• Phiếm Dị - Đào Nương  (April 26/2020) THÁNG TƯ, NGHĨ GÌ, NHỚ GÌ?

Phiếm Dị

• Phiếm Dị - Đào Nương   

www.saigonweeklyonline.com (April 26/2020)
 

THÁNG TƯ, NGHĨ GÌ, NHỚ GÌ?




Cuối tháng ba, bạn viết thư hỏi thăm: mau ghê mới đây mà đã bốn mươi lăm năm chúng ta không còn đời sống cũ. Bạn hỏi tôi nghĩ gì, nhớ gì ngày ba mươi tháng tư? Còn chút nào trong bạn, cô sinh viên ngày xưa bên vườn dược thảo...

Hôm qua, tôi về muộn. Trong thanh vắng của đêm, không hiểu sao lại nhớ như in, lại như nghe thấy đâu đó tiếng người chạy rần rần trên đường phố của một chiều 29 tháng tư, 1975. Từ làng báo chí Thủ Đức, ba mẹ con tôi đi về gia đình người chị ở đường Trần Quý Cáp Sàigòn vì đường lên Gò Vấp, nhà của ba mẹ tôi đã không còn đi được nữa. Bốn giờ rưỡi chiều, tôi đã quyết định và khuyến khích cha mấy đứa nhỏ nên mạnh dạn tìm đường thoát thân, không cần lo cho ba mẹ con tôi vì tôi có quốc tịch Pháp. Cái quyết định mà sau này gia đình hai bên khi đứng trước sự tan vỡ của chúng tôi thường cho rằng đó là một sự lầm lẫn.

Tôi không biết nói sao. Chỉ biết trong trí  tưởng tượng của tôi lúc đó chỉ có một điều duy nhất: sự  an nguy của người đàn ông. Không vướng bận vợ con chắc chắn rằng sẽ dễ dàng hơn để đào thoát. Nhưng đêm 29 tháng 4, khi nằm trên lầu ba của nơi ở tạm, tôi nghe tiếng người chạy rần rần trên đường phố mà cảm thấy lần đầu tiên sự thay đổi của thành phố này. Cơ sở MACV ở bên kia đường đã bị phá cửa từ sáng sớm và người đi hôi của lúc đầu còn ngần ngại nhưng đến chiều thì tha hồ ra vô thoải mái, tiếng người hò hét chỉ cho nhau nơi chốn để lấy được đồ giá trị, tiếng xe gắn máy, xe hơi vọng lên, tôi chỉ biết nằm im, lắng nghe tiếng thì thầm của gia đình người chị về việc đi hay ở. Nghe nói còn một chuyến tàu chót tối nay của đề đốc Chung Tấn Cang? Ngày mai là hạn chót phải gặp.

Những đêm cuối cùng này, Việt cộng pháo kích vô tội vạ vào thành phố Saigon. Người trong nhà rủ nhau chui rúc ở tầng dưới cùng để tránh pháo kích. Các con tôi, phần lạ nhà, phần khác, trí óc trẻ thơ của chúng cũng đã kinh hoàng cho cảnh tượng ngoài bến tàu Saigon buổi chiều khi tiễn bố đi nên khóc lóc, ôm  chặt lấy mẹ. Tôi không muốn làm phiền gia đình người chị dâu. Lại còn con nhỏ người làm khóc lóc sợ lạc cha, lạc mẹ...  Tôi không mang các con xuống dưới nhà như mọi người. Vừa cố ru con ngủ, tôi tự nhủ: sống chết có số, vừa cầu nguyện cho người ra đi bình an.

Bạn ta,

Tôi lập gia đình khi còn quá trẻ để biết thế nào là trách nhiệm nặng nề của một người mẹ, nhất là một người mẹ trẻ trong hoàn cảnh đất nước, chiến tranh điêu tàn. Tuy nhiên, không biết gì hết mà lại hay. Tôi nghĩ, nếu ngày đó, tôi hiểu biết nhiều hơn về tình hình đất nước, chắc là tôi sẽ sợ đến chết khiếp đi được. Trí óc tôi ngày đó chỉ có một điều: ngủ đi, ráng qua đêm nay, sáng sớm, tìm cách mang các con về với cha mẹ. Thế là yên. Thế là xong. Nếu ngày đó, tôi biết được rằng đất nước chúng ta đang đi vào một trang sử thảm thiết bi ai cho những người đã sống tại miền Nam trước 1975 thì chắc tôi không thể hồn nhiên như tôi lúc đó. Tôi dỗ các con tôi mà như dỗ chính mình: ngủ đi con, ngày mai mẹ con mình đi về với ngoại.

Sáng 30 tháng 4, chị tôi từ dưới lầu lên cho biết ông Dương văn Minh đã đầu hàng và bộ đội VC sẽ vào tới dinh Độc Lập vào trưa nay. Tôi nghe, cũng chỉ có một ý tưởng duy nhất trong đầu: phải đi về ngoại. Có cha tôi bên cạnh là yên, là đủ. Vả lại, trước đó, tôi cũng như đa số bạn bè tôi đều nghĩ rằng: không lẽ VC vào để giết hết dân miền Nam, mình chỉ là một người dân vô tội.

Vì thế mà những ngày tháng tiếp theo, cho đến khi cha mẹ tôi bỏ mẹ con tôi lại một mình đi về Pháp trước, dù bất khả kháng, khỏi nói thì bạn cũng biết là tôi tuyệt vọng và kinh hoàng đến mực nào trong thành phố Saigon đổi chủ. Tôi sống lầm lũi không nói năng. Tôi sống với điều mới vừa được biết từ những người công an Sở  Người Nước Ngoài: tôi là một người có tội. Cái tội không biết động viên chồng theo đường lối Cách Mạng. Cái tội “đương nhiên” của bất cứ người đàn bà miền Nam có chồng “Ngụy”. Sau đó, tôi lại sống với một ý nghĩ duy nhất: phải rời khỏi Việt Nam. Tôi đã có thông hành của Pháp. Tôi đã có vé máy bay do Tòa Lãnh Sự Pháp tại Saigon cung cấp. Tôi nói với cha tôi trước ngày ông lên đường: trong vòng sáu tháng nếu tôi không có hy vọng gì ra khỏi Việt Nam, tôi sẽ kết liễu đời mình cùng hai đứa con. Tôi không thể nhìn thấy các con tôi giống như những đứa bé con trên đường phố Saigon “giải phóng” bấy giờ, mỗi đứa một cây chổi được cha mẹ biến chế vừa tầm cở để đi quét đường làm vệ sinh đường phố để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ. Tôi bướng bỉnh chống đối một bà thiếm dâu vào từ Hà Nội khi bà phê bình con gái Saigon bảo hoàng, thực dân, nô lệ tư bản khi áo dài tha thướt, khăn vành hoàng hậu khi nhìn thấy hình ảnh đám cưới trong Nam, khi cố tình mặc những cái áo dài đẹp nhất của mình dù gió, nắng Saigon không còn như những ngày tháng cũ. Tôi, sinh viên với áo luạ vàng. Buồn cười nhất là chỉ một năm sau, bà thiếm lại theo xin vài cái áo dài khi đi dạy học vì... ai cũng mặc áo dài, thiếm mặc áo ngắn thật khó coi. Tôi chỉ tiếc là khi đó, tôi lại không còn nhiều áo, dù đó là “tàn tích” của thực dân, phong kiến, không đúng tác phong của người của XHCN. Một số bây giờ thành cũ, một số khác cho bạn bè để chúng may áo cho con, không có để cho bà được nữa.

Ông chú cán bộ cao cấp của tôi, một sinh viên Hà Nội thời cuối thập niên 40, tập kết ra Bắc đã trả lời khi tôi hỏi về câu nói của Bác Hồ: Không có gì quý hơn độc lập, tự do, thế thì tự do ở đâu. Dân miền Nam không có tự do đã đành, còn dân Bắc, những người đã “góp đời cho cách mạng để giải phóng miền Nam” cũng nghèo đói thảm thương, cũng không được tự do. Làm gì có cảnh: khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi thăm, Huế-Saigon-Hà Nội của nhạc TCS. Ông từ tốn đưa bát ăn cơm, loại bát Bát Tràng đem từ Bắc vào Nam méo mó để bảo rằng chúng ta có tự do chứ, tự do trong cái bát này. Câu trả lời đó bây giờ nghĩ lại, thật hay và đúng từ một người có 45 năm kinh nghiệm về cộng sản. Người dân Việt từ nay được sống “tự do” chỉ để có miếng cơm, đừng mong ước nhiều hơn.

Những cô bạn của tôi, bọn sinh viên Saigon, trước đây được cha mẹ lo cho từng chút, một thời áo luạ, thơ thơ, thẩn thẩn, bây giờ, một sớm, một chiều, phải lo gạo cho đầy bát cơm con, khoắc khoải nghe ngóng tin chồng đi cải tạo, lúc nào cũng bị cái mác “vợ ngụy” treo ngang cổ, không đi làm thì cũng sợ mang tiếng là phản động, đi làm thì chưa có lương mà con thì không ai trông. Hãi nhất là cảnh tụ họp trong sân trường, chia thành tổ để học hát những bài ca “cách mạng” mà chưa biết điều gì sẽ chờ đón mình trong những ngày sắp tới.

Ông chú cán bộ vào Saigon được cha tôi chia cho một chiếc xe Honda mừng còn hơn được vàng, chở ngay ra Bắc, ngày nay đã ra người thiên cổ. Những đứa em họ bây giờ dẹp cả mồ mả ông bà qua một bên, chiếm đất xây nhà lầu đóng vai tư bản đỏ trong khi gia đình tôi giờ phân tán tứ phương, vài năm anh em mới gặp nhau một lần như tất cả những gia đình sinh sống ở miền Nam trước 1975. Cha mẹ tôi tuổi già nơi xứ người, khi còn tại thế, lâu lâu nhận được vài lời nhắn nhủ về việc sao không gửi tiền về trùng tu nhà từ đường. Bầy con cháu cán bộ, ủi xập mồ mả ông bà xây nhà lầu cao kế bên trong khi ngôi nhà từ đường không chiếm hữu được thì chúng để nguyên, sửa làm gì? Thư cuối cùng của chú tôi mà cha tôi nhận được thắc mắc: các con của anh tại sao chúng lại thù hận Cộng Sản đến thế. Cộng Sản làm gì chúng nó...

Bạn ta,

Bạn hỏi tôi nghĩ gì, nhớ gì vào ngày ba mươi tháng tư? Vật đổi sao dời, bạn ta. Thanh hải biến vi tang điền. Từ những bãi dâu, con đường Bolsa ở quận Cam đã biến thành một thủ đô của người tị nạn với bảy cái nhà băng trong vòng hai dặm đường. Người ta nói chuyện giải phóng đất nước, người ta nói về cương lĩnh chính trị, nói về cách mạng, nói về tuyên ngôn chính trị như người ta gặp nhau để kháo cho nhau về một tiệm phở mới mở có hương vị phở Hà Nội năm nào, rồi người ta rủ nhau đi về Saigon vui chơi… Lâu dần, không ai để ý, không ai buồn nghe, cứ một hội được lập ra thì y như rằng sau một thời gian sẽ có một cuộc ly khai. Ai cũng căm thù Cộng Sản nên từ đó nhìn đâu người ta cũng thấy Việt Cộng, Việt gian. Tha hồ vu cáo, chụp mũ nhau là Việt Cộng, Việt Gian rồi lại hồ hỡi rủ nhau về Việt Nam thăm quê hương, xin “job” với Việt cộng, xin được làm Việt gian.

Tuy nhiên bạn ạ, cũng không phải là cái gì cũng xấu. Bốn mươi lăm năm qua. Bầy trẻ Việt ra khỏi nước khi mới năm, ba tuổi như con tôi, con bạn nay đã trưởng thành, đã thành nhân. Cũng không ít trẻ vẫn còn nhớ về nguồn cội của mình. Chúng thông minh lắm, sáng suốt lắm, đã “phê bình” người lớn về nhiều phương diện nhưng cũng thông cảm lắm lắm. Bố mẹ chúng sang đây, một đồng, một chữ cũng không, nói tiếng Anh bằng tay, nuôi dạy chúng nên người đâu phải là chuyện nhỏ.

Hai đứa con tôi ngày ra khỏi nước mới lên ba, lên một. Ký ức chúng về Việt Nam thực không có gì nếu như tôi không được sống với cha mẹ tôi. Nhờ sống với ông bà ngoại, các cháu nói tiếng Việt tương đối khá so với nhiều trẻ Việt chung quanh. Quận Cam nhiều người Việt nhưng chỉ tiếc những trẻ Việt hầu như không còn nói được tiếng Việt. Có em chỉ có tên Mỹ không có tên Việt Nam. Cái khổ là chúng cứ nhìn vào những tệ trạng trên đường phố Bolsa rồi kết luận rằng đó là Việt Nam, mà quên đi những cá tính tốt của người Việt Nam. Có lần tôi đã được nghe một nhà văn nữ Việt Nam ca tụng đàn ông Mỹ không tiếc lời rồi kết luận là đàn ông Việt Nam không ít thì nhiều cũng vướng vào một trong tứ đổ tường lại... xấu trai. Hỏi lại mới biết bà có kinh nghiệm xấu với đời chồng Việt rồi mới lập gia đình với một người Hoa Kỳ. Tôi thật không vui khi nghe điều này nghĩ đến cha tôi, đến những người bạn tốt của tôi.  Không biết, không có cơ hội biết đến tinh thần quân tử thâm trầm của người chồng, người cha Đông Phương, thì thật là tội nghiệp cho một người đàn bà Việt Nam.

Năm 1996, cha tôi ngã bệnh nặng. Cuộc phấn đấu cuối cùng của một đời người sao mà lặng lẽ quá. Bốn bức tường vôi, một trời xứ lạ. Tôi nương tựa vào cha tôi ngày 30 tháng 4, 1975 như thế nào thì cha mẹ tôi nương tựa vào tôi nơi xứ người như thế ấy. Cái nôn nóng, đêm ngày 29 tháng 4, 1975 trên lầu ba nhà người chị khi tạm trú tôi đã mong được gặp lại cha tôi như thế nào thì bây giờ mỗi khi tôi đi xa về, tôi bắt gặp lại nét reo vui, bình yên mong đợi đó trong mắt nhìn của cha mẹ già dù cha tôi đang mỏi mệt đến đâu.  Do đó mà bạn ta, bạn hỏi tôi nghĩ gì mỗi khi ba mươi tháng tư? Nếu được phép sống lại đời mình thì tôi sẽ ra sao bốn mươi lăm năm qua?

Có thể là tôi... vẫn lập lại những lầm lỡ cũ. Bởi vì tôi có quá nhiều kỷ niệm dễ thương hay... đau thương trong đó. Như những buổi chiều chạng vạng tối, cha tôi chờ tôi bên kia đường của Sở Người Nước Ngoài tức Sở Ngoại Kiều cũ ở trên đường Võ Tánh. Tôi bị Công An Việt cộng thẩm vấn từ buổi trưa về tình trạng mất tích của người chồng ra đi vào ngày 30 tháng 4. Nét mặt đau đớn, kinh hoàng của tôi khi ra khỏi căn nhà u ám với những ngọn đèn vàng leo lét đó chắc làm cha tôi đau lòng lắm. Con đường trở về nhà tối đen, cha tôi chở tôi đi trên chiếc Honda Dame và người không nói năng gì, chỉ bóp nhẹ bàn tay tôi đang ôm vòng bụng người và vỗ nhè nhẹ. Trời chiều hôm đó mưa bay khi nặng, khi nhẹ. Tôi thương cha tôi quá nên không còn biết rõ những hạt nước trôi vào miệng mình là nước mắt hay nước mưa. Tôi chỉ biết rõ một điều, những hạt nước đó đã thay đổi cuộc đời tôi vĩnh viễn: mãi mãi tôi chỉ muốn làm một người đàn bà Việt Nam lụy chồng, lụy con, thương cha mẹ và yêu thương đất nước, dân tộc của mình. Đó là lý do mà bạn ta ơi, tôi luôn luôn có thừa can đảm để nhận lấy trách nhiệm của mình nhưng cùng lúc lại là một người đàn bà nhà quê, sống không khác cái đời bốn mươi lăm năm về trước tại quê nhà là bao nhiêu.

Không biết bạn và tôi chúng ta sẽ có thêm bao nhiêu năm nữa để mà hy vọng Việt Nam sẽ thay đổi? Đất nước chi mà từ hoàn cảnh địa lý, nhân văn đều khắc nghiệt, giòng máu anh linh trôi đi cùng với rác rưởi bao nhiêu năm nhưng vẫn không trộn lẫn, hòa đồng. Thời nào, thế nào cũng có người vươn lên, rực sáng, đáng để cho chúng ta hy vọng.

Bạn đừng hỏi tôi mong ước gì? Tôi chỉ mong tôi sẽ được như mẹ tôi lúc tuổi già tóc bạc, hoa  râm, lẩm nhẩm đọc kinh sớm tối dù trí óc đã lẫn lộn, câu còn, câu mất, đang niệm kinh thì lại nhớ đứa con này ở xa, đứa cháu kia ở gần, không biết bây giờ ra sao? Cái bà già lẩm cẩm đó vậy mà “powerful” lắm lắm. Bởi vì bà phán gì là bọn con cháu im thin thít, dạ rân nhà. Chúng im vì chúng yêu bà lắm đó mà... Bởi vì bà là ngọn đuốc soi đường, bà làm cho những đứa cháu sống như Mỹ con, Tây con nơi xứ người đều luôn luôn nhớ rằng chúng có một quê hương Việt Nam trên vai, xa thật đó nhưng cũng thật gần. Bởi vì bà của chúng là một người “bà già” Việt Nam và nhất là những món ăn của bà thì thật là ngon tuyệt. Bà đã mất, bao nhiêu năm rồi, nét mặt bà có đứa đã quên nhưng món ăn của bà, tính ngăn nắp của bà thì hình như không có đứa nào quên.

Bây giờ là 12 giờ đêm. Tôi bâng khuâng nhớ đến những người bạn văn bây giờ đang nằm “rải rác” đâu đó không xa nơi mộ của cha tôi, “họ” cùng ngắm chung những vì sao đêm của cùng một bầu trời. Chúng ta đã mất đi hầu hết những người cầm bút, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo của Việt Nam tự do và đất nước Việt Nam thì ngoài những cái building tráng lệ, chưa có một điều gì để chúng ta có thể tự hào cho dòng máu Việt Nam mang trong người. Những người đã nằm xuống chắc cũng đau thương lắm chứ khi nhìn lại làng báo Việt Nam ở hải ngoại? Và chúng tôi, những người muốn sống bằng ngòi bút một cách lương thiện để bảo vệ chính nghĩa của quốc gia, dân tộc, bảo vệ văn hoá  Việt Nam, chúng tôi làm sao còn đủ thời gian và cơ hội để gầy dựng lại một đất nước, con người như miền Nam Việt Nam thời trước 1975?

Tháng 4 năm nay, 2020, nghĩ gì?


Hôm nay là ngày 26 tháng 4, năm 2020. Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nơi trên thế giới không thể tụ họp để tưởng niệm ngày mất miền Nam Việt Nam vào tay Việt cộng vì đại dịch Coronavirus. Riêng tại Hoa Kỳ thì cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại có thêm một vấn đề “to lớn” hơn là vấn đề tưởng niệm 30 tháng 4: đó là vấn nạn “pro” hay “con” tổng thống Donald Trump.
Trong tuần qua Đào Nương tôi có nhận được hai bài viết của những “fan” của ông Trump. Một bài có tựa đề là Một ông tổng thống đáng được kính trọng và một bài viết về ông Bill Gates rất dài để tố cáo  “lịch sử” ông Bill Gates là “công cụ” cho Trung Cộng khi chỉ trích cách chống dịch Corona của tổng thống Donald Trump. Bài viết về ông Bill Gates rất dài. Thật tình, Đào Nương tôi không thể hiểu được xuất xứ của những bài viết này. Nếu nhằm mục đích lôi kéo cộng đồng Việt Nam vào những cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ sắp tới thì thực tế đã chứng minh, phiếu bầu của cử tri Việt Nam tại các địa phương Hoa Kỳ thường không đáng kể để các ứng cử viên Hoa Kỳ quan tâm.

Việc một số người viết bài thường xuyên phát tán trên mạng để ca tụng ông Trump thật ra thì cũng không có gì để phải phàn nàn vì đó là quan điểm của  họ, họ không buộc ai phải nghe, phải đọc nếu không muốn đọc. Nhưng thật không may, nếu có một bài viết nói lên những sự thật về tổng thống Trump thì người viết bài sẽ bị tấn công, chửi rủa tàn tệ bởi những fan của tổng thống Trump. Nhưng nếu phải chọn lựa người để đặt niềm tin tưởng vào thì đa số sẽ chọn ông Bill Gates để mà tin hơn là tin lời ông Trump vì ông Bill Gates không khi nào “nói lộn” để rồi phải “nói lại” đều đều như ông Trump. Chúng tôi, những người không được thông thái như các “fan” của ông Trump chỉ biết thưa rằng những hành động, ngôn ngữ, quyết định của ông Trump trong 3 năm qua không thuyết phục, không làm cho chúng tôi tin tưởng được nơi ông ấy.

Nhưng Hoa Kỳ là một quốc gia dân chủ mà, thôi thì xin quí vị ráng chịu cho đến mùa bầu cử tháng 11 năm nay. Mà nếu ông Trump vẫn được bầu làm “vị tổng thống đáng kính trọng” thêm một nhiệm kỳ nữa thì cũng đâu có sao đâu? Miễn là con số 26 triệu người Mỹ đang thất nghiệp sẽ được ông giúp để ai cũng có lại đời sống ổn định như trước đây là được. Con virus Corona phát xuất từ đâu, vì sao “nó” bò được sang Hoa Kỳ, bò được ra toàn thế giới, “nó” đến đâu lúc nào, đi máy bay hay đi theo container hàng hóa của Trung Cộng thì tất cả đều sẽ được “truy nã” ra thôi sau khi “nó” bị đè bẹp, đẩy lui. Dù sao thì cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng nên viết một kiến nghị gửi lên cho Tòa Bạch ốc (sau khi tìm được người dịch dùm những bài viết “ca tụng” ông Trump nhiều khi rất… khó hiểu) để xin trình báo lên tổng thống Trump về những “nhân tài” đáng lẽ phải được mời vào Tòa Bạch Ốc để làm cố vấn cho ông Trump từ 3 năm trước nhưng lại không được trọng dụng khiến họ chỉ đưa ra những ý kiến tôn sùng, cố vấn cho ông Trump cho bọn đồng hương gốc Việt đọc hay nghe qua rồi bỏ thì thật là phí phạm. Những thành quả của ông Trump qua những bài viết của những “fan” này thì thật Đào Nương tôi thấy ngay cả đài Fox hay những cận thần bên cạnh ông Trump cũng chưa nghĩ được ra như thế. Chỉ mong rằng nếu có được các cố vấn gốc Viêt này bên cạnh, Cô Vi sẽ sợ hãi họ như chúng tôi đang sợ họ mà không còn dám trở lại để “hành hung” người vô tội vì công ăn, việc làm, vì thiên chức nghề nghiệp mà phải gặp gỡ “Cô Vi” hàng ngày. Riêng bọn “thiểu số” có tội (cái tội không kính trọng và không tôn sùng ông Trump) thì cũng xin cam kết là không “dám” phê bình hay có ý kiến về ông Trump nữa để hy vọng khi ông “thiên sứ nhà trời” ra tay mở cửa “tiệm USA” thì Cô Vi cũng vì sợ ông mà không tác yêu, tác quái để nhà nhà có việc làm, con nít được đến trường trở lại là vui rồi.


Thật ra, xem tin tức hàng ngày thì  ai cũng phải thương ông Trump hết. Càng ngày, ông ấy càng xuống sắc thấy rõ. Ông lại không có phát ngôn viên đỡ đòn khi bị bọn nhà báo “mất day” tấn công nên khi ông ấy thường đi chỗ chết tới bị thương là vậy. Không ai có thể tin là “một vị tổng thống đáng kính trọng” lại bảo dân tiêm thuốc tẩy vào người để diệt virus cả? Something’s really wrong here.

30 tháng 4 năm nay, 2020, thế giới thì chỉ bị con “corona” hành hạ nhưng người dân Hoa Kỳ thì vừa bị Corona hành, vừa thương “vị tổng thống đáng kính” mà sự nghiệp kinh tế vĩ đại xây dựng trong 3 năm tan tành trong 3 tuần lễ. Xem ra Hoa Kỳ không còn nhân tài nên xung quanh vị tổng thống đáng kính này không còn thấy ai.

Nhiều tranh cãi về hiệu quả thực tế giữa hai chế độ dân chủ kiểu tổng thống chế của Mỹ và dân chủ đại nghị ở châu Âu và nhiều nước khác ở châu Á và châu Phi đã xẩy ra từ nhiều năm qua. Vì hậu quả chính trị của Hoa Kỳ không chỉ thuần túy nằm trong lãnh điạ của nước này khi Hoa Kỳ là siêu cường quốc lãnh đạo thế giới. Sự tranh chấp lưỡng đảng chính trị tại Hoa Kỳ ngày nay đã đưa quốc gia Hoa Kỳ đến bờ vực phá sản về mọi mặt: kinh tế, y tế, xã hội, giáo dục. Nếu không có một cuộc cách mạng về chính trị thì sự suy vong của quốc gia này có thể coi như vòng bánh xe luân hồi: sau 300 năm thịnh trị, con đường thoái hoá của cuồng quốc này có phải sẽ là điều khó tránh? Hay là người dân sẽ biết họ đang ở trên ngưỡng cửa của một thời đại mới, một thời phải thay đổi, phải thấy cần, thấy muốn hy sinh, chia sẻ, người lãnh đạo thì cảm được sự thôi thúc nôn nao muốn tìm được hướng phải đi, phải tìm đường để thay đổi một xã hội đã dần dần không còn sinh khí. 

Ngày nay, tinh thần kỳ thị, chia rẻ về đảng phái khiến quốc gia này gần như bị tê liệt. Tổng thống Obama vào cuối năm 2016 trong một cuộc họp báo trước khi rồi Tòa Bạch Ốc đã cho biết rằng 2  năm sau cùng của nhiệm kỳ hai, các lãnh tụ của quốc hội Cộng Hòa đã cho ông Obama biết trước là ông không nên có bất cứ một quyết định quan trọng gì và sau đó, họ không tiếp điện thoại của tổng thống Hoa Kỳ Obama. Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump và lưỡng viện quốc hội Cộng Hòa đã coi sự hiện diện của đảng Dân Chủ như không có. Hơn một năm nay, Hạ Viện Hoa Kỳ nằm trong tay Dân Chủ, Thượng viện thì Cộng Hòa nhưng không có đủ túc số tuyệt đối, bên cạnh đó là vị tổng thống đáng kính trọng” Donald Trump nên trước khi “Cô Vi” tấn công, đất nước này đã đối diện nhiều khó khăn. Điều này thể hiện rõ rệt qua vụ chống dịch bệnh Corona. Hay nói theo ngôn ngữ bình dân thì Hoa Kỳ đã không còn là Hoa Kỳ của ngày xưa nữa.

Tháng 4 năm nay vì thế thật là buồn.

Đào Nương


 

 

Kiều Mỹ Duyên, Đại Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt Năm 2024
Đại hội quân nhân người Mỹ gốc Việt năm 2024 được tổ chức lúc 5 giờ chiều chủ nhật, ngày  27/10/2024 tại Great Wolf Lodge, 12681 Harbor Blvd., Garden Grove, CA 92840.           Các chiến sĩ Hoa Kỳ hưu trí cũng như hiện tại đến trước giờ khai mạc, cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ. Quân nhân trong bộ quân phục oai nghi không kém gì lúc ở chiến trường, bên cạnh người chiến sĩ nào cũng có bóng dáng giai nhân. Nếu người đó có gia đình hoặc có cha mẹ thì cha mẹ cũng hiện diện bên cạnh con của mình. Đó là niềm hãnh diện của gia đình có con là chiến sĩ Hoa Kỳ, cũng như ngày xưa ở Việt Nam mỗi lần đón chào đoàn quân chiến thắng trở về thành phố.
Tòa soạn
Do công ty Saigon News LLC thực hiện
Editor-in-chief: HOÀNG DƯỢC THẢO
Director of Marketing: ANDY TRƯƠNG
Với sự cộng tác của: LÊ TẤT ĐIỀU, HOÀNG NGỌC NGUYÊN, NGUYỄN THỊ CỎ MAY, TRẦN TRỌNG HẢI.

Email: saigonweeklyonline@gmail.com

Thư từ bài vở: 702-389-5729

Quảng cáo: 702-630-0234

702-426-4404

Hotline: 702-426-4404

back top