Hoàng Dược Thảo
Ông Thành “Hiện Đại” vừa ra đi.
Những người không ở trong giới nhà văn, nhà báo, nhà xuất bản, nhà phát hành sách báo trước 1975 thì có thể không biết về ông Thành “Hiện Đại”. Nhưng những giới này thì không ai là không biết về ông Thành “Hiện Đại”, người vừa từ giã cõi đời cách đây 4 hôm tại Orange county, California. Nhưng ở hải ngoại thì không ai không biết Trung tâm Băng Nhạc Bích Thu Vân, trung tâm băng nhạc đầu tiên trong khu Phước Lộc Thọ là do ông Thành “Hiện Đại” thành lập sau khi định cư ở Hoa Kỳ, khiến cho tất cả trung tâm băng nhạc đều phải vào đây, biến nơi này thành trung tâm bán vàng, hột xoàn và thị trường băng nhạc không chỉ ở Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới.
Nhưng ông Thành “Hiện Đại” là ai? Tên đầy đủ của ông là Nguyễn Văn Thành. Vì ông là người thành lập nhà phát hành “Hiện Đại” nên thường được gọi anh em văn giới gọi là ông Thành “Hiện Đại”. Ông là người nắm “linh hồn” của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhac sĩ, nhà xuất bản tại Saigon khoảng một thập niên trước khi thành phố này mất tên. Đây là một nhân vật vô cùng đặc biệt, một nhân vật lớn lên từ những vĩa hè của Saigon. Làm thế nào một cậu bé bán sách báo dạo trên đường phố trở thành người sở hữu một kho sách vĩ đại của miền Nam Việt Nam trước 1975. Dĩ nhiên là tất cả văn hóa phẩm “thành danh” đều đã thuộc về nhà Khai Trí, nhà Sống Mới “nên nhà phát hành Hiện Đại chỉ “lượm” được những gì rơi rớt hay “ngoài luồng” mà danh từ hoa mỹ hơn thì gọi là … Hiện Đại.”
Ông Thành “Hiện Đại” khi còn là một thanh niên ngồi giữa một sạp bán báo, sách ở lề đường.
Bài viết này ghi lại những điều tôi biết về nhà phát hành Hiện Đại trong khoảng thời gian từ 1968 đến năm 1975 kể từ khi tôi quen biết và thành hôn với ông Du Tử Lê. Đây cũng là thời gian lớn mạnh của phong trào sách dịch của miền Nam Việt Nam song song với phong trào in nhạc thành tuyển tập thay vì chỉ in thành một trang rời rạc như trước đây. Trước 1975, ông Du Tử Lê nổi tiếng về thơ nhưng chưa là người viết văn xuôi thành công. Năm 1968 khi chúng tôi quen nhau, ông Du tử Lê chỉ có một tác phẩm văn xuôi duy nhất là Năm Sắc Diện, 5 Định Mệnh viết về 5 Nhân vật của Văn Học Việt Nam: Đinh Hùng, Bùi Giáng, Tô Kiều Ngân, Thanh Tâm Tuyền và Thế Phong. Quyển sách chỉ có giá trị về tài liệu nhưng không có giá trị về phê bình văn học vì thế không gây được tiếng vang trong giới phê bình văn học, ngay cả tác giả cũng ít khi đề cập đến. Khi ông Du Tử Lê đến gặp ông Thành “Hiện Đại” nhờ phát hành một số truyện thiếu nhi đã viết và nhất là một tuyển tập truyện ngắn của ông thì ông Thành với cái nhìn của một nhà phát hành nghĩ rằng ông DTL nên in chung những truyện đầu tiên của mình với một người đã nổi tiếng về văn xuôi. Đó là lý do có Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục (1969 chung với nhà văn Thảo Trường), Chung Cuộc (1969) chung với nhà văn Mai Thảo) (1) Những năm tiếp theo, nhà phát hành Hiện Đại nhận phát hành một số truyện mà DTL viết feuilleton cho các báo ở Saigon như Mắt Thù, Ngửa Mặt, Vốn Liếng Một Đời, Qua Hình Bóng Khác dưới tên NXB Khai Phóng nhưng đều không thành công về thương mại.
Khi đó thì cả miền Nam như đang sôi sục với phong trào sách dịch. Tôi còn nhớ tuần nào, khi được đi cùng với DTL đến căn nhà đường Công Lý, tôi cũng có sách dịch mới về đọc. Chuông Gọi Hồn Ai, Một Thời Để Yêu, Một Thời Để Chết, Kiều Giang, Chiến Tranh và Hòa Bình, Anh Em nhà Karamazov, Ngàn Cánh Hạc, Khung Cửa Hẹp, Bác Sĩ Zhivago, Dưới Bóng Vạn Lý… Nhưng loại sách dịch Tây Phương này bán được nhưng không bán chạy. Lúc này, phong trào truyện Kim Dung đã qua, bây giờ là truyện Quỳnh Giao do ông Liêu Quốc Nhĩ dịch. Đi đâu cũng nghe Song Ngoại, Cơn Gió Thoảng, Cánh Hoa Chùm Gửi…Cuốn sau cùng này bán sạch 7,000 quyển trong 2 tuần đầu tiên. Sau đó ông Thành cho biết 2 lần sau, mỗi lần in thêm 10,000 cũng hết sạch trong vòng 6 tháng. Đây là một kỷ lục trong ngành xuất bản của Việt Nam. Thế là, cả những nhà xuất bản “đình đám” như Lá Bối, An Tiêm cũng đều in truyện Quỳnh Dao. Vì thế có thêm hiện tượng “Quỳnh Dao giả” vì tựu chung tiểu thuyết nguyên bản Quỳnh Dao chỉ có trên 10 cuốn, không đủ cung ứng cho nhu cầu.
Ảnh hưởng của truyện Quỳnh Giao đã lan rộng ra giới cầm bút phụ nữ Việt Nam mà truyện "ngôn tình" của nữ sĩ Lệ Hằng coi như dẫn đầu. Thung Lũng Tình Yêu, Bản Tango cuối cùng… Lúc đó tôi đang học Dược, con gái trường Y-Nha-Dược thường khô khan vì chương trình học nặng nề nên tôi không nghe bạn bè cùng trường bàn luận về hiện tượng Quỳnh Dao hay Lệ Hằng. Nhưng khi đến “đại bản doanh” của nhà phát hành “Hiện Đại” ở khu Nancy bạn sẽ nhìn thấy sách của QD, Lệ Hằng ở khắp nơi từ sàn đến nóc nhà, tràn lan khắp ngõ, khắp những Kios bán sách báo khắp các nẻo đường Saigon. Tất cả nhà xuất bản nổi danh độc lập của Saigon lúc đó như Lá Bối, An Tiêm, Khai Phóng, tất cả tác giả cò con tự xuất bản sách … đều giao cho Hiện Đại phát hành. Bởi vì một lý do thật dễ hiểu: ông Thành nhận hết, nhận sách trước, giao tiền lại từ từ, sách bán chạy thì ông trả nhanh, sách bán chậm thì ông trả từ từ….
Túy Bút Mai Thảo, Bìa Hồ Thanh Đức
NXH Khai Phóng 1970, Hiện Đại Phát Hành
Tôi không biết vào lúc nào trong năm 1969 mà ông Thành “Hiện Đại” đưa ý kiến cho ông DTL làm xuất bản. Nhà xuất bản Khai Phóng cho văn xuôi, và Gìn Vàng, Giữ Ngọc cho nhạc, cho thơ. Những tuyển tập nhạc của Phạm Duy, Mười Bài Ngợi Ca Tình Yêu của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Tùy Bút Mai Thảo, những tuyển tập truyện ngắn của DTL viết chung với Mai Thảo, với Thảo Trường lần lượt ra đời trong thời gian này. Lúc đó chưa có computer, muốn “kẻ nhạc” phải cặm cụi dán từng nốt nhạc, từng chữ một. Nhưng đó lại là những thành công vượt bực, khởi đầu cho phong trào in nhạc thành tuyển tập của các nhạc sĩ trẻ thời đó như Vũ Thành An, Từ Công Phụng, NGô Thụy Miên, Nguyễn Trung Can, Trường Kỳ, Kỳ Phát, Ca Khúc Da Vàng, … Công việc xuất bản với sự giúp đỡ phát hành của ông Thành “Hiện Đại” đã giúp cho ông Du Tử Lê có tiền rong chơi suốt ngày ở nhà hàng La Pagode.
Lui tới nơi nhà phát hành Hiện Đại, bạn có thể gặp đủ gương mặt “sừng sỏ” nhất của văn nghệ và báo chí của miền nam đang chờ tiền từ ông “lái sách” Thành “Hiện Đại”. Ông thường ngồi chễm chệ trên những đống sách mới giao đưa tiền sách cho người đã hẹn và cũng như bàn luận về sách sẽ in. Không văn phòng, không có thư ký, chỉ có một quyển sổ tay nhét sau túi quần. Từ những ông sĩ quan cầm quân ở địa đầu giới tuyến đến ông linh mục phản chiến tố cáo chính quyền tham nhũng, giáo sư triết học Công Giáo, sư thầy Ấn Quang, đụng nhau trong cái hẻm này nhưng vẫn phải làm lơ như không hề thấy nhau vì tất cả đều nhờ ông Thành “Hiện Đại” phát hành văn hóa phẩm của mình.
Đây là một người có một trí nhớ siêu việt và cực kỳ thông minh. Ông nắm bắt thị hiếu của quần chúng vô cùng chính xác. Ông không được học hành nhiều, không có vốn ngoại ngữ nhưng vì suốt ngày ở ngoài đường phố nên biết nhu cầu của quần chúng và không ngại ngùng khi “điều khiển” người có khả năng giúp ông thực hiện điều ông nghĩ. Lối nói chuyện của người Nam bình dân khiến tôi đã có lần nghĩ rằng “nhà đại trí thức” này chắc sẽ ra đi không trở lại khi tôi nghe ông Thành “Hiện Đại” “phê bình” tác phẩm vĩ đại” của ông là “sẽ không ai mua sách của ông đâu vì… ông viết khó hiểu bỏ mẹ. Nhưng tôi sẽ chỉ cho ông cách kiếm tiền.” Rồi không biết đã thủ sẳn ở đâu trước rồi, ông rút ra một cuốn sách truyện Anh ngữ cũ mèm: tôi sẽ phát hành nếu ông dịch cuốn này. Một thời gian sau, tôi thấy ấn bản Việt Ngữ của sách này được nhà Hiện Đại phát hành và là một “best seller” cho đến tận bây giờ nhưng tên dịch giã là một tên không quen thuộc. Và tôi cũng rất thích quyển sách dịch này. Thường thì các dịch giã thảo luận với ông trước khi dịch và số lượng phát hành và ông sẽ thanh toán dần dần sau khi nhận sách. Vì thế mà lúc nào vây quanh ông cũng là những người chờ đợi để lấy tiền.
Nhưng cũng không phải lúc nào ông Thành “Hiện Đại” cũng làm việc vì lợi nhuận. Gia đình ông đã có lần than phiền vì ông nhận phát hành và yểm trợ rất tích cực những ấn phẩm của nhà xuất bản Trình Bày do Hoàng Ngọc Biên và Diễm Châu chủ trương (2). Đa số tác giả cộng tác của nhóm này “bị” nhận xét là “thân cộng”, là thành phần thứ ba. Tôi đã được gặp linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Lý Quí Chung, Thế Nguyên, Thế Uyên cũng tại nơi này. Một người bạn rất thân với gia đình chúng tôi là nhà văn Thảo Trường cũng trong nhóm này. Nhưng ông Thảo Trường cũng lại là người bị tù cải tạo lâu nhất, 17 năm. Năm 1970, nhà văn Thảo Trường có viết một feuilleton được in thành sách có tên là “Ngọn Đèn”. Nhân vật chính là một cậu bé mưu sinh trên đường phố từ năm 13 tuổi để nuôi gia đình. Nhân vật Tín có nhiều nét tương đồng với Thành “Hiện Đại”.
Sau 1975, trong khi các nhà sách Đại Nam, Sống Mới, các nhà phát hành Nam Cường, Thống Nhất bị kiểm kê và tịch thu thì sách của nhà phát hành Hiện Đại lại độc chiếm các vĩa hè Saigon. Có thể vì sách của nhà phát hành Hiện Đại được cho là “tạp nham” không chính trị, không phải là “văn hóa đồi trụy”, phản động như những nhà phát hành kỳ cựu trên. Sách của nhà Hiện Đại hầu hết là sách dịch quốc tế, nhạc, thơ nên “chính quyền mới” đã nới tay hơn. Gia đình ông đã thu được rất nhiều tiền dù là bán đổ, bán tháo kho sách của Hiện Đại vì sách rẻ so với trước đây nên ai cũng muốn mua. Dân miền Nam mua đã đành mà con cháu của bác từ Bắc vô Nam cũng “mê’ loại sách dịch này. Nhưng theo một nguồn tin từ trong gia đình thì “đồng chí” Nguyễn Văn Trấn, người của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là bác của ông Thành “Hiện Đại”. Ông này sau này nổi tiếng với cái Thư gửi cho Mẹ và Quốc Hội tố cáo đảng CSVN đã đi sai con đường cách mạng mà ông và các đồng chí của ông đã nằm xuống để … xây dựng ngọn cờ. (3)
Nhưng sự ly kỳ của cuộc đời vua “lái sách” Việt Nam Thành “Hiện Đại” không dừng ở đó. Khi ông Thành vượt biên và định cư ở Hoa Kỳ thì sách vở của Việt Nam Cộng Hòa đã bị Đại Nam và Xuân Thu độc chiếm, in lại gần hết ở hải ngoại. Thị Trường sách thì thu gọn lại vì người tị nạn còn phân tán, sinh sống còn rời rạc. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, dưới bàn tay phù thủy của ông Thành “Hiện Đại” , khắp nơi trong thành phố Little Saigon xuất hiện những cuộn băng cassette, bìa làm bằng giấy photocopy đủ màu thu lại hầu hết nhạc cassette của miền nam trước 1975. Chưa hết, nhạc Mỹ, nhạc Pháp thông dụng thời 60, 70, 80, nhạc cổ điển Tây Phương đều đã được thu lại trong băng cassette tự chế dưới tên Trung Tâm Băng Nhạc Bích Thu Vân. Thời gian 10 năm trước khi có CD, có trung tâm băng nhạc Asia, Thúy Nga, Diễm Xưa, Bích Thu Vân đã vững mạnh và trở thành trung tâm băng nhạc đầu tiên có cửa hàng “to đùng” chiếm vị trí đắc địa nhất trong khu Phước Lộc Thọ. Rồi Việt Nam mở cửa, những giọng ca mới, những nghệ sĩ cải lương trong nước đã cung cấp sản phẩm mới cho Bích Thu Vân trước khi ông Thành “Hiện Đại” mang bạo bệnh và về hưu.
Khi được hỏi tại sao lại chọn tên Bích Thu Vân, ông cho biết ý tưởng đó có khi ông gặp một người bạn trẻ mà ông nhận phát hành một cuốn sách về trang trí nội thất. Vợ người này mang thai gần ngày sinh. Người này cho biết nếu vợ sanh con gái sẽ đặt tên là Bích Thu Vân vì anh mê nhạc cổ điển và mê nhạc của Beethoven. Sách phát hành chưa được bao lâu thì mất nước và ông Thành “Hiện Đại” đã không còn dịp gặp lại họ nữa. Định mệnh khiến ông “dính” vào thế giới âm nhạc và “Bích Thu Vân” hay Beethoven là từ đó mà ra.
Cách đây vài tháng, một dịp tình cờ đi theo bà An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên xem một căn nhà ở thành phố Westminster. Không ngờ chủ nhà lại là ông Thành “Hiện Đại”. Gặp lại tôi, ông Thành rất mừng, ông bảo bà An là biết tôi khi tôi mới 16, 17 tuổi, nhát như thỏ. Nhưng sau đó, con tôi đã chọn cho tôi một căn nhà nhỏ hơn. Tôi và chị An định sau Tết ta sẽ đến thăm ông nhưng rồi lại nhận được tin ông mất bất ngờ sau khi ngã. Thế là “giấc mộng”: bán nhà về quê sống hết đời còn lại của ông không còn thực hiện được nửa rồi. Cái chết của ông Thành “Hiện Đại” lại làm tôi nhớ lại cái thời huy hoàng của văn hóa, văn chương miền Nam, cái thời mà nữ sinh viên đi học còn cầm theo một quyển sách ‘kẹp” thư tình, cái thời mà “mối tình đầu của tôi là mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả ước mơ”, cái thời của “anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng”… Sống gần hết đời, vẫn không thể quên vì “lời ru nào níu được, lúc những cánh me xanh, bay mềm con lộ nhớ” (4)
Sáng nay tôi lại có tin hai “công dân” khác của Việt Nam Cộng Hòa vừa xa lìa cõi ta bà này là Tiến Sĩ Nguyễn Kim Khánh, tác giả của những bài viết chống cộng 30 năm qua ở hải ngoại với bút hiệu Người Lính Già Oregon và ca sĩ Trung Chỉnh của những bài tình ca của lính.
TCS viết: từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ. Với những người trên 70 như tôi, việc mất đi những người bạn cùng chiến tuyến, cùng chia nhau nỗi đau của đời lưu vong, chia nhau cái quốc tịch VNCH đó không phải chỉ là những giòng sông nhỏ cùng đi ra biển lớn mà là một phần tâm huyết, một phần máu xương da thịt của đời mình đã bỏ ta mà đi trong lặng lẽ. Cả ba cảnh đời không quen biết nhau, không có một điểm chung đã chia nhau một nỗi đau thầm lặng của “những người thua cuộc” khi cùng muốn có một tang lễ giản dị, không kèn, không trống, không cần ai tiễn đưa. Bài viết này như một nén hương tiển các bạn lên đường về một cõi khác, không có chiến tranh, không có đời lưu vong, chúng ta sẽ được sống bình an suốt đời nơi quê hương mình. Sẽ không có ai nhân danh chủ nghĩa này, chủ nghĩa nọ để xua chúng ta xa lìa cố quận. Những điều nói thì dễ này nhưng chúng ta đều đã không có được trong kiếp này. Thương người cũng như thương ta là vì vậy.
Hoàng Dược Thảo
Chú Thích
- Tôi không hiểu vì lý do gì mà trong mục Tác Phẩm của các nhà văn Mai Thảo, Thảo Trường và Du Tử Lê đều không ghi lại hai tập truyện này: Viên Đạn Bắn Vào Nhà Thục (1969 chung với nhà văn Thảo Trường), Chung Cuộc (1969) chung với nhà văn Mai Thảo) do NXB Khai Phóng của DTL in và Hiện Đại phát hành. Riêng Du Tử Lê thì truyện dài Với Nhau Một Ngày Nào phát hành cuối năm 1974 cũng không thấy in lại hay liệt kê trong thư mục tác phẩm của ông.
(2) Riêng nhà báo Diễm Châu thì lại là giáo sư Anh Ngữ cho trường Dược. Những năm sau cùng trước 1975, năm sau cùng của trường Đại Học Dược Khoa Saigon có thêm 2 môn phụ, không quan trọng nhưng không đủ điểm thì sẽ không được phát bằng tốt nghiệp: đó là ngoại ngữ (Anh hay Pháp ngữ) và căn bản về trợ y như tiêm thuốc (chích), băng bó vết thương. Ngoại ngữ thì tôi không lo. Khi đó tôi đã lập gia đình nên vào lớp tôi được “giáo sư” gọi bằng chị và khen “chị” làm bài thi rất giỏi. Nhưng cái vụ phải thực tập tiêm (chích) thì thật là khổ vì tôi nhát quá không chị bạn nào đồng ý làm vật tế thần cho tôi. Cũng may mà có anh PCHiếu, bạn của anh tôi đồng ý hy sinh vì ... đại nghĩa. Gặp lại nhau ở Hoa Kỳ, khi biết tôi trở thành nhà báo Hoàng Dược Thảo, anh Hiếu không tin vì … con nhỏ này nhát hơn thỏ thì làm báo nổi gì.
Tôi cũng nhớ luôn có lần thấy Ngụy Ngữ, một nhà văn trẻ miền Trung vào Saigon làm báo Tâm Lý Chiến cho đơn vị và đến trọ nhà ông DTL. Tôi thấy ông này đi cà nhắc thì hỏi chân anh bị sao thế, cho tôi xem được không? Trời đất, ông này có một miếng lở “ghê rợn” ở ống quyển và cho biết không có thì giờ sắp hàng để được chửa trị ở bệnh xá quân đoàn. Tôi đề nghị để tôi sát trùng, rửa vết thương và cho thuốc trụ sinh vào băng bó xem sao. “Kỷ năng” băng bó vừa học được ở trường Dược cộng với Ampicillin xin được của ông anh làm Directeur Commercial của hảng thuốc Ciba-Geigy tại Việt Nam tuy có làm cho bệnh nhân suýt xoa vì rất rát nhưng sau đó vết thương lại lành.
Đó là những năm tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa. Tôi không còn có dịp gặp lại những người “phe thắng cuộc” đó nữa: Ngụy Ngữ, Trần Tường Trình, Từ Kế Tường, Phạm Đình Thống… Cũng trong ngôi nhà đó, đã có bao nhiêu lần “phe thua cuộc” nhưng lại là những sĩ quan cao cấp của QLVNCH như Huỳnh Văn Phú, Nguyễn Năng Phán, những nhà thơ đã có tiếng tăm như Nguyễn tất Nhiên, Kim Tuấn, Vũ Hoàng, Trần Nhất Hoan, Phạm Văn Bình, Ngô Xuân Hậu vừa ăn cơm “nhà nghèo” do tôi nấu vừa bàn luận thi văn cho đàn em “phe thắng cuộc” nghe. Sau này khi nghe tin “phe thắng cuộc” huênh hoang bàn chuyện văn hóa nước nhà khi tiền bối “ngụy quân, ngụy quyền” của họ còn trong vòng lao lý đâu đó trên núi rừng Việt Bắc mà ngậm ngùi? Không biết "phe thắng cuộc" còn nhớ căn nhà nhỏ ở đường Hồng Thập Tự và những lần ngồi bó gối nghe thơ văn?
(3) Lời bài hát Tự Nguyện của Trương Quốc Khánh mà buổi họp nào của sinh viên học sinh miền nam sau 1975 cũng phải hát:
Là mây, theo làn gió tung bay khắp trời
Nghìn xưa oai hùng đó tôi xin tiếp lời
Là người, xin một lần khi nằm xuống
Nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ …
(4) “Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp,
Là áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở,
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về.
(Phượng Vỹ, thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Vũ Hoàng)
Anh đến thăm, áo anh mùi thuốc súng
Ngoài mưa khuya lê thê, qua ngàn chốn sơn khê
Non nước ơi, hồn thiêng của núi sông
Kết trong lòng thế hệ, nghìn sau nối nghìn xưa
(Mấy Dặm Sơn Khê, nhạc và lời Nguyễn Văn Đông)
“Lời ru nào níu được, lúc những cánh me xanh, bay mềm con lộ nhớ”
(Bài cho người trong vườn Dược Thảo, Thơ DTL)