Phiếm Dị, Đào Nương
www.saigonweeklyonline.com /Sept26/2022Nhất tướng công thành, vạn cốt khô…
Tôi cũng như nhiều triệu người trên thế giới đã mất mấy tiếng đồng hồ ngày thứ hai 19 tháng 9 năm 2022 để theo dõi đám tang của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Cũng như có một ngày của năm 1981, tôi cũng như nhiều triệu người trên thế giới đã mất mấy tiếng đồng hồ để theo dõi đám cưới của Thái Tử Charles và công nương Diana. Điều khác biệt là năm 1981, tôi hào hứng theo dõi anh chàng “Thái Tử Charles” đẹp trai và cô công nương ngây thơ Diana nhiều bao nhiêu thì bây giờ hình ảnh của Vua Charles Đệ Tam cùng bà “tiểu tam” tức bà Camilla lại làm tôi chán bấy nhiêu. Có thể vì bây giờ chúng tôi đã cùng …. già như nhau. Tôi của năm 1981, chắc cũng ngu ngơ, khờ dại, nhiều mơ mộng như cô thiếu nữ Diana, hình ảnh ngày cưới của họ đã làm tôi quên đi trong chốc lát cái đời vất vả của một bà mẹ độc thân lưu vong. Bây giờ, một “ông chồng” mất nết lên ngôi vua, một ‘tiểu tam” lên ngôi Hoàng hậu, một người vợ đau khổ đã chết một cái chết thảm khốc, bỏ lại hai đứa con còn dại khờ … Ở đời, không ai học được chữ ngờ thật.
Phải đau khổ đến đâu thì một người đàn bà mới đủ can đảm quay lưng, bỏ lại phía sau ngôi vị ‘công nương”, vợ của Vua nước Anh tương lai, vì không chấp nhận cho sự phản bội lường gạt có xếp đặt của người chồng và cả một triều đình. Những ngày qua, cuộc đời đau khổ của công nương Diana lại được lập đi, lập lại như một cái bóng đen bao phủ lên những hào nhoáng của hoàng gia Nước Anh trong ngày tang lễ của nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Theo những sử gia, thì khi phát giác ra mối tình tay bà của chồng tức Thái Tử Charles, bà Diana đi tìm mẹ chồng tức nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị để xin bà can thiệp vì “tình nhân của ông” tức bà Camilla đã trở thành một tùy viên chính thức, được trả lương và công khai đi theo Thái Tử Charles khắp nơi, ngay cả trong những chuyến công du chính thức hay xuất hiện cùng với ông tại những nhiều sự kiện mà bà Diana vắng mặt. Đời sống gia đình “tay ba” khiến bà Diana vô cùng đau khổ và bà cầu xin Nữ Hoàng Elizabeth can thiệp. Câu trả lời của nữ hoàng Elizabeth là sẽ không can thiệp vào đời tư của thái tử Charles và họ phải tự giải quyết với nhau. Có thêm hai đứa con trai, William và Harry, tình trạng cũng không khá hơn khiến người vợ trẻ đã có những quyết định của riêng mình trong cô đơn, trong sự im lặng đồng lõa của cả một triều đình. Tất cả đã im lặng, đã đồng lõa với gian phu, dâm phụ, đã coi như việc bà phải chấp nhận sự sắp xếp này là một chuyện bình thường để được làm hoàng hậu nước Anh. Bà Camilla là một người có chồng, chồng bà, ông Andrew Bowles Parker lại là bạn thân của thái tử Charles.
Công nương Diana (ngày cưới ) và năm 1997 trước khi qua đời.
Sau đó, khi thấy công nương Diana u uất quá, nữ hoàng Elizabeth còn ỡm ờ cho biết là miễn là bà Diana kín đáo để giữ thể diện cho hoàng gia, còn đời sống riêng tư, bà Diana muốn làm gì cũng được, ngay cả chuyện có nhân tình. Khi chuyện lăng nhăng của thái tử Charles, những lá thư, những cuộc ghi âm tình ái của ông và nhân tình Camilla, việc công nương Diana công khai việc tình cảm với một cận vệ lộ ra ngoài quần chúng thì nữ hoàng Elizabeth buộc lòng cho phép họ ly dị. Nữ hoàng Anh biết rằng bà không thể cứu vãn cuộc hôn nhân này được nữa vì danh vị hoàng hậu tương lai không phải là tất cả với công nương Diana như bà và triều đình Anh … suy bụng ta ra bụng người. Bây giờ là thế kỷ 21 khó lòng lấy thúng úp miệng voi với truyền thông hiện đại.
Sau khi ly dị, Bà Diana được giữ tước vị “Công Nương xứ Wales”, được ở lại trong cung điện Kensington vì dù sao, bà cũng là mẹ của hoàng tử William, người sẽ kế vị ngai vàng nước Anh sau Thái tử Charles nhưng sẽ không được đại diện hoàng gia trong các hoạt động bên ngoài nữa. Bà Diana cũng sẽ không còn được bảo vệ an ninh bởi cảnh sát Anh như một yếu nhân, sẽ được nhận trợ cấp 1.2 triệu đô la hàng năm và một khoản tiền “bồi thường” không nhỏ. Đó là lý do thầm kín khiến hoàng tử Harry rất oán hận những ký giả săn ảnh, báo chí Anh và cả hoàng gia Anh vì ông nghĩ rằng nếu mẹ ông tức công nương Diana vẫn còn được hoàng gia bảo vệ như một “công nương xứ Wales – Princess de Wales” thật sự, như một người mẹ của vua nước Anh trong tương lai thì có thể báo chí Anh đã không làm nhục bà đến thế, nếu được bảo vệ an ninh thì có thể bà đã không bị tai nạn xe và chết thảm khốc khi mới 36 tuổi. Vì cái chết của bà đã giải quyết cho hoàng gia Anh nhiều rắc rối và mâu thuẫn (như bà có thể sẽ lập gia đình lại và vị vua tương lai của nước Anh là hoàng tử William sẽ có một người cha kế) nên có nhiều giả thuyết cho rằng bà Diana bị “giải quyết” êm đẹp để tránh những chuyện “đau đầu” cho hoàng gia Anh.
Những người dàn bà đau khổ trong hoàng gia Anh
Nhưng công nương Diana không phải là người đàn bà duy nhất trong hoàng gia Anh đau khổ. Thế giới nhìn thấy nước Anh qua hình ảnh của một vị nữ hoàng xinh đẹp, hạnh phúc, một người mẹ hiền, một người vợ ngoan, một hình ảnh tuyệt đẹp mà hoàng gia Anh bằng mọi cách phải bảo vệ mà đã quên đi số phận hẩm hiu của những phụ nữ khác trong hoàng gia Anh. Có thể nói nữ hoàng Elizabeth II là một phụ nữ tốt số nhất trên cõi đời này. Bà gặp hoàng tế Philip khi bà mới 13 tuổi, yêu ông khi gặp lại lúc 16 tuổi và 19 tuổi thì lấy ông, 25 tuổi bước lên ngai vàng, sống hạnh phúc cho đến cuối đời với 4 người con.
Hoàng tế Philip tuy cũng là dòng dõi hoàng gia Hy lạp nhưng lại một cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi, có tiếng mà không có miếng dù có cha là hoàng tử Andrew của nước Hy Lạp và mẹ là công chúa Alice của nước Anh, cùng có nữ hoàng Victoria là bà cố như nữ hoàng Elizabeth II. Công chúa Alice sinh ra tại lâu đài Windsor. Mẹ công chúa Alice là em ruột của hoàng hậu nước Nga, vợ của Nga Hoàng Nicholas bị dân quân Nga giết chết năm 1911. Công chúa Alice bẩm sinh là một người bị khiếm thính. Hoàng gia Hy lạp là một hoàng gia “lênh đênh” nhất trong các triều đình tại Âu Châu từ đầu thế kỷ 20. Đó có thể là lý do hoàng tử Andrew of Greece đồng ý lập gia đình với nàng công chúa Alice tật nguyền của nước Anh. Họ có với nhau 4 cô con gái và một cậu con trai út là hoàng tế Philip, chồng tương lai của nữ hoàng Anh quốc Elizabeth Đệ Nhị.
Khi Hy lạp chấm dứt chế độ quân chủ và biến thành một quốc gia cộng hòa, Hoàng tử Andrew khi sống lưu vong đã mang theo nhân tình nhưng không mang theo vợ con, công chúa Alice phải mang các con về quê ngoại ở Anh. Sự đau khổ khi bị chồng bỏ rơi, vì cò quá nhiều người thân bị giết chết trong thời kỳ chiến tranh, khiến bà quay về với niềm tin tôn giáo … một cách không bình thường. Bà thường nằm mơ, có ảo giác là Đức Chúa Jesus về thăm, an ủi, chăm sóc bà như một người tình chứ không phải như là một đấng thiêng liêng. Mẹ của bà, công chúa Victoria of Battenberg là người quyết định đưa bà vào những bệnh viện tâm thần ở Thụy Sĩ và sau đó là ở Berlin, Đức Quốc mặc dù bà phản đối. Thời đó, bệnh viện tâm thần là một trại giam không có ngày về, người bị đưa vào đó là tù nhân chứ không phải là phạm nhân. Trong cuốn sách viết về Hoàng tế Philip, ông kể khi ông 9 tuổi, một buổi chiều ông được đưa đi ra ngoài chơi, trở về thì thấy mẹ ông tức công chúa Alice bị 4 người đàn ông áp đảo lên xe và chở đi mất biệt. Đó là lần cuối cùng ông được gặp mẹ cho đến khi ông trưởng thành và lập gia đình. Bá tước Mountbatten, một đề đốc của Hải Quân Hoàng Gia Anh, cậu của nữ hoàng Elizabeth là người quyết định đem cậu bé mồ côi, nhút nhát về nuôi dưỡng. Sau đó, ông gia nhập Hải Quân và mang hàm đại úy khi ông lập gia đình với công chúa Elizabeth, nữ hoàng tương lai của nước Anh.
Công chúa Alice, mẹ chồng của nữ hoàng Elizabeth trong ngày lễ đăng quang của nữ hoàng Elizabeth II.
Khi họ gặp nhau lần đầu công chúa Elizabeth mới 13 tuổi. Ba năm sau gặp lại, bà mê mẫn cậu hoàng tử Hy lạp, đang là một sĩ quan Hải Quân của Hoàng Gia Anh. Bà nhất quyết sẽ lập gia đình với ông mặc dù nhiều người trong hoàng gia Anh phản đối vì gia cảnh của ông quá tệ: cha sống lưu vong với nhân tình, mẹ sau 3 năm ở dưỡng trí viện được tha cho ra ngoài nhưng không được về Anh quốc, đã trở về thủ đô Athens của Hy lạp sinh sống.
Tại thủ đô Athens, bà đã bán hết tư trang để thành lập một chủng viện Do Thái Orthodox ở đây. Khi Đức quốc Xã chiếm đóng Hy lạp, lợi dụng ưu thế hoàng gia của mình, công chúa Alice đã che chở cho nhiều gia đình Do Thái ở Hy lạp tránh được sự giết hại của Đức Quốc Xã. Một thời gian sau, tuy không khấn nguyện chính thức để thành một tông đồ thật sự, công chúa Alice đã mặc áo xám của các ma sơ cho đến cuối đời, ngay cả khi tham dự lễ đăng quang nữ hoàng của công chúa Elizabeth năm 1952.
Có một giai thoại khá thú vị về căn bệnh tâm thần của công chúa Alice này. Trong thời gian ở dưỡng trí viện, công chúa Alice đã được một chuyên viên tâm thần nổi tiếng nhất thế giới là bác sĩ Sigmund Freud nhận chữa trị. Đây là cha đẻ của việc dùng tâm lý để trị bệnh tâm thần ngày nay bằng cách bệnh nhân và bác sĩ trao đổi những câu chuyện, những giấc mơ để trị bệnh. Đây cũng là cha đẻ của quan niệm giải phóng tình dục để trị bệnh. Nhưng bác sĩ Freud lại không dùng tâm lý để trị bệnh cho công chúa Alice mà lại khuyên các bác sĩ trị bệnh cho bà nên đi chụp X Ray bộ phận sinh dục của bà vì ông nghĩ bà bị chứng rối loạn kích thích tố sinh dục của thời kỳ mãn kinh cộng thêm chứng trầm cảm mà thành. Thời đó, việc đề nghị chửa trị như thế là một xúc phạm ghê gớm với một bà công chúa quyền quí của nước Anh. Vậy mà theo người bạn giới thiệu bác sĩ Freud chữa trị bệnh cho bà thì những bác sĩ của dưỡng trí viện đã làm điều này mà không có sự đồng thuận của bệnh nhân. Cũng không biết là sau đó, bệnh của công chúa Alice có thuyên giảm nhờ cách trị liệu cơ thể này không hay đó là nhờ những buổi trò chuyện với bác sĩ Freud, công chúa Alice đã thú nhận thời còn con gái bà đã yêu tha thiết một người nhưng bà không cho biết lý do vì sao không lấy được người này. Cho đến ngày nay, cũng không ai biết được người đó là ai, và vì sao bà Alice này phải mượn hình ảnh chúa Jesus thay thế người này trong những giấc mộng của bà.
Dù sao thì sau đó, công chúa Alice được “tha” khỏi dưỡng trí viện nhưng không được về nước Anh, không được gặp gỡ các con. Ngay cả ngày cưới của 4 cô con gái, bà cũng không được tham dự. Nhưng khi con trai bà tức hoàng tế Philip lấy công chúa Elizabeth, vị vua tương lai của nước anh thì bà có tham dự. Khi đó bà đã già và giữa tiệc cưới xa hoa lộng lẩy của hoàng giaAnh, bà mặc áo ma sơ máu xám đi giữa mọi người.
• Định Mệnh được làm Vua
Thật ra công chúa Elizabeth đã không là nữ hoàng nước Anh nếu người bác của bà là Vua Edward VIII không thoái vị khi không thể lập gia đình với một phụ nữ Mỹ đã ly dị là bà Wallis Simpson năm 1936. Vua nước Anh đồng thời cũng là người đứng đầu Anh quốc giáo, không thể lập gia đình với một người đã ly dị. Đây là một trường hợp hãn hữu, chưa hề có trong lịch sử nước Anh, một vị vua từ bỏ ngôi hoàng đế nước Anh để theo đuổi tình yêu của một người đàn bà đã ly dị.
Vua Edouard VIII thoái vì vì không thể lập gia đình với một phụ nữ Mỹ đã ly dị là bà Willis Simpson.
Vua George VI, thân phụ của bà Elizabeth lên ngôi vua sau đó. Nhà vua mất sớm khi mới 57 tuổi vì bệnh ung thư phổi. Hoàng hậu của ông cũng tên là Elizabeth và thường được gọi là The Queen Mother sau này. Bà hoàng “mẹ” thường trút nỗi oán hận về sự vắn số của người chồng tức vua George VI lên người anh chồng thoái vị tức vua Edward VIII. Hoàng Thái Hậu Elizabeth cho rằng chồng bà là ông hoàng… secours, ông hoàng hai, the spare. Ông không được chuẩn bị tinh thần, về giáo dục, về chính trị để làm vua. Bản chất Vua George VI là một người hiền hòa, thích đọc sách, không thích chính trị. Ông lại bị một khuyết tật rất trầm trọng là mắc bệnh nói lấp. Sau này có một cuốn phim, The King’s Speech đã kể lại sự khó khăn tập luyện của ông để có thể đọc bài diễn văn nhận ngôi vua một cách trơn tru, không nói lắp. Sự kiện phải làm vua… đột xuất, nhất là vua đế chế Anh trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất trên toàn thế giới, từ 1936 đến 1952, nhiều thuộc địa đòi độc lập khiến vua George VI thường xuyên sống trong lo lắng. Ông chịu nhiều áp lực chính trị từ mọi phía, ông hút thuốc lá không ngừng tay. Sức khỏe của ông suy sụp nhanh chóng rồi qua đời năm 1952 khi mới 55 tuổi, giao ngôi vua lại cho đứa con gái đầu lòng mới 25 tuổi. Hoàng thái hậu Elizabeth là người chống đối việc con gái Elizabeth đòi lấy ông hoàng nghèo Hy Lạp Philip hơn ai hết vì bà không nhìn thấy người này sẽ là một điểm tựa vững chắc cho con. Nhưng bà không phản đối nhiều vì bà cũng không nghĩ là chồng bà, vua George VI lại qua đời sớm như thế. Đó là lý do mà giữa chàng rễ Philip và mẹ vợ không có một mối liên hệ mật thiết suốt cuộc đời còn lại của bà.
Vua Geoege VI và hoàng hậu Elizabeth, cha mẹ của nữ hoàng Elizabeth II
Nhưng công chúa Elizabeth đã lập gia đình đúng người. Người bà yêu thương là một ông hoàng nghèo kiết xác nhưng đẹp trai và an phận, suốt đời làm một hoàng tế, đi sau lưng vợ và không “dám” gây ra tai tiếng gì. Đến năm 1967, khi đó mẹ của ông là công chúa Alice đã quá già, ông mang mẹ về ở chung trong cung điện Buckingham Palace với mình. Người viết sử kể rằng trong hai năm cuối đời của công chúa Alice, hình ảnh một bà sơ Orthodox mặc áo “sơ” màu xám đi lại trong những hành lang của điện Buckingham, cưới nói vui vẻ với mọi người là những hình ảnh khó quên.
Nữ Hoàng Elizabeth II trong ngày thành hôn với hoàng tế Philip (1948) và 72 năm sau, 2020
Nhưng không phải chỉ công chúa Alice hay bà hoàng “mẹ” Elizabeth là những người đàn bà duy nhất đau khổ trong lịch sử “vĩ đại” của hoàng gia Anh. Những thế hệ kế tiếp còn có những người đau khổ hơn nhiều
• Người đau khổ vì tình, chết trong nghiện ngập, bệnh tật là cô em gái xinh đẹp của nữ hoàng Elizabeth, công chúa Margaret.
Công chúa Margaret có một nhan sắc rực rỡ, tính tình nhạy bén, rất thông minh hơn hẳn người chị. Bà lại có khiếu về nghệ thuật, về âm nhạc. Khi thế chiến thứ hai chấm dứt, để tưởng thưởng cho những anh hùng quân đội, đại úy không quân Peter Townsend được điều động về làm sĩ quan kỵ binh cho vua George VI. Đó là năm 1944, cô bé Margaret 13 tuổi. Đại úy Townsend được coi là một người hùng của quân đội Anh trong thế chiến thứ II. Ông rất được lòng vua George VI. Đó là một người trầm tĩnh và một chiến binh hào hùng của một nước Anh vừa được giải phóng. Nhà vua và hoàng hậu đều yêu quý ông. Vua George VI còn công khai coi ông như một người con trai mà nhà vua không có. Đại Úy Townsend rất đẹp trai, trầm tỉnh, nho nhả.
Công chúa Margaret và “người hùng thế chiến” Anh quốc Peter Townsend
Công chúa Margaret khi về già, chứng nghiện rượu và thuốc lá khiến bà mất một lá phổi khi mới 50 tuổi và qua đời ở tuổi 72 năm 2002.
Ông Townsend lớn hơn cô công chúa Margaret đến 15 tuổi nên việc cô quấn quít theo ông để được học cưỡi ngựa hay tò mò hỏi chuyện ngoài đời lúc đầu cũng không khiến nhiều người chú ý mặc dù cô chị Elizabeth đã trêu cô rằng: Em xui thật, ông Townsend có vợ rồi đấy. 7 năm sau, khi công chúa Margaret 21 tuổi thì đại úy Townsend ly dị vợ vì người vợ ngoại tình. Năm sau, 1952, nhà vua George VI băng hà, nữ hoàng Elizabeth II kế vị, gia đình bà dọn về cung điện Buckingham Palace. Riêng Hoàng Thái hậu Elizabeth cùng công chúa Margaret dọn về cung điện Clarence. Đại úy Townsend được biệt phái trở thành sĩ quan tùy viên cho bà hoàng “mẹ” cùng lúc với chuyện ông ly dị vừa kết thúc. Chuyện gì đến thì phải đến. Năm 1953, ông cầu hôn cô công chúa em gái duy nhất của nữ hoàng Anh Quốc mà khi yêu, ông quên đi rằng ông là một người đã ly dị, một sĩ quan nghèo, định sống bằng nghề viết văn sau khi giải ngủ.
Nước Anh có một đạo luât từ năm 1774 cấm nhà vua và trực hệ nhà vua lấy người đã ly dị. Vì Vua nước Anh đồng thời cũng lại là người đứng đầu Giáo Hội Anh quốc Giáo. Muốn lấy người ly dị thì phải từ khước quyền nối ngôi và không được hưởng bổng lộc của hoàng gia. Tuy cuộc tình của họ được sự ủng hộ của Hoàng Thái Hậu, của Nữ Hoàng, của Thủ Tướng Anh lúc bấy giờ là Churchill nhưng không được sự đồng thuận của Giáo Hội và Hội Đồng Hoàng Tộc khư khư giữ lấy luật lệ từ 300 năm trước. Lúc đó, nữ hoàng Elizabeth mới lên ngôi, bà xin cô em Margaret chờ đợi đến năm 25 tuổi (tuổi có thể quyết định kết hôn không cần sự cho phép của nữ hoàng) vì bà không muốn bà phải là người ra lệnh cấm em kết hôn cùng người em yêu mà cũng không muốn chống lại Hội Đồng Hoàng Tộc và Giáo Hội. “Hai trẻ” yêu nhau cũng đã đồng ý như thế, sẽ không công khai cuộc tình của họ cho đến khi công chúa Margaret 25 tuổi. Nhưng rồi, chuyện bị báo chí Anh khám phá ra sớm hơn, cuộc tình của cô em gái duy nhất của nữ hoàng Anh và một người ly dị vợ nổ bùng trên toàn thế giới, một thế giới không chiến tranh, tự do và dân chủ hơn đã dành nhiều cảm tình cho họ, lên án một nước Anh bảo thủ lạc hậu. Đại Úy Townsend được điều động đi làm Tham vụ Ngoại Giao tại Belgique vì hoàng gia Anh quyết định không chấp nhận cuộc tình của họ, việc xa mặt sẽ làm cho họ cách lòng, rồi họ sẽ phải chia tay nhau thôi.
Công chúa Margaret, đại úy Townsend và Hoàng Thái hậu Elizabeth.
Năm sinh nhật công chúa Margaret 25 tuổi, gần 500 ký giả quốc tế tụ tập ngoài cung điện Balmoral để chờ cô tuyên bố về quyết định của cô trong cuộc hôn nhân của cô và “người hùng” Townsend. Nhưng ông Townsend đã quá mệt mỏi trong việc chống lại hoàng gia Anh, việc yêu nhau trong lén lút, dấu diếm, việc bị báo chí Anh nhục mạ là cố đấm ăn xôi, trong cuộc tình vương giả này, ông không thể đem lại hạnh phúc cho một cô công chúa nước Anh bằng đồng lương ít ỏi của mình nhưng cũng không “hèn” để nhận ân huệ “lén lút” của hoàng gia Anh. Công chúa Margaret cũng vậy, bà đã quen sống trong lâu đài, dinh thự, kẻ hầu, người hạ, sống đời làm vợ một người dân nghèo, không còn nhận bổng lộc của hoàng gia thì chnhaắc là bất khả. Cuộc tình phải chấm dứt thôi nhất là khi nữ hoàng Elizabeth II dứt khoát không yểm trợ họ dù bà rất thương em. Bà đã đặt hoàng gia trên tình cảm riêng. Rốt cuộc, hai người yêu với một cuộc tình lén lúc trong nhiều năm dài đã ngồi lại viết một bản thông cáo báo chí chung tuyên bố chấm dứt cuộc tình không may.
3 năm sau, ông Townsend lập gia đình trước với một phụ nữ trẻ rất giống công chúa Margaret. Ông đã không giữ lời thề không bao giờ lấy ai nữa hết, giữa hai người. Công chúa Margaret lúc đó đã 30 tuổi, đã qua thời con gái, với một cuộc tình kéo dài nhiều năm đầy tai tiếng, bạn bè đồng lứa, môn đăng hộ đối đều đã có gia đình. Khi bà quyết định lập gia đình gặp một người thứ dân “chưa ly dị” nhưng rất tầm thường, một nhiếp ảnh viên chuyên chụp hình cho hoàng gia, ông Snowdon, thì không ai phản đối cả, cả Giáo Hội Anh giáo và Hội đồng Hoàng tộc. Bà có hai đứa con với người này rồi ly dị vài năm sau đó. Ông chồng Snowdon dù được nữ hoàng ban cho tước vương, Lord Snowdon, vẫn lấy vợ ngay sau đó. Sức khỏe công chúa Margaret suy tàn nhanh chóng vì bà nghiện rượu và hút thuốc lá không ngừng. Những năm cuối đời, bà đi ra khỏi nước Anh, chọn hòn đảo Mystique ở Thái Bình Dương làm nơi ẩn dật, tránh xa cái nhìn soi mói của hoàng tộc Anh vào đời sống riêng của bà với những người tình trẻ tuổi. Bà ngồi xe lăn nhiều năm vì mất đi một lá phổi và nhiều cơn đột quỵ. Bà Margaret mất năm 2002 khi 72 tuổi. Ngày tang lễ của công chúa Margaret là lần duy nhất người ta ghi nhận nữ hoàng Elizabeth II đã rơi nước mắt. 2 người đàn bà, 2 chị em với hai định mệnh khác biệt: một người có tất cả (ngai vàng, kết hôn với người mình yêu, quyền lực, con cái quây quần), một người thì không có tất cả dù so phần tài sắc, ai đã thua ai?
Nữ hoàng Elizabeth II trong ngày tang lễ của công chúa Margaret và hai người con của bà là bà tước David Linley và công nương Sarah Chatto.
• Nhưng người đau khổ nhất và có một kết thúc bi thảm nhất có thể là công nương Diana, vợ quá cố của Vua Charles III ngày nay.
Nhân cái chết của nữ hoàng Elizabeth II, nhiều bài viết về những nhân vật trong hoàng gia Anh được phổ biến trở lại, nhiều người mới biết rằng dòng họ Spencer của công nương Diana được phong vương từ thế kỷ thứ 15 và là một dòng họ giàu nhất của hoàng gia Anh, không phải nhờ vương quyền mà nhờ tổ tiên của bà khai thác về trồng trọt và chăn nuôi. Hầu hết những trại nuôi cừu quy mô của nước Anh là thuộc dòng họ Spencer. Ngoài những bất động sản vô tận tại nước Anh, đế chế tài chính của dòng họ Spencer đã phát triển ra tận Nam Phi và một ông tổ của bà đã là toàn quyền Anh tại đây trước khi đất nước này độc lập.
Có hai nhân vật của dòng họ Spencer nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 là thủ tướng Anh Churchill và công nương Diana. Đến đời Bá tước John Spencer, ông có ba cô con gái và bà Diana là nhỏ nhất. hai người chị của bà đã được hoàng gia Anh nhắm đến cho thái tử Charles nhưng đều không thành và họ đã lập gia đình với những gia đình quyền thế và giàu có khác của nước Anh. Nhưng công nương Diana thì không. Bà gặp thái tử Charles lần đầu khi bà 13 tuổi khi người chị của bà là công nương Sarah đang được thái tử Charles ve vãn. Khi cuộc xếp đặt này không thành, cô bé Diana tuyên bố với gia đình là khi lớn lên cô sẽ thành hôn với thái tử Charles. Có thể nói thái tử Charles là “thần tượng “ của cô bé Diana. Khi họ gặp lại trong một kỳ nghỉ hè tại cung điện Balmoral khi cô 19 tuổi thì thái tử Charles, vua tương lai của nước Anh đã cầu hôn cô.
Khác với những công nương con nhà gia thế khác, sau khi tốt nghiệp Trung học, công nước Diana đi làm công việc trợ giáo toàn thời gian cho một trường mẫu giáo. Sau khi cô đính hôn với thái tử Charles, hình ảnh dễ thương của cô trợ giáo trẻ được phổ biến trên toàn thế giới và cô Diana được nhiều phụ nữ trên thế giới yêu thích. Đã 25 năm trôi qua từ khi công nương Diana qua đời, xem lại những cái clip cũ, mới thấy ngoài nhan sắc, bà Diana có một khả năng giao tiếp quần chúng tuyệt vời hơn hẳn các bà hoàng ngày nay. Bà lại là một người có khiếu thẩm mỹ về thời trang hơn hẳn hai cô con dâu hiện tại của bà. Danh từ “charisma” rất khó dịch ra tiếng Việt mà bao gồm đủ hết ý nghĩa của nó. Bà Diana có một sức quyến rũ, một charisma khó người có được. bên cạnh sự rực rỡ của một minh tinh điện ảnh là sự sang cả của một bà hoàng, một người đàn bà biết rõ vị thế của mình và có đủ tự tin về cá nhân, về gia thế để thực hiện được những điều mình mơ ước không chỉ cho riêng mình mà còn cho người chồng của mình, vị vua tương lai của nước Anh.
Do đó, chúng ta có thể hiểu được sự thất vọng não nề khi chỉ một thời gian ngắn sau hôn nhân, cô công nương trẻ đẹp đầy tự tin Diana khám phá ra rằng cô chỉ là một kẻ đến sau tuy đi về trước. Trái tim của người đàn ông không đồng hành cùng trái tim của cô. Hai đứa con trai dễ thương lần lượt ra đời để bảo đảm vấn đề kế thừa của hoàng gia, nhiệm vụ quan trọng nhất của cô trong cuộc hôn nhân vương giã này nhưng không ai bảo đảm cô sẽ có được hạnh phúc gia đình mà cô tưởng rằng cô đã có. Những gì xảy ra sau đó đưa đến cái chết của cô hình như chưa bao giờ người đàn ông trong cuộc lên tiếng nhận trách nhiệm. Đã có một thời gian dài, nhiều người đã nghĩ rằng ông ta không đủ tư cách để làm vua nước Anh vì khi ông phản bội bà Diana, ông đã không hề nghĩ đến cái ngai vàng mà ông sẽ thừa hưởng. Có tin đồn nữ hoàng Elizabeth sẽ nhường ngôi cho cháu nội thay vì cho thái tử Charles cũng vì lý do này.
Thời gian quả thật là một liều thuốc nhiệm màu. Nhưng người ta có thể tha thứ nhưng người ta không thể quên. Khi nhìn thấy hình ảnh thái tử Charles và người đàn bà “thứ ba” (ngôn ngữ Việt Cộng gọi là tiểu tam) nhận ngôi vị vua và hoàng hậu nước Anh sau khi nữ hoàng Elizabeth II băng hà, nghe những lời ca tụng công đức của vị nữ hoàng vừa qua đời, nhìn những hàng ghế lấp đầy với những nhân vật quan trọng của hoàng gia Anh, người ta không khỏi liên tưởng đến những người vắng mặt. Nét mặt cảm động của Vua Charles Đệ Tam khi lần đầu nghe thần dân trong thánh đường St James hát quốc ca God Save the King không hiểu sao lại làm người ta nhớ đến vị công nương vắng số, mẹ của hai đứa con trai của ông.
Rồi lịch sử nước Anh sẽ được lập lại thôi: người con trưởng được lên ngôi vua, được hưởng mọi đặc quyền của triều đình còn đứa thứ hai phải chấp nhận mọi thiệt thòi, phải làm một cái bóng mờ, phải giữ gìn 1001 luật lệ bất thành văn của hoàng gia. Để được tiếp tục hưởng bổng lộc thì không được làm gì cả, không được có job, đi khắp nơi đại diện hoàng gia nhưng không được lên tiếng phát biểu, chỉ đọc những bài diễn văn đã được soạn sẵn, sống như những hình nộm không có trái tim. Như nữ hoàng Elizabeth II và công chúa Margaret. Như Thái tử Charles và hoàng tử Andrew. Như Thái tử William và hoàng tử Harry hiện nay.
Ít ra trong thời đại toàn cầu hóa này, hoàng tử Harry đã đi tìm hạnh phúc, bỏ lại sau lưng cái hoàng gia đã từng làm mẹ ông đau khổ đến khi chết. Khi quyết định theo vợ sang Hoa Kỳ sinh sống và lập nghiệp, ông hoàng Harry đã bị cúp tất cả trợ cấp của hoàng gia Anh. Nhưng ông không nghèo như đại úy Townsend vì ông có tiền thừa kế của mẹ là công nương Diana và của Hoàng Thái hậu Elizabeth để lại. Nghe nói ngoài cái hợp đồng làm phim, làm Postcast lên tới hàng trăm triệu đô la, cuốn sách Hồi Ký – Memoir của hoàng tử Harry đã được nhà xuất bản Randolph ứng trước 40 triệu đô la. Với những số tiền khổng lồ này, hoàng tử Harry có thể sống tự do theo ý muốn. So với cái đời gò bó, với hàng trăm điều cấm kỵ phải tuân theo, suốt đời chỉ làm một việc duy nhất là mặc đồ đẹp để đi cắt băng khánh thành, đọc diễn văn khai mạc, đi công du các nước đại diện cho nhà vua của một thành viên hoàng gia thì cái đời tự do hiện nay của hoàng tử Henry thoải mái hơn nhiều mặc dù bị mang tiếng là bỏ gia đình, bỏ hoàng gia. Ngày trước, công chúa Margaret đã không thể làm được điều này vì bà không có tiền thừa kế, đại úy Townsend lại là một người đàn ông có sĩ diện và trách nhiệm, ông không muốn người yêu phải từ bỏ đời sống cung vàng, điện ngọc và ông cũng không muốn nhận một tước hiệu hữu danh vô thực của hoàng gia Anh. Ngày nay, hoàng tử Harry vẫn có thể sống một cuộc đời sung túc, an nhàn, tự do tại Hoa Kỳ. Do đó, việc các con của họ có nhận được danh vị của hoàng gia Anh với họ hay chắc không phải là điều quan trọng.
Vả lại đừng tưởng rằng cô dâu Markle Maglan có thể làm tất cả một mình. Đàng sau lưng cô là một tâp thể những người Mỹ da đen rất muốn dạy cho hoàng gia Anh một bài học “lễ độ" về tinh thần kỳ thị chủng tộc khó che dấu của họ. Từ khi quay lưng lại với hoàng gia Anh, ai là người đã bảo vệ và yểm trợ vợ chồng hoàng tử Harry? Đó là những gương mặt người Mỹ da đen danh tiếng và quyền lực vào bật nhất của Hoa Kỳ: danh vợt Serena Williams, tỷ phú phim ảnh Tyler Perry (người cho vợ chồng HT Harry mượn nhà khi mới về Hoa Kỳ), tỷ phú TV Oprah Winfrey thực hiện cuộc phỏng vấn vợ chồng hoàng tử Harry tố cáo hoàng gia Anh kỳ thị . Cuộc phỏng vấn này thu hút 17 triệu người theo dõi. Những hợp đồng hàng trăm triệu đô la của cặp vợ chồng này có hay không có sự can thiệp của họ? Trong cuộc đấu “truyền thông” ở 2 bên bờ biển Atlantic này, chưa chắc hoàng gia Anh sẽ là người thắng cuộc?
Những gì sẽ xảy ra với Vua Charles III
Tóm lại, làm vua nước Anh coi bộ không phải là một “job” khó, nhưng làm người trong gia tộc hoàng gia Anh coi bộ khó hơn nhiều vì không chỉ có God Save the King hay Queen mà tất cả đều phải sống và hy sinh để bảo vệ nhà Vua. Một bức ảnh bằng nghìn lời nói, ngoại trừ Nữ hoàng, chỉ cần nhìn những hình ảnh khi về già của những nhân vật phụ nữ trong gia đình hoàng gia là có thể biết về đời sống không được hạnh phúc và bình an của họ. Tất cả những người con của cố Nữ hoàng đều ly dị trừ ông hoàng út Edward. Hoàng tử thứ hai Andrew thì dính vào đường dây tội phạm Jeffrey Epstein dụ dỗ gái vị thành niên mà hoàng gia Anh phải trả nhiều triệu đô la để điều đình với nạn nhân nên đã bị tước hết danh vị hoàng gia. Việc hoàng tử Andrew mặc quân phục đi sau linh cửu của mẹ cũng đủ khiến cho nhiều người khó chịu.
Công chúa Anne khi trẻ và khi về già.
Trong thời gian trị vì của cố nữ hoàng Elizabeth II, số quốc gia trong Khối Liên Hiệp Anh, Commonwealth, đã giảm từ 32 quốc gia xuống còn 15 mặc dù bà đã đoạt nhiều kỷ lục: vị vua trị vì nước Anh lâu nhất, 70 năm 214 ngày, người đàn bà làm vua lâu nhất, người làm vua lâu thứ nhì lịch sử nhân loại chỉ sau vua Louis 16 của Pháp. Nước Anh đang bị khủng hoảng kinh tế, lạm phát trầm trọng nên nhiều người Anh đã xuống đường biểu tình khi chứng kiến tang lễ xa hoa, hoành tráng, phung phí hết mực khi nữ hoàng Elizabeth II băng hà. Có thể vì thế mà sau tang lễ có tin Vua Charles III sẽ thu gọn thành viên của hoàng gia Anh lại, sẽ cắt giảm ngân sách bằng cách đóng cửa một số tòa lâu đài trong số 15 lâu đài đang được Hoàng Gia Anh sử dụng. Trong số đó có tin hoàng tử Harry và vợ sẽ bị cắt đứt vĩnh viễn ra khỏi danh sách “thành viên hoạt động” được hưởng bổng lộc của hoàng gia cùng với hoàng tử Andrew.
Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Khi nữ hoàng Elizabeth qua đời sau 70 năm trị vì, tang lễ có cả 100 nguyên thủ quốc gia tham dự, hình như không ai nghĩ gì về những người đã hy sinh tất cả để bà được bình yên ngự trị trên ngai vàng trong đó có người mẹ chồng, công chúa Alice khiếm thính, bị chồng bỏ rơi, bị mẹ ruột bỏ vào nhà thương điên, có người em gái ruột, công chúa Margaret và mối tình thiên thu vì yêu người đã ly dị, có người con gái ngây thơ, công nương Diana, bị lường gạt vào một cuộc tình tay ba để làm cái máy đẻ người thừa kế cho Hoàng tộc, sau khi sinh ra 2 hoàng nam thì bị gạt ra khỏi hoàng tộc và kết thúc cuộc đời bằng một tai nạn xe hơi vô cùng bí hiểm như chuyện trong cổ tích của nhiều thế kỷ trước. Muốn chúc phúc cho Tân Hoàng Đế của nước Anh mà không làm được là vì vậy!
Đào Nương