Hoàng Dược Thảo, Về một chuyến đi

Phiếm Dị

Hoàng Dược Thảo

Về một chuyến đi


Hoa Kỳ mỗi năm đổi giờ hai lần, một lần tháng 3, một lần tháng 10. Mỗi khi đổi giờ lại nhớ đến một năm qua quá nhanh. Tôi đã đi qua bao nhiêu lần đổi giờ như thế. Trước đây, mỗi lần đổi giờ, tôi lại đi Hoa Thịnh Đốn: tháng 3 xem hoa đào nở, tháng 10 xem lá phong vàng. Lại có dịp gặp bạn bè thân quen. Nhưng từ khi tôi có cháu ngoại rồi cháu nội, những chuyến đi này càng ngày càng thưa thớt dần. Bởi khi thu xếp được thì giờ, những chuyến đi ra khỏi nhà tôi đều dành cho các cháu mất thôi.

Tháng 3 năm nay là lần đầu tiên tôi trở lại Hoa Thịnh Đốn sau mười năm vắng mặt. Không hẹn mà ngày tôi đến lại là ngày mà hoa anh đào nở rộ khắp trời Hoa Thịnh Đốn mặc dù hai ngày trước đó đã có những cơn mưa dầm. Hôm đó trời nắng ấm và không mưa, chúng tôi đi bộ dưới những chùm hoa anh đào chĩu nặng trong cơn gió hiu hiu của những ngày đầu xuân, vừa đi, vừa nhắc đến những người bạn mà chúng tôi đã mất trong thập niên qua. Trong đó không ít người ở cõi này đã là những tên tuổi trong văn học Việt Nam, trong cuộc chiến chống cộng ở hải ngoại, trong quân sử của VNCH.

Chúng tôi đi qua nhiều công viên, nhiều đền đài mà vẻ “hoang tàn” hiện ra đến bất ngờ. Người bạn dẫn đường giải thích vì chính phủ cắt đi nhiều ngân khoản bảo trì sau đại địch nên bây giờ… còn lại gì thì biết thế thôi. Bãi cỏ vàng úa của công viên The Mall trước tòa Bạch Ốc khiến tôi nhớ lại một  bãi cỏ xanh tươi của một ngày lễ Quốc Khánh 4 July năm nào, tôi đã cùng một người đến đây xem đốt pháo bông. Trong ánh sáng lung linh khắp nơi của một đêm lễ hội, chúng tôi đã ước hẹn, dù sống ở đâu, làm gì, chúng tôi cũng sẽ hẹn gặp nhau ở đó vào đêm 4 July để xem đốt pháo bông. Lời ước hẹn này không ai giữ được dù vẫn nhớ đến nó mỗi đêm 4 July. Ngay cả khi cả hai cùng im lặng, không còn gửi cho nhau những cái email hờn giận trách móc vì có người đã lỡ hẹn năm nay.

Tối thứ bảy, tôi có mấy người bạn ghé thăm. Sau khi các bạn ra về, tự dưng tôi thấy buồn vì chúng tôi không còn nhiều vần đề để bàn luận như xưa. Chuyện văn chương, chuyện chính trị, chuyện cộng đồng, chuyện ca hát đã nhường chỗ cho những lo âu về tật bệnh, vì lái xe … đường xa ướt mưa không còn an toàn khi mắt đã kém, chân đã mềm vì những cơn thấp khớp. Sau bửa cơm chay đạm bạc, tôi đi nằm, định ngủ sớm chuẩn bị cho một tuần bận rộn với nhiều dự định trước mặt mà giấc ngủ cứ biền biệt không đến. Mí mắt tôi trĩu nặng nhưng vẫn không ngủ được. Lại một đêm mất ngủ nữa thôi...

Hình như ban chiều khi một người bạn đề cập tới “thời của chúng tôi”, ai cũng có nhiều điều để nhắc đến, những người bạn nay đã đi xa, những người đang nằm viện nhưng khi đó họ đã là những “ngôi sao” làm cho chúng tôi hãnh diện biết bao. Cái thời đó nay đã đi qua, chuyện quê nhà, chuyện dĩ vãng không vui, con đường trước mặt chỉ còn có những chuyện thường nhật: sức khỏe, cố vui để sống . thì quên. Vậy mà trong câu chuyện, rồi cũng lập đi, lập lại những điều mà ai cũng muốn lãng quên. Những phần đời đau đớn của nước mất nhà tan, những mãnh tình riêng, những lần tâm thức sôi sục đấu tranh đã kéo chúng tôi đi qua năm mươi năm qua. Dù muốn dù không, dù đã quên hay còn nhớ, dù thành công hay thất bại, “nó” cũng đã góp phần “tạo ra” chúng tôi bây giờ. Hình dạng bên ngoài có vẻ bệ rạc của bạn tôi cũng đâu làm sao che dấu được cái ngang tàng chất ngất bên trong. Những việc làm nhỏ nhoi, tầm thường của bạn tôi bây giờ cũng đâu có che dấu được một chí lớn vô bờ ẩn hiện của những ngày qua. Nhưng vô ích thôi bạn ta, tôi đã nhìn thấy nó...

Khi đi dưới những “rặng” hoa anh đào trĩu nặng, nhìn dòng sông với cánh hoa phủ kín, cảnh tượng không khác gì với bao nhiêu năm qua. Cây cỏ thì như thế, hoa nở rồi hoa tàn, trời thì hết đông, sang xuân nhưng con người thì … một ra đi là mất luôn hình hài trên thế gian. Tôi rất vui, những phút vui hiếm hoi của chuyến đi khi được tạ lễ anh Bùi Cửu Viên vì khi anh qua đời tôi đã không thể viếng tang,  được đi ăn với chị Hồng Thủy trong một buổi chiều giá lạnh để … trả lời cho những câu hỏi về cuộc đời tôi mà chị vẫn thắc mắc bấy lâu nay. Nhưng với Thúy Diệm thì lại khác. Chúng tôi có nguyên một buổi chiều để “nói tốt” … rất nhiều người. Cái vui là chúng tôi lại rất “tâm đầu ý hợp” khi phát biểu và sau đó thì tha hồ mà … nhớ những người vắng mặt « bị » chúng tôi đề cập tới.

Những ngày ở Hoa Thịnh Đốn tôi đã cố tìm gặp lại những người bạn văn còn thở hít không khí của cõi tạm trần gian này như tôi nhưng cũng có những trường hợp tôi không gặp được. Một người vừa hẹn ngày mai tôi sẽ ghé thăm thì sáng hôm sau, người nhà đã cho biết là ông đã vào nhà thương tối hôm qua. Một người khác, thì sức khỏe quá yếu, không thể tiếp khách được nữa. Tôi đi vào thương xá Eden, đi qua cửa tiệm khi xưa là Phở Xe Lửa của ông luật sư Nguyễn Thế Toàn mà bạn bè vẫn gọi ông là ông “Toàn Bò”. Anh Ngô Phi Đạm cho biết hội Cờ Tướng ở đó đã “tan hàng rã ngủ” vì hội viên không còn. Tôi nhớ tiếng cười của ông Đỗ Hùng, của ông Ngô Vương Toại với câu đối “gái Củ Chi” cho đến nay vẫn chưa ai đối được. Hoa Thịnh Đốn với tôi như không còn là Hoa Thịnh Đốn khi không còn Hoàng Hải Thủy, Đinh Cường, Toàn “xe lửa”, Ngô Vương Toại, Giang Hữu Tuyên…

Mấy năm nay, khi ở một mình, tôi đã tự an ủi thời bây giờ thì cũng như cái thời mấy đứa con tôi mới lớn, chúng cũng đi học xa mịt mù đó thôi. Thời đó, ba mẹ tôi còn sống nhưng khi các con tôi vắng nhà, ngôi nhà im lặng làm sao. Buổi tối, từ tòa báo về, tôi hay bước qua ngó từng căn phòng nhỏ của chúng. Có khi tôi bước vào, nhặt cái này lên, bỏ cái kia xuống cho đỡ nhớ con. Vào cuối đời, cha tôi đã ép mình, đã rất yên lặng, cố không gây phiền bận đến các con dù căn bệnh già càng ngày càng có nhiều biến chứng bất lợi. Thời đó, nhìn tuổi già của cha mẹ tôi, tôi nghĩ tuổi già của tôi sẽ khác dù sống gần con hay sống một mình. Bây giờ, tôi mới biết những suy nghĩ của mình không có gì là đúng ngoài những công việc thường nhật tôi tự áp đặt cho tôi mỗi ngày.  

Ngôi nhà tôi đang ở rất yên tịnh vì thế tiếng gió từ khu rừng cây phía sau nhà ban đêm vọng lại rì rào nghe như tiếng sóng biển. Những đêm đầu mới dọn về đây, tiếng rì rào này thường làm tôi mất ngủ. Nó làm tôi nhớ những ngày hè tuổi nhỏ. Những bãi cát trắng của vùng Long Hải, Nước Ngọt, ngôi nhà ven bờ biển bằng gỗ đen với cái nền đá xanh cao quá đầu trẻ con. Những ngày hè thức giấc giữa tiếng sóng biển rì rào luôn luôn là những ngày hè rực rỡ nhất. Bắt đầu bằng những bước chân trần trên nền cát ẩm nước thủy triều mới rút ra xa không một vết chân người. Ngày mùa hè bắt đầu với những giỏ cá đối trong xanh, mẹ tôi mua từ những người kéo lưới cò con buổi sáng ngay bãi biển trước nhà. Mùa hè, tôi  có những bước chân vội vã băng qua bãi cát nóng từ mặt nước biển mát lạnh trở lại nhà theo tiếng mẹ gọi ăn trưa. Giấc ngủ trưa bằn bặt giữa sóng biển và thông reo, giữa mùi khoai mì mẹ mới hấp vang lừng trong không. Do đó bạn đã hiểu vì sao bây giờ tôi không thích biển. Mùi biển mặn, hạt cát bám gót chân, tiếng sóng vỗ rì rào đều gợi nhớ những điều không rõ mặt. Mỗi sáng cuối tuần bây giờ, không phải hối hả lo cho công việc, tôi thường chỉ ngó hoài cái ngọn cây là đà bên ngoài cửa sổ căn phòng ngủ. Cái ngọn cây theo gió ngã nghiêng như ý nghĩ tôi chia ra làm trăm mảnh. Những mảnh đời tan nát, gãy vụn trong tôi, trong bạn từ 49 năm qua. Cái ngọn cây lả tả buồn thiu sáng nay tôi nhận thấy vừa dài thêm được mấy cái lá non, những mầm lộc mới vì mùa xuân vừa bắt đầu. Nhưng có cách nào chúng ta lại còn có thể có lại trong ta, trong chúng ta, những mầm lộc mới như đất trời quanh ta?

Những người già còn khỏe mạnh thì suốt ngày ai hình như cũng bận bịu những chuyện không tên. Nhà cửa của chị Đạm Ngọc sạch như lau, như li. Từ sáng cho đến tối, chị Ngọc không có một chút nghĩ ngơi. Chị đi chợ, nấu ăn, đi lấy thuốc cho anh, chỡ anh đi bác sĩ, giao dịch với nhà thương, thu xếp giờ giấc cho kỳ mỗ sắp tới cho cái đầu gối của anh Đạm. Tối nằm xuống lại than là xác thân rời rã, phải uống Tylenol nhưng khi lên giường thì lại phải đọc sách thật lâu mới ngủ được. Phải viết bao nhiêu bài viết để ca tụng các bà bạn già của tôi đây. Ít ra cũng phải cho các ông biết về sự hy sinh, chịu đựng vượt bực của các bà khi … các ông cáu gắt vì không được khỏe, vì các bà đã quên làm một điều gì đó dù đã được dặn dò. Có lần tôi nghe một chị nhắc nhở chồng rất nhẹ nhàng rằng: anh nhớ nha, anh 86 thì em cũng đã 82 rồi đấy. Các ông phải cám ơn một cách thực hiển hơn chứ không phải chỉ lên sân khấu hát bài“Anh còn nợ em, nụ hôn vội vàng, nắng chiếu qua rèm” mỗi lần sinh nhật vợ là đủ đâu!

Thời gian qua nhanh quá đi. Tôi vẫn không thể chấp nhận được ý nghĩ  đời sống chúng tôi hình như đã cạn, đã xong, đã chẳng còn. Vô lý quá. Hình như chưa có lúc nào trong đời,  chúng tôi được sống cái đời mà chúng tôi mong muốn. Mỗi người, vượt biên một cảnh nhưng đến xứ này thì đời tị nạn chúng tôi, ai cũng khổ như nhau. Những đứa con thì hình như lớn nhanh, lớn vội quá ở nơi đây. Con người trẻ con trong chúng tôi cứ phải đóng vai những bà  mẹ mực thước nghiêm chỉnh để làm gương cho các con mãi nên hình như “nó” cũng bực bội nên khi nào các bà mẹ được gặp nhau thì cũng có bao nhiêu điều để nói. Nhất là khi các ông con, bà con trưởng thành thì chúng lại biến các ông già, bà già thành … những đứa trẻ hồi nào không hay. Chúng quên luôn chuyện “chúng tôi là người nuôi các cô cậu  lớn đấy nhé!” đôi khi.

Lại nhớ đến hình ảnh bà già trưởng giả yêu ông linh mục trẻ của phim The Thornbirds: bên trong con người già nua của tôi, trái tim tôi còn trẻ, trái tim đó đang yêu một  người. Trái tim tôi không có những vết nhăn, vết nám của cuộc đời như gương mặt của tôi. Nó có tiếng nói của nó. Tiếng nói của tình yêu... Đừng lo bạn ta. Tôi sẽ không bao giờ lại là một bà già "cách mạng" như thế đâu. Mặc dù từ lâu rồi, mùa xuân nào cũng có “tin vui” của tôi. Bạn cũng phải cho tôi cười một chút khi nghe những điều này. Dù bữa nhậu cho quên đời giữa tôi và bạn có thể sẽ không bao giờ xảy ra... Dù tôi sẽ không bao giờ có dịp nhìn lại những bãi cát trắng của vùng Long Hải, Nước Ngọt, ngôi nhà bằng gỗ ven bờ biển của cha tôi. Dù màu nắng vàng cùng những cơn gió thổi qua cành phi lao thời tuổi nhỏ trong trí nhớ của tôi không giống chút nào với màu nắng vàng tôi nhìn thấy trong ngày chủ nhật đầu tháng 4 năm nay ở Hoa Thịnh Đốn khi mà hầu hết bằng hữu của tôi đều đã không còn! Biết làm sao bây giờ, bạn ta !

Hoàng Dược Thảo

 


 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top