Phiếm dị, Đào Nương (August 26/2020): Những Công Dân Hạng Hai

Phiếm Dị

Phiếm dị, Đào Nương (August 26/2020)

Những Công Dân Hạng Hai




Trong sách “Người Trung Quốc Xấu Xí”  tác giả Bá Dương  đã  chua xót  khi viết rằng “bất cứ nước nào nếu có đất đai bị nước ngoài chiếm cứ đều cảm thấy tủi nhục. Chờ cho đến lúc lấy lại được để về chẳng khác nào lòng mẹ bị mất con. Ai cũng nhớ chuyện nưóc Pháp khi phải cắt hai tỉnh Alsace và Lorraine giao cho Đức đã đau khổ thế nào, lúc lấy được về đã sung sướng ra sao?  Nhưng Hồng Kông của chúng ta chỉ cần nghe đến việc trả về cho “tổ quốc” là lập tức hồn bay phách lạc.  Còn nói về Đài Loan thì hiện nay đa số đều chủ trương một Đài Loan độc lập. Tôi nhớ lại 50 năm trước đây, lúc Nhật Bản trả Đài Loan cho Trung Hoa, mọi người sung sướng như si cuồng chẳng khác nào đứa con lạc mẹ tìm được đường về nhà. Cái gì đã xảy ra sau 50 năm đó để cho đứa con kia lại muốn bỏ nhà ra đi?”

Câu hỏi đó của ông Bá Dương thì nhiều người Việt Nam đã phải tự trả lời khi tìm đường lưu vong trong 45 năm qua. Điều gì đã xảy ra khiến những đứa con không còn có thể sống trong vòng tay thương yêu của mẹ quê hương? Nhất là, tại sao “không có gì quí hơn độc lập, tự do” mà người Hoa ở Hồng Kông  lại “sợ”  bị trả về cho mẫu quốc? “Độc lập, tự do hay thống nhất” là những cái bánh vẽ vĩ đại mà các lãnh tụ Cộng Sản khắp nơi thường dùng để che đậy cho những hành động tham ô, độc tài chuyên chế cuả chế độ đã không còn có thể lường gạt được ai, dù là bọn “dân đen” cùng đinh, ít học, dù là thành phần “bần cố nông”, giai cấp lót đường cho chủ nghĩa CS phát triển mạnh một thế kỷ trước đây.

Khi Đào Nương tôi ngồi viết những giòng chữ này, tin tức trên đài CNN cho biết miền Nam nước Tàu đang chìm trong biển nước, một cơn lụt lớn nhất của thế kỷ: con số người chết sơ khởi đã lên đến vài trăm người, hàng chục ngàn gia đình lâm cảnh màn trời chiếu đất trong cái mưa, cái lạnh cắt da, cắt thịt của những cơn bão liên tục kéo qua, đập Tam Hiệp có thể vỡ bất cứ lúc nào….

Sau nạn dịch Covid-19, những lời phẩm bình trên mạng như nạn lụt hiện nay ở nước Tàu là một sự trừng phạt, Thượng Đế dành cho nước Tàu vì những dã tâm của Trung Cộng trong việc để cho nạn dịch Coronavirus bành trướng khắp thế giới, dã tâm chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam, không tôn trọng sự độc lập của Hồng Kong…. Nhận định này khiến cho sự khốn khổ của nhân dân Tàu tăng lên gấp đôi: chính sách là của nhà nước Trung Cộng nhưng bị cả thế giới khinh ghét, xa lánh thì hơn một tỷ người Hoa Lục phải gánh chịu từ bây giờ về sau.

Năm nay, Việt Nam chưa bị lụt nhưng cái mưa, cái lạnh, cái đói ở quê hương bây giờ vì đại dịch đã làm cho câu thơ buồn về trời mưa xứ Huế của thi sĩ Nguyễn Bính biến thành nỗi hạnh phúc của giới tiểu tư sản thành phố hơn là của đa số dân nghèo lao động của quê hương:

Trời mưa xứ Huế sao buồn thế
Cứ kéo dài ra đến mấy ngày

Bởi ông Nguyễn Bính đã có thể bị mưa  cầm chân ở nhà một người đẹp nào đó, ông buồn chán ngắm mưa và... làm thơ. Hôm nay, ngày Thứ  Tư 26 tháng 8, 2020, tin khí tượng cho biết sẽ có một trận bão Laura «tạt ngang» qua thành phố Houston  nơi tôi đang cư ngụ nên chính quyền đã báo động để dân chúng «chuẩn bị» mà đón bão. Bão sắp đến vậy mà hôm nay lại là một ngày mà thành phố Houston có thời tiết rất đẹp: cơn nóng dữ đã đi qua, gió heo may lại về, lay động những cành cây của cánh rừng sau nhà, màu nắng, màu lá, màu gió… Trời đất này không lẽ chỉ để chờ bão đến, thổi tan tành?

Cách đây ba năm, nạn lũ lụt đã đến thành phố Houston với những mái nhà lập lờ trên sóng nước, với những bãi đậu xe ngập nước, Houston ngày đó đã là một hình ảnh của thiên tai. Nhưng những hình ảnh đó so với hình ảnh lũ lụt ở quê hương ta thì không thể so sánh được phần bi ai, thảm thiết của những cuộc đời nông dân, bần hàn nghèo khổ, không cơm ăn, áo mặc. Thiên tai giáng xuống cùng với cơn nước lũ đổ ập lên đầu những con người thống khổ ở quê nhà. Những giọt nước mắt của đồng bào trên đất Mỹ bất chợt tuôn trào bởi vì hình ảnh người đàn bà nạn nhân của lũ lụt bế con vượt thoát trong cơn hồng thủy được đăng trên bản tin về lụt ở Việt nam của báo Los Angeles Times. Tôi cũng có một chút kỷ niệm về mùa lũ ở quê nhà. Về những cơn mưa tối trời, tối đất kéo theo những con lũ cuốn trôi  tất cả của con Sông Buông nằm trên quốc lộ 15 gần vùng Long Bình những ngày sau ngày 30 tháng 4, 1975. Lúc đó rừng miền Nam chưa phải là những ngọn đồi trọc lóc do nạn phá rừng như bây giờ, do đó cơn lũ tháng 10 hàng năm của con Sông Buông chưa phải là một cơn sóng dữ. Tuy vậy, người thiếu nữ thành thị là tôi lúc đó đã xanh mặt, đã run rẩy theo chân người chị lớn đứng trên dạ cầu chờ nước rút. Chung quanh là những người dân quê với bò, trâu, lợn cùng phần gia sản nhỏ bé của họ, nét mặt lo âu cho mùa lúa chưa kịp thâu hoạch, hứa hẹn những ngày đói ăn khó tránh.

Người dân quê Việt Nam không bao giờ có được của ăn, của để, của để dành cho những ngày thiên tai. Lũ lụt thường kéo theo mất mùa và đói khổ. Muà mưa tháng 10 năm 1975, lúc đứng trên dạ cầu Sông Buông nhìn giòng nước như thác lũ dưới chân, tôi chỉ là một người ngoại cuộc. Ngày mai, khi nước rút, lưu thông trở lại, tôi sẽ về thành phố, chờ chuyến bay nào đó đưa tôi rời khỏi quê hương, sum họp với gia đình ở Pháp. Tôi vuốt ve con bê nhỏ của tôi vì tôi biết rằng sau cơn lũ này, các chị tôi sẽ không bao giờ cho tôi về thăm quê ngoại để tránh những bất trắc có thể xảy đến cho tôi. Tiếng anh rể tôi cằn nhằn khi dầm mưa di chuyển đồ tế nhuyễn trong nhà lên dạ cầu vì chị tôi đã để tôi về chơi ở đây nên bị… kẹt. Vì tôi bị suyển kinh niên, những cơn suyển thường biến tôi thành người đăm chiêu ít nói vì... miệng phải dùng để thở. Sau này, khi ở Pháp, đọc một quyển sách viết về nhà văn Marcel Proust của "À la recherche du temps perdu" - Đi Tìm Thời Gian Đã Mất, tôi đã đi qua ngôi nhà ông đã sống, nhìn thấy căn phòng kín cửa, nơi ông ngồi sáng tác những tác phẩm tiêu biểu cho văn chương Pháp thế kỷ 20 để biết đời sống cô lập hoàn toàn với bên ngoài của nhà văn này cũng chỉ vì những cơn suyễn kinh niên. Dĩ nhiên, không phải là những cơn suyễn nào cũng đều tạo ra... thiên tài như trường hợp của nhà văn Marcel Proust. Nhưng những ngày bị suyễn là những ngày tôi ít nói. Do đó, hình như mọi người trong nhà không ai muốn nhìn thấy tôi… khỏi bệnh.
     
Tuy nhiên, từ lần bị «kẹt» vì cơn lũ lụt ở cầu sông Buông, mỗi lần mưa nặng hạt ở xứ người, tôi lại nhớ sông Buông và cơn mưa lũ tháng 10 ở quê nhà. Cũng nhớ luôn thái độ cầu an của tôi ngày đó, điềm nhiên toạ thị khi thiên tai dù xảy đến cho cả nước nhưng không đụng đến mình là được. Thái độ “cầu an cho mình” này có phải là một trong những cá tính tồi tệ mà nhà báo Đài Loan, ông Bá Dương đã nêu ra trong sách Người Trung Quốc Xấu Xí không? Tồi tệ hơn, lại cảm thấy bình yên hạnh phúc khi hoàn cảnh riêng tốt đẹp, may mắn hơn hoàn cảnh chung của người sống chung quanh.

Một điều khác biệt giữa trong và ngoài Việt Nam sau đại dịch Covid-19 là chúng ta không phải chứng kiến những thông cáo kêu gọi cứu trợ của nhiều đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo về nạn dịch COvid-19 đang xảy ra trên quê hương. Vì nạn đại dịch ở Hoa Kỳ còn nặng nề hơn ở Việt Nam. Những hình ảnh, những tin tức về các du học sinh, các lao động viên ở nước ngoài xin chính quyền giúp đỡ để được về nước cho thấy «nước ngoài» hiên nay hết còn là thiên đường mặc dù ai cũng biết về tình trạng kinh tế kiệt quệ trong nước sau đại dịch. Những hiệp ước kinh tế với thế giới mà các đỉnh cao trí tuệ ở Hà Nội hy vọng sẽ giúp Việt Nam góp mặt trong thương trường quốc tế coi như «chưa» thành tựu chỉ vì thiếu chính sách nhưng lại thừa … cơ chế. Do đó, số tiền hàng năm do người hải ngoại gửi về giúp thân nhân còn ở lại đã giúp cho các lãnh tụ  CSVN càng ngày càng giàu thêm, giúp củng cố chế độ độc tài đảng trị CS chứ không giúp được gì cho quần chúng đói khổ ở quê hương. Biết vậy nhưng không ai làm được điều quay lưng với người thân còn kẹt lại. Cái tâm trạng “mâu thuẩn” khi nói về  “những cái không” mà người Việt hải ngoại “nên” làm để làm suy yếu chế độ CSVN tích cực hơn như:

- Không mua hàng Made in Vietnam
- Không du lịch Việt Nam
- Không gửi tiền về Việt nam

Người Việt hải ngoại hầu như không ai làm được những điều này vì không thể nào không gửi tiền về giúp thân nhân đang nghèo đói ở Việt Nam ... Tâm trạng mâu thuẩn này người Hoa Hồng Kông và Đài Loan đã phải đối đầu từ 70 năm qua khi Trung Hoa bị nhuộm đỏ. Ai chả muốn đất nước độc lập và thống nhất. Nhưng độc lập và thống nhất để phục vụ cho một đảng cai trị độc tài, tham ô thì ai lại đồng thuận được. Làm sao có thể sống ở quê hương khi phải làm những công dân hạng hai trên chính quê hương đất nước mình, bị cai trị bởi những người cùng tiếng nói, cùng tổ quốc.

Thiên tai thì  sẽ qua đi, mực nước có lên cao thì cũng sẽ phải xuống nhưng “nhân tai” mà nhân dân Hoa Lục và Việt Nam đang phải gánh chịu không biết đến khi nào mới “rút” cho dân được nhờ!

Hoàng Dược Thảo




 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top