Hoàng Dược Thảo
NHẬT KÝ THÁNG 2
Nếu có điều gì đáng ghi lại nhất trong tháng 2, tôi sẽ nói đó là những cơn mưa. Hình như trời nơi tôi ở, chưa bao giờ mưa nhiều như thế. Những lúc trời không đổ nước thì trời lại âm u, buồn thảm. Người ta thường bảo, khi lòng mình buồn thì cảnh nào cũng không vui. Tôi nghĩ, tôi đã đi qua từ lâu, những tình cảm buồn vui hờn giận, Nhưng cái khung cảnh trời chiều ảm đạm không hiểu sao vẫn làm cho mình nhớ “nhà”, nhớ những điều không rõ mặt.
Nơi tôi ở cứ 4 giờ sáng là các vòi tưới cỏ tự động mở. Những đêm đầu tiên nghe tiếng nước dội vào cửa kính, tôi cứ ngỡ trời đang mưa. Khi phát giác ra đó chỉ là tiếng nước tưới cỏ, tôi hơi buồn buồn. Vậy mà lâu dần lại thành quen, cứ khoảng 3-4 giờ sáng thức giấc là tôi lại nằm im, chờ đợi tiếng mưa “hờ”.
Anh Trần Cao Lĩnh có lần nói với tôi khi tôi đến thăm ngôi nhà anh ở San Jose. Anh nói rằng bằng mọi cách anh sẽ trồng những khóm chuối quanh nhà. Tiếng mưa phải dội vào tàu lá chuối mới đúng là tiếng mưa quê nhà. Mấy năm sau tôi trở lại, quanh nhà anh là những khóm chuối xanh non nhẹ nhàng. Anh lại phàn nàn vẫn không phải là tiếng mưa Việt Nam. Tôi cũng nghĩ như anh vậy. Khong bao giờ chúng ta còn tìm lại được tiếng mưa năm xưa. Tiếng mưa mang không khí mát lạnh đến sau những ngày nực giông khó thở. Tiếng mưa bay mềm con lộ cũ, tiếng mưa vang dội qua mái ngói rêu phong, qua cái sân gạch cũ. Tiếng mưa có chen lẫn tiếng ếch nhái, tiếng trâu bò réo gọi nhau về chuồng làm sao tìm lại được nơi đây.
Hơn nữa, lá chuối ở nơi đây cũng khác lá chuối ở Việt Nam. Trồng chuối ở nơi đây đau lòng nhất là những ngày gió lớn. Những tàu lá chuối nguyên vẹn, xanh nõn nà hôm qua chỉ còn là những tàn lá mềm, rách nát, rũ rượi, xác xơ. Dọn nhà đến đâu việc đầu tiên của tôi là tìm một khoanh đất nhỏ. Trồng một bụi chuối, vài ba khóm rau tía tô, húng que, húng lủi, một bụi xã và nhất là một cây chanh ta. Gà luộc thì phải có lá chanh mặc dù thịt gà xứ Mỹ không ngon như gà quê nhà.
Nếu tiếng mưa phải dội vào tàu lá chuối mới là tiếng mưa quê nhà thì tiếng gió cũng vậy. Gió phải thổi qua một hàng dậu tre mới là gió thoảng. Tiếng xào xạt của tre cùng với gió hình như là tiếng gọi của ai kia, hay đó chỉ là tiếng bước chân ai về gần. Sống ở nơi đây, đôi khi lái xe ngoài đường, đôi lần tôi bắt gặp một hàng dậu tre đâu đó. Người Tây phương trồng tre như trồng cây khuynh diệp làm hàng rào ngăn gió, ngăn tiếng động. Họ không hiểu được cái đẹp của tre, của trúc, mảnh mai đấy mà dai dẳng đấy. Yếu mềm như tơ mà rắn chắc như lòng. Vì thế, người Đông phương chúng ta thường trồng tre, trúc riêng thành khóm. Vì thế mà có khóm trúc đầu hiên, khóm tre sau nhà. Những cây tre già vững mạnh, vươn cao, che chở cho những mụt măng non mới hé. Mùa xuân, dân quê đốn ngã những thân tre già làm cột, làm kèo, đan rỗ, rá, thúng mủng. Đời sống bình yên với bụi chuối, khóm tre...
Có lần chị Hoàng Văn Đức nói với tôi người Việt Nam trồng cau đằng trước, trồng chuối đằng sau, người Mỹ thì ngược lại trồng một bụi chuối ngay trước cửa nhà trông dì dị. Tôi cũng cố cầy cục trồng một bụi chuối ngay hông nhà. Bụi chuối của tôi sau một năm cành lá xum xuê mà mãi vẫn không có buồng, có quả. Sau đó tôi được biết ở Mỹ, chuối hầu hết đều là chuối kiểng trồng cho đẹp mà không để ý đến cái thực vị. Dẫu sao mỗi khi có một cây chuối non vừa hé, tôi đều nấu bún riêu hoặc bún ốc, bún mắm, bún bò. Ăn những món bún với giá, với rau kinh giới mà thiếu chuối non thì cũng hỏng. Ở Việt Nam người miền quê còn có món bắp chuối hột chắm mắm nêm, ăn với cơm nóng, trời mưa thì quá tuyệt.
Cách đây ba tháng, chiều chủ nhật, tôi lên Los Angeles, ghé thăm vợ chồng người bạn học cũ. Chị Nhơn có cho tôi ăn bánh ướt do tay tráng lấy cuộn với bánh nước Quy Nhơn chấm mắm nêm. Hình như từ rất lâu tôi chưa được ăn một món ăn nào tuyệt đến thế. Cảm giác tủi thân thường ở lại với tôi rất lâu y như tối thứ tư tuần rồi, báo xong, tôi đi ăn cơm với TKH. Bữa cơm có canh chua cá, có thịt kho tộ, có gỏi sứa. Tôi ăn ào ào như đói đã lâu ngày. Đêm về chợt nhớ ra, lâu lắm rồi tôi mới ăn cơm. Đời sống một mình tôi biếng ăn, biếng ngủ cũng thành một thói quen. Đi đứng, nằm, ngồi, tôi thấy tôi cũng đang biến dạng. Nói gì tiếng mưa. Nói chi con trăng. Nói chi mùa hạ cũ. Cái khác ở quê nhà không nằm ở một tàu lá chuối, một cụm tre già. Cái khác là lòng đã đổi, trí đã thay.
Từ ngày nhận thức ra điều đó, tôi thấy tôi bình yên, dững dưng. Dù đã nhiều năm, tôi không bao giờ còn có lại tiếng mưa năm cũ. Mặc dù mỗi đêm về sáng tôi vẫn nằm im chờ đợi một tiếng mưa... hờ.
*
Sau nhiều tranh luận, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn không nhận thức được rằng: các ông không thể kiểm soát, chế ngự tư tưởng của con người. Ngày nay với kỷ thuật thông tin, chỉ trong vài giây đồng hồ, con người khắp năm châu bốn biển đã có thể thông tin, đã có thể báo cho nhau một điều quan trọng thì làm sao còn có thể nghĩ đến chuyện kềm chế tư tưởng của con người. Nhưng không, chế độ kiểm duyệt về thông tin bên trong đất nước Việt Nam vẫn còn nghiêt ngã và đầy dối trá, tuyên truyền ấu trí. Một nhà văn thuôc thế hệ trẻ của Việt Nam hải ngoại, anh Nam Lê, vừa được nhà Random của Hoa Kỳ xuất bản và phát hành quyển truyện Anh ngữ The Boat của anh. Một trong những điạ chỉ mà tác giả muốn Random gửi để viết bài giới thiệu về sách của anh là một nhà báo trong nước. Nhưng sách cuả anh bị tịch thu trước khi đến tay người nhận. Bài viết sau đây đọc được trên blog của người không nhân được sách.
Nhà nước Việt Nam vẫn “kiểm soát”
tư tưởng nhà văn Việt Nam,
Vừa mới tịch thu sách từ ngoại quốc gửi về
nguồn:http://lylan.blogspot.com/ 9/1/2009)
“già đầu mà còn ngây thơ”
Hôm nay nhận được “Thông báo khẩn” của hãng DHL là có một lô hàng gởi cho mình đã đến Tp HCM vào ngày 14.12.2008. Nội dung tên hàng: (chép lại nguyên văn từ thông báo này)
“1 sách tuyển tập truyện ngắn “The Boat” cua tác giả Nam Le - người Úc gốc Việt, kể về cuộc hành trình gian nan, khốn khổ của một nhóm người Việt Nam trốn Cộng sản đi tìm “thiên đường” là nước Mỹ. Nội dung truyện tạo cảm nhận xấu về đất nước Việt Nam sau giải phóng. Nhiều người phải vượt biên bằng mọi giá, kể cả bỏ mạng sống của mình.”
Và “Theo yêu cầu của Chi Cục Hải Quan Bưu Điện Tp HCM, Quý khách cần đến văn phòng tại số 4 Phan Thúc Duyên, TB, Tp HCM để làm thủ tục Hải Quan vì lô hàng trên của quý khách đã vi phạm NĐ 88/2002/NĐ-CP.”
Theo Tờ khai hàng hoá xuất khẩu/ nhập khẩu phi mậu dịch thì người gởi là Random House 400 Hahn Rd Ste 1 Westminster MD. Thì ra đây là cuốn sách của người đại diện cho Nam Le gởi cho mình để viết review. Một việc bình thường các NXB làm trong các nỗ lực quảng bá và giới thiệu tác phẩm. Hồi mình ở Bellingham vẫn thỉnh thoảng nhận được sách để làm chuyện đó, chẳng hạn quyển Ca dao Việt Nam do ông Balaban dịch. Nhưng ở đây thì trước khi mình review sách phải được kiểm tra, giám định. Thông báo cũng yêu cầu liên hệ với Mr. Công, nhưng điện thoại reo mà không người bắt máy.
Tết nhứt tới nơi mà cũng còn rắc rối cuộc đời. Tại mình già đầu mà còn ngây thơ.
Mai mốt bảo người ta cứ gởi về Bellingham, chừng nào mình về mình đọc. Gởi về đây điệu này chắc không nhận được sách. Mà không biết có bị bỏ tù không nhỉ?
Trước khi đi tù cũng phải viết thư cám ơn người ta gởi sách cho mình cái đã! (ngưng trích)
Trước đây, ông Phạm Duy đã làm ầm ĩ lên về việc ông sẽ được một trung tâm phát hành nhạc trong nước mua độc quyền hàng ngàn nhạc phẩm của ông. Số tiền nghe nói lên đến hàng nửa triệu đô la, tương đương với một cái nhà ở thành phố Saigon thời đó. Sau này việc cho trình diễn những nhạc phẩm của ông thì không nghe đề cập đến nữa. Ngay cả người nhạc sĩ hiền lành như ông Hoàng Thi Thơ mà cho đến nay, nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ đồng ý cho hát có 6 bài thôi nằm trong mục đích tuyên truyền hơn là giá trị nghệ thuật, đây là những ca khúc sáng tác trước năm 1975 của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, gồm: Đường xưa lối cũ, Duyên quê, Hình ảnh người em không đợi, Túp lều lý tưởng, Rước tình về với quê hương, Múc ánh trăng vàng.
Tóm lại, nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn nhìn văn hoá như một phương tiện để tuyên truyền chứ không phải vì giá trị nghệ thuật hay văn hoá là một phần không thể tách rời của dân tộc. Một dân tôc không văn hoá hậu quả tai hại như thế nào thì nhà nước cộng sản Việt Nam hiện nay đã biết hơn ai hết. Con người thanh lịch của Hà Nội ngày trước 1954 bây giờ đi đâu mất cả, cả một thành phố tranh ăn, tranh sống đến bỉ ỗi, rợn người. Đến nổi hàng quà ở Hà nội ngày nay đã được một nhà báo trong nước gọi là bún quát, phở đuổi, cháo chưởi để nói về thái độ khiếm nhã, vô học của những cửa hàng quà ở Hà Nội.
Đất nước Việt Nam ngày nay tan nát đến nổi không ai có thể chối cải được dù đó là đảng cộng sản Việt Nam. Một người Đức gửi thư cho nhiều diễn đàn Internet về du lịch những lý do để thù ghét Việt Nam “Reasons to hate Việt Nam”, một bài viết mà người ta nghĩ rằng sẽ hại nhiều đến kỹ nghệ du lịch tại Việt Nam. Cho đến ngày nay, vấn đề nhà vệ sinh vẫn còn là lý do hàng đầu khiến du khách nước ngoài không muốn trở lại Việt Nam. Du lịch là một kỹ nghệ mang lại nhiều điều hại hơn điều lợi nếu chính phủ không biết quản lý vì kỹ nghệ du lịch mang theo nhiều tệ nạn xã hội. Nhiều quốc gia Phật giáo dù nghèo nhưng đã giới hạn khách du lịch đến quốc gia họ để tránh những tệ nạn này. Như Nepal. như Blutal, họ chỉ cấp Visa cho một số lượng khách du lịch đến quốc gia của họ để hành hương. Hãy nhìn vào Thái Lan trước đây và Việt Nam ngày nay để biết kỹ nghệ du lịch tàn phá đất nước và con người như thế nào.
*
Nhưng khi con người có tự do phát biểu thì vấn đề cũng không hẵn là sẽ dễ giải quyết được. Cuộc triển lãm cờ và hình tượng ông Hồ của những người tự nhận là nghệ sĩ trẻ vẫn tiếp tục đưa cộng đồng đi vào chỗ bế tắc. Sau khi bị đóng cửa vì tổ chức ở một nơi không có giấy phép, “họ” lại mang vào một phòng cho thuê của một trường đại học cộng đồng để “phát biểu” tiếp đúng như tôi đã tiên đoàn trong Nhật Ký tháng 1. Nghĩa la, nếu muốn, người cộng sản và những người thiếu ý thức về chính trị vẫn có thể gây khó khăn, trở ngại cho sinh hoạt cộng đồng bằng những hành động “vớ vẩn” của họ. Vấn đề của Việt Nam ngày nay lớn hơn nhiều: một quốc gia đang trên bờ vực thẩm sụp đổ vì kinh tế suy sụp, con người băng hoại mọi giá trị về nhân phẩm, đạo đức, văn hoá, cái hoạ xăm lăng cuả Trung cộng không còn gì đề bàn cãi với sự di dân hàng chục ngàn người Hoa vào vùng Tây Nguyên thì việc tiếp tục tranh đấu để chống lại vài cá nhân mà tôi không muốn nhắc đến tên họ ở đâu có phải là việc nên làm. Trước đây, khi văn hoá phẩm cộng sản mới đến Bolsa, mọi người xuống đường phản đối. Hiện nay, văn hoá phẩm, ca sĩ, tài tử, hàng hoá thậm chí gián điệp cộng sản haọt động với tài liệu rõ rệt mà mọi người vẫn im lặng đó thôi. Do đó, với những người không có gì để mất như những ông nghệ sĩ bất tài không tên tuổi sự lên tiếng của cộng đồng có khác nào việc đánh bóng tên tuổi của họ không?
*
Cuối tuần rồi, tôi có việc đi về San Jose. Đoạn đường mưa đá và những dãy núi vây quanh phủ đầy tuyết trắng cho thấy sự vô thường trong đời sống. Một người bạn thân mới gặp lại nói với tôi rằng: tôi thấy bà làm việc trong cô đơn. Thật tình tôi không biết đó là một lời khen hay chê. Tôi nói với bạn, tôi hành xử đời sống tôi, nói chung, công việc, nói riêng, bằng những suy luận, những hiểu biết của chính mình. Điều tai hại là khi tôi đã quyết định một vấn đề gì tôi ít khi đổi ý và chấp nhận mọi hậu quả đến với mình. Từ cái tính cứng cỏi, bướng bỉnh đó một số người vẫn cho là tôi can đảm. Tôi chỉ thấy tôi là người khờ khạo. Khờ vì biết khổ mà không sửa được.
Đời sống ở đây mà nói đến cô đơn thì chắc là ai cũng cô đơn. Nhất là những người Việt Nam còn một chút lòng nhớ nước, thương quê. Thử tưởng tượng bạn tôi, một ông Tòa Mỹ gốc An Nam, sáng ngồi hai tiếng xe lửa đi đến sở làm, chiều ngồi hai tiếng xe lửa trở lại nhà, ông ấy nhìn sương mù buổi sáng, nhìn hoàng hôn buổi tối, ông sẽ nghĩ gì, nhớ gì? Báo Xuân phát hành “ông Tòa” gọi điện thoại “chê” Hoàng Dược Thảo, bảo: Chỉ thích đọc những bài Tùy bút, những truyện ngắn nhẹ nhàng của bạn nhưng rất ghét những bài đánh đấm. Nó làm “hư” bạn đi. Tuy nhiên, “ông Tòa” lại thêm: Nói chuyện với người ngoài, họ lại khoái mấy bài bạn đánh nhau. Chán. Bạn tôi tâm sự vụn: “Bà, con gái, hay thiệt, thương cha, thương mẹ, nói phăng phăng, viết dài dòng. Tôi cũng nghĩ tại sao chưa có một lần tôi nói với cha tôi, con thương ba. Tại đàn ông Việt Nam không có thói quen biểu lộ tình cảm ra bên ngoài. Để rồi khi ông già nhắm mắt ra đi lại ân hận chưa khi nào nói với cha mình ba tiếng: Con thương “ba”. Bạn tôi viết bài trên xe lửa đi, về hai bận nên khó đọc là cái chắc. Bài lại được Fax về chỗ đậm, chỗ lợt. Báo in ra ông than thở: mất đi một khúc. Tôi cười ngất: mất một khúc là may...
Có nghĩa là tôi đã sống, làm việc trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngã là nhờ bằng hữu và gia đình. Nhớ những nụ cười vui, rất vui, chia sẻ với tôi nhiều nổi. Dạo trước, mỗi khi tôi bận vì cha tôi bệnh nặng, nơi xa, bạn tôi gởi bài về tiếp sức. Tôi gặp nạn ... tình, bạn tôi khuyên giải. Tôi chán đời, bạn tôi đùa cợt. Như thế phải nói là tôi may mắn, tôi đâu có cô đơn...
Bạn ạ,
Tôi đâu có cô đơn. Bên cạnh tôi còn có những chuyến xe lửa xập xình mang một tâm hồn Việt Nam 2 tiếng đồng hồ sáng, 2 tiếng buổi chiều hí hoáy viết bài cho báo Việt. Khi mà nghe tôi khóc sụt sịt vì tin dữ của mẹ già nơi xa là từ núi cao, bạn tôi lại cặm cụi viết bài thay cho tôi một số. Muốn gởi tiền nhuận bút cho bạn thì bạn lại phán: bà gửi cho hội này, hội nọ cho tôi. Bạn tôi nghèo, tôi biết lắm. Làm được đồng nào là biến thành quà cho bạn còn kẹt ở Việt Nam đồng đó. Tôi thấy trái tim bạn mình to quá. To hơn lá gan bạn nhiều. Chả trách mà khi trước khi còn cầm quân đánh nhau với giặc Cộng, bạn thua chúng nó là phải...
Với những công việc đang làm, tôi biết tôi vẫn còn những ngày cực nhọc, lo âu chưa biết khi nào chấm dứt. Vậy mà đêm nay tôi chỉ thấy vui chứ không thấy nhọc. Khi tôi biết tôi sung sướng hơn nhiều người. Nhất là ông bạn đã già mà chưa làm được điều tôi đã làm nhiều lần, viết nhiều lần đó là điện thoại cho thân phụ của anh, một chính khách đáng kính hiếm hoi của Việt Nam để nói: Con thương ba thì ông đã qua đời. Tôi chỉ tiếc là cái đời bận rộn khiến cho có nhiều việc tôi không làm được. Ví dụ như khi nghe bạn than, tôi co thể tìm ra số điện thoại Cụ, gọi cho Cụ biết, Cụ có một ông con trưởng, thương cha như núi Thái Sơn mà chưa có một lần dám nói... như tôi.
Mùa mưa lũ nơi đây có khác không mùa mưa lũ ở quê nhà? Hình như cái khác chỉ là gió, là mây. Bởi vì thu hay mưa, ta đã chẳng còn là ta quê nhà... Có điều tôi đã quen. Gió thổi mãi, gió cũng phải ngừng, đời có buồn tênh thì đời cũng hết... Rồi chúng ta sẽ làm gì được cho chúng ta, cho quê nhà đang tắt nghẹn niềm tin và hy vọng như ngày hôm nay....
Kiếp này làm cành dương,
Lệ sầu đêm đêm nhỏ
Kiếp này làm tiếng mỏ
Bát ngát lòng ta thương...
(Thơ Vô Ngã)
Hoàng Dược Thảo