Hoàng Dược Thảo: Bà Kiều Mỹ Duyên, “chị An” của tôi.

Phiếm Dị

Hoàng Dược Thảo

Bà Kiều Mỹ Duyên, “chị An” của tôi.



Thật tình tôi không biết nên khẳng định mối liên hệ giữa tôi và nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên (KMD) tức nhà địa ốc An Nguyễn ra sao. Chúng tôi là những người định cư sớm ở Orange County, trước khi nơi này trở thành “Thủ Đô của người Việt” tức là trước khi Little Saigon ở miền Nam California được chính quyền tiểu bang chính thức công nhận tên này để gọi nơi mà cộng đồng  người Việt tị nạn Cộng sản tề tựu đủ đông để xây dựng nên một khu thương mại sầm uất nhất ở bên ngoài Việt Nam. Từ đó đến nay, tôi và bà KMD vẫn “đi bên cạnh cuộc đời” của nhau trong hơn 40 năm mặc dù chúng tôi không cùng ngành nghề. Tôi gọi bà KMD là “chị An” mặc dù tên thật của chị là Nguyễn thị Ân chứ không phải là An. Tôi gọi theo cái tên “đảo ngược” của chuyên viên địa ốc An Nguyễn, khi biết rõ tên thật của chị thì đã quen không thay đổi được nữa.

Hình như bất cứ khi nào có thể là tôi và “chị An” cùng đi ăn trưa với nhau. Đôi khi là buổi chiều nếu chúng tôi rãnh rổi hơn. Đi ăn với “chị An” hình như đã đem lại cho tôi cái cảm giác được ở bên cạnh một người tin tưởng và yêu thương tôi tuyệt đối, một cảm giác bình an không thể tả trong cuộc đời nhiêu khê của một người làm báo như tôi chăng? Nhưng “chị An” đã có mặt trong đời sống tôi không phải chỉ qua những bửa ăn trưa mà cả trong những “biến động” lớn, nhỏ của đời sống mẹ con tôi. Khi tôi dọn nhà “ra riêng” sau khi ly dị với “thiên tài về thi ca”, người đầu tiên đến thăm là “chị An”. Khi cha tôi lâm trọng bệnh. Khi các con tôi được nhận vào những trường đại học lớn. Khi tôi mua được căn nhà đầu tiên sau khi làm báo Saigon Nhỏ. Chị hay kể về “quá khứ” không được vàng son của tôi trong ngôi nhà nhỏ, hai chiếc que đan, mỗi đứa con ngồi một bên của  những ngày đầu tị nạn khốn khó với bạn bè để “đề cao” sự phấn đấu của tôi khi một mình nuôi con cũng như không tiếc lời “khen” tài làm báo của tôi. Chị An với tôi lại cũng không phải là người đồng tuế hay đồng hương. Do đó, như đã nói ở trên, với  tôi, bà KMD mãi mãi là “chị An” và với các con của tôi, bà KMD mãi mãi là bác An, là một người chị lớn tuổi của mẹ chứ không phải là bạn của mẹ.

Cuộc đời quả thật là trớ trêu. Trước 1975 và ngay cả sau 1975, tôi được đào tạo cho những ngành nghề khác nhưng lại sống, làm việc và mưu sinh suốt đời mình ở hải ngoại bằng nghề báo. Bà Kiều Mỹ Duyên là một ký giả chiến trường, bà đã chọn nghiệp báo từ trước khi bước vào đời, dù có phải đi vào vùng lửa đạn của quê hương thời chiến tranh nhưng ở hải ngoại, nghề báo lại trở thành một nghề nghiệp dư và bà lại chọn ngành địa ốc làm kế mưu sinh. Sống ở nơi đây nhiều năm, mới thấy phục sự thức thời của “chị An” ngay từ những ngày đầu của lịch sử người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ. “Chị An” đã quyết định đúng, “không thể” đúng hơn khi quyết định như thế nếu chúng ta nhìn lại tình hình báo chí hải ngoại từ đó cho đến nay, không có mấy người theo nghề báo, nghiệp báo mà được “toàn thây” cho đến cuối đời. Dù là chủ nhiệm, chủ bút, thư ký tòa soạn, dù là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, triết gia, truyền thông, truyền thanh, truyền hình… Dù là báo biếu, báo quảng cáo, báo giấy, báo văn học, văn chương hay biên khảo, báo nói… Nếu biết than như Kiều thì những người đã chọn nghiệp báo hẳn phải than rằng: Mang bao hy vọng lúc ra đi, (chỉ) chuốc lấy buồn đau lúc cuối đời… Hầu như ít có ai cuối đời không nghèo đói, không tang thương!

Cái tuyệt vời của “chị An” là chị luôn dung hòa được hai thái cực của cái nghiệp và cái nghề. Nghiệp báo và cái nghề địa ốc mưu sinh. Bên cạnh sự thẳng thắn về thương mại lại là hiện diện cần thiết của truyền thông, của tiếng nói đại đồng cần được lắng nghe. Trên cùng một đài TV, chiều nay có thể bạn sẽ nghe bà KMD nói về sự an cư lạc nghiệp, “cái nhà là nhà của ta” nhưng ngày mai lại là một cuộc phỏng vấn Hòa Thượng Thích Tâm Châu giữa lúc dầu sôi lửa bỏng vì nhà nước Cộng sản Việt Nam vừa lên án tử hình hai Thượng Tọa Thích Tuệ Sỷ và Thích Trí Siêu tội chống lại “nhà nước”. Nhờ sự vận động của HT Tâm Châu, HT Mãn Giác cùng nhiều nguyên thủ quốc gia Việt Cộng đã giảm án của hai Thượng Tọa từ tủ hình xuống 15 năm tù.  Cũng chính bà KMD là nhà báo 15 năm sau lại được hòa thượng Thích Tâm Châu chọn để loan tin hai thượng tọa được ra tù.

Khi Hồng Y Phạm Minh Mẫn đến Orange  County năm 2003, cũng là nhà báo KMD lặn lội theo anh em báo chí đón chào. Chị phải chờ để được phỏng vấn trực tiếp ngài qua một vị linh mục đã từng là bạn học của chị ở trường Fullerton khi chị vừa sang Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ ngày hôm sau khi chúng tôi cùng đi ăn trưa, “chị An” có vẻ mệt, rất mệt. Chị cho biết chị phải chờ gần 3 giờ đồng hồ mới được phỏng vấn ngài về một vấn đề “hóc búa” vì nhiều nhân vật phụ tá ngài không muốn chị đề cập tới vì sau khi đến thăm Hoa Kỳ, ngài sẽ trở về Việt Nam. Đó là vấn đề Cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo. Như thường lệ, “chị An” gọi một dĩa cơm trắng, một dĩa rau xà lách, một chén nước tương dầm ớt thật cay. Cánh tay khẳng khiu tiếp thức ăn cho tôi dưới bóng nắng lung linh của trưa hè Cali không phù hợp chút nào với giọng nói đầy lạc quan và hăng say về những hoạt động từ thiện, xã hội mà chị đang tham gia. Đó là lý do trong 31 năm làm chủ báo, tôi không từ chối việc phổ biến những hoạt động từ thiện và xã hội của “chị An” một lần nào.

Một điểm đặc biệt  khác của “chị An” là sự thẳng thắn mà tôi không có được. Chị thường bỏ qua những việc, những sinh hoạt trong cộng đồng được chủ trương bởi những người mà chị cho rằng không có ích lợi gì cho cái nghề hay cái nghiệp của chị  một cách dứt khoát, không nể nang, không ngại mất lòng “người đối diện” như tôi. Người thương chị như tôi thì tôi cho rằng vì chị quá bận, không có thì giờ và tâm trí để lo tất cả chuyện … bao đồng. Người không thương chị thì cho rằng chị dùng cái “nghiệp báo” để phục vụ cho cái nghề địa ốc của chị. Ít ai còn nhớ rằng giữa thập niên 90, bà KMD và phu quân là nhà địa lý Nguyễn Phúc Vỉnh Tung đã ra mắt một tuần báo có tên là Hạt Cam trong đó ông Tung là người viết những bài phiếm rất sâu sắc dưới tên Lão Ngoan Đồng. Tuy là một nhà báo nhưng bà KMD lại là một phụ nữ rất im lặng, một người vợ chịu đựng bên cạnh người đàn ông của đời mình. Tôi có nghe một vài bạn cũ nói về cuộc tình “khốc liệt” của chị nhưng thật tình tôi cũng chỉ biết đến đó. Sau đó, anh Tung lâm trọng bệnh, anh mất dần thị giác, tuần báo Hạt Cam phải đình bản. Trong những lần hai chị em đi ăn trưa, tôi cố ý chờ đợi, một lần nào đó sẽ được nghe chị tâm sự (kiểu chi em gái với nhau) nhưng tuyệt nhiên ngoài những điều ai cũng biết về người chồng quá cố của chị và những đứa con của anh Tung đã trưởng thành, chị không nói gì về đời riêng của một nhà báo nữ nổi tiếng nhất của cộng đồng  người Việt tị nạn Cộng sản mà nhiều người ái mộ chị rất ư là tò mò muốn biết.

Nhưng điều  nổi bật hơn nữa của nhà báo KMD là tinh thần chuyên nghiệp của chị về phương diện truyền thông.  “Chị An”  gửi bài cho tôi trong bao nhiêu năm nhưng chưa một lần thúc giục hay hỏi tôi về quyết định chọn bài chị gửi của tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy phục chị hơn vì chị cho tôi có cảm giác thoãi mái hết sức khi làm việc với chị. Mỗi cơ quan ngôn luận có một chủ trương, một đường lối riêng. Với “chị An” tôi không  cần phải giải thích dài dòng, dù tôi có chọn đăng bài của chị hay không, những bửa ăn trưa của tôi và chị vẫn không có gì thay đổi, chị không bao giờ đề cập tới ngoài việc luôn xác định sự tin tưởng tuyệt đối của chị vào sự nhận định của tôi.

Tôi là một trong những người được “chị An” chia sẻ trước tiên về việc những người bạn của chị sẽ giúp chị ấn hành một tuyển tập những bài viết của chị. Thú thật, cái tựa “Hoa Cỏ Bên Đường” khiến tôi hơi khựng lại. Tôi hỏi “chị An” là tại sao những bài viết về nhiều Hội Đoàn, nhiều nhân vật quan trọng của một nhà báo lão thành lại có tên là “Hoa Cỏ Ven Đường” chẳng phải là … hạ giá trị và tầm mức quan trọng của những bài viết này hay không? Như trong một bài viết của ông Phạm Gia Đại thì đây là một “Tác phẩm của kỷ niệm, những quãng đời đã đi qua của tác giả. Một tác phẩm mà khi đọc, chúng ta như thấy hình bóng mình trong đó, hình bóng của mẹ già, của những khuôn mặt thân yêu, đáng kính mà nay không còn ở với chúng ta nữa.” Tác giả lại là một nhà văn, một phóng viên chiến trường đã được nhiều người biết đến, không những trong hai thập niên của cuộc chiến tàn khốc do Cộng Sản gây ra tại Miền Nam (1954-1975) mà còn được nhiều người tại hải ngoại thương mến trong bốn thập niên qua trong sinh hoạt báo chí, cộng đồng, cũng như trong công tác từ thiện, vừa là một nhà dịa ốc thành công. Chỉ riêng với bút ký chiến tranh “Chinh Chiến Điêu Linh” bà KMD đã khẳng định được vị thế của mình là một trong những tác giả có tác phẩm nói lên được những hào hùng, anh dũng của quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, nhất là những trang bà viết về Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị trong Mùa Hè Đỏ Lửa.” (ngưng trích)

Nhưng “chị An” đã giải thích với tôi rằng  “hoa cỏ dại” là loài hoa bền bĩ nhất. Chị đã trải qua bốn thập niên chứng kiến sự thành lập của những cộng đồng Việt Nam trên nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Lúc đầu chúng ta chỉ như những “Hoa Cỏ Bên Đường” nhưng với dòng thời gian, chúng ta đã  đem theo hương sắc dịu dàng, mong manh tươi mát, để từ một loài hoa nhỏ bé, tưởng chứng khó tồn tại khi nép mình bên đường đời đầy chông gai bão táp, chúng ta vẫn vươn lên mạnh mẽ góp hương thơm, mầu sắc cho cuộc đời.

Do đó, tuyển tập “Hoa Cỏ Bên Đường” là “hương thơm” của nhiều mảnh đời, đau thương và thành công của Người Việt Tị Nạn. Họ có thể là những tu sĩ Phật Giáo, những linh mục Công Giáo mà tác giả không những đã có dịp gặp gỡ và phỏng vấn, mà còn là tâm tình, niềm hãnh diện của tác giả về thế hệ thứ nhất và những thế hệ mai sau của người Việt tại hải ngoại.

Riêng tôi, tôi khâm phục bà Kiều Mỹ Duyên, không phải vì “Chinh Chiến Điêu Linh”, không phải vì “Hoa Cỏ Bên Đường”, không phải vì Ana Funding mà vì bà KMD là “chị An” của tôi, một trong những người hiếm hoi tôi được gặp trong đời mà ý chí và tinh thần làm việc đã khiến tôi vô cùng hãnh diện được làm một người bạn đồng hành trong suốt 45 năm sống ở Little Saigon, thủ đô của người Việt tị nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ.

Cám ơn “Chị An”, cám ơn những bửa ăn trưa trong bóng nắng với một “người muôn năm cũ” của thành phố này đã khiến những ngày làm báo nhiêu khê của Hoàng Dược Thảo thành những ngày có thể ... chịu đựng được, nếu không muốn nói rằng, may mà có "chị An" đời còn dễ thương ở thành phố này.

Hoàng Dược Thảo

 
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top