Tiểu Tử
TẤM VẠT GIƯỜNG
Hồi đó, tôi làm mướn cho ông Cả Bảy. Mấy ngày đầu, ngày nào cũng chèo xuồng qua bên kia sông để giữ ruộng cho ổng. Hồi ổng kêu tôi làm việc cho ổng, ổng nói :
- Hổng có gì, nhưng có mặt mầy ở bển tụi nó không dám phá lúa !.
Ổng nói ‘phá’ để tránh nói ‘ăn cắp’ nghe… nặng lỗ tai !
Mà thiệt ! Công việc hổng có gì gọi là nặng nhọc. Tôi treo võng giữa hai cây gáo lớn cạnh bờ sông, rồi nằm tòn ten trên đó ca tới ca lui mấy câu vọng cổ, lâu lâu trèo lên cây gáo ngồi nhìn ruộng lúa minh mông kéo dài tới rừng tràm nằm phía trong xa, xa cỡ đôi ba dậm hú. Đó là chiều sâu. Còn chiều ngang là nằm dài theo con sông Cái, có con rạch No làm ranh phía trên, chỗ tôi treo cái võng, và con rạch Bù Xu làm ranh phía dưới. Từ rạch No muốn nhìn thấy rõ rạch Bù Xu phải xè bàn tay đưa lên ngang mày che bớt ánh sáng ! Nói như vậy, để thấy ruộng ông Cả Bảy lớn biết ngần nào…
Lần đầu tiên đi với ông Cả Bảy qua ruộng để ‘nhận việc’, thấy minh mông thiên địa như vậy, tôi hết hồn, nói :
- Trời đất ! Mút chỉ như vậy, mình con coi sao thấu !
Ông Cả Bảy cười khì khì :
- Tao chỉ cần mầy qua bển cho có mặt hằng ngày chớ đâu có biểu mầy đi đánh lộn với tụi lưu manh đâu ! Cái lũ đó hễ thấy có người canh ruộng là tụi nó rút đi chỗ khác hè !
Ngừng một chút để suy nghĩ rồi ổng nói :
- Tàm tạm vài bữa rồi tao cho đám thằng Hai Lưa ở trại hòm qua cất cho mầy cái chòi nhỏ có tháp canh cao phía trên, để có chỗ cho mầy đụt mưa đụt nắng.
Có lẽ thấy tôi còn… ngơ ngơ nên ổng nói tiếp :
- Trên tháp canh sẽ có cái ống tre lớn làm cái mõ. Hễ mầy thấy có bóng người vô ruộng thì mầy cứ gõ mõ liên hồi là nó chạy. Hiểu chưa ?
Vậy là ít lâu sau, tôi có cái chòi tranh vách lá, có chỗ để treo võng, có chỗ để nấu cơm, phía trước có cây cầu ván chờm ra sông để tắm gội…
Qua mùa lúa đó, ông Cả Bảy kêu tôi, nói :
- Tao thấy mầy tuy côi cút một thân một mình mà làm việc siêng năng nên tao thương. Tao cho mầy một miếng đất bên ruộng để mầy cất nhà rộng rộng, còn lo cưới vợ nữa chớ !
Vậy rồi mấy hôm sau, ổng dẫn nhóm chú Hai Lưa trại hòm qua ruộng của ổng, đo đạc cặm nọc để cho tôi miếng đất nằm cạnh vàm rạch No, còn chỉ chỗ cho chú Hai Lưa cất cho tôi cái nhà nền đất nóc tôn vách ván nữa ! Tôi cảm động nghẹn lời, ấp úng nói mấy tiếng cảm ơn mà cũng không tròn chữ tròn câu… Ông Cả cười cười :
- Mầy lo đốn cây làm rào dậu, trồng trỉa cho thành khoảnh đi, rồi tao kiếm cho mầy một con vợ !
Nói xong, ổng cười ha hả, khoái chí !
…Ông Cả Bảy có hai người con trai đi học bên Tây rồi ở luôn ở bển. Từ ngày bà Cả nằm xuống, ổng vẫn sống cu ky một mình trong cái nhà sàng tổ chảng nằm cạnh trại hòm và trại cưa của ổng. Ổng thôi làm Cả trong ban Hội Tề từ lâu nhưng trong làng vẫn gọi ổng là Cả. Nghe nói ổng ‘quen lớn’ dữ lắm, thấy mấy ông Quận ông Tỉnh thường ghé nhà ổng chơi hay cùng đi bắn le-le…
Hồi tôi tới tuổi đi quân dịch, ổng nói :
- Mầy yên tâm lo canh ruộng, còn vụ nầy, để tao lo.
Vậy rồi mươi hôm sau, ổng trao cho tôi tờ hoãn dịch !
… Cất nhà xong, chú Hai Lưa vỗ vai tôi, nói :
- Tao có một cái giường đôi bằng gỗ không xài, để tao chở qua cho mầy. Có điều là nó chỉ còn có mấy thanh ngang chớ không có tấm vạt giường, tại mấy thằng con tao nó lấy cưa ra làm sạp cho ghe của tụi nó. Mầy chịu khó đạp xe vô Xóm Mới nói thằng Ba Kiên đương cho cái vạt bằng tre, rẻ hơn cái vạt gỗ mà nằm lại êm hơn gấp bội.
Ngừng một chút rồi ổng vò đầu tôi, nói :
- Chừng cưới vợ, nhớ cho tao nhậu với nghen !
Tôi nói ‘Cám ơn chú’, lí nhí nghe chừng không rõ lắm !
… Cái gường đó ráp vô rồi thấy rộng rinh. Mình tôi ngủ thì cần gì đến tấm vạt ? Vậy là tôi thả lên hai tấm ván đủ cho tôi nằm, sung sướng vì nghe thẳng lưng hơn nằm võng !
Tôi ngủ không có tấm vạt giường như vậy cho đến hết mùa lúa năm đó thì tôi gặp ‘Nàng’… Cũng do Trời xui Đất khiến !
Nàng tên là Huệ, mồ côi cha, con của bà Năm Căng ở xóm Lò Gạch. Nàng làm công cho lò gạch ông Tám Tiếu. Nhờ đi chở gạch để ông Cả cho sửa lại cái đầu bờ kè trước nhà nên tôi gặp nàng. Gặp là tôi hạp nhãn liền ! Trời ! Con gái nhà quê gì mà nước da trắng bóc, còn thân hình thì cân đối thon thả kèm theo tướng đi lượn là cứ bắt người ta phải nhìn theo !
… Vậy rồi nàng và tôi quen nhau. Vậy rồi, ngày một ngày hai, tôi đạp xe đến lò gạch. Không có gì : Chỉ cần gặp nàng để nói đôi ba câu không đầu không đuôi, rồi chèo xuồng về nhà bên kia sông, trèo lên vọng gác ngồi ngẩn ngơ suốt buổi !
… Vậy rồi, tôi nghĩ đến tấm vạt giường ! Vậy rồi, tôi đạp xe vô Xóm Mới đặt chú Ba Kiên đương cho tấm vạt giường bằng tre. Tuần lễ sau, tôi cuốn tròn tấm vạt chở về nhà trải lên cái giường gỗ, nhìn nó mà nghe lòng phơi phới. Bởi vì đó là lần đầu tiên tôi sắm một món đồ tuy không có giá trị gì nhiều nhưng lại mang đầy ý nghĩa…
… Để tránh tai mắt, tôi và nàng thường hẹn gặp nhau ở đường lên chùa vì đường đó vắng người và có mấy bụi tre lớn giao tàn che nắng. Hai đứa đứng nói chuyện ‘trên trời dưới đất’ cả canh, nàng hay cầm lấy cành tre non đầy lá vươn ra cạnh chỗ nàng đứng, lắc qua lắc lại như để đánh nhịp khi nàng nói, mắt nàng nhìn bụi tre, nhìn con dốc lên chùa chớ ít khi nhìn tôi. Vậy mà sao tôi vẫn nghe lòng phơi phới như được nàng nhìn thẳng vào mắt !
… Bây giờ thì rõ ràng tôi đã thương nàng, càng ngày càng thương đậm ! Mà giữ riết trong lòng thì ấm ức quá đi ! Chắc phải nói ra cho nàng biết, rồi ra sao thì ra ! Vậy rồi một hôm đứng cạnh bụi tre đã thành quen thuộc, tôi làm gan nói :
- Huệ à ! Anh nói thiệt, Huệ đừng giận nghen ! Anh thương Huệ quá rồi Huệ à !
Nàng bỗng quay sang nhìn tôi, tay vẫn còn vin cành tre non, hỏi bằng một giọng nhẹ như tiếng gió trong lùm tre trước mặt :
- Vậy sao ?
Chỉ có hai tiếng nghe ngơ ngớ kỳ kỳ như vậy mà tôi lại thấy như là một sự chấp nhận! Tôi bước lại gần nàng, nàng vẫn nhìn vào mắt tôi, cập môi mấp máy như muốn nói gì mà hai vành tai ửng đỏ. Đúng lúc đó, tôi hửi được mùi con gái của nàng làm tôi choáng váng ngầy ngật. Trời ơi ! Tôi muốn ôm đại nàng để siết chặt lại trong tôi, bởi vì chỉ có làm như vậy tôi mới nói được tôi thương nàng biết ngần nào…
Nhưng tôi lại sợ làm ẩu, rủi nàng không hiểu rồi giận rồi vùng vằng bỏ đi tuốt thì chắc tôi… chết quá ! Tôi ráng kềm tôi lại, nuốt nước miếng mấy lần mới nói được :
- Huệ à…
Nàng ‘dạ’, tiếng ‘dạ’ nghe như chờ đợi. Nàng không còn nhìn tôi mà quay về với cành tre non. Lần nầy, nàng bứt từng chiếc lá tre rồi bỏ rơi xuống đất, giống như nàng đếm lá !
- Huệ à! Anh muốn xin cưới Huệ…
Nói tới đó tôi bỗng nghe… hụt hơi ! Nàng im lặng bứt từng chiếc lá… Một lúc, tôi hỏi :
- Mà Huệ có ưng không ?
- Biết đâu nà !
Tôi ráng sức nói một hơi :
- Anh làm công cho ông Cả Bảy. Anh có nhà có đất ở bên kia sông. Anh được hoãn dịch không phải đi lính. Anh sẽ nhờ ông Cả đánh tiếng qua má của Huệ để xin cưới. Mà Huệ phải cho anh biết coi Huệ có ưng hay không, cái đã !
- Ờ… Thì vậy !
Rồi, có lẽ thấy câu trả lời không mấy rõ nên nàng nói thêm :
- Tính sao cũng được !
Tôi mừng quá, nắm đại bàn tay nàng vứa lắc vừa cám ơn rối rít ! Nàng bỗng quay qua nhìn tôi, mỉm cười. Trời ! Cái cười của nàng sao mà đẹp hết nói ! Tôi như bị hốt hồn, cầm chắt bàn tay của nàng mà tưởng chừng như đang cầm cây sào cắm xuống lòng rạch để giữ cho xuồng đừng theo con nước mà bỏ bờ…
Đêm đó, trải chiếc chiếu trên tấm vạt giường, tôi nằm lên mà nghe mát rượi. Tôi nghĩ : Rồi đây, hai đứa sẽ nằm chung một vạt giường. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm tôi sung sướng đi vào giấc ngủ. Cuộc đời sao dễ thương quá hổng biết ?
Chuyện của nàng và tôi chưa ai biết hết thì xảy ra vụ Tháng Tư 1975. Lúc đó, nghe tin dân miền Trung chạy rần rần vô nam, ông Cả Bảy kêu tôi, nói :
- Chuyến nầy, mầy đi giùm tao xuống Cần Thơ. Tao có con em mấy chục năm nay theo chồng ở dưới. Địa chỉ nó đây.
Ổng đưa tôi miếng giấy có ghi tên họ, số nhà, tên đường :
- Tao nhờ mầy ôm một số tiền xuống đưa cho tụi nó, biểu tụi nó lo chạy về đây ở với tao sớm sớm cho có anh có em. Có gì cũng còn có nhau còn hơn là đứa một nơi người một ngả, loạn lạc nầy không biết đâu mà rờ. Tao có biểu tụi thằng Hai trại hòm qua ở nhà mầy, vừa giữ giùm nhà vừa coi ruộng luôn. Đừng lo !
… Vậy là tôi lặn lội xuống Cần Thơ tìm người em gái của ông Cả. Bà nầy có sạp vải ở chợ Cần Thơ, ông chồng là Thiếu tá Hải quân. Khi tôi tìm ra được bả thì có tin thiên hạ ở Sài Gòn đang chạy di tản, làm dân chúng Cần Thơ cũng rối ren hối hả xuống ghe xuống xuồng tranh nhau đi.
Ông Thiếu tá Hải quân hốt hết gia đình đem lên tàu chiến, kéo tôi theo luôn ! Đứng trên tàu, tôi nhìn đồng ruộng chạy lùi về phía sau mà chết điếng ở trong lòng, không biết làm sao báo tin cho ông Cả Bảy và nhứt là cho Huệ…
… Vậy rồi sau thời gian nằm trên đảo của quân đội đồng minh, tôi định cư ở Mỹ, tiểu bang Cali. Tôi làm công cho một tiệm ăn Việt Nam ở khu Sài Gòn Nhỏ, rửa chén quét dọn lau nhà… Lương lậu không bao nhiêu nhưng được bà chủ cho ở trong một phòng nhỏ nằm cạnh nhà bếp, ở để làm gác-dan cho bả luôn !
Thời gian sau, khi đã ổn định đời sống, tôi có gởi thơ về nhưng không thấy hồi âm. Tôi biết làng tôi nhỏ bé lại nằm tuốt trên vùng Ngọn - gọi là ‘Ngọn’ bởi vì nằm trên ngọn sông Vàm Cỏ - giáp ranh với đất Cao Miên. Hồi thời trước, trong làng không có nhà Bưu điện nên mỗi tuần một lần ông Sáu làm biện trong làng phải đạp xe xuống quận cách đó mười mấy cây số để lấy thơ ở nhà Bưu điện đem về để trong nhà làng. Dân chúng cứ tự động đến coi trong đống thơ, cái nào mang tên mình thì lấy, có khi lấy giùm hàng xóm hay họ hàng bạn bè nữa ! Tôi nghĩ chắc bây giờ cũng vậy thôi, thơ tôi gởi không đến tay Huệ thì làm gì có hồi âm được ?
Dầu vậy, tôi vẫn tin tưởng rằng nàng không bao giờ quên tôi, cũng như tôi lúc nào cũng nghĩ tới nàng. Tôi hay nghe mấy người có đọc sách nói ‘Lời thề trăm năm’. Nàng và tôi đâu có thề thốt gì đâu, nhưng câu nói ‘Tính sao cũng được’ và cái mỉm cười tiếp theo sau đó của nàng ở đường lên chùa hồi tôi ngỏ ý xin cưới… tôi đã khắc ghi vào lòng. Như vậy, chẳng phải là một ‘Lời thề trăm năm’ hay sao ?
Nhứt định tôi sẽ trở về Việt Nam để cưới Huệ. Để hai đứa cùng nằm chung một vạt giường, cái vạt giường đương bằng thanh tre già chuốt giẹp giẹp, nằm vừa êm vừa mát. Để thấy cái mà mấy người biết đọc sách gọi là ‘Hạnh phúc lứa đôi’ đối với tôi, nó chỉ vỏn vẹn là sự sung sướng được chia đôi với người mình thương một tấm vạt giường… Mà muốn được vậy, tôi phải có tiền. Vậy là tôi để dành tiền, cắc ca cắc củm !
Nhờ hỏi thăm mấy người có về Việt Nam nên tôi đã ước lượng được số tiền cần thiết để làm đám cưới và để hai vợ chồng tôi có một số vốn làm ăn. Vậy mà phải năm năm sau tôi mới có tàm tạm đủ ! Chừng đó, tôi mới dám ‘lên kế hoạch’ : Nhờ ông Cả Bảy làm chủ hôn bên đàng trai, rước dâu về nhà của ổng, đãi đằng hai họ ở đó, xong rồi tôi chèo xuồng đưa cô dâu về nhà bên kia sông để tôi khoe với nàng tấm vạt giường mà tôi sắm cho hai đứa, từ hơn sáu năm nó vẫn nằm chờ…
Ngồi trên máy bay về Việt Nam, trong đầu tôi sắp xếp. Trước tiên là về nhà tôi để nghỉ ngơi cho tỉnh mỉnh. Sáng hôm sau sẽ đi thăm ông Cả Bảy, còn xế chiều thì qua nhà nàng vì giờ đó nàng mới từ lò gạch về nhà, tôi sẽ bất thần bước vô nói lớn : «Huệ ơi ! Huệ ! Anh về rồi nè !..». Tưởng tượng đến đó, tôi bỗng ứa nước mắt ! Đầu óc tôi tự nhiên sao mù mờ. Làm như bao nhiêu năm nay tôi chỉ chờ có như vậy ! Tôi thấy tội nghiệp tôi, tội nghiệp nàng : Nếu không có cái ngày nghiệt ngã 30 Tháng Tư 1975 thì làm gì hai đứa phải cắn răng chịu đựng khắc khe cỡ nầy ?
…Làng tôi bây giờ lạ hoắc. Không phải có thêm đường ngang nẻo dọc mà thấy đầy cờ xí biểu ngữ, loa trên loa dưới ồn ào không giống cái gì hết !
Tôi xuống xóm chợ nhờ một chị chèo xuồng mướn đưa tôi sang sông.
Khi xuồng vừa cặp vô cây cầu ván thì có con chó chạy ra sủa râng, rồi hai ông bà già từ trong nhà bước ra dòm. Té ra là chú thím Hai Lưa hồi xưa chủ trại hòm của ông Cả Bảy ! Chú Hai nhìn ra tôi ngay. Ổng la lên :
- Trời đất ! Mầy còn sống hả ? Ở đâu mà về vậy ?
- Dạ ở Mỹ.
- Cha… xa ớn há !
Rồi chú lật đật vừa la chó vừa bước xuống cầu phụ tôi đem hành lý lên. Trước nhà thấy có phơi chiếc chiếu với hai ba cái gối. Trong nhà vẫn như xưa, cái giường gỗ vẫn nguyên chỗ cũ với tấm vạt giường tôi đem về từ trong Xóm Mới. Chỉ có thêm là hai cái võng nằm song song gần đó, còn thì bàn ghế tủ v..v… không có gì thay đổi. Tôi xúc động đến nghẹn lời. Chú Hai nói :
- Mầy uống miếng trà rồi nằm võng nghỉ lưng. Trong làng tưởng mầy chết rồi chớ, đâu dè… Để tao kể mầy nghe…
Vậy rồi chú nằm trên võng cạnh tôi, vừa hút thuốc vừa kể :
- Hôm mầy đi Cần Thơ, cha con tao theo lời ông Cả biểu, thay phiên nhau qua đây giữ nhà giữ ruộng. Kế đó, tụi nó - tụi cách mạng ớ ! – tràn vô làng, bắt hết hội đồng xã, bắt luôn ông Cả Bảy trói bằng kẽm gai thành một dọc, chở đi mất. Rồi tụi nó chiếm hết, nhà cửa đất đai ruộng vườn, đuổi tụi tao ra để lấy trại hòm. Nhờ có cái nhà của mầy mà tụi nầy dọn qua ở tạm. Tao và hai thằng con tao cất thêm cho cái chòi giữ ruộng rộng ra để đồ đạc của tụi tao và để hai thằng con tao có chỗ hành nghề thợ mộc của tụi nó. Hai thằng nầy coi vậy mà gan ! Tụi nó vượt biên rồi định cư ở Úc. Bây giờ, tụi nó có xưởng mộc ở bển, coi bộ làm ăn khá ! Thấy lâu lâu gởi tiền về nhờ thằng bạn tụi nó ở thành phố chạy Honda lên đưa ! … À ! Mầy biết hông ? Tụi cóc cắn cách mạng có kêu tao về trại hòm làm cho tụi nó, tao đấm thèm! Mầy nghĩ coi: trại hòm mà cũng bày đặt trương biểu ngữ đề ‘Hạ quyết tâm hoàn thành tốt kế hoạch của Nhà Nước.’ Mẹ !… Hòm chôn người chết mà cũng vô kế hoạch nữa thì khùng hết nước nói !
Còn chuyện nầy chắc mầy chưa biết : Con Huệ, con bà Năm Căng…
Hai tiếng ‘Con Huệ' làm tôi giật mình. Tôi nhỏm dậy, lắng tai nghe. Chú nói tiếp :
- Mấy tháng sau giải phóng, không biết nó nghe lời ai mà ôm gói xuống thành phố nói kiếm việc làm rồi lặn mất luôn cho đến năm ngoái đây, nó trở về mà đi bằng xe hơi nhà có tài xế, trên băng sau có người đàn ông có vẻ ông chủ. Mầy biết, trong làng chỉ có thằng Cói gia nhân của ông Cả Bảy là được ổng sắm cho chiếc Honda để đưa ổng đi đây đi đó, chớ đâu có ai có xe hơi. Vì vậy, khi con Huệ đi xe hơi thẳng vô xóm Lò Gạch là thiên hạ để ý. Bà Năm Căng kể lại nói bả nhìn nó không ra, tưởng là một bà nhà giàu nào đó đi lầm nhà ! Chừng nó xưng tên, mẹ con nó và bầy em nó ôm nhau khóc làm hàng xóm chạy qua mừng cũng rớt nước mắt. Nó đem cho má nó hai bao đồ rồi nhét trong túi áo má nó một cọc tiền. Sau đó, nó chỉ nói được có mấy tiếng ‘Con lạy má ! Con lạy má !’ rồi vừa khóc vừa chạy vội ra xe lên ngồi cạnh ông người Á Đông ở băng sau, tài xế rồ máy chạy ào đi gấp. Từ đó tới giờ không có tin tức gì hết !. Còn đồ nó cho má nó toàn là tơ lụa mắc tiền nằm kín trong từng bao ni-long có in nhiều chữ Tàu. Thầy Ba trên chùa đọc rồi nói đó là sản phẩm cao cấp của Thượng Hải…
Tôi ngả người nằm xuống võng mà nghe lùng bùng hai lỗ tai, chết điếng ở trong lòng. Chú Hai Lưa hỏi :
- Mầy còn nhớ con Huệ hông ?
Tôi ‘dạ', tiếng dạ bị nước mắt trào lên chận ngang. Tôi nuốt xuống mà nghe miệng mồm đắng chác. Không kềm được nữa, tôi đưa hai tay lên bụm mặt. Chắc chú Hai Lưa thấy, hiểu, nên nghe chú tằng hắng một tiếng rồi làm thinh…
Trên máy bay trở về Mỹ, tôi nhìn qua cửa sổ thấy nhà cửa ruộng đồng cây cối mờ lần mờ lần rồi mất hút… mà tôi nghe buồn rười rượi. Ở tuốt dưới đó, trong một làng quê nằm xa mút trên vùng đất Ngọn, tôi đã bỏ lại một tấm vạt giường, tấm vạt giường tưởng để nằm chung với người con gái nhà quê mà tôi thương, đâu ngờ chuyện hai đứa chưa kịp thành duyên thành nợ thì nàng đã như chiếc xuồng bỏ bờ mà trôi theo nước, đành đoạn trôi theo nước…
Mối tình dành riêng cho nàng mà tôi giữ miết ở trong lòng từ bao nhiêu năm, giờ nghĩ lại sao thấy quá khù khờ ! Dầu vậy, tôi vẫn muốn gặp nàng, gặp một lần thôi, để chỉ hỏi có một câu : «Tại sao ?... Tại sao ?… Tại sao ?… »
Nghĩ đến đó, tự nhiên tôi trào nước mắt…
Tiểu Tử