• Nghé Ngọ Thân Ái (14 tháng 5, 2020)

 

• Nghé Ngọ Thân Ái


21 tháng 5, 2020
@ Corporight by www.saigonweeklyonline.com

Mùa mưa khủng khiếp....
 
Thụy Du-Portland, Oregon

Nghé Ngọ ơi năm nay làm gì mà mưa khủng khiếp. Mưa ngày, mưa đêm, em muốn đi đâu cũng không có được. Nằm nhà coi Ti Vi hoài muốn điên luôn. Đó là chưa kể mẹ em và cái điệp khúc “ráng học nha con”... Mùa hè năm nay như thế là đã qua đi trong tiếng mưa rơi và những ngày em ngồi bó gối trong căn phòng nhỏ nầy. mẹ em đi ra, đi vào lại nói toàn chuyện làm em...nát lòng. Ví dụ như chị Phượng con bác sĩ Anh vừa đậu xong bằng Nha Sĩ lại sắp lấy chồng Bác Sĩ, con anh chị Hưng. Con người ta sao có phước quá. “Chị Phượng” nào đó Nghé Ngọ có biết không là một cô gái vừa đen, vừa xấu, cái mặt đầy mụn, ăn nói thật vô duyên. Còn “anh Thắng” con ông bà Bác sĩ Hưng là một ông cà lăm, nói một ngày không xong một câu. Những người đó có gì để mà mẹ đem các con mình ra mà so sánh. Em về nhà có một tháng định học bài và vui với mẹ vì xa nhà, lúc nào em cũng nhớ mẹ mà gặp những cơn mưa dai dẳng và những “tấm gương sáng” mà mẹ em liên tiếp nêu ra như trên mà muốn phát điên. Nghé Ngọ ơi...cứu bồ. Nói dùm với các bà mẹ Việt Nam là mỗi đứa con có một chọn lựa về đời sống của chúng nó. Không phải  phải là nha sĩ, dược sĩ và lấy chồng bác sĩ thì đời mới đáng sống. Cũng như khi các bà mẹ sinh con ra đời, có người sinh con đẹp đẽ, có người sinh con xấu òm, có người sinh con cà lăm, có người sinh con đẹp trai. Miển là con mình học hành đàng hoàng, ngoan ngoãn, không là du đảng, không xì ke, ma túy là được rồi. Người yêu em đang học kiến trúc. Vậy mà mẹ em chê...ra trường chết đói. Trong khi con bác Hùng, bác sĩ sắp ra trường, bác ấy thích con lắm, anh Hùng cũng thích con sao con không chịu. ...

Đáp: Quan niệm của mẹ em là kết quả của một thế hệ trưởng thành tại Việt Nam nơi mà các ngành kỷ thuật khác chưa phát triển, Nghề nghiệp được trọng vọng nhất ở Việt Nam lúc bấy giờ là những ngành săn sóc sức khỏe con người: như bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ. Thứ nhất: trong thời kỳ chiến tranh, những người  Y-Nha-Dược không phải đi lính chiến đấu. Thứ hai: quan niệm “luơng y như từ mẫu” người thầy thuốc giỏi như mẹ hiền vì các cụ cho đó là những người đã cứu mạng, đã cho ta lại sự sống. Hiện nay chúng ta đang sống nơi nước ngoài, có nhiều ngành nghề để chọn lựa, để cân nhắc, thích hợp với cá tính và do đó dễ thành công. Mẹ em chưa quen với những thay đổi nầy. Thực ra nghề y khoa phải nên coi như một cái nghiệp thì đúng hơn là một cái nghề. Một người thầy thuồc giỏi phải làm việc ngày đêm, phải có lòng nhân đạo, phải yêu tha nhân. Điều buồn là ít có người còn nghĩ như thế khi chọn y nghiệp. Thực ra nếu chỉ muốn kiếm tiền ở xã hội nầy có nhiều ngành nghề có thể đem lại cho chúng ta nhiều lợi tức hơn nghề y khoa thức khuya, dậy sớm, đối diện với nỗi đau đớn của người bệnh hàng ngày.
Những ngày mưa khủng khiếp phải nằm nhà nghe những “tấm gương” đầy mụn, cà lăm của mẹ em, em nên trách ông trời chứ không nên trách mẹ. Em và mẹ em cách nhau một nền văn hóa, một quan niệm xã hội, một hoàn cảnh trưởng thành thì chỉ có cách là một người nói, một người nghe. Khi mẹ nói, em nghe thì  em là một người con có giáo dục và trưởng thành. Em nói, mẹ nghe thì em là một người con bất hiếu hay cải lại mẹ cha. Cách hay nhất để dung hoà là mẹ nói, em cười. Ví dụ như em đi rót cho mẹ một ly nước trà nóng, ôm mẹ và đùa với  mẹ rằng: Xin mẹ đừng so sánh. Con sẽ không bị ế đâu, mẹ đừng lo. Trời đang mưa mà mẹ bắt con phải nghe hoài “nỗi” hạnh phúc vì được lập gia đình với ông Bác Sĩ cà lăm, xấu trai của người khác cũng tội nghiệp con mẹ à.

Có nên sống chung trước khi thành hôn?
 
Kiều Ngân – Arlington, TX

Nghé Ngọ ơi,
Ngân rất thích những câu trả lời dí dỏm mà xác thực của chị, nên Ngân xin chị giúp cho em ý kiến về chuyện này nhé:
Người yêu của Ngân là anh Tấn, một sinh viên cùng trường nhưng học trên Ngân hai lớp. Hiện nay Tấn đã ra trường và có công việc làm ngay gần trường. Gia đình Ngân ở xa nên hiện nay Ngân vẫn đang sống trong ký túc xá nhà trường. Tụi em yêu nhau đã hơn 2 năm, gia đình hai bên đều chấp nhận cuộc tình này và ba mẹ em đã đồng ý là sau khi em học xong Master thì cho hai đứa lấy nhau. Tuy nhiên Tấn lại vừa rủ em là mùa Spring tới, Ngân không cần ở lại ký túc xá nữa, mà nên dọn về ở chung với Tấn, vừa đỡ tốn tiền cho ba mẹ, mà hai đứa lại được hưởng hạnh phúc nữa, vừa tiện cho việc học của em, vì ký túc xá lúc nào cũng đông đúc, và phải chung đụng với nhiều người hỗn tạp. Ý kiến của Tấn mới nghe qua thì hay, nhưng Ngân biết ba mẹ của em không khi nào bằng lòng như vậy, mà nếu em giấu diếm ba mẹ về sống chung với Tấn thì em thấy trong lòng ray rứt làm sao ấy. Tụi bạn trong trường Ngân, ngay cả những đứa Á Đông, cũng đều cho rằng đề nghị của anh Tấn là hợp lý. Chuyện living together trước khi lấy nhau là... no big deal với tụi nó. Ngân thì thấy không ổn một chút nào vì em là con gái lớn trong nhà, em không muốn làm điều gì mà em tự thấy là không phải, hay điều đó có thể làm phiền lòng cha mẹ, mặc dù nếu em không tốn tiền ở ký túc xá, như Tấn đề nghị, thì cũng đỡ cho ngân quỹ gia đình em lắm. Riêng Nghé Ngọ nghĩ sao cho em biết “cao kiến” nhé!

Đáp: Hiện nay chuyện sống chung với nhau trước khi thành hôn được nhiều người coi như một kinh nghiệm nên làm trước khi thành hôn không còn là vấn đề của những người trẻ tuổi. Có sống chung với nhau thì mới hiểu rõ về nhau trong tất cả mọi phương diện, thói quen, cách cư xử, quan niệm về nhân sinh, thú giải trí, bạn bè chung, những thói tật mà ai cũng có, vì ... nhân vô thập toàn. Tuy nhiên, sau vài thập niên lao đầu vào quan niệm trên, hiện nay phái nữ tại những nước Tây phương bắt đầu nhận thấy “kinh nghiệm” này tai hại nhiều hơn thuận lợi. Khi sống chung như thế, người nữ thường chịu thiệt thòi hơn người nam, về phương diện tài chánh và xã hội. Ví dụ như cái gì cũng phải chia hai, tiền nhà, tiền cửa (tiền lương phái nữ thường ít hơn phái nam), trong khi lại không ràng buộc người nam vào những bổn phận cần phải có. Ví dụ như ... họ có thể bước ra một cách nhẹ nhàng khỏi cuộc đời mình mà không cần phải lo âu hay thắc mắc gì về những hy sinh của mình dành cho họ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều tai hại hơn cả là sau nhiều thập niên như vậy, người đàn ông Tây phương đã trở nên vô cùng ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến họ và không hề muốn có trách nhiệm gì, ngay cả đối với những đứa con kết tinh từ những cuộc sống chung không thành hôn này, bởi họ luôn miệng nói rằng đó là do họ... tôn trọng quyền tự do của người đàn bà, người phụ nữ đã không tranh đấu thường xuyên cho nữ quyền đó sao? Ngược lại, người đàn bà Tây phương  nhất là Hoa Kỳ khăng khăng đòi quyền bình đẳng với nam giới, nên hiện nay họ không còn được phái nam coi như một “con người” ...yêu kiều đầy nữ tính mà họ cần phải nâng niu, chìu chuộng hay bảo vệ nữa. Do đó quan niệm  sống chung trước khi hôn nhân, là một con dao hai lưỡi cho người phụ nữ.
Trở lại câu hỏi của em, tuy không dám nhận là một người đạo đức gương mẫu, nhưng Nghé Ngọ cũng thấy là không nên như vậy, vì những lý do sau đây:

1/- Cha Mẹ Á Đông và nhất là Việt Nam, không thể quan niệm được việc con gái sống chung với bạn trai trước khi thành hôn là chuyện... bình thường được, mà trái lại là đằng khác. Nếu ba mẹ em biết chuyện này, chắc hai bác sẽ buồn lắm! Dù ba mẹ em không đến nỗi nhìn em như một đứa con gái hư hỏng, vì em đã lớn, đã đi học xa nhà nhiều năm, đã trưởng thành, không còn sống trong vòng kiềm tỏa của gia đình từ lâu, nhưng chắc chắn là ông bà sẽ rất buồn. Là một cô gái biết suy nghĩ, chắc em không nên làm việc này.

2/- Khi anh Tấn nêu ra chuyện “đỡ tốn”, thì anh ta thừa biết là đỡ tốn cho gia đình em, khi em dọn về ở chung với anh ấy. Nhưng từ đầu, em đã không dám nói chuyện này, vì sợ ông bà buồn, thì chuyện đỡ tốn chắc không nên đặt ra, vì như thế thì đỡ tốn cho ai? Ba mẹ em nuôi em ăn học cho đến ngày nay, chứ đâu phải Tấn. Ngoài ra, em cũng sắp ra trường, bao nhiêu năm nay ba mẹ còn lo được cho em, huống chi chỉ còn một thời gian ngắn ngủi nữa, chắc chắn không phải là một việc mà ba mẹ em không lo nổi.

3/- Khi Tấn nói rằng dọn về ở với anh ấy sẽ tiện cho việc học của em vì đỡ chung đụng và ồn ào, nhưng Nghé Ngọ thật tình không nghĩ vậy, mặc dù các em đang yêu nhau. Lý do, bạn bè trong ký túc xá không phải là một người trong đời sống em. Ký túc xá đại học nào cũng có những quy luật của nó để bảo vệ cho sự riêng biệt và yên tĩnh, cần phải có cho việc học, vì người ta đến đó để học nhiều hơn để chơi. Riêng cuộc sống chung với Tấn, là một khởi đầu của một cái gì khác hơn: Ngân đang chia sẻ cuộc đời của em với một người khác dù đó là người em yêu thương mà em có ý định sẽ sống chung suốt đời. Không dễ dàng đâu em, vì nếu dễ dàng thì số người bỏ nhau, sau một thời gian “sống chung hòa bình” trước hôn nhân, đã không vượt quá mức số người tiếp tục kéo dài cuộc sống chung này. Em chỉ còn hơn một năm là “nợ sách đèn trang trắng vỗ tay reo”, một thành quả mà ba mẹ em đã hy sinh cho con cái và rất tự hào, và nay em sắp đạt được. Thử tưởng tượng nếu cuộc sống chung của em với Tấn, không đem lại hạnh phúc êm đềm như em hằng mong đợi, em sẽ đau khổ và bỏ phế việc học hành chẳng hạn (vì em cũng chỉ là một con người trần tục, không thể thắng được những đau đớn khi thất vọng vì tình), thì hậu quả sẽ tai hại đến đâu!
Thành thử em đừng nên vì mối lợi nhỏ - cho đỡ tốn – như lời Tấn khuyến dụ, mà quên đi những tai hại lớn lao hơn nhiều. Một năm chỉ là một thời gian tương đối ngắn, em nên giữ nguyên tình trạng này. Em sống trong ký túc xá lo học hành cho ba mẹ yên lòng và vui mừng vì có một đứa con gái ngoan ngoãn, biết lo cho tương lai, vừa tránh những chuyện bất trắc (mà không ai lường trước được), trong giai đoạn chót của việc học này. Sau đó em hãy lập gia đình, và để tâm trí vào việc gầy dựng một gia đình hạnh phúc, mà trong đó người đàn ông có trách nhiệm của một người chồng, bảo vệ, thương yêu vợ con; người đàn bà có trách nhiêm của một người vợ, là nguồn suối yêu thương, xoa dịu tất cả mọi đau thương và bất trắc của cuộc sống chung đôi lứa.

Làm sao để nguời ta đừng gọi mình bằng biệt hiệu... kỳ cục...
 
Hoài Phương – St. Paul, MN

Nghé Ngọ ơi, diễn đàn www.saigonweeklyonline.com  là một... biến cố đó nha! Mẹ và cả nhà ai cũng mê hết á. Riêng tụi này thì khoái Nghé Ngọ lắm à nhe. Hôm nay em viết thư cho Nghé Ngọ là vì em thấy biệt hiệu của Nghé Ngọ thiệt là dễ thương. Người thân trong gia đình em cũng cho em một biệt hiệu, vì em rất nhỏ con và ốm yếu. Từ nhỏ ai cũng gọi em là ...Chí Mén hết. Sao em ghét nó quá trời chị ơi. Ai đời bạn em đến nhà chơi, ông anh cũng “Chí Mén ơi! Chí Mén hỡi”, làm em muốn độn thổ luôn. Làm sao để chấm dứt tình trạng này hở Nghé Ngọ. Mấy ông anh lì lợm của Phương cứ bảo rằng quen miệng rồi, không thay đổi được.

Đáp: Thay đổi được chứ. Phương cứ làm theo phương pháp Nghé Ngọ khi còn nhỏ xem sao. Nghĩa là khi có ai gọi mình bằng biệt hiệu “kỳ cục”, thì đừng thèm lên tiếng hay ừ hử gì hết đó. Họ có than phiền thì cứ trả lời tỉnh bơ là tên tui là Phương, tui không biết ai là Chí Mén, Chí Miếc gì hết đó. Nhất là khi các ông ấy muốn sai bảo mình điều gì đó, thì lại càng nên áp dụng định luật này kỹ càng hơn nữa. Sau một thời gian, thì chắc quý vị “người nhớn”, sẽ phải chịu thua ngay thôi mà.
Tuy nhiên khi em “lớn” lên rồi như Nghé Ngọ bây giờ, em sẽ lại thương cái tên Chí Mén này ghê lắm đó. Như  Nghé Ngọ bây giờ. Mỗi lần nghe một ông chú hay bà bác gọi hỏi thân con “Nghé Ngọ” bây giờ ra sao, là như thấy lại cả một trời thơ ấu xa xưa. Nhất là Nghé Ngọ nhớ bà Nội của Nghé Ngọ lắm, bởi bà là tác giả danh xưng Nghé Ngọ, con nghé con của bà. Thường thì những trẻ nhỏ được yêu thương trong gia đình mới có biệt danh, nên khỏi cần hỏi, Nghé Ngọ cũng biết là Phương là vua nhè của cả nhà. Đúng hông nào?
Diễn đàn SaigonWeeklyonline.com được đón nhận nồng nhiệt tại tất cả những nơi có người Việt trên các tiểu bang Hoa Kỳ. Đó là do sự đóng góp của rất nhiều người mà Nghé Ngọ chỉ là một phần tử bé nhỏ trong Ban Biên Tập. Hy vọng sẽ nhận dược thư em dài dài về những thắc mắc rất dễ thương của cô... Chí Mén.









Thơ Trần Vấn Lệ
Bao Giờ Thì Mặt Trời Khóc
 
Ôi mặt trời mặt trời!  Nhìn lên, chói con mắt. 
Một ngày mới, có thật?  Một ngày nữa chang chang!
Khi lá Thu đã vàng mà mùa Thu chưa lạnh…
vì mặt trời chưa tránh cho mùa Thu đi qua!
Những con bướm tìm hoa bay xa khu vườn nhỏ. 
Những con ong chưa tỏ, xếp cánh dưới chân tường…
Con hummingbird dễ thương đang lạc đường Thiên Trúc…
nó bay đi tìm Phật, Phật còn ở Niết Bàn…
Nắng!  Ôi nắng chói chang!  Mùa Hạ Cali nóng. 
Cô gái mặc áo mỏng giống như mây đang bay…
 
Bài thơ tôi sáng nay không có em, buồn quá. 
Mùa Hè đâu hết cả?  Đi trốn nắng ở đâu?
Một bà xẩm che dù, một bà Mỹ cười ngất: 
dù che mưa ướt tóc, ai che nắng bao giờ? (*)
Ôi bao giờ thì mưa tắm tươi thành phố Los? 
Bao giờ mặt trời khóc ướt mèm như Houston?
 
(*) Người Mỹ sắm dù là để che mưa, họ rất ngạc nhiên sao người Tàu, người Việt lại giương dù che nắng…Đúng là “kỳ thị” – “thấy lạ”…là có “vấn đề”!

 







 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top