Hoàng Dược Thảo, NHẬT KÝ THÁNG 6

Phiếm Dị


Hoàng Dược Thảo

NHẬT KÝ THÁNG 6


Tháng 2 năm 2020,  chúng tôi phải quyết định đình bản báo giấy Saigon Weekly sau một năm hiện diện. 52 số báo là 52 bước đi chập chửng bắt đầu lại từ đầu. Thử tưởng tượng một người cao niên phải chập chửng học nói, chập chửng tập bước đi mới biết sự lên đường khó nhọc khi tuổi trẻ không còn. Nhiều lầm lỗi đã phạm phải, nhiều ân tình đã cưu mang cho đến khi Saigon Weekly  đầy tuổi tôi.

Vậy mà sau 52 số báo, sau 12 tháng với một kỷ lục về phát triển với một con số phát hành tuy không thể gọi là cao nhất nhưng rất đều đặn mà phải quyết định đình bản thì cũng không phải là một quyết định dễ dàng. Nhưng dịch bệnh quả thật là không chừa một ai, dù đó là một cơ quan ngôn luận mà chúng tôi đã để nhiều tâm huyết vào đó. Nhiều văn hữu, nhiều đọc giả đã chia sẽ những hối tiếc về chuyện này. Những khen ngợi về nội dung, về hình thức. Đó là lý do mà chúng tôi đã thực hiện diễn đàn online này. www.saigonweeklyonline.com đã là một chuyên chở tiếp nối của ban chủ trương mặc dù đã có nhiều thay đổi vì tình hình dich bệnh.

Trước khi quyết định thực hiện hệ thống báo giấy Saigon Weekly, chúng tôi đã nghe rất nhiều khuyến cáo: không còn người viết, không còn người đọc, thị trường quảng cáo báo giấy đã thu hẹp lại. Các nhà văn, nhà báo lừng danh của miền Nam Tự Do hiện nay hầu hết chỉ còn tên, không còn người. Trên cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Chúng ta đã mất Thanh Nam, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Bình Nguyên Lộc, Thanh Nam, Mặc Đỗ... từ 2019 đến 2024, chúng ta đã mất thêm Hoàng Hải Thủy, Võ Phiến, Du Tử Lê, Bùi Bảo Trúc, Tô Thùy Yên, Nguyên Vũ… Nhiều người còn sống nhưng chuyện sáng tác đã trở thành quá vãng.

Lão lai, tài tận nhưng buồn nhất là cả trong và ngoài nước đều không có một thế hệ văn học chuyển tiếp. Khó lòng mà biết được tại đời sống nơi xứ người khiến mầm sáng tác bị thui chột hay vì điều muốn viết ra đã không còn thời gian để viết vì truyền thông bây giờ đã tính bằng giây chứ không còn bằng phút nữa. Hay đời sống biến động quá nhanh khiến sáng tác văn học không còn là nhu cầu cho cả người viết và người đọc. Nhất là khi điều viết ra thiếu hẳn phong độ và kiến thức của người đi trước... Tựu chung sáng tác "mới" của nhà văn "cũ" coi như quá hiếm hoi. Trong khi nhà văn "mới", nhà văn "trẻ" dù trong hay ngoài nước đều cho chúng ta cái cảm giác hụt hơi vì ... cố quá sau tác phẩm đầu tay. Có khi tác phẩm thứ hai lại khiến người đọc phải bâng khuâng vì tác phẩm thứ hai này và tác phẩm trước đây có phải là một?  Người đọc cũng có những khó khăn của người đọc. Người đọc báo giấy lại hiếm hoi hơn vì không tiện dụng bằng báo mạng. Nhiều độc giả than phiền báo giấy có nhiều bài "cũ". "Cũ" vì quí vị đã đọc rồi. Nhưng nghĩ lại, nhiều sáng tác tuyệt hảo chỉ được đăng tải trong những tập truyện phát hành rất giới hạn hay trên những trang báo biếu không phổ biến lại thì "uổng" biết là bao nhiêu. Những sáng tác hay như thế đâu có nhiều. Một nhà văn trong đời thường chỉ viết được vài truyện ngắn xuất sắc thôi. Vì thế “cũ” với người này chưa chắc đã là “cũ” với người kia. Văn chương thiên cổ tự mà. Vần đề là người chủ trương phải có khả năng chọn lựa.

Khó khăn với báo giấy là vậy, vậy mà hiện nay nhiều người bạn của tôi lại muốn cùng tôi thực hiện lại hệ thống báo giấy Saigon Weekly. Vì họ thấy có một nhu cầu cho sự hiện diện của một cơ quan ngôn luận đúng nghĩa. Với kinh nghiệm của mình, tôi đã cản ngăn, không khích lệ. Vì để thực hiện được một tuần báo văn học chính trị xã hội đúng hạn kỳ, có sự đóng góp bài vở liên tục của bạn văn, có được một số bạn đọc chờ mong, theo dõi, một món ăn tinh thần không phải là chuyện dễ. Các bạn tôi cho rằng khó khăn đến vậy mà tuần báo Saigon Weekly trước đây đã làm được. Đã có những tấm lòng mong đợi Saigon Weekly mỗi Thứ Năm. Chậm là kêu, là nhắc. Nghe tiếng trách móc mà như nghe tiếng hờn dỗi của bạn tình. Vậy thì xin chân thành cám ơn bạn đọc, bạn văn. Đã cho chúng tôi  đủ tình, đủ phương tiện để đi lên đường lần nữa chăng? Mặc dù con đường làm báo giấy ở hải ngoại là một con đường dài vắng người... (*).
*
Mỗi lần đọc lại những số báo Văn do nhà văn Mai Thảo chủ trương ở hải ngoại, tôi thường "tủi thân". Như sáng nay, tôi đọc lại số tháng 6 năm 1992, số 120, kỷ niệm báo Văn 10 năm ở hải ngoại với sự góp mặt của các ông Nguyễn Sỹ Tế, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Dạ Từ, Hà Huyền Chi, Trần Hồng Châu, Đào Trung Đạo, Diệu Tần, Thái Tú Hạp, Hoàng Du Thụy, Phan Ni Tấn, Khế Iêm, Nguyễn Tấn Hưng, Tam Thanh, Trần Thiện Hiệp và sau cùng, dĩ nhiên là ... nhà văn Mai Thảo. Đông như vậy mà trong bài viết cảm tạ bằng hữu và bạn đọc của số báo này, ông Mai Thảo than cô đơn và không còn thong dong nữa khi điều hành. Dạo đó, chưa có Internet, chưa có email, nên sự liên lạc viễn liên qua điện thoại thường khiến nhiều người “di tản buồn” vỡ nợ. Bài vở thì phải viết tay và phải gửi bằng đường bưu điện. Nếu ở trong cùng thành phố thì người ta lại có dịp gặp nhau mà trao bài. Những truyện dài như Bẫy Ngầm, Căn Nhà Vùng Nước Mặn hay Ngôi Nhà Trên Mặt Biển là những feuilletons mà nhà văn Mai Thảo viết hàng tuần cho tuần báo Saigòn Nhỏ do tôi chủ trương trước đây. Cứ đến chiều thứ Ba là ông ghé sang tòa soạn để đưa bài. Các cô thư ký phải đánh máy đưa lại để ông dò lỗi chính tả. Chả là vì các cô nhỏ này tiếng Anh chưa kịp biết thì tiếng Việt đã quên nên không hiểu được mạch văn của ông. Có lần tả cảnh dọn nhà, ông viết: dọn nhà thì nhiêu khê là cái chắc. Các cô đánh máy thành: dọn nhà thì nhiều kho là cái chắc. Kể chuyện “chàng” hỏi thăm sức khỏe mẹ nàng qua điện thoại trong một truyện ngắn: dạo này cụ bớt ho hen chứ, các cô đánh máy thành: dạo này cụ bớt hò hẹn chứ. Nơi ông ở đối diện với toà soạn trên đường Bolsa nên cũng tiện. Nhưng cũng có khi ông đưa bài chậm. Các cô gọi điện thoại nhắc nhở làm ông gắt um lên: chúng  mày làm gì mà rối lên thế. Vui nhất là có lần ông viết chuyện trai gái yêu nhau, ông cho “chàng” cởi áo “nàng”. Cô nhỏ đánh máy theo dõi đoạn văn hào hứng này, tuần sau gặp ông, cô nhắc: bác ơi, tuần trước bác cởi áo cô ấy ra, bác chưa mặc áo lại cho cô ấy thì bác đã cho cô ấy đi ăn cơm Tàu. Ông Mai Thảo cười vui: bác quên.

Thế kỷ này, với sự phát triển của Internet, của computer, người ta không còn có nhu cầu viết thư cho nhau hay gặp nhau để đưa bài nữa.  Có những cộng tác viên, mười năm chưa gặp mặt. Cái tình làm sao có để mà nói chuyện phôi pha... Trong số báo kỷ niệm 10 năm báo Văn, ông Nguyên Sa kể chuyện mỗi lần làm được một bài thơ, ông gọi cho ông Mai Thảo: Tôi có bài thơ. Ông chờ tôi lấy bút. Thế rồi một ông đọc, một ông ghi. ... quần jeans một miếng thịt dầy, jean có s không ông, tôi cũng không biết, ông coi lại dùm tôi, tôi coi được, tôi tìm được, ông có khỏe không, tôi khỏe, ông sao.... Ông Nguyên Sa cũng kể rằng trước 1975, mỗi lần có bài, ông đều chờ đến ngày Chủ Nhật mới đến Sáng Tạo đưa bài để sau đó, ông Mai Thảo đưa ông lên La Pagode uống cà phê. Trước khi đọc bài này, tôi tưởng hai ông này "ghét" nhau ghê lắm. Vì ông Nguyên Sa đã từng viết một bài "nặng ký" lắm công kích gián tiếp nhóm Sáng Tạo là "nền văn chương trú ẩn". Nhưng không, họ tương kính như tân, chữ nghĩa có đụng chạm thì cũng là văn chương. Và ngoài đời, họ đối xử với nhau tử tế. Hãy đọc đoạn văn Nguyên Sa viết về Mai Thảo:

Báo thuần túy văn nghệ vốn khó sống. Tồn tại được một thập niên là một thành tích. Thành quả của Văn lại độc nhất vô nhị vì trước khi có “Mười Năm hải ngoại” Văn đã có “Mười Năm 38 Phạm Ngũ Lão”. Tôi không nhớ có tạp chí văn nghệ nào khác có mười năm Việt Nam xong lại có mười năm hải ngoại. Sáng Tạo, Hiện Đại, Quan Điểm, Văn Nghệ. Mỗi tờ có những ngày tháng Việt Nam. Không đủ thập niên. Và không có hải ngoại.
Cái lý do làm cho Mai Thảo có ngôi sao tử vi trường thọ trong cung tạp chí văn nghệ là tình yêu và sự nghiêm túc. Mai Thải yêu chữ. Yêu người làm ra chữ. Tôi vẫn gửi bài cho Mai Thảo, nhiều khi chỉ một mình Mai Thảo, từ Sáng Tạo cho đến Văn hải ngoại chính vì tôi nhìn thấy cái tình yêu ấy nơi tác giả của Tháng Giêng Cỏ Non. Anh đón nhận đồng đều, người viết mới và ngôi sao Bắc Đẩu trong văn đàn, đón nhận bằng tình yêu cùng trọng lượng. Nó cho Mai Thảo gặp được văn của Thảo Trường, thơ của Tô Thùy Yên, Cung Trầm Tưởng, bình luận của Nguyễn Văn Trung cùng lúc với Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ. 

Tôi thân với cả hai ông, Mai Thảo và Nguyên Sa. Như một người em nhỏ. Lâu lắm rồi, khi đó, “em còn thơ ngây, đôi mắt chưa hoen lệ sầu”. Chắc chắn cả hai ông đều không bao giờ nghĩ rằng sau khi hai ông đi khuất cả thì tôi vẫn còn làm báo. Mỗi lần đi thăm mộ cha tôi, tôi đều ghé thắp hương trên mộ hai ông. Tôi hình dung được nét mặt “thương hại” tôi của thầy Nguyên Sa: Sao em lại dại dột thế. 55 năm về trước, thầy đã nói một câu tương tợ khi nghe tin tôi lấy chồng. Ông Mai Thảo thì sẽ đăm chiêu nói nhỏ: liệu có làm được không? Tôi đã dặn cô là đừng vướng vào. Phiền lắm. Dính vào làm gì cho bận vào người.

Tôi nghĩ để biện hộ cho sự “lầm lỡ” của mình, tôi sẽ nói với hai ông rằng chỉ vì tôi tiếc. Tiếc lắm, không phải cho riêng tôi, mà cho thế hệ của tôi, thế hệ sau tôi, chúng tôi không bao giờ còn có lại cái không khí văn nghệ trí thức mà các nhà văn, nhà báo của miền Nam tự do đã có trong 20 năm miền Nam chưa nhuộm đỏ. Khi mà những người yêu chữnhững người làm ra chữ còn tìm đến nhau, quí nhau, yêu thương nhau, kính trọng nhau. Dù có bất đồng, họ không bao giờ dùng những chữ như hèn hạ, bỉ ổi để chửi bạn chứ đừng nói gì chuyện xúc phạm đến thầy. Và như ông Nguyên Sa đã nói ở trên, ông Mai Thảo yêu người làm ra chữ.  Dù cho đó một người viết mới và một ngôi sao Bắc Đẩu trong văn đàn, hay một người không cùng chính kiến, ông đều đón nhận họ ngang nhau, bằng một tình yêu cùng trọng lượng theo cách nói của nhà thơ Nguyên Sa.

*

Nhưng những điều này không thể có giữa những người cộng sản. Năm 2008, một người cầm bút lớn lên ở miền Nam, ăn cơm gạo miền Nam nhưng theo cộng sản. Cho đến cuối đời, ông ta cũng chỉ là một người cộng sản nhưng không có được thẻ đảng. Ông NTV viết thư đòi một ông thầy cũ xin lỗi vì đã mạ lỵ ông trong một bài viết phổ biến đã 13 năm. Ông thầy là người đỡ đầu ông làm luận án cao học, đỡ đầu cho được dạy đại học, đỡ đầu trên văn đàn. Thư ông viết và gọi người thầy là hèn hạ, bỉ ổi, một sĩ nhục cho trí thức mà nhưng không nhắc gì đến việc 30 năm trước đây, ông hãnh diện vì nhờ nằm vùng nên được đi dạy còn ông thầy thì... mất dạy. Sau 1975 ông đăng đàn tố cáo thầy là chủ trương chũ nghĩa xã hội không cộng sản. Hai tuần sau đó thì ông thầy bị tù. Cái xã hội miền Nam mà ông NTV cho là một xã hội tan rã ngày này đã trở thành một xã hội chủ nghĩa với những ổ điếm khắp nơi, khắp đất nước, trong tất cả mọi ngành nghề và ông thì ngậm miệng cho đến ngày lìa đời.  

Dĩ nhiên đó không phải là những câu chuyện văn chương. Đó lại càng không phải là thái độ giữa những người làm ra chữ. Thời đại Internet lại càng không dễ cho những người lật lọng chữ nghĩa. Vì tất cả ngàn năm vẫn còn nguyên đó khi nó đã được phóng lên mạng. Đầy đủ ngày tháng và dữ kiện. Nhưng đảng Cộng sản thì không cần quan tâm đến chuyện này. Dầy công hản mã làm văn nô cho lắm nhưng  chỉ cần đi ngoài luồng một chút cũng đủ vào tù ăn cơm có kẻng, một cách đắng cay. Tôi không vui khi nghe tin ông nhà văn Huy Đức bị bắt vì những bài viết chỉ trích “xa gần” đến những lãnh đạo của ông nhưng tôi cũng không buồn vì dù sao ông cũng là một nhà báo của “bên thắng cuộc”, dù gì thì cũng là “phe của họ” dạy bảo nhau. Vụ ông Huy Đức không nên là mối bận tâm của những người “được” ông và đảng Cộng sản của ông đẩy về phía gọi là “thua cuộc”.

Cho đến nay, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không chấp nhận người dân Việt Nam sinh sống tại miền Nam trước 1975 là những công dân của quốc gia Việt Nam như …họ nên mới có sự hình thành của một cộng đồng  người Việt chống cộng ở hải ngoại. Như vậy thì những Người Việt hải ngoại có tự do ngôn luận, có quyền tự do phát biểu có nên lên tiếng bảo vệ nhân quyền và dân chủ của những người trong nước chỉ nói, chỉ viết theo lệnh đảng cho đến khi họ bị đảng bỏ tù vì một lý do gì đó? Hay “sứ mạng của truyền thông” của người Việt hải ngoại “chống cộng” là phải lên tiếng tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ của họ, không cần phân biệt họ đã phục vụ cho ai với ngòi bút của mình?

Chỉ biết là sau 50 năm thống nhất, có bao nhiêu người xứng đáng với danh xưng “những người làm ra chữ” mà ông Nguyễn Sa và ông Mai Thảo đã gọi chung những người cầm bút, những người đã  hãnh diện khi dùng ngòi bút của mình phục vụ cho văn hóa, cho tự do, cho lý tưởng, cho lương tâm, cho đất nước và dân tộc của mình. Chuyện sống tử tế, đối xử với nhau tử tế lại càng khó, càng hiếm ở thời đại ông Trump. Mấy năm nay, không khí ô nhiễm này đã tràn ngập truyền thông Hoa Kỳ lấn sang cộng đồng  người Việt khiến tôi bâng khâng nhớ đến hai từ “tử tế” mà nhà văn Mai Thảo thường dùng. Sống với nhau tử tế, hành xử với nhau như những người tử tế. Nói thì dễ mà làm thì thật là không dễ.

Hoàng Dược Thảo


(*) nhạc TCS: Hãy cứ coi như mọi ngày: Hãy cứ coi như cuôc đời, dù ngày mai em như chim bay, bỏ quên đây một  người, hát bên trời gian dối, dù ta như con đường dài vắng người...



 
Kiều Mỹ Duyên, Trao Đi Yêu Thương, Nhận Lại Hạnh Phúc
   Ảnh chup Các em cô nhi tại chùa Hoa Long Cổ Tự ở quận 9, Sài Gòn, ngày 10/12/2024. Một người làm việc thiện, 2 người làm việc thiện, trăm người làm việc thiện, ngàn người làm việc thiện, của ít lòng nhiều, người có khả năng khiêm tốn thì làm theo sức của mình, không có tiền thì làm việc bằng thì giờ, công sức của mình: đến chùa, viện mồ côi, nấu nướng, trồng bắp, trồng rau, nuôi gà vịt, heo, hay dạy học, dạy cho trẻ con mồ côi, cũng là làm việc thiện. ​​​​​​​          Trong xã hội, mọi người thương nhau, đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Người Thượng không có kiến thức, người thiểu số bệnh cùi rất nhiều. Người Kinh dạy cho người Thượng ở sạch sẽ, biết tắm rửa hàng ngày thì đỡ bệnh tật. Thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, dạy bảo lẫn nhau, thì đỡ bệnh tật hơn.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top