Phiếm Dị, Đào Nương (Sept 24, 2020): SỬ HÔM NAY, SỬ NGÀY MAI

Phiếm Dị

Phiếm Dị, Đào Nương (Sept 24, 2020)

www.saigonweeklyonline.com
SỬ HÔM NAY, SỬ NGÀY MAI



Tựa đề bài viết này không phải của Đào Nương tôi mà là của một ông nhà báo trong nước đăng trên báo của nhà nước nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 21 tháng 9. Bài viết “than thở” như sau:
Trong giờ học sử, thầy giáo kêu một học sinh lên hỏi: “Em hãy cho thầy biết ai đã lấy trộm nỏ thần của An Dương Vương?”. Chú học trò xanh mặt: Dạ, không phải em”.
Thấy tình trạng học tập của học trò mình đáng báo động, thầy giáo bèn tìm đến người mẹ để than thở. Bà mẹ nóng nảy phủ nhận ngay “con bà không phải là đứa ăn cắp”. Thầy giáo thở dài, gửi thư mời người cha đến gặp. Ông bố nghe chuyện, giật mình, năn nỉ: “Xin thầy tha lỗi, cháu lỡ dại. Về nhà tôi sẽ thuyết phục cháu mang nỏ thần đến trả lại ạ”.
 Quá thất vọng, thầy giáo mang câu chuyện trình lên “thầy” hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng giận dữ đập bàn: “Lỗi này không tha được! Tội ăn cắp là phải trị tới nơi, tới chốn”.

Bài viết không chú thích nhưng chúng ta thừa hiểu rằng “Thầy Hiệu Trưởng” thật ra lại là một ông cán, lịch sử đảng thì nhớ nhưng không biết gì về lịch sử nước nhà. Cũng trong bài báo này, những con số  thống kê được đưa ra: 44% của 468 sinh viên cuả 9 trường đại học ở thành phố mang tên Bác, những cựu “cháu ngoan cuả Bác” không biết ông Chu Văn An là ai, vua Quang Trung và ông Nguyễn Huệ là hai người khác nhau, trong 1,800 học sinh ở đây thì 39% không biết Hùng Vương là ai, 49% không biết ông Trần Quốc Toãn làm chức gì. Lê Lai là anh hùng chống Pháp, chống giặc Mỹ, Tự Lực Văn Đoàn là tên một đoàn cải lương Nam Bộ.

Theo nhà báo “đồng chí” NH kể thì trong kỳ thi vừa qua tại thành phố Cà Mau, khi trả lời câu hỏi thành phố Cà Mau có bao nhiêu huyện, nhiều em thí sinh trung  học tại trường Hồ Thị Kỷ không quên thêm vào hai huyện mới là ... huyện đoàn và huyện đội. Chưa hết. Ngụy “thua” lâu rồi mà sao ảnh hưởng cuả họ còn sâu đậm thế. Biệt khu Hải yến Bình Hưng do Mỹ-Ngụy lập ra đã từng gây ra bao nhiêu là tội ác với nhân dân Cà Mau thì các em lại trả lời “lộn” rằng đó là... khu căn cứ cách mạng.

Ban BiênTập báo Tuổi Trẻ kết luận rằng: Đây là tình trạng đáng ngại. Càng đáng đặt vấn đề hơn lúc này khi mà nhà nước ta đang “hướng dẫn” dân tộc đi vào... toàn cầu. (nguyên văn): Không ai mang tay trắng đi vào làng toàn cầu cả. Chúng ta mang theo nguồn gốc, mang theo cội rễ của  dân tộc  để góp vào cái lớn chung. Những bài học quốc sử góp phần làm nên điều đó. “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” lời dặn ấy cuả chủ tịch Hồ Chí Minh có bao giờ cũ”

À, thì ra thế. Dân ta phải biết sử ta... chứ không phải chỉ cần biết sử Nga của ông Lê nin và ông Các mác.   Sau 75 năm “cách mạng” viết lại sử nước nhà, thanh niên trong nước bây giờ “biết” về nước nhà  như thế nào chắc không phải là do chúng học sử của bọn Mỹ-Ngụy. Do đó mà nhà giáo “ưu tú” Nguyễn Phan Quang (trường đại học sự phạm Saigon) trong Bàn Tròn Quốc Sử do báo này đề xướng ra đã  vừa vuốt, vừa chửi đảng như sau:
...Sử là máu thịt, là tâm hồn, là não trạng Việt Nam, không hiểu lịch sử dân tộc thì làm sao hiểu được  sâu sắc lịch sử của đảng ta. ... Lịch sử Việt Nam là một lịch sử đặc biệt, chưa có một dân tộc nào bị đô hộ một ngàn năm mà lại thoát ra được  thời kỳ Bắc thuộc. Để đi từ tủi nhục đến vinh quang, bằng máu xương mình giành được quyền làm chủ trên chính mảnh đất của cha ông mình để lại. Một dân tộc có một lịch sử như thế rất đáng là hành trang cơ bản cho hết thế hệ Việt Nam này sang thế hệ Việt Nam khác, đi mãi đi hoài để phấn đấu. Một dân tộc như Việt Nam, không có lịch sử mấy ngàn năm kiên cường như thế thì làm thế nào sản sinh ra được Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam.

Ông “giáo sư” “yêu” bác và đảng như thế thì lại bằng… mười phụ nhau khi “giáo sư” vừa trả lời, vừa run câu hỏi sau đó của báo Tuổi Trẻ “thế thì tại sao môn sử lại trở nên khô khan và thiếu cuốn hút với thế hệ trẻ hôm nay” như sau:
- Đừng trách thế hệ trẻ. Trong nhà trường, đó là lỗi của ngành giáo dục. Kể cả bản thân chúng tôi, biết thế mà chẳng biết làm gì hơn. Cứ trăn trở mà nói vậy thôi, vừa nói, vừa run, chẳng biết có ai nghe thấy tiếng nói của mình.

Riêng “thầy” Lâm Quang Trực thuộc Đại Học Mở -bán công thành Hồ tuyên bố:
Để học sinh ham thích và không quên lịch sử dân tộc, ngay từ bây giờ Bộ Giáo Dục đào tạo cần chỉ đạo việc biên soạn lại sách giáo khoa lịch sử (bằng những cuộc thi biên soạn sách giáo khoa chứ không nên để một nhóm người đọc quyền biên soạn). Nếu không sẽ tạo ra những thế hệ thanh niên quên lịch sử mà hiện nay có thể chúng ta đã có một thế hệ như thế rồi.

Không biết “ông thầy” này hiện nay còn được  ở thành Hồ dạy sử nhà nước không sau khi ông tuyên bố như trên hay ông lại… mất dạy rồi. Trước 30 tháng 4, 1975, bộ Giáo Dục VNCH có đầy đủ sách giáo khoa để giảng dạy chọ học sinh từ tiểu học cho đến trung học. Học sinh miền Nam Việt Nam trước 1975 xong Tú Tài là coi như có một kiến thức đầy đủ về đủ mọi bộ môn: từ văn hoá, khoa học, sử ký, điạ dư, công dân giáo dục cho đến môn ngoại ngữ. Sinh viên Việt Nam thời đó đi du học, kiến thức chỉ hơn chứ không kém sinh viên bản xứ Tây Phương ngay cả Hoa Kỳ.

Năm 1975, Đào Nương tôi ở lại Saigon hơn một năm. Trong một năm này, tất cả tên đường của Saigon được  thay thế bằng những tên đường “cách mạng”. Ông Trương Minh Giảng thì không phải là ngụy nhưng cách mạng cũng mời ông đi chỗ khác chơi cho “anh” Trần văn Trổi thế vào. Ông Phan Thanh Giản cũng vậy. Lịch sử Việt Nam ghi nhận ông là chống thực dân Tây thế kỷ trước nhưng bây giờ ông phải nhường chỗ cho “cách mạng” Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trường Petrus Ký biến thành trường Lê Hồng Phong đi đôi trường Gia Long thành trường Nguyễn Thị Minh Khai. Đó là vì đảng cộng sản Việt Nam rất trọng ân nghĩa vợ chồng. Bên nữ thì có trường Nguyễn Thị Minh Khai thì bên nam phải có trường Lê Hồng Phong. Vậy mà ở miền Bắc có tin đồn bác Hồ đã cuỗm vợ bác Phong… bậy thiệt. Nhưng đó bảo đảm tin đồn này không phải là do thế lực thù địch ở hải ngoại vì tin đồn này đã có từ lâu lắm rồi, từ cái thưở bác Hồ còn ở trong hang Pắc Pó lận cơ.

Mới đây đọc một bản tin về Ngày Hội Ngộ học sinh truờng Petrus Ký, Đào Nương tôi  thấy người cũ, người mới đề huề bên nhau. Hiện nay báo trong nước gọi trường này là trường Petrus Ký-Lê Hồng Phong.

Cái khổ của các nhà giáo dạy môn “quốc sử” dưới chế độ cộng sản là như thế. Như nhà giáo “ưu tú” Nguyễn Phan Quang ở trên đã nói: dạy sử, vừa dạy, vừa run, biết là biạ mà vẫn phải dạy.Đó là một môn học mà thày không muốn dạy và trò thì không muốn học. Lịch sử đảng thì vĩ đại mà môn quốc sử thì lại bịa như thật mà thật thì như bịa.
Ví dụ như chuyện Ngọn Đuốc Sống Lê Văn Tám. Theo một cô giáo Saigon hiện đang sống tại Utah thì tháng 10 năm 1975, môn lịch sử  trong chương trình giáo dục của nhà nước cộng sản có bài “Ngọn Đuốc Sống Lê Văn Tám” nói về người chiến sĩ cách mạng tự đốt thân mình làm cây đuốc lao thẳng vào kho đạn của Thực dân Pháp. Bài viết tình tiết hay ho, hấp dẫn khác hẳn sự phê bình cuả các thầy, cô tham dự “bàn tròn quốc sự” cuả báo Tuổi Trẻ là những bài sử thường nặng nề, thiếu sinh động, chỉ chú trọng đến chi tiết hơn là sự kiện lịch sử. Đọc bài “quốc sử” về “Ngọn Đuốc Sống Lê Văn Tám” mà như nghe luôn những tiếng nổ liên hồi xé tan bầu trời yên tịnh ở Thị Nghè trong thởi ký đảng ta chống Tây. Cô giáo “ngụy” này cho biết lúc chưa … mất dạy, nghĩa là chưa theo chồng vượt biên cô cứ tưởng chuyện “Ngọn Đuốc Sống Lê Văn Tám” là có thật. Nhưng mới đây, cô đọc Webside của đài BBC, mục ý kiến bạn đọc, cô mới biết mình lầm. Sự thật Lê Văn Tám chỉ là tên nhân vật  trong một phim thực hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp do đạo diễn Phan Vũ thực hiện. Phim ra đời trong thời Cách mạng Tháng 8 nên ông đặt tên nhân vật là Tám cho nó tiện. Nhưng những “đỉnh cao của trí tuệ” đảng ta  bèn “chộp” luôn, tuyên truyền rằng phim dựa trên truyện thật ngoài đời, rằng Lê Văn Tám là một tấm gương dũng cảm, hy sinh cứu nước. Sau này, từ rừng đi vào thành phố, lỡ phóng lao thì theo lao, Lê Văn Tám trở thánh bài học “quốc sử” “Ngọn Đuốc Sống Lê Văn Tám”.

Hiện nay thêm một “đồng chí” nhân chứng sống vụ đốt kho đạn Thị Nghè tên Dương Quang Đông cho biết Lê Văn Tám chỉ là ...huyền sử, kho đạn Tây canh phòng rất cẩn thận, làm gì có chuyện Lê Văn Tám chạy một mạch từ cổng vào đến tận nhà kho mà không gặp một sự cản trở nào.  “Đồng chí” Đông còn cho hay là tổ đánh mìn kho đạn Thị  Nghè là công nhân Nhà Máy Đèn Chợ Quán với những người có tên là Ka Kim, Kỷ và Ni. Ka Kim là người chỉ huy, không có người nào tên là Lê Văn Tám cả.
Theo nhà giáo “ưu tu” Nguyễn Phan Quang  thì lịch sử Việt Nam  hào hùng như vậy, một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, ta vẫn cởi trói ra được “Một dân tộc như Việt Nam, không có lịch sử mấy ngàn năm kiên cường như thế thì làm thế nào sản sinh ra Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam.”. Nhưng từ khi có Internet,  những ông viết sử “chui” rất là phản động thường tự nhận rằng mình là nhân chứng sống, và vai trò“anh hùng” của Đảng và nhà nước ta thường là chuyện bịa. Nhất là những “huyền thoại” về lịch sử Đảng trước 1954.

Theo các “sử gia chui” này thì thời đó, cố vấn Trung cộng ra chỉ tiêu đấu tố cho nhà nước ta là phải có ít nhất là 5% điạ chủ do đó mà các đồng chí bèn bắt lung tung, bắt lộn cả người nhà.  Một trường hợp điển hình là bà Nguyễn Thị Năm, còn được  gọi là bà Cát Hanh Long, chủ đồn điền Đồng Bẩm ở Thái Nguyên. “Bà Mẹ Chiến Sĩ” này đã từng ủng hộ các chiến sĩ cách mạng từ thời kỳ còn hoạt động bí mật 1937-1938. Hai “xếp” Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt cũng đã từng “núp váy quai còng” cuả bà này. Hai ông con trai của bà đều là bộ đội giải phóng. Năm 1954, ông Nguyễn Công đã là Chính Ủy Trung Đoàn, ông Nguyễn Hanh là đại đội phó ngành Thông tin. Dân làng chất phát cho cố vấn Tàu biết bà Năm là người nhân từ, có công với kháng chiến, các con là bộ đội, bà đã từng nuôi nhiều chiến sĩ “cách mạng”. Nhưng Cố vấn Tàu và đội trưởng đấu tố thì nhất định cho rằng bà này có tội với nhân dân, là tay sai của thực dân và ra lệnh xử bắn. “Đồng chí” Hoàng quốc Việt, Ủy Viên thường vụ trung ương đảng- chạy về cầu cứu ông Hồ. Ông Hồ nghe rồi tuyên bố: Không thể mở đầu chiến dịch cải cách ruộng đất bằng cách đấu tố một người từng nuôi cán bộ và là mẹ một Chính Ủy Quân Đoàn đang tại chức như thế được . Ông Hồ nói sẽ cho ông Trường Chinh can thiệp nhưng bà Cát Thanh Long này cũng đã bị xử bắn. Các “sử gia chui” trên Internet cho rằng bác Hồ hùng hổ  với ông Hoàng Quốc Việt cho oai nhưng bác sợ mất lòng cố vấn Tàu nên không dám can ngăn.

Riêng thành tích cách mạng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được nhà nước ta ca tụng quá trời. Cho đến gần đây, cũng các “sử gia chui Internet” cho biết ông Viện được  gia đình cho đi Tây học và theo cộng sản t bên Tây. Thân phụ của ông làm quan tham tri của triều đình Huế, bị đội cải cách ruộng đất của ông Trường Chinh kết tội điạ chủ, phong kiến và nhốt vào chuồng nuôi hươu. Đến bửa ăn, họ đổ cơm lên lá chuối, bắt cụ quì xuống và sủa “gâu, gâu” mới  được ăn. Cụ thân sinh ra “nhân vật cách mạng” Nguyễn Khắc Viện tức cụ tham tri Nguyễn Khắc Niêm uất ức, nhịn đói mà chết. Như đã nói ở trên đây là những tài liệu do các “sử gia chui” trong nước cho lên Internet chứ không phải là quốc sử chính thức của nhà nước ta. Nhưng vì quốc sử của nhà nước có quá nhiều chuyện “anh hùng Lê Văn Tám” nên dân chúng thường hoang mang, tin  “sử chui” nhiều hơn “sử nhà nước” mới là chết chứ.

Cũng nên nhắc lại, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một trong những người đã dịch tài liệu bác Hồ ra tiếng Pháp hăng hái nhất vì ông Nguyễn Khắc Viện muốn thế giới phải biết đến cái vĩ đại của bác Hồ. Có con như ông này thì quả thật không cần có kẻ thù. Giặc Tây, giặc Mỹ nhiều khi thua …giặc con là vì thế.
Ngày nay với sự bành trướng của Internet, những giòng sử nói lên “sự thật” về lịch sử đảng chắc chắn không phải là một điều xa lạ với giới trẻ trong nước. Nhà giáo “ưu tú” Nguyễn Phan Quang lo thế hệ trẻ Việt Nam không có lý tưởng về quốc gia dân tộc cũng là điều dễ hiểu.

Có những con số thường được cho rằng không mang lại niềm vui hay hy vọng. Đó là con số 13 hay con số 35. Có ông nhà thơ, in thơ như đi chợ mua áo cho đào, ra tập thơ thứ 36 mà bỏ qua con số 35. Nay Đảng ra chuẩn bị Đại Hội 13 trong bóng đen của Cô-Vi và một nền kinh tế “xám xịt” toàn cầu nên Đào Nương cũng hơi lo cho tiền đồ của đảng ta. Chuyện chạy xem ai được vào, ai phải ra khỏi Trung Ương Đảng thì đã là chuyện thường ở huyện, khó lòng ghi được vào “quốc sử” nước nhà nên Đào Nương tôi đề nghị quí vị lãnh đạo anh minh ghi thêm vào chương trình nghị sự hai “đề án” cần khởi động ngay, muộn còn hơn không, để mở đường cho việc tên tuổi quí vị đi vào lich sử “thật” thay vì sử … bịa như “ngọn đuốc Lê Văn Tám” khiến trẻ con không còn coi trọng môn quốc sử như hiện nay.

• Đề án thứ nhất:  Cải cách chương trình Giáo Dục của Việt Nam


Tình hình Coronavirus chắc chắn sẽ không sáng sủa để du sinh Việt Nam ra nước ngoài tị nạn giáo dục trong vòng vài năm sắp tới. Do đó, quí vị lãnh đạo anh minh nên bắt đầu cải tiến chương trình giáo dục cho Việt Nam để tên tuổi của Đại Hội 13 của đảng CSVN thực sự được ghi vào môn Quốc Sử của Việt Nam: vào năm 2020, đảng CSVN đã biểu quyết đưa vấn đề giáo dục lên hàng đầu và bắt đầu từ cấp… một  mà VNCH gọi là bậc tiểu học. Các cô giáo, thầy giáo cấp 1 sẽ được huấn luyện trở lại cho đúng với “nghề thầy” được toàn xã hội tôn trọng. Sang đến Đại Hội 14 thì chúng ta cải tổ sang đến cấp 2. Đến Đại Hội 15 thì cải tổ sang cấp 3…

Nói thì dễ mà làm thì không dễ: Sách giáo khoa ngày nay không thiếu, thế giới cũng không thiếu những tấm gương về cải cách giáo dục để “quí vị lãnh đạo anh minh” noi theo. Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà chỉ khó vì lòng người bị mấy cái chữ “giai cấp bần cố nông” không còn ý nghĩa cản đường. Đảng viên đảng CSVN có ai là bần cố nông nữa đâu. Thử tưởng tượng Việt Nam 12 năm sau, chỉ qua 3 cái Đại Hội Đảng nữa là Việt Nam sẽ có một nền giáo dục “ngon lành” như Singapore thì thế giới sẽ nể phục sự anh minh của đảng ta như thế nào? Chứ như ngày nay, khi nhắc đến “ngài” Nguyễn Minh Triết, “quốc sử” chỉ ghi nhận được một “thành tính” khi “ngài” làm chủ tịch nước là khi ra nước ngoài ngài khoe “gái Việt Nam đẹp lắm” mà không thấy một thành tích xây nước hay dựng nước gì khả quan hơn cả. Việt Nam có rất nhiều tiến sĩ thiệt có, giả có, lo gì mà không soạn được một chương trình giáo dục cho … cấp 1 trong 4 năm của một Đại Hội Đảng. Không biết ngày nay, trẻ Việt Nam còn học làm tính kiểu: làng ta có một nữ anh hùng, tay không bẻ gẩy cổ 4 tên giặc ngụy. Chị giao 3 tên cho công an xử lý thế thì chị còn giữ ở nhà mấy tên? không? Hy vọng là không? Vì học làm tính kiểu này thì trẻ rất khó hội nhập khi trưởng thành.

Nhưng ngoài việc soạn lại sách giáo khoa, huấn luyện lại “thầy, cô”,  việc quan trọng hơn là phải “sửa” lại tư duy của cán bộ đảng về cái… nghề thầy. Chứ cán bộ mà “dê” cô giáo không được, hay nghe tin cô giáo phạt con mình thì lại đến trường bạt tai cô giáo thì lại hỏng.

Chuyện này nhỏ như con thỏ nên hy vọng Đại Hội 13 sẽ làm thành “dự án” cho 4 năm tới. Chuyện Biển Đông thì đã có ông Trump lo. Chuyện kinh tế thì cả thế giới cùng nghèo. Trung Quốc, Hoa Kỳ còn nghèo thì huống hồ gì Việt Nam. Lo Việt Nam … nghèo hơn Tàu, Mỹ là lo bò trắng răng.  Chỉ có cải tổ nền giáo dục tuy là chuyện quan trọng cho tương lai của đất nước nhưng lại nằm trong tầm tay với. Trường sở sẵn đó, cô thầy sẵn đó, vài ngàn ông tiến sĩ sẵn đó thì chỉ cần thêm một tí hoạch định, một tí “cách mạng cái đạo đức” là xong. Tại sao lại cần những trường Tiểu Học Quốc Tế ngay trong lòng quê hương? Đừng để câu danh ngônchuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” thành một biểu tượng cho cái “nghề thầy” tại Việt Nam. Một dân tộc có lịch sử mấy ngàn năm kiên cường chống Tàu, chống Tây, chống Mỹ như thế, một dân tộc sản sinh ra được một  Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam mà lại không có được một chương trình giáo dục hợp lý, hợp thời để con cháu Rồng Tiên cứ phải đi tị nạn giáo dục lang thang khắp nơi thì quả thật là tội nghiệp. Gặp mùa Cô-Vi, các cháu phải cầm biểu ngữ trước các tòa Lãnh Sự: xin nhà nước giúp cho chúng cháu về nước thì thật là vừa tốn tiền, vừa không học được chữ, vừa mất luôn cái lòng tự hào về “quốc sử” 4 ngàn năm văn hiến của nước nhà.   

• Đề án thứ hai: Cứu Dòng Sông Mekong và Đồng bằng Sông Cửu Long:


Ông bác sĩ kiêm nhà văn Ngô Thế Vinh ở Hoa Kỳ đang vận động để chánh phủ Việt Nam ngưng công trình mang tên  The Mekong Delta's Cai Lon Cai Be Project trong vô vọng. Quí vị có thể vào trang nhà của Viet Ecology Foundation tức Ủy hội Sông Mê Kông để biết dòng sông huyết mạch của Đồng Bằng Sông Cửu Long đang dẩy chết ra sao. Tổ chức này đang thúc giục các quốc gia Mê Kông đoàn kết để giải quyết tình trạng dòng chảy thấp vì Việt Nam và Cao Miên sẽ là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nếu những đập thủy điện tiếp tục được xây dựng trên dòng song Mê Kong

(Trích)

“Dòng chảy thấp đã khiến Biển Hồ (Tonle Sap) của Campuchia trải qua “điều kiện khô cạn cực đoan”, với các dòng chảy ngược thấp nhất trong lịch sử kể từ năm 1997.”
Từ 2018, lập lại 2019 và đang tái diễn 2020, trong 30 ngày qua, các hồ thuỷ điện tích nước lại nhiều vào nhanh và sớm từ đầu mùa mưa, khiến nhịp lũ chảy ngược vào Biển Hồ sẽ không có và có sẽ đến muộn. HĐ 1995 của các nước là phải bảo vệ lưu lượng và nhịp lũ  cho Biển Hồ, nhịp lũ mất ở Biển Hồ lúc này chính là là nửa lượng nước ĐBSCL thường có sẽ mất vào cả mùa khô.

Dù tổng số nước ra biển cả năm không thay đổi nhiều nhưng thay đổi nhịp lũ và chu trình dòng chảy vẫn là nguyên nhân gây ra lụt và hạn hán thêm khắc nghiệt. Ai biện minh cho Tàu và Lào không có trách nhiệm này giúp che đậy cho họ hại CB và VN.
Tàu biết nếu cung cấp số liệu các hồ chứa là cho thế giới chứng cứ họ gây tác động cho hạ du và đã vẫn nói láo. Việc họ hứa cung cấp số liệu vận hành thuỷ điện nhưng chưa bao giờ làm là che dấu sự thật.
Cả Tàu và Lào với thể tích khổng lồ có khả năng giúp bảo vệ dòng chảy sinh thái và tối thiểu lẫn nhịp lũ Biển Hồ nhưng không vì họ không để mất nước chạy tua bin và thất thoát lợi nhuận.
Năm 2019 TS Lê Anh Tuấn đã sớm cảnh giác hạn hán phải bớt lúa cho 2020, tình hình năm nay sang 2021 ĐBSCL cũng sẽ nguy vì hạn lần nữa và sẽ cứ mãi thế nếu VN không liên minh với CB để bảo vệ dòng chảy sinh thái cho lưu vực.

(Ngưng trích)

Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam đang có một công dân hạng nhất đang nghĩ hưu ở đấy là ông cựu Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng. Đài VOA vừa loan tin ông Nguyễn Tấn Dũng đã xuất hiện trở lại đọc diễn văn, trả lời phỏng vấn của đài VTV. Sông Cửu Long là giòng sông quê nhà của ông Dũng đấy thôi. Ước gì ông Dũng theo gương cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter. Ông Carter không phải là một tổng thống giỏi nhưng lại là một “cựu” tổng thống tuyệt vời. Từ khi hết nhiệm kỳ tổng thống, ông Carter đi khắp nơi, dùng uy tín của mình, giúp giải quyết những vấn nạn thế giới mà các tổng thống Hoa Kỳ tại chức không làm được.

Vấn đề Đồng Bằng Sông Cửu Long cạn nước đã được nhiều tổ chức quốc tế kêu cứu, la làng từ 20 năm qua kể từ khi Trung Cộng xây cất hàng trăm đập thủy điện khởi đi từ thượng nguồn sông Mekong khiến cho nguồn nước của sông Mê Kông khi đến những nước ở hạ nguồn như Việt Nam, như Cam Bốt bị cạn kiệt. Việc xây dựng những đập thủy điện hiện nay đã bị thế giới lên án và không còn coi là một phương cách cung cấp nguồn điện hữu hiệu nữa vì những biến đổi môi trường và địa chất trầm trọng do nó gây ra. Như đập thủy điện Renaissance ở Ethiopia đang giết chết dòng sông Nile, nguồn nước nuôi sống 280 triệu người của 11 quốc gia Phi Châu mà quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất là Ai Cập đang là một tranh cãi trên các diễn đàn thế giới về việc “tội ác đối với nhân loại” của những dự án này.

Bây giờ là thời điểm thuận tiện nhất để ông cựu thủ tướng Nguyễn tấn Dũng, công dân hạng nhất của Đồng Bằng Sông Cửu Long ra tay cứu lấy dòng sông quê nhà và 22 triệu đồng bào Nam Bộ của ông.  Những người nghiên cứu về dòng sông Mekong trong nước cũng như ngoài nước không thiếu, xin ông hãy giúp họ để tiếng kêu cứu của họ không rơi vào thinh không. Hãy để tên tuổi của ông đi vào lịch sử Việt Nam là người đã cứu giòng sông Mekong, con sông nuôi sống 22 triệu đồng bào Nam Bộ. Không ai có đủ tư thế hơn ông Nguyễn Tấn Dũng để lên tiếng về những vấn đề “nan giải” của sông Mekong và Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam vì đó là dòng sông quê nhà, là quê nhà của ông.

Với tai họa trước mắt sẽ xảy ra cho Hoa Lục nếu con đập Tam Hiệp sụp đ, việc Việt Nam lên tiếng phản đối Trung quốc tiếp tục xây những đập thủy điện chận nguồn nước của những quốc gia hạ lưu sông Mekong như Việt Nam, như Cao Miên chắc chắn sẽ được hậu thuẩn dễ dàng của dư luận thế giới. Một yếu điểm của đảng cộng sản Trung Quốc là họ không có bạn chỉ có đối tác trao đổi về thương mại và kẻ thù. Việt Nam cộng sản ngày nay có lẽ là quốc gia “bằng hữu” thân cận nhất của Trung Quốc. Do đó, nếu Việt Nam muốn có được sự “thông cảm” của “Thiên triều” trong đó có việc cứu giòng sông Mekong thì bây giờ là thời điểm thuận lợi nhất. Môi hở thì răng lạnh. Răng rụng hết thì môi hở hay khép cũng không còn ý nghĩa gì. Hãy để những trang sử ngày mai của  Việt Nam ghi lại những sử “thật” thay vì sử “bịa”. Vai trò của ông công dân hạng nhất, cựu thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng để cứu dòng sông Mekong, dòng sông quê nhà và đồng Bằng Sông Cửu Long của ông vô cùng quan trọng là vì thế.

ĐÀO NƯƠNG


 
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top