Một chút đối thoại về
NGHIÊM SỸ TUẤN!
NGHIÊM SỸ TUẤN!
Bác sĩ Lại Mạnh Cường
Bác sĩ Lại Mạnh Cường, sinh 1949 tại Thái Bình, Bắc phần. Di cư vào Nam 1954, lớn lên ở Sài Gòn.Trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An.Tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn 1974; luận án 10/04/1975. Y sĩ Trưng tập khoá 17. Tù Cộng sản sau 30.04.1975, ra tù 08/1976; một thời gian hành nghề “chui” cho tới khi điđịnh cư ở Hoà Lan từ tháng 11/1985. Trở lại học Y khoa ở Amsterdam, lấy bằng tương đương 17/10/1990. Hiện vẫn cư ngụ tại Amsterdam tới nay.
Nghiêm Sỹ Tuấn (NST) sinh năm 1937, trên tôi một giáp, ra trường năm 1965, trên tôi 9 lớp. NST ra đơn vị khoảng một năm, tôi mới tập tễnh bước vào năm dự bị y khoa APM (Année Préparatoire de Médecine).
Tôi chỉ nghe qua tiếng NST khi trong giới áo trắng bàn bạc về các quân y sĩ hy sinh ngoài chiến trường, như NST ở Khe Sanh vào tháng 4 năm 1968.
Qua tuyển tập về NST do bác sĩ Ngô Thế Vinh chủ trương và biên soạn, tôi phác hoạ ít nhiều chân dung của vị đàn anh đáng kính đã hy sinh trong chiến tranh khi đang cứu giúp thương binh trong lửa đạn.
Chắc chắn trong cuộc đời tôi không có cơ may nào gặp gỡ để trao đổi trực tiếp với ông, nhưng vì ngưỡng mộ nhân cách lớn và việc làm của ông, bắt chước ông tôi thử tưởng tượng ra một cuộc đối thoại thật ngắn với ông về một tiểu phẩm ông sáng tác làm tôi day dứt mãi trong lòng với ít nhiều băn khoăn, thắc mắc.
Đó là truyện ngắn tựa đề PARA BELLUM (PB) rất lạ bằng tiếng Latin cổ, được trích dẫn từ câu tục ngữ cách nay nhiều thế kỷ “Si vis pacem, para bellum”. Dịch sang Anh ngữ: “If you want peace, prepare for war”; Việt ngữ: “Muốn hoà bình, phải chuẩn bị chiến tranh” !
Đã có tranh luận về nguồn gốc câu nói nổi tiếng trên, nhưng tựu chung đó là một khẳng định cho rằng giải pháp hiệu quả nhất để có/ bảo vệ hoà bình là phải luôn luôn cảnh giác bằng mọi vũ trang quân sự, để sẵn sàng tự vệ khi cần đến. Đừng để “nước đến chân mới nhảy” thì đã quá muộn!
PB là một tổng hợp các cuộc đối thoại (dialogues), chủ yếu giữa tác giả (NST), trong lúc chờ ra đơn vị, với những người thân yêu: người yêu, anh bạn, ông bác già, cháu bé gái.
Cách dựng truyện khá lạ lùng, và cách đặt tên nhân vật còn “đặc biệt” hơn thế. Ông đánh số cho các nhân vật! Ông là “người thứ nhất”; theo thứ tự người yêu là “người số hai”, bạn “số ba”, bác “số bốn”, cháu “số năm” …
Điều này làm tôi liên tưởng ngay đến nhạc sĩ Vũ Thành An trước 75 và sau này sáng tác một loạt bài tình ca loại nhạc vàng, mang tên “Bài không tên số 1” rồi số 2, 3, 4, 5… kể cả “Bài không tên cuối cùng”… Nghe nói nhạc sĩ sáng tác các bài này không theo thứ tự thời gian như được đánh số. Còn ở quê hương thứ hai Vùng Đất Thấp của tôi có bà ca sĩ thế hệ cũ (1919-1998) lấy nghệ danh “Ca sĩ không tên” (Singer Without Name / Zangeres Zonder Naam), và bà rất nổi tiếng qua những bài hát gọi là “levenslied” (life song; song about life), thường là miêu tả mặt trái cuộc đời. Vì thế bà còn được gán cho danh hiệu “Queen of life song” (“Koningin van het levenslied”) !
Những cái độc đáo không giống ai, thường bị người dân miền Nam trước 1975 diễu cợt gọi là “mười hai con giáp không giống con nào”, không phải là không có chủ ý nơi con người sống nhiều về nội tâm NST. Phải chăng ông cố ý cho các nhân vật trong PB hoàn toàn không có gì đặc biệt mà phải định danh rõ ràng. Họ tầm thường như các con số thứ tự trong đời thường. Vâng họ chỉ là một hạt cát trong sa mạc, những người dân thấp cổ bé họng trong xã hội. Họ chẳng đại diện cho ai, kể cả cái đám quần chúng thực đông đảo nhưng luôn luôn thầm lặng. Cho dù họ trí tuệ và đã góp phần không thua kém ai trong nhân quần xã hội.
Theo tôi các đối thoại hoàn toàn theo trí tưởng tượng, thực chất chỉ là những màn độc thoại (monologues) giữa tác giả với chính bản thân, để ông qua đó trình bày nhân sinh quan cá nhân trước thời cuộc. Cũng có thể nói là ông cố biện hộ cho chọn lựa sẵn sàng nhập cuộc “chơi lớn”, nói kiểu bi quan là tự đánh bạc với số phận mình.
Và chỉ có cuộc đối thoại với người bạn mới thực sự là một cuộc tranh luận tay đôi (one-on-one debate/ één-op-één debat) thật gây cấn, đầy lý thú và đủ độ nóng, nên mặc nhiên được xem là trung tâm PB. NST đã cố gửi gấm thật nhiều qua lời thoại giữa hai người bạn. Thậm chí có lúc ông cố tình tạo ra những giây phút khá gây cấn giữa đôi bên, để mong tìm được đáp số khả dĩ đúng nhất cho nan đề đất nước.
Theo mô tả của bằng hữu trong Tuyển tập NST nói trên, ông chính thức đi học trung học đệ nhất cấp rất trễ, lúc 14 tuổi. Nhưng học giỏi, nên ông không vấp váp trong suốt thời gian 7 năm trung học và 7 năm đại học Y khoa Sài Gòn. Ông chịu khó trau dồi sinh ngữ, biết khoảng 5 thứ tiếng (Pháp, Anh, Đức, Latin, Tàu), “ngốn” không biết cơ man nào các danh tác thế giới. Bằng chứng ông đã phô trương kiến thức rộng lớn và vững chắc của mình qua các tác phẩm đủ mọi thể loại, khi tham gia làm báo nguyệt san Tình Thương của trường Y từ số đầu đến số 13, là lúc ông ra trường.
Thời gian khoảng từ 01/1964 - 01/1966, ông giữ chức Thư ký toà soạn và nằm trong Ban Quan điểm. Các bài quan điểm trong các số báo đều do ông và hai người bạn khác là Đặng Vũ Vương (cùng lớp) và Hà Ngọc Thuần (dưới một lớp) hội ý rồi phân công chấp bút. Đó là công tác nhóm (teamwork). Các bạn của Tình Thương, điển hình như Đặng Vũ Vương và Ngô Thế Vinh, đều cho rằng NST đã tạo một dấu ấn đậm nét trong Ban Biên tập nói riêng và Tình Thương nói chung.
Đi sâu hơn nữa NST thấp bé (158cm) nhẹ cân (40 kg), nhưng lại tình nguyện vào binh chủng nhảy dù khi ra trường chọn đơn vị. Bạn thân nghe tin, có người chế diễu: “Thằng Tuấn mà đi nhảy dù chắc dù nó bay lên chứ không xuống đâu” !
Tuổi đời NST lúc đó đã gần 30 tuổi, là con trai cả trong gia đình Bắc kỳ di cư 54 thanh bạch, thời cuộc giữa thập niên 60 như dầu sôi trên bếp lửa cháy đùng đùng, chắc chắn ông đã “động não” rất nhiều khi lấy quyết định trên.
Hình 1:Y Sĩ Tiền Tuyến Nghiêm Sỹ Tuấn, Người Đi Tìm Mùa Xuân; TSYS Canada và Việt Ecology Press xuất bản 2019, http://vietecologypress.blogspot.com/p/newest.html
Nhà văn quân đội, sĩ quan tác chiến Nhảy dù Phan Nhật Nam đã lý giải sâu sắc về sự chọn lựa khắc nghiệt ấy:
“Bác Sĩ Nghiêm Sỹ Tuấn hẳn không chọn binh chủng Nhảy Dù do được khích động, quyến rũ từ hình tượng “áo hoa nón đỏ” mà phần đông thành phần quân nhân tình nguyện, sĩ quan chuyên nghiệp võ bị tốt nghiệp Đà Lạt, Thủ Đức, Đồng Đế đã nồng nhiệt ghi danh. Anh thuộc về một mẫu người khác, ở nơi khác (khác thế nào chúng ta sẽ tìm hiểu sau), nhưng có thể nói trước rằng Nghiêm Sỹ Tuấn là người Trọng Kỷ Luật - Giữ Nguyên Tắc. Triết lý sống của anh giữa xã hội, với đồng nghiệp, với quân đội là Chiến Đấu - Kỷ Luật - và Vị Tha. Anh quan niệm như thế và sống đúng như thế. Giữa những năm 1960, khi đang làm báo Tình Thương của sinh viên Y Khoa, là những năm biến động, hỗn loạn toàn miền Nam, ngoài tiền tuyến chiến tranh ngày càng ác liệt lan rộng, dâng cao với chết chóc, tàn phá; trong khi hậu phương là một mặt trận khác với những cuộc biểu tình liên tục, vòng kẽm gai, và lựu đạn cay trải dài, chắn ngang, rối tung trên khắp các đường phố. Sài Gòn đã là một diễn trường tệ hại với những cuộc tranh giành quyền lợi giữa các phe nhóm, các cá nhân cấp tướng lãnh, chỉ huy quân đội. Người Lính - Lính Nhảy Dù từ mặt trận chuyển về Sài Gòn với quần áo còn nguyên mùi bùn, mùi máu im lặng phẫn uất đứng giữa sỉ nhục, lăng mạ và đá ném từ đám đông nhân danh tôn giáo và dân tộc! Y sĩ Trung Úy Nghiêm Sỹ Tuấn tình nguyện đứng cùng một phía những Người Lính này - Thế hệ tuổi trẻ Miền Nam chịu đựng khổ nạn một cách khắc kỷ mà không hề nói lên lời ta thán. Buổi chọn lựa đơn vị Nhảy Dù trong ngày mãn khóa càng được soi rõ: Bác sĩ dân y trưng tập không buộc phải thi hành nghĩa vụ quân sự nơi đơn vị tác chiến. Thế nhưng, Trung úy Nghiêm Sỹ Tuấn, Bác Sĩ Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đã chọn đúng đơn vị.
(…) Thế nên anh viết truyện ngắn Para Bellum với chủ ý từ thành ngữ La-Tinh: Para Bellum - Si vis pacem, para bellum – Nếu Muốn Hòa Bình Hãy Chuẩn Bị Chiến Tranh – Không những là yêu cầu sinh tử của Việt Nam Cộng Hòa trong thập niên 1960’s mà của cả Việt Nam suốt Thế Kỷ 20 cho đến hiện nay, qua Thế Kỷ 21. Khổ thay do chuẩn bị không kỹ / Không khả năng chuẩn bị / Không người chuẩn bị... nên đã phải lâm hận với ngày 30/4/1975. Truyện ngắn Para Bellum của Nghiêm Sỹ Tuấn mấy người đã đọc, kể cả người ngồi ở Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH?! Không hiểu ở Mỹ có ai đọc, hiểu đủ, đúng nghĩa, thực hiện vận động từ thành ngữ nầy không? (hết trích)
Tôi phải thú nhận bài viết về NST của Phan Nhật Nam là một trong bài hay hiếm hoi. Theo tôi biết ông Phan là nhà văn quân đội dầy dạn kinh nghiệm trong trường văn trận bút, đồng thời ông cũng là một người lính chiến chuyên nghiệp có kiến thức văn hoá cao, nhưng trên hết thảy ông có quá nhiều kinh nghiệm với CS trên bàn hội nghị khi trao trả tù binh đôi bên (nổi tiếng qua tác phẩm “Tù binh và Hoà bình”, 1974), và nhất là 14 năm đoạ đầy trong lao tù CS sau 1975.
Chính vì thế tôi thật tâm đắc khi đọc đoạn sau đây của họ Phan đã có một nhận xét tổng quan về hai tiểu phẩm nổi tiếng của NST là “Những người đi tìm mùa xuân” và “Para Bellum”:
Hình 2: Nghiêm Sỹ Tuấn, người thứ hai trong hàng, trước giờ lên máy bay cho một Saut nhảy dù bồi dưỡng [tư liệu bác sĩ Vũ Khắc Niệm & Trang Châu]
(trích)
Nghiêm Sỹ Tuấn không viết những dòng chữ không nội dung. Nghiêm Sỹ Tuấn không nói những lời nói suông... Từ hỗn loạn Sài Gòn sau 1/11/1963, anh có một lập trường rõ rệt, phản đối mọi cuộc xuống đường, dù ở phe nhóm tôn giáo nào. Muốn cách mạng ư? Trước hết cách mạng bản thân mình trước. Anh tiên tri, dự đoán, viết ra đủ cảnh tượng hỗn loạn vô nghĩa sau một sự kiện gọi là “cách mạng / cách mạng xã hội chủ nghĩa”: Giữa một thời thế, xã hội vật chất đang lên, (giá trị) tâm hồn tinh thần dần đi xuống. Anh là một trong những người cuối cùng chống đối lại. Anh viết ra lời chỉ rõ ngọn nguồn bi kịch Việt Nam, nói rõ những mưu toan sau hàng rào danh từ gọi là “Cách mạng, dân chủ, độc lập” mà phía cộng sản luôn sử dụng và sử dụng có hiệu quả... Bác nông phu người Việt chơn chất đã gục ngã vì bị lôi cuốn trong một hành trình phiêu lưu mà trong thâm tâm bác chỉ biết thương yêu gia đình, mảnh vườn, con trâu, thửa ruộng. Nhân danh những danh từ không hề biết nội dung kia, bác bị hy sinh! Ai cứu bác đây? Nghiêm Sỹ Tuấn chấp nhận trọng trách này. Mùa Xuân đối với anh không phải là nơi kinh đô phồn hoa mà là đồng mạ xanh rì dải nước phù sa loáng ánh mặt trời, dâng sương sớm...
Nghiêm Sỹ Tuấn cố gắng thoát khỏi thân riêng, tìm kiếm và tạo dựng cộng hưởng nơi người chung quanh, cụ thể những người lính mà anh chọn lựa đứng cùng đội ngũ trong lần tình nguyện đi Nhảy Dù. Hành vi chứng tỏ với bản thân khả năng phục vụ tha nhân qua nhiệm vụ của một quân y sĩ (bình thường) trong những hoàn nguy nan nơi chiến địa. Anh nhìn ra rất rõ và rất đúng Tinh Thần Para Bellum:
“Chiến tranh chỉ xấu và tàn bạo trong mắt những người đứng xa chỉ trỏ. Nên người phải ngừng hay tiếp tục nó (Chiến Tranh) với những lý do đẹp đẽ. Cha ông chúng ta xưa kia đã nhất định tiếp tục nó, và đã chiến thắng, chắc vì hiểu rằng trật tự và kỷ luật trong sức mạnh của Con Người.”
Nghiêm Sỹ Tuấn thấy ra lớn lao và thất bại của Dân Tộc Việt: “Nhưng ngàn năm và trăm năm tranh đấu có lẽ hơn nhiều, chúng ta thừa hưởng dễ dàng quá, nên chóng mệt mỏi. Đến độ không dám kiến tạo... Màu xám đất mầu, đục lờ nước ruộng, áo tơi nón lá cày cuốc dưới mưa phùn mù mịt giá căm, đò đồng xộc xệch tròng trành trên mông mênh ruộng ngập, vốn là những phong cảnh lạt lẽo của quê hương. Bởi vì chúng ta đã sinh ra và sống ở đó... Bởi có ai mất thời giờ ngồi trong bóng tối ngắm cử chỉ tầm thường mà trang nghiêm của người nông phu gieo mạ, bóng tay vươn đến tận sao trời?”
Y Sĩ Trung Úy Nghiêm Sỹ Tuấn với ý thức tự do, đã đi tới chọn lựa: Tự nguyện dấn thân vào một cuộc chiến tranh thảm khốc.
“... Làm gì có xương nào phơi vô nghĩa, càng vô nghĩa bao nhiêu càng ý nghĩa bấy nhiêu. Vả chăng xương nào thay được xương mình. Trái đậu thì hoa tàn. Hạt giống có chết cây mới nẩy mầm xanh, sao nói là vô nghĩa được... Cũng đừng buồn thấy lan nhược nở đỏ rồi rơi êm giữa rừng gai cằn cỗi. Cô đơn, đau khổ, gắng chịu một mình. Có thế mới thấy hết vẻ đẹp thanh tao của giếng êm, trăng rạng.”
Không hề chủ trương hay cổ động chiến tranh, nhưng cuối cùng Y Sĩ Trung Úy Nhảy Dù Nghiêm Sỹ Tuấn đã chết do đạn cộng sản pháo kích khi đang cố băng bó vết thương cho một binh sĩ nơi địa đạo Khe Sanh một ngày Tháng 4, 1968. Bác Sĩ Tuấn ơi! Lính Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù trong cơn cận tử đã kêu lên... Bác sĩ... Bác sĩ?! (hết trích)
*
Nếu có dịp đọc truyện ngắn Mặt Trận ở Sài Gòn trong tác phẩm cùng tên của Ngô Thế Vinh (NTV) viết ở Dakto năm 1971, Phan Nhật Nam sẽ làm quen với tâm sự của các chàng trai trẻ thuộc thành phần “élite” thời đó. Ngô Thế Vinh tốt nghiệp Y khoa sau NST ba năm, tham gia tích cực trong nguyệt san Tình Thương. Trong thời sinh viên NTV theo dõi sát các biến động trong người Thượng ở Tây Nguyên và viết bài cho Tình Thương. Khi ra trường NTV về làm y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù, để có nhiều cơ hội tiếp cận sâu hơn nữa nan đề người Thượng. Tôi cho là NTV, đã khéo léo dùng vỏ bọc một nhân vật bác sĩ của một đơn vị tác chiến nói thay cho mình. Đơn vị trên đang hành quân tại vùng cao nguyên, bất thình lình theo lệnh chính phủ trung ương bị bốc về thủ đô Sài Gòn, để dẹp biểu tình từ đám sinh viên và quần chúng thủ đô. Trong một lúc bất ngờ, bị một cấp chỉ huy đơn vị trong buổi liên hoan hỏi ý kiến, vị bác sĩ, được đồng đội gọi yêu là “Doctor Zhivago”, khéo léo đáp:
- Ở những năm dài trên đại học, tôi đã từng sống trong tâm trạng của họ và hiện tại tôi lại đang sát cánh với các anh sống giữa tình trạng gai lửa này. Tôi hiểu được nỗi bực dọc của các anh, tôi cũng lại cảm thông với những động lực đấu tranh của họ. Không phải hoàn toàn vô lý khi họ phải bỏ cả sự học, hy sinh cả tương lai để dấn thân vào những cuộc tranh đấu …
Tác giả Mặt trận Sài Gòn kể tiếp, một vị chỉ huy trung cấp (trung tá) vốn được tiếng là “ít nói và kín đáo” (sic), đột nhiên đặt ra một câu hỏi “ngộ nghĩnh” (sic), nhưng tôi cho là “triệt buộc”, bởi không cho phép “Doctor Zhivago” lý luận quanh co không đi vào trọng tâm (beat around the bush):
- Thế bác sĩ tính sao khi chúng tôi có lệnh tấn công vào vòng thành trường đại học Y khoa ?
Mọi người mỉm cười chờ đợi. ông Bác sĩ bình thản đáp:
- Ở trường hợp đó, dĩ nhiên tôi chẳng thể làm gì được hơn là đeo mặt nạ chống hơi cay, lái xe tản thương và săn sóc cho cả hai phía … Nhưng vấn đề đặt ra là sau đó …
Ông bác sĩ giải thích rõ hơn:
- Nếu rõ ràng nhiệm vụ được giao phó là sự có mặt lâu dài ở Sài Gòn, tôi sẽ xin rời đơn vị để về một bệnh viện nào đó trên Cao nguyên; mặc dù trước đây tôi vẫn tâm niệm rằng đơn vị này là nơi duy nhất tôi đã lựa chọn cho suốt thời gian quân ngũ của mình.
Tâm sự “lực bất tòng tâm” khi bị giam hãm trong hoàn cảnh bí bức không lối thoát ấy đã được NTV bóc trần ở đoạn cuối truyện:
“Đổi một không gian không xa những người lính chiến có cơ hội hiểu rằng, trên đời này không phải chỉ có những buồn thảm của một cuộc chiến tranh làm họ điêu đứng, với rình rập của nỗi chết cùng nỗi khổ cực của đám vợ con nheo nhóc, mà hơn thế nữa, giữa quê hương còn có một thứ xã hội trên cao lộng lẫy sáng choang và thản nhiên hạnh phúc. Cái thế giới khác xa họ, chỉ có ngào ngạt hương thơm và những hưởng thụ thừa mứa. Của một đám người kêu gào chiến tranh nhưng lúc nào cũng ở trên và đứng ngoài cuộc chiến ấy. Rồi những người lính bơ vơ tự hỏi, cầm súng họ bảo vệ cái gì đây ?
(…) Người lính chỉ ao ước được cầm súng chiến đấu cho tổ quốc, hy sinh cho một lý tưởng cao cả, một chính nghĩa sáng ngời mà khỏi cần bận tâm suy nghĩ điều gì. Nhưng bây giờ họ hiểu ra rằng, đã thất lạc và qua rồi sự bình an giả tạo sau những mỏi mệt trở về từ rừng rú. Rằng ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn – đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục.
Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến-tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sỹ xã hội. Vậy phải lựa chọn chiến trường nào ? Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương mà đích thực chiến-trường thách-đố của họ phải là ở Sài Gòn.”
Cần gợi lại một số điều quan trọng nhưng khôi hài và nhiều đắng cay ở đây là cái giá mà tác giả bút ký ngắn trên phải trả ông bị Bộ Nội vụ đích danh truy tố ra toà chiếu theo điều 28 về qui chế báo chí thời đó: “có luận điệu phương hại đến trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội”! Ông chủ nhiệm tập san Trình Bày cho đăng bài viết trên số 34 cũng bị vạ lây, phải vác chiếu ra toà cùng tác giả.
Các luật sư danh tiếng tận tình bào chữa, biến đó thành một vụ án văn nghệ, không vi phạm qui chế báo chí thời chiến. Luật sư còn viện dẫn tác phẩm Vòng Đai Xanh (VĐX) đoạt giải văn học tổng thống ra làm bằng chứng hùng hồn biện họ cho tác giả. “Dơ cao đánh khẽ” với mục đích “dằn mặt” tác giả và gỡ thể diện cho chính phủ, chánh án phiên toà vẫn kết y án, nhưng phạt án treo 100,000 đồng tiền vạ, và bồi thường một đồng bạc danh dự cho Bộ Nội Vụ !
Rõ ràng “trung ngôn nghịch nhĩ”, nên NTV bị chính quyền trung ương dằn mặt bằng toà án, nhưng không dám mạnh tay, bởi biết tác giả “thuộc dạng không vừa”, có uy tín trong giới văn nghệ, nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của các bạn văn. Bởi giới cầm bút đã chứng kiến cái nghiệp văn chương “lận đận” của NTV qua VĐX. Tác giả phải tự kiểm duyệt rất nhiều để “đứa con tinh thần” được hạ sinh đúng nơi đúng lúc, nhằm đối kháng với đám văn sĩ cô đầu người Mỹ. Lại phải vắng mặt trong buổi phát giải thưởng văn chương cao quí, bởi đang bận hành quân nơi xa không về được.
Trong lúc NTV cố vùng vẫy phản kháng qua văn chương hồi đầu thập niên 70, NST ở giữa thập niên 60 cũng trăn trở khôn nguôi. Rất tiếc ông chết quá sớm, ít chứng kiến những thối nát xã hội ngày một nhiều, gây bức bối cho người dân. Thuở ấy ông vẫn tin vào cái gọi là trật tự và kỷ luật.
(trích)
Người thứ ba: Mày ngồi yên quan sát nào hơn được ai. Để trở về quay ngược mũi dao trong vết thương đã sâu rộng sẵn. Xắn tay áo lên, làm mắt kia khiếp phục, bóng nọ hết cười trơ. Và mọi mấp mô ồn ào thành một sức mạnh nhịp nhàng. Biết đi tới nơi mình muốn.
Người thứ nhất: Được thế còn gì đáng nói. Nhưng lửa cháy qua rồi, vụn tan ngọc đá, còn đống tro vô dụng, bắt đầu tự chỗ nào? Chúng mình đang ở trong một tình trạng hỗn tạp, chẳng ai hơn ai, như mày vừa nói. Đấy mới là cái khó, cái khổ của những ngày mới qua đi đã cho thấy rõ. Hăm hở mà không nhịp nhàng, sẵn sàng lại không sửa soạn.
Người thứ ba: Sửa soạn với sẵn sàng. Cứ như mày mấy chốc mà đống tro vô dụng đã cao bằng núi. Lúc ấy chính mày mới không biết bắt đầu tự chỗ nào. Mày sợ?
Người thứ nhất: Đúng thế, tao sợ chính mình không muốn và không dám vượt nổi hơn ai, vượt nổi hơn mình. Vì thế mà nhiều người sợ hơn nữa, sợ ngay cả sự an lạc. Không dám ước mơ, không dám muốn có.
Người thứ ba: Sao lại thế được? Hai mươi năm chưa đủ, mày còn muốn bao nhiêu?
Người thứ nhất: Tao đâu có ý nói thế. Chiến tranh chỉ xấu và tàn bạo trong mắt những người đứng xa chỉ trỏ. Nên người phải ngừng hay tiếp tục nó với những lý do đẹp đẽ. Cha ông chúng ta xưa kia đã nhất định tiếp tục nó, và đã chiến thắng, chắc vì hiểu rằng trật tự và kỷ luật trong sức mạnh con người là một cảnh tự nó đẹp, dễ làm cảm động, dễ làm thán phục. Nhất là khi có những sức mạnh bên ngoài để gây xáo trộn trật tự và kỷ luật ấy. (hết trích)
*
Đây chính là điểm mấu chốt khiến tôi bất đồng quan điểm với NST. Tôi cho là ông đã cố tình biện luận “ngược xuôi” cho sự chọn lựa sẽ tham gia tích cực vào cuộc chiến, nói khác đi tình nguyện gia nhập một đơn vị quân đội thiện chiến nhất là binh chủng Nhảy dù, cho dù trong lòng còn nhiều băn khoăn trước các cảnh tượng “độc tài gia đình trị”, nối tiếp là giai đoạn quân hồi vô phèng với một đám tướng tá “cá mè bằng đầu”, không ai phục ai, thi nhau làm loạn chính trường miền Nam, gây mất đoàn kết trầm trọng trong quân đội, chính giới, tôn giáo, học đường và cả đám đông quần chúng ở đô thị và vùng quê toàn miền Nam. Dĩ nhiên CS đã thừa cơ nước đục béo cò, làm tình thế thập phần rối rắm, do hoả mù giăng mắc nơi nơi, chính tà khó phân biệt. Ông có phần “nguỵ biện” khi cho rằng Trật Tự Và Kỷ Luật sẽ tạo sức mạnh, tức đoàn kết dân tộc, nhất là khi có sự hiện diện của các yếu tố ngoại lai can thiệp thô bạo vào nội tình đất nước !
Không ai là không thấy rõ rằng Thân Phận Nhược Tiểu đã biến dân tộc và đất nước ta bao năm qua trở nên Con Cờ Thí trên bàn cờ thế giới. Sức mạnh nội tại không thể đến bằng giải pháp mang danh là trật tự và kỷ luật để ổn định tình thế, làm đà cho mọi thăng tiến trong mọi lãnh vực xã hội.
Việt Cộng xưa nay ra sức vận động đoàn kết dân tộc sau lưng chúng để chống ngoại xâm, nhưng khi cướp được chính quyền chúng áp dụng ngay độc tài toàn trị, bịp bợm dân chúng hai miền Nam Bắc lại lao vào chiến tranh gọi là “chống Mỹ Nguỵ cứu nước”! Nắm gọn cả nước vào năm 75, CS vẫn tiếp tục vận động đoàn kết sau lưng chúng, để có ổn định đất nước nhằm phát triển kinh tế, làm bàn đạp cho phát triển chính trị … Nhưng rồi chỉ tiến đến giới hạn “dân chủ trong đảng CS” ! Đảng viên được phép làm giàu và những kẻ giàu có được tham gia vào đảng CS hay/ và chính quyền qua giới thiệu của Mặt trận Tổ Quốc, một công cụ đắc lực của đảng CS. Hệ quả CS tạo nên các nhóm lợi ích, thành viên các nhóm này đa phần là đảng viên trung ương, thao túng và lũng đoạn đất nước toàn diện.
Tổ tiên ta sau bao phen thành công chống ngoại xâm phương Bắc, nhưng sau đó lại phải gấp rút tìm kiếm hoà bình không thông qua “chuẩn bị chiến tranh”, mà bằng giải pháp ngoại giao mềm dẻo (flexible). Đó là sự triều cống hàng năm và xin làm chư hầu kẻ thù phương Bắc để được yên thân. Một sự hoà giải (reconciliation) tạm thời với đối phương, để chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm nối tiếp. Đồng thời nhanh chóng tìm kiếm một sự đồng thuận giữa chính quyền với dân, như trong Hội nghị Diên Hồng đời Trần, làm sức mạnh kháng cự mọi đe doạ an nguy đất nước.
Rõ ràng là để giải quyết xung đột về quyền lợi, các bất đồng nội bộ với tham vọng nước lớn nuôi dã tâm “cướp” nước bé, không thể chỉ bằng giải pháp chuẩn bị chiến tranh, mà ưu tiên trước mắt vẫn là giải pháp ngoại giao qua Đối Thoại với kẻ thù, đồng thời trong nước cũng phải cố gắng tìm mọi cách Hoà Giải với nhau thông qua đối thoại, để giải toả mọi xung khắc, nhằm đạt được các Đồng Thuận Dân Tộc (national consensus) trên các nét lớn, làm bàn đạp tạo nên những sức mạnh thần kỳ qua đoàn kết toàn dân, toàn quân.
Lý thuyết nghe dễ dàng, nhưng thực hành rất khó. Khó từ trong đến ngoài. Các thế lực phản động bên ngoài đâu dễ để yên cho chúng ta giải quyết rốt ráo với nhau. Chúng tìm mọi cách phá hoại tan tành tiến trình hoà giải hoà hợp dân tộc của ta. Trong khi đó các bất đồng xung đột nội bộ không thể nào giải toả trong một ngày một giờ. Đó là chưa kể rất khó tìm ra thiện chí của các phe nhóm khi ngồi lại với nhau để đối thoại thẳng thắn, cần phải đặt quyền lợi tối thượng quốc gia, dân tộc lên trên hết.
Chính vì thế sau này tôi nhận thấy giải pháp của cụ Phan Tây Hồ là khả thi hơn cả: nâng cao dân trí, rồi cải tiến dân sinh, làm nền móng vững chắc cho cách mạng dân chủ, dân sinh ! Mấy thập niên sau thời Chiến tranh Lạnh, các cuộc cách mạng khắp thế giới cho thấy, cách mạng chỉ thực sự thành công ở nơi nào dân trí cao. Chẳng hạn ở một số nước Đông Âu cựu CS, đặc biệt như Tiệp Khắc, Hung và Ba Lan. Cần nói thêm Tiệp Khắc đã chia làm hai thành Cộng hoà Tiệp (Xéc) và Cộng hoà Khắc (Slovak) vào đầu thập niên 90 trong hoà bình, làm mẫu mực cho toàn thế giới. Sau khi chia tay cả hai nước được chấp thuận vào Liên Âu dễ dàng; Xéc vẫn lưu hành đồng tiền cũ, trong khi Slovak chuyển sang đồng Euro.
Thời Hậu Chiến tranh Lạnh kể từ thập niên 90 trở đi tạo ra một “Trật tự thế giới mới” (New world order). Michael Gorbachev và George H.W. Bush sử dụng cụm từ ngữ trên để xác định chấm dứt tình trạng lưỡng cực đối đầu giữa hai phe Tư bản và Cộng sản, với kỳ vọng phát sinh tinh thần cộng tác giữa hai siêu cường số một thế giới. Nhưng sau Chiến tranh Lạnh lại nảy nở ra các lực lượng và kết hợp mới, biến chuyển tình hình thế giới thành tình trạng Đa Cực (Multipolar status). Kể từ đó đến nay người ta chọn khuynh hướng Đối Thoại, Hoà Bình, Hợp Tác, Lợi Nhuận, để mọi bên đều có lợi! Thực tế ra sao, xin thử phân giải một chút như sau.
Chấm dứt Chiến tranh Lạnh đồng nghĩa với sự sụp đổ bất phản hồi (irreversible) của thế giới Cộng Sản nói chung của Nga nói riêng, nghiễm nhiên biến Mỹ thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Dĩ nhiên Mỹ chả dại gì “cờ đến tay mà không phất”, như tổng thống Bush con từng tuyên bố thẳng thừng, rằng “không có gì thay thế được vai trò lãnh đạo của Mỹ” (“There is no substitude for American leadership”) ! Nói trắng ra các lãnh đạo Mỹ tự coi mình là trung tâm quyền lực duy nhất thế giới, nghĩa là chỉ từ lưỡng cực sang đơn cực (unipolar status). Đây là cội nguồn của các xung đột mới trên thế giới, giữa Mỹ và các lực lượng mới trỗi dậy thay chỗ Liên Xô, điển hình như Tàu cộng, Liên Âu.
Hoà bình thường được trang trọng đề cập, nhưng thực chất chỉ là bức bình phong cho các mưu đồ chính trị đen tối. Như ở kỷ nguyên nguyên tử trong thập niên 50-60-70, siêu cường Mỹ tuyên truyền khắp thế giới “nguyên tử phụng sự hòa bình”, dẫn đến các cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử giữa các cường quốc, để rồi khi thấy quá tốn kém và quá nguy hiểm hai siêu cường Mỹ và Nga tự động “xuống thang” bằng cách bắt tay làm hoà để chính danh “chôn búa” nguyên tử qua cái gọi là giải trừ quân bị thời Reagan và Gorbachev. Từ hai anh to đầu này áp lực lên các anh yếu hơn phải nghe theo mình.
Người ta không những giải trừ vũ khí hạt nhân, mà hiện nay giải trừ cả điện phát sinh từ nguyên tử lực, bởi “rác thải” từ các thanh nguyên tử cũng nguy hiểm không kém. Đó là chưa kể gây đau đầu toàn thế giới khi xảy ra các tai nạn lớn bất ngờ, như nổ lò nguyên tử trong Thảm hoạ Chenorbyl (Chernobyl disaster) năm 1986 ở Ukraine thuộc Liên Xô, hay do thiên tai như động đất ngoài biển khơi gây sóng thần (Tohoku earthquake and tsunami) năm 2011 ở Nhật.
Cái hoạ hạt nhân cũng như các loại vũ khí được xếp vào loại “giết người hàng loạt” (WMD/ weapons of mass destruction) vẫn không thể ngăn ngừa hữu hiệu, bởi nó đã lọt khỏi tầm kiểm soát của các siêu cường, được xuất khẩu bí mật, có thể cả dưới hình thức “bán chính thức” đi nhiều nơi. Đáng sợ hơn nữa khi chúng rơi vào tay các nhà độc tài, các nhóm khủng bố quá khích. Kịch bản “âm binh vật phù thuỷ” khiến Mỹ và đồng minh Tây Âu lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Cả thế giới dưới sự khởi xướng và lãnh đạo của Mỹ lao vào trò chơi “chống khủng bố quốc tế” ! Cụ thể để săn lùng và tiêu diệt các nước và các tổ chức Hồi giáo quá khích, chuyên sử dụng các phương pháp khủng bố tàn bạo (cướp máy bay, đánh bom tự sát nơi đông người…) làm vũ khí tranh đấu để chống lại Mỹ và đồng minh, Mỹ đã tìm cách đối thoại và kết thân với các trùm khủng bố như Tàu cộng và Việt cộng ... Đúng là “cữ sôi ăn nếp”. Mỹ và đồng minh phương Tây “treo đầu dê bán thịt chó” ! Hậu quả tất yếu còn lâu mới có hoà bình thế giới.
Nguyên Sa có bài thơ sâu sắc về hoà bình có tựa đề Thằng Sỹ Chết: Đức Giáo hoàng xác nhận rằng sắp có hoà bình / Đức Tăng thống xác nhận rằng sắp có hoà bình / Tổng thống Johnson xác nhận rằng sắp có hoà bình/ Tổng thống Kosygin xác nhận rằng sắp có hoà bình / Ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant xác nhận rằng sắp có hoà bình / Các vị nguyên thủ các nước Âu, Á, Phi, Mỹ, Úc đều xác nhận rằng sắp có hoà bình / Tại sao mày để nó xuyên qua tim / Tại sao mày để nó chảy ra hết / Tại sao mày để nó cứng đơ lại / Tại sao mày nằm song song với đường tiếp tuyết của trái đất / Tại sao mày chết, hả Sỹ / Tại sao mày không chờ, hả Sỹ / Hãy trả lời / Đức Giáo Hoàng và Đức Tăng Thống / Quí vị Thủ tướng và quí vị Tổng thống / Tại sao mày không chờ / Hãy trả lời lễ phép / Nghe Sỹ.
Tóm lại, cái chết của Sỹ, bạn nhà thơ Nguyên Sa, của Nghiêm Sỹ Tuấn, của triệu triệu người Việt, của gấp nhiều lần hơn thế trên toàn thế giới, có ý nghĩa gì cho hoà bình thế giới ? Tôi đoan chắc những kẻ thấp cổ bé họng, dù thông thái như đàn anh Nghiêm Sỹ Tuấn, sẽ chẳng bao giờ tìm ra câu trả lời chính xác trong cõi đời ta bà này. Thậm chí ông cha chúng ta tái sinh cũng đành thúc thủ. Ngày xưa ta hầu như ta chỉ phải bận tâm đối đầu với một kẻ thù truyền kiếp là phong kiến Phương Bắc. Ngày nay trái đất bé dần lại, không gian gần như phẳng, chúng ta phải chống lại chẳng những Trung Hoa, mà cả với các lực lượng phản động quốc tế, trong đó có các nước được từng được xem như đồng minh chí cốt.
LẠI MẠNH CƯỜNG
Amsterdam, 05/ 2019 – 07/2020