30 THÁNG TƯ, NGHĨ GÌ, NHỚ GÌ?
Đào Nương
Cuối tháng ba, bạn viết thư hỏi thăm: mau ghê mới đây mà đã bốn mươi sáu năm chúng tôi không còn đời sống cũ. Bạn hỏi tôi nghĩ gì, nhớ gì về ngày ba mươi tháng tư? Còn chút nào trong tôi, cô sinh viên ngày xưa bên vườn dược thảo...
Hôm qua, tôi về nhà muộn. Trong thanh vắng của đêm, không hiểu sao lại nhớ như in, lại như nghe thấy đâu đó tiếng người chạy rần rần trên đường phố của chiều 29 tháng tư năm cũ. Từ làng báo chí Thủ Đức, ba mẹ con tôi đi về gia đình người anh ở đường Trần Quý Cáp, Sàigòn vì đường lên Gò Vấp, nhà của ba mẹ tôi đã không còn đi được nữa. Bốn giờ rưỡi chiều, tôi đã quyết định và khuyến khích cha mấy đứa nhỏ nên mạnh dạn tìm đường thoát thân, không cần lo cho ba mẹ con tôi vì tôi có quốc tịch Pháp, đã có hộ chiếu, có vé máy bay đi Pháp. Quyết định này người ngoài cho rằng là nguyên nhân của sự tan vỡ của cuộc hôn nhân của chúng tôi sau này dù người trong cuộc biết rằng đó là điều tất nhiên không thể khác.
Chỉ biết trong trí tưởng của tôi lúc đó chỉ có một điều duy nhất: sự an nguy của một người lính thua trận. Không vướng bận vợ con chắc chắn con đường đào thoát sẽ dễ dàng hơn. Nhưng đêm 29 tháng 4, khi nằm trên lầu ba của nơi ở tạm trên đường Duy Tân, đối diện với cơ sở MACV của Hoa Kỳ, nghe tiếng người chạy rần rần trên đường phố, tôi cảm thấy lần đầu tiên sự thay đổi không chỉ riêng đời sống tôi mà của cả miền Nam từ giờ phút đó. Cơ sở MACV đã bị phá cửa và người dân lúc đầu còn ngần ngại nhưng đến chiều thì tha hồ ra vô thoải mái, tiếng người hò hét chỉ cho nhau nơi chốn để lấy được đồ giá trị, tiếng xe gắn máy, xe hơi vọng lên tận tầng lầu ba. Tôi chỉ biết nằm im, lắng nghe tiếng thì thầm của gia đình anh chị tôi ở tầng dưới về việc nên đi hay ở. Nghe nói còn một chuyến tàu chót tối nay của đề đốc Chung Tấn Cang ở cùng xóm, 30 đêm nay là hạn chót.
Những đêm cuối cùng này, Việt Công pháo kích vô tội vạ vào thành phố Saigon. Người không có phương tiện, không móc nối được để ra đi, rủ nhau chui rúc ở trong nhà, ở hầm trú ẩn để tránh pháo kích. Các con tôi, phần lạ nhà, phần khác, có lẻ trí óc trẻ thơ của chúng cũng đã kinh hoàng cho cảnh tượng ngoài bến tàu Saigon buổi chiều khi tiễn bố đi nên khóc lóc, ôm chặt lấy mẹ không rời. Lại còn con bé người làm khóc lóc vì sợ lạc cha, lạc mẹ... Tôi quyết định không mang các con xuống dưới nhà. Vừa cố ru con ngủ, tôi vừa tự nhủ: sống chết có số, cầu nguyện cho người ra đi bình an.
Bạn ta,
Tôi lập gia đình khi còn quá trẻ để biết thế nào là trách nhiệm nặng nề của một người mẹ, nhất là một người mẹ trẻ trong hoàn cảnh đất nước, chiến tranh điêu tàn. Tuy nhiên, không biết gì hết mà lại hay. Tôi nghĩ, nếu ngày đó, tôi hiểu biết nhiều hơn về tình hình đất nước, chắc là tôi sẽ sợ đến chết khiếp đi được. Trí óc tôi ngày đó chỉ có một điều: ngủ đi, ráng qua đêm nay, sáng sớm, tìm cách mang các con về với cha mẹ. Thế là yên. Thế là xong. Nếu ngày đó, tôi biết được rằng đất nước chúng ta đang đi vào một trang sử thảm thiết bi ai cho những người đã sống tại miền Nam trước 1975 thì chắc tôi không thể hồn nhiên như tôi lúc đó. Tôi dỗ các con tôi mà như dỗ chính mình: ngủ đi con, mai mẹ con mình đi về với ngoại.
Sáng 30 tháng 4, chị tôi từ dưới lầu lên cho biết ông Dương văn Minh đã đầu hàng và bộ đội VC sẽ vào tới dinh Độc Lập vào trưa nay. Tôi nghe, cũng chỉ thấy lòng dửng dưng: phải đi về ngoại. Có cha tôi bên cạnh là yên, là đủ. Vã lại, trước đó, tôi cũng như đa số bạn bè đều nghĩ rằng: không lẽ VC vào để giết hết dân miền Nam.
Vì thế mà những ngày tháng tiếp theo, cho đến khi cha mẹ tôi dù bất khả kháng cũng phải bỏ ba mẹ con tôi lại và đi về Pháp trước, khỏi nói thì bạn cũng biết là tôi tuyệt vọng và kinh hoàng đến mực nào trong thành phố Saigon đổi chủ. Tôi sống lầm lũi không nói năng. Tôi sống với điều mới vừa được biết từ những người công an “Sở Người Nước Ngoài”: tôi là một người có tội. Cái tội không biết động viên chồng theo đường lối Cách Mạng. Cái tội “đương nhiên” của bất cứ người đàn bà miền Nam nào có chồng “lính Ngụy”. Ngày đó, tôi sống với một ý nghĩ duy nhất: phải rời khỏi Việt Nam. Tôi đã có thông hành của Pháp. Tôi đã có vé máy bay do Tòa Lãnh Sự Pháp tại Saigon cung cấp. Tôi nói với cha tôi: trong vòng sáu tháng nếu tôi không có hy vọng gì ra khỏi Việt Nam, tôi sẽ kết liễu đời mình và hai đứa con. Tôi không thể nhìn thấy các con tôi giống như những đứa bé con trên đường phố Saigon “giải phóng” bấy giờ, mỗi đứa một cây chổi nhỏ do cha mẹ biến chế vừa tầm tay để đi quét đường. Chúng phải làm vệ sinh đường phố để xứng đáng là “cháu ngoan Bác Hồ”. Tôi bướng bỉnh chống đối một bà thiếm dâu vào từ Hà Nội khi bà phê bình con gái Saigon bảo hoàng, thực dân, tư tưởng nô lệ tư bản khi lúc nào cũng áo dài tha thướt, khăn vành hoàng hậu khi nhìn thấy hình ảnh đám cưới trong Nam, đó là “tàn tích” của thực dân, phong kiến, không đúng tác phong của người lao động của XHCN. Tôi cố tình mặc những cái áo dài đẹp nhất của mình dù gió, nắng Saigon không còn như những ngày tháng cũ, ngày tháng của các cô sinh viên với áo luạ vàng. Buồn cười nhất là chỉ một năm sau, bà thiếm dâu lại theo xin vài cái áo dài để đi dạy học vì... ai cũng mặc áo dài, thiếm mặc áo ngắn thật khó coi. Khi đó tôi lại không còn nhiều áo để cho, một phần vì áo mới bây giờ thành cũ, phần khác tôi cho các bạn còn kẹt lại…
Chú tôi một cán bộ tập kết, một sinh viên Hà Nội thời cuối thập niên 40 đã trả lời câu hỏi về câu nói của Bác Hồ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do nhưng chính ông phải khó khăn lắm mới được vào Nam gặp cha tôi trước khi cha mẹ tôi đi Pháp. Thế thì tự do ở đâu. Dân “ngụy” không có tự do đã đành, còn dân “cách mạng”, những người đã “góp cả đời để giải phóng miền Nam” cũng nghèo đói thảm thương, cũng không được tự do đi lai. Làm gì có cảnh: khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm, Huế-Saigon-Hà Nội của nhạc TCS. Ông chú từ tốn đưa bát ăn cơm, loại bát Bát Tràng đem từ Bắc vào Nam méo mó đã bảo rằng chúng ta có tự do chứ, tự do trong cái bát này. Câu trả lời đó bây giờ nghĩ lại, thật hay và đúng từ một người có 35 năm kinh nghiệm về cộng sản. Người dân Việt từ này được sống “tự do” để tìm miếng cơm, đừng mong ước nhiều hơn.
Những cô bạn của tôi, các cô gái Saigon, trước đây được cha mẹ lo cho từng chút, áo luạ, thơ thơ, thẩn thẩn, bây giờ, một sớm, một chiều, phải lo gạo cho đầy bát cơm con, chờ tin chồng đi tù trong cái nhìn soi mói của bọn “bò vàng” hống hách nhờ dựa lưng .... phe thắng trận.
Ông chú cán bộ nghèo ngày đó, vào Saigon được cha tôi cho một chiếc xe Honda mừng còn hơn được vàng, ngày nay đã ra người thiên cổ. Chỉ vì lo giành của, bảo vệ của cho con. Những đứa con cán bộ của ông bây giờ dẹp cả mồ mả ông bà qua một bên, xây nhà lầu, đi xe Mercedes trong khi gia đình tôi giờ phân tán tứ phương, anh em tôi vài năm mới gặp nhau một lần. Cha mẹ tôi tuổi già nơi xứ người ngồi nhớ con, nhớ cháu, lâu lâu còn nhận được vài lời nhắn nhủ về việc sao không gửi tiền về trùng tu nhà từ đường. Thư cuối cùng của chú tôi mà cha tôi nhận được thắc mắc: các con của anh tại sao chúng lại thù hận Cộng Sản đến thế. Cộng Sản làm gì chúng nó... Bây giờ cả hai gặp nhau nơi suối vàng, câu trả lời chắc không còn cần thiết.
Bạn ta,
Bạn hỏi tôi nghĩ gì, nhớ gì vào ngày ba mươi tháng tư? Vật đổi sao dời, bạn ta. Trong ba mươi năm làm báo, tôi đã chứng kiến cộng đồng Người Việt tị nạn lớn dần qua nhiều thập niên! Thương hải biến vi tang điền. Từ những bãi dâu, con đường Bolsa ở quận Cam đã biến thành một thủ đô của người tị nạn với bảy cái nhà băng trong vòng hai dặm đường. Người ta nói chuyện giải phóng đất nước, người ta nói về cương lĩnh chính trị, nói về cách mạng, nói về tuyên ngôn chính trị dễ dàng như người ta gặp nhau để kháo cho nhau về một tiệm phở mới mở có hương vị phở Hà Nội năm nào. Lâu dần, không ai để ý, không ai buồn nghe, vì cứ một hội được lập ra thì y như rằng sau một thời gian sẽ có một cuộc ly khai. Ai cũng căm thù Cộng Sản nên từ đó nhìn đâu người ta cũng thấy Việt Cộng, Việt Gian. Người ta vu cáo, chụp mũ nhau là Việt Cộng, Việt Gian rồi người ta lại hồ hỡi rũ nhau về Việt Nam thăm quê hương, giao du với Việt cộng, làm Việt gian.
Tuy nhiên bạn ạ, cũng không phải là cái gì cũng xấu. Bốn mươi năm qua, bầy trẻ Việt ra khỏi nước khi chúng mới năm, ba tuổi như con tôi, con bạn đã trưởng thành, đã thành nhân. Cũng không ít trẻ vẫn còn nhớ về nguồn cội của mình. Chúng thông minh lắm, sáng suốt lắm, đã phê bình người lớn nhiều phương diện nhưng cũng thông cảm lắm lắm. Bố mẹ chúng sang đây, một đồng, một chữ cũng không, nói tiếng Anh bằng tay, nuôi dạy con nên người đâu phải là chuyện nhỏ.
Hai đứa con tôi ngày ra khỏi nước mới lên ba, lên một. Ký ức chúng về Việt Nam thực không có gì nếu như tôi không được sống với cha mẹ tôi. Nhờ sống với ông bà ngoại, các cháu nói tiếng Việt tương đối khá so với nhiều trẻ Việt chung quanh. Quận Cam nhiều người Việt nhưng chỉ tiếc những trẻ Việt hầu như không còn nói được tiếng Việt. Có em chỉ có tên Mỹ không có tên Việt. Người Mỹ có nhiều cá tính tốt nhưng cũng không phải vì vậy mà chúng ta nên quên đi những cá tính tốt của người Việt Nam. Không thể nhìn vào những tệ trạng trên đường phố Bolsa rồi kết luận rằng đó là Việt Nam. Có lần tôi đã được nghe một nhà văn nữ Việt Nam ca tụng đàn ông Mỹ không tiếc lời rồi kết luận là đàn ông Việt Nam không ít thì nhiều cũng vướng vào một trong tứ đổ tường lại... xấu trai chỉ vì bà có một kinh nghiệm xấu với đời chồng Việt rồi mới “được” lập gia đình với một người chồng “tốt” Hoa Kỳ. Nhưng tôi thật không vui khi đọc được điều này khi nghĩ đến cha tôi, đến những người bạn tốt của tôi. Không biết, không có cơ hội được biết tinh thần quân tử thâm trầm của người đàn ông Việt Nam thì thật là tội nghiệp cho một người đàn bà Việt Nam.
Năm 1996, cha tôi ngã bệnh nặng. Cuộc phấn đấu cuối cùng của một đời người sao mà lặng lẽ và bi thãm quá. Bốn bức tường vôi, một trời xứ lạ. Tôi nương tựa vào cha tôi ngày 30 tháng 4, 1975 như thế nào thì cha tôi nương tựa vào tôi, vào ngày 30 tháng 4, 1996 như thế ấy. Cái nôn nóng, đêm ngày 29 tháng4, 1975 trên lầu ba nhà người chị khi tạm trú tôi đã mong được gặp lại cha tôi như thế nào thì bây giờ mỗi khi tôi đi xa về, vào phòng thăm cha, tôi bắt gặp lại nét reo vui, bình yên mong đợi đó trong mắt nhìn của cha già dù cha tôi đang mỏi mệt đến đâu. Do đó mà bạn ta, bạn hỏi tôi nghĩ gì mỗi khi ba mươi tháng tư? Nếu được phép sống lại đời mình thì tôi sẽ ra sao bốn mươi sáu năm qua?
Có thể là tôi...vẫn lập lại những lầm lỡ cũ. Bởi vì tôi có quá nhiều kỷ niệm dễ thương hay đau thương trong đó. Như cái buổi chiều chạng vạng tối, cha tôi chờ tôi bên kia đường của Sở Người Nước Ngoài tức Sở Ngoại Kiều. Tôi bị Công An VC thẩm vấn từ buổi trưa về tình trạng mất tích của chồng. Nét mặt đau đớn, kinh hoàng của tôi khi ra khỏi căn nhà u ám với những ngọn đèn vàng leo lét đó chắc làm cha tôi đau lòng lắm. Con đường trở về nhà tối đen, cha tôi chở tôi đi trên chiếc Honda và người không nói năng gì, chỉ bóp nhẹ bàn tay tôi đang ôm vòng quanh bụng người và vổ nhè nhẹ. Trời chiều hôm đó mưa bay khi nặng, khi nhẹ. Tôi thương cha tôi quá nên không còn biết rõ những hạt nước trôi vào miệng mình là nước mắt hay nước mưa. Tôi chỉ biết rõ một điều, những hạt nước đó đã thay đổi cuộc đời tôi vĩnh viễn: mãi mãi tôi chỉ muốn làm một người đàn bà Việt Nam lụy con, thương cha mẹ và yêu thương đất nước, dân tộc của mình. Đó là lý do mà bạn ta ơi, tôi luôn luôn có thừa can đảm để nhận lấy trách nhiệm của mình nhưng cùng lúc lại là một người đàn bà nhà quê, sống không khác cái đời bốn mươi năm về trước tại quê nhà là bao nhiêu.
Không biết bạn và tôi chúng ta sẽ có thêm bao nhiêu năm nữa để mà nhìn Việt Nam biến đổi? Đất nước chi mà từ hoàn cảnh địa lý, nhân văn đều khắc nghiệt, giòng máu anh linh trôi đi cùng với rác rưởi bao nhiêu năm nhưng vẫn không trộn lẫn, hòa đồng. Thời nào, thế nào cũng có người vươn lên, rực sáng, đáng để cho chúng ta hy vọng lắm chớ.
Bạn đừng hỏi tôi mong ước gì? Tôi chỉ mong tôi sẽ được như mẹ tôi khi tuổi già: tóc bạc, hoa râm, lẩm nhẩm đọc kinh sớm tối dù trí óc đã lẫn lộn, câu còn, câu mất, đang niệm kinh lại nhớ đứa con này ở xa, đứa cháu kia ở gần, không biết bây giờ ra sao? Cái bà già lẩm cẩm đó vậy mà “powerful” lắm lắm. Bởi vì bà phán gì là con cháu im thin thít, dạ rân nhà. Chúng im lặng là vì chúng yêu bà lắm đó mà...Bởi vì bà là ngọn đuốc soi đường, bà làm cho những đứa cháu sống như Mỹ con, Tây con nơi xứ người đều luôn luôn nhớ rằng chúng có một quê hương Việt Nam trên vai, xa thật đó nhưng cũng thật gần. Bởi vì bà của chúng là một người Việt Nam, bạn ta...