Hoàng Dược Thảo
“Phép lạ” mùa Giáng Sinh
Khi đại dịch Covid bùng nổ, tôi đang ở thành phố Houston một mình, không có con cháu, không có các ông anh, bà chị “già” bên cạnh. Một mình thì cũng dễ để phòng ngừa dịch bệnh. Con gái tôi lại vô cùng cẩn thận, nó mua tất cả thực phẩm đồ dùng cho mẹ online với lời chỉ dẫn rõ ràng: “người giao hàng sẽ gọi cho mẹ trước, mẹ chỉ cần mở cửa garage, họ bỏ thùng đồ vào, mẹ mang mask, mang gang tay vào rồi mở thùng ra thôi, chờ 6 giờ sau rồi mới soạn ra. Mẹ nhớ đừng cho ai đến nhà”. Tin tức nghe được cũng sợ: hội “tứ sắc” của mấy bà già với nhau, không “chơi” với “người ngoài” mà hai bà bị nhiễm, một bà đi luôn. Một bà khác còn khỏe mạnh, mới gặp nhau ngoài chợ, nghe nói bị khó thở con đưa vào nhà thương. Mùa Covid không ai được vào thăm, khi liên lạc qua Facetime. 3 tuần sau, nhà thương báo bà bị suy thận, phải lọc máu. 2 tháng sau khi bà hấp hối thì nhà thương thu xếp để ba đứa con được vào thăm mẹ lần cuối thì bà đã hôn mê, các con không biết mẹ được trị liệu ra sao, vì sao tình trạng bệnh của mẹ, một người “trông” khỏe mạnh mà lại phát triển nhanh đến thế… , . Tang lễ mùa Covid thường nhanh, gọn nhưng chờ hơi lâu vì nhà quàn nào cũng quá tải. Tình hình nhìn thấy qua TV cũng khiến “người già” này bàng hoàng mà tự ý “cấm cung” không ra khỏi nhà, không cho ai đến nhà suốt thời gian chưa được tiêm thuốc chủng ngừa.
Nghĩa là, thời gian đó, chúng tôi, những người già ở trong cùng một thành phố cũng chỉ gặp nhau qua điện thoại. Vì… gặp mà nhiễm bệnh thì không biết ai lây cho ai, xuống tuyền đài mà còn giận nhau thì cũng khổ… Tôi mới đi thăm các con tôi vào dịp cuối năm trước khi dịch Covid bắt đầu tháng 2 năm 2020 nhưng cũng không thể tưởng tượng là suốt năm 2020, mẹ con, bà cháu lại không được gặp nhau. Tôi và các anh chị tôi ở Pháp cũng liên lạc nhau gần như hàng ngày để nhắc nhở nhau: “đừng đi ra ngoài, đừng cho ai tới nhà”…Vậy mà tới tháng 10 thì hai vợ chồng người anh kế tôi bị “dính” rồi. Ông này tuy là dược sĩ nhưng lại kiêm luôn làm “bác sĩ gia đình” của mọi người trong gia đình. Anh tôi nghĩ rằng vợ chồng anh bị nhiễm khi đi chợ. Sau khi tự kiểm nhận kết quả dương tính với Covid ở nhà, hai vợ chồng uống thuốc cảm, tự cách ly. Chị dâu tôi “xông” mỗi ngày ba, bốn lần khi đọc được trên mạng, xông tốt cho phổi, diệt được Covid. Đến ngày thứ tư, khi độ Oxygen trong người chị hạ thấp và chị bắt đầu khó thở thì anh tôi gọi xe cấp cứu đến đem vợ vào nhà thương, nơi có con dâu làm bác sĩ trưởng phòng cấp cứu. Hôm sau thì đến lượt anh tôi vào nhà thương. Độ 7 giờ tối, sau khi làm thủ tục nhập viện, anh được đưa lên phòng thì đứa con dâu đẩy giường của chị dâu tôi đi ngang qua để hai ông bà chào nhau trước khi nó đẩy chị ấy lên phòng cấp cứu vì lượng Oxygen trong người chị ấy không tăng lên mức độ bình thường như đa số bệnh nhân khác sau khi thở oxygen. Chị bảo anh tôi rằng: em thấy cũng bình thường, chắc không sao đâu anh, ráng tĩnh dưỡng vài ngày rồi về. Anh tôi không thể ngờ rằng đó là câu cuối cùng vợ chồng trao đổi với nhau vì ngay đêm đó, khi bị chụp thuốc mê để đặt máy thở thì chị dâu không hồi tỉnh nữa cho đến khi qua đời. Chị mất ngày 13 tháng 12 năm 2020. Chúng tôi mới làm giỗ thứ hai cho chị ấy. Ngày chị dâu tôi mất cũng là ngày mà cơ quan FDA của Hoa Kỳ thông qua quyết định cho phát hành thuốc chủng ngừa Vaccin Covid -19 của hảng Pfeizer.
Anh tôi ra khỏi nhà thương khoảng 2 tuần sau khi nhập viện. Mấy tháng trời sau khi vợ mất thình lình vì Covid, anh tôi như bị tê liệt. Ai bảo làm gì thì anh làm vậy. Tôi ở xa nhưng lại là người “soạn” chương trình hoạt động cho anh tôi hàng ngày. Sáng tôi dục anh đi bộ trước khi về nhà nấu bữa ăn trưa. Chị dâu tôi có đạo, tôi chỉ anh tôi vào Youtube chọn những clip kinh cầu nguyện mở ra cho chị dâu tôi nghe và cho nhà có tiếng động. Tôi phải trấn an anh tôi khi anh cứ hối hận sao không thế này, sao không thế kia thì có thể vợ tránh được. Không gì bằng số mệnh, hai vợ chồng không đi đâu, chỉ đi chợ mỗi tháng một lần để mua thức ăn, cũng mang găng tay, cũng mang mask, cũng về nhà rửa tay ngay mà rồi nhiểm bệnh ở đâu, hồi nào không hay.
Nhưng bài viết hôm nay không phải vì Covid. Tôi không hề bị nhiễm Covid. Nhưng đời sống tôi cũng thực là khốn khổ trùng hợp với thời gian Cô-Vi xuất hiện trên cõi đời này. Cứ coi là như vậy đi.
Thành phố Houston là một trong những thành phố mà thuốc chủng Vaccin Covid được chích cho người già sớm nhất Hoa Kỳ. Khi đọc được thông cáo trên TV, tôi vào Website của thành phố và ghi tên được một cách dễ dàng. Ngày 14 tháng 1, tôi chích mũi đầu tiên. Thở phào nhẹ nhõm vì được biết, sau mũi đầu tiên là coi như được miễn nhiễm đến 80%. Ba tuần sau, ngày 11 tháng 2 tôi chích mũi thứ hai. Lúc đầu, chúng tôi không được chọn lựa Pfizer hay Moderna mà tối phiên mình thì được chích thứ gì thì hay thứ đó. Mà Pfizer hay Moderna gì thì cũng hết… lo bị quăng vào nhà thương quá tải, bị chết … vội vàng mình không manh áo (Nhạc TCS), không được gặp con cháu, bạn bè!
Ngày thứ 2 sau khi chích mũi thứ hai, dù mình mẩy còn đau rần rần, tôi đã phải bò dậy đi tìm chăn mền cũ, bao rác để che, bọc những cái cây tôi mới trồng vì hai ngày sau đó tin khí tượng cho biết, một cơn bão tuyết lạnh nhất từ 100 năm nay sẽ đến Houston. Cơn bão kéo dài hơn 4 ngày và dù tôi có cố gắng che, bọc hết sức mình thì khi tháo gỡ lớp chăn mền thì lá cũng đã … đông lạnh như những bó rau lấy ra khỏi tủ đông. Suốt cả một tháng sau đó, tôi buồn biết mấy khi tất cả cây cam, cây quít, cây bưởi, cây sung tôi trồng đều chết cả, không một cây nào còn sự sống. Ngay cả cây kim quất do chủ nhà trước để lại, to xù và cây bông giấy bên ngoài khung cửa sổ bàn viết của tôi cũng chết mặc dù ai cũng bảo, cây bông giấy khó chết lắm. Khi tôi “kiểm tra” lại cây cối nhà bạn bè thì cây cối nhà ai cũng chết cả, đâu phải chỉ có cây nhà tôi. Hai năm nay, tôi chưa quyết định được là sẽ làm gì … những gốc cây đã khô, đã từng cho tôi rất nhiều giờ vui mỗi sớm mai này nên chúng vẫn còn nằm nguyên ở đó.
Có lẻ nổi đau vì “cây chết … lớn quá” khiến tôi quên đi nổi đau của hai bàn tay mình. Sau này khi bác sĩ hỏi tôi, tay bà đau bắt đầu từ khi nào, tôi chỉ có thể trả lời là… khoảng hai tháng nay, sau cơn bão tuyết mà không hề có một sự liên kết nào về thời gian chính xác và hai bàn tay đau của mình. Chỉ biết là khi ngón tay trỏ bàn tay trái của tôi bắt đầu sưng lên và đau buốt mỗi khi bị chạm đến, tôi cứ nghĩ tôi làm "kẹt” ngón tay này vào đâu, lúc nào mà tôi không hay cho đến khi tôi bắt đầu đau ngón trỏ của bàn tay mặt. Tôi tìm dầu nóng cố chịu đau để xoa bóp, nghĩ chắc tại mình cố “xoay” những chậu cây to vào Patio tránh tuyết, khiến “chúng nó” bị kẹt ở đâu đó. Nhưng không, một tuần sau thì đến ngón út và ngón áp út của bàn tay mặt của tôi có triệu chứng tương tự. Phần thịt bên trên hơi sưng và hơi bầm, chỗ đốt xương đầu tiên thì lồi lên một “cục” xương nhỏ khiến ngón tay hơi vẹo đi nhưng những ngón này không đau buốt người khi đụng đến như ngón trỏ của bàn tay trái. Rồi vài ngày sau, một sớm mai thức dậy, cả bàn tay mặt của tôi cứng đơ, hai ngón tay út và áp út không co lại được. Đến lúc này thì không thể nghĩ là … hai bàn tay của tôi bị “kẹt” ở đâu đó nữa được rồi.
Cô bác sĩ gia đình dễ thương của tôi cho ngay một “chẩn bệnh” … đáng ghét, khó nghe: bác bị arthritis – phong thấp, tê thấp của tuổi già. Cô thư ký già người Hoa của phòng mạch lại đưa luôn hai bàn tay với những ngón cong queo cho tôi xem: cô xem nè, em bị “nó” từ khi em 55 tuổi, mà càng ngày càng nhiều hơn đó cô. Tôi hỏi cô thư ký: em có đau không? Câu trả lời: khi đau, khi không. Cô bác sĩ đồng ý là trường hợp của tôi phát triển hơi nhanh. Tôi hỏi: có cách nào chữa trị hay làm … chậm lại bước tiến của quân thù không thì cô lắc đầu: khi đã bị thì không có gì trị dứt được đâu bác. Có người phát triển chậm và đau ít thôi, chịu được nhưng cũng có người phát triển nhanh và rất đau, có người thì đau quanh năm, có người thì khi trời lạnh mới đau. Cô cho tôi một loại thuốc chống đau phải mua bằng toa bác sĩ và giới thiệu tôi với một bác sĩ chuyên về Arthritis, về bàn tay. Cô dặn “khi nào đau quá, không ngủ được thì bác hãy uống, không uống khi bụng đói”.
Lái xe về nhà, tôi thấy mình hơi… mất tinh thần, tưởng rằng thoát được Covid thì … cuộc đời sẽ được yên, nào ngờ…. Hai tháng qua, trong cơn đau, tôi an ủi mình là sự đau nhức này của hai bàn tay chỉ là tạm thời nên dễ … lạc quan hơn. Nay thì có nhiều hy vọng “chàng” sẽ ở lại trong đời mình vĩnh viễn, chán đời cũng phải. Hai đứa con tôi chỉ đợi mẹ chích Covid xong là đi thăm mẹ vì coi như gần hai năm, mẹ con chỉ gặp nhau trên Facetime. Không thể dấu chúng được nửa rồi, tôi bảo con trai tôi chờ đến ngày tôi đi khám tay với ông bác sĩ chuyên khoa thì hãy qua vì với hai bàn tay đau kiểu này tôi lái xe hơi khó khăn. Con gái tôi bảo tôi chụp hình hai “bàn tay “kiêu sa"” cong queo và sưng vù của tôi qua cho nó xem rồi la làng là tại sao… bây giờ mới nói. Tôi bảo biết là bệnh thì cho chúng biết đấy thôi.
“Khi yêu lòng bổng từ bi bất ngờ” (Nhạc TCS) . Vì đau hai bàn tay mà bỗng dưng tôi cũng thương rất nhiều người. Tôi thương những người bạn sống một mình, không mở được nắp hộp, không cầm dao, không cầm kéo, không xào nấu thức ăn được. Tôi thương những người mà mỗi “đụng chạm” là một lần đau nhói lòng mà tôi được nghe kể trước đây. Và nhất là tôi thương những người bạn phải bỏ hút thuốc nếu không muốn ở một mình. Tôi là một người “nghiện” đan. Từ khi lên sáu, tôi đã được bà vú dạy cho cách cầm hai cái que đan. Đó là một người cô họ xa, cô Ba. Nhưng vì cô ăn rất nhiều nên cô còn có thêm một cái nít-nêm là cô Ba cần-câu vì thức ăn còn thừa trên bàn ăn là cô thầu hết. Cô Ba là người miền Trung thuộc diện được nhà nước ‘cách mạng” chủ trương cấy “người” trước khi tập kết ra Bắc của bộ đội. Cô Ba lấy chồng đúng một tuần thì ông chồng tập kết ra Bắc nên cô vào Nam, lo cơm nước phụ giúp mẹ tôi. Cô Ba “truyền” cho tôi được hai tuyệt kỹ của cô: đó là tài thuộc thơ tiền chiến và tài đan áo. Nhờ cô Ba mà tôi làm quen với thơ Nguyễn Bính, thơ Hàn Mặc Tử, thơ Xuân Diệu, thơ Thế Lữ, thơ TTKH, thơ Thâm Tâm… từ khi tôi còn học tiểu học. Buổi tối, khi tôi lẩn quẩn với cô Ba trong bếp thì cô thường bảo tôi chép lại vào vở những bài thơ cô đã thuộc lòng. Bây giờ nghĩ lại, tôi không hiểu vì sao thời kháng chiến đã tạo ra một tầng lớp người ở quê hay đến thế: yêu văn thơ, yêu gia đình, yêu tổ quốc, nhân ái, đạo đức. Trong khi cô đọc thư cho tôi chép thì cô đan áo không ngừng tay. Cái áo len cao cổ mà cô Ba đan cho mẹ tôi ngày nay tôi vẫn còn giữ sau khi mẹ tôi mất đi vì đó là một “tuyệt kỹ” của nghề đan.
Khi tôi lên sáu, tôi muốn học đan. Ngày đó làm gì có que đan sẵn mà mua. Cô Ba dùng hai chiếc đũa tre mài trên nền gạch Tàu ở cái sân sau thành hai que đan cho tôi. Từ ngày đó đến nay, ít khi thấy tôi mà không thấy hai cái que đan. Tôi đan khắp chỗ, khắp nơi, ngồi đâu cũng đan, buổi tối ở nhà xem TV, ở phi trường đợi chuyến bay, ở trên máy bay… Vậy mà từ hai tháng nay tôi không còn đan được nữa, nỗi lòng biết tỏ cùng ai… Đan hay không đan thì có gì khác biệt, giải thích ra sao bây giờ! Người ta bảo rằng người nghiện hút thuốc, bị nicotin hành cũng có mà phần lớn hơn là cái thói quen cầm một điếu thuốc trong tay, giữa bạn bè, sau một bữa cơm… Nhớ ơi là nhớ đến bất tận. Phải đợi đến khi đau cả hai bàn tay, không còn cầm que đan được nữa, tôi mới “thông cảm” cho cái nỗi nhớ đến bất tận này.
Rồi cái ngày tôi đi khám bác sĩ chuyên khoa về Arthritis cũng đến. Con trai tôi cùng đi với tôi. Phòng khám bệnh đông nghẹt người nằm trong một nhà thương lớn ở Houston. Những người bạn bác sĩ của tôi cho biết sau Covid, bệnh nhân nào cũng là… bệnh nhân mới vì sau gần hai năm mới tái khám, hồ sơ bệnh lý có nhiều thay đổi, khác hơn là bệnh nhân được khám định kỳ đều đều. Nhất là những ông chuyên khoa về những bệnh của người già như ông bác sĩ VP này. Phòng khám bệnh đầy người nên dù đã có hẹn mà chúng tôi cũng phải đợi hơn 1 giờ mới được vào khám. Ông bác sĩ cao niên trên 60, lạnh lùng chỉ cho tôi xem cái phim chụp X Ray hai bàn tay của tôi. Những cục xương cưng cứng khiến tôi đau buốt ở những cái khớp lóng tay là một tập hợp những hạt trăng trắng nhỏ bằng chừng ¼ hạt gạo. Nơi đau nhiều, sưng nhiều như ngón trỏ của bàn tay trái thì những hạt trăng trắng này đã tạo thành một hình tam giác nơi khớp xương. Nhưng dọc theo những ngón tay của bàn tay phải ít đau hơn, ít sưng hơn thì cũng đã xuất hiện những hạt xương be bé này. Ông bác sĩ kết luận luôn là tôi bị Arthritis của tuổi già. Ông “an ủi” tôi bằng cách đưa luôn hai bàn tay của ông ta ra và bảo hai tay ông cũng vậy, đau nhức, sưng lên khi trời lạnh và… tôi chịu được thì bà cũng sẽ chịu được.
“Ân huệ” cuối cùng ông bác sĩ chuyên khoa gốc Việt này ban cho tôi là nắm lấy bàn tay trái có cái ngón trỏ đang sưng của tôi lên và bấm mạnh vào chỗ đau khiến tôi đau thiếu điều muốn văng ra khỏi ghế. Con trai tôi đau lòng định lên tiếng nhưng tôi ra dấu cho cháu im lặng. Sau cùng, tôi hỏi được một câu: bác sĩ có thể cho tôi biết có cách nào, có thuốc gì làm chậm sự phát triển của chứng bệnh này không? Ông ta lắc đầu và đi ra luôn.
Tôi không muốn nghĩ rằng tôi đã bị đối xử khác biệt vì tôi là một người gốc Việt khi phần đông bệnh nhân của ông là những người cao niên da trắng. Con trai tôi cũng bất bình khi kể lại cuộc chẩn bệnh chóng vánh “kiểu lấy huề” của ông chuyên khoa này. Nhưng ông chuyên khoa này đã nói đúng một điều “tôi chịu được thì bà cũng chịu được”. Sau đó, tôi phát giác ra vài người bạn thân cũng đau khổ giống như tôi và trước tôi rất lâu nhưng tôi không hề biết. Một người bạn có cả mười ngón tay cong queo và phải chích Steroid vào tay mỗi năm hai, ba lần mới chịu nổi. Một cô em dâu thì cả mười ngón tay chéo qua, chéo lại, có những ngày “khỏi” phải nấu cơm cho chồng vì những cơn đau. Nghĩa là tôi không phải là người “duy nhất” trên cõi đời này “bất hạnh” vì hai bàn tay đau nhức hết còn “kiêu sa” mà sưng vù. Tôi kể chuyện cho chị tôi nghe thì bà đầm “phú lãng xa” này phán ngay theo tinh thần “Tây lúc nào cũng hơn Mỹ” rằng: em qua đây đi, em dân Tây mà. Bác sĩ bên này tận tâm hơn, quen biết với nhà mình, chắc chắn sẽ tìm ra phương cách trị bệnh cho bàn tay của em”.
Rồi tôi sang Tây, không phải chỉ để chửa bệnh mà còn để tiển… người đi. Tôi không được chia buồn với anh tôi ngày chị dâu tôi qua đời. Gặp mùa Covid, tôi xin hẹn khám bệnh chuyên khoa ở bên Tây cũng phải chờ lâu. Cũng không sao, đau nhưng còn chịu được miễn là cố tránh đừng có những “va chạm làm tê điếng đời nhau” thôi. Anh tôi là một dược sĩ, nhà thuốc tây của anh có thêm dịch vụ làm “cast – khuôn” cho chân và tay những người bị tai nạn lao động, anh lấy ni làm cho tôi hai cái Cast, mở ra, đóng vào được rất công phu để khi đi đâu tôi mang vào cho ngón tay trỏ bàn tay trái tránh đau khi tình cờ bị va chạm ... Nhưng mang vào lâu vài tiếng đồng hồ thì phải lấy ra, nếu không tôi có cảm giác như “nó” bị tê cứng lại. Có một đêm, khi ngủ, tôi quơ tay trúng vào cái tủ đầu giường đau đến bắn cả người. Đôi khi, nhìn ngón tay trỏ bắt đầu chuyển sang màu đỏ bầm, tôi buồn muốn khóc khi nghĩ rằng có ngày tôi sẽ “mất” nó không? Rồi cũng có những “sáng mai thức dậy” bàn tay mặt của tôi tê cứng, hai ngón tay út và áp út không cong lại được.
Khi tôi đi khám bệnh với bác sĩ gia đình người Pháp, bác sĩ Jean-Charles Cachin, tôi đã hỏi ông ta như thế: có thể nào tôi sẽ mất đi những ngón tay của mình vì căn bệnh này? Tại sao tôi lại bị bệnh này? Ông ta đã cười và cho biết nếu bị Arthritis mà mất tay, chân thì 85% người già của Pháp đã thành người tàn phế. Ông cho rằng tôi nên lạc quan, tập thể thao cho những ngón tay đau của mình rồi sau một thời gian “biến tính”, bệnh sẽ trở nên “ôn hòa” hơn vì kết quả thử máu cho thấy tôi rất khỏe mạnh, không bị huyết áp, không bị tiểu đường, không bị cholesterol, gan, thận đều không có vấn đề. Cứ từ từ xem sao… Ông cho tôi một số dụng cụ tập cho các ngón tay, một số thuốc bổ, dặn uống nhiều nước, uống đều đặn chứ đừng chờ khát mới uống, buổi tối ngâm hai bàn tay vào paraffin ấm để máu lưu thông. Trong thời gian ở Pháp tôi có đọc được một cái report cho biết nhiều người già ở Âu châu bị biến chứng Arthritis sau khi chích chủng ngừa Covid của hãng Moderna. Tôi có hỏi Dr. Cachin về điều này nhưng ông cười và bác bỏ ngay, không tin chuyện này. Ông cũng như cô bác sĩ gia đình của tôi ở Mỹ đều cho rằng chứng phong thấp hay tê thấp của hai bàn tay tôi không dính dáng gì đến thuốc chủng Vaccin Covid của hảng Moderna. Tôi cũng nghĩ như thế.
Từ đó đến nay, tôi đã làm như Dr. Cachin khuyên: tập sống với bệnh. Tôi tập hai tay khi đi bộ, khi tập Yoga, ngâm Parafin hai bàn tay buổi tối, thoa bóp tay với Voltaren. Tôi tìm cách thay thế những hộp thức ăn khó mở bằng những hộp dễ mở hơn hay bằng cách quấn hộp bằng giấy Plastic thay vì dùng nắp hộp. Tôi không còn đan được nữa thì tôi đọc sách, nghe sách, học tiếng Pháp, coi phim tài liệu… nhiều hơn. Đánh máy bài thì hơi khó. Tôi không thể đánh máy mà không nhìn keyboard được nữa. Nhưng tôi vẫn đánh bài của tôi cho đến khi nào cơn đau có thể chịu được… Hai năm qua, tôi đi lại giữa New York -Houston -California và Paris. Gia đình tôi cố tránh không để tôi phải sống một mình vì biết rằng hai bàn tay đau khiến tôi khó thể sinh hoạt “bình thường” khi không thể nấu ăn, đan áo, viết lách, lái xe, làm vườn... Tôi cố không đề cập với ai về những ngón tay của mình… Có lúc tôi nhìn những ngón tay sưng tròn lên của mình và như thấy lại sự non trẻ của chúng trước khi thành những ngón tay “nhăn nheo” của một bà già 70 bây giờ. Sao mà nó dễ thương hết sức khi nó không còn vết nhăn, không còn vết nám…
Rồi tôi tiếp tục chích Vaccine Booster mũi thứ ba, thứ tư và mới đây là mũi thứ năm, có khi ở Pháp, có khi ở Hoa Kỳ. Nhưng nếu tôi không biết là những ngón tay tôi bắt đầu đau khi nào thì tôi cũng không biết là những ngón tay tôi … tha tôi dần dần, không hành hạ tôi “mãnh liệ” nữa từ khi nào. Chỉ biết là một trong những buổi sáng gần đây khi đi bộ quanh cái hồ trước nhà, tôi giơ tay vuốt ve cái cổ dài của con vịt già vẫn theo tôi mỗi sáng thì chợt nhận ra cái “đụng chạm không còn làm đau nhói lòng” như trước đây. Tôi thử cong ngón tay trỏ “oan nghiệp” thì nó hơi “ngượng ngùng” một chút nhưng không còn đau điếng và cứng ngắt nữa. Tôi giơ hai bàn tay tôi ra ánh nắng thì chợt nhận ra những ngón tay đã “ốm lại, nhăn nheo” như thuở “thanh bình ba trăm năm cũ”. Rõ ràng nhất là cái ngón trỏ của bàn tay trái. Nó đã hết cong queo, hết căng phồng mà trở lại ốm o, nhăn nheo… một cách bình thường như những ngón tay còn lại. Tôi bóp mạnh bàn tay phải, những gân tay mềm mại, không còn làm tôi đau điếng khi chạm tới. Khi nào? Tại sao?
Tôi gọi điện thoại xin hẹn với cô bác sĩ gia đình, cho cô coi hai bàn tay hết “cong queo” của mình. Cô gửi tôi đi chụp X Ray. Kết quả khiến cô và tôi cùng kinh ngạc. Những hạt trăng trắng, nhỏ xíu ở những khớp xương đau gần như biến mất trừ hai vệt trắng mờ mờ vẫn còn ở khớp đầu của ngón trỏ bàn tay trái và ngón út bàn tay phải. Tôi hỏi cô bác sĩ là X Ray bàn tay của người bị Arthritis có như tôi không? Tại sao tôi không được trị liệu gì cả mà tự dưng “nó” lại mất đi? Căn bệnh ngẫu nhiên, tình cờ của tuổi già? Đến rồi đi? Có thể vì tôi chuyên cần tập những ngón tay không? Hay tôi bị biến chứng của Vaccin Covid – Moderna rồi bây giờ cơ thể tôi đã tự chữa lành vì đã đủ Anti-Corp?
Trước Giáng Sinh, tôi yên lòng cho các con tôi biết về những ngón tay đã hết “giở chứng” của mình. Lần họp bạn sau cùng nhân lễ Thanksgiving, người bạn và người em dâu tôi nói ở trên vẫn đau khổ vì hai bàn tay bị Arthritis của họ, một người cho biết vừa phải đi chích Steroid vào các khớp xong. Tôi không nói với ai về cái “phép lạ” mà tôi đang trải nghiệm vì thật ra các vị bác sĩ trị liệu cũng không biết gì về chuyện này. “Nó” sẽ đi luôn không trở lại hay chỉ là tạm thời rút lui? Có thật là tôi bị Arthritis, một chứng bệnh già mà khi đã bị “dính” thì sẽ ở lại suốt đời!
Qu’est sera, sera! Chuyện gì đến sẽ đến. Ít ra lần này khi di hành tôi không phải nhớ, không thể quên cái cast anh tôi đã làm để che chở cho ngón tay đau của tôi. Tôi cất nó ở nhà, rất kỷ vì không biết là trong tương lai tôi có còn cần nó nữa không? Dù sao thì tôi cũng sẽ có những ngày cuối năm vui vẻ, không phải lúc nào cũng phải đề cao cảnh giác khi «bàn tay năm ngón» của mình lỡ chạm vào bất cứ thứ gì. May quá là may! Có thể coi như đó là một « phép lạ » tôi vừa có trong mùa Giáng Sinh không ? Bởi vì đây là bài viết đầu tiên tôi lại có thể xử dụng cả 8 ngón tay thay vì đánh « lọc cọc » chỉ có 2 ngón trong suốt gần 2 năm qua.
Hoàng Dược Thảo