Những Ngày Đau Đớn Phiếm Di - Đào Nương (May 10/ 2021)

Phiếm Dị

Những Ngày Đau Đớn

Phiếm Dị - Đào Nương (May 10/ 2021)


Nhà văn Hoàng Hải Thủy (1934-2021) trong một bài viết đã nhận định rằng trong thập niên 80 của thế kỷ 20, (nguyên văn) những sách Việt xuất bản ở Hoa Kỳ đa số là những Hồi Ký Ngục Tù do những người bị tù trong nước vượt thoát sang Hoa Kỳ viết ra. Cùng thời gian đó là những tập Hồi Ký của những “nhân vật” của Việt Nam Cộng Hòa. Từ năm 1990 Chương Trình ODP - Orderly Departure Program: Ra Đi trong Trật Tự - đưa nhiều người Việt, Cựu Tù Nhân Nạn Nhân Cộng Sản đến Hoa Kỳ. Chương trình này cung cấp một số người viết mới cho làng báo Việt ở Mỹ. Nhiều Hồi Ký Ngục Tù được xuất bản trong 30 năm qua.

Theo qui luật, với thời gian qua, người ta luôn cần có những gì mới, những cây viết mới, những truyện mới, kịch bản mới, những đào kép mới. Văn phẩm của những người viết Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà ở Hoa Kỳ là những Hồi Ký Ngục Tù, những Tiếc Thương Nước Cũ, những Thắc Mắc tại sao Ta thua, ai, cái gì làm mất Quốc Gia VNCH, những bản lý luận TT. Ngô Đình Diệm công hay tội, những biên khảo kể tội người Mỹ làm mất Quốc Gia VNCH, và những Sầu Buồn Tha Hương. Những văn phẩm ấy, nhiều quyển có giá trị, theo nhau ra đời trong 20 năm - từ 1975 đến 1995. Rồi chuyện Ngục Tù viết mãi cũng hết, đọc mãi cũng chán, Kể Tội, Tiếc Thương mãi cũng trở thành nhàm, từ 1995 trở đi  Thị Trường Sách Việt Kỳ Hoa đã có đủ những Hồi Ký Ngục Tù, tình trạng này được gọi văn huê là “bão hòa”.Sau đó, thay thế cho những Hồi Ký Ngục Tù của những người viết Quốc Gia VNCH là những tác phẩm của những người viết Bắc Kỳ Xã Hội Chủ Nghĩa, những văn phẩm này cũng viết về Ngục Tù - Ngục Tù ở miền Bắc XHCN - và chỉ sau vài năm, chúng “gần như ngự trị độc tôn” trên Thị Trường Xuất bản Sách ở Hoa Kỳ.

Mở đầu là những tác phẩm như Hoa Xuyên Tuyết, Mặt Thật của Bùi Tín, một Đại Tá Bắc Cộng bỏ ngũ, bỏ Đảng, rồi đến Đêm Giữa Ban Ngày của Vũ Thư Hiên, một đảng viên cộng sản bỏ Đảng, bỏ nước vì bị những đồng chí đảng viên vô cớ bỏ tù, đến những tiểu thuyết Thiên Đường Mù của Dương Thu Hương, Nỗi buồn Chiến tranh của  Bảo Ninh, Hồi Ký Ghi của Trần Dần, Ly Thân của Trần Mạnh Hảo, Viết cho Mẹ và Quốc Hội cuả Nguyễn Văn Trấn, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, người đảng viên cộng sản dù bị bọn cộng sản vô cớ bỏ tù nhưng vẫn cho Chủ nghĩa Cộng sản là đúng, là tốt, rồi đến Thơ Dzờ Dzoạc của Trần Dần, Xem Đêm của Phùng Cung, Nhân Quyền & Dân Chủ ở Việt Nam của Nguyễn Thanh Giang, Gửi lại trước khi về cõi của Vũ Cao Quận, Cha Già Dâm Tặc của Trần Khải Thanh Thủy.. vv... Lu bù kèn, toàn là tác phẩm của những người viết Bắc Kỳ và chuyện Bắc Kỳ, Bắc Cộng. 

Cuối thập niên 90, những Nhà Văn đã nổi tiếng, những nhà văn “đột xuất”,  những người cầm bút sau 1975 của Quốc Gia VNCH một số qua đời, những vị còn sống đã già lão, không còn sáng tác được nữa, theo qui luật, bị chìm trong dòng thời gian, bị quên trong lòng người Việt ở hải ngoại. Đến nay, tôi cay đắng thấy những người Viết Bắc Kỳ Cộng Sản đã chiếm địa vị độc tôn trên Thị Trường Sách Việt ở Hoa Kỳ.
(ngưng trích)

Thật ra, văn hoá, văn chương không phải là những cuốn hồi ký bán đầy trên thị trường sách báo hải ngoại dù là Hồi Ký Tù Ngục của người quốc gia trong thập niên 80, 90 hay Hồi ký nhận tội “hèn” hay kể tội của chế độ cộng sản của người viết miền Bắc sau đó. Trong thời đại mà ai cũng có thể viết, cũng có thể tự xuất bản sách như hiện nay thì những dòng chữ viết ra vì một lý do nào đó, nhân danh một điều gì đó thường chỉ có giá trị tài liệu của một “nhân chứng thời cuộc” đột xuất. Hầu hết đều không có giá trị về văn học hay biên khảo mà chỉ có giá trị tài liệu chưa được kiểm chứng nên đã gây ra nhiều tranh cải.

Thời gian 20 năm đầu của lịch sử người Việt tị nạn Cộng sản, từ 1975 đến 1995, khi một số nhà văn quốc gia như ông Hoàng Hải Thủy còn trầm luân trong các nhà tù cộng sản, thì những tác phẩm có giá trị văn học của các nhà văn nổi tiếng của miền Nam trước 1975 đang sống lưu vong không phải là ít. Ngoài những sáng tác mới, từ Bình Nguyên Lộc, Võ Phiến, cho đến Mai Thảo, Nguyên Sa, Lê Tất Điều, Duyên Anh, Du Tử Lê ai cũng đều có những cố gắng không ngơi nghỉ cho văn chương và văn hoá bằng cách xuất bản những tạp chí văn học định kỳ như Văn, Văn Học, Nhân Chứng, Bút Lửa, Làng Văn và nhất là ngoài việc ấn hành đều đặn những sáng tác mới ở hải ngoại, họ đã xuất bản lại tất cả những tác phẩm trước 1975 của họ và của bạn bè. Trong giai đọan này, những nhà xuất bản như Đại nam, Xuân Thu đã ra đời.

Chỉ tiếc là khi đó, vì cộng đồng Việt Nam tị nạn Cộng sản mới hội nhập nơi xứ người, sống rời rạc khắp nơi nên những cố gắng về văn hoá cuả các vị “tiền bối” này không được phổ biến rộng rãi vì thiếu tài lực. Trở ngại lớn nhất là vấn đề kỷ thuật. Muốn làm báo, viết văn, nhà văn Việt Nam thời đó phải đánh bằng máy không dấu rồi ngồi bỏ dấu từng chữ một trước khi cắt dán những cột báo thành một trang báo. Số phát hành lại hạn hẹp nên tìm ra một nhà in cò con nhận in cũng khó. Xe cộ cũng không, từ Orange County muốn lên Los Angeles đến Kim ấn quán để in báo Văn, nhà văn Mai Thảo phải di chuyển bằng xe bus. Bạn bè chở ông đến trạm xe bus trong khu Disneyland ở Anaheim và đến đó đón khi ông trở về. Không có các diễn đàn Internet tiện lợi như ngày nay; do đó, họ phải liên lạc với nhau bằng thư tín vì tiền điện thoại viễn liên khi đó rất đắt, tiền già không đủ để di hành thăm nhau như bây giờ. Cho đến giữa thập niên 90, khi muốn gửi một cái ảnh thân chủ quảng cáo từ Washington về Cali cũng phải dùng thư hỏa tốc - express mail, vô cùng tốn kém. Nhà báo Cao Thế Dung phải lặn lội ra Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ ở Washington viết tay lại những bản tin Việt Nam gửi về bằng bưu điện cho tôi. Khi nhận được, tôi phải cho thư ký đánh máy lại và một bản tin “sớm” nhất cũng phải mất hai tuần mới lên mặt báo.

Người quốc gia bại trận “kẹt” lại trong nước bị đi tù thì người lưu vong ngoài nước cũng có một vạn điều đau khổ khi hội nhập vào một xã hội mới với nỗi lòng tan nát vì hầu hết đều gia đình ly tán, phải sống xa vợ con, cha mẹ, bằng hữu. Tin tức những thảm cảnh vượt biên nhận được hàng ngày, dù truyền miệng hay qua những trang báo giới hạn cũng đủ làm những mảnh đời lưu lạc bỗng dưng hoá tang thương. Người trong tù không có giấy, có tự do để viết thì người lưu vong cũng vì nợ áo cơm trong xứ sở mới cũng khó có thì giờ dành cho văn hoá, văn chương. Vậy mà tuần nào cũng có một buổi ra mắt sách, thơ, băng nhạc… Nhà văn Mai Thảo phải viết tay mỗi tháng mấy trăm cái điạ chỉ độc giả dài hạn báo Văn rồi đi bộ mang báo ra bưu điện gửi đi. Nhà văn Lê Tất Điều khi làm tờ Bút Lửa một mình chiến đấu trong cô đơn từ trình bày đến đánh máy, phát hành, thu tiền, xin quảng cáo mà báo gửi đi cho các đại lý tiền cước phí phải chi mà tiền thu về thì không. Nhà thơ Nguyên Sa vừa dịch tin, vừa trình bày báo, vừa đi xin quảng cáo, vừa làm băng nhạc yểm trợ cho báo... Vậy mà ai cũng xuất bản ít nhất là năm, mười tác phẩm thơ, văn để lại cho hậu thế.

Khi kinh tế của cộng đồng Việt Nam khắp nơi phồn thịnh đã phát sinh ra ngành “báo biếu”. Vào thập niên 90, có một lúc, hàng tuần tại miền Nam California, ở Little Saigon đã có 23 tuần báo xuất bản mỗi tuần. Đây là những diễn đàn hùng mạnh cho những hoạt động chống cộng của người Việt quốc gia nhưng lại không giúp gì nhiều cho các hoạt động văn học. Nếu ngày nay, một bài viết đưa lên diễn đàn có thể được khắp thế giới đọc trong phút chốc thì ngày trước, bài viết, tác phẩm thơ văn của các nhà văn lưu vong khi chưa có mạng Internet để phổ biến rộng rãi như những con chim nhạn lạc giữa rừng quảng cáo bề bộn của buổi giao thời của làng báo biếu khiến nhiều người cầm bút chân chính trở nên chán nản. Bước qua thập niên thứ 3 của lịch sử tị nạn, chúng ta mất dần những tên tuổi lớn vì tuổi tác và bệnh tật, những người còn lại thì hầu hết cũng đã lớn tuổi, mệt mỏi, không còn sáng tác được nữa... Lớp người cầm bút trẻ tuổi ở hải ngoại cũng không phải là hiếm nhưng tình trạng phân tán khắp năm châu nên ít người tạo được một tên tuổi vững vàng như lớp nhà văn trước 1975. Trong khi đó, sau 46 năm chiếm miền Nam, nền văn học nghệ thuật của Việt Nam thời Cộng sản hầu như chỉ là một con số không. Cả nước bây giờ vẫn nhai đi, nhai lại nhạc Bolero, nhạc “vàng”, nhạc lính Việt Nam Cộng Hoà, những nhà văn có tài của miền Bắc thì hầu hết lại đều biến thành những người sống ngoài luồng của chế độ như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bùi Ngọc Tấn…

Tóm lại, tác phẩm văn chương không phải là những cuốn hồi ký mà ai cũng có thể “sáng tác” và tự xuất bản như tình hình sách vở sau 1975. Nếu thị trường sách ở hải ngoại tràn ngập những cuốn hổi ký của miền Bắc mà nhà văn Hoàng Hải Thủy cho rằng “Đó là những chuyện Bẩn, Hèn, Đểu, Ác của bọn Cộng sản từng một thời hoành hành phá phách ở miền Bắc nước tôi, sách do những người Việt nạn nhân Cộng sản ở Bắc Kỳ viết. Đó không phải là chuyện của nước tôi, không phải chuyện về những văn nghệ sĩ nước tôi, không phải là chuyện bẩn, chuyện đểu của những người trong chính quyền  nước Việt Nam Cộng Hoà. Dù cho những văn phẩm ấy có nội dung tố cáo bọn Cộng sản ác độc, tôi không hớn hở chào đón chúng, tôi không lấy làm vinh hạnh khi có chúng”. (ngưng trích)

Thật ra, đó chỉ là thị hiếu tò mò của người đọc. Ai cũng muốn biết “Bên Thắng Cuộc” nói gì về xã hội miền Nam trước và sau 1975. Cho đến khi, ông Huy Đức hiện hình là văn nô của Tổng Cục 2 Tình báo của Việt Cộng thì sách này trở thành… vang bóng một thời, khôngai nhắc đến nữa vì  đó không phải là văn hoá, văn chương mà cũng không thể liệt kê là … tài liệu lịch sử chính xác được. Buồn cười vì những hồi ký kể những chuyện Bẩn, Hèn, Đểu, Ác của đảng Cộng sản do đảng viên, công an Việt cộng viết ít khi là những điều mới lạ, nhưng khi đọc chữ nghĩa sống sượng, mất dạy, đểu cáng mà cán bộ đảng dành cho nhau hay dành cho những “chop bu” của đảng, người đọc quốc gia không tránh được cảm giác thích thú. Đó là lý do những sách này bán chạy ở hải ngoại. Nhà văn, nhà báo Quốc Gia “khó” cạnh trạnh loại chữ nghiã này với những người cầm bút Cộng sản.

Tôi cũng không cảm thấy “số phận hẩm hiu” của những văn nghệ sĩ quốc gia bị lãng quên bởi chính người cùng chiến tuyến vì văn chương là thiên cổ tự, những nhà văn của miền Nam tự do và tác phẩm của họ là tinh thần của quốc gia dân tộc, họ là những kẻ sĩ Đông Phương, họ đã không nhập nhoạng với phường bát nháo dù là vào thời điểm đất nước ở vào giai đoạn mà mọi giá trị nhân bản của con người Việt Nam đang bị hủy diệt, khi mặt trái của chế độ cộng sản đang “được” trình làng một cách hào hứng, xôm tụ trên... chợ sách bởi những người trong cuộc. Nói theo ông Hoàng hải Thủy thì “đây là những người đã cong lưng giúp cho “nhà nước cộng sản” có điều kiện thẳng tay  làm những việc hại nước, tàn dân. Những “Ông Thằng Hèn” này biết việc ca tụng chế độ Cộng sản là sai nhưng cứ làm. Không chỉ cứ làm, các ông làm rất hăng và đã được “nhà nước cộng sản”” trả công xứng đáng. “Ông “Thằng Hèn” Tô Hải là một trong số những văn nghệ sĩ Bắc Kỳ được Đảng đãi ngộ nhiều nhất. Bây giờ khi đã hết đời, ông viết sách chửi chế độ làm cho ông “hèn”, gom thêm mớ đô la của Người Việt hải ngoại tò mò thù ghét cộng sản muốn nghe “người trong rọ” chửi nhau. Những người cầm bút chân chính không mấy ai muốn “hèn” dù là thứ ... hèn láo cá vặt như ông Tô Hải?  Họ đã ở vào cái tuổi “gần trời, xa đất, văn chương với họ khác hẳn loại sách hồi ký “hèn”của các ông cựu văn nô “gần đất xa trời” là cái chắc. (ngưng trích)

*
Một người bạn của tôi buông ra một nhận xét sau vài tháng sinh hoạt cộng đồng trong muà bầu cử 2020 là: sống ở đây lâu dần hình như không ít thì nhiều ai cũng đều bị "mental health", nói trắng ra là "bất bình thường." nếu chúng ta nhìn qua những gì mà cộng đồng người Việt hải ngoại phổ biến trên các diễn đàn mạng. Lúc nghe, tôi không đồng ý vì tôi nghĩ từ lúc xa quê hương, luôn luôn tôi cố giữ quân bình, cố giữ tối đa những lề lối cũ, những thói quen xưa, những suy tưởng “bình thường” của một người Việt quốc gia. Và như thế, tôi nghĩ "tôi đâu có mất bình thường." Bây giờ tôi lại thấy hình như ông “bạn gìà” này  nói đúng.  Nếu nghĩ "bất bình thường" là khác người, là suy luận khác đám đông, đi ra ngoài đám đông. 

Tôi đã nhìn thấy, đọc thấy những “ông bạn” cùng “chiến tuyến quốc gia” với tôi trước đây bây giờ ca tụng đời sống trong nước, gọi những ông lãnh tụ Cộng sản bằng những danh xưng “nể trọng”. Những người bạn chuyển cho tôi những cái clip này đều kèm theo một nhận định “không đẹp” về thái độ trở cờ không cần thiết này. Mới đây tôi nghe thấy một ông đăng đàn gọi những người muốn bảo vệ cờ vàng là những người chống cộng quá khích. Lần tới, nếu “có duyên gặp lại” tôi sẽ hỏi ông bạn già “cầm cờ chạy trước nhưng lại về sau”  này … thế nào là chống cộng... vừa phải. Việt cộng có trong tay tài nguyên cuả cả một quốc gia, nhân lực của một đảng cướp trong khi những người Việt không chấp nhận chế độ Cộng sản cho Việt Nam, ở hải ngoại chỉ có những ngòi bút, chỉ có những phát biểu khi cần thiết trên các diễn đàn chống cộng càng ngày càng hiếm hoi thì làm sao có thể gọi là… quá khích.  

Trong muà đại dịch lần này, cộng đồng người Việt Quốc Gia chúng ta đã mất đi rất nhiều tên tuổi:
– Nhà văn Hồ Trường An (1938 – Jan 27/2020)
– Nhà văn Nguyễn Thị Vinh ( – Jan 08/2020)
– Nghệ sĩ Ngọc Phu (1935 – Jan 31/2020)
– Trung Tá Nguyễn Văn Phán TĐT/TĐ8 Ó Biển TQLC VNCH
(1935 – Jan 1/2020)
– Ca sĩ Kim Anh (Ban Ba Con Mèo) (1947 – Feb 28/2020)
– Danh ca Thái Thanh (1934- Mar 17/2020)
– Thiếu tướng Lê Minh Đảo, Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh QLVNCH 
   (1933 – Mar 19/2020)
– Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (1947 – May 6/2020)
– Nhà thơ Hoàng Hương Trang ( April15 /2020)
– Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (June 6 /2020)
– Nhà văn Mang Viên Long (Jul 07/2020)
– Nhà văn Túy Hồng (1938 – Jul 19/2020)
– Nhà văn, dịch giả Đỗ Phương Khanh (1936 – Aug 26/2020)
– Nhà văn Hùynh Phan Anh (August 30/2020)
– Nghệ sĩ Hoàng Long (1936 – Sept 4/2020)
– Nhà văn Nhật Tiến (1936 – Sept 14/2020)
– Nhạc Sĩ Lê Dinh (Sept 11/2020)
– Nghệ sĩ cải lương Nam Hùng (1938 – Oct 21/2020)
– Nghệ sĩ Ánh Hoa (1941 – Nov 1/2020)
– Ca sĩ Ngọc Cẩm (1930 – Nov 2/2020)
– Ca sĩ Mai Hương (1941 – Nov 29/2020)
– Nhà văn Hoàng Hải Thủy (1933 – Dec 6/2020)
– Nghệ sĩ Chí Tài (1958 – Dec 9/ 2020),
– Nhạc Sĩ Lam Phương (Dec 23/2020)
– Ca sĩ Lệ Thu (1943- Jan 15/ 2021)
– Nhà biên khảo Trần Bích San  (Jan 09/2021)
– Nhà Văn Kiêm Thêm (Jan 22/2021)
– Nhà thơ Tường Linh (1931- Feb 7/2021)
– Nhà Văn Duy Lam (Feb 4/2021)
– Nhà Văn Phí Ích Bành (Feb 02/2021)

– Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (- Feb 18/2021)
– Nhà báo Phạm Kim (-April 01/2021)
Trong nước thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời ngày 20 tháng 3, 2021.

Danh sách này có thể chưa đầy đủ, tôi xin chân thành cáo lỗi. Đó là chưa kể những cái tang trong gia đình và bằng hữu như chị dâu tôi Nguyễn thị Mỹ qua đời tại Pháp, như chị Liên Dư ở Chicago, chị Thu Hồng, phu nhân của nhà văn Nguyễn đình Toàn, cháu Vinh, thứ nam của nhà văn Lê Tất Điều, chị Lê Đình Quỳnh, người đã dạy tôi những bí kíp vỡ lòng về cách nấu các món ăn miền Bắc.…. Trong danh sách trên có những người tôi rất thân, vì đã từng có thời gian dài cộng tác hay đã có một tình bạn lâu năm, tất cả đã ra đi trong một thời gian quá ngắn, quá nhanh khiến thần trí của tôi gần như tê liệt.

Một trong những quyển sách Việt ngữ đầu tiên tôi được đọc khi ra hải ngoại là tập truyện ngắn “Những Ngày Diễm Ảo” của nhà văn Nhất Linh. Quyển sách tôi đọc được khi vừa sang Pháp ở nhà chị tôi nhưng giòng chữ ghi ở đầu sách thì lại không phải là chữ viết tay của chị tôi mà là cuả một phụ nữ khác mà chị tôi cũng không nhớ là ai: “Có những ngày tháng khi đã qua đi ta mới biết rằng đó là những ngày diễm ảo của đời mình”. Khi hạnh phúc chúng ta làm sao biết được rằng đó là những ngày “diễm ảo” không bao giờ có lại được của đời mình. Nhưng khi đau đớn ta thường có cảm tưởng như là chúng ta không thể đau đớn hơn như thế này được nữa.

Tháng 3 vừa qua, tôi cũng như nhiều người cao niên khác ở Hoa Kỳđã làm những cuộc du hành khắp nước Mỹ để thăm con cháu, bạn bè sau khi được chũng ngừa. Những đứa cháu nội, cháu ngoại chỉ sau một năm cách biệt vì đại dịch đã lớn cao như thổỉ. Nhất là con cháu ngoại ở New York, năm ngoái đứng ngang với bà, bây giờ đã cao hơn bà một cái đầu khiến cho những cái clip khi nó còn nhỏ mà mẹ nó vẫn gửi về cho bà suốt một năm qua cho bà đỡ nhớ nó bổng dễ thương chi lạ.

Nhưng thú vị nhất vẫn là những cuộc họp bằng hữu, những người bạn tự nhận là hội viên của hội “Covid-19 Survivors”, sức khỏe thì lung lay nhưng khi được gặp nhau thì cười vui như mấy mươi năm trưởng thành là không có thực. Không biết có ai đó đã hỏi tôi rằng điều gì khiến tôi vui nhất trong đời làm báo lại khiến tôi buâng khuâng. Câu trả lời có thể khiến nhiều người không tin nhưng quả thật là tôi rất vui, vui nhất khi được đăng những bài viết, khi được viết về những nhà văn hoá, những nhà văn, nhà thơ, những “anh hùng” của Việt Nam tự do. Tôi mong muốn mọi người Việt nhớ đến họ, biết về sự nghiệp văn chương của họ, biết về công trình biên khảo, biết về sự chiến đấu dung cảm của họ. Khi đăng những bài viết của họ, những bài viết về họ, tôi như nghe lại được tiếng cười vui tươi của họ trong nắng gió của Saigon trước 1975 hay tiếng cười ngạo mạn trước cuộc đởi bể dâu sau 1975…

Những trí tuệ, những tinh hoa đó của Việt Nam hiện nay hầu hết đều đã nằm dưới lòng đất với nỗi ngậm ngùi của một ngày tháng 4 nước mất, nhà tan. Do đó, những hệ lụy mà tôi phải chịu trong cuộc đời làm báo của tôi nào có ăn thua gì… Khi được đăng một bài viết có tên bằng hữu tôi có cảm tưởng như tôi dang thắp một nén hương trên mộ bia của họ, như tôi đang nghe một tiếng thở buồn vọng lại cùng lúc với tiếng cười chua xót:  năm 1975, chúng ta đã tặng cho những người Cộng sản một món quà quá lớn, vượt quá khả năng tưởng tượng của họ. Làm sao có thể đòi hỏi họ có đủ trí tuệ để “quản lý” con người và đất nước Việt Nam. Điều không thể nghĩ ra là sao họ “ngu” lâu thế… Chúng ta đã đi hết đời rồi mà họ vẫn còn ngu…
Đào Nương


 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top