NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ
TUỔI DẬY THÌ
Trẻ đến tuổi “dậy thì” thường có những thay đổi dữ dội về tâm, sinh lý. Đó là kết quả của những biến chuyển của các tuyến nội tiết.
... Ở mỗi giới sẽ có sự thay đổi thể chất riêng, một số xáo trộn tâm lý tiếp theo sau những thay đổi thể xác ở giai đoạn nầy. Tuổi dậy thì không phải luôn bắt đầu ở một tuổi nhất định, cũng như không tiến triển cùng một tốc độ ở mỗi người. Và cuối giai đoạn sẽ là sự hình thành những tính chất giới tính riêng của nam và nữ.
Ở CON GÁI
Tuổi dậy thì bắt đầu khoảng từ 8 đến 14 tuổi. Những thắc mắc thường được đặt ra:1/ Có cần phải đến Bác sĩ Phụ khoa khám khi có kinh nguyệt?
Nếu mọi việc xảy ra bình thường, phần lớn các trường hợp đều bình thường cả, thì cũng không cần. Tuy nhiên, nếu như con bạn muốn thì cũng nên đáp ứng yêu cầu.
2/ Có cần mặc áo ngực ngay khi ngực phát triển?
Tùy theo nhu cầu. Tuy nhiên, áo ngực giúp nâng đỡ những bộ ngực nặng và phòng tránh các nếp nhăn.
3/ Có thể có thai khi mới có kinh nguyệt không?
Có khả năng xẩy ra tuy thấp thôi. Vì khi có kinh nguyệt là có thể có trứng rụng. Thực tế thì cũng hiếm khi mang thai ở năm đầu tiên có kinh.
4/ Thế nào là dậy thì sớm?
Dậy thì trước 8 tuổi. Cần phải đến Bác sĩ khám, nếu cần thiết có thể dùng thuốc để ngưng quá trình dậy thì.
5/ Dậy thì muộn?
Hiếm khi xẩy ra. Nếu ngực không phát triển ở tuổi 15 và không có kinh nguyệt ở tuổi 17, cần phải đến Bác sĩ chuyên khoa.
6/ Có cần phải lo lắng khi ngực không cân đối?
Hiện tượng nầy thường gặp, và thường khi mới dậy thì - ngực trái thường lớn hơn ngực phải. Nếu lo lắng có thể đến gặp Bác sĩ, nhưng thường thì mọi việc sẽ đâu vào đó thôi.
7/ Có cần phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng?
Không cần phải ăn kiêng, ở tuổi nầy cần chế độ ăn cân bằng, nhất là khi có khuynh hướng đẫy đà lên.
Ở CON TRAI
Tuổi dậy thì bắt đầu từ 11-16 tuổi:1/ Có cần lo lắng khi vú phát triển?
Thường lúc mới dậy thì, một bên ngực phồng lên. Hơi đau và xấu. Thường chỉ 1-2 năm sẽ hết. Nếu không có thể tiểu phẫu vì vấn đề thẩm mỹ.
2/ Khi nào cần cạo râu?
Thường thì vì thẩm mỹ mà cần cạo râu, nên khi râu đậm và cứng thì nên cạo. Chọn dao cạo điện hay thường tùy theo râu và da. Trường hợp có mụn, tốt nhất là nên đến Bác sĩ Da liễu.
Với những nhận biết nầy, các bậc cha mẹ có cần phải có sự giúp đỡ nào không cho trẻ đến tuổi “dậy thì” không ngỡ ngàng lo sợ.
Đối với các bậc cha mẹ thì không có những công thức sẵn có để tuân theo, tuy vậy có những sai lầm nên tránh. Điều chính yếu là khi con bạn gần đến tuổi dậy thì, nên cho con biết về sự thay đổi sinh lý của cơ thể sắp tới. Dù mọi người đều nói đến vấn đề nầy (báo chí, trường học, bạn bè, anh hoặc chị...) cha mẹ vẫn luôn là những người đối thoại ưu tiên về vấn đề giáo dục giới tính.
Ai là người đề cập đến vấn đề tốt hơn? Đương nhiên cha sẽ thoải mái hơn với con trai, và mẹ có lẽ gần gũi với con gái hơn, nhưng cũng không phải là một nguyên tắc. Chỉ có sự gần gũi, tin tưởng mới dễ dàng dẫn đến những thổ lộ tâm tình.
Cơ thể biến đổi trong 1-2 năm, thời gian không đủ để một thiếu niên thích ứng với cơ thể mới của mình. Chúng cảm thấy kỳ quặc khó chịu. Chỉ có một cách là cho chúng thời gian để quen với “kính thước” mới của mình.
Con trai cũng như con gái ở tuổi dậy thì thường xung đột với người lớn, nổi loạn, tự khẳng định mình. Rời xa gia đình để đến với bạn bè. Cha mẹ không nên quên nhiệm vụ giáo dục của mình, giai đoạn khó khăn nầy thiếu niên cần cảm thấy được bảo bọc.
Trước những đột biến ấy nơi con trẻ, các bậc cha mẹ nên làm một số điều cũng như nên tránh một số điều khác.
NHỮNG ĐIỀU NÊN LÀM
- Đừng coi là việc quan trọng: Truyền đạt nhẹ nhàng, dễ chấp nhận tin tức về các tình trạng xẩy ra. Ví dụ: Kinh nguyệt sẽ được báo trước như một bằng chứng về tuổi dậy thì, chứ không phải như một bi kịch.- Trả lời các câu hỏi đặt ra không xấu hổ, ngần ngại là thích hợp hơn cả. Tuy nhiên, nếu con không đặt câu hỏi, đừng ngại gợi cho chúng khi có dịp, như khi có chương trình truyền hình về vấn đề sinh đẻ, kinh nguyệt, vô sinh, bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục hoặc trong mọi trường hợp khác.
- Một cách khác để đề cập đến sự việc trực tiếp hoặc gián tiếp bằng cách hỏi con về chương trình giáo dục giới tính ở trường. Câu trả lời tiêu cực hay tích cực cũng sẽ giúp bạn biết được sự tò mò của con về vấn đề nầy, nhân đó bạn có thể đưa ý kiến lời khuyên của mình vào.
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM:
Cố gắng sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi. Đừng:- Lái sang hướng khác những câu hỏi gây khó xử: Một đứa trẻ 3 tuổi cũng cần được trả lời. Ở mọi lứa tuổi đều cần phải được trả lời thành thật. Bạn cứ yên tâm, ngay cả một thiếu niên cũng không đòi hỏi bạn phải trả lời các chi tiết sâu. Vì thế bạn không nên giải thích khinh suất, nếu con không hỏi đến.
- Nói dối con: Vì trẻ đã đặt lòng tin vào bạn. Không còn thời của câu chuyện các em bé sinh ra từ các cây bắp cải nữa. Dù nhỏ tuổi, con trẻ cũng cần biết sự thật, nhưng là với những câu từ dễ hiểu tự nhiên phù hợp với trẻ.
- Gây cho trẻ phản ứng phòng vệ: Bằng cách nầy hay cách khác trẻ sẽ luôn hỏi bạn. Hiếm khi một thiếu niên đặt câu hỏi và chờ bạn trả lời đầy đủ. Thay vì ngồi nghe bạn, nó sẽ vừa chơi máy tính, nói chuyện với anh chị nó... Chuyện nầy xẩy ra ở mọi lứa tuổi (nhỏ hơn, thì nó sẽ chơi xe, búp bê...). Dù thái độ đó sẽ làm bạn bực mình, cũng nên bình tĩnh, đừng giận dữ. Sự lơ đễnh nầy của trẻ cho bạn biết là không nên nhấn mạnh vấn đề nữa. Trẻ nghe những gì nó quan tâm và nó biết bạn sẵn lòng cởi mở với câu hỏi của nó. Bạn đã đạt được mục đích rồi.