• Tiểu Tử: MẤY CHUYỆN NHO NHỎ nghe rát từ đáy lòng

• Tiểu Tử

MẤY CHUYỆN NHO NHỎ

"Viết lại chuyện này mà tôi nghe rát từ đáy lòng rát lên khóe mắt ..."



1
Hôm đó, trên đường về nhà, tôi gặp một người đàn ông Pháp cỡ bốn mươi tuổi ăn mặc đàng hoàng, kè theo hỏi:

- Xin lỗi ! Ông là người Tàu hay người Việt Nam ?

Tôi dừng lại, ngạc nhiên, trả lời:

- Tôi là người Việt Nam.

Ông ta mừng rỡ:

- Vậy, có phải trưa hôm qua, ông đã đỡ một bà cụ té ở chỗ này không?

Tôi càng ngạc nhiên thêm:

- Không! Tôi không có đỡ ai hết!

Tôi trả lời mà nghĩ đến mấy chuyện ra tay cứu người rồi mang vạ vào thân vì sau đó nạn nhân quay lại thưa người cứu mình đã lấy tiền lấy đồ.. v v …

Có lẽ đoán được ý nghĩ của tôi nên ông ta mỉm cười ôn tồn nói:

- Ông yên tâm! Không có chuyện gì rắc rối hết. Tôi chỉ muốn tìm người Việt Nam đã đỡ mẹ tôi thôi. Bà cụ đó là mẹ của tôi, thưa ông.

- Vậy à! Nhưng mà tôi nói thật: Hôm qua, vào giờ này tôi có đi qua đây, không thấy ai té hết. Mà… bà cụ có sao không ?

- Cám ơn ông, Mẹ tôi không có sao hết.

Rồi, không đợi tôi hỏi, ông kể lại những gì mà mẹ ông đã kể cho ông nghe… Hôm qua, bà cụ đi thăm một bà bạn. Bà đi qua lối này để về nhà. Đây là ngõ đi tắt duy nhứt dẫn qua khu nhà bà ở. Khi đến khoảng đất trống có bốn trụ đèn đường, bà trợt chân té. Lúc đó, cũng có mấy người hấp tấp qua lại, họ quay đầu nhìn nhưng rồi bỏ đi luôn. Một người đàn ông Á Đông, đã đi qua rồi, thấy vậy chạy trở lại đỡ bà đứng lên, lượm cái xắc da mang chéo vào người bà, ân cần hỏi bà có sao không ? Bà bước thử vài bước, nói không sao, rồi kể rằng già rồi, đi thì được, chỉ có ngồi xuống đứng lên mới là khó. Ông ta tỏ vẻ ái ngại, bước lại cập tay bà nói để dìu bà về. Hai người đi như vậy một lúc, bỗng bà hỏi ông người Tàu hả, ông trả lời rằng mình là người Việt Nam. Mắt bà sáng lên, bà nói bà có bà bạn năm nào cũng đi du lịch Việt Nam vào dịp đầu năm, bả nói xứ ông đẹp lắm rẻ lắm, dân chúng hiếu khách dễ thương …

Đến một đoạn đường ngắn, bà cụ bỏ tay ông Việt Nam, bước một mình vừa đi vừa nói tôi đi được ông khỏi lo, tôi ở đường Colette gần đây, còn ông, ông ở đâu? Ông đó nói tôi ở khu xa hơn, phía bên kia trường học, ngày nào cũng đi và về bằng ngã này. Bà cụ đi một đỗi nhìn lại thấy ông Việt Nam còn đứng nhìn theo coi bà cụ có thật sự đi một mình được không! Tối đó, bà kể chuyện cho người con nghe, rồi sực nhớ ra, bà nói: “Chúa ơi! Tao quên nói cám ơn ông ta!”. Vậy là bà cụ bắt người con hôm sau ra lối đi tắt chận hỏi từng người Á Đông để tìm ngưởi Việt Nam đã đỡ bà chỗ “khoảng trống có bốn trụ đèn”, tìm để chỉ nói lời cám ơn mà bà đã quên nói hôm qua!

Kể xong, ông nắm tay tôi siết nhẹ. Rồi ông nhìn tôi, mắt đầy thiện cảm, nói: “Cám ơn!”. Tôi bước đi, lòng lâng lâng hãnh diện, mặc dầu tôi biết rằng lời cám ơn đó không phải cho tôi mà là cho chung hai chữ “Việt Nam” …

2-

Năm 2006, vợ tôi về Việt Nam lo ma chay cho má tôi. Sau đó, bả được mấy đứa cháu chở đi Châu Đốc viếng Chùa Bà.

Cúng vái xong, ra đến cổng chùa thì có một đám bé gái độ mười hai mười ba tuổi bu lại chen lấn nhau xin tiền. Một đứa đứng gần vợ tôi, có vẻ lanh lợi nhứt, xè tay nói một hơi có ca có kệ: “Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5000 đồng, con cầu nguyện Bà cho con gái ngoại lấy được chồng Đài Loan! Ngoại ơi ngoại! Ngoại cho con 5000 đồng, con ... ”

Trên đường về, vợ tôi miên man suy nghĩ về mấy đứa nhỏ đó: Không có tiền để đi học, còn quá nhỏ để có một cái nghề, và chắc nhiều đứa - rất nhiều đứa - chỉ ước ao lấy được chồng Đài Loan khi mình lớn lên một chút! Rồi vợ tôi thở dài...

Nghe kể mà tôi thấy thương quê hương tôi vô cùng. Trước đây, dù có nghèo đi mấy cũng chưa bao giờ tệ đến như vậy! Viết lại chuyện này mà tôi nghe rát từ đáy lòng rát lên khóe mắt ...

ĐẠP XÍCH LÔ

Trung đã cao lớn lại ham chơi thể thao và tập thể dục đều đặn nên anh ta rất “đô” con. Đi với tụi bạn đồng nghiệp người Pháp hay người da đen, Trung là người Việt Nam mà vóc dạc ngang ngửa với tụi nó. Có đứa nói giỡn: “Thằng này, nó ăn phở không mà nó lớn con như vậy. Nếu nó ăn bánh mì “xúc xích - phô mai” như mình chắc nó thành ông khổng lồ quá!”.

Cách đây hai năm, Trung về thăm Việt Nam. Đó là lần đầu tiên anh về. Tôi không có dịp gặp anh để hỏi thăm. Mãi đến gần đây tình cờ gặp nhau ở khu 13 Paris, anh mới kể cho tôi nghe chuyến về Việt Nam của anh lần đó. Tôi xin ghi lại chuyện nhỏ sau đây ...

... Con qua Pháp với ba mẹ hồi con mới năm tuổi, bây giờ về, thấy cái gì cũng lạ! Cho nên con dành mấy ngày đầu để đi vòng vòng cho biết Sài Gòn. Con nhờ anh tiếp viên của khách sạn kêu cho con một anh xích lô bao chạy một ngày. Vậy là sáng hôm sau, đúng theo lời con dặn, anh tiếp viên gọi con dậy bằng điện thoại cho hay xích lô đang đợi, đồng thời cho biết luôn số tiền thuê bao. Con đếm số tiền rồi để riêng vào một túi quần, con muốn tránh móc bóp đếm tiền trước mặt mọi người sợ bọn lưu manh nó giựt. Con xuống tới quầy thì anh tiếp viên vui vẻ chỉ ra phía trước. Con cám ơn rồi bước ra ngoài.

Thấy con, ông xích lô đang ngồi chồm hổm trên vỉa hè vội vã đứng lên chấp tay chào. Tự nhiên, con khựng lại, mặc dù ông ta đang đón con bằng một nụ cười rạng rỡ. Bác biết không? Ổng già khú, ốm nhom, nhỏ xíu. Cái nón vải đen ổng đội, đã rách bươm. Còn bộ đồ trên người ổng, con không biết tả làm sao cho bác thấy. Nó là cái áo bà ba xanh dương vá chầm vá đụp và không còn hai ống tay! Còn cái quần ka-ki là loại quần dài đã bị xé mất hai khúc ống cỡ ngang đầu gối, một bên cao một bên thấp. Đó! Ông xích lô của con đó! Bác coi: Con như vầy thì nỡ lòng nào lên ngồi cho ông già ốm nhom đó đạp xe đưa con đi. Mà liệu ổng có đạp nổi một ngày cho con xem chỗ này chỗ nọ không?

Con định hồi không đi nhưng nghĩ lại tội nghiệp ông già. Cái cười tươi rói của ổng cho thấy là ổng đang “trúng mối lớn”. Con bước lại bắt tay ổng, móc túi đưa tiền, nói: “Đây, tiền công của bác trọn ngày nay đây!”. Ổng mừng rỡ, móc trong lưng ra một túi vải miệng có dây rút, run run tay mở ra cho tiền vào. Con hỏi: “Bác không đếm sao?”. Ổng cười, nhìn con: “Khỏi! Hổng lẽ cậu như vầy mà đi ăn gian tui sao?”. Rồi ổng xăng xốm chạy lại kềm phía sau xe, mời: “Cậu lên ngồi, đi!”. Con lắc đầu: “Không! Bác lên ngồi đi, để tôi đạp!”. Nụ cười của ổng tắt mất: “Ủa! Gì kỳ vậy?”. Con giải thích: “Tôi như vầy mà để cho bác đạp, coi sao được!”. Ổng vỗ vỗ lên yên xe: “Tôi đạp được! Bảo đảm! Cậu đừng lo! Cậu lên ngồi đi! ”. Con nghĩ chắc ổng sợ con chê ổng rồi không đi, lấy tiền lại, nên con ôn tồn nói: “Bác yên tâm. Bác cứ giữ số tiền tôi đưa, rồi lên xe ngồi. Tôi đạp từ từ”.

Ổng bắt đầu nhìn con nửa ngạc nhiên nửa hốt hoảng. Để khỏi cù cưa, con bước lại đưa hai tay cặp eo ếch của ổng nhấc bổng lên đặt vào chỗ ngồi của khách. Ổng nhẹ đến nỗi cái xe không nhúc nhích! Rồi con trèo lên đạp đi. Ông già cứ nhìn ngược về phía sau, lo lắng: “Cậu liệu được không cậu?”. Con vui vẻ trả lời cho ông yên tâm: “Được mà... Dễ ợt hà!”. Con men theo lề đường đạp chầm chậm để tránh luồng xe chạy ồ ạt trên lòng đường. Thiên hạ nhìn con chở ông già, cười nói chỉ trỏ. Ông già ngồi không yên, lâu lâu ngoáy nhìn lại coi con ra sao! Có lẽ vững bụng nên không nghe ổng nói gì hết.

Một lúc sau bỗng ổng la lớn: “Quẹo mặt! Quẹo mặt! Khúc này cấm xe xích lô!”. Từ đó, ổng chỉ cho con chạy: “Từ từ... Đằng trước có xe đậu. Khi nào kềm bằng chân không nổi thì kéo thắng ở dưới đít... .” Có lúc thấy con xiên xiên định quẹo vô một con đường nằm ngang, ổng la lên: “Đừng! Đừng! Đường cấm xe xích lô!”... Và như vậy, con đạp đi loanh quanh, nhìn ngang nhìn ngửa, yên chí có ông già coi chừng đường nhắc trước con phải làm gì... làm gì... Gần trưa, con tấp vô một quán phở, nói: “Mình vô ăn cái gì đi”. Ổng nói: “Cậu vô ăn đi, tôi không đói”. Con kéo tay ổng để cùng đi vào tiệm, ổng rị lại: “Thôi mà cậu! Tôi lạy cậu mà cậu! Cậu để tôi ngồi ngoài này giữ xe!”.

Rồi ổng gỡ tay con ra, bước lại vệ đường ngồi chồm hổm bên cạnh xe xích lô, vấn thuốc hút. Trong quán, con nhìn ông già mờ trong khói thuốc sao bỗng nghe bất nhẫn vô cùng. Không còn lòng dạ đâu để ăn phở, con kêu tách cà phê uống đại rồi đi ra. Thấy con, ổng quăng điếu thuốc, đứng lên vẻ ngạc nhiên: “Ăn gì mau vậy cậu?”. Con nói trớ: “Thấy không ngon nên không ăn”. Rồi con nói tiếp: “Bây giờ, tôi trả xe lại cho bác đó! Bác cứ giữ nguyên số tiền tôi đưa hồi sáng, đừng thắc mắc. Tôi đi bộ chơi lanh quanh được rồi”.

Nói xong con bước đi, lâu lâu ngừng coi cửa hàng này cửa hàng nọ. Thấy ông già cứ đạp xe rề rề đi theo, con bèn gọi một xe Honda ôm đang đợi khách ở ngã tư đường, trèo lên “ôm” đi thẳng!
Kể xong, Trung hỏi: “Nhà nước đang có lịnh cấm sử dụng xe xích lô xe ba gác, không biết bây giờ ông già đạp xích lô sẽ sống làm sao, hả bác?”. Tôi nói: “Ờ...”. Rồi nín luôn. Một cách trả lời để không trả lời!

-3

Một ông bạn ở Paris cho tôi uống một thứ trà Tàu đặc biệt ổng đem từ bên Mỹ về. Ổng cầm cái hộp vuông màu xanh ve chai đưa lên khoe: “Trà này bên nây chưa có. Nó tên là Trà Vương. Hộp 150 gr này tôi mua bên Mỹ giá là 15 đô đó!”.
Trà ngon thiệt! Vị ngọt phớt chớ không đắng hay chát như loại trà Tàu khác và nhứt là mùi thơm rất “vương giả” chớ không phải mùi lài hay sói hay sen như thường thấy. Uống cạn chén trà, hương trà còn đọng lại trong đáy chén phất lên mũi gợi thèm mùi vị đặc biệt này! Ông bạn tôi nói Trà Vương có nhiều số, nhưng số 103 là ngon nhứt!.

Tôi đã đi lùng sục ở Paris nhưng không thấy bán loại Trà Vương này. Một hôm, đi với vợ tôi ở khu 13 chợ Tàu, tôi chợt thấy một bà Á đông cầm một hộp vuông màu ve chai vừa quơ quơ ra dấu vừa nói chuyện với hai bà khác cùng ngồi trên băng gỗ vỉa hè. Tôi bước lại nhìn: Thì ra đúng là hộp Trà Vương! Mừng quá! Nghe mấy bà đó nói tiếng Việt Nam nên tôi hỏi ngay: “Phải Trà Vương không bà?”. Bả quay qua tôi, trả lời cụt ngủn: “Ờ! Mà hết rồi!”. Rồi quay về tiếp tục nói chuyện với hai bà kia. Tôi chen vào: “Xin lỗi! Bà mua ở đâu vậy?”. Lần này, không quay lại nhìn tôi nhưng bả vẫn trả lời: “Mà tôi nói hết rồi!”. Tôi không dám cười, sợ bả bị chạm tự ái. Tôi vẫn ôn tồn hỏi: “Dạ! Nhưng xin bà làm ơn cho tôi biết bà mua ở đâu vậy?”. Bả nhìn tôi, chắc coi tôi có... khùng không mà cứ lải nhải hỏi hoài.

Rồi bả cầm cái hộp lia lia về hướng phía dưới con đường một chiều: “Dưới kia kìa”. Tiếp theo là bả gằn từng tiếng: “Tôi-nói-hết-rồi!”. Tôi cám ơn rồi kéo vợ tôi đi “mò” dài dài xuống “dưới kia kìa”, tiệm nào cũng vô kiếm Trà Vương! Khi đi gần ... rã chân thì vào một siêu thị lớn. Họ nói: “Có!. Nhưng mà hết rồi!”. Hỏi chừng nào có nữa, họ trả lời không biết! Thì ra bà già hồi nãy nói đúng. Bả đã tốt bụng “nói cho thằng chả biết là hết rồi để thằng chả khỏi phải lội xuống tuốt dưới kia xa thấy mồ chớ bộ”!
Các bạn có thấy chuyện nhỏ này dễ thương không? Bà già đó, cho dầu có lưu vong ở chân trời góc biển nào đi nữa, bà vẫn giữ nguyên phong cách Việt Nam. Trân quý lắm, các bạn à !

-3

Má tôi mất vào ngày đưa Ông Táo. Thằng con lớn của tôi đi với má nó về Việt Nam lo ma chay. Ông thầy làm đám (phái Cổ Sơn Môn thường gọi là thầy cúng) là ông thầy Non. Cái tên này do má tôi đặt ra để tránh gọi “Thầy Con” vì ổng là con ông thầy Cả, ông này là bà con kêu má tôi bằng cô và là bạn học của tôi từ thời tiểu học ở trong làng. Kể như vậy để thấy thầy Non đối với gia đình tôi không phải là ngưởi xa lạ.

Sau đám ma, thầy Non lấy Honda chở con tôi đi đầu trên xóm dưới thăm bà con và cũng để xem vùng quê ăn Tết. Đang chạy trên đường xóm Nhà Máy, thấy một ông lái mô tô đi cùng chiều chở phía sau một chậu mai. Thầy Non nói với con tôi: “Coi kìa! Cây Mai đẹp quá kìa!”. Rồi thầy chạy kè theo để con tôi thấy rõ hơn. Ông chở mai quay qua nhìn, con tôi nói lớn cho ổng nghe: “Cây Mai đẹp quá!”. Ông đó nói: “Ờ! Mà không có bán!”. Vì tiếng máy mô tô ồn quá nên con tôi phải nói lớn hơn cho ổng nghe: “Không! Tôi chỉ muốn nói là cây Mai của ông đẹp quá hà!”. Ổng có vẻ bực mình: “Ờ! Người ta nói không có bán là không có bán!”. Rồi ổng vọt ga chạy thẳng, làm thầy Non phải ngừng xe lại để cả hai cùng ôm bụng cười! Sau đó, lại tiếp tục đi. Một lúc, thấy một ông chạy Honda chở thằng nhỏ ngồi phía sau đâu lưng với ổng, ôm trong lòng một quày dừa tươi. Con tôi, nhớ lại vụ cây Mai, muốn phá chơi nên hỏi chọc: “Dừa có bán không vậy?”. Thằng nhỏ thúc cùi chỏ vào lưng người lái xe: “Ba! Ba! Thằng chả hỏi có bán dừa không kìa!”. Người đàn ông làm thinh nhưng có vẻ suy nghĩ. Bỗng, ông ta la lên “Ừa! Bán!” rồi tấp xe vào lề ngừng lại. Thầy Non nói: “Ở chùa thiếu gì dừa! Mua chi vậy?”. Hỏi chơi mà đâu có dè ổng bán nên con tôi đành mua một trái. Ông đó nói: “Dừa tôi mua cho vợ tôi kho thịt ăn Tết. Thấy cậu hỏi mua, tôi nhường một trái cho cậu uống chơi!”. Con tôi nói cám ơn mà không dám cười!...
Sau hơn ba mươi năm “đổi đời”, cái thật thà chân chất của quê tôi, may quá, vẫn còn nguyên như cũ !

-4

Trên chiếc bắc Mỹ Thuận. Chiếc bắc chở đầy nhóc xe và người, ùng ục qua sông. Mấy người bán dạo rao hàng inh ỏi. Vợ chồng tôi đứng ở khoảng trống phía đầu chiếc bắc, nhìn sông nước minh mông với những về lục bình xanh biếc nhấp nhô trên sóng nước. Mùa này, lục bình bắt đầu nở bông nên thấy có màu tim tím e ấp lấp ló giữa những bựng lá to láng mướt. Đẹp quá! Sau hăm mấy năm xa xứ, bây giờ có dịp về thăm, chúng tôi thấy cái gì cũng đẹp! Nước sông đục ngầu phù sa... cũng đẹp! Chiếc ghe bầu phình bụng chở lúa khẳm lừ tưởng chừng như sắp chìm.... cũng đẹp! Chiếc đò ngang hay đò dọc gì đó dài thòn có cái mui bằng phẳng thấp lè tè, hai bên hông trống trơn không có gì che chắn, lướt sóng chạy bắn nước như giành sông với những ghe thuyền khác... cũng đẹp!

Bỗng, một bé gái cỡ 10 tuổi đến gần vợ tôi, tay chìa một tấm vé số, năn nỉ bằng một giọng trong trẻo nhưng nói khá to để át tiếng những người bán dạo chung quanh: “Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”. Con bé mặt mũi sáng sủa dễ thương. Vợ tôi lấy tiền mua vé số rồi vuốt đầu nó, hỏi: “Nhà con ở đâu lận?”. Chắc bả thấy tội cho con nhỏ, mới có bây lớn tuổi đầu mà bán xong còn phải lội bộ về nhà giúp mẹ! Nó nhìn vợ tôi, mỉm cười rồi mới trả lời: “Dạ! Ở xóm rạch Ngo gần đây hà!”. Cái cười của nó có duyên vô cùng. Trước khi đi, nó còn biết nói: “Cám ơn nghe ngoại!”. Tôi nhìn theo mà thấy mến cái dáng nho nhỏ thon thon của nó trong bộ đồ bà ba vải trắng đã ngả màu bùn non lờn lợt ...

Một lúc sau, tôi nghe ở hành lang phía bên kia vang lên tiếng lảnh lót của con bé: “Ngoại ơi ngoại! Con còn có một vé số này thôi, ngoại mua dùm con để con còn về phụ má con lo việc nhà”. Tôi nhón gót nhìn sang: Đúng là nó! Vợ tôi hỏi: “Nó hả ?”. Tôi gật đầu mà không nén được tiếng thở dài ...

Tôi nhìn ra sông nước với vài chiếc ghe thuyền đi lại, nghĩ mà thương cho thân phận người dân bây giờ... Tôi buột miệng nói: “Bây giớ... sao thấy nhiều lục bình quá hổng biết ” ...

Chiếc bắc vẫn ùng ục nhả khói qua sông... ráng nhả khói mà qua sông...

TIỂU TỬ

 
Sinh hoạt của Viện Việt-Học trong tháng Mười Hai, 2024 
Kính mời đồng hương tham dự những sinh hoạt sau cùng của Viện Việt-Học tại trụ sởViện Việt-Học, 15355 Brookhurst St., Ste. 222, Wesminster, CA. 92683.Chúng tôi sẽ thông báo khi có được địa điểm thích hợp để tái hoạt động, đánh dấu quá trình 25 năm Viện Việt-Học trong năm 2025.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top