Phiếm dị, Đào Nương, Ở MỘT NƠI KHÔNG CÓ NGHIÃ TRANG

Phiếm Dị

Phiếm dị, Đào Nương
@ saigonweeklyonline.com (10/21/2023)

Ở MỘT NƠI KHÔNG CÓ NGHIÃ TRANG

Có lần tôi hướng dẫn một nhà báo ngoại quốc đi thăm khu Little Saigon ở Nam California, ông hỏi tôi về một nơi chốn mà tôi nghĩ rằng tượng trưng rõ nét nhất cho sự phát triển và cường thịnh của cộng đồng  Người Việt ở Hoa Kỳ. Câu trả lời dễ dàng quá: không nơi nào hơn là con đường Bolsa. Nhưng nếu có một nơi nào tượng trưng cho tinh thần gia đình, tinh thần dân tộc của người Việt Nam thì tôi lại nghĩ rằng đó phải là khu nghĩa trang Peek Family ở thành phố Westminster.

Không thể nói rằng đi đến nghiã trang thì vui được nhưng mỗi khi tôi đi viếng mộ cha tôi ở nơi này, nhìn hoa đủ màu rục rỡ cả một khu đất rộng, những nấm mộ đá trắng chen lẫn với màu cỏ xanh tươi, mùi trầm hương bay lừng trong không khí là tự dưng thấy lòng ấm lại. Việc đầu tiên ai cũng làm là đi lấy nước lau chùi mộ bia, thay hoa mới và thấp hương. Không ai bảo ai nhưng ai cũng thắp hương cho nhiều nấm mộ lân cận ngoài mộ người thân, như một lời khấn thầm, cầu mong cho tất cả linh hồn người đã khuất đều được siêu thoát, bình an.


Hôm nào có thì giờ tôi thường đốt một bó hương đi dạo qua những hàng mộ để thăm bạn bè thân quen và khám phá ra vô vàn “sáng tác thân thương” của người ở lại dành cho người đã ra đi. Những tấm lòng dàn trãi trên mặt bia bằng đá nhưng không hề khiến cho người đọc cảm thấy sự lạnh lẽo. Rải rác, khách viếng mộ lại nhìn thấy một tên tuổi thân quen vừa nằm xuống. Lại suýt xoa như lâu ngày được gặp lại bạn. Nhất là khi đó, trong tay sẵn một thẻ hương, một cuộn giấy trắng, cúi xuống lau vội mặt bia cho bạn mà như đang nói chuyện với người đã khuất, như mới hôm nào còn hẹn hò ăn với nhau một tô phở Nguyễn Huệ của ông anh Cảnh Vịt.

Có một dạo ban quản lý nghiã trang này đã phải ra thông cáo giới hạn sự trang trí “mộ thất” ra ngoài vòng kiểm soát. Bởi vì mỗi nấm mộ nơi đây là một sự tưởng tượng rất dồi dào về “trang trí mộ thất”. Có nơi trồng cỏ thành 3 tầng: một tầng cỏ xanh rất mịn vòng quanh ngôi mộ, một tầng cỏ trắng nằm giữa, tầng trên cùng cỏ màu tím, tỉa thành hình trái tim khiến tôi nổi “máu” tò mò muốn biết “chân dung” của chuyên viên “trang trí mộ thất” này. Những người giữ mộ cho biết người nằm xuống là một thiếu phụ trung niên, về Việt Nam ăn Tết vui quá mà quên luôn căn bệnh suyển kinh niên nên không mang thuốc theo. Ra khỏi phi cơ là bà ... té suyển tức là lên cơn suyển. (Khi tôi còn nhỏ, mỗi lần tôi giận, mặt xanh lè, khó thở là người nhà lại báo động: coi chừng “nó” té suyển ra thì khổ). Ông chồng đưa vợ vào bệnh viện nhưng bà qua đời ngay sau đó. Gia đình đem xác bà qua Hoa Kỳ chôn cất vì ở Việt Nam bà không còn thân nhân. Cái chết bất ngờ, tức tưởi cuả người vợ, người mẹ khiến ông chồng và ba cô con gái cứ quấn quít bên nấm mộ. Rồi vì trải qua nhiều giờ bên nấm mộ, họ mê say “trang trí mộ thất” cho bà: cắm cọc làm hàng rào, trồng hoa lấn sang những ngôi mộ bên cạnh, gây ra chuyện mếch lòng với ... thân nhân của những ngôi mộ hàng xóm…
  
Có nhìn ngôi mộ, hoa đủ màu nở quanh năm như vườn hoa Disneyland, tỉ mỉ và công phu, màu sắc hài hoà mới khâm phục khiếu thẩm mỹ của “người ở lại” của mộ phần này. Cho đến một sáng thứ năm, ngày nghĩa trang cho thay hoa, tôi thấy một cụ bà, còn khỏe, đẩy một xe kéo đầy hoa vào thay cho hoa chớm tàn. Khi tôi đưa tay phụ bà đẩy xe lên dốc cao, bà giải thích bà mang hoa chớm tàn về nhà nuôi dưỡng lại và thay vào đó là hoa mới nở, bà vừa mua ở Home Depot mang đến. Bà cho biết từ khi hai vợ chồng về hưu, ông hay rủ bà đi Home Depot … Bây giờ bà còn lại một mình, bà cũng theo thói quen của chồng, hay đi Home Depot nhưng để mua hoa cho mộ phần của ông.

Nhưng đó không phải là mộ phần duy nhất có hoa đẹp quanh năm. Một ngôi mộ khác luôn có hai chậu hoa lớn tướng, đẹp khác thường, khác hơn những chậu hoa thiếu chăm sóc và để ngoài nắng gió ở mộ phần. Hỏi bí quyết giữ hoa đẹp ngoài nắng gió như thế thì cụ bà cười tươi hồn nhiên: đâu có cô ơi, mỗi tuần vào chiều thứ Ba thì tôi đến “ôm” hai chậu cũ về nhà, đến sáng thứ Năm, họ dọn dẹp xong thì tôi mang hai chậu mới khác vào, bỏ hai chậu cũ đó ở nhà vài tuần nuôi dưỡng rồi sau lại thay đổi. Bỏ mặc ở đây nắng gió thì hoa nào mà chịu nổi. Tôi tò mò hỏi thêm: thế ai mang đi, mang về cho bác? Bà cho biết bà sang đây từ năm 1975 nên còn lái được xe. Nhìn bà cụ tóc bạc phơ, đi giữa hai hàng cây của khu nghĩa trang, mặc áo bà ba màu đà, mỗi tuần khệ nệ mang hai chậu hoa lớn ở nhà thay hoa trên mộ cho chồng mà như thấy lại hình ảnh của các bà mẹ Việt Nam, chân đạp lên đá sỏi, gánh gạo nuôi chồng tiếng hát nỉ non...

Nhắc lại, vì  tình trạng trang trí “mộ thất” của đồng bào ta đi đến tình trạng quá độ nên ban quản lý nghĩa trang ra thông cáo ... “dẹp” hết mọi “đồ trang trí” gây trở ngại cho việc cắt cỏ vào ngày Thứ Tư. Nghĩa là vào ngày Thứ Tư mỗi tuần, những chậu hoa trên mộ sẽ bị những công nhân dọn dẹp vứt hết trước khi họ cắt cỏ, dọn dẹp. Đó là lý do khiến cho những “người ở lại” cứ phải bê ra ngày Thứ Ba, bê vào ngày Thứ Năm…

Nhìn kỷ lại một chút, tôi thấy ngôi mộ bên cạnh ngôi mộ có nhiều hoa rất đẹp của “người hay đi Home Depot” lại là nơi yên nghĩ của một bằng hữu. Từ đó, khi nhắc về nơi yên nghĩ cuả bạn tôi, tôi thường nhắc đến chi tiết “bên cạnh ngôi mộ nhiều hoa rất đẹp” để chỉ đường cho những bạn ở xa muốn đến thắp hương cho người đã khuất.

 Ngôi mộ của bà Thái Hằng được “trang trí” bằng một quả tim rải sỏi trắng trên nấm mộ cỏ xanh. Ngôi mộ của nhà văn Mai Thảo lúc nào cũng có vài điếu thuốc và tàn thuốc lá nhưng ít khi có nhang đèn. Lâu lâu có ai đó để lại vài cành hoa trắng. Mặt bia mộ cuả ông Mai Thảo hơi thấp vì đất lún nên vào muà mưa hay bị ngập nước. Lâu dần bia bị nước làm bám vôi nên màu đá đen bạc dần, muốn lau cho sạch, cho khách bàng quan đọc được những vần thơ của ông không phải là chuyện dễ. Lần sau cùng, tôi thấy thân nhân đã nâng được bia mộ của ông lên cao hơn để tránh bị ngập nước vào mùa mưa. Ngôi mộ của thi sĩ Nguyên Sa ở sâu vào phía trong nên chung quanh không có nhiều “đồng hương” Việt Nam vây quanh. Không biết có phải vì ông sống và làm báo ở phố Bolsa trong 20 năm thì cảm thấy “tình đồng hương” đã đủ nên khi nằm xuống, ông không muốn quây quần, vui vẻ với “đồng hương” bên “Vườn Vĩnh Cửu”? Làm nghề báo ... chợ ở Hoa Kỳ, tôi nhớ ông thầy dạy Triết học và những câu nói để đời của ông. Khi có người phê bình báo ông dạo này hơi xuống câu trả lời: ông đi xuống hoài mà cũng chả gặp được đứa nào đi lên. Báo của ông không có gì để đọc, chỉ có quảng cáo. Câu trả lời: báo quảng cáo không đọc quảng cáo thì đọc cái gì?

Trong khu nghĩa trang riêng biệt của người Việt gọi là Vườn Vĩnh Cửu này có khu Công Giáo, khu Tin Lành, khu Phật Giáo và cũng có luôn đài tử sĩ tưởng niệm QLVNCH với cờ vàng ba sọc đỏ. Thử hỏi còn nơi nào thân mật, vui vẻ, đoàn kết giữa những người “đồng hương” hơn ở nơi này? Chỉ cần đi lang thang trong đó, bạn sẽ gặp lại bao nhiêu là “người muôn năm cũ” của thành phố Little Saigon này.

Trước đây, người Việt thường chôn cất hơn là hỏa thiêu. Vì “người” đã ra đi nhưng “người ở lại” khi đi thăm mộ, nghĩ rằng dưới ba thước đất kia vẫn còn đó hình hài quen thuộc. Cái mụt ruồi phía sau lưng bị tróc ra phân nửa do lần làm vườn bị vướng gai cây hồng vẫn còn đó. Mái tóc bạc, hàm râu thưa của cha... Có ngồi bên cạnh nấm mộ của cha hay mẹ, mới thấy tình anh em ruột thịt tưởng đã đứt lià do thời thế, do đất nước điêu linh bỗng nối lại như chưa hề có một ngày xa nhau. Như những bữa ăn chiều đạm bạc với cá kho tiêu, với nồi măng mới luộc, tiếng mưa đổ trên mái nhà của mùa lũ tháng mười như mới hôm qua. Nhìn bàn tay nhăn nheo của những ông anh, bà chị mà như nhìn thấy nụ cười của cha sau giờ làm việc trở lại nhà, hạnh phúc khi thấy bầy con ngoan ngoãn học bài dưới ngọn đèn dầu. Bữa cơm chiều hôm đó cha bảo: làm việc nặng nhọc đến đâu mà về nhà thấy các con ngoan như thế này là cha vui mà quên hết mệt. Câu nói đó như vang vang trong tiếng gió thổi qua hàng cây muồng vàng xơ xác cuả khu nghĩa trang của một ngày thu muộn. Rồi bâng khuâng khi nhớ ra rằng cha tôi nằm xuống đã lâu nhưng máu huyết cuả cha, của mẹ vẫn còn chảy trong châu thân cuả các con, như ngàn năm trước, ngàn năm sau, vẫn cùng một vầng trăng ở đáy mặt hồ!

Cách đây vài năm, chúng tôi có một buổi họp bạn nhân tang lễ của một người bạn. Câu chuyện hôm đó xoay quanh đề tài chôn hay thiêu sau khi qua đời. Những người bạn sinh sống nơi xứ lạnh, ít người Việt Nam hầu hết đều muốn được hoả thiêu. Nhất là các chị theo Phật giáo. Lý do, nằm ngoài trời lạnh thấy mồ, có gì mà ham. Chung quanh lại toàn là người khác chủng tộc. Hoả thiêu xong, đám tro tàn con cháu mang vào chùa, ngày đêm được nghe kinh kệ có phải hơn không? Chưa kể chuyện, một đám mộ hoang tàn không người thăm viếng buồn lắm dù không phải là “sè sè một nấm bên đàng” như mộ Đạm Tiên. Con cháu ở đây tản mát khắp nơi, không đông đảo như ở Việt Nam, làm sao có thể trông đợi chuyện chúng nó thường xuyên thăm viếng, săn sóc mộ phần của cha mẹ. Thôi thì chết là hết. Khoẻ cho chúng nó.

Hôm đó, hình như tôi là người đưa ra nhiều lý lẽ bênh vực cho chôn cất nhất. Không lẽ bây giờ lại thêm vào một lý do nữa. Đó là những khu nghiã trang người Việt ở xứ người. Tôi chưa thể nói gì về chuyện ... sau khi nằm xuống của mình, chưa nghĩ gì về chuyện này nhưng bây giờ thì mỗi khi đi thăm mộ cha tôi ở Vườn Vĩnh Cửu lại thấy ấm áp, thân quen và nghĩ rằng nếu phải trở thành một “cư dân” cho nơi này, hàng xóm toàn là người quen biết thì cũng OK. Hai mộ phần đầy hoa tôi viết ở trên đã có người nằm cạnh nên không còn nhiều hoa như trước nữa. Nấm mộ bên tay phải mộ cha tôi cũng đã có người “cư ngụ”, một luật sư đồng tuế với cha tôi. Nấm mộ bên tay trái là một cụ bà người Việt gốc Hoa, chết trước cha tôi vài tháng. Tuần nào tôi cũng thắp hương cho bà, lâu dần thấy như người thân. Con cháu bà ở xa nên ít khi thăm viếng nhưng lần nào viếng thăm thì cũng để lại những món quà rất dễ thương trên mộ mẹ. Khi thì một cái phong linh nhỏ, khi thì một con gấu nhồi bông nhỏ treo trên cành hoa tường vi bên cạnh đầu mộ. Những món quà nho nhỏ dễ thương đó khiến tôi hình dung hình ảnh một người mẹ dễ thương đang là “hàng xóm” của cha tôi. Cha tôi mất đã 25 năm. Tôi đi mộ gần như hàng tuần nhưng không “đụng đầu” những người thân bà cụ người Hoa này. Chồng bà mới mất cách đây 3 năm. Không biết bà có đợi ông sum họp ở dưới đó hay đã đi đầu thai kiếp khác. Mất đi một người vợ dễ thương như thế, sống một mình trong 20 năm của tuổi già chắc người đàn ông này không mấy buồn khi phải xa lìa dương thế.

 Con trai tôi hay đùa mẹ tôi khi bà còn sống mỗi khi nó đưa bà ngoại đi thăm mộ ông ngoại: ông ngoại có bạn rồi, ông không còn nhớ bà ngoại nữa đâu. Mẹ tôi đã nhận “nhà mới” bên cạnh cha tôi từ nhiều năm nay rồi. Bà thường lẩm nhẩm một mình mỗi khi ra thăm mộ chồng: mai mốt tôi về với ông đó.

*

Mới đây một bài báo trên New York Times nói về một hiện tượng ít ai để ý về nước Tàu. Hoa Lục là quốc gia duy nhất trên thế giới có một tỷ tư người nhưng không có nghiã trang. Từ khi Trung Hoa bị nhuộm đỏ năm 1949, Trung Cộng coi chuyện tang ma, thờ cúng là vô thần, là hủ tục tiểu tư sản cần phải dẹp bỏ. Nói gì chuyện nghiã trang. Cứ chết là hỏa thiêu. Trong thời kỳ cách mạng văn hóa, ngay cả những ngôi mộ cổ cũng bị đảng cộng sản Trung Hoa cho đào bới để lấy đất làm vườn hoa, trường học ... dưới danh nghĩa trồng người. Tương tự như Việt cộng đã làm với những nghĩa trang trong thành phố miền Nam, nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi ở Saigon, nghĩa trang quân đội Biên Hoà. Nghĩa là “người sống’ đuổi “người chết’ nhiều lần mỗi khi có dự án, cần đất. Cứ vài năm người miền Nam lại phải dời mộ thân nhân một lần.

 Sau 70 năm cộng sản, Trung cộng không còn nghĩa trang, nghĩa là chế độ cộng sản chỉ có dấu tích của sự sống khốn cùng nhưng tẩy sạch mọi dấu tích của sự chết dù là chết vinh hay chết nhục. Thử tưởng tượng một dân tộc không có một ngôi mộ, một nghiã trang, không còn sự tiếc thương, sự nhớ ơn cuả người sống dành cho người đã khuất.

Đảng cộng sản Trung Hoa đã kỹ lưỡng xoá cả tên trên bản đồ ngôi làng nổi tiếng nhất Trung Hoa từ nhiều thế kỷ về nghề làm hòm bằng gỗ trầm hương. Ngôi làng mang tên Liễu Châu có con đường đi qua mang tên Phước Lộ từ nhiều thế kỷ nổi tiếng với nghề chạm trỗ áo quan. Trước khi cộng sản nhuộm đỏ  Trung Hoa, tang chế là một vấn đề trọng đại của gia đình Trung Hoa. Nhiều người già sống với chiếc hòm của mình trong nhà nhiều năm trước khi chết.

Theo bài báo trên New York Times thì ngôi làng Liễu Châu được đặt tên theo một thi sĩ nổi danh từ thế kỷ thứ 9 có tên là Liễu Châu Dương. Ông này bị vua đày đến một ngôi làng hẻo lánh vì phạm tội gì đó. Khi ông mất ở làng này, một nơi nổi tiếng về áo quan bằng gỗ trầm hương, con cháu đưa quan tài ông về nơi chôn nhau, cắt rốn ở miền Bắc Trung Hoa. Lộ trình gian nan kéo dài trên 6 tháng trời nhưng khi áo quan được mở ra để linh hồn người chết được tế thiên địa, tổ tiên trước khi chôn xuống đất theo cổ tục thì mầu nhiệm thay thân xác ông tươi đẹp như ông vừa mới mất đêm qua. Vì thế ngôi làng làm áo quan này được đặt tên là Liễu Châu và lộ trình 6 tháng này được gọi là Phước Lộ.

Năm 1996, sông Liễu Giang nhận chìm 4 phần 5 ngôi làng này dưới bùn. Chính quyền cộng sản Trung Hoa muốn xóa luôn huyền thoại về những cổ áo quan trầm hương đã đi vào lịch sử và văn hoá Trung Hoa nên đã đổi Phước Lộ thành Mộc Lộ. Khách đến Liễu Châu ngày nay không còn nghe mùi trầm hương, không còn cảm thấy không khí thiêng liêng của những cổ áo quan nặng nề, chạm trổ công phu mà chỉ thấy những đàn gà chạy quẩn quanh bên những khúc cây trầm hương nham nhỡ còn sót lại trên mặt đất.

Từ năm 1985, Trung cộng đã bớt nghiêm khắc việc chôn cất. Nhất là  tại những vùng hẻo lánh, thật xa nơi đô thị. Tóm lại, Trung Hoa Lục Địa đang trên đường thành biến một cường quốc thứ hai về kinh tế nhưng nước Trung Hoa đã mất đi nền văn hoá của Lý Bạch, của Tô Đông Pha, mất tinh thần thượng võ, trọng đạo đức, luân lý khổng mạnh, lão tử.

Sáng hôm nay, khi thơ thẩn trong Vườn Vỉnh Cửu, khi đầu đã hai thứ tóc, lại phải tự hỏi mình về cách sống ở đời. Được là một cường quốc kinh tế trong danh dự, bảo vệ được nền văn hoá, bảo vệ được danh dự cuả dân tộc như người Nhật thì quí lắm thay. Nhưng một quốc gia như Trung Cộng coi việc ăn cắp bản quyền là quốc sách, toàn dân chỉ biết chạy theo đồng tiền, từ chính phủ đến dân, không từ bỏ bất cứ chuyện gì là không làm, đánh mất cả văn hoá, cả luân lý, đạo đức của dân tộc như người Trung Hoa Cộng sản hiện nay thì thật là điều đáng buồn cho dân tộc Trung Hoa. Từ nay, khi nhắc đến Trung Hoa, người ta không còn nhắc đến Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Tô Đông Pha, Lý Bạch hay Thiếu Lâm, Võ Đang mà người ta chỉ nhắc đến một điều duy nhất: đó là nơi sản xuất thật nhiều, thật rẽ mọi sản phẩm cho toàn thế giới nhờ ăn cắp kỷ thuật, mạo hoá, biến con người thành một công cụ sản xuất, dối trá, lọc lừa. Trung Cộng đã không chỉ xóa tên một làng Liễu Châu ra khỏi bản đồ xứ họ mà cùng lúc Trung Cộng cũng đã xóa luôn một nền văn hóa từ bao ngàn năm qua là kim chỉ nam cho nhiều dân tộc Á Châu trong đó có Việt Nam. Thật là một cái nghiệp quá nặng cho dân tộc Trung Hoa vậy!
 
ĐÀO NƯƠNG


 
Nguyễn thị Cỏ May: Âu châu kêu gọi 450 triệu dân hãy mua gạo dự trử
An ninh trước hết là cái bếp có hoạt động hay không nên Âu châu kêu gọi dân lo phòng thủ dân sự để đối phó với những khủng hoảng ngày càng đa dạng  và hung hản.  Mọi gia đình phải lo dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, ít lắm phải đủ cho 1 tuần. Ở ba nước Bắc Âu, Phần-lan, Na-uy và Thụy-điển, chánh phủ vừa cho phổ biến tới tay người dân bản hướng dẫn chi tiết 32 trang nhắc nhở phải mua sắm những thứ cần thiết cho đời sống hằng ngày, tối thiểu, đủ cầm cự cho 72 giờ.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top