Phiếm dị, Đào Nương (April 07, 2021)
Hai lực sĩ, Chung Guam Hwang của Bắc Hàn và Yunjong Won của Nam Hàn cùng chung tay dưới một bóng cờ trong Lể Khai Mạc TVH Peongchang 2018. Sean M. Haffey/Getty Images
Bất cứ người Việt Nam nào trưởng thành ở miền Nam Việt Nam trước 1975 chắc không khỏi cảm thấy ngậm ngùi khi thấy hai đội tuyển lực sĩ của cả Nam-Bắc Hàn đã cùng tiến vào vận động trường Olympic Peongchang 2018 dưới cùng một màu cờ: đó là là cờ thống nhất trên đó toàn thể bán đảo Triều Tiên màu xanh nằm trên nền vải trắng. Đó không phải là lần đầu tiên lá cờ này được xử dụng mà đây là lần thứ ba; lần thứ nhất khi Nam-Bắc Hàn tham gia giải Bóng Bàn Thế giới - World Table Tennis Championships năm 1991 và mới đây là khi cả hai bên cùng tham gia TVH Mùa Đông năm 2006 Winter Olympics tại Ý. Tuy nhiên, việc cả hai cùng đi chung dưới một màu cờ khi Thế Vận Hội 2018 tổ chức tại Seoul gây được chú ý nhiều hơn vì nó tiến hành song song với hành động khiêu khích thử hỏa tiển liên lục địa và đe dọa sẽ thử cả bom nguyên từ của cậu Kim Ủn Ỉn tức lãnh tụ Kim Jong Un và chính sách bất nhất của ông Trump. Khi cậu Kim thử hỏa tiễn liên lục địa đầu tiên, ông Trump dọa sẽ cho ông Kim một bài học “một điều mà 40 năm qua, nhiều đời tổng thống Mỹ đã không làm được. Nhưng khi cậu Kim thử lần thứ ba thì ông Trump im lặng vì... twitt thì dễ nhưng làm thì không dễ chút nào. Sau đó, cậu Kim lại trở thành một người bạn tốt của ông Trump cùng với ông Putin … Điều này đã trở thành một điều … ở chỗ nhân gian không thể hiểu của lịch sử Hoa Kỳ (Thơ DTL)
Nhìn lại lịch sử Việt Nam, nhiều sử gia đột xuất đã “giải mã” rằng “đồng minh thân thương” đã giao Đông Nam Á Châu cho Trung cộng để làm tan rã khối cộng sản Nga-Trung... Nhưng Hoa Kỳ đã bỏ Nam Việt Nam mà không bỏ Nam Hàn, ngược lại còn giúp Nam Hàn, giúp Nhật biến thành những cường quốc kinh tế. Ngày nay, Nam Hàn đã có đủ tài lực, đã tiến bộ vượt bực về kỹ nghệ, đã tìm cách dung hòa dần sự khác biệt về chính kiến với Bắc Hàn, đặt dân tộc lên trên để cùng xoa dịu nỗi đau của một quốc gia nhược tiểu sau nhiều thế kỷ bị Tàu, bị Nhật đô hộ. Trong khi đó, cho đến ngày nay, sau gần 45 năm “thống nhất” Việt Nam đang đứng trước cái họa diệt vong mà những người cầm quyền ở Hà Nội vẫn tiếp tục giết lẫn nhau để bảo vệ quyền lực cho cá nhân và gia đình, thay vì bảo vệ cho chủ quyền quốc gia, cho người dân Việt.
Có thực là người Mỹ quyết định bỏ Việt Nam chỉ vì chính quyền miền Nam tham nhũng, chống cộng không hữu hiệu? Hay họ đã bỏ Việt Nam chỉ vì họ đi tìm những lãnh tụ tay sai bù nhìn thay vì đi tìm đồng minh chống Cộng? Chỉ có những người trưởng thành ở miền Nam Việt Nam trước 1975 mới đau lòng khôn xiết khi nhìn lại đất nước ngày nay dưới chế độ cộng sản để tiếc rằng dân tộc Việt Nam quả thật là không may và bất hạnh. Thế mà ngày nay đã có người so sánh đời sống người Việt ở Mỹ và người Việt trong nước, nhưng lại “không dám” về trong nước ở luôn mà chỉ chân trong, chân ngoài, khi khỏe mạnh thì đấu hót cờ vàng, cờ đỏ nhưng khi có bệnh thì lại quay đầu về Mỹ. Cũng có người trách lãnh tụ Bắc Cộng khoe nhà lát vàng nhưng lại không hề biết ngượng khi khoe con cháu phải học trường tiểu học quốc tế để đỡ … “mất dạy”. Mấy hôm nay, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Blinken lại cam kết không bỏ rơi đồng minh tại Iraq, tại Afghanistan, tại Yemen, khiến người Việt Nam nhớ tới những lời hứa tương tự đã nghe trước 1975. Có tin Hoa Kỳ sẽ vận động tẩy chay Thế Vận Hội Muà Đông sẽ khai mạc vào tháng 2, 2022 tại Bắc Kinh, vì Trung Cộng vi phạm nhân quyền tại Tân Cương và Hồng Kông, vụ xâm chiếm Biển Đông và nhất là kỷ thuật thông tin 5G đe dọa an ninh thế giới. Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney cho rằng Hoa Kỳ nên gửi lực sĩ đến để số huy chương vàng không lọt hết vào tay Trung Cộng, nhưng chính phủ Hoa Kỳ nên kêu gọi thế giới tẩy chay quảng cáo và không truyền hình về TVH để Trung Cộng không đạt được mục đích tuyên truyền thì tốt hơn.
Trong một phóng sự mới đây của đài BBC về sông Mekong, nữ ký giả Sue Perkins cho thấy sự tàn phá mà giòng sông huyết mạch của 50 triệu người phải gánh chịu sau hai thập niên. Với 15 đập thủy điện đang xây cất, người Tàu đã biến đổi toàn thể hệ thống sinh thái, đã di dời hàng triệu người khỏi nơi chôn nhau, cắt rún, biến thành những người “lưu vong” ngay trên quê hương của họ. Trung cộng không cho dân Tàu đánh bạc trên lãnh thổ của Tàu nhưng lại đầu tư xây sòng bạc, khách sạn trên lãnh thổ Miên Lào, nhưng chỉ người Hoa được vào, người bản xứ không được vào trừ khi là nhân viên của sòng bạc. Tại những sòng bạc này, nhân viên bản xứ chỉ có 25% còn hầu hết đều là người Hoa di dân. Ra vào casino dễ dàng là những gái địa phương Miên Lào trẻ đẹp được tuyển dụng để phục vụ cho khách chơi bạc người Hoa. Riêng 45% đất đai, rừng nhiệt đới của những dân tộc thiểu số đã được chánh phủ Miên Lào chuyển nhượng dài hạn cho người Tàu khai thác. Trong phóng sự của ký giả Sue Perkins, nhìn từ trên cao xuống, rừng nhiệt đới xanh tươi của Việt Miên Lào sau hai mươi năm “đô hộ” đã là một thân thể đầy vết thương với những khu đồi trọc đã bị Tàu khai thác lâm sản đến cạn kiệt. Thay vào đó, Tàu trồng loại cây “mì ăn liền” là rừng cây cao su thay thế rừng lâm sản quí hiếm họ đã trưng thu mang hết về Tàu.
Thật khó mà tưởng tượng rằng, chỉ 45 năm mà một Đông Nam Á tự do và dân chủ đã biến mất. Tất cả đã thành một thứ chư hầu cho một chủ nhân ông với lòng tham không đáy là Trung cộng. Trong 3 quốc gia Việt Miên Lào thì người Việt lúc nào cũng có mặc cảm tự tôn là chúng ta hơn hẳn người Miên hay người Lào về nhiều phương diện: văn hóa, giáo dục, tự do và dân chủ. Hiện nay, thực tế chứng minh lại là những điều trái ngược lại. Về mặt bảo vệ lãnh thổ thì ông Miên, ông Lào lại hơn hẳn ông Việt Cộng thì đã đành. Tại Miên Lào, chỉ tại các sòng bạc của Tàu mới có trụy lạc, sa đọa. Ở Việt Nam ngày nay, thì động đĩ ở khắp nơi, ở khắp mọi ngành nghề. Thế mới biết mánh mung thì không ai bằng Bác và hậu duệ của Bác!
*
Bốn năm qua không chỉ là bốn năm xấu cho ôngTrump (gia tài sụt mất 750 triêụ) dù ông được làm chủ tòa Bạch ốc, và bốn năm đó còn là bốn năm không tốt lành cho cả nhân loại. Bốn năm, thế giới theo Tweeter In Chief tức ông “Tư rời rời” này và Cô-Vi mà rơi từ từ xuống hố kéo theo một sự bất ổn về mọi mặt một cách chưa từng thấy. Những ông thiên hữu thì cho rằng đây là một cuộc cách mạng “đen”, thế giới sẽ chuyển mình từ việc xây dựng một thế giới đại đồng vì chúng ta chỉ có một quả điạ cầu để mọi người cùng sống, sang một thế giới ... mạnh ai nấy sống vì ông “Tư rời rời” chủ trương America First tức nước Mỹ trước tiên. Gọi ổng là ông “Tư rời rời” vì dưới sự lãnh đạo “anh minh” của ông, nước Mỹ rời bỏ dần dần tất cả những gì Hoa Kỳ đã xây dựng được từ sau Thế Chiến thứ II. Tóm lại, mặc dù ông “Tư rời rời” vẫn tự hào rằng ổng là ông Aladin với cây đèn thần, ông tính gì cũng đúng, nói xạo đến đâu cũng... có người nghe nên xã hội Hoa Kỳ cũng không cần phải là American Dreams. Trong bốn năm qua, những vụ thảm sát, giết người hàng loạt bằng súng, kỳ thị ở Hoa Kỳ càng ngày càng gia tăng đến mức độ thảm khốc và khó tin. Trong cuộc chiến chống khủng bố, ít ra người Mỹ còn có thể nhận diện kẻ thù nhưng trong cuộc chiến chống lại những công dân Hoa Kỳ mắc bệnh tâm thần, trong tay lại có súng tự động giết người hàng loạt như hiện nay quả thật là quá khó. Hung thủ giết 17 học sinh tại Florida năm 2018 mới 18 tuổi nhưng đã sở hữu 10 khẩu súng dài... hợp pháp. Khi đến ngôi trường cũ để giết người, y mang theo có một cây thôi, nếu không, số người chết còn nhiều hơn gấp bội. Bắn hết đạn, y vứt súng xuống, nhập bọn với đám học sinh chạy tán loạn, rời khỏi phạm trường và... đi shopping.
Sau mỗi lần có một vụ thảm sát, dân Mỹ kêu gào được vài ngày, thì rồi sau đó, đâu vẫn vào đấy vì thế lực tiền bạc của tài phiệt chế tạo vũ khí vẫn bao trùm các ông bà dân cử. Ông “Tư rời rời” là người của tổ chức National Rifles Associations, Hiệp Hội về vũ khí tại Hoa Kỳ. Còn nhớ sau vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Conneticut, nhiều phụ huynh đặt vấn đề kiểm soát mua bán súng, không thể để vũ khí lọt vào tay kẻ xấu hay người mắc bệnh tâm thần. Đại diện của Hiệp Hội về Vũ khí này đã trả lời rằng: không thể giải quyết vấn đề đơn thuần là tước đoạt vũ khí của kẻ xấu mà nên cung cấp vũ khí cho người tốt để họ có thể tự bảo vệ.
Nếu cơn bão Katrina năm 2006 đã vạch cho thế giới nhìn thấy mặt trái của đất nước này, bên cạnh những tiến bộ về khoa học kỷ thuật, về tự do dân chủ thì nạn kỳ thị vẫn còn tồn tại với hình ảnh của người Mỹ da đen tên Georges Floyd bị một cảnh sát da trắng trấn cổ làm thiệt mạng. Bây giờ thì lại thêm vụ hành hung người Mỹ gốc Á Châu vì ông "Tư rời rời" đặt tên cho Cô-Vi là China Virus hay KungFu Virus. Nhưng qua tư cách của ông "Tư rời rời" thế giới mới nhận ra rằng ba trăm năm lập quốc của Hoa Kỳ đã không giúp cho những người da trắng tha phương cầu thực đến nơi này bỏ được cái ý tưởng thực dân thời thuộc địa của thế kỷ 17, 18 trước đây.
Vấn đề di dân không chỉ là một vấn đề của chính phủ Biden hay là một vấn nạn mới mẻ của Hoa Kỳ. Thành phố Costa Mesa ở California là nơi tôi cư ngụ trước đây có phong trào chống lại sự hiện diện của những người Mễ di dân bất hợp pháp. Theo họ thì:
“Những người di dân bất hợp pháp đang là một gánh nặng cho xã hội và hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Họ đến đây không đóng thuế nhưng khi lăn đùng ra bệnh thì lại được đưa vào nhà thương điều trị, con cái họ sinh ra trên đất nước này đương nhiên có quốc tịch Hoa Kỳ, hưởng mọi quyền lợi về giáo dục và y tế như những người công dân Hoa Kỳ đã đóng thuế khi làm lụng cực khổ.”
Nhưng chúng ta không thể quên một sự thật khác là những người di dân bất hợp pháp này đã làm những công việc mà người dân Hoa Kỳ không muốn làm hay không thèm làm. Trước đây, năm 2009, chính phủ Bush cũng đã từng bỏ ra nhiều tiền để xây hàng rào cản người Mễ vượt biên giới mặc dù lúc đó, ông Bush thực hiện một cách âm thầm, không biến nó thành một mục tiêu tranh cử như ông "Tư rờ irời" hay ông Rơi từ từ. Lúc đó, thị trường địa ốc Hoa Kỳ bể ổ, kéo theo kỹ nghệ xây cất và nhiều ngành nghề khác khiến người di dân lậu khó lòng tìm việc. Ngoài đường phố hoặc chung quanh các Home Depot đã vắng bóng những người Mễ tìm việc làm hàng ngày này, nhưng những chuyến xe bus chở người Mễ về nước thì lại đông ngẹt người.
Báo chí Mỹ thường gọi ông Tư Trump là tổng thống “tháp ngà” vì ông chỉ quanh quẩn trong toà Bạch Ốc và cái tháp ở New York hay sân chơi golf ở Florida. Người thân cận quanh ông, quanh đi, quẩn lại, là những khuôn mặt quen thuộc đã theo ông từ khi ông còn đi học, phụ ông những việc vớ vẩn, ngay cả trước khi ông trở thành tổng thống, ông không giao tiếp, không thân cận với chính giới hay ngay cả giới truyền thông Hoa Kỳ. Khi sự ủng hộ của quần chúng Hoa Kỳ dành cho ông Tư Trump tức ông Tư rời rời cứ rơi từ từ, cận thần của ông mới lo chữa cháy, không phải cho cá nhân ông mà lo cho tiền đồ của đảng Cộng Hòa. Ít ra, trước đây, cựu tổng thống Bush đã nhận trách nhiệm lầm lẫn khi khởi xướng chiến tranh Iraq với những dữ kiện không chính xác của tình báo Hoa Kỳ. Nhưng người ta không nghĩ rằng ông “Tư rời rời” hay “rơi từ từ” Donald Trump sẽ nhận bất cứ một trách nhiệm gì về những sai lầm của ông. Nhất là khi biến việc phòng chống Covid-19 thành một vấn đề chính trị khiến cho Hoa Kỳ có trên nửa triệu người thiệt mạng.
Năm nay hứa hẹn không phải là một năm may mắn cho ông "Tư rờ irời" Trump và lại càng không phải là một năm bình an cho dân tộc toàn thế giới mặc dù thuốc chủng đã có. Đại dịch Covid-19 đã làm lu mờ tất cả. Ngay cả khi các nhà địa chấn học tiên đoán rằng sẽ có một cơn hồng thủy hay thiên tai sóng thần - xảy ra tại vùng biển nằm dọc theo thành phố Vancouver, Seattle và Bắc Cali tiếp theo một cuộc động đất 9.2 vì những dấu hiệu được nhìn thấy trước đây tại những vùng bị thiên tai sóng thần ở Á Châu cuối năm qua lại được nhìn thấy ở lòng biển ở những vùng này.
Tôi sinh sống nhiều năm ở Cali, nơi mà những cơn động đất “nho nhỏ” bỗng trở nên quen thuộc. Đang ngồi làm việc, bỗng thấy cây đèn treo trong phòng hơi lay động như có gió thoảng qua, chiếc ghế đang ngồi như đang di chuyển một chút rồi thôi nên cứ tưởng “cái” bị động là cái tâm của mình. Chừng nghe tin tức buổi tối trước khi đi ngủ mới thấy trời đất đôi khi cũng “động” như mình. Nhưng càng ngày thì những lần trời đất lên cơn thịnh nộ càng nhiều. Người dân Sri Lanka tin rằng thiên tai động đất cuối năm 2004 là do thần biển nổi giận vì con người đã tệ bạc quá đáng đối với “ổng”. Cứ có rác là thải ra biển, thứ gì không xài, không muốn giữ thì vứt ra biển. Thậm chí một ông nhà thơ Việt Nam viết là khi chết phải cho ổng ra biển. Không biết có phải vì những lời dọa dẫm này mà thần biển nổi giận vì “bả” không biết làm gì với những thứ mà loài người “tặng” cho “bả” trong nhiều thế kỷ qua.
Thật tình sau khi xem xong chương trình America Tsunami mà các khoa học gia Hoa Kỳ đã lặn lội lên non, xuống biển, cố tìm ra nguyên nhân ngỏ hầu ngăn ngừa hay báo động để tránh tai nạn người chết lên đến hàng triệu trong vụ sóng thần Á Châu năm vừa qua thì tôi cũng hơi hãi sợ. Nhất là sau khi nghiên cứu, các khoa học gia cho biết khi nạn sóng thần xảy ra không hề được báo động trước 72 giờ đồng hồ như trong vụ bão Katrina mà người ta chỉ có thể biết trước trong vòng 15 phút thôi, cả vùng biển của Vancouver, Seattle, Oregon và bắc Cali sẽ bị nhận chìm. Que sera, sera! Biết làm sao đây!
Mấy năm nay, sự hiện diện của Vi-Xi và con cháu của họ không còn là điều “hiếm quí” trong cộng đồng. Ai cũng nhìn thấy, cũng biết sự hiện diện nhan nhản khắp nơi của cán bộ đảng và nhà nước ta cùng con cháu của họ trong mọi đoàn thể, mọi gia đình người Việt hải ngoại, dưới mọi hình dạng: hôn nhân giả, hôn nhân thiệt, du học sinh, các phái bộ thương mại, ngoại giao, v...v....
Nay Cô Vi đã làm được điều mà nhiều đoàn thể chống Cộng không làm được: trả Việt Cộng lại về với bác và đảng. Tuy nhiên người Việt hải ngoại thường xem gà hoá cuốc, nhìn đâu cũng thấy VC rồi chụp mũ cho nhau là VC. Sau đó lại thi nhau để xem ai đượcViệt Cộng chiếu cố đến nhiều hơn, coi như đó là thành tích của một đời người. Chỉ buồn đó đều là những ông đầu chỉ còn vài cọng tóc bạc. Già đầu mà còn dại!
Quan niệm “làm báo không có bạn, không có thù, chỉ có lẽ phải và lương tâm” của Saigon Weekly quả thật là cô đơn. Con đường trước mặt không phải là một con đường êm ả, ít chông gai, mà là một con đường đầy sóng gió cho người chủ trương. Cũng may mà nợ nhà coi như đã xong chỉ còn nợ nước, ngay cả thân nam nhi tang bồng hồ thỉ mà còn sợ bóng sợ gió, huống chi một mụ đàn bà, tâm trí chưa đi ra ngoài khung cửa nhà bếp, ngồi tính sổ cuộc đời... thì đâu còn dám nghĩ đến “Bà Trưng Bà Triệu”.
Mà chỉ còn nhớ đến những vần thơ thiền của Ngài Liễu Quán:
“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn Tổ tông”.
Dịch nghĩa:
“Hơn bảy mươi năm giữa cõi đời
Không không sắc sắc thảy dung thông
Sáng nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông”.
Người dân xứ Huế không ai là không biết câu hò:
Tiếng hát ngư ông giữa sông Phú ốc
Tiếng kêu hàn nhạn, giữa áng Hoàng Dương
Một mình em đứng giữa sông Hương
Tiếng ca bạc mệnh đoạn trường, ai nghe?
Không lẽ bây giờ chúng ta lại phải than:
Một mình đứng giữa... Beo-Le
Tiếng ca mất nước đoạn trường, ai nghe?
Chắc chắn chúng ta... đâu mãi thế này. Hoa Kỳ đang bắt đầu một niềm hy vọng mới sau khi đẩy lùi được Cô Vi nhờ thuốc chủng. Hy vọng những ngày tang tóc sẽ qua đi.
Đào Nương
“Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn mang vấn Tổ tông”.
Nghĩa là:
“ Hơn bảy mươi năm giữa cõi đời
Không không sắc sắc thảy dung thông
Sáng nay nguyện mãn về quê cũ
Nào phải bôn ba hỏi Tổ Tông”.