Phiếm Dị - Đào Nương (July 02- 2020): Ngưu Tầm Ngưu, Mã Tầm Mã…

Phiếm Dị

Phiếm Dị - Đào Nương (July 02- 2020)

Ngưu Tầm Ngưu, Mã Tầm Mã…



Bao nhiêu năm qua nhưng Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa vẫn tung bay trên khắp thế giới, nơi có cộng đồng người Việt

Lật bật mà diễn đàn www.SaigonWeeklyonline.com đã góp mặt với cộng đồng người Việt hải ngoại được … bốn tháng. Nhiều chuyện “vật đổi sao dời” đã đến với thế giới trong vòng bốn tháng qua. Nhiều tờ báo giấy đã biến mất khỏi … địa cầu vĩnh viễn vì Cô Vi. Vì vậy mà rất vui vì diễn đàn mạng www.SaigonWeeklyonline.com vẫn tiếp tuc kết nối những cây bút của báo giấy Saigon Nhỏ trước đây và Saigon Weekly sau này với bạn đọc là vì vậy.

Ba mươi lăm năm trôi qua, kể từ tháng 7 năm 1985, khi tôi bắt đầu thực hiện báo Saigon Nhỏ.  Ngày nay, năm 2020, làng báo Việt Ngữ đã không còn là làng báo của miền Nam Việt Nam Tư do trước 1975 nữa. Những cây bút Việt Ngữ ở khắp năm châu đều có thể góp mặt trong một diễn đàn mà không cần… chạm mặt. Diễn đàn www.SaigonWeeklyonline.com vừa post bài Phiếm Dị của Đào Nương vào buổi tối lá ngay buổi sáng đã có thư độc giả từ  Cali, Orange- San Jose, Houston – Dallas, Seattle, WDC và ngay cả bên Canada, Pháp, Anh “comment”  mà không cần đến máy Fax như bản tin Chử bá Anh, 30 năm trước đây. Nhất là những bạn đọc trẻ tuổi từ trong nước. Tôi rất lấy làm hãnh diện khi được các bạn văn, chữ nghĩa đầy bồ gửi bài đều đặn và rất đều. Những vị trong nước cũng gửi những bài chống Cộng, chống đảng. Tôi xin chân thành cảm ơn quí Văn Hữu và quí Bạn Đọc. 

Không cần phải nói thì quí bạn cũng hiểu là tôi bận như thế nào từ khi SaigonWeeklyonline ra đời. Vì tin tức và bài phải update mỗi ngày, mỗi giờ, nếu cần. Nhưng dù bận đến đâu, tôi cũng luôn luôn cảm thấy ấm áp trong lòng vì cảm tình của bạn đọc dành cho mình. Hôm qua, tôi mới nhận được tin của một người bạn thời trường Dược. Nhận được tin bạn mà như thấy lại ngôi nhà sàn nhỏ dọc bên sông cầu Kiệu, vùng Tân Định. Gia đình bạn tôi sống bằng nghề làm hoa giấy, lồng đèn giấy. Những tháng cuối năm là cả cái sàn nhà nhỏ xíu được trưng dụng làm nơi sản xuất, không còn nơi để đặt chân vì giấy đủ màu quyện với hồ giăng cùng khắp nơi. Mùa Giáng Sinh, mùa Tết chỉ là những cơn ác mộng đối với bạn tôi, người duy nhất vẫn cố bám vào cái mộng đèn sách để đổi đời. Nơi bạn tôi “dùi mài kinh sử” là cái bàn gỗ nhỏ bên cạnh cái bếp, đến giờ ăn thì dẹp sách vở qua một bên. Sau những ngày lễ thì là ngày thi, bạn khó tìm thì giờ để học bài, cũng không có tiền để mua sách. Nhóm chúng tôi có 8 người thì hết 5 người nghèo hay rất nghèo.

Đừng tưởng nữ sinh viên trường Dược đều là con nhà khá giả hay trâm anh, thế phiệt. Trong số những người nghèo nhất có một người sau này sang lập nghiệp ở Canada và rất giầu. Nhưng tôi vẫn nhớ lần gặp sau cùng sau 30 tháng 4, 1975, chị M. đặt đứa con trai đầu lòng trong một cái thúng tre cột chặt vào bi đông xe đạp chở nó đi chích ngừa ở Ty Y Tế chợ Tân Định.  Từ đó mỗi lần thấy một cái giỏ hay thúng tre tôi đều nhớ đến PTM. Như mỗi lần trông thấy một lồng đèn bằng giấy, tôi đều nhớ đến người bạn thời sinh viên KXN mà suốt ngày nếu không đến trường thì chỉ quẩn quanh trên cái sàn nhà đầy giấy màu và hồ dán. Nhớ nhất là tinh thần hài hước của bạn. Có lần khi cùng ôn bài trong thư viên của trường, “con nhỏ” bổng cười sặc sụa, gỏ tay xuống bàn ầm ầm: “tổng cộng lại cuộc đời, từ khi sinh ra đến khi trưởng thành thì tao “bò” nhiều hơn là đi hay được ngồi trên ghế. Tôi vẫn nhớ đến bạn đôi khi trong 40 năm qua và nghĩ chắc là bạn tôi cũng đã lấy chồng, cũng đã vượt biên và đang sinh sống một nơi nào đó nơi xứ nguời. Nhưng nhờ SaigonWeeklyonline mà liên lạc lại được thì mới biết bạn tôi không hề lìa quê hương một ngày nào. Cái bằng Dược Sĩ của thời “ngụy” càng ngày càng có giá ở Xã Hội Chủ Nghĩa nên đời sống “con nhỏ” an bình, khá giả, bên cạnh ông chồng nhà giáo nhờ “mất dạy” (tức không còn được chế độ mới cho đi dạy lại sau 30 tháng 4 - 1975) mà  đi buôn… Thời gian đi nhanh quá, quá nhanh. Mong ơn trên phù hộ cho tất cả mọi người được bình an trong thời buổi đầy “bất an” này.

Theo Cộng là … hợp thời?

Đào Nương tôi là một mụ đàn bà nhà quê. Từ trước đến nay, chỉ nghĩ thật giản dị rằng thì là Việt Cộng không làm cho nước giàu, dân mạnh. Ngu dốt không phải là một cái tội, nhưng tham ô, dã man, vô nhân thì là một cái tội. Việt cộng bán đất, dâng biển cho Tàu cộng, làm cho đất nước và con người Việt Nam biến đổi, xã hội vô luân, giáo dục tồi tệ, do đó đã là người Việt Nam thì phải chống Cộng cho tới cùng. Nếu so sánh bọn Việt cộng ngày nay với Tần Thủy Hoàng ngày xưa thì chưa biết “tên nào” ác hơn “tên nào”. Nầy nhé chúng cũng đốt sách, cũng hủy hoại xã hội, văn hoá, cũng tàn sát sinh linh, cũng cường hào, ác bá....
Nhưng hiện nay, có một “hiện tượng” lạ trong CĐVN ở hải ngoại là người ta không còn chụp mũ nhau là VC nữa (có lẽ vì hết mốt, trừ những anh làm báo “chậm tiến”), trái lại người ta đang “thi đua” kiếm Job với Việt Cộng và lại rất hãnh diện về điều này.

Không thiếu người  trước đây chống Cộng cùng mình, chỗ nào có VC là phải tập trung biểu tình, chửi vung trời dậy đất, chửi vô tội vạ, chửi không biết đến “văn hiến” là gì. Khi được can ngăn thì to mồm rằng khi Việt cộng cho toàn thể QLVNCH vào lò cải tạo chúng nó đâu cần biết đến văn minh, tự do, nhân đạo, nhân quyền thì tại sao bây giờ chúng ta lại đặt những vấn đề này khi đấu tranh chống Cộng? Họ theo ông Vô Đề cho là Việt cộng ... chỉ là … khỉ thành người. 45 năm qua, cộng đồng người Việt hải ngoại đả đảo, không thèm chơi với Việt cộng khắp nơi là vì vậy. Ca sĩ trong nước ra ngoài hát? Đả đảo. Kịch sĩ, nghệ sĩ nhân dân. Đả đảo.

Nhưng có lẽ, khi Việt cộng không sụp đổ thì Việt cộng lại từ từ, từ khỉ học trở lại lảm người, những người văn mình. Chúng nói chuyện đầu tư, chuyện kinh tế … hàng tỷ đô la, chúng đi ra nước ngoài thì cưỡi xe limousine, gặp các nguyên thủ quốc gia vẩy tay chào đồng bào “yêu nước” hải ngoại … Càng ngày hành động la làng hay phản đối... ”bọn khủng bố sát nhân” càng ít đi. Tuy chiến tranh VN vẫn còn trong lòng quần chúng tị nạn nhưng với người Mỹ hay cộng đồng thế giới thì nó đã qua rồi, qua lâu rồi vì nếu không qua, tại sao người Việt tị nạn chính trị lại lũ lượt rủ nhau về nước nhiều đến thế.
Thế là, dân dần anh “cựu khủng bố” tức Vi Xi được vào Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Chánh phủ Hoa Kỳ bàn chuyện bán vũ khí cho kẻ cựu thù ViXi. Điều khác biệt là trong khi Chủ tịch nhà nước VC nói chuyện với giới chức Hoa Kỳ từ cấp đại sứ trở lên đều là một điều thưa ngài, hai điều thưa ngài... trong khi đó những công dân Mỹ gốc Việt nói tiếng Anh bằng tay, ăn tiền già, tiền trợ cấp xã hôi thì gọi tổng thống Hoa Kỳ như ông Obama là … thằng “mọi đen”. Nhưng gặp được Việt cộng thì lại khúm núm khoe … vừa được gặp anh Phúc, chị Mai. Nhắc đến chuyện được gặp lãnh tụ cộng sản với giọng khúm núm còn hơn được gặp lại … ông già vợ… nhỏ. botay.com!

Tôi mới vừa được nhìn thấy clip ông Vũ Hoàng Lân gặp Thủ Tường Việt cộng Nguyễn Xuân Phúc và được “anh Phúc” tặng quà. “Hãnh diện” vô cùng. Mấy tuần nay, ông Hoàng Duy Hùng cho cờ đỏ của Việt cộng chạy trên clip youtube của ổng khiến dân mạng ồn ào “tố cáo” ông Hùng là cộng sản. Trời đất! Một “ông kẹ” chơi cờ đỏ, sao vàng khè chạy trên diễn đàn của ổng thì nhằm nhò gì ba cái nón cối chụp lên đầu. Nếu không muốn nói là ngược lại. Được cộng đồng người Việt hải ngoại chụp càng nhiều nón cối càng tốt, để dù không có gì “đáng giá” … để làm "bằng chứng yêu em" với Việt cộng thì ít ra cũng là một đóng góp với  “cách mạng” dù muộn màng. Nhưng đóng góp vài ba cái nón cối thì ông Hoàng Duy Hùng dù có “mơ một giấc mộng dài” thì ông Hùng hy vọng sẽ được gặp gì trong mơ?

Còn nhớ, sau ngày 30 tháng 4, 1975, sinh viên ba trường Y-Nha-Dược được tập trung tại một giảng đường của trường Dược để chào đón người anh cách mạng  tức anh “ba Yến” của Ủy Ban Quân Quản về tiếp thu các cơ sở cũng như các iện bào chế ở Saigon. Một ông bác sĩ, giám đốc một nhà thương ở Saigon đã nói một câu “để đời” trong buổi này mà chúng tôi thường nhắc nhau mỗi khi họp bạn và nhất là sau khi nghe tin ông bị Việt cộng bỏ tù “dài lâu” vì chống cách mạng: Chúng ta là những người đến với Cách Mạng sau nên chúng ta phải hy sinh nhiều hơn để theo kịp người đi trước.

Những ông “Viêt kiều yêu nước” của những thập niên 90, 2000 chỉ cần đội một cái “nón cối” là Việt cộng cho qua-li-phai để được cái job “cầm đèn chạy trước Ô tô”rồi. Nhưng bây giờ là năm 2020, những ông Việt kiều yêu nước phải hy sinh nhiều hơn nhiều, phải đội bao nhiêu cái nón cối, phải chai mặt, phải lì đòn, đôi khi còn phải hy sinh đời trai thì mới được Việt cộng xài. “Tin đồn” Việt cộng sẽ cho ông Hùng trở thành một trong những đại biểu đầu tiên là người ở hải ngoại về góp mặt trong cái quốc hội bù nhìn của Việt cộng? Nhưng Đào Nương tôi nghĩ rằng đây chỉ là một lời đồn nhảm nhí.

• Trước nhất, ông Hoàng Duy Hùng xác định ông là một … trí thức yêu nước, ăn khách, clip Youtube của ông được cả trăm ngàn người theo dõi, trong đó phần lớn là người trẻ trong nước. Ông Hùng lập đi, lập lại là ông chỉ phục vụ cho đất nước, mang sự hiểu biết của ông về chính trị, về xã hội  để phục vụ đất nước.
Người trong nước có tin những điều ông Hoàng Duy Hùng nói hay không, nhưng người hải ngoại thì hầu hết đều không tin điều ông nói. Thi sĩ Tản Đà than thở: Bạc như dân. Bây giờ ông Hoàng Duy Hùng đã mất uy tín (tức mất đi chữ thân) và mất đi cái thế  của  cộng đồng  người Việt hải ngoại. Việt cộng cần người có thân, có thế, chống cộng … bằng mồm, đừng tuyên bố điều có hại cho Cộng chứ họ không cần “thằng mõ” không thân, không thế, đánh chiêng, đánh trống ca ngợi chế độ.

• Việc trở thành đại biểu của quốc hội của Việt cộng là “I have a dream”, bất khả: Muốn được đảng cộng sản đề cử thì thứ nhất phải có quốc tịch Việt Nam, thứ hai là phải có… “dân” để bầu. Nghe thì dễ mà làm không dễ chút nào. Ví dụ như bà Đặng Hoàng Yến, bà Yến là người Hải Phòng, là đảng viên của Việt cộng và ra ứng cử Đại Biểu Quốc Hội Việt cộng tại tỉnh Long An mặc dù người Long An chưa biết mặt bà Yến thì cũng chỉ là điều thường ở huyện làng cộng sản. Nhưng việc ông Mỹ gốc Việt về Việt Nam tranh cử thì chỉ có thể là chuyện… thọc léc cũng không cười nổi. Đây chỉ có thể là một tin đồn thuộc lại Fake News.

Cũng có dư luận cho rằng những hành động “chạy cờ đỏ”, lý luận ngược chiều với người quốc gia  có thể chỉ là một  thứ “midlife crisis” của những người trung niên, chứng bệnh thường có ở người Mỹ thứ thiệt hơn là Mỹ gốc Mít. Tôi cũng không tin là ông Hoàng Duy Hùng “được” là cộng sản. Vì Việt cộng không tin ai cả. Muốn “được” là cộng sản cũng không phải là chuyện dễ. Bao nhiêu người đã đi về Việt Nam trước ông Hoàng Duy Hùng, “lập nhiều công trạng” hơn ông Hùng còn chẳng đi đến đâu. Miếng võ sau cùng để giải thích thì đây là hành động “dấn thân” của một trí thức hải ngoại. Nghe cũng được! Nhưng ông Hoàng Duy Hùng không phải là trường hợp duy nhất. Điều khác biệt là ông Hùng … ra mặt hơn, quyết liệt hơn thách thức với cộng đồng người Việt chống cộng. Wait and see!

Nhưng mà phe ta, cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại nên suy xét nghĩ lại về các phương cách chống Cộng của mình. Khi biểu tình ở bên ngoài, chúng ta có thể đã đảo, có thể làm bất cứ chuyện gì, trương cờ vàng để mọi người ngoại quốc nhìn thấy sự chống đối của CĐVN ở hải ngoại dành cho chính quyền Cộng Sản đang tàn phá quê hương, đang vi phạm nhân quyền. Nhưng khi có những người có lập trường quốc gia đang tham dự một diễn đàn quốc tế, được mời phát biểu trên các diễn đàn thì chúng ta phải có một thái độ, một ngôn ngữ hòa nhã hơn khi chúng ta biểu tình chống cộng trên đường phố. Nhất là, không nên chụp vội những cái nón cối lên đầu họ. Đừng tìm mọi cách đẩy họ về phía bên kia chỉ vì một hành động, một dữ kiện có sự hiện diện của phía bên kia.

Người Mỹ và cộng đồng mạng quốc tế sẽ đánh giá CĐVN người Việt qua những người tham dự các diễn đàn mạng. Chúng ta không cần phải phải la lên “mày là tên cộng sản giết người”, không cần phải chỉ tay vào mặt Việt Cộng  thì người Mỹ thế giới mới biết rằng Việt cộng hay Trung Cộng là một bọn sát nhân vì người Mỹ Hoa Kỳ có đến 55 ngàn lính Mỹ tử trận tại VN cộng thêm không biết bao nhiêu là các cựu chiến binh. Trước khi “hành quân” bằng chữ nghĩa, chúng ta sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu hơn nếu chúng ta biết rõ mục đích của kẻ thù. Dĩ nhiên ngày nay, trong tư thế của những nhà ngoại giao, chính trị gia  “văn minh”, Việt Cộng không thể để lộ chân tướng “bồi bàn, chăn trâu, thiến heo, bần cố nông” của Bác và các “nãnh tụ” Việt Cộng được. Trong khi đó thì những người quốc gia chống Cộng lại đỏ mặt tiá tai, phùng mang trợn mắt, la làng, đằng đằng sát khí như khi chúng ta đang tham gia “chiến trận” tại Kontum hay Pleiku... thì thật không nên. Chúng ta cần phải hiểu rằng không phải người Mỹ nào cũng có... hận thù với cộng sản VN. Ngay cả những người có hiểu biết, họ cũng tò mò muốn tìm hiểu xem VN “đổi mới” ra sao sau bốn mươi năm. Nếu chúng ta tiếp tục đường lối đấu tranh “la làng” thì những người Mỹ khách quan nhất nhìn thấy gì? Trong khi VC đóng vai “văn minh” thì người quốc gia chúng ta lại không có gì ...khác lạ hơn thời chiến tranh Việt Nam? Hình ảnh một ông Bác sĩ đứng tuổi, đỏ mặt tía tai, đứng phắt dậy trong hội trường, la to “đả đảo VC, chúng mày là đồ sát nhân” chắc  chẳng giúp gì được cho chúng ta trong mục đích phá vỡ niềm tin của những người Mỹ trẻ tuổi hiện diện về những lời láo khoét của Việt Cộng về một VN đổi mới.

Năm 1997, tuần lễ Nguyễn Tấn Dũng có mặt tại Hoa Kỳ để bàn về hiệp định thương mại thì là tuần lễ mà báo Phụ Nữ xuất bản tại thành Hồ gồm 16 trang thì từ trang đầu đến trang cuối chỉ có toàn chuyện cán bộ ăn cắp quỹ quốc tế y tế viện trợ, sữa bột quốc tế cho trẻ em nghèo VN bán đầy chợ trời một cách công khai trong khi một bài viết khác đi kèm ngay trang nhất với đầy đủ hình ảnh một nữ thương binh của “họ” (không phải thương binh Cộng Hoà đâu đấy nhé!) cụt một tay, một chân vẫn phải lết ra lề đường buôn bán kiếm tiền nuôi một ông chồng điên, vài đứa con thiếu dinh dưỡng trơ xương không thua gì trẻ ở Phi Châu. Chưa kể nạn điếm vị thành niên (vị thành niên ở đây là trẻ từ 8 đến 12 tuổi, bán với giá $300 đô cho Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan phá trinh), nạn hảm hiếp trẻ vị thành niên bởi thân nhân (một ông chú trên 60 hảm hiếp một bé gái 11 tuổi) và sau đó mọi chuyện được dàn xếp êm xuôi sau khi tội phạm đồng ý cho công an dàn xếp bồi thường cho nạn nhân $200,000 tiền “cụ” tương đương với $10 đô. Một diễn giả tham dự đã  đưa những tờ báo, tiếng nói chính thức của phụ nữ thành phố HCM, của đảng CSVN, tận vào mặt Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng, giấy trắng mực đen và xin “ý kiến” của ông Dũng về thái độ cần phải có của CĐVN ở hải ngoại trước một Việt Nam “đổi mới” như vậy. Câu hỏi ngày hôm đó là: Nếu cộng đồng người Việt hải ngoại không chống Cộng nữa thì ông Dũng có cam kết là những tệ nạn xã hội kia sẽ chấm dứt tại Việt Nam trước khi lừa đối thế giới, kêu gọi đầu tư vào Việt Nam? Bảy mươi năm đã trôi qua, đất nước chúng ta đi từ những trại tù cải tạo giới hạn khoảng 1 triệu “lính ngụy” sang một trại tù vĩ đại, thống nhất, trại tù nghèo và đói với số lượng “tù nhân” là 90 đến 93 triệu người Việt Nam? Hôm đó, Nguyễn Tấn Dũng đã không trả lời câu hỏi này và cho đến nay, những tệ nạn xãy đó tại Việt Nam cũng chưa chấm dứt.

Tóm lại, chúng ta không nên quên một điều: những “nhân vật” cộng sản hiện đang có mặt tại hải ngoại thật ra cũng chẳng có quyền hạn gì. Một cựu Đại sứ đã từng tâm sự với một nhân vật hiện đang có mặt tại quận Cam là tuy thân phận đại sứ nhưng mọi di chuyển của “ngài” đều phải có giấy phép của Bí Thư Đệ Nhất. Trong nước thì những người cộng sản thức thời thường thì không có quyền hành. Đôi khi có quyền thì không dám tỏ lộ bởi sợ mất ghế hay bị thủ tiêu. Trong khi đó, những người quốc gia ở hải ngoại thì khỏi cần đợi lệnh cuả ai hết nhưng cũng không cần “văn minh”. Binh thư Tôn Tử dạy người cầm binh quan trọng nhất là lòng dân, thứ nhì mới đến địa hình, điạ thế. Không phải là một sự tình cờ khi những người “cuồng” “vị tổng thống vĩ đại” thường có một thứ ngôn ngữ không tử tế, khó thuyết phục lòng người. Đừng để cho người  ta phải nghĩ rằng ngưu thì tầm ngưu mà mã thì tầm mã.
Đào Nương
*
Tâm sự với Đào Nương
Saigon Weekly vừa nhận được tâm sự của một độc giả ký tên là Chị Mướp như sau:
Đọc mục phiếm dị của Đào Nương làm cho tôi động lòng trắc ẩn. Tôi kính phục Đào Nương phận nữ nhi trước cảnh tang thương của đất nước còn biết cất lên lời than thở, còn biết đau đớn cho một dân tộc thông minh, cần cù sắp tàn lụi dưới sự cai trị dốt nát của đảng CSVN.
Than ôi! Nhiều đấng mày râu sau ngày 30/4 đã “bãi chợ” sang Mỹ quốc lánh nạn CS hưởng một cuộc đời vương giả được học hành đỗ đạt xứ người, họ có danh vọng tiền tài và có một cuộc đời bình yên. Họ quên đi mấy chục triệu người vì đâu lầm than. Họ quên đi vì đâu suốt mấy thế hệ dân tộc ta phải lao vào cuộc chiến tranh phi lí. Và vì đâu miền Nam sụp đổ? Có phải bọn ăn cơm quốc gia thờ ma CS đã tiếp tay với bọn quỷ vương hay không? Thế thì ngày nay cái bọn đón gió trở cờ xuất hiện có gì lạ đâu. Cái đỉnh chung giàu sang danh lợi là món mồi ngon của bọn ăn tàn. Chúng nó tưởng rằng rồi đây sẽ được chia cho một vài cái ghế mục trong guồng máy chém của bọn ma đầu công sản. A ha, tên nào muốn vậy thì đừng sống trên đất nầy. Có ngon thì về VN sống với bọn chúng để dễ bề chia chác.
Hải ngoại là đất dung thân của những người đấu tranh cho tự do, dân chủ. E rằng bọn ăn tàn không tồn tại nổi đâu. Cảm ơn Đào Nương cho tôi thưởng thức nhiều bài viết về những “nhân vật” trong cộng đồng. Nhiều người tôi biết tuổi nhưng chưa kịp biết tên cho đến khi được nhắc đến họ. Không biết Dào Nương có xem chương trình C-SPAN trên kênh 28 không? Riêng tôi cứ hàng năm mỗi khi đến ngày 30/4 lòng tôi xốn xang không ít. Tôi muốn biết tụi Cộng sản muốn bày ra cái trò gì mới. Bởi những trò lừa bịp cũ ai cũng biết nên chúng khó nuốt trôi. Bọn Việt Cộng ngày nay thường xuất hiện trên đài tàng hình Mẽo với chiêu bài “dân chủ, tự do và mở rộng giao thương buôn bán”. Nghe qua bùi tai quá! Và lạ lùng thay những cái “mẹt” phinh phính của bọn cán bộ cs ngày nay sao thật nhẵn nhụi, trơn láng như tên Sở Khanh trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Dù tôi đây dốt đặc cán mai, tôi mới tới Mẽo chỉ có 3 năm nhưng tôi phải kinh dị trước trình độ ngoại ngữ, vốn kiến thức uyên bác mà Đảng và Bác truyền cho bọn họ. Mang danh là đại sứ, thủ tướng mà bị Mẽo hỏi mấy câu hóc búa mà cứ ấm a ấm ớ, tay chân quờ quạng, mất tư cách vì áp úng không biết trả lời. Tôi lớn lên trong những ngày Miền Nam bị xâm chiếm làm thuộc địa của chế độ Cộng sản, tôi được Đảng và Bác nhồi sọ trong trường phổ thông và đại học. Khi Đảng bảo yêu tổ quốc, yêu đồng bào bằng cách thắt lưng buộc bụng ăn khoai mì, khoai lang trừ cơm tôi đâu dám cãi. Còn các cán bộ Cộng sản đầy tớ của nhân dân thì yêu nhà lầu xe hơi và yêu rượu thịt. Bởi vậy nên tôi không thể nào thuộc lòng được những bài thơ của Đảng, tôi cứ nhớ bài thơ của Đỗ Phủ:
Trong nhà quan rượu thịt ê hề
Ngoài đường xương trắng phơi thành đống.
Thỉnh thoảng tôi ngâm nga bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần, trong nh óm Nhân Văn Giai Phẩm miêu tả hoàn cảnh đời sống miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong những ngày đầu đất nước chia cắt, tác giả bài thơ bị quy là chống phá, “bôi đen” chế độ, với những câu thơ:
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ
...
Danh hiệu người giáo viên là Kỹ sư tâm hồn mà Đảng dành cho đội ngũ trí thức Việt Nam mới thật rùng rợn. Vì hàng ngày các thầy cô giáo phải vác cái dạ dày lép xẹp để đầu độc thế hệ trẻ nền văn minh thời cổ đại của Đảng và Bác chỉ đạo.
Đào Nương thân mến!
Tâm sự với Đào Nương bởi cảm kích nỗi lòng của Đào Nương là bậc nữ nhi chân yếu tay mềm, nhưng còn nghĩ về quê hương đất nước. Chúng ta dốt đặc về tài láo khoét, nhưng chúng ta còn biết trọng nhân nghĩa, danh dự, lòng tin. Những giá trị nhân bản đó đã mất đi nhanh chóng dưới sự giáo dục ưu việt của Bác và Đảng. Do đó ngài đại sứ ngày xưa chống Mẽo cứu nước, bây giờ dựa Mẽo để hù dọa bà con cũng không có gì lạ. Đảng bảo “C” Mẽo thối thì cả nước bảo thối, Đảng bảo “c” Mẽo thơm thì cả nước bảo thơm thế mới biết “Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo”. Và cái lưỡi của ngài đại sứ vừa dài lại vừa dai. Ngài hết liếm Nga-Tàu thì phải liếm Mẽo chớ sao. Đào Nương cao bay xa chạy sau ngày Sài Gòn mất, còn tôi ngày đó chỉ là cô bé mười lăm tuổi ngu ngơ chẳng biết gì. Thế hệ của tôi bị bủa vây, kềm hãm, khủng bố về mọi mặt. Cả tuổi trẻ bị chôn vùi trong ao tù nước đọng của nền giáo dục  giáo điều, dốt nát và phi thực tế. Tôi phải đau lòng chứng kiến thầy của tôi tiến sĩ triết học, được đào tào từ Mạc Tư Khoa, ông ta có lý lịch ba đời theo CS, mỉa mai thay ông phải sống trong nghèo đói và chết trong đau đớn vì lao phổi. Thầy T hàng ngày đạp xe ba bánh kiếm tiền nuôi tấm thân ốm đói. Thầy S, cô N của tôi những người thầy người cô ngày xưa uy nghi trong chiếc áo dài tha thướt, ngày nay thầy S bán cà lem và cô giáo hiền dịu của tôi ngồi lê lết bán thuốc rê. Xã hội đảo lộn giống như bài thơ Sông Lấp của Tú Xương:
Sông kia giờ đã lên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò.
Riêng con nhỏ giáo viên rách nát như tôi hàng ngày sau khi quăng cục phấn cái “bịch” phải đầu tắt mặt tối làm đủ thứ nghề, từ nghề buôn thúng bán mẹt, cho đến nghề chạy “mánh”, nghề ngồi lề đầu đường bán thuốc lá lẻ tẻ kiếm tiền độ nhật. Dù cùng cực đến mấy vẫn bị tụi công an rình rập, tụi thuế vụ dòm ngó, tụi quản lí thị trường canh me đánh thuế. Ba tụi nầy nó hết sức ác ôn. Tụi thuế vụ đánh thuế xong thì chỉ cho bọn quản lí thị trường đến hốt. Còn bọn công an côn đồ thì đuổi chợ và phạt vạ nặng nề. Nhiều bà con tiểu thương phải tán gia bại sản. Đường đường là một cô giáo trình độ đại hoc, tôi phải ngồi nghe bọn cướp cạn giảng dạy “đạo đức của người công dân XHCN”. Nhiều phen hàng của tôi bị dọn sạch và vốn liếng mồ hôi nước mắt trôi vào túi tham của Đảng và Bác. Kể ra làm nghề buôn thúng bán mẹt mà vui. Tôi được học khôn thêm về cảnh chợ chạy, chợ đuổi, chợ cấm, chợ dời. Đảng lựa chọn người rất tài tình, mấy tên đuổi chợ thuộc loại “Chí Phèo” chúng chỉ mang băng đỏ, vác súng dí mấy bà già buôn thúng bán mẹt nghèo khổ rách nát. Bọn chúng chưởi bới người già bằng những ngôn từ hết sức “sạch sẽ” và xưng hô mầy tao với người tuổi tác đáng bậc ông bà cha mẹ. Tôi còn chút danh dự và lòng tự trọng nên ráng sống lây lất qua ngày trong những tháng năm đầy khổ hạnh. Nhiều cô giáo vì cảnh nghèo phải bán trôn nuôi miệng. Những cái khổ nào lớn hơn khi nhìn thấy đất nước lụi tàn, lòng người li tán, vật vờ như những bóng ma. Phận nữ nhi đơn độc phải chống chỏi với bọn vô luân trong trường trung học sư phạm, bọn tay to mặt lớn của sở giáo dục, tụi giáo viên tham chức phận, nịnh hót, cúi lòn để tìm chút miếng ăn. Thầy trò xác xơ, tan tác. Đứa học trò mới 20 tuổi bị thằng hiệu trưởng trình độ chăn trâu phê chuẩn mấy câu “vô đạo đức cách mạng” thế là cậu bé tàn đời. Cậu trở về quê với căn nhà dột nát, manh áo tả tơi, hàng ngày phải đi bộ vào rừng hàng mấy chục cây số để chặt lồ ô về nhà đan rổ bán. Thế mới biết quyền lực ghê gớm của bọn ma đầu CS.
Đào Nương thân mến, nếu kể về tội ác của bọn chúng không đủ giấy mực để viết đâu.. Vài dòng tâm sự với Đào Nương mong một ngày không xa được tâm sự với Đào Nương nhiều hơn. Chúc Đào Nương và tòa soạn luôn thịnh vượng để bà con ta còn gởi gấm tiếng nói của mình cho công cuộc đấu tranh chung của dân tộc.
Chị Mướp
*
Đào Nương nhắn tin Chị Mướp: Thành thực cám ơn những lời “khen” của Chị. Trong trận chiến báo chí ở hải ngoại, Đào Nương tôi hay... bị rơi vào tình trạng “hoa lạc giữa rừng gươm”. Có  Chị, chị thông cảm và an ủi làm cho Đào Nưong tôi đỡ cô đơn, vững tay cầm bút!!! Một lần nữa cám ơn chị.
Đào Nương

 

 

Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top