Lần đầu tiên tôi được thấy một cuốn sách của Graham Greene là năm bắt đầu vào trung học. Đó cũng là năm mà ông anh họ từ Mỹ trở về Việt Nam sau 9 tháng huấn luyện Biệt Động Quân ở Fort Benning, tiểu bang Georgia, trong thời điểm chính quyền Hoa Thịnh Đốn bắt đầu những chương trình huấn luyện các sĩ quan quân đội Việt Nam Cọng Hòa. Trong vô số những quà cáp lạ lùng đẹp đẽ mang về từ xứ Mỹ xa xôi, anh T. đã tặng tôi 1 cái quần Jean và cuốn sách “The Quiet American” của Graham Greene “để cho mi tập đọc tiếng Anh”.
Tôi chỉ nhớ lại là đã thich thú đọc hết cuốn sách này vì tiếng Anh được viết một cách khá dễ hiểu cho cái sức Anh văn lõm bõm của tôi và câu chuyện có những nhân danh, địa danh quen thuộc: Phuong, Hinh, Thế, Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, …
Sau này, khi “The Quiet American” trở thành nổi tiếng, trở thành một cuốn sách gối đầu giường, một bài học vỡ lòng loại “Vietnam 101” cho những ký giả ngoại quốc sửa soạn đến làm phóng sự chiến trường tại Việt Nam, tôi đọc lại “Người Mỹ Trầm Lặng” để thương cho nhân vật nữ Phuong (mà tôi đặt dấu là “Phượng” theo tên nhân vật nữ trong “Hoa Vông Vang” của Đỗ Tốn). Trong trái tim của đứa con trai mới lớn, tôi đã bắt đầu cảm nhận tình yêu quê hương bị ngoại bang dày xéo qua hình ảnh người con gái Việt bị trao đổi trong tay hai ngoại nhân Anh quốc (nhà báo Fowler) và Mỹ quốc (Pyle, nhân viên CIA ở Sài Gòn). Tình cảm lãng mạn yêu nước này đã làm tôi coi nhẹ cái thâm ý “chống đế quốc Mỹ” của Graham Greene mà giới trí thức thiên tả quốc tế đã sử dụng trong những hô hào phản chiến của họ giữa thời kỳ cao độ của cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Trước đó, Greene đã tạo cho mình một chỗ đứng đáng kể trong giới văn nghệ Anh ngữ qua tác phẩm “The Third Man” trích từ phim bản, do ông là tác giả, cho cuốn phim cùng tên. Qua tác phẩm “Người Thứ Ba” này, tài nghệ viết chuyện trinh thám, gián điệp của Greene nằm chững chạc trong giòng văn chương độc đáo của những tác giả bậc thầy của Anh từ Arthur Conan Doyle của thế kỷ 19 qua Agatha Christie, đến Ian Fleming ở cuối thế kỷ 20: Rất bí hiểm, rùng rợn làm nổi da gà, rất thông minh ý nhị, nhưng vẫn pha một tí khôi hài mát mẽ bên cạnh một ít mặn mà của hấp dẫn xác thịt. Đặc biệt phim này được Anton Karas viết kèm một bài nhạc chơi bằng đàn tam thập lục (zither) của vùng Bavaria, Áo, Phổ với âm vang réo rắt, chập chùng rất hợp với không khí rờn rợn của cuốn phim gián điệp của ngay đầu thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Mùa Thu 2004, năm năm sau khi Graham Greene qua đời trong ngôi nhà bên bờ hồ Léman, một tác phẩm viết về cuộc đời của nhà văn này cho biết ông vẫn là nhân viên của cơ quan tình báo Anh (MỊ-5) cho đến những năm tháng cuối đời. Điều này đưa đến một câu hỏi rất Graham Greene: Ông là nhà văn hành nghề gián điệp hay ông là gián điệp đội lốt nhà văn?
Cho đến mùa Hè năm 1970, tôi đã nhâm nhi đọc “Travels With My Aunt” một cách hứng thú trong suốt chuyến đi “ba-lô” từ Lausanne đến Triesta, xuyên qua Yougoslavia - bánh mì của những mụ già nhà quê Montenegro cứng như đá – vựơt biên gìới bắc Hy Lạp để giữ lời hẹn gặp bạn bè ở thành phố Delphi, nơi mà thần Zeus đã chọn làm trung tâm điểm của địa cầu.Và cũng như “The Quiet American”, tôi đã tìm thấy trong “Travels” của Graham Greene những địa danh quen thuộc song song với chuyến đi từ trung tâm Thụy Sĩ cho đến miền Nam của Âu châu. Những ngạc nhiên cuối cùng của “Travels With My Aunt” về hai nhân vật Mẹ và Dì của nhân vật chính, Henry Pulling, đã vỡ òa một cách thú vị trên những trang sách trước mặt trong ánh nắng chiều êm đềm chiếu nghiêng xuống chổ tôi ngồi đọc sách bên cạnh sáu cột đá im lặng của đền thờ Apollo. Đây là một trong những tác phẩm làm lộ rõ rệt văn chương phóng khoáng cả về đạo đức lẫn tôn giáo của Greene (cuộc chiến không ngơi nghỉ giữa niềm tin Thiên Chúa và sự bất toàn vẹn của nhân tính do chính Thiên Chúa tạo ra) mặc dù lúc ấy tác giả đã bước vào tuổi 65.
Cũng sắp đi vào cái tuổi đó của Greene, tôi thấy mình đang ngồi đọc lại “The End Of The Affair” dưới ánh sáng kỳ diệu, mờ ảo của tình yêu. Nhất là khi tình yêu đến rất nhanh và đi cũng rất vội. Nội dung “Affair” này là một cuộc tình tay ba giữa một nhà văn bắt đầu nổi tiếng trong Đệ Nhị Thế Chiến và người vợ cô đơn, nóng bỏng của một nhà ngoại giao Anh mà mọi người đều biết là phỏng theo mối tình tuyệt vời đã xãy ra giữa Graham Greene và Catherine Walston, vợ của một đại phú gia ở Luân Đôn. Cũng như trong những tác phẩm khác, Greene đã pha trộn một cách tuyệt kỷ những chất liệu yêu thương, nhung nhớ, hờn ghen, bồi hồi, lưu luyến, miệt mài, … trong bối cảnh của một dằng co giữa giá trị đạo đức của Công Giáo và tình yêu tinh khiết giữa một người đàn ông từng trải và một người đàn bà chin mùi. Dưới ngòi bút sắc sảo và thông minh của Greene, người đọc được dẫn dắt từng bước một vào một cuôc tình mê mệt giữa hai người chỉ biết yêu nhau với tất cả nguồn sinh lực mà vũ trụ cũng không có đủ không gian để dung chứa. Nhưng điều mâu thuẩn nội tại của tình yêu đó lại trở nên xót xa, bất hạnh một cách vô lý khi Sarah phải cầu với Thượng Đế là sẽ ngừng yêu người tình Bendrix nếu Thượng Đế giữ được cho anh ta thoát chết sau một trận mưa bom của Quốc Xã Đức trên không phận Luân Đôn. Nghĩa là người yêu dù có chết hay sống, Sarah cũng sẽ phải chấp nhận sự “chắp cánh bay xa” của tình yêu ra ngoài cõi ta bà mà nàng sẽ chỉ còn sống với niềm tin “Love doesn’t end just because we don’t see each other” (Không phải vì xa mặt mà cách lòng được). Cho đến hai năm sau khi mối tình tuyệt vời đó bị dang dở như một chuyến băng qua sa mạc ngút ngàn, hai người tình gặp lại nhau trong một trạng huống đau xót nhưng vẫn đầy yêu thương. Đây là thời điểm của những vẫy vùng để tìm lại đường xưa lối cũ. Graham Greene thổi vào hai nhân vật Sarah và Bendrix một nguồn sống mới mà chỉ có một tác giả rất điêu luyện mới có thể diễn đạt một cách vừa dạt dào vừa lung linh làm cho người đọc phải ngẩn ngơ.
Đọc xong “Cuối Cùng Của Một Cuộc Tình”, bỗng một thoáng ngậm ngùi làm se thắt con tim: Giá mà Sarah chỉ là Sarah và Bendrix chỉ là Bendrix (“and nothing else”) thì tình yêu sẽ nâng họ vượt qua mọi vướng bận của những giá trị cổ truyền trong xã hội để chỉ còn lại niềm hạnh phúc vô biên của nhiệt tình và sự tinh khiết.
*
Đoạn văn trên người đàn bà nhận được vào tuần lễ thứ sáu sau khi hai người không gặp lại nhau. Nàng đọc đoạn cuối và mĩm cười. Chàng loanh quoanh giải thích và nhận lỗi về những điều chàng đã biết là không cần thiết. Cuộc tình không có bắt đầu nên làm sao có chung cuộc. Tình yêu nở ra bất ngờ, cả hai đều không tiên liệu trước. Nhưng vì bất ngờ nên lại vô cùng tuyệt diệu khi cùng với tình yêu họ khám phá ra con người đích thực - bản lai diện mục - của chính mình. Con người đáng lẽ ra mình phải là như thế.
Với chàng, người đàn ông sống lặng lờ, sao cũng được, vùi sâu những ước vọng không thành, những tình cảm mơ hồ thời tuổi trẻ, chưa thành hình, chưa rõ mặt vào những công việc quen thuộc mỗi ngày. Khi ôm nàng trong tay, chàng như ôm trái tim cuả mình. Như những ngày vác ba lô đi khắp Âu châu muà hè, gặp gỡ mỗi nơi vài điều kỳ thú, vài điều bất ngờ, vài điều khác lạ nhưng tựu chung vẫn không phải là điều mơ tưởng cho đời mình dù chưa biết rõ nó sẽ ra nhau, như thế nào. Nàng hiện ra như một giấc mơ gồm tất cả những hình tượng, những cảm nghĩ, những mơ mộng của một thời tuổi trẻ như một mãnh thiếu của trò chơi nối ráp puzzle tìm hoài không ra, bỗng nhiên sừng sững trước mắt đến không ngờ.
Nàng chỉ im lặng trong thời gian đầu vì không biết nói sao, không biết giải thích gì với chính mình. Người đàn ông mở cho nàng những cánh cửa vào một khu vườn nàng chưa hề biết đến nhưng mỗi bước chân là một khám phá đến tê dại. Ôi, phải nói như thế nào! Khi qua bàn tay của một người mới biết về thân thể của mình. Làn da êm như lụa, mát lạnh dưới bàn tay ai kia là cuả ai! Tại sao nàng không hề cảm thấy sự êm ái cuả nó trước kia, trước khi bàn tay chàng chạm đến. Cả cái cảm giác rờn rợn chạy dài theo sóng lưng. Một đứa con gái nhỏ chưa trưởng thành sẽ cảm thấy gì khi trao thân lần đầu mà có cảm tưởng như người yêu đang trút vào thân thể cuả nó tình yêu bao la tuyệt vời của một đời. Đó có phải là ái ân? Hay đó chỉ là niềm khoái cảm miên man b ất t ận tất nhiên giữa đàn ông-đàn bà? Câu trả lời chưa có nên nàng thường im lặng khi nghe những nhận xét của người đàn ông giữa màu trắng lung linh tuyệt diệu của gối chăn: Tí ơi! Tí có biết thân hình Tí tuyệt đẹp hay không? Spectacular. Đôi môi em là đốm lửa hồng!
Ngôn ngữ tình yêu muôn màu, muôn hình vạn trạng nhưng không thể so sánh với những cảm xúc mà h ọ đã trút vào trong nhau. Điều gì đã xảy ra? Điều gì có thể giữ hai người bên nhau suốt ngày không cần đến ăn, đến ngủ? Đã bao lần nàng ân hận vì suốt thời gian bên nhau, không lo cho chàng được một bữa ăn toàn vẹn. Nhưng mỗi khi chia tay, khép cánh cửa rồi mới nhận ra điều đó. Nhận ra tiếng kêu trong cái bụng đói của chàng.
Như đã nói, vì không có một khởi đầu nên không có kết cuộc mà chỉ có những điều không thể. Mỗi lần gặp nhau, họ đều nghĩ, dều biết đó nên là lần gặp nhau cuối cùng. Rồi có tiếng gõ cửa, rồi có người mở cửa và ...
Họ đều là những người đọc Phật pháp, đều tự cho mình đã bước ra ngoài vòng cương tỏa cuả cuộc đời: công danh, tiền bạc, tiếng khen chê. Chàng lập đi, lập lại nhiều lần chữ “vô thường” để nói về tình yêu cuả họ. Nhưng nỗi nhớ thương thì thật là không vô thường. Hai tuần lễ đầu khi mới chia tay, người đàn bà bắt gặp mình thường lái xe trở lại những nơi chốn quen thuộc của hai người. Nàng chưa bao giờ đi vào một quán cà phê một mình nhưng giữa trưa, quán cà phê Mỹ thật vắng khác với buổi chiều họ ngồi bên nhau, gặp nhau lần cuối. Nàng nhìn xuống đôi bàn tay đầy gân xanh của mình và nhớ đến đôi tay chàng bóp chặt tay mình hôm đó. Khi yêu lắm chàng thường gọi: Tí ơi! Chiều hôm đó, chàng gọi nhiều lần “Tí ơi”. Nàng biết đời không thể khác nên khi quay lưng, ra xe, không quay đầu trở lại. Dù vậy, nàng cũng có thể nhận ra dáng chàng tần ngần giữa bãi đậu xe, hai tay buông thỏng và nụ cười gượng khi biết nàng trông thấy mình.
Hai tuần lễ kế tiếp, nàng thu xếp đồ đạc dọn ra khỏi nơi chốn cũ và ngạc nhiên khi thấy nước mắt mình không rơi một hạt nào, khác với trước đây, nàng khóc luôn, dù có hay không có chàng bên cạnh. Nàng thu xếp chỉ mang theo những vật dụng cần thiết, còn thì xếp vào thùng tất cả. Nhất là những bộ đồ ngủ. Nàng không thể trông thấy chúng mà không nhớ đến chàng, nhớ đến đôi bàn tay vội vã, đôi môi ấm áp. Tuy vậy, đồ đạc mang theo cũng nhiều. Để đến khi dọn về nơi ở mới, khi mở ra nàng lại phải đóng lại và mang ra cất ở nơi làm việc. Vật dụng nào cũng gợi nhớ quay quắt những hình ảnh cũ. Ngày cuối cùng trở lại, làm thủ tục warlk-though xem xét lại căn nhà trống trước khi giao chià khóa cho người chủ mới, nàng dừng chân trước cửa căn phòng ngủ trống trơn, ngập ngừng trước khi bước vào. Dưới thảm có một vật gì lóng lánh. Nàng cúi xuống và nhận ra đó là chiếc hoa tai mà trước đây nàng tìm hoài không ra khi chàng vội vã kéo chiếc áo lót ra khỏi đầu nàng sau một chuyến đi xa, trở về. Đến lúc đó, nàng mới bật khóc. Nàng cúi xuống hôn cái nền thảm mà như hôn nỗi tuyệt vọng của mình.
Nhưng đó là những hạt lệ cuối cùng. Sau đó nàng thấy mình sống với một con người khác. Bởi vì những phần thân thể của nàng như không còn thuộc về mình. Không còn bàn tay chàng vuốt ve, làn da nàng như biến dạng, không còn hiện hữu. Trước đây, mỗi lần tắm xong, nàng thường thoa kem đều khắp thân. Khi phát giác ra mình đã bỏ qua thói quen này, nàng phân vân: tình yêu “vô thừờng” này đã hủy diệt mình đến như vậy ư? Tại sao lại như thế? Tại sao trong vô thức lại có thể bỏ qua một thói quen từ nhiều năm này. Nhưng đó không phải là điều duy nhất. Chỉ biết là từ đó nàng sợ, sợ thân thể của chính mình, không còn muốn nhìn nhận nó là... của mình.
Đoạn văn biện bạch, giải thích như một lời nhận lỗi trên đây của chàng có lẽ là điều duy nhất từ khi họ yêu nhau, nàng không muốn giữ. Trong ngăn tủ bàn làm việc, nàng giữ lại từng cái note nhỏ chàng dặn dò một điều gì đó. Cái địa chỉ lấy kính. Điện thoại của nơi xe bị tow. Bài viết khi bố mất. Yêu Tí mãi mãi, hoài hoài. Ông BX. Ba Xạo hay Billion Xạo. Cái equation bí mật 61+ 56= 7O. 469, 459, always. Nirvana 2452. Những giòng chữ của một người lãng mạn. Cánh cửa tình yêu khép lại nhưng đôi mắt bồ câu còn mở to. Vì Tí mà từ hôm nay anh sẽ theo đạo Cao Đài. Nhưng thay vì một thì anh sẽ thờ hai con mắt. Tí đi ra khỏi thành phố này thì anh lại buồn khi biết rằng Tí không thở cùng một bầu không khí trong thành phố này với anh. Trong ngăn lạnh của tủ lạnh nàng còn giữ nửa cái sandwich của lần đầu cùng ăn trưa với nhau.
Sáng hôm nay, nàng chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Mỗi lần máy bay chui vào trong giữa những tầng mây trắng không hiểu sao trong trí nàng lại nhớ đến hai câu thơ của Hoàng Quốc Bảo:
Nói với người đường xa đã đi
Không lối về, biển mù sương che...
Nàng thu xếp áo quần và nhớ về chuyến du hành huyễn hoặc như “Travels With My Aunt” của Graham Greene trong giấc mơ đêm qua, chuyến xe lửa chở hai người đi qua một vùng núi tuyết. Không khí bên ngoài rất lạnh mà thân thể nàng rất ấm.