Phiếm Dị, Đào Nương, Tu ở Việt Nam dễ hay khó

Phiếm Dị

Phiếm Dị, Đào Nương
@www.saigonweeklyonline.com (May 16/2024)

Tu ở Việt Nam dễ hay khó


Mấy tuần qua, tin tức một “nhà sư” đi … lang thang “trên các nẽo đường Việt Nam” tràn ngập các diễn đàn mạng. Trong một clip trên Youtube, thầy Minh Tuệ xin mọi người bỏ chữ “Thích” trước tên ông vì “con nghĩ rằng đạo đức của con chưa tới được … tầng giới của một “tu sĩ” Phật giáo, con không thuộc một chùa nào, chỉ là một “công dân Việt Nam” trên đường học và hành giáo pháp của Đức Phật”, mặc dù ông đã từng tu ở trong chùa hai năm nhưng thấy không hợp nên phát nguyện đi tu theo pháp khổ Hạnh Đầu Đà của Phật Giáo. Ông xưng con với mọi người, đầu trần, chân đất, đi một mình khắp các nẽo đường từ Bắc qua Trung vào Nam đến nay là vòng thứ 4.

Đây có lẽ là lần đầu tiên, nhiều người Việt Nam ngay cả những Phật tử nghe nói về 3 chữ “Hạnh Đầu Đà”. Đó là danh xưng cho lối tu khổ hạnh của Phật Giáo đã có từ thời Đức Phật Thích Ca còn sống mà gần như không ai có thể thi hành được suốt đời trừ ngài Ca Diếp, đệ nhất đại đệ tử của Đức Phật. Ngay cả Đức Phật cũng không làm được, ngài chỉ đi tu theo Hạnh Đầu Đà 6 năm và cho rằng không cần khổ hạnh đến như thế để được giải thoát mà trở về tu theo pháp Trung Đạo. Trung Đạo tức là pháp tu không hành xác đến cực đoan như thế tức vẫn ăn mỗi ngày một bửa, vẫn ngủ ngồi, vẫn chỉ có 3 y nhưng không cần phải là y phấn tảo (tự may bằng vải lượm từ nghĩa địa) hay ngủ ngoài trời. Người duy nhất tu theo “Hạnh Đầu Đà” suốt cả đời cho đến khi nhập diệt là ngài Đại Ca Diếp, người được Đức Phật Thích Ca truyền thừa sau khi Phật nhập Niết Bàn. Đức Phật ca tụng ngài Ca Diếp là một tấm gương mà các tu sĩ Phật giáo nên noi theo.

Có 3 vấn đề căn bản quan trọng của một con người là ăn, mặc, ở thì cách tu khổ hạnh gọi là  “Hạnh Đầu Đà” này với 13 pháp hành tước bỏ hết:
  • Ở:
  • Không được ở trong nhà, phải ở nơi vắng vẻ, nhà hoang hay ngoài nghĩa địa
  • Phải di hành liên tục, không được ở một nơi lâu quá 3 ngày.
  • Không được ngồi trên cây cỏ, phải ngồi trên mặt đất, ngồi dưới gốc cây, nhưng không được tựa vào gốc cây.
  • Ngủ ngồi kiết già giữa trời dù mưa hay nắng.

Ăn:
  • Đi khất thực (xin ăn) từng nhà vào buổi sáng, không được chọn nơi xin, tùy “duyên” mà xin, không được phân biệt giàu, nghèo.
  • Chỉ được ăn một bửa một ngày trước ngọ
  • Sau khi xin đủ thức ăn cho một ngày thì ngưng. Tìm nơi ngồi ăn những gì xin được trong bình bát. (trong trường hợp thày Minh Tuệ đó là lỏi của một bình cơm điện).
  • Không được ăn no. Không được đứng lên giữa khi ăn. Đứng lên thì coi như bửa ăn chấm dứt, không được ngồi xuống ăn trở lại nữa. Nếu không ăn hết thì để tìm cách cho chim chóc hay kiến, côn trùng ăn, không được mang theo, dễ lành, đói ăn tiếp nữa.
  • Chỉ được uống nước lã, không được uống nước trái cây.

Mặc:
  • Phải theo nguyên tắc Ba Y, một Bát: Không được mặc “y” tức áo cà sa may sẳn mà phải đi nhặt những mảnh vải vụn, áo quần cũ trong đống rác, nơi nghĩa địa để tự may thành ba mãnh “y”đấp lên người.


Một clip trên Youtube quay gần cho thấy thầy Minh Tuệ “rất khéo tay và có khiếu thẩm mỹ”: ông tự may bằng tay khi nghĩ chân, dùng những miếng vải mới nhặt được đấp lên miếng vải bị sờn rách. Hình ảnh trên đây của thầy Minh Tuệ là hình ảnh đẹp nhất của Phật giáo Việt Nam theo ý kiến của người viết.


Đọc qua 13 giới luật của “Hạnh Đầu Đà”, tôi nghĩ ai cũng phải kêu trời vì… muốn tu thì cứ tu nhưng việc gì phải hành xác đến độ như vậy. Muốn được giải thoát, lên được Niết Ban thì phải khổ đến như vậy sao? Thời Đức Thích Ca là 2,500 năm trước, bây giờ là thế kỷ 21, động lực nào khiến một thanh niên mặt mày sáng sủa, gia đình tử tế, có nghề nghiệp lại chọn những bước chân trên nền đất bỏng da trong cái nóng như thiêu của Việt Nam nhiệt đới để đi tu theo pháp “Hạnh Đầu Đà”? Nhưng nhờ “hiện tượng” thầy Minh Tuệ và Hạnh Đầu Đà mà mấy tuần qua thay vì phải nghe toàn chuyện “tham quan, hối lộ” của nhà nước Việt Cộng. Chúng ta được nghe nhiều nhà sư giảng về “Hạnh Đầu Đà” tuy chi tiết có hơi khác nhưng tựu chung về ba chuyện căn bản của con người là “ăn, ở, mặc” thì giống nhau: Không được ngủ trong nhà, phải tìm nơi vắng vẻ mà ngủ, không được ăn no, ăn nhiều (một bửa/một ngày), không được chọn nơi khất thực, không được chọn thức ăn ngon hay dỡ, xin được gì thì phải ăn cái đó, mặc thì phải tự may lấy y mà mặc  từ vải nhặt được. Nghĩa địa Việt Nam thời nay làm gì có vải nhưng thời Phật Thích Ca, ở Ấn Độ, người ta quấn xác người chết bằng vải đem vứt ngoài nghĩa địa cho chim, thú dữ phân thây, nên nghĩa địa nào cũng đầy vải bó xác chết vương vải sau khi thân xác đã bị tiêu hủy. Các tu sĩ theo Khổ Hạnh Đậu Đà nhặt những vải này đem giặt sạch và may lấy y mà mặc nên được gọi là y phấn tảo.

Tựu chung nhiều thầy “nổi tiếng” của Việt Nam đều không có ý tán đồng thầy Minh Tuệ và cách hành Hạnh Đầu Đà. Có “ngài” cho rằng đi như vậy thì chỉ giúp cho mình giải thoát mà không giúp được chúng sinh. Có “ngài” thì cho rằng khi chưa tu được đủ 5 hạ thì luật nhà Phật không cho phép ra khỏi chùa hoằng pháp vì… biết gì về Phật pháp mà nói. Có “ngài” thì lo xa hơn cho rằng tu Hạnh Đầu Đà như vậy thì sẽ đi được bao lâu. Có “Ngài” còn đưa ra một bằng chứng là có một “thầy Giác A” đi lang thang như thế (mà “ngài” so sánh là rất giống như thầy Minh Tuệ bây giờ) như vậy suốt 50 năm khi gần 80 tuổi thì không chùa nào nhận vì ở ngoài trời, trẻ thì chịu nổi về già thì .. chết chắc. Chưa kể một thầy “nhà giầu” chê một “thằng” ăn mặc rách rưới, ôm nồi cơm điện đi lung tung như thế thì chỉ có thể là một “thằng ba trợn”.

Đào Nương tôi không phải là một Phật Tử nhưng nghe các thầy “nổi tiếng” lo âu, nghi ngờ, không tin thầy Minh Tuệ có thể kéo dài đời tu theo khổ Hạnh Đầu Đà vì … tu đâu cho bằng tu chùa, trẻ còn sức khỏe thì còn … hạnh đầu đà, khất thực du hành khắp nơi, về già khi đi hết nổi, không nơi nương tựa thì làm sao đây mà buồn cười. Xin muốn nhắn với các thầy này một câu: xin đừng lo cho bò trắng răng.

Thứ nhất, một thanh niên từ giã cha mẹ đi tu khổ hạnh, ôm nồi cơm điện đi 4 vòng đất nước, mặc y vá chum, vá đụp, ai cười thì hở mười cái răng, sáng đi khất thực được gì thì ăn nấy, đi chân đất trên nền đường nóng bỏng, đầu không mũ, tối tìm nơi vắng vẻ, trong rừng, trong nhà hoang, trong nghĩa địa ngồi kiết già thiền định giữa trời, ngủ ngồi trong suốt 6 năm mà  vẫn còn khỏe mạnh, bước đi thoăn thoắt,  vẫn sống vui vẻ, mặt mày tươi tỉnh, tự tin vào con đường giáo pháp của Đức Phật đến độ xưng con với mọi người. Một nhân cách như vậy thì chắc “ổng” không cần mấy thầy lo cho “ổng” đâu vì đã có Phật lo cho “ổng” rồi. Còn xác thân thì còn tu, giải thoát rồi thì đâu cần thân xác làm gì?

Thứ hai, có thầy lại thắc mắc tại sao thầy Minh Tuệ phải di hành liên tục thay vì tìm một góc rừng ngồi tu cho… khỏi làm phiền Phật tử, công an? Các thầy chắc bận lo việc cúng dường nên chắc ít khi  đọc lại sách về các thiền sư Tây Tạng. Khi còn trẻ, các ngài thường du hành để tu tập, khi chùa này, mai chùa kia. Nghe ở đâu có một vị lạt ma, một đại sư  xuất hiện thì có khi các ngài phải di hành hàng tháng để được diện kiến mà nghe thuyết pháp. Vào một thời điểm nào đó, do duyên cơ nào đó, họ sẽ chọn cho họ một kết thúc. Có người sẽ dừng chân tại một tu viện nào đó. Có người sẽ chọn đời sống độc cư trong một hang động cheo leo để nhập định. Không ai biết họ là ai, không ai nghe nói gì về họ nữa vì chỉ có sống trong sự cô tịch - xa rời mọi tiếng ồn ào của thế nhân,  của đời sống thường nhật của một tu sĩ trong các tu viện thì họ mới có thể suy nghiệm về những gì đã học được trong bước đường du hành của mình. Thời gian độc cư dài hay ngắn cũng tùy vào duyên. Thế gian quên họ hay họ đã quên thế gian? Điều mà họ thực sự muốn quên không phải là thế gian mà là chính bản thân mình.
Thường thì sau một thời gian dài nhập định, những vị ẩn tu này là tác giả của những sách, những kinh về thiền định, về Phật pháp để lại cho người đời sau hơn là các vị sư trụ trì của các tu viện dù lớn hay nhỏ.
 
Thầy Minh Tuệ lập đi, lập lại nhiều lần ông không phải là một tu sĩ nhưng tôi nghĩ ông đích thực là một thiền sư. Một thiền sư không có núi rừng bạt ngàn của dãy Hy Mã Lạp Sơn để mà ẩn mình như các thiền sư Tây Tạng. Ông hành “Hạnh Đầu Đà” bằng cách đi chân đất ven theo các quốc lộ đầy xe vận tải bấm còi không ngớt giữa cái nóng cháy da của Việt Nam nhiệt đới. So với các thiền sư Tây Tạng và cái lạnh dưới 0 độ của Hy Mã Lạp Sơn, ai khổ hơn ai?

Điều khác biệt là những người dân Tây Tạng trưởng thành trong tín ngưỡng Phật giáo nên rất thuần thành, họ biết rõ những giới luật, những bổn phận của họ không thua gì các nhà tu biết rõ về giới luật của nhà tu. Các hành giã Tây Tạng được người dân Tây Tạng kính trọng, nhường đường, quì xuống để dâng thức ăn khi họ đi qua vào buổi sáng nhưng đến trưa là thôi, không ai níu kéo, không ai nhét tiền vào tay họ, không ai cướp bình bát của họ cả. Các thiền sư Tây Tạng thường mang theo một cái khánh bạc. Khi nghe tiếng khánh, tất cả mọi người đều sẽ im lặng cúi đầu để nhà sư đi qua và biết rằng không nên làm phiền họ. Ngay cả người chân cừu trên núi cao khi nghe tiếng khánh thì cũng biết có một thiền sư đang nhập định trong khe núi đâu đây, họ sẽ yên lặng và dẫn đoàn cừu ra xa, không khuấy động sự tu hành của nhà tu.  

Thiền Sư Minh Tuệ của Việt Nam đi trong quê hương đất nước phải xưng con với mọi người, vẫn bị đánh sưng mặt, bị gọi là “thằng ba trợn”, phải van xin “Phật tử” tha cho ông, đừng đi theo ông, đừng vây quanh đảnh lễ ngày đêm, ban ngày khi nghỉ chân thì " "con" có thể “đàm đạo với các ông bà vì các ông bà như cha mẹ của con, nhưng các ông bà nên về nghĩ ban đêm vì tối mà chúng ta tụ họp như thế thì chính quyền sẽ không vui vì họ cho rằng chúng ta đang làm điều mờ ám.” Thiền sư Việt Nam khi đang hành “Hạnh Đầu Đà” cũng không thể quên Việt Nam là một quốc gia Cộng sản có một nền chính trị công an trị. Vì đã có ông sư “hạnh đầu… gà” cho rằng thầy Minh Tuệ là thế lực thù địch nước ngoài nhằm đánh phá Phật giáo Việt Nam khi thầy tu theo Hạnh Đầu Đà khiến cho Phật tử Việt Nam biết về lối tu khổ hạnh này khác hơn lối tu cúng dường, chuyển khoản, cúng càng nhiều thì con cái càng được phước…

Có một youtube tự nhận là “sư đệ” của thầy Minh Tuệ đi từ nơi gia đình ông sinh sống tìm đến thăm ông. Mệ ông đau xót thương con gầy, đen, ốm o nên dặn khi gặp được thầy Minh Tuệ thì cho “mẹ được nói chuyện với con vì từ mấy năm nay mẹ không được gặp con”. Nhưng khi người này tìm được đến nơi thầy Minh Tuệ nghĩ chân thì hàng nghìn người đăng vây kín ông, không thể nào đến gần. Vả lại, anh thấy thầy Minh Tuệ từ chối không chụp ảnh riêng, không nói vào điện thoại khi được yêu cầu nên người này không thể nói về việc mẹ thầy muốn được liên lạc với thầy qua điện thoại sợ ảnh thầy cầm điện thoại lại bị phát tán tràn lan. Trong khi chờ đợi, anh “sư đệ” có làm một cuộc phỏng vấn bỏ túi với những đám đông đủ mọi lứa tuổi vây quanh chen lấn chờ đợi được đến gần thầy. Quí vị thương thầy là do tâm, đứng xa cũng được, tại sao phải chen lấn để đến gần thầy làm gì? Có người cho biết dạo này làm ăn thua lỗ quá, chạm vào người thầy hy vọng để được phúc mà đổi vận. Có người bảo con cái ở xa nhưng không thương cha mẹ, cầu xin thầy hộ trì để chúng suy nghĩ lại. Có người cầu mong được qua phỏng vấn kỳ này để được đi Mỹ sống với con. Có người bị bệnh tật liên miên mong chạm người thầy để nhận được công đức để mau khỏi bệnh.

Cũng vì tinh thần mê tín dị đoan này mà đám đông cố đoạt lấy bất cứ điều gì có thể được từ thầy Minh Tuệ. Cái lỏi bình cơm điện “nổi tiếng” của mấy năm khất thực đã bị ai đó lấy đi rồi thay vào đó là một cái bình mới tinh bằng inox bóng láng. Thầy vừa bỏ ra mấy mảnh vải nhặt được thì các bà giựt lấy ngay. Hiện nay, các thầy tu mặc y chấp vá khắp nơi tập trung về nơi thầy Minh Tuệ du hành lên đến trên một chục người: có người đầu cạo trọc, chân đất nhưng vẻ mặt không hiền hòa của người tu và nhất là không ngồi kiết già được. Cũng theo lời người “sư đệ” này thì mới ba giờ sáng đã có người tìm đến nơi thầy Minh Tuệ và “tăng đoàn” nghĩ chân để bỏ vảo bình bát của thầy thức ăn cúng dường vì họ tin rằng nếu thầy “thời” thức ăn của họ cúng thì họ sẽ được đức độ… vô lượng.

Nói về chuyện ngồi kiết già. Tư thế ngồi này có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, nơi xuất phát của Yoga bằng cách ngồi bắt chéo chân, trong đó bàn chân bên này được đặt lên đùi bên kia. Hầu hết những người tập Yoya đều có thể ngồi kiết già nhưng không ngồi lâu hàng giờ hàng chục giờ được vì những cơn đau nhức ở cơ và các khớp xương. Tư thế này là tư thế ngồi của Đức Phật giống như hình dáng của bông hoa sen. Khi thực hiện tư thế này, người tập cần nắm được kỹ thuật thở và phải chịu đựng tập luyện, lâu mau theo thể tạng của từng người.  Nhưng khi đã quen thì mới có thể ngồi lâu hàng giờ hay hàng chục giờ để nhập định được.

Các tăng đoàn trong một số chùa Việt Nam ngày nay ăn mặc rất đẹp trong những chánh điện hoàng tráng nhưng hình như ít ai ngồi kiết già ngay cả các vị trụ trì. Nhưng nếu không ngồi kiết già được thì làm sao có thể ngồi thiền lâu hàng giờ hay vài giờ. Tôi nghĩ Giáo Hội PGVN nên dùng thế ngồi “kiết già” để thử tình trạng tu tập của những người muốn đi tu. Sau một thời gian mà không ngồi kiết già được thì chắc là vị này không có “căn tu” nên cho họ về đời lao động cúng dường cho chùa thì ích lợi hơn. Hầu hết tăng ni đoàn Việt Nam đều rất đẹp trai, đẹp gái nhưng nét mặt không bình an tươi sáng, cả một chính điện đông người nhưng không có được thứ lửa của sự toàn tâm nội tại của thầy Minh Tuệ. Thầy gầy gò nhưng không khô héo, khuôn mặt hầu như chứa đầy an lạc nội tại đến nỗi ông quên ông đang phải đối diện lại với một thế gian đầy nhiểu nhương mà ông tưởng rằng nó đã quên ông như ông đã quên nó từ 6 năm qua rồi trên những con đường quốc lộ cháy bỏng dưới bước chân.

Thử thách lớn nhưng không có nghĩa là sẽ thành chánh quả nhanh. Bằng chứng là Đức Phật đã bỏ “Hạnh Đầu Đà” sau 6 năm vì ngài cho rằng ép xác như vậy không cần thiết cho việc giác ngộ và trở về với cách tu trung dung hơn, vẫn ăn mỗi ngày một bữa, vẩn ngủ ngồi nhưng có thể ăn trong chùa, ngủ trong nhà. Tôi không nghĩ những ngày sắp tới, thầy Minh Tuệ có thể du hành như ông đã đi từ 6 năm qua. Việt Nam đất hẹp, dân đông, ông không có một bình nguyên Tây Tạng bao la để ẩn mình, những Phật tử thuần thành biết kính Phật trọng Tăng. Nhưng đó lại là chuyện “lo bò trắng răng”, thầy sẽ tìm được con đường giải thoát cho mình, nếu ngài là một vị thiền sư đức cao, đạo trọng.

Có ông youtuber thấy cảnh thầy Minh Tuệ bị bao vây ngày đêm bởi youtuber, bởi phật tử muốn được đảnh lễ để được phước thì đã hài hước cho rằng “Hạnh Đầu Đà” về đến Việt Nam đã có đến 14 pháp thay vì 13. Pháp 14 mang tên là Thông Tin Mạng: Youtube, Facebook và Cell Phone. Lúc nào cũng có hàng trăm điện thoại chiếu vào mặt, hàng chục Youtuber xin phỏng vấn, hàng chục Phật tử “xin thầy nhận “tiền tươi” của con để con được phước, xin thầy cầm thêm gói xôi này của con vì thầy đi bộ mau đói bụng lắm” mặc dù đã nghe thầy giải thích nhiều lần là theo giới luật “mỗi ngày con chỉ ăn một lần trước ngọ, không được ăn no, xin ngày nào ăn ngày đó” nghĩa là thầy không thể … đầu cơ tích trữ đến chiều tối hay hôm sau để họ có thêm phước đức được.

Nam Mô A Di Đà Phật.


Đào Nương

 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top