• Truyện Khoa Học Giả Tưởng của Arthur C. Clarke , Trương Mỹ Vân dịch
AI ĐÓ ?
"WHO'S THERE?"
LGT: Arthur C. Clarke (1917-2008) sinh tại Anh quốc. Ông sớm biểu lộ năng khiếu khoa học và năm 13 tuổi đã tự làm viễn vọng kính bằng vật liệu thô sơ. Là văn sĩ giàu óc tưởng tượng, có sức sáng tạo dồi dào và được mệnh danh là “nhà văn vĩ đại của loại truyện khoa học giả tưởng”, ông được đề cử tranh giải Oscar năm 1969 với kịch bản phim “2001: A Space Odyssey”. Ngoài ra ông còn là nhiếp ảnh gia, thám hiểm và chụp hình dưới đáy biển trong Vịnh San Hô ở Úc và dọc theo bờ biển Tích Lan, nơi ông cư ngụ cuối cùng.Truyện “Ai Đó?” được dịch từ nguyên tác “Who’s There?”, một truyện khoa học giả tưởng được viết vào đầu thập niên 1960 lúc chưa có những vệ tinh nhân tạo được dùng trong hệ thống truyền thanh truyền hình trên thế giới. Điều bất ngờ lý thú ở đoạn cuối là đặc điểm điển hình cho loại truyện-thật-ngắn này.
Khi vệ tinh tổng đài gọi đến, tôi đang viết dở bản phúc trình thường nhật tại đài quan sát trong văn phòng bằng kính nằm cạnh vệ tinh không gian. Thật tình ở đây khó làm việc vì khung cảnh bên ngoài hấp dẫn quá. Chỉ cách tôi vài thước là đám phi hành gia phụ trách công trình xây cất đang ráp một vệ tinh mới. Trông họ đi lại lờ lững giữa không trung chẳng khác gì đám vũ sinh uyển chuyển. Và 20.000 dặm dưới kia là quả đất màu xanh thẫm nằm vắt ngang giải Ngân Hà lờ mờ trắng như một áng mây nhẹ ngừng trôi.
Tôi trả lời tổng đài:
- Giám đốc đài quan sát đây? Có chuyện gì thế?
- Ra-đa cho biết có tiếng động khác thường cách đây hai dặm. Tiếng động này không di chuyển và phát ra khoảng 5 độ về phía tây của sao Thiên Cẩu. Anh có thể quan sát và báo cáo lại không?
Tôi đoán ngay đây không thể nào là một hành tinh lạc vào quỹ đạo chúng tôi mà chỉ có thể là một dụng cụ nào đó do đám xây cất làm rơi giữa không gian. Tuy đoán thế nhưng tôi cũng mang ống nhòm xem xét kỹ bầu trời chung quanh chùm sao Thiên Lang và quả nhiên tôi thấy ngay mình đã đoán nhầm. Tôi bảo tổng đài:
- Tôi tìm thấy rồi. Đó là vệ tinh thí nghiệm của ai đó. Căn cứ vào hình nón với bốn dây ăng-ten và hình như đáy bằng kính thì có lẽ đây là vệ tinh của không quân Hoa Kỳ còn sót lại từ thập niên 1960. Tôi biết khi hệ thống truyền tin của họ hỏng, họ đã mất nhiều vệ tinh như thế và sau đó họ cố gắng nhiều lần để vào quỹ đạo này trước khi bắt kịp các vệ tinh đó.
Sau khi duyệt lại hồ sơ, tổng đài xác nhận điều tôi báo cáo và cũng khám phá thêm rằng chính phủ Hoa Kỳ không những chẳng hề quan tâm mà còn không muốn lấy lại những vệ tinh đi lạc của họ.
Tổng đài bảo tôi:
- Không thể để vệ tinh đó lơ lửng giữa không trung được. Mặc dầu nó không thuộc về ai nhưng sẽ gây nguy hiểm cho việc lưu thông giữa không gian. Phải cho người kéo nó vào.
Người đó không ai khác ngoài tôi, vì đám phi hành gia kia đang bận công tác xây cất và phí tổn mỗi ngày họ chậm trễ có thể lên đến hàng triệu đô la. Trong lúc đó tất cả những hệ thống truyền thanh truyền hình trên mặt đất đang trông đợi ngày hoàn tất vệ tinh mới này để có thể phát hình trên toàn thế giới từ bắc xuống nam.
- Vâng tôi sẽ kéo nó vào.
Tôi bảo tổng đài sau khi cẩn thận xếp lại mớ giấy tờ trên bàn làm việc và không quên buộc thêm sợi dây thun để chúng khỏi bị hơi gió từ máy điều hòa không khí thổi bay khắp phòng. Mặc dầu làm bộ miễn cưỡng nhưng thực ra tôi rất hân hoan vì đã hai tuần tôi chưa ra ngoài và bắt đầu thấy tù túng trong văn phòng bằng kính này, với những thủ tục hằng ngày và những bản báo cáo thường nhật trong chức vụ giám đốc đài quan sát của tôi. Nhân viên duy nhất tôi gặp trên lối đi đến phòng giảm áp suất là chú mèo tên Tommy vừa được mang đến đài quan sát này. Đối với những phi hành gia phải sống xa quả đất hàng ngàn dặm thì gia súc đối với họ rất quý, nhưng ít giống thú sống được trong môi trường thiếu trọng lực này. Tommy nũng nịu kêu meo meo như muốn đòi tôi chơi với nó nhưng tôi chỉ đủ thì giờ mặc bộ áo phi hành gia vào người.
Có lẽ tôi cũng cần nói thêm bộ áo của tôi đang dùng ở đài quan sát hoàn toàn khác hẳn bộ áo của những phi hành gia đang mặc để đi lại trên mặt trăng. Bộ áo chúng tôi không mềm mại như áo của họ, trái lại hoàn toàn giống hệt một phi thuyền nhỏ chỉ chứa được một người. Thân áo là một khối tròn dài khoảng hơn hai thước, bên trong có hệ thống điện và mặc dầu nó có hai tay xếp nhún như kèn accordion, người mang áo này thường giữ hai tay bên trong khối tròn để điều chỉnh các nút điện trước ngực họ.
Khi vừa bước vào trong bộ áo đồ sộ như chiếc phi thuyền nhỏ, tôi liền bật nút điện kiểm soát hệ thống điều hành. Các phi hành gia mỗi khi mặc áo này thường nhớ đến ba điều chính cần kiểm soát là xăng nhớt, khí oxy, radio và pin. Tất cả các cây kim trên mặt kính đồng hồ đều chỉ độ an toàn nên tôi yên tâm kéo chiếc mũ bằng kính xuống đầu và bấm nút cuối cùng lại. Thế là tôi hoàn toàn bị khóa chặt trong chiếc phi thuyền nhỏ bé. Đối với chuyến đi thám sát ngắn ngủi này, tôi không cần kiểm soát các túi dự trữ thức ăn bên trong cũng như những dụng cụ cần thiết cho các cuộc hành trình dài hạn khác.
Khi chiếc thang cuốn tự động đẩy tôi xuống phòng giảm áp suất, tôi có cảm tưởng như đứa trẻ dân bản xứ được quấn chặt trên lưng mẹ. Rồi ống bơm hạ áp suất xuống 0 độ, cánh cửa bên ngoài mở ra và làn không khí cuối cùng ném tôi vào giữa những vì sao. Lúc đó toàn thân tôi từ từ quay tròn từ đầu đến chân.
Lúc này tuy đài quan sát chỉ cách tôi chừng một thước, tôi hoàn toàn biệt lập giữa không gian chẳng khác gì một hành tinh nhỏ. Tôi bị khóa kín trong chiếc phi thuyền bé tí này và chung quanh tôi là quang cảnh vũ trụ vô cùng ngoạn mục, nhưng bên trong bộ áo này, các dây an toàn buộc chặt khiến tôi không cử động được, ngoại trừ việc điều khiển các nút bấm bằng tay hoặc chân mà thôi.
Trong không gian kẻ thù số một của phi hình gia là ánh sáng mặt trời vì nó có thể làm mù mắt trong vài giây. Vì thế tôi cẩn thận mở ống kính lọc tia tử ngoại trước mặt, đồng thời bật nút tự động trên mũ để tránh tia sáng mặt trời, rồi quay đầu quan sát các vì sao chung quanh tôi.
Lúc này tôi vừa tìm ra mục tiêu của cuộc tìm kiếm. Đó là một điểm sáng bằng bạc lóng lánh nổi bật giữa các vì tinh tú chung quanh. Tôi nhấn ga tăng vận tốc và lập tức bay thẳng đến mục tiêu. Sau vài giây lướt nhanh trong không gian, tôi từ từ giảm tốc độ vì biết chỉ cần năm phút thôi tôi sẽ mang vệ tinh đi lạc đó về đài quan sát một cách an toàn.
Ngay lúc vừa chuẩn bị lao mình vào vực thẳm vô cùng giữa không gian, tôi bỗng dưng cảm thấy có điều gì bất thường trong bộ áo tôi đang mặc.
Bên trong bộ áo này tuyệt nhiên không hề hoàn toàn im lặng vì luôn luôn có tiếng xì xào của khí oxy, tiếng máy quạt, tiếng động cơ âm ỷ cháy và nếu lắng tai nghe kỹ, tôi còn nhận ra nhịp thở đều đặn và cả tiếng tim đập của tôi nữa. Những tiếng động này chỉ vang vọng bên trong chứ không thoát được ra ngoài nên tạo thành thứ âm thanh căn bản của đời sống tôi giữa không gian. Đây là thứ tiếng động quá quen thuộc đến nỗi tôi không còn để ý đến nữa, ngoại trừ khi nào âm thanh đó bị gián đoạn như lúc này.
Bỗng nhiên tôi nhận ra ngoài tiếng động quen thuộc này còn có thêm một âm thanh mới mà tôi chưa hề nghe thấy. Âm thanh này lúc vang lúc ngừng như một thứ âm thanh bị nghẽn, tựa hồ có ai lấy tay cào vào lớp kim khí trên bộ áo.
Lập tức tôi ngưng thở, cố tình định hướng nơi phát ra thứ âm thanh kỳ lạ này. Tất cả các cây kim trên mặt đồng hồ đều nằm trong vùng an toàn, không lộ vẻ gì khác biệt và cũng không hề có ánh sáng chớp đỏ báo hiệu trường hợp cấp cứu nào. Tôi cảm thấy hơi an tâm nhưng ngay sau đó linh tính cho tôi biết nên trở lại đài quan sát ngay, phòng khi trường hợp bất ngờ có thể xảy ra ...
Ngay đến bây giờ, tôi không muốn nhớ lại những phút hãi hùng sau đó khi cơn hoảng sợ từ từ xâm chiếm đầu óc tôi như ngọn sóng thủy triều phá vỡ những bờ đê kiên trì của lý trí và óc suy luận mà con người cần có để đối phó với những bí ẩn của sự khám phá không gian. Lúc đó tôi mới biết thế nào là cơn điên loạn tâm thần vì ngoài ra không còn lý do nào giải thích phản ứng của tôi lúc đó.
Tôi biết chắc rằng tiếng động này không phải cho dụng cụ trong bộ áo bị hỏng. Mặc dù hoàn toàn cách biệt với mọi sinh vật trong vũ trụ, tôi không hề bị cô lập vì thứ tiếng động mới mẻ này tựa hồ như vừa mang lại cho tôi một sự sống mới.
Thoạt tiên tôi có cảm tưởng tiếng động này phát sinh ra từ một sinh vật giữa không gian vô tận đang cố tìm cách chui vào bộ áo của tôi. Tôi quay tròn trong bộ áo khổng lồ, cố nhìn kỹ chung quanh tôi đồng thời cũng cố tránh những tia sáng gay gắt của ánh mặt trời, nhưng tuyệt nhiên chung quanh tôi không có gì cả, trong lúc tiếng động quái lạ này lại càng lúc càng phát ra rõ rệt hơn.
Khác với những điều người ta thường viết về chúng tôi, thực sự phi hành gia không phải là những người đầy mê tín dị đoan. Thế nhưng có ai trách được tôi khi hoảng sợ và gần như mất hẳn lý trí, tôi bỗng dưng nhớ đến cái chết của anh bạn đồng nghiệp tên Bernie Summers xảy ra cách đây không xa.
Cái chết của Bernie hoàn toàn phi lý vì có ba điều không may xảy ra cùng một lúc. Trước hết máy điều hòa khí oxy trong bộ áo anh ta bị hỏng nên đẩy áp suất lên quá cao, tiếp theo khóa an toàn của máy oxy dự trữ lại hỏng và cuối cùng một khe hở nhỏ trong bộ áo khiến thình lình chiếc áo mở tung ra, đẩy anh ta mất hút, biệt tích trong không gian.
Trước kia tôi không quen Bernie lắm nhưng lúc này bỗng dưng số phận anh ta trở về ám ảnh tôi và một ý nghĩ kinh hoàng chợt thoáng qua trong đầu. Tuy không ai đề cập đến điều này nhưng những bộ áo phi hành này rất đắt tiền nên hiếm khi bị loại bỏ và biết đâu chính bộ áo của người phi hành gia xấu số này lại không được sửa chữa và phát lại cho một phi hành gia khác ...
Khi một phi hành gia bỏ mình giữa những vì tính tú, linh hồn họ đi về đâu? Hiện giờ anh ở đâu, Bernie? Có phải anh còn quanh quẩn đâu đây như cố tình bám víu vào một vật thể cuối cùng còn nối liền anh với quê cũ?
Lúc này tôi đang cố tình chống lại những ý tưởng đen tối đang lãng vãng trong đầu óc tôi, đồng thời nuôi hy vọng cuối cùng rằng bộ áo tôi đang mặc không phải của Bernie. Trong lúc đó, tiếng động kỳ lạ tựa hồ như tiếng cào cấu và tiếng thở đều đều càng lúc càng rõ rệt hơn và lúc này dường như phát ra từ mọi phía. Tôi phải gọi tổng đài để xác định cho kỳ được rằng bộ áo tôi đang mặc không phải là chiếc hòm của anh bạn đồng nghiệp xấu số nọ.
Phải mất vài phút tôi mới bấm trúng nút và liên lạc được với tổng đài. Tôi chỉ kịp la lên: “Tổng đài! Tôi đang gặp nguy! Yêu cầu tìm ngay hồ sơ bộ áo tôi đang mặc và ...”, nhưng tôi không kịp nói hết câu vì về sau tổng đài cho biết tôi hét lớn quá đến nỗi làm hỏng máy vi âm. Thế nhưng có ai ở vào trường hợp tôi lại không mất bình tĩnh khi bỗng dưng có vật gì đập nhẹ lên cổ họ?
Có lẽ tôi bật nẩy người về phía trước, mặc dầu đang bị dây an toàn giữ lại, và đập đầu vào những chiếc đồng hồ trước mặt. Khi toán cứu thương đến nơi vài phút sau đó, tôi hoàn toàn bất tỉnh, với vết bầm dập to tướng trên trán.
Và tôi là kẻ cuối cùng biết được việc gì đã xảy ra. Khi tôi hồi tỉnh một giờ sau, tất cả nhân viên và y sĩ cấp cứu đều đứng bên giường tôi nhưng không ai buồn để ý đến tôi lúc đó vì mọi người đang mải mê nâng niu ba chú mèo con xinh đẹp mà chú mèo mẹ do chúng tôi đặt tên nhầm là Tommy - tên dành cho con trai - đã sinh ra và nuôi nấng trong bộ áo phi hành của tôi nhưng không ai hay biết.
Trương Mỹ-Vân
dịch từ “Who’s There?” của Arthur C. Clarke