Đức Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88

ĐỨC GIÁO HOÀNG FRANCIS

QUA ĐỜI Ở TUỔI 88

Giáo Hoàng Đầu Tiên người Châu Mỹ La Tinh, nổi tiếng vì tính khiêm nhường và tinh thần tiến bộ nhưng cũng nhận nhiều chỉ trích

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Lễ Phục Sinh tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Thành phố Vatican năm 2015. (Franco Origlia/Getty Images)

Ba ngày sau khi khói trắng bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine vào tháng 3 năm 2013, Đức Hồng Y Bergoglio, tổng giám mục thành phố Buenos Aires đã chào đón báo chí quốc tế lần đầu bên trong một hội trường lớn của Vatican. Khi ngài đứng dậy, bước ra khỏi chiếc “ngai” bọc nệm sang trọng, một đôi giày đen cũ kỹ ló ra từ bên dưới chiếc áo choàng giáo hoàng mới tinh.

Đức Giáo Hoàng Francis, tên khai sinh là Jorge Mario Bergoglio đã từ chối xỏ chân vào đôi dép đỏ xa hoa, một phần trong bộ trang phục của Giáo Hoàng được hiểu như một hành động nổi loạn “nhỏ” trong truyền thống cứng ngắt của tòa thánh Vatican.

Mấy ngày trước đó, vị tu sĩ Dòng Tên người Argentina cũng như trên 200 vị hồng y toàn thế giới tụ tập về Rome đều choáng váng vì sự thoái vị của Đức Giáo hoàng Benedict XVI. Lúc đó, uy tín của Giáo Hội bị tổn thương vì tình trạng lạm dụng tình dục tràn lan trong hàng ngũ linh mục và vụ bê bối tài chính trong “Chính phủ” Vatican. Sau khi bất ngờ được bầu làm giáo hoàng, một giáo hoàng không phải người Châu Âu kể từ năm 741, GH Francis đã chứng minh một cách điềm đạm và khiêm tốn nhưng rõ ràng ngay từ những ngày đầu rằng ngài sẽ là một “kiểu” giáo hoàng khác biệt.

 

Qua đời ở tuổi 88

Theo Đức Hồng y Kevin Farrell, chánh VP của tòa thánh thì Giáo hoàng Francis, 88 tuổi, qua đời vào ngày 21 tháng 4 vì đột quỵ não và suy tim mạch. Vào tháng 2 năm nay, sau khi bị viêm phế quản, ngài đã nhập viện tại thành phố Rome với nhiều biến chuyển phức tạp tiếp theo, theo các viên chức Vatican. Trong những năm gần đây, sức khỏe ngài suy giảm đáng kể, ngài đã bị nhiễm trùng đường hô hấp, đã phải phẫu thuật đại tràng và bụng, khả năng vận động ngày càng giảm, nhiều lúc ngài phải sử dụng gậy và ngồi xe lăn.

Phớt lờ lệnh của bác sĩ là phải dưỡng bệnh trong hai tháng và tránh đám đông, ngài tiếp tục nhiệm vụ của mình, xuất hiện trước công chúng và tổ chức các buổi tiếp kiến ​​trước và trong lễ Phục sinh. Vào Chủ Nhật 20 tháng 4, một ngày trước khi qua đời, ngài đã gặp riêng Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance và sau đó di hành qua đám đông 35.000 tín đồ tại Quảng trường Thánh Peter trên xe của giáo hoàng.

Ở Thành phố Vatican, sự uy nghiêm là một phần của đời sống huyền bí của một giáo hoàng. Các giáo hoàng trước đây đã đi trên chiếc xe limousine màu đen, quay kín cửa và sống trong một căn hộ xa hoa gồm 10 phòng nhìn ra Quảng trường Thánh Peter. Tuy nhiên, sau khi nhận được tin được bầu làm Giáo Hoàng, Hồng Y Francis đã đích thân gọi điện hủy đăng ký báo ở quê nhà Buenos Aires rồi đi nhờ xe buýt nhỏ của Tòa thánh đến nơi ở mà ngài đã chọn, một nhà trọ nằm sau một trạm xăng. Đó vẫn là nhà của ngài cho đến ngày nay.

 

Đức Giáo hoàng Francis chào đón những người hành hương tại Quảng trường Thánh Peter vào thánh lễ  hàng tuần năm 2013. (Alberto Pizzoli/AFP/Getty Images)

 

Đức Giáo hoàng Francis dẫn đầu lễ kỷ niệm Đàng Thánh Giá tại Đấu trường La Mã ở Rome vào Thứ Sáu Tuần Thánh đầu tiên của ngài với tư cách là giáo hoàng. (Gabriel Bouys/AFP/Getty Images)

 

Trong buổi tiếp kiến ​​đầu tiên với các nhà báo Vatican, có một người khiếm thị được một chú chó dẫn đường— đã lúng túng khi gặp Đức Giáo hoàng, cuối cùng ông đã yêu cầu Đức Giáo hoàng cầu nguyện cho vợ và con gái của mình. "Và một phước lành đặc biệt cho chú chó của ông nữa chứ?" Tân Đức Giáo hoàng trả lời, mỉm cười tinh nghịch trước khi đặt tay vuốt lên lông của con chó. “Vì không có nó, làm sao tôi được gặp ông”

Một tràng cười rộ lên giữa báo chí trong khi các quan chức cấp cao của Vatican sửng sốt. Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ đối với họ về Tân Giáo Hoàng: đó là một sự hòa nhập mang tính cách đánh dấu, sự khiêm nhường đầy mặc khải xen lẫn với  một chút hài hước, chắc chắn hứa hẹn nhiều thay đổi trong việc lãnh đạo 1,389 tỷ tín đồ Thiên Chúa Giáo.

Nhưng tư tưởng cấp tiến của GH Francis không nằm trong thần học hay cải cách điều luật của Giáo Hội, mà là cá tính và con người của ngài. Ngài đã tiếp thu các hoạt động văn hóa từ nhạc tango đến Twitter, nền tảng truyền thông xã hội hiện được gọi là X được ngài xử dụng như một công cụ thường ngày để giao tiếp với các tín đồ. GH Francis trở thành giáo hoàng đầu tiên trả lời phỏng vấn thường xuyên — và dài — cho các phóng viên đời thường. Trong các cuộc phỏng vấn đó, hình ảnh của giáo hoàng Francis không phải là một học giả hay một viên chức mà là một giáo sĩ tuyến đầu quen dấn thân trong các khu ổ chuột ở Argentina hiện lên rất rõ .

Không chứng từ nào nói lên điều này rõ hơn là những hoạt động tiếp cận mang tính cách lịch sử của GH Francis đối với cộng đồng LGBTQ+ của GH Francis, những bình luận thẳng thắn của ngài ám chỉ đến sự thay đổi của thời đại dù nó chạm đến giáo lý chính thức của nhà thờ. Là giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latinh và là giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên, ngài đã mang đến một thế giới quan và một góc nhìn mới lạ cho Tòa thánh Vatican, thành trì “cổ đại” nơi mà GH Francis luôn có vẻ như một người ngoài cuộc.

Trái ngược với GH tiền nhiệm Benedict, một nhà thần học người Đức được những người theo chủ thuyết truyền thống của Giáo Hội tôn kính, GH Francis tập trung chức vụ giáo hoàng vào mục vụ và tiếp cận cộng đồng thay vì củng cố giáo lý.

Marco Politi, một người viết chuyên viết tiểu sử của các giáo hoàng và là người theo dõi Vatican lâu năm nhận xét: Ngài là hình ảnh của Một Samaritan nhân hậu - His was the image of the Good Samaritan. GH Francis đã xóa bỏ mọi nỗi ám ảnh của giáo hội về các vấn đề tình dục — từ nay, sẽ không còn “những thảo luận về các mối quan hệ trước hôn nhân, về những người đã ly hôn, về người đồng tính hay chuyển giới vì tất cả đều là con trai và con gái của Chúa ”

Trước “triều đại” của GH Francis, Giáo Hội Công giáo phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, lập đi, lập lại: sự mở rộng của các nhà thờ Tin lành, đặc biệt là ở các nước đang phát triển; sự từ bỏ nhà thờ của thế hệ trẻ Công Giáo ở các quốc gia phát triển; tình trạng thiếu hụt giáo sĩ; và sự phẫn nộ dai dẳng trong quần chúng về việc Giáo Hội che đậy và quản lý sai các cáo buộc lạm dụng tình dục …mặc dù dưới thời GH Francis, Giáo hội vẫn phát triển, đặc biệt là ở Châu Phi, mở rộng trên toàn cầu gần 11 phần trăm.

Theo Fides, một hãng thông tấn của Vatican, số lượng người được rửa tội trong giáo hội đã giảm đáng kể, từ gần 18 triệu người vào năm 1998 xuống còn 13,3 triệu người vào năm 2022.

Nhưng đằng sau hậu trường, GH Francis đã chứng tỏ ngài là một nhà “cai trị” cứng rắn. Ngài tấn công vào nạn tham nhũng trong bộ máy quan liêu Byzantine của Vatican, mặc dù vẫn không thể giữ cho Tòa thánh trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ giáo hoàng của mình khỏi một cuộc khủng hoảng tài chính khi các khoản quyên góp toàn cầu giảm và thâm hụt lương hưu tăng vọt. Quyết định làm rung chuyển Hội đồng Hồng y khi ngài đã chỉ định 108 trong số 135 thành viên bỏ phiếu và đảm bảo rằng mật nghị sẽ chọn một Đức GH kế nhiệm đa dạng hơn và ít bị người châu Âu chi phối hơn.

Các bài viết và những tuyên bố của ngài đã bị một số người Công giáo bảo thủ về mặt giáo lý chỉ trích gay gắt nhưng lại được  những người theo chủ nghĩa tự do ủng hộ, ngay cả khi họ cảm thấy tư tưởng đại đồng, tôn trọng sự bình đẳng của ngài không thay đổi được gì những “truyền thống” già nua, lỗi thời của Vatican.

Khi được một nhà báo hỏi về các linh mục đồng tính trên chuyến bay trở về Ý từ Brazil vào năm 2013 — vào những năm đầu trở thành giáo hoàng của GH Francis — ngài đã trả lời một cách đáng ghi nhớ, "Nếu một người đồng tính có thiện chí muốn phục vụ Chúa thì tôi là ai mà phán xét họ?" Để phù hợp với các chuẩn mực hiện đại, ông đã sử dụng từ “đời thường” "đồng tính-gay" — một từ mà các giáo hoàng trước đã tránh. Sau đó, ông đã đi xa hơn, vào tháng 1 năm 2023 kêu gọi bãi bỏ các luật chống người đồng tính khi thẳng thắn tuyên bố rằng "đồng tính không phải là một tội ác".

 

Đức Giáo hoàng Francis tại Quảng trường Thánh Peter vào thánh lễ  hàng tuần năm 2018. (Gregorio Borgia/AP)

Trước sự tức giận của những người bảo thủ trong Giao Hội, ngài vẫn bênh vực quyền hợp pháp của các cặp đôi đồng tính ngoài xã hội dù vẫn phản đối hôn nhân đồng tính trong phạm vi nhà thờ. Nhưng vào năm 2023, ngài đã tiến xa hơn, mở cánh cửa cho các linh mục Công giáo được chúc phúc cho các cặp đôi đồng tính. Ngài đã ban hành những hướng dẫn rằng, trong một số trường hợp nhất định, những người chuyển giới có thể được rửa tội, làm cha mẹ đỡ đầu và làm chứng nhân cho ​​lễ cưới.

Vào tháng 12 năm đó, văn phòng Vatican phụ trách giáo lý — khi đó được điều hành bởi một “đồng minh” của GH Francis và là người Argentina — đã vạch ra các hướng dẫn mang tính “đột phá” cho các linh mục được ban phước lành cho những cặp đôi đồng tính. Những lời giải thích của Vatican về vấn đề này thường khiến cả hai bảo thủ và tự do đoán già đoán non và gây ra nhiều tranh cãi trong Giáo Hội vì mặc dù “tiếp cận”  vấn “nạn” LGBTQ+ đã trở thành một đặc điểm nổi bật trong triều đại của mình nhưng GH Francis đã không thay đổi căn bản giáo lý của giáo hội hoặc các giáo lý chính thức của giáo hội định nghĩa rằng đồng tính luyến ái là "rối loạn nội tại - intrinsically disordered.”".

GH Francis cũng đã tham gia cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu do con người gây ra trong một thông điệp dài 192 trang cảnh báo về "các chất độc nông nghiệp tổng hợp" và "tích tụ sinh học" từ chất thải công nghiệp. Ngài tuyên bố gây ô nhiễm là một tội lỗi. Như GH John Paul II, vị giáo hoàng được GH Francis phong thánh, ngàu đã tận dụng ngôi vị của mình trong quần chúng và sự chú ý của giới truyền thông để tập trung chú ý của thế giới vào những người nghèo và những người bị thiệt thòi vì lý do địa chính trị.

Chuyến đi chính thức đầu tiên của ngài là đến đảo Lampedusa của Ý, một trạm dừng chân đầy gánh nặng cho những người tị nạn tìm kiếm nơi ẩn náu ở châu Âu khỏi các cuộc xung đột ở Bắc Phi và Trung Đông. Trong một thông điệp “nhức nhối” gửi đến những chính phủ theo đạo Thiên chúa, những người từ chối những người tị nạn Hồi giáo, ngài đã tài trợ cho một nhóm người Syria đến sống tại Rome trong cuộc nội chiến ở đất nước họ.

Năm 2016, sau khi ứng cử viên tổng thống khi đó là Donald Trump tuyên bố sẽ xây một bức tường dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico, GH Francis đã nói rằng: "Một người chỉ nghĩ đến việc xây dựng những bức tường ở bất cứ nơi nào họ có thể, và không xây dựng những cây cầu, thì không phải là người theo đạo Thiên chúa". Trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, GH Francis đã định vị nhà thờ như một thành trì tinh thần chống lại các cuộc trục xuất hàng loạt những người di dân lậu ở Hoa Kỳ và dường như đã khiển trách Phó Tổng thống JD Vance — một người Công giáo bảo thủ — trong cuộc gặp gỡ ngày chủ nhật 20 tháng 4, vì đã hiểu sai các khái niệm thần học của Thiên Chúa Giáo khi hành động như vậy. Đây cũng là nhân vật chính trị sau cùng được gặp GH Francis vì ngài qua đời ngay sáng hôm sau.

“Hành động trục xuất những người trong nhiều trường hợp đã phải rời bỏ quê hương của họ vì lý do cực kỳ nghèo đói, bất an, bóc lột, bị đàn áp hoặc môi trường sinh sống tồi tệ nghiêm trọng, làm tổn hại đến phẩm giá của nhiều người đàn ông và phụ nữ, và của toàn bộ gia đình, đã đặt họ vào tình trạng dễ bị tổn thương vì họ không có khả năng tự vệ”,  GH Francis đã viết trong một lá thư gần đây gửi cho các giám mục Hoa Kỳ.

 

Giáo hoàng Francis đến Trường Our Lady Queen of Angels ở khu phố East Harlem của New York vào tháng 9 năm 2015 trong chuyến đi kéo dài sáu ngày đến Hoa Kỳ. (Pool/Getty Images)

 

Giáo hoàng Francis vẫy tay chào những người chúc mừng từ ban công của VP chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ sau khi phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội vào tháng 9 năm 2015. (Bill O'Leary/The Washington Post)

GH Francis đã làm các nhân viên an ninh Vatican thất vọng khi không muốn sử dụng trần xe chống đạn của “popemobile". Trong chuyến đi Hoa Kỳ vào năm 2015, Francis đã dùng một chiếc Fiat khiêm tốn. Ngài cho rằng các linh mục nên là những người chăn chiên "sống với mùi của đàn cừu", ngài đã mở cửa sổ xe và hòa mình vào đám đông trong các chuyến thăm của giáo hoàng. Theo truyền thống trước lễ Phục sinh, ngài đã quỳ xuống rửa chân cho những người Công giáo và không Công giáo, một số người trong số họ bị biến dạng và bị bệnh tật hành hạ một cách đau đớn. Thái độ dấn thân này được GH Francis giải thích với một đài truyền hình Brazil: "Làm tất cả hoặc không làm gì",  Hoặc là bạn thực hiện chuyến đi đúng theo điều bạn phải làm giữa người với người, hoặc là không nên thực hiện chuyến đi đó. “It’s all or nothing. Either you make the journey as you have to make it, with human communication, or you shouldn’t make it at all.”

Đôi khi, Gh Francis có những bộc phát cảm xúc đột ngột. Trong chuyến đi đến Philippines năm 2015, ngài đã bỏ qua những lời phát biểu đã chuẩn bị khi một bé gái rất trẻ hỏi ngài “tại sao Chúa lại để trẻ em phải chịu cảnh cha mẹ ruồng bỏ hoặc phải chịu đựng những tệ nạn của việc lạm dụng ma túy và mại dâm. Ngài đã dừng lại, ôm cô bé vào lòng và nói với đám đông: “Cô bé này là người duy nhất đặt ra một câu hỏi mà không ai có câu trả lời, thậm chí cô đã không thể diễn tả bằng lời mà chỉ có thể diễn đạt bằng nước mắt. Chúa ơi, con phải làm sao đây!

Các viên chức Vatican đã phải vật lộn để kiềm chế những bình luận không theo kịch bản của ngài, chẳng hạn như khi ngài gợi ý Giáo Hội phải linh hoạt trong việc phản đối các biện pháp tránh thai trong đợt bùng phát của vi-rút Zika ở Mỹ Latinh gây ra dị tật bẩm sinh. Đôi khi, GH Francis nghiêng về vai trò của một nhà ngoại giao hơn là vai trò của giáo hoàng, đặc biệt là ở Châu Mỹ Latinh. Ảnh hưởng của ngài có thể được nhìn thấy trong việc hòa giải giữa Cuba và Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Một thỏa thuận bí mật khi ​​Vatican trao cho Bắc Kinh quyền lựa chọn giám mục trong khi Giáo hoàng chỉ có quyền phủ quyết đã bị nhiều nhà phê bình từ các nhóm nhân quyền đến những người Công Giáo bảo thủ ở Mỹ chế giễu là Vatican đã xoa dịu Trung Cộng nhưng theo GH Francis thì thỏa thuận này nhằm đưa những người Công giáo Trung Quốc ra khỏi bóng tối để họ có thể sinh hoạt lại với Giáo Hội Thiên Chúa Giáo.

Là một người đến từ một quốc gia Châu Mỹ La Tinh, GH Francis có quan điểm chung về Hoa Kỳ là không bao giờ hoàn toàn tin tưởng vào ảnh hưởng và quyền lực của đất nước này. Trong cuộc gặp gỡ năm 2023 với các linh mục Dòng Tên ở Lisbon, ngài đã chỉ trích "thái độ phản đối mạnh mẽ" của những người Công giáo theo chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ về những quyết định cởi mở của ngài trong một thế giới đã đổi thay và  gọi họ bằng một từ tiếng Ý dường như do ngài tự tạo ra - "indietristi" hay những người lạc hậu.

Ngài đã tận dụng thẩm quyền của mình để kêu gọi sự sống chung hòa bình và chấm dứt sự xung đột giáo phái. Ở Iraq, ngài đã gặp Đại giáo chủ Ali Sistani vào tháng 3 năm 2021, một lãnh tụ tôn giáo của người Shiite Iraq. Đứng tại sa mạc trên đồng bằng Ur, được cho là nơi sinh của Abraham — tộc trưởng Do Thái nhưng được cả người theo đạo Thiên chúa và đạo Hồi tôn kính — GH Francis  đã nói với đám đông đa tín ngưỡng nơi đó rằng, “Chúng ta cần có nhau”.

Hầu như mọi quyết định của ngài —việc xích lại gần với những người Công giáo đã ly hôn, những phụ nữ đã phá thai , cộng đồng  LGBT có thể coi như biểu hiện của một tấm lòng nhân hậu: Sự thương xót dành cho tất cả nhân loại, không phân biệt chủng tộc, tội lỗi, tôn giáo, dù cuộc đời của họ có được Giáo Hội chấp nhận hay quay lưng!

Tuy nhiên, đừng nghĩ GH Francis là một tâm hồn giản dị. Trong khi phong cách của ngài đã nhận được sự cổ vũ từ những người Công giáo tự do, những người vô thần và ngay cả những người nổi tiếng thế gian (ngôi sao nhạc pop-rock đồng tính Elton John gọi ông là "phép lạ"), thì nó lại gây chia rẽ mâu thuẩn trong Giáo Hội của ông. Hệ tư tưởng của ông rất tinh tế và vì thế không nhất quán với chủ nghĩa tự do. Một mặt ngài chấp nhận cộng đồng  LGBT ở ngoài thế gian nhưng không ở trong nhà thờ của ngài. Nhưng khi tín đồ Công giáo lại là người đồng tín thì ngài lại không muốn bỏ rơi họ. Ngài xác định "đồng tính không phải là một tội ác". Ngài đã khôi hài khi so sánh vấn đề giới tính với vũ khí hạt nhân. Nguy hiểm khôn lường!

 

Thanh thiếu niên Thái Lan vươn tay chạm vào Giáo hoàng Francis khi ngài đi trong đoàn rước ra khỏi Nhà thờ Assumption ở Bangkok vào tháng 11 năm 2019. (Paula Bronstein/Getty Images)

 

Tác phẩm rao giảng về gia đình, “Amoris Laetitia-Niềm vui của tình yêu” của GH Francis đã gây ra nhiều tranh cãi trong các tín đồ Thiên Chúa. Thậm chí có một blog bảo thủ gọi một cách chế giễu là “Niềm vui của tình dục” vì trong đó, GH Francis nói với các cặp vợ chồng nên bắt đầu ngày mới bằng một “nụ hôn buổi sáng” và không nên sợ sự hạm muốn tình dục lành mạnh.

Quan trọng hơn, ngài đã mở cánh cửa cho những người Công giáo đã ly hôn và tái hôn — từ lâu bị nhà thờ coi là đang sống trong tình trạng ngoại tình — được Rước lễ. Những quyết định như vậy, như với việc dành cho các linh mục tùy ý quyết định về việc ban phước cho những cặp vơ chồng đồng tính  là một phần trong nỗ lực của GH Francis nhằm giảm áp đặt từ trên xuống dưới trong sinh hoạt nhà thờ. Năm 2013, khi GH Francis được tạp chí Time vinh danh là Nhân vật của năm  ông đã tuyên bố sẽ mở rộng cửa nhà thờ vì "Nhà thờ là nơi của lòng thương xót và hy vọng của Chúa, nơi mọi người đều cảm thấy được chào đón, yêu thương, tha thứ và được khuyến khích sống theo cuộc sống tốt đẹp của Phúc âm". Và để người khác cảm thấy được chào đón, yêu thương, tha thứ và khuyến khích, nhà thờ phải mở rộng cửa để tất cả mọi người có thể bước vào".

Người chỉ trích GH Francis gay gắt nhất là  Raymond Burke, một hồng y bảo thủ của Hoa Kỳ, người sau này trở thành một nhân vật phản diện chính của Vatican — đã lên án những lời rao giãng của GH Francis là gieo rắc sự nhầm lẫn trong đàn chiên Công giáo. "Nói một cách thực tế, sự chia rẽ đã xâm nhập vào nhà thờ, điều này trái ngược với bản chất của chúng ta", Những lời dạy của giáo hoàng Francis về những người Công giáo ly hôn có thể đã đi chệch khỏi "các nguyên tắc cơ bản" của đức tin.

Sự khoan dung ban đầu của Francis đối với sự bất đồng chính kiến ​​​​công khai cũng đã dần phai nhạt cùng với sức khỏe của ông trong giai đoạn cuối của nhiệm kỳ giáo hoàng.

Vào cuối năm 2023, ông đã gây ra sự phản đối trong số những người bảo thủ khi cách chức một giáo sĩ chống đối , Giám mục Joseph Strickland, khỏi vị trí người đứng đầu Giáo phận Tyler, Texas. Ông cũng tước bỏ các đặc quyền truyền thống dành cho một hồng y — bao gồm cả một căn hộ ở Rome — của Hồng Y Burke. GH Francis đã truyền đạt suy nghĩ của mình về động thái của Hồng Y Burke chống đối ngài cho người viết tiểu sử của mình là Austen Ivereigh như sau: “Một hồng y, trong lời tuyên thệ của mình, hứa sẽ vâng lời ‘với thánh Phêrô trong con người của Đức Giáo hoàng tối cao’

 

Giáo hoàng Francis thả một chú chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình, tại Tbilisi, Georgia ở một khu vực bất ổn trên thế giới. (Vincenzo Pinto/AFP/Getty Images)

 

Jorge Bergoglio thời trẻ, Giáo hoàng tương lai Francis, bên trái, với anh trai Oscar. (Gia đình Bergoglio/AFP/Getty Images)

Hồng Y Jorge Bergoglio in 2003. (Luca Bruno/AP)

 
Một tiếng gọi tâm linh

Cha của GH Francis, ông Mario José Francisco Bergoglio, đã di cư từ vùng Piedmont của Ý đến thiên đường của những người nhập cư là Argentina, một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới vào đầu thế kỷ 20 cùng cha mẹ và năm anh chị em vào năm 1928. Họ đã mạo hiểm đi về phía tây để đoàn tụ với gia đình đang sống tại nơi đó.

Cuộc Đại Suy Thoái tiếp theo một loạt các nhà cầm quyền quân sự, đã làm suy yếu đất nước này. Gia đình ông Bergoglio đã chuyển từ vùng nông thôn đến thủ đô Buenos Aires nhộn nhịp. Tại đó, cha của GH Francis, một nhân viên kế toán, đã gặp người vợ tương lai của mình — bà Regina María Sivori, con gái cũng của những người nhập cư Ý — tại một Thánh lễ.

Cặp đôi này, những người nói tiếng Ý và tiếng Tây Ban Nha ở nhà, đã định cư tại khu phố lao động Flores. Cậu Jorge Mario Bergoglio, anh cả trong gia đình có năm anh chị em, sinh ra tại thủ đô Buenos Aires vào ngày 17 tháng 12 năm 1936. Vào thời điểm đó, Flores là một vùng quê hẻo lánh, một cụm nhà nằm xen kẽ giữa những con đường đất và những cánh đồng rau. Khi còn trẻ, cậu Jorge chơi bóng đá và nhảy milonga sôi động tại các bữa tiệc. (Người duy nhất còn sống sót trong 5 anh chị em là chị gái ngài, bà María Elena Bergoglio.)

Cuộc sống tinh thần của cậu Jorge chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Rosa Vassallo, bà nội của ông, người đã chăm sóc ông vào ban ngày. Ở Ý, bà đã tham gia một nhóm Công giáo phản đối chủ nghĩa phát xít, và ở Argentina, bà đã truyền cho đứa cháu trẻ tuổi ý thức về xã hội công lý. Ngay cả khi trở thành giáo hoàng, GH Francis vẫn giữ trong sổ cầu nguyện của ngài một lá thư mà bà đã viết cho ngài khi ngài được thụ phong linh mục.

“Nếu vào một ngày đau buồn nào đó, bệnh tật hoặc mất mát người thân khiến con đau buồn, hãy nhớ rằng một tiếng thở dài trước Nhà tạm - the Tabernacle, nơi vị thánh tử đạo vĩ đại và cao cả nhất ngự trị, và một ánh mắt hướng về Đức Mẹ Maria dưới chân Thánh giá, có thể làm nhỏ xuống một giọt dầu xoa dịu những vết thương sâu nhất và đau đớn nhất.”

 

Đức Hồng y Bergoglio cử hành Thánh lễ bên ngoài nhà thờ San Cayetano ở Buenos Aires năm 2009. (Natacha Pisarenko/AP)

Một cuộc gặp gỡ vào ngày 21 tháng 9 năm 1953 đã là tiếng gọi làm linh mục của Jorge. Dưới những mái vòm và những bức tường được trang trí bằng bích họa của Vương cung thánh đường San José de Flores, ngài đã đi xưng tội và gặp linh mục Carlos Duarte Ibarra, một người đang hấp hối vì bệnh bạch cầu. Vị giáo hoàng tương lai đã cảm thấy an ủi khi linh mục Duarte không nghiêm khắc quá  và có tinh thần vị tha vì ông luôn lắng nghe sự thống khổ của cậu con chiên 16 tuổi này.

Đức Giáo hoàng Francis kể lại trong cuốn sách năm 2016 “The Name of God Is Mercy” được viết cùng với nhà báo người Ý Andrea Tornielli của mình “Ông ấy đã qua đời vào năm sau. Tôi vẫn nhớ khi tôi về nhà, sau đám tang và lễ chôn cất ông, tôi cảm thấy như thể mình đã bị bỏ rơi. Và tôi đã khóc rất nhiều vào đêm đó, thực sự rất nhiều, và trốn trong phòng. Tại sao? Bởi vì tôi đã mất một người đã giúp tôi cảm nhận được lòng thương xót của Chúa”.

Đi theo con đường quanh co để trở thành linh mục, Jorge Bergoglio đã làm việc như một nhà hóa học trong phòng thí nghiệm (mẹ ông muốn ông trở thành bác sĩ) và, trong một thời gian ngắn, làm người gác cửa hộp đêm. Tâm linh của ông sâu sắc hơn với tiếng gọi của Chúa khi ông bị viêm phổi ở tuổi 21 vì quá lao lực và nghèo khó, dẫn đến việc cắt bỏ gần hết một bên phổi. Trong hồi ức với các nhà viết tiểu sử Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti, ông kể rằng một nữ tu — Sơ Dolores, người đã giúp ông trong Lễ Rước Thánh lần đầu — đã đến bên giường bệnh của ông và nói: "Con đang noi gương Chúa Kitô". Đối với vị giáo hoàng tương lai của GH Công Giáo, những lời này đã được hiểu như là một bài giảng về cách đối mặt với nỗi đau một cách kiên cường.

Ông được thụ phong linh mục vào năm 1969 sau khi gia nhập Dòng Tên - the Jesuits, một dòng Công giáo tiến bộ phục vụ  công lý xã hội và trước GH Francis, chưa từng có một giáo sĩ nào thuộc dòng này được bầu làm Giáo Hoàng.

Sự thăng tiến của ngài lên chức vụ cao hơn bắt đầu vào thời điểm Argentina, bao gồm cả Giáo hội Công giáo ở đó, bị chia rẽ trầm trọng bởi một chính quyền quân sự cánh hữu nắm quyền từ năm 1976 đến năm 1983.

Giáo Hội  Thiên Chúa Giáo  ở Argentina bị cáo buộc là đã không lên án và tệ nhất là đồng lõa trong Cuộc Chiến Bẩn Thiểu -Dirty War trong đó ít nhất 10.000 người bất đồng chính kiến ​​ đã bị thủ tiêu. Quân đội không những đang chiến đấu với các du kích quân cánh tả mà mục tiêu của họ còn nhắm vào những nhà đối lập chính trị, giới trí thức, nhà báo, nhà văn , người Do Thái vv…vv

Cha Bergoglio không theo lý thuyết giải phóng cấp tiến trong khi nhiều linh mục trẻ lý tưởng cùng thời với ngài đã có quan điểm cực đoan của cánh tả. Trong cuốn sách "Sự im lặng" (2005), nhà báo người Argentina Horacio Verbitsky đã tố cạ rằng Cha Bergoglio, khi đó là một tu sĩ dòng Tên cao cấp, đã tước bỏ sự bảo vệ của giáo hội dành cho hai linh mục cánh tả trong dòng của ngài, khiến họ bị chính quyền quân phiệt bỏ tù khi họ từ chối không chấm dứt các hoạt động chính trị đối kháng chính quyền trong khu ổ chuột ở Buenos Aires.

Một trong hai người này đã chết trước khi Cha Bergoglio trở thành giáo hoàng. Người còn lại, Francisco Jalics, sau đó khẳng định rằng những cáo buộc cho rằng Cha Bergoglio và giáo hội đã bỏ rơi hai linh mục là dựa trên thông tin sai lệch.

Đức Hồng y Bergoglio, Tổng giám mục Buenos Aires, cử hành Thánh lễ tại Nhà thờ chính tòa Metropolitan của thành phố vào năm 2013. (Natacha Pisarenko/AP)

 

Một đặc điểm nổi bật khi Cha Francis trở thành nhà lãnh đạo, theo nhà viết tiểu sử Ivereigh, là sự khó hiểu của ngài, điều này đã khiến ngài được các tu sĩ Dòng Tên đặt cho biệt danh "Mona Lisa". Ivereigh viết rằng hàng chục người bất đồng chính kiến ​​trốn thoát cho biết Cha Bergoglio đã giúp họ ẩn náu hoặc chạy trốn khỏi Argentina thông qua các mạng lưới bí mật. Ngài cũng cảnh báo cho những người đang bị nhắm đến để họ kịp trốn đi.

Theo Ivereigh thì Cha Bergoglio ở trong một vị trí vô cùng tế nhị. Ngài coi thường hệ tư tưởng của chính quyền quân sự cũng như hệ tư tưởng Marxist của phong trào du kích cánh tả Montoneros. Nhưng ngài thực tế và cần duy trì đường lối cởi mở dung hòa với cả hai bên để bảo vệ nhà thờ.

Trong phiên tòa xét xử năm 2010 về tội ác chiến tranh ở Argentina trong những năm tháng của chế độ quân phiệt, vị giáo hoàng tương lai đã bị thẩm vấn về Esther Ballestrino, một nhà hóa học và chiến binh cộng sản đã vận động cho quyền của phụ nữ và người lao động và từng là giám sát viên tại phòng thí nghiệm nơi Jorge Bergoglio trẻ tuổi từng làm việc. Ông đã thú nhận bà là người có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ của mình.

Vào cuối những năm 1970, bà đã thành lập Mothers of the Plaza de Mayo — một nhóm các bà mẹ của những người "mất tích" thường xuyên diễu hành với ảnh chụp những đứa con mất tích của họ, một thách thức nghiêm trọng đối với chế độ quân phiệt. Khi quân đội bắt đầu bắt giữ những người bất đồng chính kiến, Cha Bergoglio đã giấu những cuốn sách của Ballestrino về chủ nghĩa Marx theo yêu cầu của bà.

Bà đã bị bắt. Sau đó Cha Francis đã thừa nhận trong một lời khai rằng mặc dù ông giữ một vị trí cấp cao trong nhà thờ, nhưng ông không tìm cách đảm bảo việc thả bà. Ballestrino, giống như nhiều người bất đồng chính kiến ​​​​người Argentina khác, được cho là đã thiệt mạng do bị ném từ máy bay xuống Đại Tây Dương. “Tôi tự trách mình vì đã không làm đủ,” vị giáo hoàng tương lai đã nói tại phiên tòa xử những tội phạm chiến tranh tại Argentina.

 

Đức Giáo hoàng Phanxicô cầu nguyện úp mặt xuống sàn Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong Lễ Cuộc Khổ nạn của Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2015. (Gabriel Bouys/AFP/Getty Images)

 

Năm 1992, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Cha Bergoglio làm giám mục phụ tá tại Buenos Aires, và năm năm sau, ngài trở thành tổng giám mục. Ngài phục vụ trong các ủy ban của Vatican và vào năm 2005, ngài đứng thứ hai sau Đức Hồng y Joseph Ratzinger của Đức, sau này là Đức Giáo hoàng Benedict XVI, tại mật nghị được triệu tập để bầu người kế nhiệm sau khi Đức Gioan Phaolô qua đời.

Với tư cách là Đức Hồng y Bergoglio, ngài đã báo trước những thay đổi mang tính cách mạng đánh dấu những năm tháng ngài làm Giáo hoàng Francis. Ngài sống trong một ngôi nhà khiêm tốn, từ chối chuyển đến ngôi nhà lớn của Giáo Hoàng, ấn tượng hàng đầu của thành phố. Ngài rửa chân cho những bệnh nhân AIDS, những kẻ buôn ma túy và gái mại dâm. Ông đã dành nhiều ngày dài để phục vụ tại các khu ổ chuột rộng lớn được gọi theo tiếng lóng của Buenos Aires là “làng khốn khổ”.

Trong khi các giáo sĩ Công giáo ở Đông Âu kêu gọi mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Giáo Hội và nhà nước, Hồng y Bergoglio lại tìm cách tách biệt hơn. Ông tin rằng nhà thờ ở Argentina đã trở nên quá gắn bó với các chính trị gia như Tổng thống Carlos Menem, người đã bị lên án vì tham nhũng.

 

Giáo hoàng Francis hôn một em bé khi ông đến dự buổi tiếp kiến ​​chung hàng tuần tại Quảng trường Thánh Peter vào tháng 10 năm 2015. (Filippo Monteforte/AFP/Getty Images)

 

Giáo hoàng Francis và Giáo hoàng danh dự Benedict XVI gặp nhau nhân dịp lễ tấn phong năm hồng y mới tại Vatican vào năm 2017. (L'Osservatore Romano/AP)

Năm 2001, Argentina trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng ở quốc gia từng là giàu có nhất Châu Mỹ Latinh. Có lẽ đó là một trong những giờ phút đẹp nhất của Hồng y Bergoglio. Ông đã phát động các hoạt động cứu trợ do nhà thờ hậu thuẫn, cung cấp thực phẩm, thuốc men, đào tạo nghề và nơi trú ẩn cho những người nghèo.

Trong những năm ngay trước khi được bầu làm giáo hoàng, ngài vẫn tiếp tục tỏ ra thận trọng với chính trị, ngài nổi tiếng là nhân vật đối đầu hàng đầu với Tổng thống Cristina Fernández de Kirchner.

Là một người theo chủ nghĩa dân túy cánh tả, tổng thống Kirchner đã mô tả Hồng y Bergoglio là đồng lõa với chính quyền quân sự, và Hồng y Bergoglio đã đáp trả bằng những lời chỉ trích ngấm ngầm về nạn tham nhũng ăn sâu và thái độ kiêu ngạo đối với người nghèo của tầng lớp chính trị Argentina.

Việc Hồng y Bergoglio phản đối dự luật mang tính đột phá của Argentina là hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính đã khiến bà Kirchner tức giận cho rằng ngài gợi cho bà nhớ đến "thời trung cổ và Tòa án dị giáo".

Mục sư Thomas Reese, một nhà phân tích của Vatican cho biết vì những hoạt động này mà các hồng y ở Vatican "nghĩ rằng ngài ấy sẽ bảo thủ hơn khi thành Giao Hoàng". Nhiều giám mục bên ngoài Châu Mỹ Latinh không hiểu rõ về ngài. Một phần là vì ngài không nói được tiếng Anh. Ở Buenos Aires, ngài đã ngồi trong nhà của những người nghèo và lắng nghe câu chuyện đau thương của họ, và không thấy thị trường thế giới hay toàn cầu hóa giúp ích gì cho những người này".

 

Giáo hoàng Francis đi về phía lối vào chính của trại tử thần Auschwitz-Birkenau của Đức Quốc xã vào năm 2016 khi ở Ba Lan để tham dự lễ hội thanh niên Công giáo quốc tế. (Filippo Monteforte/AFP/Getty Images)

 

Một triết lý bao hàm

Cách tiếp cận của Giáo hoàng Francis trong tư cách giáo hoàng đã gây ra nhiều ấn tượng ngay từ những ngày đầu. Linh Mục Guillermo Karcher, khi đó là một viên chức nghi lễ của Vatican, kể lại khi ông bước qua cánh cửa lớn của Nhà nguyện Sistine vào ngày GH Francis  được bầu. Khi tìm thấy ngài ở hành lang, LM Karcher đã quỳ xuống hôn chiếc nhẫn của giáo hoàng.

GH Francis từ chối ngay, thản nhiên mời LM Karcher còn đang hoang man đứng dậy và yêu cầu đứng trước mặt mình như một người ngang hàng.

"Sau đó, chúng tôi chỉ đứng đó; ông ấy bắt đầu hỏi thăm mẹ tôi", Karcher kể với The Washington Post vào năm 2015. "Tôi nghĩ rằng ngay từ đầu, chúng tôi đã biết người đàn ông này sẽ khác biệt".

Giáo hội mà GH Francis thừa hưởng đang trong tình trạng hỗn loạn.

GH Benedict XVI đã gây chấn động thế giới khi từ chức — vị giáo hoàng đầu tiên từ chức từ năm 1415 — sau một nhiệm kỳ ngắn ngủi vì Vatican bị chấn động bởi sự tái diễn của các vụ bê bối tình dục của linh mục dưới thời John Paul II. Vatican cũng trở thành mục tiêu của báo lá cải sau khi người quản gia của GH Benedict tiết lộ các tài liệu cáo buộc rằng Mafia đồng tính bí mật và tham nhũng tài chính ẩn núp sau những bức tường cổ kính của Tòa thánh.

GH Francis thúc đẩy sự minh bạch hơn giáo triều kiểu La Mã, bộ máy quan liêu rộng lớn và hùng mạnh của Vatican. Ông đã sa thải các quan chức cấp cao và thành lập các ủy ban mới. Nhưng những nỗ lực của ông, thường bị cản trở bởi các cuộc đấu tranh giành quyền lực nội bộ, không bao giờ thực sự đáp ứng được kỳ vọng lớn lao của nhiều người về một cuộc cải cách từ trên xuống dưới.

Trong nhiệm kỳ GH Francis, Vatican  tiếp tục hứng chịu hậu quả của “vấn nạn” lạm dụng tình dục trẻ em trong nhiều năm từ các giáo xứ tại nhiều quốc gia, nhiều địa phương trên toàn thế giới.

GH Francis đã đích thân can thiệp để vụ việc điều tra tiến triển nhanh hơn. Ngài đã thành lập Ủy Ban Giáo Hoàng đầu tiên dành riêng cho việc bảo vệ trẻ vị thành niên. Nhưng Giáo Hội dưới thời GH Francis đã bị chỉ trích gay gắt vì quá khoan dung với các linh mục bị buộc tội. Đó là chưa kể có lần GH Francis đã thăng chức cho một giám mục người Chile — Juan Barros — người bị cáo buộc đã bao che cho một linh mục ấu dâm. GH FRANCIS Francis đã chấp nhận đơn từ chức của Barros vào năm 2018.

Dưới sự giám sát của GH Francis, vào tháng 1 năm 2019, Bộ Giáo lý Đức tin, cơ quan giám sát của Vatican chủ trì các cuộc điều tra về lạm dụng tình dục, đã phát hiện cựu tổng giám mục Washington Theodore McCarrick phạm tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và chủng sinh trưởng thành. McCarrick đã bị trục xuất khỏi chức linh mục, đánh dấu lần đầu tiên một hồng y hoặc giám mục ở Hoa Kỳ bị tước chức.

 

Giáo hoàng Francis trao đổi từ Vatican với phi hành đoàn trên Trạm vũ trụ quốc tế vào tháng 10 năm 2017. (L'Osservatore Romano/AP)

 

Thời đại đã đổi thay

Quan điểm của GH Francis về các cặp đôi đồng tính, được giải thích sau này như đó là niềm tin Thiên Chúa của ngài cho rằng nhà thờ  không nên "gạt họ ra ngoài lề". Quan điểm của ngài về vấn đề này đặc biệt phức tạp. Rubin, một người viết tiểu sử được ủy quyền của GH Francis, đã nói với các phóng viên vào năm 2013 rằng trong chiến dịch hôn nhân đồng giới ở Argentina, GH Francis khi đó còn là Hồng y Bergoglio đã gợi ý một ý tưởng cấp tiến với những người đồng cấp của mình: rằng nhà thờ Argentina nên công khai ủng hộ việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.

Quan điểm của ngài đã bị các giám mục bảo thủ quyết liệt bác bỏ. Quan điểm này của GH Francis đối với hợp thức hóa hôn nhân đồng tính đã xuất hiện trở lại vào năm 2020, khi những lời nói của ngài với tư cách là giáo hoàng được nêu ra trong một bộ phim tài liệu được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Rome.

Trong một lá thư tiếp theo gửi đến các đại sứ quán Vatican trên khắp thế giới, văn phòng của Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh nhấn mạnh rằng GH Francis chỉ đang đề cập đến các liên hệ bên ngoài giáo hội  và không thiết lập học thuyết mới. Sắc lệnh tháng 3 năm 2021 đã ra lệnh cho các linh mục không được ban phước cho các cuộc hôn nhân đồng tính và nêu rõ ràng — khiến các linh mục theo chủ nghĩa tự do ở các quốc gia như Đức thất vọng — rằng ý định của GH Francis không bao giờ thay đổi các giáo lý chính thức của nhà thờ.

Dĩ nhiên, lập trường của GH Francis ủng hộ sự công nhận việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính hoàn toàn trái ngược với lập trường chính thức của Vatican. Một tài liệu năm 2003 do Bộ Giáo lý Đức Tin ban hành mô tả bất kỳ sự công nhận hợp pháp nào đối với các cặp đôi đồng giới cũng giống như "sự chấp thuận hành vi lệch lạc".

Một số người Công giáo đồng tính đã có sự xích lại gần với gia đình của họ sau khi Francis mở lòng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, một người đồng tính nữ 35 tuổi ở Florence, Anna Maria, đã nói với The Post rằng người mẹ Công giáo ngoan đạo của cô đã gọi cho cô sau khi nghe tuyên bố "Tôi là ai mà phán xét?" của giáo hoàng. Hai người đã trở nên xa cách kể từ khi cô nói với mẹ mình nhiều năm trước rằng cô là người đồng tính nữ.

"Nhưng khi bà gọi cho tôi, bà nói, 'Nếu giáo hoàng không phán xét bạn, thì tôi là ai mà phán xét bạn?'"

Giáo hoàng Francis ban phước lành từ một cửa sổ nhìn ra Quảng trường Thánh Peter, vắng vẻ vào tháng 3 năm 2020, Mùa đại dịch Covid. (Alessandra Tarantino/AP)

 

Giáo hoàng Francis cầu nguyện cùng các linh mục tại sân San Damaso của Vatican vào năm 2020. (Filippo Monteforte/AFP/Getty Images)

 

Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni trong hội nghị “General States of Birth” kéo dài hai ngày tại Rome năm 2023. (Filippo Monteforte/AFP/Getty Images)

 

Khi ĐGH Benedict XVI ra đi vào cuối năm 2022, thế giới đã thấy một hình ảnh đầu tiên của thời hiện đại:  một giáo hoàng đương nhiệm ngồi gật đầu trước quan tài của người tiền nhiệm. Mặc dù GH Francis không thay đổi học thuyết một cách rõ ràng, nhưng ông đã đưa vào Hội Đồng Hồng y  những giáo sĩ tư tưởng cởi mở hơn và tiếp tục phong những vị thánh mới. Một trong những lễ phong thánh của GH Francis liên quan đến 813 vị tử đạo người Ý vào thế kỷ 15. Ngài giữ kỷ lục về việc phong thánh nhiều nhất, một kỷ lục mà ngài rất vui vẻ chấp nhận.

Theo báo cáo, GH Francis ủng hộ phong thánh cho các ứng cử viên phản ánh tranh đấu cho sự bất bình đẳng, lòng thương xót và hoàn cảnh của người nghèo và ngài đã nhiều lần từ bỏ "quy tắc hai phép lạ" để đẩy nhanh con đường phong thánh cho họ. Một anh hùng cá nhân của ngài cũng được phong thánh: đó là linh mục Peter Faber, người sáng lập dòng Tên của GH Francis . Vào ngày sinh nhật của chính mình, GH Francis đã phong thánh cho linh mục Faber và nói với tạp chí Công giáo America lý do tại sao ngài thấy LM Faber xứng đáng được như vậy: Ngài Faber có thể đối thoại với tất cả mọi người, ngay cả những người xa lạ nhất và thậm chí với những người chống đối ngài, có thể vì lòng đạo đức giản dị, có thể vì tâm hồn ngây thơ thánh thiện, lúc nào  cũng sẵn sàng đáp ứng, lúc nào cũng xét lại nội tâm… Điều tuyệt vời là một người có nhân cách lớn, có khả năng đưa ra những quyết định lớn lao và mạnh mẽ như vậy nhưng ngài Faber cũng có khả năng dịu dàng và yêu thương mọi người”.

Nơi nước Chúa, khi biết mình được phong thánh, chắc Thánh Faber cũng không sung sướng và hạnh phúc bằng đọc được lý do mình được phong thánh từ một giáo sĩ cùng Dòng Tên trở thành Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Thiên Chúa không sinh trưởng và lớn lên ở Âu Châu mà là ở một nơi bùn lầy nước đọng của Châu Mỹ La Tinh.

 

Đức Giáo hoàng Francis đứng trên ban công chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter để ban phước lành Urbi et Orbi cho Rome và thế giới trong lễ Giáng sinh năm 2024, Lễ Giáng Sinh cuối cùng ở thế gian. (Alberto Pizzoli/AFP/Getty Images)

Saigon Weekly tổng hợp và chuyển ngử

 

Đức Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88
Theo Đức Hồng y Kevin Farrell, chánh VP của tòa thánh thì Giáo hoàng Francis, 88 tuổi, qua đời vào ngày 21 tháng 4 vì đột quỵ não và suy tim mạch. Vào tháng 2 năm nay, sau khi bị viêm phế quản, ngài đã nhập viện tại thành phố Rome với nhiều biến chuyển phức tạp tiếp theo, theo các viên chức Vatican. Trong những năm gần đây, sức khỏe ngài suy giảm đáng kể, ngài đã bị nhiễm trùng đường hô hấp, đã phải phẫu thuật đại tràng và bụng, khả năng vận động ngày càng giảm, nhiều lúc ngài phải sử dụng gậy và ngồi xe lăn.Phớt lờ lệnh của bác sĩ là phải dưỡng bệnh trong hai tháng và tránh đám đông, ngài tiếp tục nhiệm vụ của mình, xuất hiện trước công chúng và tổ chức các buổi tiếp kiến ​​trước và trong lễ Phục sinh. Vào Chủ Nhật 20 tháng 4, một ngày trước khi qua đời, ngài đã gặp riêng Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance và sau đó di hành qua đám đông 35.000 tín đồ tại Quảng trường Thánh Peter trên xe của giáo hoàng.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top