Đặng Ngọc Thuận, Một Kinh Nghiệm Sống Khi Tuổi Đã Già

Phụ Nữ

Đặng Ngọc Thuận md

Kinh Nghiệm Sống Khi Tuổi Đã Già

Lời nói đầu : Phần đầu bài viết có vẻ quá nghiêm nghị nhưng xin quý độc giả ráng đọc đến hết vì tác giả có cảm giác càng viết càng khỏe càng vui và dường như ‘’tếu’’ hơn nữa.. Tôi năm nay 88 tuổi và nhà tôi 82 tuổi. Chúng tôi ‘’lấy nhau’’ đã được tròn 55 năm. Vui buồn có nhau, kham khổ hay sung túc cùng chia sẻ với nhau và lúc nào cũng ở bên nhau.



Ông Bà BS Đặng Ngoc Thuận (Ảnh tư liệu)

Đầu năm 2020 (cùng lúc với đại dịch Covid-19), tôi thay vì nhiễm Covid lại ngã bệnh suy thận thời kỳ chót do áp huyết cao nhiều năm gây ra, mặc dầu thuốc men uống đầy đủ và đều đặn cùng với đồ ăn kiêng cữ kỹ càng ... Tôi vội đi kiếm một Bác Sĩ chuyên khoa Thận Học. Không nói thẳng là tôi đã lớn tuổi, bà bác sĩ Isabelle Chapdelaine chọn cách lọc máu bằng màng bụng ngõ hầu tôi có thể sống tại gia với nhà tôi quãng đời ngắn ngủi còn lại! Trong khi chờ đợi, bà cho tôi chích Aranesp và Venofer để giảm bần huyết và có thêm sức. Song câu nói ’’nhân định thắng thiên’’ hoàn toàn không đúng trong trường hợp tôi vì ngày 20 tháng 02 năm 2022, tôi bỗng dở chứng nóng sốt cao độ, mê man bất tỉnh. Trong hoàn cảnh nguy kịch đó nhà tôi không có sự lựa chọn nào khác là gọi 911 để xin xe cứu thương chở tôi đi cấp cứu. Sau khi hỏi ý kiến nhà tôi, BS René Goupil cũng chuyên khoa thận học quyết định cho lọc máu nhân tạo để cứu mạng tôi. Quả thật một khi lọc máu nhân tạo thì suốt đời phụ thuộc vào cái máy này, trừ phi bạn còn trẻ có thể chờ đợi ghép thận được mà tôi thì gần đất xa trời rồi!
Ban đầu tôi không chịu nổi cái máy lọc máu nhân tạo vì mỗi lần mất 3 giờ rưỡi, rét mướt thấu xương một cách quái gở. Sau mỗi kỳ, nhất là khi cô y tá cho máy lấy đi 2-3 lít nước, bệnh nhân coi như kiệt sức. Và như thế một tuần 3 lần nghĩa là cách một ngày phải lên máy chém một lần! Riêng tôi thì bất tỉnh 3 lần, khi tỉnh lại loạng quoạng níu vào nhà tôi mà đi, chân nam đá chân xiêu như người say rượu. Về đến nhà, nằm vật ra sàn nhà, nửa tỉnh nửa mê. Nhà tôi không đủ sức để khiêng tôi lên giường, đành ngồi kế bên trông chừng, chờ cho tôi tỉnh hẳn mới vực lên giường nổi. Bà BS Chapdelaine rất không bằng long khi hay biết tình trạng bê bối này. Bà ghi vào hồ sơ bệnh lý của tôi mỗi lần chỉ được lấy nước tối đa 1 lít và một tuần chỉ được lọc máu 2 lần mà thôi. Điều sau đã khiến bà thực hiện được phần nào thiện ý đầy nhân đạo của bà là để tôi sống tại gia với nhà tôi càng nhiều càng tốt vì tôi chỉ cần đổi 2 buổi tối ở bệnh viện lấy cả một tuần lễ ở nhà.
Thế nhưng tôi vẫn khổ sở vì một cái rét buốt thấu xương mỗi buổi lọc máu. Các bác sĩ ở đây được tôi hỏi đều nói máy lọc máu thường gây lạnh, nhất là ở người cao niên. May thay một cái e-mail kể khổ với bạn bè gần xa lại lọt vào con mắt chuyên nghiệp của BS Lê Văn Hiệp chuyên khoa thận học ở Loma Linda bên Mỹ. Anh nói khi tôi vô cấp cứu trong tình trạng hấp hối, người ta phải để cái dialysat (bộ phận chính của máy lọc máu) ở nhiệt độ 35.5 C thay vì 36.5 C như bình thường. Như vậy bệnh nhân bị rét lạnh vô cùng song có cái lợi là giữ được áp huyết ở mức khá cao khiến bệnh nhân khỏi đi luôn. Khi tôi đã tỉnh, ai đó đã quên không nâng nhiệt độ của cái dialysat lên mức bình thường là 36.5 C nên tôi mới bị rét buốt như vậy. Tôi tin BS Hiệp nói đúng vì chính tôi nhìn trên écran của cái máy lọc máu thấy áp huyết của tôi cứ tăng dần, nhiều lần lên quá cao, tới hơn 200mm de mercure thật nguy hiểm và tôi thì càng rét run lập cà lập cập, kèm theo hai hàm răng đánh mõ kêu lóc ca lóc cóc!
Tôi bàn chuyện này với nhân viên hữu trách. Họ kiểm soát lại cái dialysat và thấy đúng như vậy, vội vàng điều chỉnh lại và tôi thấy bớt lạnh hẳn đi, đồng thời áp huyết cũng trở lại bình thường. Cũng khoảng thời gian ấy, nhà tôi kiếm mua được cho tôi một cái mền điện khiến tôi còn cảm thấy ấm áp nữa. Rồi con trai tôi lại biếu một cái headphone để bố nghe nhạc cho thời gian đỡ dài. Quả thật 3 tiếng rưỡi đồng hồ lúc trước có vẻ dài hơn 3 thế kỷ nhưng nay máy được điều chỉnh và tôi được gia đình trang bị nào là mền điện nào là headphone nên tôi chịu đựng được cái máy lọc máu nhân tạo mà không mấy nhân từ này. Tuy nhiên sau mỗi lần lọc máu, tôi vẫn bị mệt nhiều, phải ngủ hết đêm mới thấy phần nào khỏe khoắn lại. Thật đáng phục những người trẻ, lọc máu xong là bước xuống giường phoong phoong đi về!
Vậy mà sau hơn một năm lọc máu, tôi vẫn thấy yếu đuối và mất gần 10 ký nên trông gầy còm cõm hẳn đi. Hỏi ông thầy đi thăm bệnh mỗi Thứ Ba thì được ổng lớn tiếng trả lời : ‘’Hãy quên cô dinh dưỡng viên cấm ăn món này thức nọ mà hãy ăn đủ mọi thứ và phải ăn cho thật nhiều vào’’. Tôi thầm nghĩ ông BS Rioux này cho rằng tôi lớn tuổi sắp về chầu Chúa còn bầy đặt kiêng khem gì nữa cho khổ cái thân già.
Khi còn hành nghề tôi cũng chủ trương như ông. Các bác bệnh nhân cao niên mất ngủ lúc nào cũng than yếu mệt mà cứ không chịu uống thuốc an thần cho dễ ngủ. Tôi ra toa thuốc an thần cho mấy bác và khuyên mấy bác cứ yên tâm uống, có nghiền cũng không sao. Nay tôi đã già lại bệnh tật thường hay mất ngủ nên uống Rivoltrin là chuyện thường xuyên mà có BS nào khiển trách gì đâu. Rivoltrin là một loại thuốc an thần rất tốt, ngủ ngon mà sáng dậy tỉnh táo chứ không có hangover như những loại thuốc khác.
Chuyện phụ thuộc vào máy lọc máu nhân tạo ngày càng dễ dàng hơn, nhất là nhờ sự kiện nhà tôi lái xe đưa đón mùa hè cũng như mùa đông. Nàng vừa xách cái bị đựng tấm mền điện vừa để tôi dựa vào người nàng, chống cái ba toong mà dắt đến tận giường, trải mền cho tôi đắp rồi chờ cho cô y tá gắn máy xong xuôi mới về. Rồi cuối buổi, nhà tôi lại lái xe đến đón, cất cái mền điện gọn gàng vô cái sac, giúp tôi loạng quạng đi cân rồi đỡ tôi ra xe về nhà ăn uống nghỉ ngơi. Thật ra những công việc giúp đõ bệnh nhân này, tôi có thể nhờ các cô y tá làm, song nhà tôi thấy họ đã quá bận bịu nên nàng tự ý đến giúp riêng tôi. Phải nói các cô y tá ở đây là những người rất tử tế, đầy y nghiệp. Ngoài đa số là người bản xứ Québécoises, họ thuộc đủ các quốc gia: Haïtienne như Fabienne, Iraniennes như và Zara, Saquinée người Việt như cô Nhung, người Nga như Helena, Angolaise như Patricia và người Lào như Sakick …Tất cả đều rất tử tế. Họ luôn luôn tươi cưòi, không bao giờ lớn tiếng, thậm chí lễ phép nữa. Thái độ đầy nhân bản của họ làm tôi không bao giờ quên được họ trong cả trái tim lẫn khối óc già nua của tôi!
Trong thời kỳ hưu trí và trước khi tôi ngã bệnh, vợ chồng chúng tôi cảm thấy mình còn trẻ như thủa mói lấy nhau nên vẫn ăn chơi thả dàn, vui hưởng cuộc sống thanh bình của xứ Canada tuyết lạnh tình nồng này. Chúng tôi không bao giờ phải nhờ đến con cháu vì chúng tôi sống thu hẹp lại vẫn thấy thoải mái như xưa. Về phần chúng thì tất cả đều thành công trong việc học hành mặc dầu chúng tôi không hề ép buộc chút nào. Đa số đều đã lập gia đình rất hạnh phúc và theo nghiệp bố nên chúng cũng chẳng cần nhờ cậy gì đến chúng tôi. Chúng sống theo kiểu thời nay bên này. ‘’New lifestyle’’ nghĩa là kiếm bao nhiêu tiêu hết, nợ nần đã có nhà băng, rồi thì chồng làm vợ làm, vợ nấu ăn chồng rửa chén, chồng hút bụi vợ chùi cửa kính v.v … Còn chúng tôi sống theo kiểu nửa Ta nửa Tây của chúng tôi. Tuy vậy đại gia đình vẫn quý trọng lẫn nhau như bạn hữu ruột thịt vậy. Thí dụ như từ khi tôi ngã bệnh, các cháu mỗi ngày đều gọi iPhone Facetime hỏi thăm và nhìn mặt bố. Riêng ông trưởng nam thì mỗi tuần đều về thăm bố và ăn cơm với bố mẹ dù rằng ở xa hơn 1 giờ lái xe. Đôi khi còn có cả vợ và 2 đứa con trai to lớn tồng ngồng.
Thế nhưng sau khi xém chết vì suy thận, tôi tự nhận xét thấy mình thay đổi rất nhiều, giống như một kẻ chán đời vậy. Thí dụ như về ăn uống, những ngày xa xưa tôi rất thích uống Coca-Cola , ăn T-bone steak và Salmon salade. Nay tôi như người ăn chay trường, sợ ăn thịt và chỉ ăn cá, uống trà sâm pha đường … Tôi ăn mặc xuề xòa, quần áo đẹp mang cứu tế xã hội hết, kể cả bộ tuxedo thường mặc khi đi ăn cưới. Chúng tôi cũng chẳng hội hè đình đám gì nữa, mặc dầu nhà tôi nổi danh hát rất hay và dưới con mắt của tôi thì nàng còn đẹp mê hồn khiến tôi say đắm đến độ xin hỏi cưới nàng làm bà xã! Tôi ốm đau, nàng chẳng buồn sửa soạn, ăn mặc chải chuốt gì nữa. Tôi kêu ca, nàng cho một tràng: ‘’ Anh vậy mà còn phong kiến lắm đấy, chồng chúa vợ tôi, trong khi giờ đây người ta đã ném ông Khổng Tử vô thùng rác từ lâu rồi. Lúc trẻ, ban ngày anh khám bệnh hết lòng hết dạ, ban đêm anh đi trực gác hết bệnh viện này đến clinique kia. Về nhà có đêm còn mất ngủ vì một cái toa viết cho bệnh nhân ban ngày. Em ở nhà cũng phải đóng góp phần nào với công lao khó nhọc của anh chứ! Nuôi con, nấu nướng quét dọn nhà cửa là do em thấy phải làm! Anh đau ốm, cứ để em săn sóc thể xác và nâng đỡ tinh thần anh. Em không ngại tắm rửa, thay đồ cho anh, rồi khích lệ, khuyến khích anh can đảm chống lại Thần Chết Tuy nhiên em cũng có cuộc đời riêng tư của em: Cái TV mà anh không thích và cái laptop để em lên youtube học nấu ăn món mới anh sơi!’’
Về mặt tâm thần, để tôi khỏi vô công rồi nghề, ăn không ngồi dỗi, nghĩ ngợi vẩn vơ yếm thế, các bạn có biết bà ấy bầy ra trò gì không? Biết tôi ưa giải trí bằng cách chơi bài mạt chược, bà ấy đặt cái bàn mạt chược ngay giữa nhà rồi mời trong đám bạn bè thân thich cho đủ tay 3 canh một tuần, mỗi canh 2-3 tẩy tùy theo sức khỏe của tôi. Bà BS Chapelaine nào có biết mạt chược là gì, vậy mà bà đã can đảm cho tôi lọc máu mỗi tuần chỉ có 2 lần, còn 3 ngày để tôi chơi … mạt  chược, sống vui hưởng nốt cuộc đời. Đây cũng là một giải pháp khôn ngoan vì mạt chược giúp cho ta gìn giữ trí nhớ, trau dồi đầu óc, chăm chú tinh tế và nhất là khiến ta quên hết mọi mối ưu phiền, bệnh hoạn. Chính tôi là nguời hay đòi đánh 3 tẩy làm bạn hữu e ngại mà quả thật đã 2 lần đang đánh bài thì tôi lăn đùng ra say sưa … ngủ, vì quá mệt.Thế là tan sòng! Nhà tôi đo áp huyết thấy xuống quá thấp nên tôi nghĩ ra một phương pháp ngăn ngừa là trước khi vô trận ta hãy uống một ly sirop sâm vì sâm có tính cách tăng áp xuất. Thêm nữa không nên đánh sát phạt ăn thua lớn làm thần kinh căng thẳng và hay sinh ra gây gổ cãi lộn. Lịch sử mạt chược ở Montreal đã có lần 2 ông cựu bộ trưởng chơi bài ăn thua lớn đến độ vác ghế choảng nhau! Chúng tôi chơi 4 bộ khung chia 10 thua được cũng chỉ tối đa là 2-3 chục bạc, gọi là để làm motivation. Mục đích là mua vui còn nếu được 1-2 đồng thì càng vui hơn.
Thay lời kết, tôi mạn phép quý độc giả kể ra đây 3 người mà tôi thiết nghĩ phải tri ân trong cái vụ ốm đau vì suy thận :
- Trước hết là bà BS Isabelle Chapdelaine là người đã tạo điều kiện cho tôi sống nốt quãng đời ngắn ngủi còn lại, với phẩm lượng (quality of life) Bà cũng là người đã lo giấy tờ cho nhà tôi được hưởng quy chế d’aide naturelle.
- BS Lê Văn Hiệp (trước kia tôi chưa hề biết) từ xa mà đã cứu được tôi ra khỏi cái vạ rét thấu xuơng vô cùng cực khổ, chỉ vì cái dialysat set at 35.5 C. Ông cũng cảnh báo tôi về cách dùng sâm trong cuộc sống của người Việt chúng ta.

- Chót nhưng không phải là chét, đó là bà xã nhà tôi, ca sĩ nghiệp dư có tuổi song không có tên. Thế nhưng nàng là người vợ thảo đẹp tình nghĩa muôn đời của tôi, người mẹ hiền thục được các con cháu tôi thương mến vô cùng. Và quan trọng hơn hết mọi điều (tôi kể không xiết), nàng là điều dưỡng viên tại gia đáng giá ngàn vàng của tôi trong lúc cuối đời. Chẳng biết có phải cho trọn tình nghĩa vợ chồng hay không mà nàng học chích thuốc lúc nào không hay, chỉ biết lúc này mỗi tuần bà ấy đè tôi ra tiêm một liều Aranesp dưới làn da bụng, đau muốn khóc, song le bonheur conjugal est toujours là, malgré notre âge!



Đặng Ngọc Thuận, md
(Đầu Xuân 2022, viết để kỷ niệm Fête des Pères)

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top