Phiếm dị, Đào Nương
Một Ngày Cầu Nguyện cho Các Bà Mẹ Khốn Khổ
Khi chiến tranh Ukraine xãy ra, cộng đồng người Việt hải ngoại cũng như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều lên án Nga xâm lược. Cuộc biểu quyết đầu tiên ngày 2 tháng 3 tại LHQ lên án Nga xâm lược, thì đại sứ Việt Cộng tại LHQ bỏ phiếu trắng khiến ai nấy đều chưng hửng vì từ trước đến nay, ai cũng biết Việt Cộng sợ Tàu cộng, nhưng không nghĩ là Việt Cộng vẫn còn lệ thuộc Nga Sô đến thế! Ngay cả khi Nga không còn là “lãnh tụ tối cao” của khối Cộng sản quốc tế mà Việt Cộng là một thành phần. Cứ tưởng Việt Cộng đã muốn bỏ danh tử cộng phỉ để bước chân vào thế giới văn minh Tây Phương. Nhưng khi Việt Cộng không dám bỏ phiếu kết án Nga Sô xâm lược thì còn hiểu được. Nhưng lần bỏ phiếu thứ 2 ngày 24 tháng 3, yêu cầu Nga ngưng oanh tạc hay tấn công để LHQ di tản thường dân ra khỏi vùng giao chiến hay để tiếp tế lương thực cho thường dân bị “kẹt” giữa hai lằn đạn mà Việt Cộng cũng bỏ phiếu trắng thì botay.com.
Khi LHQ bỏ phiếu lần thứ ba ngày 7/4 để trục xuất Nga khỏi Ủy Ban Nhân Quyền sau khi những hình ảnh tàn sát người Ukraine một cách ghê rợn mà quân đội Nga để lại sau khi rút quân mà Việt cộng lại bỏ phiếu chống thì không ai có thể nghi ngờ gì về việc Việt Cộng theo Nga. Trước đó một ngày, Putin tuyên bố những quốc gia đồng ý với nghị quyết của Ủy Ban Nhân Quyền LHQ này sẽ bị Nga liệt kê vào danh sách “các quốc gia không thân thiện” với Nga và sẽ lãnh những hậu quả trong quan hệ song phương với Nga trong những ngày sắp tới. Việt Cộng bỏ phiếu chống vì Việt Cộng vẫn còn nhiều lệ thuộc vào Nga? Hay vì sợ Trung Cộng, Tàu làm sao thì Vẹm phải làm theo y chang như vậy…
Giáo sư Carl Thayler, một bình luận gia của Úc Châu về vấn đề Việt Nam cho rằng Việt Cộng đang “tự bắn vào chân mình” khi thỏa thuận việc sẽ tập trận chung với Nga khi chiến trường Ukraine đang nóng bổng. Nhưng có Facebooker thì cho rằng khi quyết định theo Nga là Việt Cộng đang cầm súng bắn vào đầu chứ không phải vào chân. Hầu hết những bài viết từ những người đã từng sống ở Nga hay đi học ở Nga đều cho thấy một nước Nga không có gì là vĩ đại, nếu không muốn nói là ngược lai. Tự do, dân chủ không có đã đành, xã hội lại chậm tiến, tham nhũng, mất an ninh. Trừ hai thành phố lớn là Moscou và Petursbug, ngoại giả dân Nga nghèo sơ xác, đời sống không khác gì 20 năm về trước dưới chế dộ Cộng sản. Nguồn lợi chính của Nga là dầu khí, mỗi ngày Nga thu được khoảng 1 tỷ đô la tiền bán dầu khí. Sáng hôm nay, Liên Hiệp Âu Châu đã ra một dự án dể không mua dầu khí của Nga nữa sau khi Nga cúp không bán dầu cho Poland và… vào đầu tháng 5. Số tiền 1 tỷ đô nghe qua thì nhiều nhưng nếu đó là thu nhập cho một quốc gia như Nga thì quả thật là ông Putin sẽ gập nhiều khó khan ngay cả khi tiếp tục bán được dầu cho thế giới.
Tin Nga và Việt Cộng đang xúc tiến việc sẽ tập trận chung khiến người Việt hải ngoại mới thật sự … hết hồn, nhất là những người còn thân nhân ở Việt Nam. Hoa Kỳ đang có chính sách cấm vận gắt gao với Nga, Trung Cộng hay Ấn Độ giỡn mặt chú Sam thì còn hiểu được, Việt Nam hiện nay đang khốn khổ vì Covid, bị Hoa Kỳ cấm vận thì chắc là khó khá. Mặc dù đó là điều đáng ca ngợi nhà nước Cộng sản Việt Nam. Họ đã chứng minh tinh thần thượng võ, hiếm có thời nay: không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Họ vẫn tiếp tục đi với Trung Cộng và Nga Sô. Nhưng đúng là thời đại “đồ đểu” thật. Trước đây còn có tin, Việt Cộng muốn cho Hoa Kỳ “thuê” hải cảng Cam Ranh dài hạn thay vì cho Nga Sô thuê. Không biết tin Việt Cộng sẽ tập trận với Nga, yểm trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine có khiến Hoa Kỳ thay đổi ý kiến không?
Tập Trận chung là một thao tác chung của các quốc gia đồng minh để tỏ tình đoàn kết và để biểu dương sức mạnh về quân sự. Tin tập trận chung Nga Sô– Việt Cộng đưa ra vào thời điểm thế giới đang lên án Nga Sô về tội diệt chủng do sự tàn ác và vô nhân đạo của Nga tại Ukraine khiến thế giới ngạc nhiên vì … tại sao Việt Cộng lại có thể “ngu” đến như vậy. Tuy không lên án Nga nhưng Trung Cộng và Ấn Độ dứt khoát không yểm trợ Nga về chiến tranh Ukraine trong khi Việt Cộng thì ra mặt hẳn hoi.
Theo bài viết của một người trong nước trên diễn đàn RFA thì cuộc tiếp xúc để tập trận chung giữa nga Sô và Việt Cộng là có thật:
“Trang tin RIA Novosti của Nhà nước Nga cho biết, cuộc gặp ban đầu để chuẩn bị cho cuộc diễn tập đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến giữa lãnh đạo quân đội Việt Nam và Quân khu miền Đông của Nga. Việt Nam và Nga “đã đồng ý về chủ đề cho cuộc tập trận sắp tới, ngày giờ và địa điểm xác định” và đã “thảo luận các vấn đề về hỗ trợ hậu cần, y tế, các chương trình văn hoá và thể thao”, trang RIA Novosti loan tin nhưng không cho biết thêm các chi tiết cụ thể khác. Cuộc họp trực tuyến còn cho biết, mục đích của cuộc diễn tập nhằm nâng cao kỹ năng thực hành của cán bộ chỉ huy và tham mưu trong việc tổ chức hoạt động huấn luyện chiến đấu và quản lý đơn vị trong môi trường chiến thuật phức tạp, cũng như hoàn thiện các giải pháp phi tiêu chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ. Cho đến tối ngày 20/4/2022, các tờ báo Nhà nước Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ thông tin nào về sự kiện này. Tuy nhiên, các bên đã đề xuất, sẽ gọi tên cuộc diễn tập tới đây là “Kontinentalnyi Soyuz – 2022” (Liên minh Lục địa – 2022).
Nhưng đó không phải là hoạt động quân sự “duy nhất” của Việt Cộng trong tháng 4 vì Việt Cộng và Trung Cộng tiếp tục tuần tra chung ở Biển Đông. Cũng theo bài viết trên thì:
“Truyền thông Nhà nước từ Hà Nội vừa loan tin cho biết, đợt tuần tra chung đầu tiên trong năm 2022 tại Vịnh Bắc Bộ giữa Cảnh sát Biển hai nước Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu từ ngày 19/4 và kéo dài đến ngày 21/4. Từ ngày 17/4 Biên đội tàu Cảnh sát Biển 8004 và 8003 thuộc Hải đoàn 11, Bộ Tư Lệnh Vùng Cảnh sát Biển 1 của Việt Nam xuất phát từ Hải Phòng để thực hiện công tác vừa nêu. Đợt tuần tra lần này được biết trải dài trên phạm vi 13 điểm, từ Đông Bắc Đảo Cồn Cỏ 48 hải lý đến Đông Nam Đảo Trần 14 hải lý trên đường phân định Vịnh Bắc bộ.
Kể từ sau ngày 30/6/2020 khi Hiệp định Hợp tác Nghề cá trong vùng biển Vịnh Bắc bộ giữa VN và TQ hết hiệu lực, Cảnh sát Biển hai nước vẫn tổ chức những đợt tuần tra chung thường niên. Các đợt tuần tra này nhằm góp phần thực thi luật pháp quốc tế, các quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như Hiệp định ký ngày 25/12/2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc về Phân định Vịnh Bắc bộ, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước.”
Để trả lời “lập trường” cứng rắn của nhà nước ta, ngay sáng hôm sau, Hội Nghề cá Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông.
Theoh RFA (2022.05.04)
Bản đồ vùng cấm đánh bắt cá ở Biển Đông do Trung Quốc áp đặt hè năm 2022
Hội Nghề cá Việt Nam vào ngày 4/5 ra công văn phản đối lệnh của Trung Quốc cấm đánh bắt tại khu vực Biển Đông kể từ ngày 1/5. Công văn vừa nêu do Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Chu Hồi, ký gửi đến Văn phòng Chính phủ Hà Nội, các bộ, ban ngành liên quan.
Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng lệnh của phía Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt tại Biển Đông ở một phần vùng biển Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa là phi lý. Công văn của Hội Nghề cá Việt Nam nêu rằng "Việc ban hành lệnh cấm lặp lại hằng năm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam."
Vào ngày 29/4, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt mà phía Trung Quốc áp dụng đơn phương tại Biển Đông kể từ ngày 1/5.
Từ đầu năm ngoái, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới cho phép lực lượng Hải cảnh của nước này được sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền nước ngoài bị Bắc Kinh cáo buộc là xâm phạm vùng biển của Trung Quốc. Luật này đã gặp phải nhiều chỉ trích từ quốc tế vì tính chất mập mờ và đi ngược lại luật quốc tế.” (ngưng trích)
Tướng VC Nguyễn Chí Vịnh đã xác định trong một cuộc phỏng vấn là không nước nào có thể buộc Việt Nam “chọn phe” và Việt Nam không liên minh quân sự với ai hết để… tránh việc thêm thù, bớt bạn. Giáo sư Carl Thayer đặt câu hỏi là Thượng đỉnh với lãnh đạo khối các nước ASEAN và Hoa Kỳ vào tuần sau trong tháng Năm này thì lãnh đạo Việt Cộng sẽ nói gì với Tổng thống Hoa Kỳ Biden về lập trường rõ ràng của Việt Cộng về cuộc chiến xâm lăng của Nga ở Ukraine? Có thực là Hoa Kỳ cần Việt Cộng tại Biển Đông đến độ phải làm ngơ hay Việt Cộng cần Hoa Kỳ để đối phó với Trung Cộng ở Biển Đông? Liệu Việt Cộng sẽ tiếp tục đu giây thêm được bao lâu khi yểm trợ Nga xâm lăng, tập trận với Nga, tiếp tục tuần tra chung với Trung Cộng mặc ngư dân Việt Nam kêu than nhưng con cái, tiền của thì “tị nạn kinh tế” sang Hoa Kỳ, con cái thì “tị nạn giáo dục”... Hay cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản nên gửi kiến nghị xin ông Biden cứu ngư dân Việt Nam bằng cách viện trợ tiền cho họ sinh sống, khỏi đi đánh cá dành biển Đông với Trung Cộng để Việt Cộng khỏi phải “no” cho họ để còn có tâm trí theo hầu hạ Nga, Tầu!
Trong cuộc điện đàm giữa hai Ngoại trưởng Việt Cộng và Trung Cộng ngày 14/4, ngoại trưởng Trung Cộng Vương Nghị trấn an đồng viện Việt Cộng là sẽ “không để chuyện như Ukraine” xảy ra? Cũng theo Giáo sư Carl Thayer – chuyên gia trong lĩnh vực an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương - thì Trung Cộng muốn nhắc khéo Việt Cộng là liệu hồn, ngả theo Hoa Kỳ, làm tổn hại quyền lợi của Trung Cộng thì Trung Cộng sẽ hành xử như cách mà Nga làm với Ukraine. Đó là lý do mà giữa lúc toàn thế giới lên án Nga, tẩy chay Trung Cộng thì Việt Cộng bàn chuyện tập trận chung với Nga, tuần hành Biển Đông chung với Trung Cộng là vì vậy.
Trên Facebook , trên các đài Việt ngữ, số người Việt Nam theo Nga, yểm trợ lập trường của Việt Cộng theo Nga cũng rất ồn ào.
Lập luận thì y hệt như truyền thông nhà nước Nga: miền đông Ukraine là “lãnh thổ lịch sử của Nga” nên việc Putin đưa quân đến lấy lại là hợp lý. Hoa Kỳ dánh Iraq được thì tại sao Nga không đánh Ukraine được. Các nước trong Liên bang Sô Viết cũ đều theo NATO chỉ còn lại một “thằng em” Ukraine sát cạnh cũng muốn theo NATO nốt nên coi như NATO “ép” Nga phải gây chiến để bảo vệ lãnh thổ và an ninh của Nga.
Giáo sư Johnathan London, một chuyên gia về chính trị Việt Nam và quan hệ quốc tế, đã “Chửi” những người Việt Nam ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine trên Đài Á châu Tự do là “stupid (ngu dốt), thực sự là ngu dốt.”. Người Việt Nam ghét việc đất nước mình bị xâm lược mà nay lại ủng hộ Nga xâm lược Ukraine? Một nét rất cụ thể trong lịch sử xã hội chính trị ở Việt Nam là tư duy thiếu độc lập và thiếu logic, khả năng để nhìn rõ một cách khách quan bị rất là hạn chế.”- No Comment.
Ông Công Mạnh Đức, một người Hà Nội thì cho rằng nguyên nhân còn do hệ thống tuyên truyền và giáo dục của Cộng sản Việt Nam vẫn có tồn đọng trong tiềm thức con người hàng mấy chục năm trời. “Lúc tôi còn học phổ thông, chương trình giáo dục đã dành một thời lượng khá nhiều ca ngợi sự thành tựu của Xô Viết nào là Hồng Quân giải phóng Châu Âu, Hồng Quân cứu nhân loại khỏi Phát xít. Hầu hết người Việt Nam sẽ không bao giờ nghĩ đến là người Châu Âu nào đó ghét người Nga.”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh thì lý giải hiện tượng “cuồng Nga” ở Việt Nam tồn tại một phần là vì làn sóng đi học và lao động tại Liên Xô và các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa trước đây. Và do đó số người ủng hộ Nga sẽ tập trung chủ yếu ở miền Bắc.
Cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraine bước sang ngày thứ 71 và không hứa hẹn là “Hồng quân” sẽ chiến thắng trước ngày 9 tháng 5 như ông Putin mong đợi. Riêng tôi thì tôi hy vọng ông Biden sẽ mắt nhắm, mắt mở bỏ qua chuyện Việt Cộng theo Nga, theo Tàu chống lại chính sách cấm vận của chính phủ Hoa Kỳ với Nga. Vì như lời của ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken thì … từ từ, chuyện đâu còn có đó, đi đâu mà vội. Cứ lấy gương của các quốc gia Đông Á như Pakistan, như Sri Lanka, như Nepal, như Burma và một số nước Phi Châu ngày nay thì rõ. Sau một thập niên theo Tàu, vay nợ Tàu hàng tỷ đô la để canh tân hải cảng, làm đường xá, đập thủy điện phục vụ cho giấc mộng bành trướng của Trung Cộng đề xướng, bây giờ sau đại nạn Covid, không còn lợi nhuận về du khách, không xuất cảng được, những công trình xây cất còn dỡ dang chưa đi vào họat động được thì nay Trung Cộng … bỏ luôn, không tài trợ nữa. Những quốc gia này đã phải khai phá sản, dân đói vì nguồn thực phẩm bị cạn kiệt do Covid, không dầu, không xăng… do Hoa Kỳ quay lưng, Âu Châu thì đang khốn khó vì đại dịch, vì Nga xâm lang Ukraine cũng làm thinh. Ông Ấn Độ viện trợ cho Sri Landa được vài triệu thùng dầu, vài triệu tấn gạo thì la làng: Hoa Kỳ viện trợ vũ khí, Trung Cộng viện trợ… nợ chỉ có Ấn độ là viện trợ … lúa mì.
Có người nhận xét rằng Trung Cộng, Ấn Độ thủ lợi nhiều nhất trong chiến trận Ukraine vì mua được dầu của Nga với giá rẽ khi tiếp tục là đồng minh của Nga. Nhưng nghĩ cho cùng quốc gia “lời” nhất có lẽ là Hoa Kỳ. Vì nước nào cũng tăng ngân sách quốc phòng mà Hoa Kỳ là quốc gia đứng đầu thế giới về vũ khí. Hoa Kỳ đã ký một hợp đồng bán 100 tỷ đô la vũ khí quốc phòng cho Đức ngay sau khi Nga tấn công Ukraine. Chiến tranh là môi trường “đọ sức về súng đạn”. Sau cuộc chiến Ukraine, ai còn muốn mua máy bay, tàu bò, xe tăng của ông Putin nữa khi kết quả đem “đại quân” đi đánh một nước láng giềng nhỏ bé đã 71 ngày mà … mộng cũng không thành. Trung Cộng, Ấn Độ có muốn “đuổi” Hoa Kỳ ra khỏi vị thế cường quốc đứng đầu thế giới coi bộ cũng còn lâu. Đại dịch Covid đã “anh dũng tiến quân” vào Thượng Hải và hiện nay là Bắc Kinh mà ông Tập Cận Bình vẫn loay hoay chưa biết làm gì để ngăn chận ngoài việc đem “đại quân” vào thành phố để giữ gìn an ninh trật tự sợ dân Tàu bị nhốt sẽ nổi loạn vì … đói. Những người Tàu thử nghiệm dương tính thì sẽ được đưa đi “trại tập trung” để những thành phố bị nhiễm vẫn được coi là Zero Covid theo chỉ thị của ông Tập Cận Bình. “Cường quốc” Ấn Độ thì 30% dân còn ăn lông, ở lỗ, uống nước sông Hằng, tập yoya quên đói… Đất nước Ấn Độ có 200 triệu người được liệt kê vào loại “untouchable” tức là tầng lớp “hạ tiện” mà không ai muốn đụng vào họ. Tầng lớp này không được vào các điện thờ, không được vào các nơi không dành cho họ vì “đụng” vào người họ được coi là một sĩ nhục cho những tầng lớp khác. Do đó, khi Trung Cộng hay Ấn Độ đưa GDP ra dọa có lẽ họ quên tính đến những người “untouchables” này.
Nhưng đất nước Hoa Kỳ thì cũng đang có quá nhiều vấn đề vì … quá giàu, “quỡn” quá nên sinh ra lắm chuyện. Hoa Kỳ đang ồn ào một chuyện xưa như trái đất là luật phá thai. Thật ra, hiện nay đã có 26 tiểu bang trong tổng số 50 tiểu bang Hoa Kỳ cấm phá thai, dù thời hạn thụ thai có thể khác nhau. Có tiểu bang sau 6 tuần là không được phá thai. Nhiều tiểu bang buộc đàn bà phải xem, phải nghe tiếng nhịp tim của thai nhi qua Ultrasound rồi mới được quyết định. Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hiện nay thì thành phần bảo thủ chiếm đa số cho đến khi chánh án Ketanji Brown Jackson được tuyên thệ vì ông Stephen Breyer về hưu. Lợi dụng khoảng thời gian ngắn ngủi này, mấy ông tòa bảo thủ định làm “chuyện đã rồi” là đưa ra đạo luật cấm phá thai trên toàn cõi Hoa Kỳ ra biểu quyết, sửa lại đạo luât đã có từ 19 năm trước đây cho phép phụ nữ có quyền lựa chọn và quyết định (Pro-Choice).
Thời buổi này, đã 50 năm từ khi thuốc ngừa thai ra đời, nạn “đẻ” hay “không đẻ” đã không còn là một vấn nạn trên toàn thế giới vì những phương pháp ngừa thai cũng đã tiến bộ vượt bực như những lãnh vực khác của khoa học. Những phụ nữ “lỡ bộ” ở Hoa Kỳ hầu hết đều là trẻ vị thành niên hay giai cấp lao động nghèo khó, những phụ nữ thiểu số thiếu hiểu biết, thiếu phương tiện, không có thì giờ để săn sóc bản thân. Họ lại là thành phần không thể nhận thêm trách nhiệm cho đời mình. Hoa Kỳ là một cường quốc với nhiều vấn đề … đi lùi một cách không cần thiết. Khi cần thì phụ nữ vẫn phải đi ra khỏi tiểu bang cư ngụ để tìm nơi giải quyết. Vì phá thai sẽ không được bảo hiểm về y tế hoàn trả, vì lén lút, vì nghèo túng sẽ đẩy những phụ nữ này vào tay những người không chuyên nghiệp, không có điều kiện an toàn về y tế nên có thể sẽ gây ra những nguy hiểm cho tính mạng của họ, hay để lại những hậu quả dài lâu. Trong khi đó, họ lại là những công dân Hoa Kỳ, quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới. Do đó, theo tôi, Pro-Choice vẫn là tốt hơn. Vấn đề là phòng bệnh vẫn hơn chửa bệnh, phải đẩy mạnh giáo dục học đường, cha mẹ nên giám sát con cái kỷ hơn. Ở các quốc gia Âu Châu, khi trẻ gái dến tuổi dạy thì, chính các bà mẹ phải đưa con đi bác sĩ để ngừa khi nghĩ rằng họ không thể kiểm soát được sinh hoạt tình dục của con mình.
Cuối tuần này, Ngày của Mẹ nhưng hứa hẹn sẽ là một tuần không bình yên vì phụ nữ Hoa Kỳ sẽ xuống đường “ngăn ngừa” Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ đổi luật từ Pro-Choice sang Pro-Life. Trong khi đó, bom đạn vẫn nỗ ở Ukraine, dân Sri-Lanka, Pakistan, Népal vẫn chạy đi kiếm gạo… Sẽ có biết bao nhiêu bà mẹ đau khổ hơn là hạnh phúc để có một ngày hạnh phúc, bình an Ngày của Mẹ năm nay xin dành để cầu nguyện cho họ sớm có được sự bình an này.
Đào Nương