• Nghé Ngọ Thân Ái (18 tháng 6, 2020)


• Nghé Ngọ Thân Ái (18 tháng 6, 2020)

@ Corporight by www.saigonweeklyonline.com

Càng thương anh, em càng nổi ghen...

Hữu Long – Baltimore, MD

Nghé Ngọ thân mến,
Tôi tên Long, gần chết đến nơi rồi, mà việc của mình phải nhờ Nghé Ngọ, xin vui lòng.
Sau khi bọn bất tài to mồm khoe khoang ham ăn mà sợ chết bỏ quê hương chạy trốn, thì chính sau đó chúng tôi phải làm trâu ngựa cho loại vô nhân khát máu, 6 năm ở Xuyên Mộc. Gia đình vợ con khổ sở lo thăm nuôi. Đến 1983 trốn vượt biển, 1986 qua Mỹ. Độc mộc lo cày mà trả nợ áo cơm cho vợ con. Không hề mèo mỡ. 1992, bảo lãnh vợ và 4 con qua, tôi hết mực lo lắng. Không hiểu sao thời gian đầu, bà nói toàn những lời... dễ xa nhau...
Rồi tôi thấy bất mãn quá, mà buồn, tiếp tục làm nghề cắt cỏ. Tôi không thích ngồi lâu trong nhà, vả lại bà nói chuyện hồi này sao không “hợp rơ” với tôi như hồi trước 30/4/75. Mỗi khi bà nghi ngờ, ghen bóng ghen gió, tôi cố gắng giải thích, thì bà chỉ bĩu môi tỏ vẻ không tin lời tôi nói.
Đến nỗi bà dám điện thoại lại nhà người ta kiếm chuyện gây gổ, cà khịa. Rồi bà còn giả tiếng chửi bới. Khi họ phát giác ra là bà, đến nhà mắng vốn, tôi cảm thấy thật là ê chề xấu hổ.
Tôi quả là “Oan Thị Kính”, không hề quen biết lăng nhăng với bất cứ phụ nữ nào, mà vẫn bị vợ tôi ghen theo kiểu đó. Tôi đã nhiều lần bỏ nhà ra đi, tìm một căn phòng share ở một mình cho yên tĩnh, nhưng nhớ lại mấy cháu, mới qua Mỹ, tuổi còn non dại (12, 15, 17), nên cũng còn phân vân, lưỡng lự. Tuy thế nhưng cuối cùng, tôi cũng phải “ra riêng”, để tìm cho mình một giấc ngủ bình yên. Và tuyệt đối không có ý nghĩ riêng tư. Vậy xin Nghé Ngọ làm “tiên nhân chỉ lộ”, cho tôi một cẩm nang,  để thoát khỏi tình trạng khó khăn này nha! Bởi chưng, đường đời vạn nẻo thì khúc cuối cùng này thường là đoạn đèo gay go nhất đó Nghé Ngọ à!
Cho dầu bà vợ tôi rất... thương tôi.
Thân mến Nghé Ngọ.
Xin vui lòng hồi âm cho tôi sớm.

Đáp: Ông Long mến,
Xin lỗi đã trả lời ông hơi muộn, mặc dù ông đã yêu cầu trả lời “sớm” hơn. Nghé Ngọ cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp khi gia đình đoàn tụ được sau một thời gian xa cách, một trong hai người phối ngẫu đã hoàn toàn thay đổi. Một bà sang đây, từ một người vợ hiền thục nết na trước 1975, nay đã biến thành một bà “chằng” nói tục, chửi thề như ranh và đặc biệt miệng lúc nào cũng ngậm một điếu 555, phun khói mù mịt. Sau khi tìm hiểu, Nghé Ngọ mới biết rằng trong 4 năm đầu, sau khi mất nước, bà phải “tả xung hữu đột”, bươn chải ra “giang hồ” buôn bán chợ trời để nuôi bầy con dại và ông bố chồng, trong khi chưa liên lạc được với ông chồng tại Mỹ, vì họ chạy từ miền Trung vào Sài Gòn. Tuy nhiên, khi chồng liên lạc được và gửi tiền về, thì ... ngựa đã quen đường cũ, bà vẫn tiếp tục buôn bán chợ trời, tác phong y hệt những người chạy hàng xách, chạy trốn công an VC, khi bọn chúng luôn luôn tìm cách bố ráp bắt họ.
Còn một trường hợp khác, người vợ ở lại, nghe tin chồng mình đã có vợ khác bên Mỹ, thì bà ta ở VN cũng “cặp” với một tên công an để dễ bề “mần ăn”...Cho đến khi người chồng liên lạc được vợ mình và làm giấy tờ bảo lãnh vợ con sang thì chuyện đã dĩ lỡ. Lúc đó họ đành sống với nhau vì con, hơn là vì tình nghĩa vợ chồng.
Do đó, khi tính tình của bà nhà thay đổi, ghen tuông một cách vô cớ như vậy, Nghé Ngọ khuyên ông nên kiên nhẫn tìm hiểu đầu đuôi tự sự, hiểu rõ tất cả những gì đã xảy đến với bà nhà trong thời gian xa cách. Rồi với lòng bao dung, độ lượng của một gentleman, ông nên tìm cách xoa dịu nỗi đau đớn trong lòng người đàn bà đau khổ. Không có sự thay đổi tâm lý nào mà... overnight cả đâu ông ạ. Phải có một biến cố ghê gớm lắm mới có thể làm cho một người đàn bà hiền thục, hiểu biết đại thể, nay lại biến thành một người đàn bà tai ác, lăng loàn như thế. Trường hợp của ông có thể là bà nhà có mặc cảm mình xấu xí, vì mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, chưa hội nhập được với cuộc sống tại xứ này. Lại thêm bà cảm thấy mình tuổi tác chồng chất nên đã ghen tuông bậy bạ vô lý.
Tuy nhiên, khi người ta ghen tuông nhau, thì như ông cũng đã nhìn thấy, điều này chứng tỏ là bà nhà còn yêu ông nhiều lắm. Ông nên nhẫn nại và kiên trì tìm hiểu nhé! Nghé Ngọ có một cô bạn thân, xa cách chồng 8 năm, khi đoàn tụ thì ông chồng đã có “bồ nhí”, một thiếu phụ chưa tới ba mươi, vừa ly dị chồng. Trong thời gian đoàn tụ, 4 năm đầu tiên, chồng chị hành hạ chị đủ điều, nhưng chị vẫn cương quyết không chịu ly dị để tự giải thoát mình ra khỏi địa ngục trần gian này. Vốn là một Phật tử thuần thành, chị nghĩ là cảnh khổ chị đang chịu đựng là một cái “nghiệp” mà chị phải trả cho xong. Hiện này cô “bồ nhí” đã chê ông ta, và ông này đã quay về với “người vợ tấm cám” năm xưa và hết sức cưng chiều vợ để chuộc lại lỗi lầm của mình.
Như vậy nếu ông Long cũng tin vào “luật nhân quả” như chị bạn của Nghé Ngọ, thì những lúc quá khổ tâm, ông nên tìm cách tự an ủi mình. Một người vợ thương chồng, lo cho các con như bà nhà, mà hiện nay lại có những thái độ và hành động vô lý ngang ngược, chứng tỏ bà ấy đang có một nỗi khổ tâm to lớn mà ông là người duy nhất có thể hóa giải, khai thông được tình trạng bế tắc này, để đem lại nụ cười âu yếm đắm say của thuở ban đầu trên môi bà nhà đó ông à!
Tuy nhiên nói thì dễ mà làm thì rất khó, trừ phi trong đáy lòng ông vẫn còn thực sự yêu thương bà, ông sẽ có đủ kiên nhẫn và từ tâm để làm được việc này. 
Nghé Ngọ sẽ cầu nguyện Ơn Trên để ông có được Bi và Dũng, vượt ra khỏi tình trạng bế tắc không vui này.

Cuộc đời là dòng sông dài phẳng lặng?

Vân Hà – Lakewood, CA

Nghé Ngọ ơi,
Có người thường ví von cuộc đời như một dòng sông dài, phẳng lặng. Nhưng Hà nghĩ không lẽ cuộc sống chỉ là ngày cơm hai bữa, chăm sóc lũ con, và cho đó là cuộc đời hay sao...
Không biết có phải vì Hà là con người lãng mạn, nên đã lãng mạn hóa luôn cuộc sống hôn nhân chăng? Nhưng Hà nghĩ không có gì đáng buồn bằng người đàn ông của thuở ban đầu gặp gỡ, khi xưa săn sóc chiều chuộng mình là thế, mà nay bỗng dưng chê bai dằn vặt mình nào là “canh không... lạt (anh ấy thích ăn lạt), cơm không... khô” (anh thích ăn cơm khô). Còn gì buồn hơn khi người đàn ông trước kia theo mình như bóng với hình, bây giờ sáng rồ máy xe đi làm mà không thèm nói với mình một tiếng nào? Lúc nào cũng “anh bận quá, anh mệt quá...”. Mỗi chiều thứ sáu về đưa mình cái check lương, là coi như đã hoàn thành vai trò người chồng gương mẫu trong mái ấm gia đình rồi. Đời sống của người ta càng lúc càng máy móc, vật chất đến trơ trẽn và lạ lùng. Ví dụ như người ta đã định nghĩa về cuộc sống lứa đôi như sau: “Đó là sự trao đổi giữa hai nhu cầu và sự cọ xát của hai làn da”.
Nghé Ngọ nghĩ sao? Có phải là một đòi hỏi quá đáng không khi người vợ đòi hỏi người chồng một chút lãng mạn, một điều gì khác hơn là cái check lương? Có phải là quá đáng không khi người vợ than phiền về một người chồng đi từ sáng đến tối, không một cú phone về nhà thăm hỏi hay căn dặn vợ con? Khi có thời giờ giải trí thì lại vui với những trò giải trí như xem đá banh, đánh cờ tướng, chơi bowling, thậm chí đi xem “strip-tease”, những thú vui mà người vợ không chia sẻ được. Phải làm gì khi một người chồng về đến nhà luôn yên lặng, khó chịu và ít khi tỏ vẻ nhiệt tình quan tâm đến vợ?

Đáp: Trước tiên Vân Hà nên tìm hiểu xem “người ta” bắt đầu lạnh nhạt, ít nói, theo đuổi những thú giải trí riêng như thế từ lúc nào? Nếu bạn vẫn còn yêu chồng, vẫn còn yêu cái tổ ấm gia đình của mình, thì thay vì hỏi: “tại sao anh ấy không còn yêu mình như trước?”, thì nên tự hỏi mình: “mình có còn đáng yêu và đáng được yêu như ngày xưa không?”.
Theo nguyệt san Cosmopolitan, thì trước khi người vợ trách người chồng hay người tình thay đổi, phải tự hỏi mình những câu hỏi sau đây:
1.- Sắp xếp ưu tiên cho các đòi hỏi của gia đình, con cái trước, hay những đòi hỏi cho cá nhân của bạn trước?
2.- Bạn muốn trở thành một người đàn bà khêu gợi với chồng hay là một người đàn bà đẹp, duyên dáng, quyến rũ?
3.- Bạn có bao giờ tự  hỏi các đòi hỏi của mình có vô lý hay không?
4.- Bạn có nghĩ là mình sẽ thành một điểm tựa cho chồng con, khi có vấn đề khó khăn xảy đến không?
Sau khi đã tự hỏi mình các câu hỏi trên đây và vẫn nghĩ là mình đã là một người vợ, người mẹ tốt, mà người ta vẫn trơ như đá, vững như đồng, thì chắc là Hà nên bắc thang lên hỏi ông Trời quá. Hỏi rằng: “Ông sinh làm chi cái giống đàn ông lạnh lùng, thiếu lãng mạn như thế hở ông? Nếu cuộc sống lứa đôi chỉ là “sự trao đổi của hai nhu cầu và sự cọ xát của  hai làn da”, thì rút cuộc đời sống hôn nhân không lẽ chỉ còn là một tập hợp của những cái check lương vào ngày thứ sáu hay sao? Các bạn gái sắp lấy chồng xin đừng đọc tiếp nhé. Đọc xong Nghé Ngọ nghĩ quý bạn sẽ không còn đủ can đảm để đánh đổi cuộc đời mình một cách “cheap” như thế đâu hén. Buồn ghê ta!

Muốn ngăn chận mẹ...

Phương Mai-Irvine

Mến gửi cô Nghé Ngọ,
Cháu là một trong những người rất ái mộ cô vì cô đã đưa ra rất nhiều ý kiến hay cho những người gặp nhiều khó khăn cũng như cháu đã và đang có bây giờ. Thường khi cháu đọc những thắc mắc của những người viết gởi cô, cháu hay nghĩ ra những giải đáp trước khi đọc đến phần giải đáp của cô. Và những lần đó, cháu thường nghĩ ra giải đáp giống như cô. Chuyện người khác thì cháu nghĩ được cách, nhưng khi đến chuyện của cháu thì cháu không biết nghĩ ra cách nào hay nhất để mà giải quyết cho êm đẹp và hy vọng là kết quả sẽ tốt cho sau này.
Gia đình cháu đã qua Mỹ được 7 năm. Cháu có 1 anh mà thôi. Khi qua Mỹ khoảng chừng bốn năm thì gia đình cháu đã gặp được gia đình bác Khải. Bác Khải là người rất tốt với gia đình cháu và là bạn thân của ba cháu. Bác Khải ở với ba người con đều lớn và đi học xa nên bác hay buồn và qua lại thường xuyên với gia đình cháu. Sự qua lại với gia đình cháu đã kết chặt tình “thân thiết” chặt chẽ với mẹ cháu vì hai người rất hợp ý. Mặc dù biết bác Khải đã có vợ ở VN và sắp được bảo lãnh qua, mẹ cháu vẫn hẹn đi chơi với bác Khải. Cháu đã bắt gặp nhiều lần, nhưng khơng dám thố lộ với ai và chỉ hy vọng là mình sai. Cháu cũng nghĩ rằng nếu mà vợ bác ấy qua để đoàn tụ gia đình thì chắc bác ấy sẽ không nở “cướp” đi mẹ cháu.
Mới năm nay, vợ bác đã được qua Mỹ. So với mẹ cháu thì quả thật “1 trời 1 vực”, bà ấy không có điểm gì hơn mẹ cháu cả. Bà ấy chỉ “biết ăn không ngồi rồi” thôi và chả biết lo giúp gì cho gia đình cả. cho nên, bác Khải rất thất vọng khi thấy là giấc mơ bảo lãnh vợ qua Mỹ để đoàn tụ chỉ là 1 điều sai lầm. Vì sự kiện đó, bác lại càng thân thiện với mẹ cháu hơn. Ba cháu đi làm cả ngày và rất bận rộn nên không biết gì hết. Cháu đi học nhưng về sớm hơn ba cháu, nên thỉnh thoảng phải chứng kiến cảnh hai người hẹn nhau đi chơi thật là 1 sự khó mà chấp nhận được. Thật là khó khi cháu đem chuyện này nói với mẹ cháu vì bà chỉ chối mà thôi. Mặc khác cháu không thể nói chuyện này cho ai nghe cả, vì một sự sơ hở nào mà đến tai ba cháu thì gia đình cháu sẽ tan vỡ. Cháu thấy bác Khải cũng có gia đình, và mẹ cháu cũng có gia đình, hai  người không thể nào kết hợp được. Cháu muốn ngăn chặn chuyện này càng sớm càng tốt vì nếu để lâu quá thì lại càng khó ngăn chặn được sự qua lại của họ. Cháu thấy mẹ cháu và bác Khải cả hai đều là người có lý trí và học thức, nhưng cháu không hiểu sao họ lại bị mắc vào “cạm bẩy của tình yêu” như thế này. ‡ó chỉ là tình yêu mù quáng mà thôi. Bây giờ, trong sự việc này cháu chỉ thấy cháu bất lực mà thôi, không làm được gì cả vì cháu không nghĩ được cách nào giải quyết hay mà “cứu chữa” gia đình cháu.
Cháu rất mong tin cô. Cám ơn cô nhiều.
Phượng Mai. Irvine

Đáp:  Nghé Ngọ nghĩ đã đến lúc em nên có những hành động tích cực hơn để cứu vãn hạnh phúc gia đình của ba mẹ em và của chính các em mới được. Trước tiên, vì em là người bắt gặp quả tang việc mẹ em và bác Khải “hò hẹn” để đi chơi thì em nên là người trực diện với cả bác Khải và mẹ em về vấn đề mà em thật là hiểu biết khi bảo rằng là”một sự kiện khó mà chấp nhận” nầy. Em nên hẹn bác Khải tại một nơi nào đó không có mặt mẹ em và nói thẳng những điều em nghĩ ra với bác ta. “Người lớn” dù có mù quáng đến đâu thì họ cũng rất sợ nhận xét cuả những “người nhỏ” về hành động tội lỗi của họ, nghĩa là nếu ba em đặt vấn đề với bác ta thì chưa chắc đã làm bác ta tỉnh ngộ bằng khi chính em đặt vấn đề và em cũng cho bác ấy biết rằng vì những tình cảm kính trọng bác ấy còn nguyên trong em và em không muốn nó bị sứt mẻ vì một điều vô lý nhất, em trân trọng yêu cầu bác ấy không nên gặp gỡ mẹ em hay gọi điện thoại cho mẹ em lúc ba em không có nhà vì em là một đứa con của mẹ em, em không muốn mẹ em bị mang tai tiếng là một người vợ, một người mẹ không đàng hoàng dù là với bất cứ ai và em hy vọng là với một người trí thức và hiểu biết như bác, lời yêu cầu này của em không phải là một điều quá đáng. Phần mẹ em, em cũng phải gặp riêng bà, nói rõ những ý nghĩ của em về việc này. Em cần phải nhớ luôn rằng, trong tất cả mọi trường hợp cần phải hết sức bình tĩnh và lễ độ. Trong trường hợp việc gì xảy ra đi chăng nữa thì mẹ em chỉ có lỗi với ba  em nhưng bà không có lỗi với các con nếu lúc nào mẹ em cũng làm tròn bổn phận của một người mẹ. Nên nói với mẹ em rằng em đã nhìn thấy những lần bác Khải hò hẹn với mẹ khi ba em vắng mặt là em nghĩ việc làm này là một điều mà mẹ không nên làm để giử tai tiếng cho mẹ, cho toàn thể gia đình của em. Là một đứa con, em biết em không có quyền xen vô “chuyện người lớn” nhưng em không thể nào không cho mẹ biết cảm nghĩ của em được. Nên nhớ, đừng bao giờ đề cập đến việc “họ” yêu nhau cả mà nên coi đó như là một hành động “tình cờ” vô ý mà em nghĩ là không nên kéo dài mà thôi. “Người lớn” khi bị một “người nhỏ” nhận xét và phê  bình thường thì tự ái tổn thương rất nhiều vì xấu hổ. Em nên tránh làm cả hai xấu hổ, tuy nhiên cũng phải để cho cả hai nhìn thấy việc em không đồng ý và chấp nhận sự “hò hẹn” nếu có nầy. Và  nên nói thêm là khi “họ” không qua mặt được em thì dĩ nhiên “họ” sẽ không qua mặt được ba em hay vợ bác Khải được. Cuộc nói chuyện thẳng thắn của em sẽ giúp cho hai người, mẹ em và bác Khải biết rằng họ đã đi quá cái giới hạn phải có của họ và đã đến lúc phải ngừng lại trước khi có những đổ vỡ lớn hơn mà họ chưa chắc là đã thực sự mong muốn điều này. Viết thư cho Nghé Ngọ khi có việc cần nhé.




 







 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top