Hoàng Dược Thảo: Ông “Toàn Bò” đã ra đi…

Phiếm Dị

Hoàng Dược Thảo
Ông “Toàn Bò” đã ra đi…



 Đó là câu anh Ngô Phi Đạm nói với tôi khi báo tin luật sư Nguyễn Thế Toàn ở Hoa Thịnh Đốn qua đời. Vì chúng tôi cũng như tất cả anh em báo chí, văn nghệ sĩ, trí thức quen biết ông Nguyễn Thế Toàn đều gọi ông bằng nít-nêm dễ thương này: ông Toàn “bò”. Chả là vì từ khi ra khỏi nước sau biến động 30 tháng 4, ông không còn hành nghề luật sư nữa mà trở thành một ông hàng phở. Tiệm Phở Xe Lửa của ông trong khu Eden ở Virginia là một địa điểm mà người Việt Nam khắp nơi khi về Hoa Thịnh Đốn đều được bạn bè địa phương đưa ra đấy ăn phở. Phở của ông Toàn “Bò” là phở Bắc chính hiệu vì nước rất trong, rất thanh, không có màu nâu vàng và nồng mùi hồi như nhiều tiệm phở thời nay. Trong 30 năm đầu của thời tị nạn, từ khi có khu Eden thì tiệm phở Xe Lửa và ông Toàn “Bò” đã trở thành một “huyền thoại” để chúng tôi mỗi nhớ đến ông là hầu như ai cũng có vài câu chuyện “cười ra nước mắt” để kể cho nhau nghe. Là bạn nhưng chúng tôi rất … hãnh diện vì “luật sư” Nguyễn Thế Toàn nấu phở tuyệt cú mèo, không hề là một “tay chơi” tài tử trong nghề nấu phở.

Nhưng “phở” không phải là “điểm nhấn” quan trọng tại tiệm Phở Xe Lửa. Đó là một tiệm phở mà sách và tranh là điều quan trọng hơn phở. Và cũng thật “tự nhiên” khi “nó” là như thế. Khách bước vào, chọn một bàn ngồi xuống, trong khi chờ đợi để được ăn phở thì cứ tự nhiên đi lại để xem cái tủ sách sừng sửng kia có những sách gì trong ấy. Hoặc cứ ngồi lặng lẽ ngắm những bức tranh che kín những vì tường. Điều lạ là không ai nhìn thấy đó như là một sự hợm hỉnh, rởm đời của chủ nhân mà lại có cảm giác rất bình thường như khi bước chân vào phòng khách của nhà bạn và tình cờ biết được những quyển sách bạn đang đọc, “gu” chơi tranh của bạn ra sao?

Nhưng khách đến ăn phở thì mặc khách mà bạn bè của chủ nhân đến họp chuyện, đấu láo, đánh cờ tướng thì xin cứ tự nhiên như đang ở nhà mình. Tại Phở Xe Lửa của ông Toàn “Bò”, các bạn của ông đã có một góc phòng như thế. Chúng tôi đã có bao nhiêu lần đấu láo đủ chuyện đông tây kim cổ, cải nhau như mổ bò, bao nhiêu tình bạn đứt đoạn, chia lìa cũng như bao nhiêu sum họp, tay bắt mặt mừng sau nhiều năm không được gặp… Lâu lâu, chủ nhân ghé ngang góp chuyện hay tiếp tế cho “lũ bạn bán trời không văn tự” một bình trà nóng.

Hôm nay, ngày này, chủ quán mới ra đi nhưng ông Toàn “bò”  đã là chứng nhân cho biết bao nhiêu sự tan, hợp của tình bằng hữu, của những mối tình đáng lẻ không nên có… Ở nơi đó, tôi và bằng hữu đã có những trận cười nghiêng ngã khi nghe “luật sư” Nguyễn Thế Toàn “biện hộ” cho những ông “bạn ta” của ông, không hiểu vì sao mà đời “chúng nó” lại long đong đến thế…. Nhà báo Ngô Vương Toại là người “chế” nhạc rất hay nhưng những lúc đó, ông không cần phải chế mà cứ hát “y con”: Đời chỉ vì nghèo mà ra, lệ xin nhỏ xuống ngậm ngùi… Chúng tôi đã mất Ngô Vương Toại, Giang Hữu Tuyên, Bùi Bảo Trúc, Lê Thiệp, Lê Văn, Cao Thế Dung, Hoàng Hải Thủy, Trần Bích San, ông Bình Gió Mới, phát ngôn viên Đỗ Hùng, ông Nguyện Bưu Điện, BS Dương Quang Hớn, ông Hoàng Thơ tiệm hớt tóc vv… vv và bây giờ là ông Toàn “Bò”.


Năm 2017, ông Toàn “Bò” gửi tặng tôi nơi “xứ lạ quê người” quyển sách biên khảo sau cùng của ông: quyển “Ngô Đình Diệm và nền tảng dân chủ tại Việt Nam”. Lúc đó, tôi đã được nghe bạn bè kể lại nhiều chuyện không được vui về ông Toàn "bò"  trong những ngày tháng khi Phở Xe Lửa không còn. Tôi cầm sách và buâng khuâng tự hỏi: bạn tôi viết sách, sưu tầm tài liệu vào lúc nào trong cái đời bận bịu "một nắng, hai sương, quanh năm tần tảo" nơi quán phở của ông. Trước đó, rất lâu, khi việc sưu tầm tài liệu còn rất khó khăn vì chưa có Internet, trước khi có chương trình HO và những cây viết Tù Nhân Cải Tạo đến Hoa Kỳ, ông Toàn “Bò” đã ra sách lên án đảng Cộng sản Việt Nam rồi.


Có lần gặp nhau, ông nói với tôi là ông bị ám ảnh bởi tựa đề một bài tùy bút của nhà văn Võ Phiến: Một Ngày Để Tùy Nghi. Ông nói với tôi là từ khi mở hàng phở, ông vẫn mơ ước có một ngày để tùy nghi, muốn làm gì thì làm như thế mà không thể có. Một ngày của ông bắt đầu từ 5 giờ sáng, ra đi khi trời chưa kịp sáng, khi vợ con chưa thức giấc để chuẩn bị mở cửa hàng lúc 8 giờ. Trước khi giờ ăn trưa bắt đầu, ông thường có chút thì giờ trong ngày để chạy những việc lặt vặt. Vậy mà cũng có một vài lần … suýt chết. Một lần, đúng lúc ông Toàn “bò” đi vắng thì nhân viên kiểm soát vệ sinh công cộng đến … tham quan hàng phở của ông. Luật bắt buộc khi quán ăn mở cửa thì phải có sự hiện diện một người có “bằng” về quản lý nhà hàng. Nhận được tin “cấp báo” từ bà Bảy, phụ tá nhưng “luật sư” Toàn “bò” về không kịp. Báo hại bị phạt mất một khoản tiền kèm theo một cái giấy cảnh cáo vì “kép chính” không có mặt nhưng không bắt đóng cửa vì Phở Xe Lửa rất sạch. Lần khác, chiều thứ Sáu, hai nhà báo Giang Hữu Tuyên và Ngô Phi Đạm ngồi đánh cờ tướng khi ông Toàn “bò” đi đón cô con gái “tiến sĩ” của ông đi học xa về thăm nhà thì nhân viên kiểm soát lại đến. Trong khi ông Ngô Phi Đạm tìm cách hoãn binh “cản trở nhân viên công lực thi hành phận sự” thì ông Giang Hữu Tuyên báo tin dữ với chủ nhân. Viễn ảnh Phở Xe Lửa bị đóng cửa suốt một cuối tuần thì eo ơi, ông bạn của chúng tôi khốn khổ biết là bao nhiêu! May quá, chiều hôm đó, chủ nhân về kịp trước khi “nhân viên công lực” kết thúc “cuộc kiểm thảo” để kịp cười cầu tài đưa danh thiếp hàng phở mời ông Mỹ đen trở lại dùng “pho” trong một lúc khác thuận tiện hơn trong tương lai, khi ông không đến để thi hành phận sự.

Hôm đó, tình cờ tôi cũng có mặt ở HTĐ cho Ngày Nhân Quyền của bác sĩ Nguyễn Quốc Quân. Bốn nhà báo “lớn” có mặt ở phở Xe Lửa hôm đó là Giang Hữu Tuyên, Ngô Vương Toại, Ngô Phi Đạm và Hoàng Dược Thảo đã định “dâng” kiến nghị lên cho Thượng Viện Hoa Kỳ đòi hỏi “nhân quyền” cho ông Toàn “bò” , xin cho danh từ “Vacations” trở lại trong tự điển của ông Luật Sư Tòa Thượng Thẩm Saigon Nguyễn Thế Toàn mà ông Toàn “bò” đã gạch bỏ ra khỏi đời từ khi nước mất, nhà tan… Ngày nay, trong bốn người thì hai người là Giang Hữu Tuyên, Ngô Vương Toại đã rủ thêm ông Toàn “bò” ghi tên vào danh sách những người đã ra đi. Việc tranh đấu nhân quyền cho các ông này coi như không còn cần thiết nữa.


Trở lại “một ngày để tùy nghi” của ông Toàn “bò”. Bạn bè thân thuộc của ông đều biết việc không nên đến phở Xe Lửa sau 3 giờ trưa vì ông Toàn “bò” sẽ bế quan để … ngủ trước khi trở lại làm việc vào lúc 5 giờ: chuẩn bị nấu nước lèo cho ngày mai và bán phở cho đến khuya. Ông về nhà khi đêm đã muộn…. Và sẽ thức dậy lúc 5 giờ sáng để bắt đầu một ngày mới… cứ như vậy suốt đời tị nạn lưu vong cho đến khi ông về hưu.

Những năm sau này, tiệm phở mọc ra khắp nơi, nhu cầu về khu Eden chỉ để ăn phở không còn cần thiết nữa, khu Eden thì khó tìm được chỗ đậu xe nên Phở Xe Lửa không còn phồn thịnh. Từ khi anh Ngô Phi Đạm không còn làm báo, anh ít khi qua khu Eden nên tôi cũng không có tin tức gì về ông bạn Toàn “bò” của chúng tôi sau khi ông về hưu. Chỉ nghe được những tin tức không được lạc quan về sức khỏe của ông hàng phở bất đắc dĩ. Cuối tháng 3 tôi định đi về Hoa Thịnh Đốn ngắm hoa anh đào và thăm bạn thì chiến sự Ukraine xãy ra khiến tự dưng lại chùn chân. Không ngờ ông Toàn “bò” lại ra đi ngay trong tháng 4, cái duyên hội ngộ lại không thành.


Viết được một quyển sách biên khảo về lịch sử chính trị không phải là một điều dễ dàng. Không hiểu ông bạn của chúng tôi tức ông Toàn “bò” lấy thời gian ở đâu, không gian nào để viết những quyển sách của ông. Khi nhận được sách, tôi có hỏi ông Toàn “bò” về thời gian, không gian để ông có thể tiếp tục nghiên cứu và viết sách. Khi nào và ở đâu? Chữ nghĩa nào xuất hiện được giữa đống xương bò và những bát phở “phải cho ra phở”? Ngay cả Nguyễn Khuyến còn phải than:

Sách vở ích gì cho buổi ấy,
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
Xuân về ngày loạn càng lơ láo,
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.

(Ngày xuân dặn các con – thơ Nguyễn Khuyến)

Làm sao có thể tiếp tục trăn trở chuyện nước non, tiếp tục giữ sĩ khí của một kẻ sĩ  khi đang phải sống một cuộc đời lưu vong với muôn vạn niềm đau “tê điếng” đến rợn người. Câu trả lời của ông Toàn “bò” đã theo tôi từ khi nghe được cho đến ngày hôm nay, không thể quên. Trời cuối thu Hoa Thịnh Đốn thường tối sớm. Ông bảo tôi rằng: tôi là con trưởng và bố tôi rất yêu tôi. Tôi không thể diễn tả được cái tình mênh mông mà tôi cảm nhận được từ bố của mình. Qua “cái bánh tây nóng dòn” dài bằng một gang tay được bố cho ăn lần đầu ở Hà Nội. Bố tôi chỉ mua một cái cho tôi mặc dù thằng bé bán bánh nằn nì bố tôi mua thêm dùm nó một cái nữa. Ông nại lý do: Tao đang lái  xe, ăn được đâu mà mua. Mùi thơm, sự ấm áp của bánh chuyền qua tay tôi trong buổi sáng tinh mơ ngày đó… đã kéo dài cho đến tận bây giờ, cho đến khi tôi trưởng thành, lập gia đình và có con. Tôi thường tự hỏi tôi không biết tôi đã làm được gì cho các con tôi như bố tôi đã làm cho tôi chưa? Để chúng biết rằng tôi cũng yêu thương chúng như bố tôi đã yêu thương tôi. 

Đó có thể là câu trả lời hay nhất của một trí thức lưu vong về cuộc đời mình, vì sao phải sống đời tiếp nối như một trượng phu. Trong hai quyển sách đã xuất bản, ông Toàn “bò” đều ghi tặng các con của ông: Đặc biệt cho Nguyễn Kim Thanh và Nguyễn Quốc Tuấn, Cám ơn hai con đã là nguồn cảm hứng để bố kể lại những mẩu chuyện này.

Nhưng nghĩ là một chuyện mà viết được sách để lại cho các con để chúng biết về tình yêu của mình dành cho chúng không phải là một chuyện dễ dàng gì. Còn nhớ, tôi đã đọc sách anh viết về đời sống của bố con anh trãi dài theo nền Đệ Nhất Cộng Hòa mà thương không biết bao nhiêu những chàng trai nước Việt vì vận nước lưu vong, trong trường hợp của bạn tôi, ông Toàn “bò”, chí cả nằm trong từng bát phở làm kế sinh nhai qua ngày.


Nhưng ở ngoài đời, ngôn ngữ của ông Toàn “bò” không phải lúc nào cũng dễ thương, nhất là với những người hợm hỉnh. Thật ra những giai thoại về việc ông đuổi khách được truyền tụng trong anh em nhiều hơn những chuyện ông dễ thương với khách hàng phở. Chúng tôi đã từng được chứng kiến cảnh ông Toàn “bò” mời ông NCK đi chỗ khác mà ăn phở sau khi ông NCK đi Việt Nam về và tuyên bố những điều khó nghe về cộng đồng  người Việt tị nạn Cộng sản hải ngoại. Nghe ông Toàn “bò” phê bình văn chương thì còn độc hơn. Có lần ông “đưa đẩy” với một thi sĩ là ông vẫn thường nghe thiên hạ ca tụng thi sĩ là một thiên tài về thi ca nhưng đến hôm nay thì ông mới tin. Thi sĩ chưa kịp “sướng” thì ông Toàn “bò” đi thêm vế thứ hai: Bởi vì có những khuôn mặt mà khi nhìn, mày vẫn có thể ca tụng là … nhìn ra sông núi thì tao phải phục mày….

Tôi vừa được đọc một phân ưu ông Toàn “bò” từ những nhân sĩ của Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn. Các anh chị này đã chọn được một bức ảnh không thể trung thực hơn về cá tính của ông Toàn “bò”, bạn của chúng tôi. Nơi nước Chúa chắc bạn chúng tôi sẽ cười sung sướng lắm khi biết được rằng bằng hữu của ông đã yêu thương ông biết bao. Yêu nụ cười hóm hỉnh, yêu những cái ngông cuồng dễ thương, yêu “bát phở phải ra phở” của ông Toàn “bò” mà quên đi những dị biệt để còn được là bạn bè của ông. Phở Xe Lửa và ông Toàn “bò” đã là cái gạch nối trong bao nhiêu năm qua giữa bằng hữu của ông nơi vùng HTĐ và nhiều nơi khác ở hải ngoại, về đến HTĐ là phải đến Phở Xe Lửa để “hy vọng” được “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” ông hàng phở có một không ai, mặt chưa thấy mà tình đã có, tên cũng ngạo mạn như người là ông luật sư Nguyễn Thế Toàn tức ông hàng phở Toàn “bò”.

Tôi là người “mang ơn” ông Toàn “bò” nhiều chuyện. Từ chuyện riêng đến chuyện công. Ông Toàn “bò” thường khen “người vắng mặt “ là tôi với bạn bè. Và nhất là ông luôn bênh vực tôi trong những cuộc tình mà những người sau khi “bỏ cuộc chơi” nhưng vẫn cứ hay lèng èng, lắm chuyện. Ông luôn cho tôi một ly nước dừa tươi vì biết tôi không uống được cà phê hay nước trà mỗi khi tôi đến Phở Xe Lửa. Ông theo dõi sự học hành của các con tôi để có dịp khen “mẹ nó”. Ông có lối khen tôi của ông khi nói với các con tôi rằng: Bác phục mẹ cháu vì tuy bà là một phụ nữ nhưng bà lại là một … gentleman.  

Trong tất cả điều được nghe khen về mình, với tôi, có lẽ lời khen trên là… khoái nhất. Khi được một sĩ phu đúng nghĩa ngợi khen mình là một … gentleman.

Tôi biết anh cũng như tôi, khi “phải” ra đi, vẫn muốn ngoái đầu nhìn lại, vẫn muốn nhìn thấy lại cái góc bàn trước quầy hàng trong Phở Xe Lửa, nơi chúng tôi cười vui giữa bạn bè. Nhưng mà thôi, đi và về cũng một nghĩa như nhau (*) mà. Danh sách bằng hữu đã ra đi ngày hôm nay đã dài hơn danh sách những người còn ở lại. Cám ơn anh, ông Toàn “bò”, vì anh đã cho chúng tôi một tình bằng hữu ở lại bên mình suốt đời còn lại.


Hoàng Dược Thảo

(*) Thơ Du Tử Lê


Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top