• Nghé Ngọ Thân Ái
31 tháng 3, 2020@ Corporight by www.saigonweeklyonline.com
Những dòng sông ly biệt...
Nguyễn Văn Nhỏ - New YorkNghé Ngọ thân mến,
Em rất mừng khi thấy đoc được www.SaigonWeeklyonline.com để được gặp lại Nghé Ngọ. Em rất yêu cái “mục” Nghé Ngọ này lắm đó! Em thấy Nghé Ngọ có vẻ yêu thơ và làm thơ rất hay. Em là người Việt gốc Hoa nên muốn xin chép tặng Nghé Ngọ và các bạn gái vùng Tiền Giang, Việt cũng như Hoa một bài thơ tiếng Hán có tựa là “Tiền Giang Hành”, một bài thơ Về Tiền Giang:
Gia lâm Cửu Giang trắc
Lai khứ Cửu Giang trắc
Đồng thị Tiềng Giang nhân
Sinh tiểu bất tương thức.
Bài thơ có nghĩa là nhà đôi ta đều ở bên dòng Cửu Long, anh qua lại sông ấy đã bao lần, đôi ta đều là người vùng Tiền Giang, nhưng thuở ấy đôi ta còn bé nên đã không hề quen biết nhỏ. Còn bây giờ thì...
Bài thơ này của một ông Tàu có tên là Thôi Hiệu. Xin Nghé Ngọ đừng có đọc lái và hiểu lầm nhé mặc dù ông Tổng Thống hồi trước cũng đi theo cô Sáu Mỹ Tho. Bài thơ này em học lúc còn bé, bây giờ mới hiểu và thấy hay quá. Nếu em có nhớ trật vài chữ thì xin Nghé Ngọ thứ lỗi và xin ông Thôi Hiệu thông cảm cho. Em rất chậm hiểu và nhiều khi cứ hiểu lầm hoài hà.
Em xin chúc Nghé Ngọ đủ mọi thứ “hầm bà lằng” tốt đẹp và cái mục Nghé Ngọ Thân ái càng ngày càng có nhiều bạn trẻ vào đọc để biết them về những điều Nghé Ngọ biết mà tụi em, tuổi trẻ chưa biết.
Đáp: Cám ơn “em” đã có lòng yêu mến Nghé Ngọ. Nghé Ngọ cũng nghe nói rằng “em” không thực sự... nhỏ như tên mà “em” là một ông già đóng vai con nít để chọc cho người ta vui. Bởi vì theo suy luận của Nghé Ngọ thì ông Thôi Hiệu đời Đường bên Tàu làm sao ông biết về sông Cửu Long hay Tiền Giang và Hậu Giang mà làm thơ “Tiền Giang Hành” như “em” đã viết? Tuy “sự nghiệp” Hán Văn của Nghé Ngọ cũng không khá lắm nhưng cũng xin chép tặng “em” một bài thơ Đường “thứ thiệt” của Đỗ Phủ (cũng xin “em” đừng đọc lái nhé) cũng nói về một dòng sông ly biệt:
Lâm Giang Tống Hữu
Bi quân lão biệt lệ triêm can
Thất thập vô gia vạn lý thân
Sầu kiến châu thành, phong hựu khởi
Bạch đầu lãng lý bạch đầu nhân
Bài thơ tiễn bạn, tuy đôi bên đã già nhưng lệ vẫn thấm ướt khăn, thương bạn đã 70 mà không nhà, tấm thân muôn dặm biết về đâu. Đã vậy khi ghe sắp đi thì trời còn nổi gió, trong lớp sóng bạc đầu nhấp nhô có người đầu bạc đang lặn hụp, long đong.
Trở lại bài thơ Tiền Giang Hành của “em” lại thấy may. Thuở còn bé đôi ta không hề quen biết nhau nên khỏi lo sợ sẽ... biệt lệ triêm can mà thương cho người, cho mình thất thập vô gia vạn lý thân.
Khi cố quên là khi lòng nhớ thêm....
Thu Trâm – Baltimore, MDNghé Ngọ ơi, dù biết rằng những nhớ nhung và yêu thương của mình dành cho một người chỉ còn là một điều vô vọng, sẽ chẳng mang lại một kết hợp nào, nhưng em lại cũng không thể nào mà không thương nhớ người ấy được. Dù Trâm biết rõ hơn ai hết sự trung thành của mình chẳng bao giờ được người ta biết tới, nhưng em vẫn không tài nào quên được bóng hình này. Bạn bè đều nói là Trâm mê muội, không biết bao giờ mới thức tỉnh...Thật ra yêu thương đâu phải là một chuyện mê hay tỉnh. Đó chỉ là những rung cảm chân thành của con tim mình trước một người mình cảm thấy có sức thu hút hay... “hạp nhãn”. Do đó mà nó đã kéo theo một điều thật tệ hại: Trâm không còn có thể yêu – thật chân thành – một người nào khác ngoài con người đang giữ trọn tâm trí của Trâm bây giờ...
Đáp: Theo lời Trâm tâm sự, thì câu “con tim có những lý lẽ mà không hiểu được” lúc nào cũng đúng cả phải không Trâm? Khi yêu, vấn đề không còn là tỉnh hay mê, mà là yêu và thương. Khi còn yêu, những nhận thức khách quan nhất cũng không còn chỗ đứng trong trái tim ta. Những hình ảnh đẹp đẽ của quá khứ sẽ chiếm đầy ký ức ta. Người đa tình, đa cảm là người khổ lụy, nhưng không phải là người... xấu. Trái lại là đằng khác, người có một quá khứ, có một mối tình nồng nàn để.. nhớ, dễ thương biết là chừng nào. Nhưng thời gian trôi qua, mau như sương khói, như hơi thở. Hoàn cảnh sinh sống, sự trưởng thành, sẽ giúp cho nỗi nhớ thương, sự đau khổ vì yêu mà không được đáp lại của em, rồi sẽ phôi pha, sẽ qua đi. Nhưng mà Trâm ơi, đời sống thực tại trước mắt, rất lạnh lùng và đôi khi vô cùng … tàn nhẫn. Mối tình đẹp của em bây giờ biết đâu chừng lại trở thành một ấn tượng để em nhớ hoài một thời áo trắng học trò, đã có lần yêu thật đắm say tha thiết một người...
Ngày xưa anh nhớ...
Em mặc áo lụa vàng
Em đi trong nắng
Chân chim xinh xắn
Chưa hề vướng bụi trần
Chưa hề vướng khồ sầu
Em đi vào mộng mơ
(Áo lụa vàng – nhạc Phạm Thế Mỹ)
Khi người ta gọi điện thoại cho mình hoài...
Trần thị Chim Non- San Jose, CaliNghé Ngọ này, khi một người tìm cách gọi điện thoại cho mình hoài, có phải là người ta đã yêu mình không?
Đáp:: Tên em hay ghê, đó là tên thiệt hay là tên ... hiệu vậy. Vấn đề là người ta gọi điện thoại cho em để nói chuyện gì. Giúp em làm “home work” để em học giỏi hơn, cho ba mẹ thương em hơn hay chỉ để rủ em đi chơi và nói chuyện nhảm nhí, phí thì giờ làm ba mẹ em buồn. Vấn đề còn lại là em có thích nói chuyện điện thoại với người ta hay không? Nếu em cũng thích nói chuyện với người ta thì đâu phải lỗi của người ta. Nhưng từ “thích, like” cho đến “Yêu, love” là một đọan đường dài, long way to go. Em nên lo chuyện học trước, đừng ôm điện thoại nói chuyện nhiều thì chắc là không đi đến đâu đâu.
Có nên nhờ vả người ta....
Lê thị Thuận- Los Angeles, CaliEm tốt nghiệp đại học đã nữa năm mà chưa tìm ra việc làm. Tình cờ em gặp lại một người bạn trai học cùng trường trước đây, đã theo đuổi em nhưng em không đáp lại. Cha mẹ anh ấy lại đang cần một người thuộc ngành chuyên môn cuả em, anh ấy bảo em nên đến gặp cha mẹ anh ấy mà xin việc.
Nghé Ngọ nghĩ sao? Em thật cần việc làm nhưng nghĩ đến chuyện nhờ vã một người mình đã từ chối tình yêu trước đây sao em thấy hơi ngài ngại. Em không muốn anh ấy nghĩ là khi cần thì em lợi dụng anh ấy còn khi không cần thì không muốn làm bạn với anh ấy.
Đáp: Xã hội ngày nay đã cởi mở hơn về những liên hệ giữa trai và gái. Việc em không đáp lại tình cảm của anh ấy những năm trước đây không có liên hệ gì đến việc công ty của cha mẹ anh ấy cần một người có khả năng chuyên môn như em. Vấn đề là em có nghĩ mình sẽ là một cộng sự viên đắc lực cho công việc mà cha mẹ anh ấy đang cần hay không? Danh từ “lợi dụng” chỉ nên đặt ra khi mà khả năng em không có nhưng vẫn cố tình nhận việc và anh ấy đã áp lực gia đình nhận em làm việc. Nếu em nghĩ là em có dư khả năng để đảm trách việc mà gia đình anh ấy đang cần, và chính vì tình cảnh tế nhị giữa anh ấy và em, em nên cố gắng hơn nữa để hoàn tất tốt hơn công việc được giao phó. Em không nên mang mặc cảm là đã lợi dụng anh ấy để được việc làm. Hãy nghĩ là không mướn em thì cha mẹ anh ấy cũng phải mướn người khác mà người này chưa chắc đã giỏi và có hiểu biết về chuyên môn hơn em.
Khi xa người í....
Dạ Quỳnh - WashingtonNghé Ngọ ơi,
Tại sao có người đi hay đến ở gần hay xa, mình chả cảm thấy gì mà có người thì khi vắng họ mình lại cảm thấy... thiếu thiếu, thấy... nhớ nhớ... đôi khi thấy mình ra vào ngơ ngẩn như kẻ mất hồn. Vậy nghĩa là gì hở Nghé Ngọ? Thế nào là một thời để yêu” nó qua đi là đi luôn hay có khi còn trở lại?
Đáp: Quỳnh bao nhiêu tuổi rồi vậy? Dù không phải là thầy thuốc Nghé Ngọ “chẩn bệnh” cho Quỳnh chắc chắn là trúng bong.
Đó là triệu chứng … falling in love, Quỳnh ạ. Khi xa người... í mà Quỳnh thấy trống vắng, thấy thiếu thốn... thì điều đó có nghĩa là tâm hồn, là trái tim là đời sống của Quỳnh đã nghiêng ngã – falling rồi đó. Có điều là Quỳnh phải từ từ xem xét lại … cho nó chắc ăn. Có đôi khi mình tưởng mình ngỡ … đã té rồi nhưng sự thật chưa hẳn đã là như vậy. Chỉ khi nào Quỳnh cảm thấy (giống như Nghé Ngọ đã từng cảm thấy) điên cuồng quay quắt... khi xa người... í, cái gì của họ mình cũng thấy đáng yêu, đáng phục thì đó là lúc lòng mình, trái tim mình đã thuộc về người đó.
Nói về chuyện “một thời để yêu...” thì lại càng nên cẩn thận. Trong một đời người mà cái “một thời để yêu” đó ra đi, rồi trở lại độ năm ba lần... và lần nào mình cũng ngất ngư... thì tội nghiệp cho... trái tim của mình lắm. Ta không nên bắt trái tim của ta phải nở, lớn thật lớn như cái thùng... rác công cộng để chứa nhiều … “thời để yêu”như vậy thì thật không công bình cho nó chút nào. Chúc Quỳnh gặp được người như mơ ước của Quỳnh và cái “thời để yêu” của Quỳnh sẽ kéo dài suốt một đời nghen.
Có người đòi tự tử vì thương em…
Thy Hương - HoustonNghé Ngọ ơi,
Hương sợ quá, Nghé Ngọ biết hông(?) Hương có làm gì đâu mà có một “hot boy” kia, dọa Hương là nếu Hương không trả lời... yêu “nó”, “nó” sẽ... tự tử cho Hương biết. Hương vừa lo, vừa sợ, mà Hương không biết nói với ai.
Nghé Ngọ ơi,
Ba mẹ Hương khó lắm, ba má em mà biết chuyện này ba em giận Hương ghê lắm đó. Nghé Ngọ bảo Hương làm gì bây giờ? Trả lời “nó” ra sao? Có nên nói yêu để “nó” đừng tự tử không Nghé Ngọ?
Đáp: Tội nghiệp H. quá! Đọc thư H. Nghé Ngọ thấy rõ H. khá hoảng hốt vì thông điệp “nhà quê” của anh chàng “hot boy” này. Nhưng mặt khác, H. cũng có vẻ như muốn trả lời “yes” với anh chàng này dù vẫn gọi anh chàng bằng “nó”.
Trước hết, Nghé Ngọ trả lời H. theo tinh thần H. không thích cái “thông điệp” đầy tính cách đe dọa, khủng bố đó nha. Khi “chàng” nói “chàng” tự tử, thì chả bao giờ “chàng” dám tự tử đâu, H. đừng lo. Chỉ những anh hot boy nào lầm lì không tuyên bố gì cả mới lo. Nhưng nếu cũng thích anh chàng này hơn nổi lo bị cha bắt gặp thì đâu ai cấm em và chàng cùng thử “tự tử” bằng một chầu bún riêu xem sao? Nếu bình thường “nó” chỉ ăn 1 tô nhưng khi “yêu” “nó” ăn một lúc 2 hay 3 tô mà không biết no thì chúng ta có thể tin rằng “nó” yêu em thực … lòng. Khi yêu người ta hay rộng lượng tức là… tốt bụng hơn bình thường mà.
Có con nhỏ Mễ nó theo em
Khôi - Santa AnaNghé Ngọ ơi,
Khôi đang theo học năm thứ ba về computer science. Trong lớp Khôi có một hot girl dễ thương lắm. Khôi định ca bài “áo tiểu thư” cho “nó” nghe nhưng chưa dám vì có lần họp bạn, “nó” bảo không thích cặp bồ khi còn học undergrad vì mai mốt chia tay khi mỗi người học một ngành khác nhau lại buồn. Trong khi đó, cùng khu phố với Khôi, có một con nhỏ Mễ. Nó còn học High School Jr. Nhưng Nghé Ngọ biết không, nó “tấn công” Khôi một cái rất chi là “quyết liệt” Có khi còn chặn cả xe của Khôi lại. Có khi nó ném thư vào lòng xe của Khôi, rũ Khôi đi chơi. Mà khổ nỗi là Khôi... không thích nó lắm. Vậy thì theo ý Nghé Ngọ, Khôi phải “binh” theo đường nào? Chờ đợi để tán “áo tiểu thư” hay theo gái xì cho vui… đời tị nạn.
Đáp: Khôi ơi, Khôi à... yêu nhau mà Khôi cứ làm như em đang “binh” xập xám không bằng.
Tuy nhiên Nghé Ngọ vẫn có thể khuyên Khôi rằng em chả nên “binh” theo đường nào hết.
Khôi không nên chọn “Bờ rí tồ” cho vui đời tị nạn được vì … vui thì ít mà rắc rối rủi ro thì nhiều, “Bờ ri tô” mà có bầu thì em sẽ tiêu luôn đời còn lại. Còn “áo tiểu thư” đang học chung với Khôi, Khôi cũng khoan “binh” vội. Chuyện không muốn cặp bồ khi còn học undergard cho thấy “áo tiểu thư” là cô gái được dẫn dắt đàng hoàng, tử tế. Cứ kết bạn, cứ học hết điều mình muốn học nhưng vẫn liên lạc, lo lằng cho nhau sau đó thì Que sera, sera, chuyện gì đến sẽ đến mà. Nhưng đó là một cô gái chính chắn có thể đi đường dài với mình. Do đó, không nên .. yêu cuồng, sống vội lúc này khi mà việc học quan trọng hơn một mối liên hệ tình cảm nguy hiểm nhiều hơn là hạnh phúc lâu dài. Nhưng ai dám nói trước chuyện gì sẽ xãy ra cho cuộc đời mình, phải không Khôi.
Có nên nhận lời cầu hôn, khi lòng chưa thấy yêu ai?
Bích Nga – Boston, MACách đây hơn một năm, Nga có làm quen với một người qua bạn bè giới thiệu. Anh ấy sống ở Hòa Lan, có công ăn việc làm tử tế đàng hoàng. Qua email, Facetime, điện thoại gần 6 tháng trời, mặc dầu chưa gặp mặt nhau thực sự, anh ấy ngỏ lời yêu em và xin cưới em. Anh ấy cũng good looking, cao ráo (qua hình ảnh), giọng nói trầm ấm… Anh ấy “muốn rước dâu” về Âu châu sinh sống vì đã có nghề nghiệp vững chắc ở đó. Em chưa yêu ai nên chưa bao giờ trải nghiệm chuyện yêu đương, commit với một người, em không thấy náo nức gì để về Hòa Lan xa xôi đó. Ngoài ra em đang sống với mẹ già năm nay gần 70 tuổi. Tuy hai mẹ con em đang sống chung với gia đình anh ruột, nhưng mẹ chồng nàng dâu xưa nay vẫn xung khắc, cho nên mẹ chỉ còn em để tâm sự vui buồn. Nay em ra đi lấy chồng ở xứ lạ, em không đành lòng bỏ mẹ ở lại.
Nghé Ngọ ơi! Hay tất cả những lý do này thực sự chỉ vì em chưa “thương” người ta hả chị? Mặc dù anh ruột và chị dâu em, sau khi coi qua thư từ và hình ảnh, đều cho là em “có phước”, mới gặp một người có địa vị giàu sang yêu thương và xin cưới. Anh ấy còn hẹn Giáng Sinh năm nay sẽ về Boston để gặp mặt mẹ em và chính thức xin hỏi cưới nếu em đồng ý. Nghé Ngọ nghĩ sao?
Đáp: Bích Nga thân yêu.
Em không nhớ câu ca dao hồi học ở Tiểu học hay sao:
“Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây...”
vậy thì em cứ “slow down”, đi đâu mà vội cơ chứ! Nếu anh ấy thương em thật lòng thì chuyện chờ đợi thêm một thời gian, để đôi bên có thì giờ tìm hiểu nhau sâu xa hơn cũng là chuyện nên làm mà. Huống chi em cũng chưa bao giờ gặp “người ta” bằng xương, bằng thịt. Từ hình ảnh, thư từ đến con người ngoài đời nhiều khi là một khoảng cách khá... xa đó em. Vì còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố người nết ăn, nết ở, những thói tật trong đời sống hàng ngày,sở thích về âm nhạc, sách vỡ. Cứ trông vào những cái poster băng nhạc thì sẽ hiểu. Có những hình ảnh thật dịu dàng, quyến rũ trong poster nhưng lại là những kinh hoàng khi chạm mặt, đến nỗi nó có thể giết luôn một giọng ca mà mình hằng ưa thích. Một ông trông thật “bô” trai hào hoa phong nhã trong hình, nhưng lại là một người khi ngủ thì vừa ngáy, vừa nghiến răng, vừa mớ to, chi tiêu thì lại vô cùng bần tiện đều là chuyện có thể ...
Em chưa yêu người ta thì không nên nhận lời, dù cho đó là người có nhiều điều kiện vật chất. Xây dựng một gia đình khi chưa có tình yêu chân thật dành cho nhau, có khác gì xây nhà làm mái khi chưa... đổ nền, nghĩa là nó có thể sập bất cứ lúc nào. Chuyện tình yêu đến sau hôn nhân, đôi khi cũng có xảy ra, nhưng không nhiều lắm, trừ phi em tình cờ lập gia đình với một người có nợ tình với em từ... kiếp trước. Do đó mà người ta bảo: “ở đâu có hôn nhân không tình yêu, thì ở đó có tình yêu.... ngoài hôn nhân”, nghĩa là ngoại tình. Nghé Ngọ nghĩ rằng Nga nên thẳng thắn trả lời với anh chàng là em cần có thời gian để tìm hiểu thêm, cũng nên nói rõ luôn với người ta về những dự định của em trong tương lai. Ví dụ như Nga không muốn lấy chồng xứ xa vì phải xa mẹ già. Một người thực lòng yêu Nga sẽ thông cảm và lo lắng cho em. Nhưng ngược lại, Nga cũng nên công bằng với người ta bằng cách phải tự hỏi chính bản thân em, xem có thể đáp lại tình yêu này một cách chân thành hay không? Đừng dấn thân vào một cuộc hôn nhân để rồi khi đổ vỡ, lại phải mang thêm tai tiếng là mình lợi dụng... Dù sao thì cũng xin chúc Nga sẽ có được những ngày hè vui vẻ cho một cuộc gặp gỡ nhiều hứa hẹn lương duyên.
Nghé Ngọ
Ngày Mai, phải chi...
(Cựu HS. PTTH Lý Thường Kiệt)
Kính tặng các Thầy, Cô cũ của em
Phải chi em còn nhỏ,
Mai đến trường với chùm hoa trong trắng, ngây ngô.
Hớn hở, vừa rụt rè cài lên áo Thầy Cô, những cành hoa học trò đơn sơ đằm thắm...
Thời áo trắng ngày xưa đâu dễ gì quên lãng; nếu có lúc quên đi, là lúc cất giữ trong ngăn sâu kín của tâm hồn.
... Em bây giờ đã lớn nhiều hơn. Cuộc sống hối hả bộn bề có khi quên năm tháng, quên con đò, quên nước sông xưa.
Thầy cô ơi, cho em gửi nhớ thương, theo gió thoảng đưa về nơi ấy- khoảng trời hồng dễ yêu biết mấy- nơi có Thầy Cô, bạn bè- trường lớp và cả những mùa thi...
... Một hôm nào, nếu gió nơi đâu thổi về sân trường mình lồng lộng, là lúc có tâm tình đứa học trò cũ năm nào thương kính gửi Thầy- Cô.