Phiếm dị - Đào Nương
Đọc tin mới nhớ chuyện cũ
Tôi vừa liên lạc được với một nhân viên cũ. Trước đây cháu là một du sinh tự túc, cháu được gia đình bảo trợ sang Canada du học. Học xong cháu tìm cách tìm việc để được ở lại Hoa Kỳ nhưng không thành công. Hiện nay cháu làm việc cho một công ty của Nhật tại Saigon chuyên về du lịch. Sau đại dịch Covid 19, ngành du lịch cũng như nhiều ngành nghề khác ở Việt Nam không vực dậy nổi. Cháu chỉ còn việc làm bán thời gian. Cháu đã lập gia đình và có một con trai lên 10. Nói chuyện với tôi cháu bảo dân Saigon bây giờ chỉ tiếc không còn phong trào vượt biên như trước đây. Dù có bỏ mạng trên biển cũng sẽ ra đi, ít ra cũng còn hy vọng thay đổi được nếu không phải là đời mình thì là đời con, cháu. Bây giờ cháu mới hiểu các cô chú, ông bà đã ra đi trước đây để bây giờ ở hải ngoại có được một cộng đồng Việt Nam vững mạnh và một thế hệ trẻ gốc Việt vẻ vang như hiện nay. Bây giờ có liều chết thì cũng không làm được nữa. Đi lao động cũng phải có tiền, rất nhiều tiền là đàng khác.
Tháng trước đây, những tiểu bang Hoa Kỳ có chung biên giới với Mexico nhất là Texas khốn khổ vì nạn người từ các quốc gia Nam Mỹ xin di dân vào Hoa Kỳ. Hàng ngày có hàng chục ngàn người liều chết, già, trẻ, lớn, bé băng rừng lội suối, đi bộ hàng trăm dậm để được đến biên giới Mỹ. Những ông thống đốc Cộng Hòa tại các tiểu bang này “chơi khăm” thuê xe bus, máy bay chở người xin di dân về các thành phố thuộc tiểu bang Dân Chủ thả người xuống mặc dù biết làm như vậy là phạm luật. Những người muốn xin di dân phải điền giấy tờ tại các trạm biên giới để được cứu xét, khi chưa được phép, họ không được di hành trong lãnh thổ của Hoa Kỳ. Đặc biệt lần này, người ta phát hiện có nhiều người Hoa đi từ Lục Địa cũng đến biên giới Mỹ-Mễ để xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Hầu hết đều muốn đến California hoặc New York, nơi có đông người gốc Hoa cư ngụ. Trả lời phỏng vấn của đài CNN, một người Hoa này cho biết, sự phồn thịnh của Trung Cộng thấy vậy mà không phải vậy nên họ mới phải liều chết mà ra đi. Cuộc hành trình không dễ. Họ phải đi sang một xứ Trung Đông, từ đó bay đến Ecuador, một quốc gia Nam Mỹ rất dễ dàng về giấy tờ. Rồi mới băng đèo, vượt suối theo sự hướng dẫn của bọn buôn người. Họ xin dấu mặt vì còn thân nhân bên trong Hoa lục và hầu hết đều có thân nhân tại New York hoặc California sẵn sàng bảo lãnh cho họ.
Thật ra, Hoa Kỳ cũng như các quốc gia tiền tiến, phát triển ở Âu Châu rất cần công nhân để làm những công việc mà người dân bản xứ ít chịu khó để làm. Đó là lý do mà nước Đức trước đây đã cho hàng chục ngàn người Thổ Nhĩ Kỳ được định cư vì các ngành kỹ nghệ của Đức rất cần nhân công. Kỹ nghệ canh nông, kỹ nghệ chăn nuôi, kỷ nghệ xây cất của Hoa Kỳ cũng rất cần người. Quý vị xem
(14) How American Farmers Harvest Thousands Of Tons Of Fruits And Vegetables - YouTube
thì sẽ rõ. Hầu hết nhân công đều là người di dân Nam Mỹ hay Mexico. Theo sự diễn tả của họ thì ít người làm lâu n vì rất cực nhọc. Lưng đội trời, nửa thân dưới bò dưới đất hay oằn người để hái quả. Lương chỉ là lương tối thiểu. Đàn bà ít người làm nổi, đàn ông phải là thanh niên, trai tráng để và khiêng nặng . Trước đây khi đại dịch Covid xảy ra, rất nhiều người Mễ di dân lậu phải đi ngược trở lại Mễ vì không có việc làm và vì cách ly, họ không sống được. Nay thì đa số lại tìm cách trở qua Hoa Kỳ và Hoa Kỳ thì rất cần họ mặc dù có những ông Mỹ gốc Việt vẫn lên tiếng chỉ trích chính sách dễ dãi về di dân của chính quyền Dân Chủ.
Các quốc gia càng văn minh thì tỷ lệ sinh sản càng hạ thấp vì phụ nữ ngày nay đã ra ngoài xã hội làm việc, việc sinh con, nuôi dạy con không phải là chuyện dễ dàng. Nước Pháp là ví dụ điển hình cho một quốc gia tụt hậu, người già thì nhiều, hưởng nhiều phúc lợi xã hội, nắm các vị trí then chốt về chính trị. Các thế hệ trẻ thì mất phương hướng, công ăn, việc làm khó khăn, thất nghiệp nhiều, nhưng lại lười biếng chỉ muốn hưởng nhàn như … trăm năm cũ thời thuộc địa chuyên bị bọn chính trị gia xúi giục xuống đường bằng cách đưa ra những phúc lợi xã hội làm mồi: giờ làm việc mỗi tuần là 36 tiếng, mỗi năm có 5 tuần nghỉ hè ăn lương. Toàn thể Âu Châu đã nâng tuổi về hưu lên 65 từ cả thập niên rồi, Hoa Kỳ thì 67 mới được hưởng hưu trí toàn phần nhưng khi tổng thống Pháp Macron muốn nâng tuổi về hưu của người Pháp từ 62 đến 65 thì già trẻ, lớn bé biểu tình khắp nước Pháp, đập phá, đình công, bãi thị. Nhưng quốc hội Pháp đứng trước tình hình kinh tế không cải thiện thì chết nên phải đồng thuận với ông Macron mặc dù hiện nay, chuyện này đã thành luật nhưng những cuộc biểu tỉnh vẫn chưa chấm dứt.
Sỡ dĩ tôi nhắc đến ước muốn vượt biên của đứa cháu khi Việt Cộng đã “hân hoan” chào mừng thống nhất đất nước đã 48 năm và sự cố gắng của người dân Nam Mỹ liều chết để được vào Hoa Kỳ là vì ngày hôm qua có một chuyến tàu vượt biên từ Lybia, xứ sở của ông Gaddafi chở 800 người định đi đến Ý nhưng bị chìm ngoài hải phận quốc tế gần thành phố Pylos của Hy Lạp khiến 79 người thiệt mạng. Không ai biết rõ chuyến tàu đánh cá này chở bao nhiêu người nhưng hiện nay người ta đã vớt được 104 người và 79 tử thi. Khi kêu gọi cấp cứu, những người trên tàu cho biết họ mang đi 750 người nhưng tin tức cho biết con số thực có thể còn cao hơn nhiều.
Ảnh chụp từ trên không của Cơ quan Phòng Vệ Duyên Hải Hy Lạp cho thấy thuyền tị nạn bị chìm ngoài khơi hải phận Hy lạp quá tải, đầy người (Image: @visegrad24 / Twitter)
Theo tin tức của tổ chức Alarm Phone và chính phủ Ý thì họ đã nhận được sự kêu cứu từ tàu này nhiều lần và đã liên lạc với chính phủ Hy Lạp từ 9 giờ sáng ngày Thứ Ba là có một chuyến tàu sắp bị chìm trên vùng hải phận quốc tế tiếp cận với Hy lạp, cần tiếp cứu. Tổ chức NGO đã nói chuyện với những người trên tàu và đã định vị được tọa độ của họ bằng GPS và đã thông báo với chính phủ Hy Lạp, Ủy Ban Biên Giới Frontex của Liên Hiệp Âu Châu và Cao Ủy Tị Nạn LHQ tại Hy Lạp và đồng thời cũng loan báo trên Twister kêu gọi tàu bè có mặt trong vùng biển này tiếp cứu họ. Đến 5:30 chiều Thứ Ba, người trên tàu báo cho tổ chức Alarm Phone biết là viên thuyền trưởng đã bỏ tàu. Đến nửa đêm thì tổ chức NGO mất liên lạc với tàu.
Trả lời những chỉ trích của các cơ quan quốc tế, chính phủ Hy Lạp cho biết cho biết những người trên tàu từ chối sự giúp đỡ của Ủy Ban Phòng vệ Duyên Hải của Hy Lạp và cho biết điểm đến của họ là nước Ý-Italy, không phải là Hy lạp. Họ chỉ xin tiếp tế nước uống và lương thực và chính phủ Hy lạp đã phái 2 tàu Hy lạp làm theo yêu cầu của họ.
Khoảng 1:40 sáng khi một tàu cứu hộ của Hy lạp đến nơi thì tàu này đã chết máy và bắt đầu chìm. Bộ Hải Quân Hy Lạp cho biết chiếc tàu này chìm rất nhanh chỉ trong 10 đến 15 phút, nhiều người hiện diện trên boong tàu đã rơi xuống biển.
Đây là thảm họa vượt biên từ Trung Đông gây thiệt hại nhân mạng nhiều nhất kể từ 2017 theo LHQ. Cũng trong ngày Thứ Tư, Tuần duyên Hy Lạp cũng đã cứu một chiếc thuyền khác có 80 người vượt biên tại vùng vịnh Crete sau khi nhận được lời kêu cứu của người trên tàu.
Thời gian gần đây chính phủ Hy Lạp đã nhận nhiều chỉ trích về cách cư xử thô bạo và không tử tế với thuyền nhân tị nạn từ Trung Đông. Tháng trước thủ tướng Hy lạp Kyriakos Mitsotakis đã ra lệnh điều tra về việc tàu Hy Lạp đã đầy thuyền nhân ra biển chuyển hướng đến của họ về phía Thổ Nhĩ Kỳ không cho họ được lên một hòn đảo của Hy Lạp. Gần đây hơn, báo New York Times của Hoa Kỳ đã phát tán một video cho thấy nhân viên công lực Hy Lạp ép buộc một nhóm thuyền nhân tại một bờ biển của một hòn đảo tên là Lesbos của Hy lạp lên tàu trở lại và kéo họ ra khơi, ra khỏi hải phận của Hy Lạp. Liên Hiệp Âu Châu đã buộc chính phủ Hy lạp điều tra về những vụ này.
Hành trình vượt biển Méditerranée rất là nguy hiểm cho các thuyền nhân vì số người thường quá tải trong những con tàu không an toàn. Họ chạy trốn chiến tranh hay vì quá nghèo khó. Những cuộc chiến hiện nay tại Yemen, tại Syria, những nền kinh tế phá sản tại Lebanon, tại Ai Cập đã khiến nhiều người liều chết ra đi. Ngay cả những quốc gia xa xôi như Sahara ở Phi Châu, Afghanistan, Bangladesh cũng sẵn sàng vượt đường xa không an toàn để hy vọng sẽ đến được Âu Châu hay Bắc Mỹ.
Theo tin của Ủy Ban Phòng Vệ Duyên Hải Hy Lạp, chuyến tàu vượt biên với hàng trăm người bỏ mạng ngay sát bờ biển Hy Lạp là những người đến từ Ai Cập, Pakistan, Syria, Palestin. Tổ chức Alarm Phone trong một thông cáo ra ngày Thứ Tư ngay sau khi thảm trạng xảy ra đã cáo buộc chính phủ Hy lạp không muốn cứu thuyền nhân khi cho biết họ từ chối được cứu lên tàu của Hy Lạp. “Những người vượt biên cho biết hàng ngàn người đã bị đánh đập, bắn chết, hay kéo trở lại ra biển bởi nhân viên công lực Hy Lạp. Chính sách này của chính phủ Hy Lạp đã buộc các thuyền nhân chọn những con đường xa hơn, nhiều nguy hiểm hơn trên biển”
Theo Liên Hiệp quốc, sau một thời gian gián đoạn vì đại dịch, hiện nay số người Trung Đông và Phi Châu liều mạng vượt biên băng qua biển Méditerranée đã tăng cao nhất trong 3 tháng đầu năm 2023 kể từ năm 2017. Kể từ năm 2014, LHQ ghi nhận khoảng 20,000 thuyền nhân đã mất mạng trên biển chưa kể theo tổ chức Frontex có khoảng 80,700 đi bằng đường bộ, số cao nhất kể từ 2009. Thật ra thì từ các nước Trung Đông hay Phi Châu đi bộ sang Âu Châu chỉ có một con đường duy nhất nên rất dễ bị phát hiện.
Dĩ nhiên là Cao Ủy Tị Nạn LHQ lại lên tiếng kêu gọi thế giới nên có những động thái nhân đạo và tử tế hơn để tránh những thảm họa thuyền nhân chết khi họ đã đi gần đến một bở biển tự do. “Chúng ta cần có một lối thoát an toàn hơn cho những người phải đào thoát. Không nên bỏ mặc họ với những chọn lựa giữa sự sống và cái chết”.
Nghe chuyện nay nhớ chuyện xưa
Tai nạn thuyền nhân vượt biển bỏ mình trên biển Méditerranée với 79 người chết đang ở trang nhất tất cả nhật báo, diễn đàn của thế giới ngày hôm qua khiến cho tôi không thể không chạnh lòng khi nhớ tới thảm nạn vượt biên của người Việt tị nạn Cộng sản trong gần hai thập niên sau 1975 với hàng trăm ngàn người bỏ mạng ở Biển Đông. Theo một bản tin trên đài RFA năm 2015 thì (trích) theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, từ 1975 đến 1997, tổng cộng khoảng 839.000 người Việt Nam đã vượt biển trên những chiếc thuyền mong manh, tấp vào các trại tị nạn thuộc các quốc gia trong khu vực. Vẫn theo ước tính của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, trong số 839.000 thuyền nhân đó, ít nhất 10% bỏ mạng ngoài khơi, vĩnh viễn không bao giờ tới miền đất hứa.”
Thuyền Nhân Việt Nam
Nhưng theo ông Vũ Văn Lộc, hiện là Giám Đốc Cơ Quan Định Cư Người Tị Nạn Việt Nam ở San Jose, California, Hoa Kỳ thì số lượng người Việt Nam bỏ mình trên Biển Đông khi trốn chạy khỏi “thiên đường” Cộng sản lớn hơn nhiều.
(Trích Đài RFA)
“Theo chỗ tôi được biết, thuyền nhân bắt đầu từ sau 1975. Phải đến ít nhất là tháng 8, tháng 9 năm 1975, tức là sau khi Cộng Sản vào Sàigòn rồi, mới bắt đầu có những người rời Việt Nam bằng đường biển đến Mã Lai, Thái Lan. Lúc đó không còn người Mỹ đón ngoài biển nữa. Lúc đó, coi như là vượt biên bằng đường biển thực sự. Kể từ khi có người Việt vượt biển và sau không biết bao nhiêu người chết tự điển thế giới bắt đầu có chữ mới “thuyền nhân” “boat people”, và định nghĩa “thuyền nhân” là những người tị nạn, rời bỏ quê hương của họ bằng tàu.
Theo thống kê của các cơ quan mà chúng tôi nhận được, từ 1975 cho đến 2005, trong 30 năm đã có gần 3 triệu người Việt định cư trên 126 quốc gia trên toàn thế giới. Trong số này có gần 1 triệu người đi vượt biên. Thống kê của các trại tị nạn Đông Nam Á vào năm 1995 là 839.200 người, kể cả 42.900 người đi bằng đường bộ. Có phỏng chừng 3 trăm đến 400 ngàn người đã bị bỏ mình không đi đến được bến bờ tự do.“ Trong tất cả những gia đình người Việt ở hải ngoại, không có một gia đình nào là không có liên hệ với thuyền nhân, trực tiếp hay con cháu của thuyền nhân. Cho nên thuyền nhân là một ý nghĩa chính thức để xây dựng một cách toàn thể cộng đồng của người Việt ở hải ngoại.” (Ngưng trích)
Những câu chuyện về vượt biên của người Việt tị nạn trong hai thập niên từ 1975-1995 thì bi thảm đến vượt quá sức tưởng tượng của con người. Ngoài số người chết dưới biển Đông còn biết bao nhiêu thiếu nữ vô tội bị hải tặc Thái lan, bị lính Mã Lai bắt mang đi mất tích. Hải tặc Thái Lan là kinh khủng nhất. Đa số là dân chài lưới nghèo khổ, nghe đồn những thuyền tị nạn Việt Nam đều dấu vàng, đô la nên họ tra khảo chủ tàu và đàn ông để tìm kiếm. Phụ nữ Việt Nam, nhất là thiếu nữ Việt Nam thường trắng trẻo và đẹp nên hầu hết đều bị chúng bắt về giam đâu đó ở các đảo hoang và ngày ngày trở lại để hảm hiếp. Rồi cảnh tàu lạc vào đảo san hô, người phải ăn thịt người, người tự thiêu khi bị từ chối cho đi định cư, người Việt tị nạn Cộng sản làm sao quên?
Đã đi qua thảm cảnh tị nạn Việt Nam thời đó thì mới thấy sự tàn ác đến man rợ của đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng hết thời kỳ vượt biên và chết trên Biển Đông thì thế kỷ 21 Việt Nam lại bắt đầu thời kỳ “bán mình” cho nước ngoài để tìm cách mưu sinh. Một hình thức vượt biên mới, an toàn hơn nhưng cũng không kém phần đau khổ. Đàn ông thì Việt Cộng bán ra nước ngoài làm lao công. Theo một youtuber trong nước thì một người Bangladesh đến Nhật hay Đài Loan làm lao công chỉ tốn có 1,200 đô la trong khi đó một người Việt Nam phải tốn khoảng 5-6000 đô la để được đi lao động. Coi như họ phải làm hơn một năm trời không có lương để trả nợ vì ở quê nhà, bọn đầu nậu đã cầm thẻ đỏ, đất các nhà cửa của gia đình họ. Phụ nữ thì đi qua nước ngoài qua nhiều ngã hơn trong đó có việc kết hôn với những người đàn ông nghèo, hoặc ở nông thôn không có điều kiện để lấy người cùng xứ làm vợ. Thảm cảnh này thì chúng ta đã được nghe nhiều rồi. Nhất là những người lấy chồng Tàu Cộng. Trên Tiktok đã có nhiều phụ nữ quay cảnh nghèo nàn của một vùng quê ở Tàu Cộng mà gia đình chồng cô sinh sống và cô phải làm dâu. Đó là chưa kể nhờ ơn bác Hồ và đảng Cộng Sản Việt Nam, hiện nay tại khắp các thành phố ở Châu Á xuất hiện những xóm “đèn đỏ” toàn gái Việt Nam, chuyện không hề có khi bác Hồ và đảng CSVN chưa thống nhất đất nước. Đến nổi, đàn bà Việt Nam mà qua các phi trường Á Châu là bị nhân viên phi trường bắt đứng sang một bên để điều tra ngay. Một ông Việt Kiều về Việt Nam lấy vợ, cô vợ du lịch với ông bằng thông hành của Việt Nam, đến đâu cô cũng bị tách riêng ra để điều tra.
Đó là lý do mà có người viết trên Facebook là: chỉ có một nơi trên thế giới mà người Việt Nam không bị khinh khi: đó là Hoa Kỳ. Điều này thì không thể đúng hơn. Ở Hoa Kỳ, đa số người Việt Nam đều có quốc tịch Việt Nam Cộng Hòa và con cháu của họ, họ không có hộ chiếu Việt Cộng. Đó là sự khác biệt giữa cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và người Việt mang hộ chiếu Việt Cộng bị khinh khi ở khắp nơi. Tương tự như sự cách biệt giữa người Đài Loan và người Hoa Lục. Cùng một tiếng nói, cùng một dân tộc nhưng vì Xã Hội Chủ Nghĩa đã khiến hai bên khác xa nhau.
Nhưng ít ra, Trung Cộng cũng đã “thống nhất” được nước Tàu, cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Người Tàu ở Bắc Kinh, Thượng Hải không “đô hộ” người Tàu ở Vân Nam, Trùng Khánh. Không như Việt Cộng, đảng Cộng Sản ở miền Bắc đô hộ miền Nam. Sau 48 năm, tình trạng giáo dục, dân trí, cơ sở hạ tầng của miền Nam thua miền Bắc rất xa. Trẻ miền Nam nhà nghèo hầu hết đều thất học vì thuộc giai cấp xấu, thiếu môi trường phát triển, con gái chuẩn nhà thổ, con trai chán đời, thất học, thua thiệt chỉ biết nhậu, không còn tinh thần cầu tiến. Ít ra trong lục địa nước Tàu, chỉ có một chính sách cho toàn dân Tàu, không có một chính sách cho Tàu miền Bắc và Tàu miền Nam. Khác hẳn ở Việt Nam, bọn Bắc Cộng đang đô hộ dân miền Nam. Có 5 cây cầu ngang biển dài lớn nhất nước đều ở miền Bắc trong khi miền Nam là cái nôi kinh tế để nuôi cả nước thì cơ sở hạ tầng nát bét không còn gì. Không chỉ ở Saigon mà tất cả các tỉnh thành miền Nam sau một cơn mưa thì “phố bỗng thành dòng sông uốn quanh” (nhạc TCS) . Một tỉnh Nghệ An nhỏ bé mà có đến 4 ông Ủy Viên Bộ Chính Trị trong khi cả một miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà mau chỉ có được mỗi một ông Nam Bộ Nguyễn Văn Nên là Ủy Viên Bộ Chính Trị, không là ‘thuộc địa” thì là gì?
Như đã viết trước đây, với 5 triệu đảng viên và một cơ chế chung “không tham nhũng là ngu” của đảng CSVN thì ông Nguyễn Phú Trọng cần lập ra nhiều cái lò hơi ngạt kiểu Đức Quốc Xả thì mới đốt hết chứ đốt bằng lò như ông đang làm hiện nay thì chỉ sợ “củi” đốt ông trước khi ông cho được củi vào lò. Không ba xạo thì không phải là Cộng sản mà lị.
Đào Nương