• Tùy Bút Hoàng Dược Thảo
Trong 35 năm “nghiệp báo” tôi “đụng trận” hơi nhiều. Mà trận nào cũng lớn. Từ “thiền sư vén váy” năm 1993 tới chuyện “chánh phủ Chú Chánh, chánh chú”, chuyện ông ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện rồi chuyện Ai là chủ báo Người Việt… Báo Người Việt tuy có thắng tôi khi đưa nhau ra tòa nhưng không có nghĩa là họ thắng tôi về bút chiến vì họ không trả lời được một điều gì trong những bài viết của tôi.
Nhưng “nhức đầu” nhất đối với tôi là vụ Saigon Nhỏ “đụng” thiền sư vén váy. Năm 1993, Saigon Nhỏ có loạt bài về bà “thiền sư vén váy” và những phóng sự về những nạn nhân của “thiền đường vui nhiều hơn tu” này. “Sư phụ” liền phản ứng dữ dội, ngoài việc tổ chức những buổi ra mắt rầm rộ những đại nhac hội, còn cho ra luôn một loạt 4 tờ báo chỉ dùng vào việc bôi nhọ Đào Nương, một “mụ già nhà quê” mà tiểu sử có thể tóm gọn trong ba giòng. Mỗi tuần những ông “nhà báo ăn liền” ngồi nghĩ ra nhiều thứ “thật độc” để viết về Đào Nương. Trong 4 ông này thì ngày nay hai ông đã về miền miên viễn là DL và TP; một ông biệt tích giang hồ từ nhiều năm nay, một ông thì ngày nay lại qua một người bạn rất ngơi khen tôi. Trở lại, những loạt bài “tấn công” Đào Nương, có một ông “tố cáo” vì cha tôi là người chăn trâu ở Quảng Ngãi nên vì thế ông đặt tên “nít-nêm” cho tôi là Nghé Ngọ.
Nhìn lại đời mình, tôi thấy những giai đoạn mà người ngoài lo cho “mụ già nhà quê” thường thì không trùng hợp chút nào. Lúc mọi người nghĩ là tôi khổ thì thật ra tôi lại có những khoảng thời gian hạnh phúc khó có thể tưởng tượng là mình đã có được trong đời. Thời gian của 1993, “may” là tôi có quá nhiều chuyện cần kíp phải lo hơn là ... lo “ngượng” nên mấy ông nhà báo được “thiền sư vén váy” trả tiền để viết về tôi điều gì tôi cũng không hay nếu như “thiền sư” không chịu khó gửi những tờ báo “ăn liền’ này cho thân chủ quảng cáo Saigon Nhỏ khắp nơi để rồi sau đó, họ báo lại cho tôi biết.
Thời gian đó, “ông già chăn trâu ở Quảng Ngãi” đang lâm trọng bệnh, bệnh emphasyma đến giai đoạn cuối kèm theo một cái stroke lần thứ hai, cha tôi không còn đi lại được nữa. Bạn bè tôi gọi điện thoại “chia sẻ “nỗi đau thời ly loạn” do sự tấn công của “thiền sư vén váy” thì Đào Nương chỉ biết than rằng muốn dấu ông già mà không dấu nổi. Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ! Nhất là khi “ông chăn trâu” về già, nằm nhà đọc báo “chửi” con gái của ông là … con nhà chăn trâu. Ông “chăn trâu” cười cười: “chỉ sợ là bố mẹ có chữ mà con thì sống như trâu, không biết liêm sĩ là gì, không có nghề nghiệp nuôi thân. Chứ cha, chăn trâu mà con làm báo nuôi cha mẹ giá, nuôi con được thì nhà ta quả thật là có phúc, họ đang khen con đó chứ!
Thời đó, hai đứa con của tôi vừa mới lớn. Đôi khi chúng đến chơi nhà bạn, những gia đình Việt Nam lại không tế nhị, mang những điều mẹ nó “bị chửi” ra nói với với chúng. Khi nghe “ông chăn trâu” tức ông ngoại mà chúng nó vô cùng yêu mến, kính trọng giải thích như vậy thì chúng khoái lắm. Phải nhắc lại một chút: cha tôi là bạn cùng lớp với nhà văn Nguyễn Hiến Lê ở trường Cao Đẳng Công Chánh ở Hà Nội. Quyển Mười Ngày trong Kinh Đồng Tháp, bác Lê viết về những ngày hai ông làm công tác “dẫn thủy nhập điền” cho kinh Đồng Tháp khi còn là những “quan tham” mới ra trường. Sau đó “ông già chăn trâu” lại phải dùng cả uy tín và sự kính trọng của chúng nó dành cho ông để xóa tan những ấn tượng không tốt của chúng về cộng đồng Việt Nam.
Đó là lý do Saigon Nhỏ có mục “Thư Cho Con” của Hoàng Dược Thảo. Những đứa con mới lớn, hoang mang giữa những điều tốt lành về văn hóa Việt, về truyền thống của gia đình Việt Nam và cái mặt trái của xã hội Bolsa qua công ăn, việc làm của mẹ chúng. Phải nói với các con ra sao về niềm tin của một người mẹ vào ngòi bút của mình khi mà một sớm rạng đông, ba mẹ con phải hối hả chạy ra tòa soạn khi ai đó châm ngòi lửa đốt tòa báo? Phải nói gì với con về sự tách bạch giữa văn chương và con người thật, về những giòng thơ rất đẹp không tương xứng với những điều các con chứng kiến bằng mắt, nghe bằng tai trong đời? Phải nói gì với các con về sự chịu đựng mà chúng nghĩ là vô lý của mẹ khi phải lo cho ông bà ngoại một mình? Phải nói gì với các con về nỗi tuyệt vọng vô cùng khi đem các con sang xứ người mà không thể cho các con một mái ấm gia đình bình thường có mẹ, có cha?
Nhưng rồi thời gian qua, ngày vui qua mau mà ngày buồn cũng không ở lại. Những đứa con thơ dại bây giờ đã trưởng thành. Lâu lâu được gặp lại các con thấy chúng săn sóc mình còn chu đáo hơn mình săn sóc chúng ngày nào. Mùa Giáng Sinh năm ngoái, ba mẹ con tôi cùng hẹn gặp nhau ở New York. Đường phố New York ngày lễ đông như trẩy hội. Nắm tay nhau đó mà giòng người đẩy đưa mất tăm nhau là thường. Tôi bước đi lơ mơ, không để ý đến chung quanh. Chừng nghe giọng tiếng Việt của con gái tôi hốt hoảng hỏi vọng với thằng anh của nó: “Mẹ đâu rồi, mẹ đâu rồi” lại thấy buồn cười. Lâu lâu, con gái tôi lại đưa tay sửa lại nón hoặc khăn quàng cổ cho mẹ như ngày xưa khi nó còn bé tôi vẫn làm cho nó. Thử hỏi, tôi còn có điều gì để dạy con thêm mà viết tiếp những “Thư Cho Con” bây giờ mặc dù đó là một trong những mục “ăn khách” của báo Saigon Nhỏ!
Sống ở nơi đây, mới thấy cái dấu mốc thời gian là vô cùng quan trọng. Việc gì cũng vậy, phải có chương trình, phải có thời điểm. Tôi thấy những người bạn lâm trọng bệnh khi mới bước vào khoảng tuổi 50 hay 60 thì thật là khổ. Vợ hay chồng vẫn còn phải làm việc, các con thì chưa đủ trưởng thành hay đã trưởng thành nhưng lại vô cùng bận bịu lo cho gia đình riêng của chúng, không thể dành thì giờ để săn sóc cho người mắc bệnh được. Thế là cái tấm thân bệnh hoạn nhưng cái đầu chưa kịp già đó lại có muôn vàn cái nhớ, muôn vàn cái tủi trong thân khi ngồi xe lăn hay khi sống tập đoàn trong những nhà dưỡng bệnh.
Khi viết điều này, tôi nhớ đến một bạn văn, một cộng sư viên, một người cùng cảnh ngộ “gà mái nuôi con”: nhà văn, nhà báo Mũ Đỏ Võ Thị Vui. Mấy năm trước khi bệnh nặng, chị phụ trách mục Điện Ảnh Hồng Kông cho Saigon Nhỏ. Tình trạng sức khỏe yếu kém do căn bệnh tiểu đường khiến chị đi lại thật khó khăn. Mỗi lần đến tòa sọan (lúc còn ở lầu 2 trên đường Brookhurst), mấy cô thư ký của tòa soạn phải dìu chị lên lầu. Có hôm sức khỏe của chị tệ hơn nữa, các em phải xuống lấy bài và tôi phải xuống lầu mới gặp được với chị ngồi trong xe do người chở đến. Đời sống của chị Võ Thị Vui với tôi thật là tương phản. Chị là một nữ quân nhân nên chị giao thiệp rộng. Tuy là đàn bà nhưng qua chị, chúng ta có thể nhìn thấy sự hãnh diện vô bờ, sự hào hùng của màu cờ sắc áo binh chủng Mũ Đỏ. Chị hút thuốc lá, ăn nói bạo dạn như một quân nhân thứ thiệt. Vậy mà chị “thương” tôi ghê lắm. Lâu lâu, thấy điều chướng tai gai mắt ở xã hội Bolsa dành cho tôi. “má Vui” lại viết bài “chửi” họ rồi gọi điện thoại nhắn nhe: “chị tức nên chửi tụi nó cho bỏ ghét. Em biết thừa mà. Bọn đàn bà góa hay đứt gánh nữa đường phải gánh một đàn con dại như chị em mình thì còn sợ ai nữa chứ. Điều sợ nhất là không có tiền nuôi con nên người. Còn mọi thứ khác... không qua ngọn cỏ.”
Lần cuối cùng tôi gặp chị trong một nhà dưỡng lão trước khi chị qua đời. Khi đó, thân xác chị đã tiêu hao không còn gì. Một đời đàn bà gương lược, phấn son chỉ còn cô đọng lại trong một chiếc giường trống trãi chung phòng với một người xa lạ, một chiếc ly nhựa và một cái radio nhỏ. Chị mở miệng chưa kịp nói là nước mắt đã tuôn rơi dù mắt đã mờ không còn nhìn rõ, nói gì đọc được mặt chữ. Chị nói chị nhớ mỗi tuần đi tìm Saigon Nhỏ để đọc Đào Nương, để xem em nói thay cho chị những điều chị không nói được. Chị vạch cho tôi xem vết mổ ngang hông. Chi xiết tay tôi dặn dò trở lại thăm chị, đừng quên.
Những đứa cháu gái thường ghé qua tòa soạn thăm “tata” vẫn kể cho tôi nghe về sự tủi thân của mẹ khi chị than là sau bao nhiêu ngày tháng lo cho con, bây giờ chị lâm trọng bệnh, không đứa nào có thể lo cho chị được. Tình trạng bại thận do tiểu đường khiến chị cần y tá săn sóc 24/24, các cháu còn trẻ, đứa nào cũng bận con nhỏ dại, bận công ăn, việc làm, ở xa không cách gì lo cho mẹ được.
Do đó, vấn đề “thời điểm” rất là quan trọng ở xứ người. Khi cha tôi bắt đầu lâm trọng bệnh, ông đã gần 80, tôi cũng đã không còn bận bịu lắm với trẻ con, công việc Saigon Nhỏ tuy nhiêu khê nhưng lại không bó buộc thời gian nên tôi lo được cho cha tôi cho đến ngày ba tôi ra đi. Cha tôi mất đúng ngày Tết Dương Lịch năm 1997. Mẹ tôi mất sau đó 11 năm, lúc bà 93 tuổi và ra đi tại nhà của mẹ tôi ở Việt Nam vì khi đó, cộng sản Việt Nam đã mở cửa và các anh tôi đã mang mẹ tôi về Việt Nam hai năm trước đó. Cho đến khi bà qua đời, mẹ tôi không có bệnh tật gì nghiêm trọng, chỉ yều dần như ngọn đèn hết dầu. Từ khi cha chúng tôi mất, mẹ tôi cứ phải di hành luôn giữa hai lục địa: Mỹ, Pháp tùy theo sự thu xếp của các con nhưng phần lớn thì mẹ tôi sống với tôi. Tôi dọn một căn phòng ngoài tòa soạn, sát cạnh phòng làm việc của tôi và sáng, chiều, tôi mang mẹ cùng đi làm với mình. Người lạ không chú ý cứ tưởng như mẹ tôi nói gì đó lầu bầu cả ngày khi mẹ tôi đi lại trong tòa soạn. Chỉ có những đứa con của mẹ tôi mới biết là mẹ tôi đang... ngâm thơ hay đọc ca dao. Những vần thơ chúng tôi vẫn nghe mẹ hát ru từ khi chúng tôi còn bé, nhấn mạnh đến tình yêu đất nước nhưng không biết ai là tác giả và tại sao lại sống mãi trong tâm trí mẹ tôi như thế:
Ước gì ta hóa ra chim,
Ta bay khắp xứ, khắp miền nước ta
Khắp nơi sông rộng, nước đầy
Cùng người sương gió đêm ngày ruổi giong,
Ước gì ta hóa con thuyền
Lênh đênh mặt nước khắp miền đó đây
Đợi khi khách muốn sang ngang
Có thuyền đưa khách sang sông vững vàng
Giã từ giữa ngọn đèo Le
Anh đi Bình Định em về Thừa Thiên
Đôi ta cách trở sông thuyền
Một lòng yêu nước ruột liền với da
Chia tay sông núi nghẹn ngào
Rừng sâu héo hắt, một màu ủ ê
Anh đi cho vẹn câu thề
Chừng nào thanh tịnh anh về với em.
Hay những câu thơ trách người phản bội quê hương:
Ai trồng cây cho người hái quả
Ai chăn tằm cho kẻ kéo tơ
Công ai xẻ gỗ trên ngàn
Công ai tát nước, đắp bờ quê cha
Công ai xây dựng san hà
Cho người bán rẻ giống nòi, người đi.
Tôi có hỏi cha tôi về xuất xứ của những câu thơ này thì cha tôi nghĩ rằng đây là những câu thơ được hình thành trong những ngày kháng chiến Nam Bộ. Dạo đó, những trí thức của miền Bắc bị Tây ruồng bắt thường chạy vào Nam, sống lẩn quất trong nông thôn Việt Nam làm nghề dạy học. Có thể đó là tác giả của những vần thơ này vì người miền Nam khi đó khó có thể làm thơ với “ngôn ngữ” bóng bẫy và nhiều địa danh đất nước như thế!
Phải chú ý lắm, phải nghe cả vạn lần rồi, chúng tôi mới hiểu tiếng mẹ tôi lầu bầu khi lủi thủi một mình là mẹ chúng tôi đang đọc thơ. Bởi vì trí nhớ mẹ tôi lúc đó đã không còn. Mẹ tôi đã không là người đàn bà với một tinh thần tự kỷ vô bờ. Do đó mà tôi phải nói gì, phải viết gì khi mà 3 giờ sáng đêm hôm qua, khi nghe tiếng động ở nhà ngoài, tôi thức giấc đi ra để lại nhớ một lần khác trong đêm, khi còn mẹ, tôi cũng đi ra như thế để thấy mẹ tôi ngồi giữa hành lang, thân thể buốt giá, đôi mắt lạc thần trong bóng đêm. Ánh sáng khi tôi bật điện làm mẹ tôi hoang mang thêm khi mẹ tôi thì thào: mẹ đi lạc từ chiều đến giờ. Con dẫn mẹ về nhà. Khi tôi ôm mẹ tôi và đưa mẹ tôi trở lại phòng thì mẹ tôi không còn leo lên giường một mình được nữa. Tôi bế mẹ đặt nằm dài trên giường, đắp chăn cho mẹ tôi nhưng vẫn không làm cho mẹ tôi tỉnh trí lại được. Tôi phải lên giường, chui vào chăn, ôm thân thể lạnh giá của mẹ tôi vào lòng, vỗ về: mẹ ơi, con đây mà, mẹ ngủ đi mẹ. Đây là nhà của mình, đây là giường của mẹ, mẹ không có đi lạc đâu, con không bao giờ bỏ mẹ một mình đâu.
Giấc ngủ sau đó đến với mẹ tôi thật bình yên. Tôi phân vân không biết khi tỉnh thức, mẹ tôi có nhận ra tôi. Hay bà lại như ông Reagan, tỉnh giấc với người vợ 50 năm bên cạnh vẫn thì thào: Bà là ai? Sao bà lại săn sóc tôi hàng ngày? Đây là đâu? Sao tôi ở đây? Nhưng tôi cảm nhận được sự bình yên của mẹ tôi khi tôi ở bên cạnh, khi tôi nắm lấy bàn tay của mẹ tôi trong tay tôi. Năm 2008, mẹ tôi mất ở Việt Nam và tôi không thể có mặt trong đám tang của mẹ tôi. Lời hứa của tôi với mẹ tôi trước khi mẹ tôi rời Hoa Kỳ không quan trọng với các anh tôi vì bây giờ mẹ tôi nằm xuống và an nghĩ ở quê nhà. Nhưng tôi hứa với mẹ tôi trước mộ cha tôi ở Nam Cali là khi mẹ qua đời dù mẹ ở đâu, tôi cũng sẽ đưa mẹ tôi về an nghĩ bên cạnh cha tôi. Và mẹ tôi đã tin vào lời hứa của tôi khi đó biết là bao nhiêu.
Nhưng sáng hôm sau lần “đi lạc” trong đêm, mẹ tôi nhận ra tôi ngay khi thức dậy, chỉ có điều mẹ tôi không nhớ gì về chuyện “đi lạc giữa đêm” của bà. Mẹ tôi không nhớ là phải. Như đêm qua, tôi thức dậy, đi ra hành lang và tôi như trông thấy mẹ, nghe tiếng mẹ tôi… Thực hay là mộng? Tôi như cầm nắm được bàn tay nhăn nheo với những ngón tay thon dài, mỏng manh của mẹ tôi. Đời người ... đi lạc giữa ban ngày là thường nhưng khi “đi lạc giữa ban đêm” thì người ta lại nghĩ đó là chuyện không bình thường, một giấc mộng . Tôi chỉ mong mẹ tôi khi nằm xuống ở quê hương, mẹ đã quên hết những phiền muộn của đời người, nhất là đời của một người lớn tuổi lưu vong, sống ở một nơi không có gì là quen thuộc, mẹ tôi chỉ còn nhớ những vần thơ yêu nước không biết xuất xứ tự nơi đâu và nhất là mẹ tôi cảm thấy được lòng yêu thương vô bờ của các con dành cho bà là đủ.
Mẹ tôi mất đã mười ba năm nay rồi. Tôi không quên mẹ tôi được khi mà hàng ngày, những thói quen, những món ăn, những chịu đựng của mẹ tôi đã là khuôn vàng thước ngọc để tôi đi qua cuộc đời này, hãnh diện được là con của mẹ tôi.
Mẹ ơi, con rất là nhớ mẹ.
Hoàng Dược Thảo
• Tùy Bút Hoàng Dược Thảo, Mẹ tôi
-
Người viết đánh giá
- Rated 5 stars
- Tuyệt vời
- Nguyễn Tùng Dương
- Reviewed by:
-
Published on:
- Last modified:
Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày 27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840. Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.
Email: saigonweeklyonline@gmail.com
Thư từ bài vở: 702-389-5729
Quảng cáo: 702-630-0234
Hotline: 702-426-4404