnh lùng : 
    - “Mỗi nhà mỗi cảnh, mong đừng ai chen vào chuyện gia đình tôi. Tôi đã 40 tuổi rồi.” 

Thế là tất cả tắt tịt ! Hân đã nhờ người bạn luật sự đẩy nhanh tiến độ ly hôn. Ở tòa Hân dứt khoát nếu tôi muốn nuôi con Hân cũng không cản, bằng lòng nhường quyền nuôi con cho tôi. Thú thật, mấy tháng không có Hân gia đình tôi như địa ngục, con gái tôi như gánh nặng, bởi nó đã quen sự chăm sóc của mẹ. Tôi biết Hân nói thật. Kể từ ngày ôm quần áo ra khỏi nhà tôi, Hân không hề ghé lại thăm con một lần. Tôi lấy cớ mang con sang thăm mẹ, Hân không tiếp. Vì vậy, gia đình tôi đành giao con cho Hân. Tại tòa, Hân đồng ý nhận con, chỉ cần tôi bế con, mang va li, quần áo đồ dùng của con sang nhà Hân chứ Hân không về nhà tôi lấy đồ đạc của con. Ly hôn và nhận nuôi con, Hân chuyển công tác. 

Mỗi lần tôi điện nói nhớ con, Hân lạnh lùng : 
    - “Vậy chiều nay ông ghé rước con đi, khi nào muốn thì mang sang nhà tôi trả lại !”

Mất Hân rồi, tôi mới thấy một khoảng trống lớn trong cuộc sống của tôi và cả trong căn nhà rộng lớn của ba mẹ tôi. Cả tôi và gia đình tôi đều lầm khi nghĩ tôi đẹp trai mà lấy vợ xấu là cầm dao ở cán. Với một phụ nữ, dù không nhan sắc nhưng có học thức và bản lãnh, thì họ chẳng bao giờ để ai lăng mạ và xem thường mình, kể cả đó là chồng và gia đình chồng. Khi họ đã quyết định ly hôn có lẽ còn cương quyết hơn nhiều so với một người phụ nữ bình thường. Tôi đã mất một người vợ tốt. Ba mẹ tôi mất người con dâu tốt. Có lẽ đã quá muộn để hiểu “Vợ xấu chưa hẳn là vợ mình nếu mình không biết trân trọng, yêu thương” !!

  Sưu tầm
  Nguyễn-Anh

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top