Tùy Bút Hoàng Dược Thảo: Rau Quế, Rau Răm
Một cái thú khi phát triển báo khắp nơi là tôi được đi nơi nầy, nơi nọ, có thêm nhiều bằng hữu, thấy nhiều cảnh đời Việt Nam thật “lạ” nơi xứ người.
Lần đi Tây Bắc, tôi được đi thăm một gia đình Việt Nam sống trong ngôi nhà nằm giữa 80 mẫu rừng. “Rừng” ở đây là rừng...thứ thiệt, là suối, là đồi, là thông, là một ngàn cây cổ thụ vây quanh trùng trùng, điệp điệp, là cây đan lá, lá đan cây. Từ đường lớn đi vào đến khu gia trang là khoảng ba dặm đường đất đỏ, giữa rừng xanh ngút ngàn. Ngôi nhà có điện nhưng không có nước máy, phải dùng giếng riêng, bơm nước lên mà dùng. Vượt qua nhiều con suối, vượt qua một ngọn đồi, vượt qua một trại chăn nuôi, rừng nối tiếp rừng, cành thông xanh ngát, cao vút, gió reo vang, mây bay khắp trời. Chủ nhân khu gia trang lại là một hình ảnh bất ngờ. Đó là một phụ nữ trung niên, nhan sắc không vào hàng chim sa, cá lặn nhưng dáng người sang trọng, nền nã. Thế thì tại sao bà lại chọn cho mình một đời sống đìu hiu giữa rừng già như thế này. Bà cho biết quyết định về đây là quyết định của người chồng. Ông định biến khu rừng thành một Trung Tâm Thiền định vì cả hai vợ chồng cùng ngồi thiền. Chỉ tiếc về đây không được bao lâu thì ông lâm bạo bệnh rồi qua đời, bà sống quen nơi nầy, về thành phố ồn ào lại không chịu nổi.
Tôi vẫn tưởng tôi là người “ưa” sự cô độc, mê rừng già hoang vu. Chừng chạm mặt với rừng, với gió nổi tư bề, với rừng đan lá mới biết đó chỉ là … khu rừng tưởng tượng. Mỗi ngày với nghiệp báo là một ngày bận rộn nên tôi vẫn mơ một ngày tay nải ...ra đi khi trời vừa sáng. Đi, quên đời, giữa rừng xanh, mây trên đầu, lá khô xào xạc dưới chân, chim hót trong ngàn cây. Tìm một bãi cỏ bên bờ suối vắng dưới gốc thông già, dù không còn “thanh xuân” cũng xin đánh một giấc ngậm ngùi (Thanh xuân đánh giấc ngậm ngùi, nhạc Hoàng Quốc Bảo). Chừng chạm mặt, chỉ cần đứng bên trong ngôi nhà ngó ra khu rừng thông nổi gió mới thấy mơ và thật khác nhau xa.
Khi tôi đến, 11 giờ sáng, nắng ban mai đang cố len qua từng kẻ lá. Chủ nhân cho biết: Ngày hôm nay trời tốt và nắng ấm nên mới được như thế. Tôi cảm thấy một nỗi lạnh lẽo và cô đơn vây quanh với từng tia nắng mong manh nhìn thấy. Một chiếc xuồng gỗ nhỏ nằm ven bờ suối, đóng bụi. Hè đã qua, trẻ con đã vào trường... không có ai xử dụng. Đứng giữa rừng mới thấy cái tâm chưa định, cái lòng chưa an của mình...
Mấy hôm nay thức giấc giữa đêm tôi nghĩ tới lời khuyên của mẹ tôi khi mẹ tôi chưa qua đời. Mẹ tôi bảo: Người đàn bà dù công dung ngôn hạnh đến đâu mà không học được chữ Nhẫn thì cũng hỏng. Chữ Nhẫn, chữ Nhịn đối với người đàn bà cũng quan trọng như chữ Đức đối với người đàn ông. Mẹ tôi, người mẹ chỉ quẩn quanh trong nhà, đời sống ít khi bước ra ngoài khung cửa nhưng bà luôn có những tư tưởng thâm thúy về nhân sinh thật bất ngờ. Nhiều khi tôi tự hỏi tại sao mẹ tôi lại nghĩ ra được những điều như thế, khi mà suốt một đời từ sáng tới khuya, mẹ tôi lo toan những việc nhỏ nhặt nhất trong nhà để mái gia đình lúc nào cũng là một mái ấm.
Anh em tôi gặp lại, nhắc đến mẹ là nhắc đến các món ăn ngon không ai có thể so sánh với mẹ. Nhắc đến mẹ là nhắc đến cái sàn nhà sạch như lau, như li, cái sân cát mênh mông trước cửa nhà không một chiếc lá khô sót lại. Sống nơi xứ người, tôi thương mẹ tôi không biết là bao nhiêu khi nhìn thấy mẹ tôi già nua, lú lẫn. Mẹ như một đứa trẻ con ngây thơ trước mọi biến động bên ngoài. Việc gì cũng có thể làm cho mẹ sợ. Người mẹ, người đàn bà vững chãi ngày nào ở quê hương, nuôi dạy một bầy con rất ư là nghiêm túc đã không còn. Mẹ đã không còn phân biệt được giá trị đồng tiền. Tiền Tây hay tiền Mỹ với mẹ cũng chỉ là những tờ giấy màu sặc sỡ. Mẹ lỉnh kỉnh mua thứ nầy, thứ nọ mà không hề biết mắc hay là rẻ. Thấy lạ là đòi mua. Không mua thì giận. Đi đến đâu, tôi cũng gặp những cụ già Việt Nam như thế. Buồn buồn, nhớ nhớ, thương con kẹt lại, thương cháu ở xa. Lủi thủi trồng cây rau húng, rau răm, bụi xả, bụi hành. Gia đình Việt Nam sống giữa rừng Tây Bắc chủ nhân cũng có một bà mẹ già như thế. Cụ khoe với tôi từng luống rau cụ trồng và nói như than: trồng cho vui thôi vì chúng nó đi cả, đâu có ai ăn. Muốn cho cũng không ai ở gần mà cho.
Trên con đường ra khỏi khu rừng lạnh lẽo, đang vây quanh những tâm hồn Việt Nam lưu lạc, hình ảnh bà mẹ Việt Nam lui cui bên những chậu rau vướng vấn hoài tâm trí tôi. Sống ở quê hương, cụ còn chòm xóm, bà con, láng giềng. Cuộc sống giữa rừng già xứ người không biết có phải là do ý cụ? Hay mẹ già Việt Nam đã quen chịu đựng, con cái đi đâu thì theo đó, con muốn sao thì chịu vậy?
Tôi vẫn nói với các con tôi về một tuổi già rất “lạc quan” của mình. Tôi bảo tôi sẽ cố gắng không làm phiền chúng. Sẽ có cho mình một đời sống độc lập. Dù ở đây hay ở Việt Nam. Sẽ có một đời sống xã hội bên ngoài, không tùy thuộc vào chúng, không như mẹ tôi theo tôi như bóng với hình bây giờ. Cho đến khi tôi đọc được bài viết của một giáo sư Đại Học Hoa Kỳ, ông James Botenski. Ông Botenski năm nay 72 tuổi, vợ mất cách đây mấy năm vì bệnh ung thư. Các con đều trưởng thành, thành đạt. Ông bà đã chuẩn bị một tuổi già độc lập về tài chánh. Sau khi vợ mất, ông Botenski dọn vào một trung tâm cao niên dành cho người thượng lưu trí thức Hoa Kỳ. Bây giờ ông kết luận: dù đã chuẩn bị cả đời cho ...Golden Years, kết quả cũng không lạc quan hay hạnh phúc khi cô đơn, khi sức khoẻ không còn. Uống tách cà phê do người bồi đem lên mỗi sáng khác xa tách cà phê trong bếp ấm cúng gia đình, con cháu vây quanh. Cơn đau lưng dù được xoa dịu bằng những cái máy đấm bóp tối tân nhất hay với những chuyên viên tẩm quất vẫn không bằng một lời nói dịu dàng, một ánh mắt ấm áp, một vuốt ve của vợ. Do đó, tuổi già của người Tây Phương dù đã chuẩn bị kỹ càng về tài chánh, dù nhà cao cửa rộng, dù có kẻ hầu người hạ, dù họ được sống ngay tại quê hương của họ, thì cũng chẳng có gì là vui khi phải sống cô đơn một mình, khi không hạnh phúc...đó là chưa kể bệnh tật của tuổi già.
Chuyến đi Tây Bắc và hình ảnh bà mẹ Việt Nam cô đơn giữa rừng già xứ người đã cho tôi biết một điều: Tôi còn “yếu” lắm, chưa đủ sức sống một mình giữa rừng già như nữ chủ nhân khu gia trang. Rồi thấy thương vô vàn những bà mẹ Việt Nam sống lưu vong nơi xứ người: hạnh phúc các con là hạnh phúc của mình. Sống ở đâu cũng được. Dù giữa rừng già nơi xứ lạ mà tất cả điều quen thuộc của một đời người chỉ còn là những cọng rau quế, rau răm...
Hoàng Dược Thảo
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Hoàng Khoa
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày 27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404