Đào Nương
50 lần tháng 4 của một đời người
www.Saigonweeklyonline,com 042525
Còn vài ngày nữa là ngày 30 tháng 4. 50 năm về trước cũng ngày này, 30 tháng 4/1975, những người Việt Nam sống tại miền Nam Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở xuống bắt đầu hoặc một đời lưu vong nơi xứ người hoặc một đời làm công dân hạng hai ngay trên ngay quê hương và đất nước của mình. 50 năm qua đã minh chứng một điều là đảng CSVN không “giải phóng” miền Nam để thống nhất đất nước mà là để đô hộ và trả thù người sinh sống ở miền Nam. Đó là một điều hiển nhiên mà họ không thể chối cãi được.
Những người Việt lưu vong dưới thân phận tị nạn chính trị đã hình thành những cộng đồng người Việt Nam không Cộng sản tại hải ngoại mà đông nhất là ở Hoa Kỳ. Bây giờ, sau 50 năm, nước Việt Nam Cộng sản vẫn với thân phận của một nước “nhược tiểu” sau khi “được” ông Trump tặng cho một “quả thuế xuất khẩu” 46% khi bán hàng sang Mỹ đã là một quốc gia nhanh nhẩu nhất lạy “ngài” Trump để xin tha cái tội “chuyển hàng lậu” cho Trung Cộng để Trung Cộng tránh thuế quan của Hoa Kỳ (Việt Cộng gọi tắt là trung chuyển). Những công dân Hoa Kỳ gốc Việt lại được chứng kiến những khuôn mặt sắt máu của chiến tranh đóng vai trò “nâng bi” với quốc gia này. Tổng Tô hứa sẽ mua hàng của Mỹ nhiều hơn để quân bình cán cân xuất nhập, sẽ minh bạch hơn về xuất xứ của hàng hóa nhưng lời đề nghị 0 đầu vào, 0 đầu ra đã bị “cố vấn tối cao” Navarro bác bỏ ngay lập tức. Cũng may mà ông Trump hoảng vía khi thị trường chứng khoán của Hoa Kỳ tụt dốc không phanh nên gia hạn thêm 90 ngày dù “ngài” vẫn nói cứng là cho toàn thế giới… đỡ run. Chỉ có Trung Cộng là được … ngoại lệ: ông Tập vừa được «hưởng» thuế nhập khẩu Hoa Kỳ cao nhất 145%, vừa được áp dụng ngay, không cần gia hạn 90 ngày như các nước khác.
Trong vòng một tuần lễ, những con số về «Tariff, Thuế Quan Nhập Xuất Khẩu» trao đổi giữa Trung Cộng và ông Trump xảy ra như trò chơi của học sinh tiểu học, mỗi ngày một số cao hơn cho đến khi ông Trump ra lệnh hàng Tàu nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ bị đánh thuế 145% (kể cả con số 20% đang được áp dụng) thì Bắc Kinh đáp trả bằng 125% cho hàng Hoa Kỳ nhập khẩu Trung Quốc và tuyên bố luôn là sau đó sẽ không đáp trả bất cứ một phản hồi nào của phía Hoa Kỳ nữa. Bộ trưởng Tài Chánh Trung Cộng cho rằng với thuế quan trên 40 hay 50% thì hàng hóa của Hoa Kỳ xuất khẩu sang Trung Quốc hay ngược lại sẽ không còn ý nghĩa gì cả. Theo Victor Gao của tổ chức «Center for China and Globalization” thì những con số 125% hay 145% không có ý nghĩa gì về thị trường, kinh tế hay tài chánh mà chỉ là điềm báo trước về sự giao dịch thương mãi giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ sẽ đi đến chỗ gián đoạn trong một thời gian nếu không có một tiến triển nào đó xảy ra… Ngày 24 tháng 4, ông Trump ngay khi tuyên bố phe Trung Cộng đã tiếp xúc xin đàm phán thì phát ngôn viên của chính phủ Trung Cộng cho biết đó là Fake News. Trung Cộng sẽ không đàm phán gì cả cho đến khi chính quyền Trump nghiêm túc và tôn trọng đối thủ.
Chuyến đi của ông Tập Cận Bình, chủ tịch nhà nước Trung Cộng qua ba quốc gia Việt, Miên, Lào được coi như thất bại. Kinh tế Trung Cộng đang suy yếu, miếng “võ cũ” “Con Đường Vành Đai” đã sa lầy tại Sri Lanka, Pakistan, Cam Bốt, Lào nay lại được dùng với Việt Nam. Ông Tập Trung Cộng hứa hẹn sẽ cho Việt Nam vay tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Lần này là 200,000 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ đô la) để xây dựng đường sắt nối liền Trung quốc và các tỉnh phía Bắc Việt Nam: Móng Cái, Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng. Về đường bộ, sẽ giúp xây dựng thêm đường giao thông, đơn giản hoá thủ tục xuất, nhập qua biên giới tại các cửa khẩu quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tóm lại, Trung Cộng nhất định «ôm» chặt Việt Cộng cùng nhau sống, chết … chung vận mệnh, chung lịch sử đỏ. Trong khi đó thì hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ đi Hoa Kỳ chứ ít khi sang Trung Quốc. Thế thì xây đường xe lửa, gia tăng phương tiện giao thông ở biên giới Việt-Trung để làm gì?
Có 2 giai thoại liên quan đến chiến tranh thuế quan của ông Trump:
· Call the President: Tỷ Phú Bill Ackman là người sáng lập quỹ đầu tư Pershing Square đồng thời cũng là cổ động viên lớn nhất của công ty giầy NIKE. Ông này có 18.77 Mil cổ phiếu của Nike trị giá khoảng $1.42 tỷ đô la và Việt Nam là nơi sản xuất giầy Nike nhiều nhất trên thế giới. Ông viết trên diễn đàn sau khi ông Trump áp đặt thuế 46% cho Việt Nam: “Lời khuyên của tôi dành cho các nhà lãnh đạo nước ngoài là bạn cần phải liên lạc ngay lập tức. Về bản chất, ông Trump coi chính trị thế giới là một loạt các giao dịch. Ông ta sẽ thưởng cho những người “chịu thua” ngay từ đầu bằng những thỏa thuận hợp lý hơn so với những người muốn chờ để ngồi vào bàn đàm phán. Hãy thực hiện một thỏa thuận càng sớm càng tốt”.
Không biết có phải vì lời khuyên của ông này không mà Tổng Tô của Việt Nam là một trong những người đầu tiên gọi điện thoại cho ông Trump xin đàm phán. Hiện nay vẫn chưa rõ ràng ông Trump sẽ tha cho Việt Nam hay không tha nhưng các diễn đàn của Việt Cộng nghiêng về phía Hoa Kỳ thấy rõ? Tuy nhiên, lời khuyên của tỷ phú Ackman không sai. Vì ông Trump đã hoãn áp dụng thuế quan mới 90 ngày cho tất cả các quốc gia khác trừ Trung Cộng và Canada, hai anh nhà giàu cứng đầu, không chịu thua, phản bác lại Hoa Kỳ dữ dội.
Được biết cổ phiếu của hãng NIKE giảm mạnh, hơn 30% trong năm 2024, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1980. Vậy mà cuối năm 2024, Pershing Square của tỷ phú Ackman đã mua thêm 2,5 triệu cổ phiếu Nike trị giá 188 triệu đô la. Ông tuyên bố: “Đôi khi, chiến lược tốt nhất trong một cuộc đàm phán là thuyết phục bên kia rằng bạn điên rồ”. Sau khi ông Trump nói chuyện với ông Tô Lâm với hy vọng về khả năng cắt giảm thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, cổ phiếu Nike tăng lên 4%.
· Ông Tập không gọi ông Trump? Từ những ngày đầu của cuộc chiến thuế quan, ông Trump tuyên bố sẵn sàng chờ điện thoại đàm phán của ông Tập. Nhưng cú điện thoại đó cho đến nay vẫn chưa đến. Phía Trung Cộng cho biết Hoa Kỳ phải có thiện chí đàm phán và phải có sự tôn kính đối tác, mọi chuyện phải rõ ràng trước khi ông Tập đến WDC. Gương của tổng thống Ukraine Zelinsky còn đó. Trung Cộng không để chuyện đó xảy ra được. Trong những tuần qua, tĩnh từ “Respect” được các lãnh tụ thế giới lập lại hơi nhiều. Chưa khi nào, một tổng thống gọi một thủ tướng nước bạn là “Governor-Thống Đốc” như ông Trump gọi thủ tướng Canada Trudeau. Những cụm từ như: Đừng chơi Game với ông, Kiss My Ass, You’re on your knee, một lũ nông dân–Peasants” đều được thốt ra từ miệng của Tổng thống và Phó tổng thống của đất nước Hoa Kỳ trong những cuộc họp báo quốc tế. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Huống hồ chi đó lại là Mr. Xi của Trung quốc Vĩ Đại!
Nhưng theo một nguồn tin của báo chí Singapore dựa trên những cái clip phim về chuyến công du vừa qua của ông Tập tại Việt Nam, Malaysia, Cam Bốt thì ông Tập khó lòng gọi cho ông Trump vì ông Tập không được khỏe. Từ vài năm nay, bà Bành Lệ Viện không đi công du nước ngoài cùng ông Tập nữa. Chế độ Cộng sản không thích đề cao đàn bà. Nhưng lần này có Đệ Nhất Phu Nhân họ Bành đã đi cùng ông Tập trong chuyến công du qua Việt Nam, Cam bốt và Mã Lai. Những Clip phim cho thấy khi xuống cầu thang máy bay ông Tập phải vịn tay bà Bành để bước xuống. Những lần phải đọc diễn văn đáp từ mà rõ nhất là khi đến Mã Lai, dù chỉ nói ngắn, ông Tập đã phải nhìn vào giấy để đọc. Tóm lại sức khỏe ông Tập không khá. Nói vài ba câu đáp từ mà còn phải nhìn vào giấy thì làm sao gọi điện thoại “đàm phán” với “thiên sứ nhà trời” Donald Trump.
Nhưng ông Trump thì cương quyết chỉ đàm phán với “chóp bu” rồi dứt chốt chứ không chịu nói chuyện với đặc sứ. Thế mới biết người tính không bằng trời tính. Ông Tập đã chuẩn bị làm hoàng đế muôn niên mà nay coi bộ không xong. Hoàng đế thời xưa có thể … ngọa triều nhưng vua thời nay, cơm không no, mặc không đủ ấm là bọn dân đen xuống đường làm loạn, réo tên vua ra mà chửi. Thời Thiên An Môn 1989 chưa có Internet, Giang Trạch Dân muốn giết ai thì giết, giết bao nhiêu người cũng không ai hay nhưng thời nay 2025, ông Tập đi không vững là mạng xã hội đã phát tán khắp nơi hình ảnh này. Trên mạng TikTok, dân Tàu thất nghiệp, bị phá sản vì không bán hàng qua Mỹ được vừa than khóc, vừa chửi chính phủ Tàu và cả chính phủ Mỹ. Nhiều thanh niên Tàu rất giỏi tiếng Anh, chuyện ông Trump làm mà dân Mỹ nghe thế giới chửi ông cũng rát cả tai.
Ngày 19 tháng 4, ông Tập vẫn im lặng nên hãng Apple phải mướn máy bay chở hết cellphone làm xong ra khỏi nước Tàu trước khi ông Trump ra lệnh không đánh thuế trên cellphone, computer.... Tỷ phú Bill Ackman cho biết nếu Trung Cộng Việt Cộng bị ông Trump đánh thuế cao quá thì ông ấy cũng không mang giày NIKE về Mỹ sản xuất như ông Trump ước mong, mà ổng sẽ mang giầy NIKE đi xa hơn. Một cellphone sản xuất bên Tàu bán 1,000$ thì khi sản xuất ở Mỹ phải bán 3,000$ dù theo một TikToker, Apple chỉ tốn có $8 để sản xuất một cellphone ở bên Tàu. Nhưng theo đài ABC thì giá để sản xuất một cellphone bên Tàu từ $12.50 đến $30. (iPhone manufacturing costs revealed? CNet). Tiền bán ra gấp 300 lần được trả cho bằng sáng chế và marketing?
Nếu giả thuyết về sức khỏe của ông Tập Xếnh Xáng là sự thật thì đảng Cộng sản Trung Hoa đang bận tâm về việc chay đua kế thừa chức vị TBT của ông Tập nhiều hơn là lo cho dân Tàu đói hay no. Trong khi đó thì ông Trump vẫn nhất định thắng ổng sẽ thắng, thế giới nhất định sẽ thua, mặc dù tin tức đọc được cho thấy một điều ngược lại. Giá sinh hoạt vẫn tiếp tục gia tăng, xăng tăng giá, hai cuộc chiến Ukraine và Palestine vẫn tiếp diễn, và sáng hôm qua ông Trump vừa thêm vào một cuộc chiến thứ ba với Yemen. Amen.
*
Không biết ai đưa cho ông Trump cái ý kiến gọi ngày 2 tháng 4, ngày ông Trump tuyên chiến với 79 nước trên thế giới là «Ngày Giải Phóng – Libération Day». Rồi chủ nhật tuần qua, ngày 20 tháng 4, chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu, bà Ursula von der Leyen cũng tuyên bố là Ngày Giải Phóng Âu Châu khỏi việc phải đứng giữa Mỹ và Tàu. Bà tuyên bố EU gồm 27 quốc gia tiến bộ và giàu mạnh, EU đủ sức để đứng độc lập mà không cần phải chọn phe nào cả, Âu Châu sẽ tự bảo vệ an ninh cho mình.
Từ khi ông Trump tuyên chiến thuế quan, tòa Bạch ốc cho biết đã có 60 quốc gia «kiss ass» ổng để được tiếp tục buôn bán với Hoa Kỳ. Nhắc lại, động từ “kiss ass” (từ nay xin viết tắt là “ka” cho đỡ ngượng) là do chính miệng ông Trump gọi những người đã liên lạc để xin thương thảo. Trong số những quốc gia chưa “ka” ông Trump có ông Tập Cận Bình của Trung Cộng, khối EU, Canada, Nhật, Australia và cả Nam Hàn. Những quốc gia này chỉ im lặng nhưng làm những gì cần làm vì chưa ai tiên đoán được điều gì sẽ xãy ra trong 90 ngày sắp tới vì một ngày như mọi ngày (nhạc TCS) là một điều không thể có với ông Trump. Người dân ở các quốc gia phát triển chắc có nhiều người biết tiếng Anh, họ hiểu ý nghĩa của động từ “ka” nên dù có khổ thì cũng không nỡ bắt các lãnh tụ của họ phải làm một việc mà họ không thể làm. Một bình luận gia trên youtube đã ca ngợi “sáng kiến” của “lãnh tụ” đầu tiên “ka” ông Trump là Tô Tổng của Việt Cộng. Ngoài việc “ka”, Việt Nam còn xin dâng cho ông Trump giấy phép xây dựng một sân golf và resort trị giá 1.5 tỷ đô la. Cam Bốt đang chờ xem ông Trump có nhận món “quà” này mà hạ thuế quan của Mỹ - Việt Nam xuống còn 0-0 như Tô Tổng đề nghị không thì có thể cha con ông Hun Sen sẽ biếu luôn cái Angkor Wat cho ông Trump làm resort. Wait and see!
*
Chuyện ông Trump đã làm lu mờ tất cả mọi biến chuyển khác trên thế giới, luôn cả chuyện mấy ông Việt Cộng tổ chức diễn binh mừng chiến thắng tại Việt Nam để quên đi chuyện “ka”. 50 năm đã qua, cộng đồng người Việt Tị Nạn Cộng Sản đã qua 3 thế hệ sinh sống nơi xứ người. Thế hệ đầu tiên, thế hệ nhất quyết không chấp nhận chế độ Cộng sản ở quê hương, một phần đã bỏ mình trong các trại cải tạo, một phần sang được xứ người khi đã lớn tuổi nên cũng khó hội nhập, phần di tản năm 1975 hay vượt biên sau này đều dốc sức chống Cộng trong 50 năm qua. Tuy thế hệ này không đủ sức để dẹp đảng Cộng sản tại Việt Nam nhưng nhờ sự tranh đấu của họ mà những cộng đồng chống cộng của người Việt xuất hiện khắp nơi ở hải ngoại, không một nơi nào ngoài Việt Nam mà Việt Cộng treo được lá cờ đỏ của họ trừ những cơ sở ngoại giao.
Lần lượt ai cũng cầm bút viết lên lịch sử của Việt Nam thời Cận Đại. Hầu hết sách báo miền Nam đã bị Cộng sản hủy đốt đều được xuất bản lại nơi xứ người. Tất cả những trang sử oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã được viết lại bởi những chứng nhân của thời đại. Bao nhiêu cơ quan ngôn luận đã ra đời trong hoàn cảnh khó khăn về ấn loát, về tài chánh nhưng cũng đủ để chuyển tải những trang sử oai hùng này như một thông điệp về sự tàn ác, phi nhân của chế độ Cộng sản đến cho mọi người dân Việt, đến thế hệ mai sau. Ngày nay, sau 50 năm, hầu hết những nhân vật tài năng về mọi mặt của thế hệ đầu tiên của cộng đồng người Việt tị nạn đều đã qua đời, để lại những khoảng trống không gì thay thế được. Bao nhiêu trăm năm nữa, Việt Nam mới có thể có lại những tài năng về chính trị, quân sự, văn chương, âm nhạc như miền Nam Việt Nam trước 1975 đã có. Cũng may là sự xuất hiện của internet đã giúp chúng ta giữ lại được tất cả những sự nghiệp vĩ đại này cho thế hệ mai sau.
Thế hệ 1½ (dành cho trẻ đến xứ người khi còn vị thành niên) ở hải ngoại: hầu hết là con cháu «hậu duệ» của VNCH, bây giờ cũng đã trên dưới 60. Nhóm này bắt đầu tham gia chính trị dòng chính từ 20 năm nay nhưng ít thành công. Lý do là tuy chưa quên tiếng Việt nhưng cũng không rành tiếng Việt, không nói được tiếng Việt như người Việt mà tiếng Anh thì cũng không nói được như người Mỹ. Tuy dựa vào cộng đồng để tiến thân nhưng khi thành công thì quay lại khinh khi thế hệ già chống Cộng không rành tiếng Anh, không có bằng cấp Hoa Kỳ, không có tài chánh bằng mình. Từ đó sinh ra mâu thuẫn, người già “chê” bọn con nít hỗn hào, người trẻ “chê” người già không có khả năng. Đó là chưa kể đến việc những ông “trẻ” này quên tiếng Việt nhưng thói quen lạm dụng quyền thế, của công thì không quên. Do đó mà cứ đắc cử được vài năm là lại có màn ra tòa về tội ăn hối lộ hay bổ nhiệm người nhà vào những chức vụ ngồi chơi, xơi nước, lãnh tiền. Điển hình là trường hợp của Giám Sát Viên Quận Cam, ông Andrew Đỗ đã làm cộng đồng người Việt tại Orange county xấu hỗ biết bao.
Thế hệ thứ 2 là thế hệ trẻ Việt lớn lên ở xứ người. Hầu hết con cháu của công dân VNCH di tản đều lớn lên có bằng cấp, sung túc. Thế hệ này hầu như không nói được tiếng Việt, đừng nói gì đến chuyện viết tiếng Việt, đọc chữ Việt. Hầu hết là những công dân Hoa Kỳ tốt, sống như người Mỹ, đi làm, dành dụm, lập gia đình thì lo cho gia đình, thương cha mẹ theo lối người Mỹ. Do đó, không ít bậc phụ huynh Việt Nam ở hải ngoại thường than thở vì con cái không có tinh thần phụng dưỡng cha mẹ như người Việt Nam. Nhưng tương đối thì chúng rất biết điều. Hầu hết đều không biết gì, không tham gia vào công cuộc hay tinh thần chống Cộng của bố mẹ. Khi còn nhỏ, phải đi theo thì cố chịu đựng nhưng lớn lên rồi thì tách ra hẳn trừ những cô cậu muốn tham gia chính trị dòng chính thì họ dùng cộng đồng như một yếu tố để tranh cử. Thất cử thì thôi đã đành mà đắc cử thì cũng quên luôn cho đến mùa bầu cử kế tiếp.
Vì không biết gì về lịch sử thành lập cộng đồng người Việt di dân ở hải ngoại nên nhiều khi việc cần lên tiếng để bênh vực thì không lên tiếng, việc không cần lên tiếng thì cũng vì “mị dân” mà đi quá lố. Điển hình như vụ chính quyền ông Trump đóng cửa hai đài phát thanh VOA và RFA, tôi chờ xem có một vị dân cử gốc Việt nào lên tiếng về chuyện này không thì cho đến nay ai cũng im thin thít. Tiếng nói của hai đài này không quan trọng cho thính giả ở Hoa Kỳ nhưng rất quan trọng đối với những quốc gia mà chính quyền không tôn trọng tự do và dân chủ như Việt Nam. Từ nay, sẽ không còn một diễn đàn nào để bênh vực cho những thành phần đối kháng với đảng Cộng sản hay dân đen bị bọn cán bộ cướp nhà, cướp của, giết người. Coi như ông Trump đã tặng cho Việt Cộng một món quà không nhỏ mừng Việt Cộng “giải phóng” miền Nam.
Có người nói rằng những ông bà dân cử gốc Việt Cộng Hòa không dám lên tiếng phản đối ông Trump khiến tôi càng phải cảm phục dân biểu Young Kim của tiểu bang California đã lên tiếng cho rằng ông Trump giải tán đài VOA là coi như Hoa Kỳ thua Trung Cộng, Việt Cộng, Bắc Hàn về mặt trận truyền thông. Bà Young Kim là một dân biểu Cộng Hòa gốc Đại Hàn
Từ 20 năm nay, từ khi Việt Nam mở cửa, số đàn ông Việt Nam hải ngoại về quê hương lấy vợ, mang sang Hoa Kỳ, rồi gia đình bảo lãnh người thân khiến nhân số cộng đồng Việt Nam hải ngoại gia tăng rất nhanh. Đi ăn ở Little Saigon, Nam California, hầu hết các quán ăn đều có nhân viên phục vụ là những người trẻ Việt Nam rất rành tiếng Việt, rất lanh lợi. Ở Little Saigon, nhiều nhà hàng mới mở, trang hoàng quy cũ hơn và món ăn với hương vị khác với món ăn Việt Nam quen thuộc với những cái tên ngồ ngộ, vừa tân, vừa quê và không có ý nghĩa gì, chỉ có mục đích marketing vì dễ nhớ.
Những cuộc họp gia đình, họp bạn có chen lẫn với «người mới sang» cũng không còn là một điều lạ. Có khi, những người bạn “quốc gia” còn thì thầm với nhau khoe: “con cháu này” ở Việt Nam cặp bồ với một cán bộ thuế vụ, cuỗm được một món tiền lớn, trốn sang đây, lấy chồng để được ở lại, mới mua cái nhà một triệu đồng. “Thằng này con cán bộ giàu ở Việt Nam, sang đây chỉ ăn chơi đang tìm người làm giấy để ở lại, nếu không sang năm sẽ bị đuổi về”. Có ông già trên 70 hãnh diện “khoe” vợ mới, một bà 50 “giàu có” ở Việt Nam, bán căn nhà nhỏ ở Mỹ đi về Việt Nam sống. Vài năm sau, bạn bè cho biết, ổng đang tìm đường trở qua bà này lấy ổng vì nghĩ ổng sẽ mang sang Mỹ vì con trai của bả muốn đi Mỹ. Nhiều người già này “ca tụng” Việt Cộng sống vui, sáng cà phê, chiều hủ tiếu nhưng mỗi 6 tháng cũng phải về Mỹ để đi khám bệnh, lấy thuốc. Người nào còn con cái, bạn bè cho ở nhờ thì đỡ nếu không thì rất khốn khó. Những gia đình dư phòng cho share kháo nhau tránh «loại» vô gia cư đột xuất này.
Tóm lại, cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, nhất là ở Hoa Kỳ đã không còn là một cộng đồng thuần nhất của người Việt Tị Nạn Cộng sản mà là một cộng đồng ô hợp của xã hội Việt Nam ngày nay kéo dài. Có lần tôi hỏi một cô thợ nail than khổ vì sang đây gặp lúc nghề nail hết thời, chồng lớn tuổi không tìm được việc sao không ở lại Việt Nam vì tôi nghe Việt Nam bây giờ đã khác, công việc làm cũng nhiều. Cô trả lời rằng: Xã hội Việt Nam thì sao mà khá được hả cô. Vợ chồng cháu cũng đã đi từ Bắc vào Bình Dương làm công nhân mà cũng chỉ đủ ăn. Thất nghiệp không biết lúc nào. May mà có người nhà bảo lãnh sang đây được thì đi thôi, hy vọng con trai cháu sẽ có tương lai tốt hơn. Thế thì những bản tin so sánh Việt Nam với Singapore, với Nhật Bản, Việt Nam sẽ là một quốc gia công nghệ tương lai, mỗi năm xuất cảng hàng sang Hoa Kỳ thu vài trăm tỷ đô la và cái nước Việt Nam của những người đàn bà Việt Nam lưu lạc, những người nuốt nước mắt lao động nuôi con có là một ?
Tôi đến Hoa Kỳ năm 1977, sinh sống ở đây, lập nghiệp ở đây, đã chào đón từng người thân, từng bằng hữu, từng nhân vật của miền Nam Việt Nam vượt thoát khỏi chế độ Cộng sản đến đây, thành phố này. Từ một vài con phố có vài hàng quán đơn sơ, ghế ngồi sộc sệt, rồi những bãi dâu được lấp dần thành những trung tâm thương mại, dân Việt tập họp đủ đông để chính quyền địa phương cho nó một cái tên Little Saigon hay Saigon Nhỏ. Những cuối tuần tụ họp đấu tranh mỗi khi có một biến động chính trị, khi cần yểm trợ đồng bào đang thất thểu ở các trại tị nạn, những buổi ra mắt sách, ra mắt băng nhạc, ra mắt những hội ái hữu. Những cửa tiệm tưng bừng khai trương rồi âm thầm dẹp tiệm vì người tị nạn khi đó chưa giỏi tay nghề… Mỗi ngày ra phố, lại được nhìn thấy một điều khác lạ, bảng hiệu trương lên cho biết một người bạn vừa lấy lại được mảnh bằng chuyên khoa nơi xứ người… Ngày đó thành phố Little Saigon chỉ nằm trên đường Bolsa giới hạn bởi hai đầu Magnolia và Brookhurst, kéo tới Euclid là đã thưa rồi, ra khỏi khu vực đó thì đã khó làm ăn. Bây giờ khắp các thành phố của Orange county, đâu đâu cũng thấy hàng quán Việt Nam, buổi tối đi trên đường Bolsa, ngày thường mà đèn đuốc sáng choang như là chợ Tết.
Đối với những người cao niên, thuộc thế hệ đầu tiên của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ thì bây giờ đi trong thành phố Little Saigon tuy không đến độ buồn như ông Trần Dần trở về Hà Nội sau những ngày tản cư «chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ» nhưng cũng không mấy gì vui vì sự hiện diện của «tiền đỏ» cũng đã vượt biên… theo ta về chốn này. Hàng quán sang trọng hơn, tổ chức quy củ hơn nhưng thức ăn lạ lẫm, không hợp khẩu vị người già Và nơi nào cũng đông…
Thành phố Little Saigon ngày nay không còn là cái Saigon Nhỏ mà những công dân Việt Nam Cộng Hòa mang theo trên đường vượt biên nữa rồi. Đi trên đường Bolsa, không còn nhìn thấy bóng dáng cao gầy của nhà văn Mai Thảo băng ngang đường. Nhà hàng Song Long cũng không còn nữa để có cớ vào đó, ngó sang khu chung cư mà nhớ cái «Nắng chiều» quái ác vẫn chiếu rọi vào nơi ông ở mỗi chiều. Tiếng điện thoại có reo thì cũng sẽ không còn nữa giọng nói ráo hoảnh, rất vui của thầy Nguyên Sa hỏi ý kiến về cái băng cassette nhạc trẻ mới ra trong đó ca sĩ hát tiếng Việt mà phát âm kiểu Mỹ. Tôi làm báo lâu năm quá nên cộng tác với hầu hết nhà văn ở hải ngoại: mỗi người một tật, một tài. Có ông làm việc ngoài xe nhiều hơn trong tòa soạn vì: ở ngoải mới hút thuốc lá được. Có ông đang làm việc, báo sắp đem in thì xin đi ăn trưa một tiếng vì: có con bồ về thăm. Bây giờ lâu lâu được đọc một bài viết về họ, tôi cứ phân vân tự hỏi tin ở đâu mà … bịa hay thế bởi vì tựu chung chúng tôi đã đối xử với nhau rất tử tế, đàng hoàng.
Người ở lại có bao giờ vui… Thành phố Little Saigon đâu còn là thành phố của chúng tôi khi mà bạn anh, bạn tôi hay bạn chúng ta đều đã không còn. Đi qua một góc phố, không còn thấy bảng hiệu tên quen thuộc, hỏi thăm thì mất đã lâu. Có người bạn, chợt nhớ thì email đã không còn nữa. Ông Google cho biết địa chỉ email không tìm thấy. Không muốn dò hỏi thêm vì khi một người không còn giữ email thì chắc chắn là đã có chuyện chẳng lành.
50 năm đã qua, Việt Cộng tiếp tục ăn mừng chiến thắng giải phóng miền Nam và tiếp tục xóa bỏ những gì thuộc về lịch sử của miền Nam, những tên đường, những địa danh, những con người. Thế thì làm sao mà nói chuyện thống nhất. Chỉ có điều khác biệt khác với 1975 là ngày nay, 2025, họ đã sẵn sàng bỏ Tàu theo Mỹ sau vụ thuế quan. Dù sao đó cũng là một bước tiến quan trọng trong việc thoát Trung. Tôi đang tưởng tượng về một Little Saigon xưa cũ, nếu tất cả những nhân vật của miền Nam Việt Nam còn sống, nếu cái sức sống mãnh liệt với lòng yêu quê hương dạt dào còn đó, ngày nay các anh sẽ vui hay buồn, có nhớ về những giọt máu đã rơi xuống khi bảo vệ quê hương, có nhớ về những giọt mồ hôi nhọc nhằn khi bị đọa đầy trong tù ngục Cộng sản và các anh sẽ làm gì?
Tôi thì sau 50 năm tị nạn, tôi đã là một bà già … tầm thường nhất trong thành phố này. Điều khác biệt là tôi có cảm giác như tất cả các bạn, tất cả những anh hùng vị quốc vong thân khi bước qua vòng sinh tử thì tất cả đều không có già… như tôi. Họ đã trở lại cái thời sung mãn nhất, cái thời lao vào vòng lửa đạn để giữ từng tấc đất của miền Nam tự do không để rơi vào tay giặc đỏ, cái thời mà mỗi nhân cách là một trang sử Việt, sáng ngời. Tôi đã được đọc, đã ghi lại, đã sung sướng, đã hãnh diện khi được cùng chung chiến tuyến với các vị. 50 năm, một đời người. Yên nghỉ nhé, những hồn thiêng sông núi của chúng tôi ơi!