Những Ngày Cuối Năm
Tùy Bút Hoàng Dược Thảo
Khi chúng tôi đến San Francisco, nắng đã lên cao, trời ấm áp tuy hơi có gió. Cơn mưa đã tạnh. Hôm nay là ngày Thứ Sáu, mới 10 giờ sáng đã thấy du khách rãi rác ở bến tàu Fisherman Wary. Người bạn hướng dẫn nói đùa: Bà lên đến tận San Francisco làm trời bỗng nắng ấm, trong khi mấy tuần nay, chúng tôi bị vừa gió, vừa mưa, vừa bão...
Chuyến đi Nam Bắc Cali lần này làm bạn tôi ngạc nhiên vì quyết định thật bất ngờ ngay cả với chính tôi. Tôi vốn lười di chuyển, ngại đám đông nên sống ở Mỹ nhiều năm mà những lần vắng mặt khỏi Orange County có thể coi như đếm trên đầu ngón tay. Tôi hứa hẹn sẽ lên thăm bạn bè ở đấy nhiều lần vậy mà đã nhiều cuối tuần qua đi tôi vẫn không làm nổi...
Chúng tôi đi bộ dọc bến tàu. Những cửa tiệm bán đồ lưu niệm đầy dãy bên hè phố, những nghệ sĩ “đường phố” có mặt khắp mọi nơi, mọi chốn. Ở một góc đường, vài ba họa sĩ đang họa chân dung cho những du khách Á Đông. Chúng tôi cười ngất khi thấy một người da đen trẻ tuổi phác họa chân dung của một khách hàng con gái Á Đông đang cười với những đường nét rất... Phi Châu! Ở một góc đường khác, một người Tàu còn trẻ, dáng vẻ sinh viên đang dùng bút lông vẽ tên cho khách hàng qua đường. Mỗi chữ, một đô-la. Ngọn bút lông đưa lên, đưa xuống, kèm theo tên là một cành trúc hay một cành lan trông cũng là lạ nhưng hơi rối mắt, khó có thể gọi đó là nghệ thuật.
Điều đặc biệt là đi dạo trên bến tàu nầy bạn có thể ngửi được mùi cá tươi ngay trong không khí. Nhưng khi đến khu chợ cá thì mùi này không chỉ có trong không khí mà nó chính là.... không khí. Những con cua to, đỏ tươi, mới luộc nóng hổi xen lẫn với đủ loại tôm càng, đủ loại cá nấu ăn liền tại chỗ. Thức ăn ê hề làm tôi nhớ một câu chuyện về Việt Nam mà tôi được nghe qua một số người đã về Việt Nam. Ngoại trừ một thiểu số có thân nhân nước ngoài, hoặc gia đình của các đảng viên dính dáng đến những chức vụ có thể tham nhũng và hối lộ, ngoại giả dân chúng nghèo đói đến thảm thương. Tôm đánh lên chỉ để đông lạnh, xuất khẩu nên những chợ ven đô chỉ có bán đầu tôm cho dân nghèo. Đi một vòng chợ cá là tôi cảm thấy nhức đầu. Tôi phải xin lỗi bạn về chứng bệnh suyển khiến tôi không thể chịu nổi mùi thịt cá nồng nặc...
Chúng tôi bước vào một quán ăn khang trang ở một góc đường. The Chart House. Qua khung cửa kính, một nhạc sĩ da đen với một cây đàn lạ lùng đang trình diễn. Một tấm biển bằng carton có mấy hàng chữ đỏ: Relaxing Music. Anh chàng có vẻ vui thú với việc trình diễn của mình. Anh nghiêng bên này, nhún bên kia, hát vài ba câu, ngừng lại trả lời câu hỏi của khách bên đường, bán một CD của anh cho người này, cho cậu bé kia sờ cây đàn kỳ lạ của mình. Anh kiếm tiền rất khá. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ ăn trưa, chúng tôi thấy anh bán được khá nhiều CD nhạc của mình.
Trong lúc chờ đợi món ăn được mang lên, bạn tôi hỏi tôi điều gì tôi nhớ nhất về Việt Nam. Tôi bảo bạn thật là kỳ khi mà xa quê hương bao nhiêu năm, đoạn đời trưởng thành tôi đã gần như quên lãng. Trời Sài Gòn, lá me, hàng cây gỗ dầu của cuộc tình đầu như chìm, như khuất đâu đó, mất tiêu. Thế mà những đêm nằm im lặng trong bóng đêm, tôi cứ thấy tôi trôi dạt, dập dềnh trên những chuyến xe đêm thuở nhỏ thời miền Nam chiến tranh chưa bộc phát, sau hiệp định Genève. Những chuyến đi đêm từ Sài Gòn về các vùng biển như Long Hải, Nước Ngọt, Vũng Tàu trên chiếc xe “traction” màu đen của cha tôi, sau một xuất hát cải lương. Cả bọn con nít ngủ gà, ngủ gật trong xe. Tiếng lộp cộp khi xe vượt qua những cây cầu sắt trên con đường xuyên tỉnh lỵ khiến giấc ngủ đứt ra làm nhiều quãng. Dạo đó chưa có người Mỹ và xa lộ. Những chuyến đi đó tôi đã được nhìn ngắm nhiều thôn làng, xen lẫn với những hình ảnh ảo não của những tuồng cải lương vừa xem. Đào hát miền Nam, tôi mê cô Thanh Nga, nhưng đào hát miền Bắc, tôi mê cô Bích Hợp. Cô Thanh Nga trẻ, đẹp rực rỡ nhưng cô Bích Hợp mới thật là đẹp, nét đẹp buồn, áo não của một thiếu phụ chờ chồng. Giọng cô nhão nhẹt, ỉu xíu buồn thiêu trên sân khấu, đã ảnh hưởng rất nhiều cho cái nhìn suốt đời tôi về một người đàn bà đẹp. Tôi luôn thích vẻ đẹp buồn và dịu dàng ở một phụ nữ mà mãi sau này, tôi mới nghiệm thấy đó là do ảnh hưởng của những tuồng cải lương thuở nhỏ và cô đào thương Bích Hợp. Có một cái gì đó cao sang và tách biệt của người nghệ sĩ đích thực, của nghệ thuật chân chính với những cô đào nổi tiếng vì thương mại...
Không hiểu sao càng lớn tuổi, tôi lại càng nhớ nhiều về những chuyến đi đêm đó. Tôi chỉ nhớ là chúng tôi có nhiều chuyến đi đêm mà khi chúng tôi được thức dậy thì thường là tiếng lao xạo của chợ Long Điền đang bắt đầu hay là một mặt biển im lìm với mặt trời đang ló dần khỏi biển xanh. Những ngày gần Tết, mẹ tôi hay ghé chợ Long Điền mua gừng non, mua me tươi về làm mứt. Nhà lồng chợ thơm lừng những món ăn nhà quê. Tôi thích nhất là bánh tầm bì tại chợ Long Điền. Tôi cũng thích luôn những ngày ở biển lúc đó. Cha mẹ tôi có một ngôi nhà gỗ ở vùng Nước Ngọt, cách mặt biển một bờ cát trắng và một hồ nước ngọt. Sáng sớm, chúng tôi theo mẹ ra bờ biển mua cá tươi vừa chài lên khỏi mặt nước từ những người ngư phủ giăng lưới nhỏ gần bờ. Những con cá đối trong xanh, những con cá khoai trắng ngần nấu canh ngót với cà chua, với khóm. Những bữa cơm của ngày nhỏ dại ở miền biển đối với tôi là những bữa cơm ngon nhất trong đời. Tôi nói với bạn tôi là tôi ước ao được sống lại một lần như thế. Những chuyến xe đêm, băng qua nhiều làng xóm, sáng ra, mở mắt là thấy mùi hương, đất trời quê hương... Nhất là những giấc ngủ chìm trong tiếng sóng biển làm sao mà có lại được ở nơi này.
Thuở tôi còn nhỏ lần nào được đi xem cải lương với mẹ, tôi cũng cố thuộc vài câu thơ lục bát trong tuồng, tôi cố nhớ nằm lòng để rồi chờ dịp đem ra thi thố. Với ba mẹ tôi, vì “mẹo vặt” này, tôi bỗng là “thần đồng”. Vậy mà kỳ thật, những câu lục bát, ca dao mộc mạc của những tuồng cải lương lại khắc sâu trong trí nhớ tôi mới kỳ. Như cảnh cô đào Thanh Nga lạy cha mẹ khi vu qui trong vở tuồng “Áo Cưới Trước Cổng Chùa”, tôi còn nhớ cô hát:
Mỗi năm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Có một thời gian sau 1975, tôi phải sống xa cha mẹ. Mỗi lần nhớ đến cha mẹ, tôi lại nhớ đến câu ca dao này. Đây là vở tuồng cải lương mà tôi thích nhất. Cô thôn nữ Thanh Nga bị quan tri phủ Út Trà Ôn bắt về làm vợ, bỏ lại sau lưng người yêu nông phu Thành Được. Dù ông tri phủ hào hoa, thương cô hết mực cô cũng không thể quên người yêu đầu đời. Sau cùng ông tri phủ đành để cô qui y cho trọn nghĩa bởi vì ngày xưa đã là vợ quan cô không còn lối quay về với người xưa. Khi người tình nông phu Thành Được tìm đến trước cổng chùa thì áo cưới của ai kia đang phơi trên cành bồ đề. Những câu thơ tôi còn nhớ như:
Áo cưới ai treo trước cổng chùa
Có phải tình em trao gởi lại
Dù cho trăng gió phai màu áo
Nhưng cách gì ta quên được nhau?
Người nhạc sĩ da đen đang bận bịu với đám đông du khách ngoài kia. Ông ta có vẻ thoải mái vô cùng với công việc của mình. Bạn tôi bảo đừng nhìn bề ngoài hạnh phúc đó của ông ta. Có những ngày mưa dầm, gió rét, bạn tôi đi ngang khu này, thấy ông ta co ro rét mướt, khốn khổ, hình ảnh buồn nẫu ruột. Nhưng hôm nay, ông ấy kiếm tiền rất khá và rất vui. Bạn tôi nhún vai: nghệ sĩ, tiền vào, tiền ra...
Ừ thì...nghệ sĩ. Đó cũng là lý do tôi rất ngại đời sống văn nghệ, văn gừng. Cái phần rất lý trí của tôi luôn luôn phải vật vã, kềm giữ kỷ cương cho cái phần lãng mạn “quê mùa” trong tôi. Công việc vất vả biết là chừng nào. Và vì thế, tôi đã thương... thân tôi không biết là bao nhiêu. Thương luôn những người đàn bà đang vật vã, chống cự tứ bề, đang quay cuồng, đang mịt mù phương hướng, không biết nẻo đi, đường về cho đời mình...
Trận chiến nào rồi cũng tàn, canh bạc nào thì cũng tan. Người đàn ông khi tan hoang trận địa còn có bằng hữu, còn có những canh rượu để quên. Người đàn bà khi tàn cuộc chỉ có bóng đêm và lầm lỡ. Sự tung hô càng cao thì càng đau nhiều khi rớt xuống...
Tôi rời San Francisco khi trời bắt đầu tối và rất tiếc là không thể tham dự cùng đồng bào cuộc biểu tình chống cuộc triển lãm của cộng sản tổ chức tại thành phố này. Tôi đã để lại nơi đó không phải con tim mà là rất nhiều phiền muộn của đời mình. Những phiền muộn không thể tránh của đời làm báo. Và trên chuyến xe xuôi Nam, tôi chỉ còn muốn nhớ đến những điều tôi muốn nhớ. Nhớ đến khuôn mặt sáng rực hạnh phúc của đứa con khi ôm mẹ báo tin con đã được nhận vào trường luật, nhớ đến cha mẹ, nhớ đến những chuyến xe xuyên đêm về miền biển tuổi nhỏ, nhớ những vở tuồng cải lương đã được xem, nhớ cả những câu thơ ngộ nghĩnh trong đó để thấy sau cùng tôi thật là... cải lương chi bảo. Bởi vì tôi vẫn mơ mộng toi sẽ có cho tôi một đời sống thật bình thường, thật “cải lương” so với những giấc mộng đời vĩ đại ở nơi đây. Và biết làm sao hơn khi tôi biết tôi vẫn còn... cải lương, vẫn còn nhà quê lắm lắm...
*
Cuối năm tôi thường có những ngày rất buồn vì cha mẹ tôi đều qua đời vào những ngày cuối năm. Vẫn biết rằng ngày này sẽ đến, cha mẹ tôi đã già, nhưng có thể giải thích gì với một đức con, nhất là một đứa con làm cha mẹ quá khổ vì mình như tôi khi mất đi cha mẹ của mình. Không hiểu sao đêm qua trong bóng đêm, biết là mẹ không còn thở một bầu khí quyển với mình, tôi lại nhớ về những chuyến đi trong đời với mẹ. Nhất là chuyến đi chơi xa cuối cùng với mẹ, với cả “đại gia đình” vì lần đó các anh chị tôi tất cả tập hợp về đây để làm lễ mãn tang cha tôi. Chúng tôi đã quyết định mang mẹ đi chơi xa, cho mẹ quên đi những điều nhớ nhung cha tôi. Bây giờ nhớ lại, đó không chỉ là lần cuối mẹ đi chơi với toàn thể các con, mà là lần cuối chúng tôi, anh chị em tôi, gặp nhau và được quây quần bên mẹ. Năm sau đó, chị cả cuả tôi mất đi, ba năm sau khi ba tôi mất. Và cho đến lúc mẹ tôi qua đời, mẹ tôi vẫn chưa biết đứa con gái lớn nhất của mình đã mất.
Lần đó khi chúng tôi đến rừng Sequoia thì nắng đã dịu. Đoàn lữ hành gồm 2 chiếc xe với đầy trẻ con. Đôi mắt chúng ngái ngủ đang mở ra ngắm nhìn những cây xồi to khổng lồ theo ngón tay chỉ chỏ của người lớn. Còn nhớ, đã rất lâu tôi không có dịp ra khỏi thành phố nhìn thiên nhiên từ khi cha tôi lâm trọng bệnh. Lần này phải đóng vai hướng dẫn viên cho anh chị tôi từ Pháp sang Cali, con người bản chất rất ù lì, không di chuyển dù có cố linh hoạt hơn thì cũng không khá bao nhiêu.
Trong giấc ngủ đêm qua, không hiểu sao tôi thấy lại tất cả. Từ cảnh vật thay đổi luôn, hai bên đường cho đến những vực núi đá cao ngút trời, trọc lóc, hùng vĩ, những ngọn đồi thấp của rừng thông chập chùng thơ mộng. Thung lũng nối tiếp nhau, vương sương mù, xa xa. Khi giật mình thức giấc tôi còn cảm giác như khi đưa bàn tay sờ vỏ cây sequoia, cao nhất, to nhất được rào quanh để triển lãm. Tiếng reo hò cuả bọn con nít túa ra từ hai chiếc xe như ong vỡ tổ. Những người du khách da trắng ngó sững vào mẹ tôi, một bà già Á Đông nhỏ xíu đang di chuyển giữa bầy con cháu đông đảo mấy mươi người. Tụi trẻ con líu lo đủ thứ tiếng Việt, Pháp, Anh hỏi đủ thứ chuyện.
Tôi nắm tay mẹ tôi, hai mẹ con ngước cổ nhìn ngọn cây già 2,800 năm. Thân cây phẳng, hơi màu đỏ như thành xi măng. Tít trên đỉnh ngọn mới có cành lá. Như vậy mà sống đến 2,800 năm. Một cành cây nhỏ cuả cây này cũng có thể đã hiện diện dưới vòm trời này vài trăm năm. Ngó sang tôi thấy mẹ tôi, nhỏ xíu dưới gốc cây, tóc bạc phơ, da đồi mồi của 85 năm của một đời người, mới thấy kiếp người sao mong manh, ngắn ngủi. Anh tôi bảo bầy con nít giang tay, tạo thành một vòng tròn quanh gốc cây to nhất để anh tôi chụp hình. Hình ảnh mẹ tôi tóc bạc giăng tay cùng một bầy con nít vây quanh gốc cây cũng là một hình ảnh thật vui mắt nên nhiều du khách xin phép chụp hình. Có người còn quay phim. Chúng tôi nắm tay mẹ nhảy vòng vòng quanh gốc cây. Những bài hát Việt Nam được hát lên. Đưá nào không thuộc lời thì nhịp chân theo. Tiếng hát Việt Nam vang lên giữa tiếng cười làm trời chiều rừng Sequoia như sáng lên. Ngay lúc đó, tôi đã biết đây là những phút giây hạnh phúc hiếm hoi của đời mình với mẹ. Từ phía bên này, tôi nhìn thấy những ngôi nhà nhỏ, rất nhỏ, đèn vàng dọc sườn núi bên kia, những ngôi nhà nhỏ đó được cho mướn để nghỉ hè. Nghỉ hè giữa rừng sequoia mát lạnh đầy bóng cây và sương mù cũng không phải là không hay. Tôi đã nghĩ tôi sẽ trở lại nơi đây nghĩ hè với mẹ. Nói đến hè lại nghĩ đến mùa Đông. Người Đông Phương thường ví thời gian với:
Nước chảy, bèo trôi,
Cây đa lá rụng, bậu ngồi chờ ai”.
Bậu ngồi chờ củ chờ khoai,
Chờ anh trở lại cấy cày như xưa
hay thơ Hồ Dzếnh:
“Nước chảy đôi dòng sóng cuốn mau,
Bao phen lá úa rụng chân cầu,
Lá theo dòng nước, ngày theo tháng
Lặng lẽ như mang nỗi cảm sầu.
Mây nước vô tình, lãnh đạm trôi,
Tình không giống nước, tình không xuôi.
Bao lần lá thắm xuôi theo nước
Nước chảy, tình duyên ở với người”.
(Nước chảy chân cầu.Thơ Hồ Dzếnh)
Nhưng ít có ca dao ví thời gian với cây ngoại trừ:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
Nhưng reo đến trên hai ngàn năm như rừng sequoia có phải là đã quá lâu, nhìn dáng cây trẻ măng như chỉ mới bắt đầu, cây còn đó, theo trái đất xoay vòng, vài nghìn năm sau... trong khi con người tối đa chỉ có 100 năm là về với cát bụi.
Con đường ra khỏi rừng buổi tối như dài hơn và âm u hơn. Không biết có phải vì hoàng hôn hay vì những đám sương mù bên kia thung lũng khi mờ khi hiện. Những con đường ven núi, nhìn xuống những mái nhà nhỏ ngoằn ngèo gợi nhớ Đà Lạt và thác Liên Khương. Trong những tấm hình mang theo ngày rời khỏi quê hương, tôi còn giữ một tấm ảnh tôi mười hai tuổi, ngồi thòng chân xuống bờ suối Liên Khương, nhìn kỹ lại, tôi giống như một con mọi nhỏ đen thui, tóc ngang vai lơ thơ, cái váy plisseé làm gầy còm thêm thân hình nhỏ xíu. Nhưng khung cảnh Liên Khương trong ảnh thì tuyệt đẹp. Ảnh đã phai mà màu nắng vàng còn bát ngát, suối nước còn lạnh mát trong tôi.
Khi tôi nắm tay mẹ tôi đi trong rừng Sequoia, bàn tay mẹ xương xẩu nhỏ bé trong bàn tay tôi. Đôi mắt mẹ tôi ngó theo khi tôi chỉ lên ngọn cây còn lá xanh và lắng nghe tôi nói về lịch sử ngàn năm của rừng Sequoia bỗng ngây thơ và thánh thiện như mắt trẻ thơ. Đôi mắt tôi khi ngồi thòng chân xuống bờ suối Liên Khương thua nhỏ, ngước nhìn mẹ không biết có được ngây thơ và thánh thiện như đôi mắt mẹ già giữa rừng Sequoia bây giờ. Chỉ biết trước đôi mắt ngơ ngác của mẹ, tôi thấy bao nhiêu năm trưởng thành như không có. Thấy mắt mẹ là như thấy lại mùa mưa quê nhà. Thấy mắt mẹ như thấy lại giao thừa, đốt pháo xuân. Thấy mắt mẹ như thấy lại ngày thi năm cũ. Học ngày học đêm, học quên ăn quên ngủ, quên luôn cả đàn muỗi đói bám lấy đôi chân trần ban đêm.
Khi ra khỏi khu rừng, tôi chợt nghĩ sẽ có một ngày nào, vài ba mươi năm nữa, tôi và con gái tôi trở lại nơi đây rừng già Sequoia, lúc đó mẹ tôi có thể đã không còn. Nhưng tôi biết, đôi mắt mẹ tôi, ngây thơ thánh thiện theo dõi ngọn cây Sequoia sẽ còn theo tôi mãi mãi. Cái cảm giác nắm tay mẹ đứng giữa rừng Sequoia mà như nắm được tình mẹ yêu con, yêu đến nổi chỉ biết con là nhất. Cây Sequoia phải có ngàn năm mới tạo thành một đời ghi nhớ. Mẹ tôi chỉ có một đời người ngắn ngủi hy sinh, tận tụy để mà chạy đua cùng với cây. Cây sống ngàn năm, và mẹ tôi, đôi mắt mẹ già đông phương, mẹ cũng sẽ sống hoài với rừng Sequoia, ít ra là trong tâm tư những đứa con của mẹ.
Đêm hôm qua, tôi không ngủ được. Khi gần sáng, nhìn lại đời mình, tôi biết tôi thật là may mắn khi được là con của cha mẹ tôi. Mẹ tôi không chỉ dạy tôi thành một người đàn bà Việt Nam cuả quê hương mà mẹ tôi còn dạy tôi cách sống và chịu đựng mọi hoàn cảnh nghiệt ngã đến với mình để sau cùng, đích đến cuả cuộc đời là trở thành một người mẹ hiền cho các con. Cách sống ngăn nắp nhưng vô cùng giãn dị của mẹ tôi đã là chiếc chià khoá giúp tôi tổ chức công việc và đời sống cuả mình.
Hình như đêm qua tôi khóc rất nhiều, rất to, khóc như chưa bao giờ được khóc khi chợt nhớ ra rằng anh em tôi không còn cha mẹ ở trên đời. Tôi biết cha mẹ tôi thương chúng tôi lắm. Cha mẹ tôi không muốn chúng tôi khổ sở bao giờ. Do đó, tôi chỉ muốn lập lại lời đã viết trong trang đầu của quyển truyện “Tiểu Thư, con gái nhà ai” là: Tạ ơn cha và mẹ đã yêu thương, đã sống cùng với định mệnh bất hạnh của con cho đến cuối cuộc đời. Đã cho con niềm hãnh diện được là một người Việt Nam yêu quê hương, đất nước, dân tộc của mình. Đã là một tấm gương sáng giúp con nuôi dạy các con nên người.
Cha Mẹ ơi, rừng Sequoia của chúng con.
Hoàng Dược Thảo