Đào Nương
Tiễn biệt và thương tiếc “một người muôn năm cũ”:
Ông Cảnh "vịt"
Tôi vừa nhận được hung tin một “người anh” của chúng tôi vừa qua đời. Chúng tôi, những người định cư tại Nam California từ những năm đầu của tị nạn, của thập niên 70, của đời sống lưu vong, thường gọi ông Nguyễn văn Cảnh là ông Cảnh “Vịt”. Thời gian đó, thủ đô của người Việt hải ngoại ngoài quê hương, thành phố Little Saigon, chưa hiện hữu. Tên ông Nguyễn Văn Cảnh được gọi ghép như thế với muôn vàn kính nể và hãnh diện chứ không phải vì lý do đùa nghịch. Vì từ ý tưởng muốn cho đồng bào tị nạn có dịp thưởng thức lại món “tiết canh vịt”, ông Nguyễn Văn Cảnh là người đầu tiên nghĩ ra việc bán vịt sống, tìm cách hãm tiết để người Việt có thể thưởng thức được món ăn, quốc hồn, quốc túy này. Chúng tôi được ông Nguyễn văn Cảnh xem như em vì chúng tôi là bạn của nhiếp ảnh gia Nguyễn Đức Cung, em của ông. Và ông anh Nguyễn văn Cảnh của chúng tôi đã biến thành ông Cảnh “vịt” dễ thương từ lúc nào không rõ. Tôi được đến ngôi nhà có cái sân rất rộng của anh ở thành phố cổ Santa Ana, nơi mà đa số cư dân là người Mễ. Ở nơi đó, chị Cảnh quần quật với những công nhân người Mễ và cái máy vặt lông vịt. Ôi, ngôn ngữ nào nói lên được sự tận tụy, hy sinh của những phụ nữ Việt Nam khi bắt đầu đời sống mới ở đất nước xa lạ này. Đàn ông có trăm ngàn nỗi khổ khi đổi đời thì người đàn bà tị nạn cũng thế, nếu không muốn nói là còn hơn thế nữa. Từ một nơi bán vịt từng con một cho đồng hương, ông Nguyễn Văn Cảnh đã tạo ra trại nuôi vịt, rồi thành tiệm gà vịt, tiệm bán trứng lộn đầu tiên cho người Việt trong vùng. Rồi các cháu con anh chị trưởng thành, tuy thành đạt về học vấn nhưng lại theo gương anh làm thương mại. Chúng tôi được nghe về sự thành công vượt bực về thương mại của gia đình ông Nguyễn văn Cảnh cùng lúc với những hoạt động từ thiện hay nhân ái của gia đình ông đối với cộng đồng. Nhưng có mấy người được nghe chuyện lầm than của ông “lái vịt” bất đắc dĩ của những ngày đầu khởi nghiệp. Thời đó, theo ông, chưa có xe SUV như hiện nay mà chỉ có những chiếc xe Van bít bùng thông thương với phòng lái. Ông kể có lần vì thắng gấp trên xa lộ để tránh đụng vào xe phía trước, những cái lồng nhốt vịt bị chao nghiêng, sút giây cột khiến “anh em ta” sút chuồng, hốt hoảng bay tá lả trong xe. Ông phải cầm cự chạy vội về nhà trong sự tấn công như vũ bão của “những kẻ tiểu nhân được mùa” này. Thử tưởng tượng phải lái một chiếc xe Van bít bùng với vài trăm “VC-Vịt Con” trong xe như vậy thì mới hiểu được những “nhọc nhằn” ghê gớm của những người đi trước khi sống đời tị nạn cộng sản ra sao.
Nhưng đó không phải là điều mà tôi muốn ghi lại về “ông Tây nhà đèn” này. Đó là một biệt danh khác của ông Nguyễn văn Cảnh khi chúng tôi hỏi nhau về ông. Thời đó, ít người đội nón “beret” như ông Cảnh “vịt”. Có thể vì lúc đó, cánh đàn ông … chưa đủ già, chưa bị hói, để phải nhờ đến cái nón béret của Tây nhà đèn hay vì “chúng tôi” không đủ tự tin để làm ông “Tây nhà đèn” như ông Cảnh “vịt”. Chỉ biết là cái nón Beret và nụ cười “mỉm” không thể có một kết hợp “tốt” hơn được nữa. Nó đã biến thành một ”trade mark” không thể dễ thương hơn của ông anh của chúng tôi, ông Cảnh “vịt”.
Điều tôi muốn ghi lại là cái tính đa đoan, bao đồng chuyện thiên hạ của ông Cảnh “vịt”. Trong 40 năm qua, có bao nhiêu nhà báo, bao nhiêu nghệ sĩ, bao nhiêu chích khách, bao nhiêu tổ chức tù nhân chính trị, bao nhiêu tổ chức tôn giáo, bao nhiêu cơ quan từ thiện đã tìm đến ông Cảnh "vịt" để xin bảo trợ. Ra mắt sách ư? Người ở gần thì ông chỉ mất vài, ba trăm mua sách nhưng những người ở xa thì có khi lại xin thêm cái vé máy bay. Ra mắt hội hè, băng nhạc, hiếm khi ông Cảnh “vịt” được tha. Cũng vì cái tính bao đồng giúp người này mà trước đây ông đã dính vào cái đài Little Saigon Radio và ông Vũ Quang Ninh. Ông mất tiền nhưng sau vụ này, ông có thêm một người con đỡ đầu là ca sĩ Anh Dũng. Trong 30 năm ông làm chủ tiệm Phở Nguyễn Huệ, những bát cơm “Phiếu Mẫu” của ông Cảnh "vịt" đã được nhiều thi nhân, nhà báo, nghệ sĩ, chính khách tiêu thụ nhưng khi đã qua được cái cầu khốn khó, khi thi nhân lại trở thành … đại thi hào, khi ca sĩ mới qua trở thành danh ca thì những bát cơm “Phiếu Mẫu” của ông Cảnh "vịt" đã được quên đi nhanh chóng. Có lần tôi nghe kể có ông nhà thơ khoe rằng: đi với “moa” đến Phở Nguyễn Huệ ăn khỏi trả tiền và thi sĩ xem như việc ăn cơm khỏi trả tiền là vì ông Cảnh "vịt" “ái mộ” thi tài của mình. Khi chuyện đến tai ông, ông Cảnh "vịt" chỉ cười, anh giúp vì nó than nghèo, nay nó hết nghèo anh mừng cho nó. Thời nay, làm gì còn có Hàn Tín hay Chu Công? Do đó, mới có cụm từ “quân tử Tàu” để chế diễu những người khư khư ôm lấy những điều nhân nghĩa như ông anh tôi.
Năm 1977, khi chúng tôi mở quán cà phê Tay Trái, ai cũng có nhiều “sáng kiến” độc dáo nhưng không ai có tiền. Ca sĩ Việt Dzũng, nhạc sĩ Trần Duy Đức, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã có những ngày vui ở đó. Đã có triển lãm ảnh của Ông Trần Cao Lĩnh, ông Nguyễn Đức Cung ở đó. Một quán cà phê đặc biệt vì khách chỉ được uống nước theo sự yêu cầu của quán. Khi tôi bận đi học thì các “ông thần nước mặn” (chữ của nhà văn Mai Thảo gọi các nhà “nghệ sĩ” trẻ) thường yêu cầu khách uống… sữa đậu nành vì không ai “muốn” pha cà phê cả. Ông Nguyễn văn Cảnh lúc đó chưa là ông Cảnh "vịt" cũng đã đến và cho chúng tôi $500. Con số này hiện nay, có vẻ rất khiêm nhường nhưng lúc đó – 1977- chúng tôi đi làm chỉ có $3/giờ, một gallon xăng chỉ có 32 xu. Nếu tính theo thời giá “xăng” của California bây giờ là $5/gallon thì $500 của ông Cảnh "vịt" năm 1977 cho quán cà phê Tay Trái trị giá là $7,812 ngày nay.
Nhà văn Mai Thảo, nhiếp ảnh gia Trần Cao Lỉnh, ca sĩ Việt Dzũng, thi sĩ Nguyễn tất Nhiên đều đã qua đời. Bây giờ thì là sự ra đi của ông Nguyễn Văn Cảnh tức ông anh Cảnh "vịt". Họ là “những người muôn năm cũ” của thành phố Little Saigon. Thành phố này đang thay hình đổi dạng. Nó đi từ một thành phố của người Việt Tị Nạn cộng sản thành một thành phố nối dài của xã hội miền Nam dưới thời Cộng Sản. Tôi đã đi xa khỏi thành phố đó, mỗi lần trở lại đều thấy bâng khuâng. Tất cả đều đã thay đổi, sầm uất hơn nhưng xô bồ, xô bộn… Tất cả rồi sẽ thay đổi, sẽ qua đi như tuổi thanh xuân của chúng tôi, những công dân Việt Nam Cộng Hòa, những người bỏ xứ mà đi vì tị nạn chính trị… Chúng tôi tự hào lắm chứ vì từ những đồng tiền hiếm hoi kiếm được trong những ngày đầu tiên của xứ người, bằng mồ hôi và nước mắt, chúng tôi đã xây dựng lên thành phố này. Từ những chuyến xe Van chở vịt ngược xuôi xa lộ của ông Cảnh "vịt", bằng những hàng quán thô sơ, bằng những bài hát ca ngợi khí thế đấu tranh chống cộng của bao nhiêu là nhạc sĩ như Việt Dzũng, như Trần Quan Long, bằng những bài viết của bao nhiêu nhà báo, nhà viết sử, nhà văn đã nằm xuống trong ấm ức khi chưa được nhìn thấy quê hương thoát cộng…
Thi sĩ Trần Dần đã than khi viết về thành phố Hà Nội sau khi ông về thành:
Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ.
Tôi là một người tị nạn chính trị, đã có 45 năm sống ở nơi đây, 31 năm làm báo chống cộng sẽ đau lòng ra sao trước sự đổi thay nhanh chóng của thành phố này với sự hiện diện đông đúc của những nhà giàu mới xài tiền tư bản đỏ. Không lẽ lại theo gương ông Trần Dần mà than rằng:
Tôi bước đi không thấy bạn thấy bè
Chỉ thấy mưa sa trên đồng “tiền đỏ”
Từ những cửa tiệm mang tên sặc mùi “văn hóa đỏ” cho đến Phở Nguyễn Huệ không còn ông Cảnh "vịt", nhà hàng Viễn Đông không còn nữa, nơi ăn chơi ngon hơn ăn thiệt này đã theo ông chủ Lâm Quang ra đi … khi trời vừa sáng. Tôi đi qua nhiều góc phố, những phòng mạch bạn bè, những dịch vụ quen thuộc ngày nay đã treo biển mới… Khi ai cũng đều là … người của muôn năm cũ thì ai sẽ khóc thương ai!
Hôm nay, khi tôi ngồi viết những dòng chữ này thì tang lễ của ông Cảnh "vịt" đang tiến hành ở California. Thời buổi Covid nên những đám tang thường giới hạn trong vòng thân bằng, quyến thuộc. Do đó mà lại thấy thương hơn cho một người “tứ hải giai huynh đệ” như ông Cảnh "vịt". Dù sao thì từ nay cái nón beret cũng sẽ không thể biến ai trở thành một “ông Tây nhà đèn” như ông Cảnh "vịt". Cũng như lịch sử người Việt tị nạn cộng sản sẽ không bao giờ có lại một ông “lái vịt” làm nên lịch sử, một thiên tài thương mại của cộng đồng, một tấm lòng hào hiệp, một tấm gương xử thế, sống cho người, vì người như ông Cảnh "vịt".
Trời hôm nay đột nhiên đổ mưa. Nếu những hạt mưa mà như những hạt nước mắt thì hay biết mấy. Phải nhiều như mưa thì mới nói lên được sự tiếc thương của những người tình cờ được quen biết ông Cảnh "vịt" trong đời trước tin ông ra đi.
Anh Cảnh,
Bài viết này như một nén hương, chúng em tiễn anh lên đường. Nếu kiếp sau được làm người, xin được tái sinh nơi mà những tấm lòng bao dung, nhân hậu, quân tử như anh không hiếm hoi như ở nơi đây, kiếp này…
Hoàng Dược Thảo
Đọc Thêm
Bát Cơm Phiếu Mẫu
Thời Hán Sở tranh hùng, có một nhân vật tên Hàn Tín. Thuở còn hàn vi, Hàn Tín là người đi câu cá ở các sông rạch đem bán đi để độ nhật qua ngày. Mùa Đông rét mướt, Hàn Tín không đi câu được, đói khổ... Bấy giờ, có một bà lão tên Phiếu Mẫu động lòng trước cảnh của chàng trai, kêu chàng đến nhà, nấu cho Hàn Tín cùng ăn. Ông hứa sẽ trả ơn cho Bà khi công thành danh toại. Bà Phiếu Mẫu trả lời:” Ta thấy ngươi đói khát, nên chia sẻ miếng cơm giọt nước với ngươi, chứ đâu cần ngươi sẽ trả ơn sau này. Đàn ông gì như ngươi, tự nuôi thân không nổi thì nói chi đến quyền cao chức trọng sau này”. Hàn Tín hổ thẹn vì lời chê trách, không dám tìm qua nhà Phiếu Mẫu kiếm cơm nữa. Bà già thương người cùng khổ, ngày ngày đem cơm đặt trước căn lều của Hàn Tín. Người trong làng xóm biết chuyện, gọi đó là "Bát cơm Phiếu Mẫu". Về sau, Hàn Tín trở nên vị tướng lãnh lỗi lạc, quyền uy hiển hách, giầu sang phú qúy, nhưng vẫn không quên ơn bà Phiếu Mẫu đã cho mình những bát cơm dưa... Trở về quê, Hàn Tín thân hành đến tận nhà bà Phiếu Mẫu thăm viếng tạ ơn.