Phụ nữ Ấn Độ chống chính phủ

Phụ Nữ

Phương Tôn dịch
image.png
Lời người dịch – Dù xa cách hàng ngàn cây số, dù với nhiều khác biệt về văn hóa tập quán nhưng trong những ngày qua, người dân Đồng Tâm và hàng trăm triệu người Ấn độ đang có một điểm chung: Can đảm đứng lên đối đầu với bạo lực chính quyền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Người dân Đồng Tâm không âm mưu lật đổ chính quyền, không đòi hỏi có Tự do, Dân chủ… họ chỉ đòi trả lại đất của ông bà tổ tiên đã dành cho họ. Họ không đòi những chuyện cao xa mà chỉ muốn được quyền sống, làm việc trên trên mảnh đất của họ, không hơn không kém.
Hàng triệu người dân Ấn độ theo Hồi giáo, những người lương thiện sống tuân thủ theo luật pháp, hiện cũng không đòi hỏi gì hơn là được công nhận làm công dân trên một đất nước mà ông bà tổ tiên họ đã dừng chân sinh sống cách đây hàng trăm năm.
Người dân Đồng Tâm và người Ấn độ Hồi giáo không đòi gì khác hơn ngoài quyền lợi chính đáng của chính họ. Họ đã và đang đổ máu vì bị chính quyền dùng bạo lực đàn áp do lòng tham vô độ mà lại bất tài không giải quyết được sự việc.
Có thể trong khoảng khắc, bạo lực có thể tạm thời trấn áp được sức chống đối nhưng bạo lực sẽ không bao giờ và chưa bao giờ giải quyết được vấn đề. Người sử dụng bạo lực, từ trong gia đình như cha mẹ hành hạ con cái, đến các thầy cô giáo đánh đập học trò, ra ngoài xã hội cho đến chính quyền đàn áp người dân … tất cả những ai dùng đến bạo lực – bất kể bên nào – để giải quyết những đối kháng ôn hòa đều là những người bất lực, không đủ khả năng để đối thoại, tranh luận để thuyết phục nhằm khuất phục người khác. Bạo lực khi đó, được dùng như hình thức “vú cả lấp miệng em”.
Bạo lực của nhà nước, dù bất kỳ ở đâu, bất kỳ ở thời gian nào cũng không thể thắng được chính nghĩa, lòng dân. Trị dân chính bằng cái tâm chứ không phải những phát súng bắn vào đầu, vào tim người.
***
Demonstrators attend a protest against a new citizenship law in Shaheen Bagh, area of New Delhi, India January 12, 2020. REUTERS/Adnan AbidiHọ chưa bao giờ tham gia biểu tình trong cuộc đời của họ, một số người khác thậm chí chưa bao giờ rời khỏi nhà: Phụ nữ Hồi giáo ở Delhi đã xuống đường tọa kháng chống đối chính quyền trong nhiều tuần qua – và trở nên như một mẫu mực cho người dân ở các thành phố khác.
Suốt 30 năm, Noorjehan Ali Khan chưa bao giờ bước ra khỏi ngưỡng cửa nhà. Bà chăm nuôi bốn đứa con, nấu ăn, dọn dẹp. Bà không rời khỏi căn nhà của mình. Bà ta là hình ảnh mà cộng đồng của bà xem như là tiêu biểu cho một người phụ nữ Hồi giáo đàng hoàng: trầm lặng, đạm bạc, không chính trị.
Nhưng từ tháng trước, cuộc đời của bà đã thay đổi.
Người đàn bà 45 tuổi đứng trên đường phố trong biển người phụ nữ. Trên cái khăn trùm đầu là một cái mũ có in hình cờ Ấn Độ. Bà chạy tới chạy lui trong đám đông, đầy ắp người, hàng trăm phụ nữ lại kéo đến. Họ ngồi trên ghế nhựa và những tấm thảm. Có người ngồi ôm con trên chân. Khuôn mặt của những đứa trẻ được sơn màu cam, trắng, xanh lá cây, các màu của lá cờ ba màu. Trên những tấp áp phích có ghi hàng chữ “Tôi yêu Ấn Độ của tôi”.
Con đường mà mọi người tọa kháng là một trục đường chính cách đây không quá một tháng. Một kết nối quan trọng giữa Delhi và các thành phố lân cận. Giao thông hiện bị bế tắc, màng cuốn cửa của các cửa hàng được hạ xuống.
Vào ngày 15 tháng 12, họ chỉ đơn giản ngồi xuống rồi từ chối đứng dậy trở lại. Bất cứ ai hỏi, họ nói rằng họ đang phản đối chính phủ. Rằng họ sẽ chỉ nhường bước khi thủ tướng lắng nghe những lo ngại của họ hoặc rút lại bộ luật gây tranh cãi của mình. Một bộ luật cho phép người tị nạn nhập tịch nhanh hơn. Tất cả mọi người ngoại trừ người Hồi giáo.
Hơn 30 ngày sau, Narendra Modi Thủ tướng Ấn Độ không có vẻ gì là lui bước – Những người đàn bà cũng vậy.
Photo by Prakash SINGH / AFPĐiều điên rồ nhất: Người ta lại lắng nghe họ
Kể từ đó, các bà đã ở lại đây ngày đêm. Có người mang theo một cái lều, người khác tấm thảm, người kia cái đèn điện. Cuộc chống đối tăng lên dần và nó vẫn đang tăng lên. Vào cuối tuần, hàng ngàn người đã tụ tập ở đây, nhiều người đến từ các khu vực bên ngoài và vây quanh những người phụ nữ. Người Hồi giáo, Ấn giáo, đạo Sikh và Kitô giáo đã cầu nguyện cùng nhau.
Shaheen Bagh, khu phố nhỏ, cái tên mà người dân New Delhi trước đây vài tuần hầu như không bao giờ nhắc đến, nay do các cuộc biểu tình đang diễn ra nên được mang một khuôn mặt mới, khuôn mặt nữ giới. Ở nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ, phụ nữ hiện cũng đang làm điều tương tự, xuống đường tọa kháng.
Đây là một cuộc biểu tình lôi cuốn bởi vì nó khác với những gì đã thấy cho đến nay tại Ấn Độ. Nó vừa là một hành động kháng cự – vừa là cuộc giải phóng (phụ nữ).
Hàng trăm phụ nữ ngồi dưới tấm bạt tối hôm đó. Những người đàn ông chỉ đứng trên rìa và lắng xem. Những người phụ nữ mặc áo burqa che mặt hoặc khăn trùm đầu, nhiều người trong số họ là những bà nội trợ, bà mẹ, một số lại là bà nội/ngoại. Shaheen Bagh là một khu phố nghèo, Hồi giáo.
Đường phố hẹp, quanh co, những ngôi nhà dường như nhỏ và xếp chồng lên nhau. Không phải tầng lớp trung lưu mới của Ấn Độ đang biểu tình ở đây, không phải giới thượng lưu, đó không phải là những người thông thường được phỏng đoán: Các nhà hoạt động, trí thức, cánh tả, và trên hết: Họ không phải là đàn ông.
Các bà nội trợ nói rằng, nay họ thức dậy lúc năm giờ sáng để họ có đủ thời gian chuẩn bị bữa sáng, cho con ăn, làm việc nhà rồi đi tham gia biểu tình. Những người chồng của họ thường là những người lao động nhập cư đến từ những vùng nghèo nhất ở miền bắc Ấn Độ. Gia đình của họ là những người bảo thủ và nghiêm khắc.
Nhiều người ngồi đây có thể không tin những gì đang xảy ra ở đây: Những người, cho đến gần đây, thậm chí chưa bao giờ rời khỏi nhà nay đột nhiên ngủ trên đường, bọc trong chăn dày. Họ thậm chí không nghĩ đến việc có thể mở miệng hét lên những khẩu hiệu giận dữ, hát cà những bài hát, bài thơ, vẫy cờ. Và điều điên rồ nhất là người ta lại lắng nghe họ.
Bà Khan nói: “Chúng tôi ở đây để chiến đấu vì tương lai của con em chúng tôi, vì tương lai của chúng tôi.”
Các nhà phê bình sợ rằng hàng triệu người có thể trở thành người không quốc tịch
Khan và những người biểu tình khác phản đối luật quốc tịch mới của Ấn Độ. Luật này tạo thuận lợi cho việc nhập tịch dành cho những người theo Ấn giáo, đạo Sikh, Kitô giáo, Phật giáo, Jain và Parses đã từng trốn khỏi Pakistan, Bangladesh hoặc Afghanistan trước năm 2014 và những người cư ngụ bất hợp pháp ở Ấn Độ. Hầu như dành cho với mọi thiểu số tôn giáo ở Nam Á, nhưng với một ngoại lệ lớn: Hồi giáo. Lần đầu tiên, quyền công dân được xác định hợp pháp thông qua tôn giáo của họ.
Chính phủ tuyên bố, bộ luật là một biện pháp bảo vệ dành cho những người bị đàn áp, và giải thích rằng người Hồi giáo không bị đàn áp ở ba quốc gia (Pakistan, Bangladesh và Afghanistan). Modi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng người Hồi giáo Ấn Độ không cần phải sợ bất cứ điều gì. Luật pháp không nhằm để “lấy quyền công dân của ai đó, mà là trao nó cho họ” và cho rằng, phe đối lập và các nhà hoạt động nói dối với giới trẻ Ấn Độ.
Ngược lại, những người phản đối bộ luật mới cho rằng, đây là sức ép của chính phủ theo đạo Hindu của Modi để cô lập nhóm thiểu số lớn nhất của đất nước, 200 triệu người Hồi giáo. Họ chỉ ra một dự án khác của chính phủ, cho thấy mục đích của Đạo luật Quốc tịch: Khi ghi danh lại, tất cả người Ấn Độ phải chứng minh rằng tổ tiên của họ thực sự đến từ Ấn Độ và họ không phải là người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng nhiều người Ấn Độ không có giấy tờ, đặc biệt là người nghèo.
Hàng triệu người vì thế rất có thể sẽ bị làm khó. Người Ấn giáo và những người khác không phải lo sợ nhiều: họ sẽ được nhập tịch nhờ luật mới. Ngược lại, người Hồi giáo sẽ phải sợ bị trục xuất hoặc bị bắt giam tù. Tranh chấp về Đạo luật Quốc tịch đang ngày càng chia rẽ xã hội.
Khan lo sợ: “Chúng tôi được sinh ra ở đây, ông bà của chúng tôi được sinh ra ở đây. Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể chứng minh điều đó? Nhiều phụ nữ chúng tôi không được đi học, nhiều người thậm chí không biết ngày sinh của họ. Làm thế nào để chứng minh rằng chúng tôi là người Ấn Độ?”. Và Samina Aftab, 32 tuổi, người cùng biểu tình nói: “Đó là về sự tồn tại của chúng tôi.”
Giống như họ, hàng ngàn người trên khắp đất nước Ấn Độ đã biểu tình trong sáu tuần nay. Hầu hết các cuộc biểu tình đều ôn hòa, nhưng cũng có những cảnh xấu. Những người nổi loạn đốt cháy nhiều tàu hỏa và đồn cảnh sát. Cảnh sát ra tay đàn áp, đã có ít nhất 25 người chết. Modi đẩy những người biểu tình đến gần với những kẻ khủng bố cánh tả. Bộ trưởng nội vụ lên án tình trạng vô chính phủ trong nước. Chiến lược của chính phủ là để chứng minh rằng những người biểu tình là kẻ thù của quốc gia và biện minh cho việc đàn áp là hợp pháp.
Nhưng những bà nội bà ngoại không dễ gì để bị phỉ báng. Không dễ để gắn mác bà mẹ có con nhỏ là kẻ khủng bố. Phụ nữ thường được coi là vô hại – và đó chính xác là điều khiến họ trở thành vấn đề đối với chính phủ của Modi.
Ở Shaheen Bagh, Ấn Độ thể hiện mặt tốt nhất của mình: chính trị, yêu nước, một nơi đầy ấm áp, nơi du khách được chào đón để đặt vấn đề, nhưng trên hết phải ăn. Những người phụ nữ trao trứng, món cơm Biryani, trà và trái cây cho khách lạ. Ở Shaheen Bagh trên hết là một câu nói: “Bé, hãy ăn đi!”
Đã có áp lực để dọn dẹp đường phố vì cho rằng, cuộc biểu tình cản trở giao thông. Nhưng Tòa án Tối cao Delhi đã bác bỏ yêu cầu này. Lực lượng cảnh sát Delhi, đã nhiều lần vượt giới hạn trong những tuần gần đây, sẵn sàng dùng bạo lực chống biểu tình nếu cần thiết, nay họ cũng thấy tốt hơn là tránh xa. Chính sự yếu đuối được cho là của phụ nữ ở Shaheen Bagh lại mang đến cho họ sức mạnh: Chính cái không thể tự vệ của họ khiến họ trở nên bất khả xâm phạm.
Phương Tôn dịch
Tháng 1. 2020
Bài viết đóng góp này là một phần của “Dự án Xã hội Toàn cầu”, mà các phóng viên từ Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Châu Âu của tạp chí “Spiegel” đã báo cáo từ bốn châu lục về những bất công trong một thế giới toàn cầu hóa, những thách thức chính trị xã hội và phát triển bền vững. Đây là một dự án dài hạn và được hỗ trợ từ “Quỹ Bill & Melinda Gates”.
https://www.spiegel.de/politik/ausland/proteste-in-indien-der-widerstand-der-frauen-a-9dc6bc3c-da3c-4513-bb72-e2de47041c51
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top