Tùy Bút Hoàng Dược Thảo: Đan áo, bóng câu.

Phiếm Dị

Tùy Bút Hoàng Dược Thảo


Tôi là một người đàn bà điều độ và bình thường. Quá điều độ và tầm thường nữa là đằng khác. Một phần có lẽ vì sức khoẻ tôi vốn yếu kém từ khi tôi còn nhỏ tuổi, mỗi khi đùa nghịch quá sức, tôi hay bị những cơn suyễn vật vã kéo qua nhiều ngày. Lâu dần, để có thể có “một ngày như mọi ngày” tôi không cho phép tôi có một tập quán hay thói quen nào dù là nhỏ nhặt ngoài những sinh hoạt thường nhật. Như một dạo tôi bắt đầu nghiện ô mai. Mỗi sáng ngủ dậy, tôi có tật nhón một trái ô mai cho vào miệng. Khi thấy thói quen đó bắt đầu làm phiền đến mình, tôi quyết định bỏ ngay.

Thực tình, tôi cũng thấy đời sống tôi tẻ nhạt. Nếu nghĩ tôi sống không một đam mê, không một thú vui nào bên ngoài ngôi nhà, cỏ cây và hai đứa con. Tuy nhiên tôi không có một ước ao nào muốn thay đổi cả. Nhiều đêm mất ngủ, nhìn lại đời sống mình, tôi thấy tôi thật bất bình thường: Sống mà không có một nhu cầu, một ước mong.
Thú giải trí duy nhất của tôi là đan. Tôi có thể đan triền miên, hết giờ nầy sang giờ khác, hết áo này sang áo khác. Khi đan, tôi có cảm giác tôi đã không lãng phí đời sống mình. Lâu dần, đan không còn là một cái thú mà đối với tôi, đó là một phương pháp thiền hay nhất. Nầy nhé, khi đan, sợi chỉ dài luồn lọt qua mấy đầu ngón tay trong khi trí tôi thì nghĩ ngợi lung tung, mắt tôi lại có thể theo dõi một chương trình Ti Vi ưa thích. Dĩ nhiên, tôi còn có công việc nhà, có một trăm thứ lỉnh kỉnh khác để lo, nhưng mỗi khi xong việc là tôi lại ngồi xuống ngay. Mỗi buổi tối, tôi lại hoàn tất xong một cái thân trước, một cánh tay. Vài tuần lại ráp xong một cái áo mới. Mỗi lần hoàn tất xong một món, nghĩ tới khuôn mặt tươi vui của  người nhận áo, nhận mũ lại thấy vui vui, thoải mái hơn một chút. Tôi đan cho tôi, cho con cái, cho cha mẹ, cho bạn bè. Những ngày đầu ở Mỹ, cũng có người thích những kiểu áo len do tôi tự vẽ kiểu, đề nghị trả tiền cao, tôi cũng không nhận. Bởi vì khi đan, tôi hay nghĩ ngợi về người sẽ nhận. Nghĩ đến việc ngồi đan, cái hạnh phúc nhỏ nhoi cuối cùng cũng là tiền, tôi thấy chán nản và luôn từ chối.

Tôi biết chứ, trong lúc tôi ngồi đan, ngày tháng đang trôi bên ngoài, tuổi xuân tôi đang qua nhưng cùng lúc tôi thấy tôi bình yên như một đám mây trắng trên nền trời cao. Tôi thấy tôi yên lặng cùng sóng dữ, vui vẻ cùng những toan tính không hay của người đời. Tôi đan áo, mỗi năm thêm vài mũi bề rộng cho hai đứa con, mỗi năm áo chúng nó dài hơn một tí, không dưng mà thấy tôi đã sống đời mình tràn đầy.

Mùa xuân, mùa hè, tôi đan áo sợi mỏng cho con, mùa thu, mùa đông, tôi đan áo sợi dầy... Tôi đan ở khắp nơi, phòng đợi phi trường, trên máy bay, lên chơi nhà bạn, trên xe, đi từ nơi này sang nơi kia. Hình ảnh một người đàn bà đan áo có lẽ là lạc hậu và lỗi thời ở nơi đây, thời này. Bởi tôi hay nhận được những tia nhìn ái ngại lẫn thán phục đôi khi. Có bạn trẻ còn buôn tiếng: Lâu lắm mới thấy người đan áo như chị. Các con tôi cũng có khi chán cái thú đan áo của tôi, nhất là khi ba mẹ con đi xem ciné mà tôi lại thủ theo hai cái que đan. Trong bóng tối của rạp hát, tôi vừa xem vừa đan áo. Dĩ nhiên điều đó đôi khi cũng làm một số người chợt nhìn thấy chú ý đến, nhất là đàn bà Mỹ vẫn cho rằng đan là việc của người già. Nhất là khi tôi có thể đan trong bóng tối lờ mờ của  rap hát mà không cần nhìn. Điều đó làm con trai tôi rầu lắm. Có khi nó cằn nhằn, có khi nó hôn tôi, mục đích là năn nỉ tôi bỏ hai cái que đan ở nhà. Thường thì nó thua vì tôi không thể ngồi với hai cái tay không cầm hai cái que đan.

Tôi học đan từ khi lên 4, lên 5 với người cô họ xa, nghèo, từ miền Trung đi vào Nam làm công việc nấu bếp cho mẹ tôi. Tôi hay quanh quẩn bên cô ấy. Lúc tôi còn bé chỉ nghe lờ mờ như cô lấy chồng được một tuần thì ông chồng đi tập kết ra Bắc. Thế là từ đó cô ở một mình, phụ cha mẹ già nuôi một bầy em trai. Cô tên là Ngọc Anh nhưng ở nhà, chúng tôi gọi là cô Ba. Cô là người dạy tôi những vần thơ Nguyễn Bính, TT KH, Hồ Dzếnh. Buổi tối, tôi thường lén mẹ tôi, chạy xuống bếp, nơi cô có căn phòng nhỏ để cô đọc và tôi chép lại những bài thơ cô thuộc lòng vào trong một quyển vở.  Việc này được coi như là một bí mật của  hai cô cháu. Bây giờ nghĩ lại, tôi cũng không hiểu tại sao người đàn bà vất  vả, lớn lên ở một nơi quê muà lại có thể tìm vui, lãng quên những nhọc nhằn cơ cực của đời sống bằng những bài thơ như thế.

Cô có tài đan, cô đan rất nhanh, rất khéo. Dạo đó, chưa có những que đan bằng nhựa, bàng tre hay bằng nhôm rất nhẹ, rất đẹp như bây giờ. Khi dạy tôi đan, cô dùng hai chiếc đũa tre, vót nhọn một đầu, rồi làm láng bằng cách mài trên nền xi măng làm hai que đan nhỏ xíu đầu tiên trong đời cho tôi. Cô cho tôi một mẫu len vụn, tôi đan mũi lên, mũi xuống thành một mẫu dài thoòng làm mền cho con búp bê. Chỉ tiếc là sau đó, khi khôn lớn, tôi bận học hành rồi đi lấy chồng, không còn có dịp học “tuyệt kỷ” của  cô tôi về nghề đan. Bởi cho đến giờ này, đầu hai thứ tóc, mỗi lần nhìn lại chiếc áo len cô đan ngày trước mà tôi còn giữ được cho đến bây giờ, tôi vẫn phải thán phục cho sự sắc sảo của “tay đan cự phách” này.

Tôi chỉ thực sự “dấn thân” vào thú đan len này khi tôi đi Pháp sau 30 tháng 4, 1975. Tôi mua sách về đan, tự học để đan cho các con đủ thứ từ áo đến quần, cả áo măng tô, đến áo đầm cho con gái tôi khi cháu còn bé. Một phụ huynh trong trường cháu học có một cửa tiệm bán quần áo ở khu Via Lido thuộc vùng biển nhà giàu Newport Beach đã chú ý rồi đi theo cháu để đặt tôi đan những cái áo tương tự như áo cháu đang mặc. Khi đó, tôi mới biết rằng người Mỹ cũng thích những áo đan tay vì áo đan máy bán đầy trong tiệm rẽ hơn cả tiền mua len nếu là loại len tốt làm bằng lông cừu thay vì len nhân tạo acrylic. 

Nhiều khi tôi nghĩ cái thú đan nầy thực sự đã “phá tiêu” đời tôi chứ chẳng chơi. Nầy nhé, nó đã làm tôi “lười”, không muốn xông xáo, tranh đua với người, với đời thay đổi chung quanh. Chuyện túi bụi đến đâu, khi đã ngồi xuống với hai cái que đan là tôi lại gạt hết ra ngoài, tôi không muốn bất cứ điều gì quấy rầy những suy tưởng của tôi dành cho các con tôi hay cho người sẽ nhận áo, dĩ nhiên là người tôi thương mến, đang nghĩ về. Do đó tôi thực sự phân vân khi có vài bạn trẻ hỏi, yêu cầu tôi dạy đan. Tôi vẫn nghĩ thú đan là một ưu điểm thì ngược lại cũng là một khuyết điểm nặng nề. Có thực nó đã biến tôi thành một người ở ẩn, về hưu một cách hơi phi lý ngay từ khi tôi còn rất trẻ?...

Dù sao thì tôi cũng vừa mới nhận được một tin vui: tôi mới liên lạc được với cô Ba, người dạy tôi đan. Sau 1975, cô trôi dạt về làm ruộng tại một làng nhỏ ở Nha Trang. Cô tôi cho biết với $200 tôi gửi về, cô tôi đã lợp được cái mái tôn cho nhà hết dột, câu được một đường “dây nước” từ nhà “ông” cán bộ để đỡ phải đi xa quảy nước về dùng. Còn dư cô mua thêm được một lu gạo đầy. “Ở đây chỉ cần gạo và nước là đủ. Năm nay cô vừa đủ 72 tuổi, đoạn đường từ nhà đến nơi có nước đi khoảng nửa tiếng là đến mà nhiều bữa cô đi hết nổi. Cô cám ơn cháu còn nhớ đến cô”.

Tôi không liên lạc được để hỏi thăm cô nhiều hơn. Ví dụ như vì sao cô lại trôi dạt về đó sống một mình, không người thân thích chung quanh. Và cái ông “tập kết” sau một tuần lễ hương lửa mà cô nhắc đến để tự coi như mình là một người đàn bà đã có chồng suốt đời ấy bây giờ ra sao? Hay “họ” chỉ làm thế theo lệnh của đảng để “ gieo cầu” liên lạc cho mục đích xâm nhập miền Nam sau này hơn là tình nghĩa. Sau cái ngày “ra đi khi trời vừa sáng đó” là quên, là hết, là không hề biết rằng bước chân đi đã mang theo cả một cuộc đời con gái, thanh xuân.

Con gái tôi theo mẹ biết đan, móc khi cháu lên sáu. Khi cháu lên 8, cháu đã hoàn tất một mình một cái áo ngắn tay cho mẹ đi làm. Không ai tin rằng con tôi có thể móc được áo một mình. Dù đã cho nó chơi cả hai thứ đàn, dương và vĩ cầm, cháu cũng đã theo tôi, đan móc cả ngày, mỗi khi rảnh, và đã có thể tự hoàn tất một mình những cái áo len kiểu giản dị. Thấy con được mọi người khen ngợi, thực tình chỉ làm tôi bâng khuâng: Bởi vì tôi vẫn chưa thể xác định được cho chính mình rằng đời sống tôi, trôi qua lặng lẽ, như một cụm mây trắng trên trời cao, hay một đám cỏ dại bên đường là đúng, là hơn cái đời gió lốc, cuốn tung bụi mù đầy hào hứng, khốc liệt của người. Câu trả lời chưa có, trong khi tôi đang bắt đầu cái áo len mới, một kiểu lạ vừa ra trong một tạp chí chuyên về đan mới nhận được, cho một người bạn. Sẽ còn bao nhiêu cái áo cho đi, bao nhiêu người nhận áo tôi đan cho đến ngày tôi vĩnh viễn ra đi....

HOÀNG DƯỢC THẢO (1994)
 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top