Phiếm Dị - Đào Nương
@www.saigonweeklyonline.com May 15
Những hạt giống đỏ@www.saigonweeklyonline.com May 15
Những cậu ấm, cô chiêu của các lãnh đạo Cộng sản thường được gọi chung là những hạt giống đỏ. Thái tử đỏ, công chúa đỏ. Tức là thế hệ thứ hai lãnh đạo đất nước thay thế dần các lãnh đạo già nua đi từ trong rừng về thành. Hầu hết đều lớn lên sau khi chiến tranh kết thúc. Hầu hết đều được gửi ra nước ngoài học tập, nếu không thì cũng tốt nghiệp các trường đại học trong nước nên hầu hết đều có học vị tiến sĩ. Các cô, các cậu khi về nước đều được bố trí vào các chức vụ có thể thăng tiến lên các vị trí lãnh đạo. Đó là lý do mà khi các ông Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trần Tuấn Anh, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam bị cách chức vì … vi phạm những điều mà đảng viên Cộng sản không được làm, báo chí nhà nước đều tiếc hùi hụi vì đó là những hạt giống đỏ trước khi trở thành những “đồng chí lãnh đạo” được huấn luyện theo bài bản từ đoàn lên đảng, đã giữ nhiều vị trí lãnh đạo mà nay lại … phải chịu trách nhiệm chính trị, tiêu tùng sự nghiệp chính trị dù chỉ 57 tuổi như ông Võ Văn Thưởng.
Hầu hết những bí thư tỉnh ủy, phó bí thư tỉnh ủy, bộ trưởng, thứ trưởng bị cách chức, bị khai trừ ra khỏi đảng, bị tù tội vì nhận hối lộ bị “kẻ sĩ Bắc Hà” Nguyễn Phú Trọng cho vào lò đốt đều thuộc thế hệ thứ hai này tức là ông Trọng đang đốt những hạt giống đỏ của bác Hồ mà đảng CSVN đã tốn biết bao công phu mới gầy dựng nên. Có thể nói công cuộc “đốt lò” của “kẻ sĩ Bắc Hà” Nguyễn Phú Trọng qua bàn tay của Tô Ngộ Không đang làm tê liệt đảng CSVN. Ngoài việc ông Trọng không còn người tâm phúc để thừa kế “ngai vàng” Tổng Bí Thư mà hiện nay, sau vụ Vương Đình Huệ thuộc nhóm Nghệ An “dử đàn” như vậy thì không “hạt giống” nào dám ló mặt ra cả.
Mấy ngày nay, vụ “nuốt” 160 mẫu đất ở Thủ Thiêm (đã được cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt hoạch định là cấp cho người dân Thủ Thiêm phải di đời) của cựu bí thư thành ủy Saigon Lê Thanh Hải được ông Trọng cho Tô Ngộ Không khui trở lại. Cơ chế “gia đình trị” của người Cộng sản thường khiến cho cả họ chết chùm. Trong vụ Trịnh văn Quyết sắp ra tòa, cả vợ chồng, gia đình bên chồng, gia đình bên vợ đều phải ra tòa. Một ông “ăn tham” cả họ đi tù là vì vậy. Lần này khi Lê Thanh Hải bị điều tra, không biết hai cậu quý tử của ông này có thoát không?
Trứng rồng lại nở ra rồng, Liu điu thì nở ra dòng liu điu.
Lạ thật. Đảng Cộng sản là đảng bách chiến, bách thắng, Lãnh tụ Cộng sản là đỉnh cao trí tuệ loài người. Toàn là người “rồng” cả, nhưng sao con cháu đảng lại toàn một bầy … liu điu. Cho chúng sang Tây, sang Tàu, sang Ăng Lê, sang Xing ăn đủ món ngon, vật lạ mà sao chúng chỉ mê … ăn tham?
Bác thì vĩ đại anh minh,
Hạt giống của bác chỉ ngần ấy thôi!
Hai câu thơ này được người viết đăng báo Saigon Nhỏ từ năm 1988 đến nay đã 26 năm mà đảng CSVN vẫn chưa biến được “hạt giống đỏ” thành hạt lúa nên dân Việt Nam vẫn còn đói rã họng ra thôi theo Gs Sử Học Trần Quốc Vượng.
*
Trong tuần qua có hai bản tin đáng chú ý về hai “hạt giống đỏ” thuộc thế hệ thứ hai trong hệ thống lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam: một người nhảy lầu tự tử, một người bị vào tù. Cả hai là hai « tấm gương sáng về học vấn, về thành công trong thương trường, trong đảng tịch» cho đến tuần vừa qua. Người thứ nhất là Phan Quang Huy, Bí thư đảng ủy, tổng giám đốc Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) tại Nha Trang tự tử bằng cách nhảy từ tầng lầu 33 của một khách sạn nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, chết khi được đưa vào nhà thương. Người thứ hai là - Lê Hải Trà, cựu Tổng Giám đốc, cựu Ủy viên HĐQT, thành viên độc lập hội đồng niêm yết Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), người chỉ đường cho Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong một thời gian ngắn nhất.
- Phan Quang Huy, TGĐ Khatoco tự tử
Theo bản tin của báo Tuổi Trẻ thì Khatoco là một doanh nghiệp nhà nước lớn đứng đầu của miền Trung thành lập từ năm 1983. Trong suốt mấy chục năm qua, Tổng Công ty Khánh Việt là doanh nghiệp Nhà nước thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con với các ngành nghề sản xuất chính như thuốc lá, may mặc, dịch vụ- du lịch, hạ tầng công nghiệp… và là doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhà nước nhiều nhất tỉnh Khánh Hòa, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn người lao động ở Khánh Hòa.
Ông Phan quang Huy là cán bộ nhà nước “công tác” tại Khatoco hơn 30 năm qua, từng qua nhiều vị trí từ kế toán, kế toán trưởng, phó tổng giám đốc. Ông Huy được bổ nhiệm làm thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc Khatoco vào tháng 4-2022. Công an tỉnh Khánh Hòa xác định nguyên nhân tử nạn của ông Huy là tai nạn.
Nhưng ngay sau khi ông Huy qua đời thì trên các nền tảng mạng Xã Hội đã có thêm “chi tiết” là ông Huy tự tử, nhảy từ từng 33 của một khách sạn xuống đất và tắt thở lúc 4 giờ chiều ngày 20 tháng 4, hưởng thọ 53 tuổi. Trên các mạng điện tử luân lưu một bức thư tuyệt mệnh có chữ viết tay của ông Huy.
Nội dung bức thư tuyệt mệnh ông Huy gửi cho vợ và các con:
Gửi Mẹ và hai Con
Công việc của ba không những quá nhiều mà còn không tiến triển được do cơ chế hiện nay nên ba rất bị áp lực suốt một thời gian dài vừa qua. Gần đây lại có tin về việc rà soát khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Không những thế cao ốc Khách sạn - Thương mại Khatoco tại số 7-9 đường Biệt thự. Dự án khu phức hợp Thương mại-Khách sạn-Căn hộ Tropicana cũng thuộc diện phải rà soát và trước sau các cơ quan chức năng của nhà nước cũng tiến hành điều tra các dự án này. Đây là những dự án mà Tổng công ty đã liên doanh, liên kết với các đối tác để triển khai thực hiện cách đây mười mấy năm. Ba cam kết không nhận bất kỳ một đồng tiền nào, tuy nhiên chắc chắn rằng, Ba sẽ không tránh khỏi các sai sót trong quá trình định giá tài sản, góp vốn đầu tư bởi tư duy, qui trình của mười mấy năm trước khác hẳn với những qui định hiện hành của thời bây giờ. Cứ nghĩ đến những sai phạm kiểu như: vi phạm qui định của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến phải chịu án tù tội như rất nhiều người khác là ba bủn rủn chân tay, đầu óc suy nghĩ liên miên, đêm nằm thao thức không ngủ được, sức khỏe suy kiệt nên Ba phải tìm cách giải thoát cho bản thân khỏi sự ám ảnh này.
Mẹ và hai Con coi như Ba không may mắc bệnh hiểm nghèo nên phải ra đi sớm cho nhẹ lòng hơn nhé. Ba xin lỗi Mẹ và hai Con rất nhiều. Bé Mai trưởng thành rồi nên Ba có thể yên tâm phần nào. Riêng bé Minh thì dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải cố gắng để tiếp tục học tập nha con. Mẹ cố gắng mạnh mẽ lên để làm trụ cột cho gia đình mình trong lúc này. Hai Con sau này nhớ chăm sóc Mẹ chu đáo nhé!
Rút kinh nghiệm của Ba, trong bối cảnh như hiện nay, hai Con tốt nhất không làm trong lĩnh vực kinh tế, không làm trong các cơ quan Nhà nước, không làm trong các doanh nghiệp Nhà nước, không làm quản lý vì tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý không bao giờ có thể lường trước hết được, vì mỗi ngày đều phải xử lý rất nhiều việc nên chắc chắn rằng trong suốt cuộc đời sẽ không tránh khỏi rất nhiều lần đưa ra những quyết định sai. Hai Con nên tìm kiếm những công việc nào mà sau 8 giờ làm việc không phải bận tâm suy nghĩ nữa là tốt nhất, Chỉ cần đủ ăn, sống vui vẻ, không phải lo lắng gì là hạnh phúc nhất rồi..."
Nguyện vọng tha thiết nhất của Ba là không muốn kéo dài cuộc sống nếu như bị bệnh nặng, vì như thế là nhẫn tâm, là kéo dài sự đau đớn cho người bệnh, cũng như làm cho người sống đau lòng. Ba mong muốn được hỏa thiêu, tuyệt đối không cung kính rườm rà, cả khi mất cũng như sau này, thủ tục càng đơn giản càng tốt vì chết rồi là hết rồi. Hãy để cho những người còn sống được thuận tiện nhất.
Ba cầu mong Trời, Phật phù hộ cho gia đình mình luôn được bình an, mạnh khỏe, hạnh phúc!"
Tái bút: Mẹ con nếu thương ba thì tuyệt đối không cứu chữa hãy để ba ra đi càng sớm càng tốt vì hiện nay ba sống không bằng chết, ba chịu hết nỗi rồi
(hết)
Tiếp theo bản tin về cái chết của TGĐ Khatoco Phan Quang Huy có rất nhiều comments của bạn đọc. Sau đây là vài ý kiến ghi nhận được:
- Tôi không bao giờ ủng hộ việc lựa chọn cách tự tử để trốn tránh tội lỗi. Nhưng tôi cho rằng, với thể chế này, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân muốn tồn tại và phát triển, khó có thể thoát tội nếu bị thanh tra, rà soát. Chỉ là may hơn khôn chứ chẳng ai tử tế, trong sạch cả đâu.
- Mỗi thằng lên lại ra một chính sách khác nhau, thằng sau đốt lò thằng trước. Tiền hậu bất nhất, doanh nghiệp thì ngôi trên đống củi lúc nào cũng có thể bị mang đốt nên thằng nào có tiền cũng tìm cách chuồn, ở lại trước sau gì cũng vào rọ.
- Nói chung là ông này cũng đớp, cũng ngập mồm. Nay tới lúc bị công an lật lại hồ sơ và kiểm toán thì căng quá. Khó thoát tội lợi dụng chức quyền để tham nhũng, anh em đồng bọn chia chác ăn chơi đớp hít rồi, mua nhà mua đất rồi, muốn đền cũng không đền nổi, mà có đền cũng khó thoát tội tử hình. Nên tự huỷ để bảo tồn tất cả….
- Viết vài lời loè dân đen thôi, chứ cha này mà trong veo thì việc gì phải chết. Khổ cái là đớp ngập mồm rồi, thanh minh không ai nghe, Bao nhiêu người đã chọn cách này rồi, đời cha làm cho đời con hưởng… Có gì lạ đâu
4 cựu lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) bị bắt
Theo tin của báo trong nước thì Bộ Công An Việt Cộng vừa truy tố 4 cựu lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” “giúp sức” cho Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC thao túng thị trường chứng khoán:
- Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE);
- Lê Hải Trà, cựu Tổng Giám đốc, cựu Ủy viên HĐQT, thành viên độc lập hội đồng niêm yết Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE);
- Trầm Tuấn Vũ (cựu Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch hội đồng niêm yết Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE);
- Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc Phòng quản lý và thẩm định niêm yết, thành viên hội đồng niêm yết, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).
Cũng như trong vụ Vạn Thịnh Phát có thêm 85 người cùng ra tòa với bà Trương Mỹ Lan thì trong vụ Trịnh Văn Quyết cũng có 50 người cũng ra tòa cùng với Trịnh Văn Quyết trong đó có 4 cựu lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) nêu trên.
Làm thế nào để tăng vốn điều lệ từ 1.5 tỷ lên 4,300 tỷ trong 2 năm ?
Theo cáo trạng của Bộ Công An, Trịnh văn Quyết thành lập Công ty xây dựng và đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, vào năm 2011 với vốn khởi đầu 1,5 tỷ đồng. Sau đó đổi thành Công ty cổ phần xây dựng Faros, giữ nguyên vốn trong hơn 3 năm tiếp theo.
Tới 2014 – 2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty cổ phần xây dựng Faros, biến Công ty cổ phần xây dựng Faros thành công ty đại chúng để niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE.
Theo quy chế hoạt động của HĐQT và Hội đồng niêm yết sàn chứng khoán HOSE thì dĩ nhiên Trịnh Văn Quyết sẽ không làm được nếu không có Trần Đắc Sinh, Lê Hải Trà cùng một số cán bộ khác tại HOSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam “tạo điều kiện”.
Trần Đắc Sinh với vai trò là Chủ tịch HĐQT HOSE biết báo cáo kiểm toán về tài chính năm 2014 và 2015 của Công ty cổ phần xây dựng Faros không đủ điều kiện. Báo cáo vi phạm lưu ý lớn rằng "không đủ cơ sở để xác định số vốn thực góp". Nhưng Trần Đắc Sinh vì quen biết với Trịnh Văn Quyết trực tiếp chỉ đạo cấp dưới là ông Lê Hải Trà, Trầm Tuấn Vũ và Vũ Thị Thúy Hằng tạo điều kiện để niêm yết cổ phiếu cho Công ty cổ phần xây dựng Faros của ông Quyết.
Từ đó thông qua đó sàn HOSE, Công ty cổ phần xây dựng Faros của Trịnh Văn Quyết có điều kiện thu hút vốn của các nhà đầu tư trên thị trường.
Lê Hải Trà bị cáo buộc biết rõ báo cáo kiểm toán về tài chính của Công ty cổ phần xây dựng Faros "chưa có căn cứ xác định số vốn thực góp" nhưng vẫn chấp thuận hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp ông Quyết. Với vai trò Phó Tổng Giám đốc sàn HOSE, ông Trà đã họp HĐQT, đồng ý niêm yết cổ phiếu của công ty ông Quyết trái pháp luật.
*
Cả hai ông Phan Quang Huy và Lê Hải Trà đều là hai “tấm gương thành công” của thế hệ thứ hai của hệ thống lãnh đạo của đảng CSVN. Trên mạng không tìm được tiểu sử của ông Phan Quang Huy nhưng một người có “thành tích” trở thành bí thư đảng ủy khi 50 tuổi, lãnh đạo một công ty lớn nhất ở miền Trung thì không thể không có ô dù rất lớn. Đứng trước “thềm” sẽ bị công an điều tra về “những sai phạm mà đảng viên không được làm” đã kinh hải đến độ nhảy từ lầu 33 xuống đất tư- vẫn thì phải hiểu chứng cứ về những sai phạm này rõ ràng như thế nào rồi.
Riêng ông Lê Hải Trà, cựu Phó Tổng Giám đốc sàn HOSE thì là người rất nổi trên cộng đồng mạng.
Dưới đây là chân dung ông Lê Hải Trà trên VietnamFinance:
Giữa tháng 8/2017, ông Lê Hải Trà chính thức được bổ nhiệm giữ cương vị phụ trách điều hành Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE), thay cho ông Trần Văn Dũng rời ghế Chủ tịch HoSE để chuyển sang cương vị Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Sinh năm 1974, ông Lê Hải Trà gây ấn tượng với “bảng vàng” thành tích học tập và kinh nghiệm. Ông Trà có bằng Thạc sĩ Quản lý Công (MPA) với chuyên ngành kép Lãnh đạo và Phân tích thị trường tài chính từ đại học lừng danh Harvard Kennedy. Ông cũng từng nhận được học bổng Hubert H. Humphrey danh tiếng của Bộ Ngoại giao Mỹ cho chương trình tu nghiệp về Quản trị Chiến lược và Tài chính tại Đại học Boston năm 2003.
Về kinh nghiệm, ông Trà có hơn 20 năm gắn liền với sự ra đời, phát triển, trưởng thành của chứng khoán Việt Nam. Ông Trà từng làm việc tại một công ty kiểm toán nước ngoài trước khi về làm việc tại Vụ Phát triển Thị trường, UBCKNN năm 1997. Sau đó ông tham gia tổ công tác biệt phái và có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình chuẩn bị khai trương hoạt động của HoSE năm 2000.
Năm 2006, ông Trà giữ cương vị Phó Giám đốc Trung tâm GDCK TP.HCM, sau đó một năm là Ủy viên thường trực HĐQT HoSE. Tháng 12/2011, ông giữ cương vị Phó Tổng giám đốc Thường trực HoSE và gần 5 năm sau giữ cương vị Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành HoSE, trước khi trở thành người đứng đầu HoSE vào tháng 8 năm nay.
Điểm gây ấn tượng đầu tiên ở ông Trà trong các cuộc trao đổi với báo giới là sự nhẹ nhàng, mạch lạc và đi thẳng vào vấn đề – bóng dáng một nhà lãnh đạo theo kiểu kỹ trị với chuyên môn sâu hiện lên rất rõ.
(Ngưng trích)
Khi ông Lê Hải Trà làm quan lớn của nhà nước trong ngành chứng khoán thì trên Facebook tràn lan những chỉ trích về “trục trặc” nghẽn lệnh, nghẽn mạng mỗi khi có lượng giao dịch lớn trên hệ thống giao dịch của HoSE. Trên nguyên tắc thì đây là những trục trặc không thể có. Đồng tiền liền khúc ruột, mỗi lần “tai nạn” xảy ra là những phát biểu tức giận và la ó vang khắp các diễn đàn mạng. Họ đặt vấn đề là công ty chứng khoán HoSE cung cấp dịch vụ chứng khoán độc quyền có thu thuế, thu phí cao nhưng hệ thống giao dịch nát như vậy lại không cải thiện, cũng không một lãnh đạo nào của công ty lên tiếng bảo vệ quyền lợi hay xin lỗi các nhà đầu tư.
Thay vào đó trên trang cá nhân của ông Lê Hải Trà – Người phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đăng dòng status vô cùng “ấn tượng” như sau: “Anh bảo này, lúc chúng mày rùng mình có gọi anh không?!”
Lúc đầu khi đọc được, nhiều người nghi ngờ đây là tin giả, hoặc Facebook nhái, không do chính chủ hoặc tài khoản của Thành viên phụ trách HĐQT HOSE bị hack. Sau đó, ông Trà không đính chính nhưng trên trang cá nhân ông Trà status này cũng biến mất khiến sự phẫn nộ của giới đầu tư chứng khoán tại Việt Nam bùng nổ trên các mạng xã hội vì đa số nhận định rằng “ngôn ngữ” này không phù hợp với cương vị của một lãnh đạo. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao một lãnh đạo được đào tạo bài bản tại nước ngoài, gắn bó lâu năm với nhiều kinh nghiệm trong ngành chứng khoán như ông Lê Hải Trà lại có thể có những phát ngôn xem thường nhà đầu tư như vậy?
Ngôn ngữ và cách hành xử cho thấy cán bộ nhà nước Lê Hải Trà xem giới kinh doanh, đầu tư Việt Nam là một bọn dốt nát về tài chính, không đủ khả năng để chất vấn ông. Khi MSCI (Morgan Stanley Capital International) từ chối không đưa Việt Nam vào danh sách nâng hạng tiềm năng kinh tế, ông Lê Hải Trà cho rằng 9 lý do mà MSCI đưa ra đối với thị trường Việt Nam là “phiến diện và áp đặt” trong khi đó, ngay khi kinh tế Hoa Kỳ hơi suy thoái, tổ chức này hạ tín chỉ của Hoa Kỳ từ AAA xuống A mà các chuyên viên kinh tế hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ cũng im thin thít cho thấy khả năng về nhận định kinh tế của họ chắc là thua xa ông Lê Hải Trà. Những phát ngôn của cán bộ lãnh đạo sở chứng khoán nhà nước HOSE Lê Hải Trà về vụ “lộ thông tin mật” của các công ty chứng khoán năm 2010 hay vụ huy động vàng trong dân đều gây ra một làn sóng phẫn nộ trong giới đầu tư tại Việt Nam.
Trước mọi chỉ trích này, vợ ông Trà khi được hỏi vì sao ông Trà không đi theo những lời mời làm việc, giảng dạy, phát triển tại Mỹ, Nhật, Hongkong, Singapore và các nước tân tiến khác – nơi chắc chắn sẽ có cuộc sống và thu nhập tốt hơn hẳn lựa chọn của ông gần 20 năm qua cho biết ông Trà từng nói: “nếu những người trẻ có năng lực cứ bỏ Việt Nam đi hết thì đất nước bao giờ mới phát triển?”.
Theo tiểu sử “thăng hoa” của ông Lê Hải Trà của diễn đàn VietnamFinance thì ông Trà có “bằng Thạc sỹ Quản lý Công (MPA) với chuyên ngành kép Lãnh đạo và Phân tích thị trường tài chính từ đại học lừng danh Harvard Kennedy. Ông cũng từng nhận được học bổng Hubert H. Humphrey danh tiếng của Bộ Ngoại giao Mỹ cho chương trình tu nghiệp về Quản trị Chiến lược và Tài chính tại Đại học Boston năm 2003.”
Vào Google đánh MPA- Kennedy School thì quý vị sẽ đọc được thông tin sau:
Master in Public Administration/International Development
The Kennedy School of Government's newest degree program, the MPA in International Development (MPA/ID), is designed to prepare the next generation of leaders in international development. It is an economics-centered, multi-disciplinary program, combining rigorous training in analytical and quantitative methods with an emphasis on policy and practice.
Tìm hiểu kỷ hơn về sự thành lập của trường này thì đại học Harvard cũng như tất cả những đại học danh tiếng khác của Hoa Kỳ đều có những phân khoa “hữu danh vô thực” như trường hợp trường Harvard-Kennedy mà ông Lê Hải Trà tốt nghiệp bằng Cao học-Master. Năm 1938, gia đình Kennedy đã chi cho đại học Harvard 2 triệu đô la thời đó (một con số rất lớn) để thành lập một “chi nhánh” (chính xác hơn là danh xưng phân khoa) được gọi tên là The Kennedy School of Government chủ trương đào tạo thế hệ lãnh tụ kế tiếp trong một thế giới đang phát triển. Đây là một chương trình học đa ngành, lấy kinh tế làm trọng tâm, kết hợp việc đào tạo chú trọng về phương cách phân tích và định lượng nhấn mạnh vào chính sách và vấn đề thực tiễn.
Đây là một chương trình để đào tạo các “lãnh tụ chính trị” cho họ những hiểu biết căn bản về kinh tế, hiểu biết về các chính sách và cách áp dụng vào thực tế chứ không phải là một phân khoa thực tiễn dùng kiến thức mà kiếm cơm. Đó là bề mặt. Bề trái thì chính phủ Hoa Kỳ muốn ảnh hưởng đến nền chính trị của thế giới qua những chương trình đào tạo này, qua những “con ông, cháu cha” mà họ nghĩ rằng sẽ là những lãnh đạo của đất nước này trong tương lai.. Đại học nào của Hoa Kỳ cũng có những “chi nhánh” kiểu này để vừa thu tiền, vừa tạo ảnh hưởng nên việc được thu nhận cũng dễ dàng vì tự túc, có tiền thì được nhập học. Dĩ nhiên thì cũng có một số điều kiện về bằng cấp, về ngôn ngữ nhưng không khó khăn như sinh viên Hoa Kỳ muốn được nhận vào trường Harvard chính thống. Nhất là khi lại có đề nghị của chính phủ Việt Nam thì chắc là việc thu nhận sẽ dễ dàng hơn. Dù sao thì cũng phải đến trường học nhưng ra trường thì mang bằng về mà giúp nước như trường hợp của cán bộ nhà nước Lê Hải Trà chứ không thể tìm việc được ở Hoa Kỳ với bằng cấp này.
Những chuyên viên kiến thức lập lè với cái đuôi Harvard này dĩ nhiên có thể ăn khách ở các nước Á Châu không hiểu biết nhiều về ngành giáo dục và hệ thống đại học Hoa Kỳ. Đây là những cái lỗ hổng để các đại học Hoa Kỳ “hút” tiền của thế giới “đói” về giáo dục nhưng không ảnh hưởng gì đến xã hội Hoa Kỳ vì những sinh viên ngoại quốc tốt nghiệp những trường này chỉ có thể mang bằng cấp về cố quận lấy le chứ không thể dùng để hội nhập xã hội Hoa Kỳ.
Chả trách mà thị trường chứng khoán Việt Nam bị cựu sinh viên trường “danh tiếng” The Kennedy School of Government Lê Hải Trà thao túng đến độ có thể tạo ra một phiên giao dịch "để đời" ngày 10/1 của ông Trịnh Văn Quyết và cổ phiếu FLC: Từ ngày 1/12/2021 đến ngày 10/1/2022, tổng khối lượng giao dịch của cổ phiếu này đạt trên 820 triệu cổ phiếu, với tổng giá trị giao dịch là hơn 15.000 tỷ đồng. Riêng trong phiên giao dịch ngày 10/1, đã có 135 triệu cổ phiếu, tương đương với gần 20% tổng số cổ phiếu lưu hành (710 triệu cổ phiếu) đã được sang tay trong chỉ một ngày.
Đây là hiện tượng “con voi chui qua lỗ kim” đáng chú ý hàng đầu trong lịch sử Thị Trường Chứng Khoán vì Trịnh Văn Quyết và nhóm cổ phiếu FLC xét về quy mô, sự lộ liễu và bởi sự lặp đi lặp lại thách thức dư luận với sự đồng lõa của 4 cựu lãnh đạo nhà nước Việt Cộng của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). HoSE là sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam, với quy mô vốn hóa hiện khoảng 200 tỷ USD.
*
Hiện nay thì Phan Quang Huy đã tìm cái chết khi bị điều tra vì hành vi tham nhũng của mình. 4 cựu lãnh đạo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong đó có Lê Hải Trà bị truy tố về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" yểm trợ cho Trịnh Văn Quyết lừa đảo các nhà đầu tư 3,600 tỷ đồng, đưa Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK), vượt qua cả tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Coi như những “hạt giống đỏ lãnh đạo” chưa kịp trưởng thành từ trung ương đến địa phương (theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương, hơn 2.700 tổ chức đảng và 168.000 đảng viên đã bị kỷ luật trong thập kỷ qua, trong đó có 7.390 đảng viên bị cáo buộc tham nhũng, trong số này có 137 cán bộ cấp cao và 33 người là Ủy viên và nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.) đã biến mất trong cái lò đốt của “kẻ sĩ Bắc Hà” Nguyễn Phú Trọng. Đất nước đã tốn rất nhiều tiền gửi họ ra nước ngoài học tập và đảng CSVN đã tốn rất nhiều công sức để đào tạo họ thành một thế hệ lãnh đạo tiếp nối coi như hiện nay đã bị đứt đoạn.
“Sống trong một xã hội tan rã” là tựa đề một quyển sách của một nhà văn miền Nam thuộc thành phần thứ ba rêu rao về xã hội miền Nam trước 1975. Nghe nói nơi cư ngụ của người này sau 1975 lọt vào một nơi nổi tiếng là sa đọa của thành phố Saigon nên ông ta được chứng kiến hàng ngày sự tan rã của xã hội Việt Nam sau 1975 và thấm thía về câu nói sau ngày “giải phóng” của Trần Bạch Đằng về thành phần thứ ba này. Dù sao thì thế hệ đầu tiên lãnh đạo của đảng CSVN cũng không phải chờ lâu để xem kết quả khi những “hạt giống đỏ” mà họ gieo trồng đã và đang phá nát đất nước và con người Việt Nam như thế nào.
Đào Nương