Kiều Mỹ Duyên, Ngày Của Cha, Hãy Nói Thương Yêu Cha Của Mình

Phụ Nữ

KIỀU MỸ DUYÊN

NGÀY CỦA CHA,

HÃY NÓI THƯƠNG YÊU CHA CỦA MÌNH


      Người nào cũng thương cha mẹ của mình mà không nói, không bày tỏ tình yêu của mình. Nếu không nói ngày hôm nay, ngày mai nếu không thức dậy thì sẽ không còn cơ hội để nói: cha ơi, con thương cha lắm! Ngày xưa, thương cha, thương mẹ, thương người mình kính trọng chỉ để trong lòng, ngày nay thương ai cứ nói ra. Nếu ngày mai mình không còn, sẽ không ân hận là mình có nhiều cơ hội để nói mà mình không nói.

      Không phải đợi ngày của cha mới nói: cha ơi, con thương cha lắm! Ngày của cha không tưng bừng như ngày của mẹ nhưng ngày của cha mình cũng nhìn thấy hoa nở ngoài vườn, hái vài cành hoa tặng cha và nói: cha ơi, con thương cha lắm! Cha ơi, con thương cha lắm!



      Cha là hình ảnh tuyệt vời của con, cha là bờ vai vững chắc để con nương tựa. Dù con có thành công ngoài xã hội, có địa vị quan trọng, có tiền rừng bạc biển nhưng cha vẫn là người không ai có thể thay thế được. Vậy tại sao chúng ta không nói: cha ơi, con thương cha lắm!
      Ngày của cha là dịp để cho con bày tỏ lòng thương yêu của mình đối với cha. Rừng có nhiều chim, biển có nhiều cá, tiếng hót ngọt ngào của loài chim hoang dã, cá lội nhởn nhơ dưới lòng biển, cả chim và cá cũng có tình cảm: cá mẹ, cá cha cũng quấn quýt bên con của mình. Rừng cây có chim nhảy nhót từ cành này sang cành kia, múa hát vui như hội chợ vào mùa xuân, vào mùa hè, đẹp vô cùng.
      Hãy cất tiếng nói êm ả: cha ơi, con thương cha lắm!



      Rồi cha cũng đi, mẹ cũng đi, những người nào được hạnh phúc khi còn cha mẹ, thì hãy nói, nói ngay, đừng chần chờ sẽ ân hận, làm được điều gì thì phải làm ngay. Sự thành công của con người là phải nhanh, hãy nói ngay hôm nay đừng đợi ngày mai: cha ơi, con thương cha lắm!
      Rất tiếc ngày xưa khi cha tôi còn sinh tiền, tôi chưa bao giờ nói: cha ơi, con thương cha lắm! Cho đến khi tôi vượt biên, lênh đênh trên biển cả, tôi nhớ đến cha tôi, nhớ đến mẹ tôi, nhưng không còn cơ hội để nói cha ơi, con thương cha lắm, mẹ ơi, con thương mẹ lắm!
      Định cư ở Hoa Kỳ, tới ngày lễ của mẹ, của cha, nhìn xung quanh thấy mọi người tổ chức tiệc cho cha, cho mẹ của họ, tôi tiếc lắm, tôi thèm được nói những gì tôi nghĩ trong lòng, nhưng không còn cơ hội nữa. Ba tôi mất, tôi mồ côi, mỗi lần nhìn thấy bằng hữu của tôi có cha, có mẹ, tôi thèm mình cũng được như họ nhưng không được nữa rồi.


Buồn hay vui cha cũng cam để dạ
Khóc hay cười cha để cả trong tim
Như đại dương lòng biển cả lặng im
Trong sâu thẳm tiềm tàng nhiều bí ẩn.

      Không cha mẹ nào mà không thương con, không con nào mà không thương cha mẹ. Khi mình làm cha mẹ rồi mới biết sự khổ cực của người làm cha mẹ. Cha mẹ lo cho con ăn uống, cho con đến trường, dạy dỗ con. Sự giáo dục của gia đình vô cùng quan trọng. Những đứa trẻ thành người hữu dụng trong xã hội cũng nhờ sự giáo dục của ông bà, cha mẹ.
      Một cô gái trẻ tâm sự:
      - Ngày của cha, chúng con thường làm việc xã hội, giúp đỡ người nghèo khổ ở Việt Nam, để hồi hướng công đức cho cha chúng con.
      Tôi nói:
      - Tuyệt quá, tuyệt quá, ở đây ai cũng sợ ăn nhiều sinh bệnh, nên ăn ít càng tốt. Ngày của cha đâu cần tổ chức tiệc linh đình phải không?
      Những người con hiếu thảo thương cha mẹ mình nếu chẳng may cha mẹ đang nằm nhà thương, viện dưỡng lão thì ngày nào cũng vào thăm cha mẹ mình không cần đợi đến cuối tuần. Ngày lễ hay ngày của cha mẹ thăm viện dưỡng lão và thăm luôn bệnh nhân không có thân nhân, vài lời thăm hỏi ân cần, đầy tình người nên làm lắm.



      Có một buổi tối sau khi thăm viện dưỡng lão ở thành phố Garden Grove, trở về nhà, tôi nghe trên đài phát thanh, một cô y tá vừa nói vừa khóc: tôi không ngờ, tôi làm trong viện dưỡng lão nhiều năm, tôi thương các cụ như thương cha mẹ tôi, tôi chăm sóc các cụ như chăm sóc cha mẹ tôi. Nhiều khi cuối tuần nghỉ, tôi cũng vào viện dưỡng lão thăm các cụ. Một ngày kia, có một cụ bà người Mỹ qua đời, luật sư của cụ bảo tôi lại văn phòng luật sư để nghe luật sư đọc di chúc. Không ngờ cụ bà để tài sản cho tôi thay vì cho con của cụ, vì con của cụ không chăm sóc cụ như tôi đã từng chăm sóc cụ nhiều năm trong viện dưỡng lão.
      Làm bất cứ việc gì tốt đẹp đều được hồi đáp, kiếp này không cần đợi kiếp sau. Người làm việc tốt, giúp cho người khác, người khác sẽ giúp lại cho con cháu của mình.
      Nói về cha, về người mình kính mến như cha, nói hoài không hết, tới khi qua đời cũng không nói hết về tình thương của mình dành cho người cha của mình, hãy nói ngay: cha ơi, con thương cha lắm, đừng đợi khi cha qua đời mới cất tiếng nói thì muộn quá.



      Cha tôi hiền lắm, tôi có phước được là con gái của cha tôi, người cha hiền lành nhất trên cõi đời này. Lúc nào tôi cũng cầu nguyện cho người tôi kính mến thương yêu sống lâu trăm tuổi để giúp người, giúp đời.
      Nghĩ đến người thân yêu của mình không phải đợi lúc gặp hoạn nạn, hay khó khăn mới cất tiếng gọi Chúa ơi, Phật ơi, cha ơi! Trong lúc bình thường, đời sống hanh thông, hình ảnh thương yêu vẫn ở trong lòng mình, trong trái tim của mình thì sao không nói hàng ngày chứ?
      Mong những người trẻ, người già, người nào cũng có nơi nương tựa, trong lúc vui vẻ, hạnh phúc hay lúc phiền não cũng có người để nương tựa, để có niềm tin mà sống vui, sống mạnh, mong lắm thay.
      Ngày của cha, xin tất cả người nào cũng có cha, hãy nói với cha của mình: cha ơi, con thương cha lắm, lúc nào con cũng cần có cha, cha là nơi nương tựa của con, cha là sức sống của con, con cần cha lắm, cha ơi.
      Ngày của cha là ngày ý nghĩa, hãy nghĩ đến cha của mình, hãy làm việc thiện để hồi hướng công đức của mình cho cha của mình.

Orange County, 6/2023
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top