CAO NGUYÊN BỊ THẤT THỦ
của ĐỨC GIÁM MỤC KONTUM PAUL SEITZNguyễn Quang Cẩn dịch
Lời Giới Thiệu: Đây là bản dịch trích từ cuốn “Le temps des chiens muets” (Thời điểm của những con chó câm), tác giả là Đức Giám Mục Paul Seitz, nhà truyền giáo người Pháp cuối cùng của giáo phận Kontum, ghi lại những biến cố xẩy ra vào những ngày cuối cùng của vùng Cao Nguyên Miền Nam Việt Nam, xuất bản tại Pháp vào năm 1977.
.
Ảnh chụp được trên Quốc Lộ 1 sau khi chánh quyền miền Nam VN quyết định triệt thoái khỏi Cao Nguyên. Theo ước định có khoảng 1.5 triệu người trong đoàn di tản đầy nước mắt này
(Trích từ sách Setting the Stage-The VN Experience của nhà Boston Publishing Company)
Thứ sáu, 7-3-75
Ở lại Saigon vài ngày, tôi gặp Nguyễn T. một ông bạn cũ. Thường thì ông rất bình tĩnh và thận trọng trong những lúc tâm sự với tôi. Nhưng lần nầy, ông tỏ ra rất nôn nóng và mất hết dè dặt. “Tôi nhất quyết chống tham nhũng đến cùng – ông nói – Tổng Thống Thiệu là một tên láo khoét. Chẳng những Thiệu hứa hẹn đủ thứ nhưng chẳng giữ lời được một điều nào, mà Thiệu còn dung dưỡng hành vi thối nát của thuộc hạ để trục lợi cũng như bất cứ ai. Cần phải lật đổ Thiệu và trừng trị đồng bọn”.
Này T. ơi! – tôi nói với ông ta – Anh vẫn nhớ câu bất hủ của cụ Thủ Tướng Trần Văn Hương chứ? “Nếu phải treo cổ tất cả bọn tham nhũng thì đâu còn ai làm việc!”.
Thứ bảy, 8-3-75
Các giới thạo tin ở Saigon đều nhất trí như sau: Những người bi quan thì cho rằng Miền Nam chỉ còn sống sót hai năm thôi. Những người lạc quan thì trái lại cho rằng cũng còn ít nhất là 5, 10 năm nữa. Đà sinh hoạt vẫn diễn tiến bình thường. Các ngân hàng không tỏ ra dấu gì lo ngại khác thường. Điểm trắc nghiệm quyết định: Giới thương gia Trung Hoa ở Chợ Lớn, thay vì đóng các cửa tiệm, vẫn buôn bán như thường lệ. Mọi người đều cho rằng cái “Hàn thử biểu nầy” ít khi tiên báo sai.
Chủ Nhật, 9-3-75
Tôi bay ra Đà Nẵng để giảng cấm phòng hàng năm cho hàng giáo sĩ Việt Nam thuộc giáo phận. Tại đây, tin đồn sẽ có một cuộc tấn công của Việt Cộng. Nhưng Đà Nẵng, một căn cứ được phòng thủ vững chắc, sẽ đủ sức đương đầu, không có gì đáng lo ngại cả.
Thứ Hai, 10-3-75
Vừa tảng sáng, đài phát thanh loan tin Ban Mê Thuột bị Việt Cộng tấn công lúc 2 giờ khuya. Trận chiến xẩy ra rất ác liệt. Một ý nghĩ lo sợ thoạt lóe ra trong đầu óc tôi. Tại sao lại tấn công một thành phố nằm ở vĩ tuyến 13? Phải chăng họ muốn cắt đôi nước Việt Nam và tiến chiếm bằng vũ lực những gì đã không đạt được qua hiệp định Genève năm 1954? Hay là họ chỉ muốn chiếm giữ vùng Cao Nguyên, một tiền đồn chiến lược, mà Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã từng tuyên bố: Chiến thắng sẽ về tay kẻ nào làm chủ được vùng Cao Nguyên…”.
Riêng tôi, tôi chỉ biết là hiện tại giáo phận Kontum đang gặp nguy biến và “chỗ đứng” của tôi là ở trên đó chứ không phải nơi nào khác. Nhất thiết tôi phải hủy bỏ cuộc giảng phòng mà mọi người thúc bách tôi phải thực hiện, để về lại ngay Kontum. Tôi đã nhất quyết như thế. Nhưng chẳng có một phương tiện nào để trực chỉ lên đó. Tôi tính vòng trở về Saigon, nhưng lại cũng chẳng có chuyến bay nào về Saigon cả.
Chiều lại, tôi khai mạc buổi giảng phòng.
Thứ ba, 11-3-75
Lúc 4 giờ 30’ chiều, người ta báo cho tôi biết còn một chỗ trống trên chuyến bay Hàng Không Việt Nam. Tôi bay về Saigon. Tại đây, tôi được biết sân bay Pleiku – một phi trường cuối đường bay đi vùng Cao Nguyên – bị pháo kích. Mọi liên lạc không vận bị gián đoạn. Làm sao bây giờ đây?
Thứ Tư, 12-3-75
Vừa tảng sáng, tôi đã có mặt tại phi trường Tân Sơn Nhất để cầu may. Tôi lên được một chiếc máy bay thuộc đường bay nội địa (line inter) và nó sẽ cố gắng đáp xuống sân bay Pleiku. Đúng thế, nó hạ cánh… Các động cơ vẫn nổ chậm, số hành khách của Saigon nhào ra… và những hành khách của Pleiku may mắn mua được những vé với giá cắt cổ… nhào vào lòng máy bay… và rồi máy bay cất cánh trực chỉ Saigon. Đám đông hành khách không đi được, nhanh chân chạy tản mác khỏi phi đạo. Chiếc xe hơi “Mehari” từ Kontum xuống, đang đợi tôi. Tôi còn phải vượt 48 cây số đường đất để về lại trung tâm giáo phận của tôi. Trong khi xe của tôi đang chạy vòng sân bay Pleiku, thì một loạt rốc két bay vèo tới và nổ inh ỏi. Nhiều máy bay quân sự đang đậu dưới đất bốc cháy, một kho chứa xăng cũng bốc lửa. Mọi người chạy tán loạn.
Tại Kontum cũng như tại Pleiku, dân chúng lo sợ. Những người có phương tiện đang chuẩn bị di tản về miền Duyên Hải hoặc về phía Nam.
Thứ Năm, 13-3-75
Radio Saigon xác nhận cuộc chiến đang tiếp diễn tại Ban Mê Thuột và xác quyết rằng chúng ta không nhượng bộ một tấc đất nào. Nhưng “Radio Bambou” của Việt Cộng lại loan tin là Quốc Lộ 19 đã bị cắt đứt và như thế mọi liên lạc với Qui Nhơn và vùng Duyên Hải đã bị gián đoạn, rồi đến Liên Tỉnh Lộ số 7 về hướng Cheo Reo cũng bị cắt đứt… Trong thời gian ngắn tôi vắng mặt, thành phố Kontum bị pháo kích nặng. Một ngôi nhà của Tiểu Chủng Viện bị trúng đạn, một trường học với 200 em nội trú bị đạn pháo kích rớt xuống rất gần. Năm 1968, nhiều học sinh bị kẹt giữa trận tuyến. Năm 1972, một em đã bị tan xác vì đạn móc chê. Như vậy đã quá đủ rồi! Tôi ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học Công Giáo và cho các em học sinh về với gia đình.
Dư luận dân chúng giải thích bàn tán sự việc trên đây như sau: “Đức Cha lo sợ… tất nhiên là tình hình nghiêm trọng…”. Một đại diện chính quyền Tỉnh đến trách khéo tôi: “Xin Đức Cha đừng làm như thế”. Tôi trả lời: “Được rồi, vậy các ông cứ cho con cháu các ông đến trường của chúng tôi đi”. Tôi biết rõ vị đại diện nầy đã cho con cháu ông ta di tản trước rồi.
Thứ Sáu, 14-3-75
Tôi yêu cầu các nhân viên ngoại quốc phục vụ tại bệnh viện Minh Quy nên di tản, đó là bốn bác sĩ, trong đó có bà Patricia Smith – nhà giải phẫu và là người sáng lập bệnh viện – đã mười tám năm nay hy sinh tận tụy cho những người tất bật nhất, bảy nữ y tá người Anh, Mỹ và một người Trung Hoa. Tất cả khóc lóc khẩn khoản xin được ở lại. Tôi buộc lòng phải tỏ ra cứng rắn tàn nhẫn và bắt buộc mọi người phải ra đi. Một phi cơ của Tòa Lãnh Sự Mỹ sẽ đến bốc họ vào ngày thứ hai sắp đến.
Bệnh viện Minh Quy sẽ tiếp tục hoạt động chỉ nhờ vào các bà xơ, y tá người sắc tộc. Những người nầy tôi có thể hy sinh họ, vì đó là nghiệp vụ của họ. Và họ cũng không thấy tỏ ra một thoáng do dự và sợ hãi nào cả.
Thứ Bảy, 15-3-75
Khi đường vừa được “mở”, tôi tức tốc xuống Pleiku vì tôi còn nhiều việc phải giải quyết tại đó.
Nhanh như chớp, một nguồn tin được tung ra là Tổng Thống Thiệu đã bí mật đến Pleiku trong đêm cùng với Bộ Tham Mưu Tối Cao của ông. Ông đã quyết định Bộ Tư Lệnh Vùng 2 đặt tại Pleiku phải rút về Nha Trang với quân số và chiến cụ cơ hữu. Ông giải thích: “Đây chỉ là một cuộc triệt thoái chiến lược để phối trí lại lực lượng hầu tái chiếm Ban Mê Thuột”. Khi biết được tin nầy, tinh thần binh sĩ, công chức và dân chúng xuống thấp chưa từng thấy.
Đến chiều, tôi trở về lại Kontum. Trên nhiều cây số, tôi gặp những đoàn xe GMC chở đầy binh sĩ với súng ống đầy đủ và nhiều xe thiết giáp đủ loại. Tôi hỏi thăm thì được biết những đồn bót bảo vệ vòng đai Kontum đã được lệnh triệt thoái. Kontum, thành phố đã bị quân đội Pháp bỏ rơi năm 1954, bị quân đội Mỹ bỏ rơi năm 1969 và lần nầy lại bị chính quân đội Việt Nam Cộng Hòa hy sinh. Đúng là một thành phố bị bỏ ngõ.
Nhưng ít nhất sẽ không có trận chiến nào xảy ra tại đó như vào năm 1972. Vào đến Kontum, tôi được biết chuyến bay của Tòa Lãnh Sự Mỹ dự tính thực hiện vào ngày thứ hai đã được thực hiện sớm hơn và đã bốc số nhân viên phục vụ tại bệnh viện như tôi đã ra lệnh. Nhưng hai bác sĩ trẻ người Tân Tây Lan và một bác sĩ người Mỹ từ chối ra đi, lấy lý do: “Chúng tôi là những bác sĩ và không thể để bệnh viện không có bác sĩ. Bất cứ chế độ nào đến cũng sẽ cần chúng tôi”. Họ còn nói: “Chúng tôi chẳng có làm điều gì đáng trách cả, vì vậy chúng tôi chẳng có gì phải sợ hãi!”. Có đúng thật như vậy không?
Chủ Nhật, 16-3-75
Các đài phát thanh ngoại quốc loan tin chính phủ Miền Nam nhận thấy không thể giữ toàn vẹn lãnh thổ, nên đã quyết định bỏ rơi các tỉnh thuộc Miền Trung và Miền Cao Nguyên để ít nhất có thể cứu vãn được đồng bằng sông Cửu Long và Saigon.
Một nỗi khiếp sợ kinh hoàng dấy lên trong dân chúng. Một cuộc di tản vĩ đại của hàng trăm ngàn người bắt đầu. Tôi lưu ý các linh mục và nữ tu sĩ, vì sự khôn ngoan và bổn phận đòi hỏi, không ai được đi theo dân chúng vì tôi tin rằng sẽ có một số đồng bào vẫn ở lại Kontum, dĩ nhiên là những người nghèo khổ nhất. Chính vì cho những người nầy mà chúng tôi phải ở lại. Và nếu tất cả dân chúng đều bỏ đi hết thì sao? Thì chúng tôi vẫn ở lại để giúp cho những ai sẽ đến thay thế ở với chúng tôi. Với đám đông đang như điên loạn, tôi khuyên họ nên ở tại chỗ. Lời khuyên của tôi như nước đổ đầu vịt.
“Đối với chúng tôi và con cái chúng tôi, thà nghèo đói và chết chóc còn hơn nô lệ”. Đó là câu trả lời của một ông già sống chín năm dưới chế độ Cộng Sản và sau cùng đã trốn thoát được. Đó không chỉ là tiếng nói của một người đơn độc, mà là tiếng kêu của cả một dân tộc.
Thứ Hai, 17-3-75
Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, người bệnh tật, súc vật… như một đợt sóng cồn cuồn cuộn lướt theo con đường từ Kontum xuống Pleiku. Rồi từ đó còn biết đi đâu nữa? Tất cả mọi ngõ thoát đều đã bị cắt đứt! Mặc kệ, người ta vẫn tiếp tục ra đi. Một nguồn tin được truyền từ miệng nầy sang miệng khác: “Liên Tỉnh Lộ số 7 sẽ được quân đội ta khai thông bằng vũ lực và sẽ để ‘mở’ trong ba ngày”. Ai đã đưa tin ấy? Chẳng ai cả! Tất cả mọi người, những đoàn thường dân với hàng ngàn xe cơ động từ những chiếc xe ca đến những chiếc xe bò, xe “cút kít” (brouette) chen lẫn vào các đoàn quân xa. Một cảnh hỗn loạn chưa từng thấy! Một cuộc triệt thoái thất bại!
Từ 6 giờ sáng, tôi được tin: kể từ 8 giờ sáng, những đơn vị cuối cùng bảo vệ Kontum sẽ triệt phá tất cả các cơ sở quân sự, cho nổ mìn các kho đạn và kho xăng. Thành phố tránh thoát được cuộc chiến, phải chăng sẽ bị tàn phá?
8 giờ sáng, thành phố rung chuyển mạnh như bị một cơn động đất lớn. Chúng tôi chen nhau tìm chỗ ẩn núp như những con vật. Suốt bốn tiếng đồng hồ, chỉ là những tiếng nổ kinh hoàng. Một trận mưa mảnh đạn đổ xuống, chắc chắn sẽ gây tử thương cho bất cứ ai liều lĩnh ra khỏi nhà. Nhưng tôi phải ra đi để xem ba linh mục già 80 tuổi, đã về hưu và nặng tai, có đủ ý thức để tự tìm cho mình một sự an toàn tối thiểu hay không? Một quả đạn pháo 105 ly rơi xuống chặt đứt ngang một thân cây lớn, cách xe tôi chỉ chừng ba thước. Tôi có một cảm giác thật kỳ lạ khi thấy mình vẫn còn sống sót.
Đến trưa, tiếp theo những tiếng nổ long trời là một sự yên lặng nặng nề bao trùm chúng tôi. Tôi bắt tay vào việc. Tôi cho mời 18 linh mục vùng thị trấn đến họp. Nhưng phải đi đón một vị ở vùng phụ cận. Tôi và linh mục thư ký của tôi lên xe.
Trên đường, nhiều quân xa và thiết giáp cùng các khẩu đại bác bị bỏ lại. Xác chết, hành lý và vật dụng nằm ngổn ngang la liệt. Không một bóng người. Chúng tôi chạy chậm, băng qua cảnh hoang tàn đổ nát. Càng chạy lên xa, chúng tôi càng chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp. Đoạn cuối của đoàn quân nhân và thường dân di tản sáng nay đã bị lọt vào giữa hỏa lực của Cộng Quân. Nhưng rồi, đàng xa phía trước mặt chúng tôi, những hình dáng người đang loay hoay trên những chiếc quân xa hình như còn nguyên vẹn. Chúng tôi tiến lại gần. Vài người lính nhảy xuống xe, chĩa súng vào chúng tôi và ra lệnh “ngừng lại”.
- Bộ đội đấy! Cha thư ký nói nhỏ vào tai tôi.
Đúng thế, đây là các anh bộ đội của quân đội Miền Bắc.
- Xuống khỏi xe. Một anh ra lệnh.
Tôi chỉ để ý đến khía cạnh “hài hước” của tình thế: Mấy anh bộ đội vũ trang đến tận răng, tỏ ra quá lo ngại trước hai người khốn khổ, không có được một tấc sắt trong tay và một đồng xu dính túi. Tôi hòa nhã lên tiếng:
- Tôi là Giám Mục Kontum. Tôi đến thăm vị linh mục của họ đạo nầy. Kìa, các anh có thấy cây Thánh Giá đàng kia không? Tôi muốn đi đến đó.
Tôi thật ngây ngô và vô ý thức. Thế giới đã đổi đời mà tôi chưa hay biết. Nhưng rồi tôi hiểu ngay rằng mấy anh bộ đội đứng trước mặt tôi thực sự có vẻ rất nghiêm trọng. Họ sẽ nhả đạn vào người tôi hoặc lôi tôi ra khỏi xe nếu tôi không tuân lệnh.
Bất thình lình tôi thấy họ đứng nghiêm như khúc gỗ. Một anh bộ đội khác, ăn mặc giống y như họ, bình tĩnh bước tới. Hơi nghiêng mình một chút, anh ta hỏi tôi với giọng lạnh lùng nhưng lịch sự:
- Ông là ai? Ông đi đâu?
Tôi lặp lại câu trả lời vừa rồi. Mắt anh ta sáng lên và môi nở một nụ cười:
- À! Ông là cha Kim, là Giám Mục Paul Seitz. Tôi nghe danh ông từ lâu rồi.
Anh ấy chìa tay. Tôi rất đỗi ngạc nhiên, bước xuống khỏi xe và bị vây quanh bởi các anh bộ đội vũ trang, chúng tôi nói chuyện với nhau.
Bây giờ tôi mới biết mình đang đối diện với viên chỉ huy du kích vùng Kontum. Chính người nầy, trong 20 năm qua đã chỉ huy các trận đánh và pháo kích vào các làng mạc và thành phố. Chính người nầy đã ra lệnh hạ sát hai vị thừa sai khác và bà bác sĩ Christiane Granger trong khi họ thi hành nhiệm vụ cứu trợ các người bị thương trong vụ đặt chất nổ ở Kon Horing. Chính người nầy đã bắt giữ cô y tá trẻ người Đức Renata Kuhner, 11 nữ tu sĩ và 7 vị thừa sai khác… Anh ta đọc cho tôi nghe tên những nạn nhân trên đây và hỏi tôi về tin tức những người còn sống sót. Tôi hỏi tên và quân hàm anh ta – tôi nghĩ rằng chắc cũng thuộc hàng cấp Tướng – nhưng anh ta không trả lời và cho tôi có cảm tưởng là tôi vừa phạm phải một lỗi lầm: Sự tọc mạch của bọn tiểu tư sản. Tôi cảm thấy là tôi cần phải tự làm lại một cuộc “giáo dục” mới đối với chính mình.
Tôi ngỏ ý muốn từ giã anh ta vì có một cuộc họp phải dự vào lúc 3 giờ chiều.
Với một nụ cười hóm hỉnh như hồi nãy, anh ta cho biết:
- Không thể được. Ông không thể ra về. Ông phải ở lại đây. Hãy theo tôi…
Khi đi ngang qua một chiếc GMC của quân đội Miền Nam, thấy vài anh bộ đội đang hăng say “làm ăn”, anh ta ra lệnh sắc bén:
- Cấm không được đụng vào bất cứ vật gì!
Các anh bộ đội giải tán. Tôi không tránh khỏi cảm nghĩ là anh ta muốn cho chúng tôi thấy một “hình ảnh đáng giá” là bộ đội không bao giờ đánh cắp.
Vừa đi anh ta vừa giải thích:
- Các đơn vị của chúng tôi tiến về từ tứ phía, nhưng sự liên lạc với nhau chưa được hoàn bị. Chúng tôi chỉ có thể vào thành phố khi đêm xuống. Sáng ngày mai, sau khi mặt trời mọc, tôi sẽ cấp cho ông một giấy phép di chuyển an toàn (saufconduit) để ông trở về Tòa Giám Mục.
Chúng tôi không bị canh giữ và chúng tôi lợi dụng sự dễ dãi nầy để đi loanh quanh đây đó. Chúng tôi tìm cách tiếp xúc với những thanh niên trẻ măng mà theo gương mặt và giọng nói, đa số là người ngoài Bắc.
Nhưng cũng có một số thuộc người Miền Trung và cả những người sắc tộc thuộc tỉnh nầy. Hình như họ đã nhận được lệnh từ trước, vì tất cả đều tỏ ra xa cách và kín đáo. Tuy nhiên có một anh ngừng lại trong chốc lát, nhìn tôi sừng sững rồi nói nhanh: “Chính ông đã ban phép thêm sức cho tôi cách đây năm năm tại làng…”. Rồi anh quay đi để tôi đứng ngẩn ngơ một mình.
Tối đến, ông – xin lỗi – đồng chí Ba, một chính trị viên già dặn, đem đến cho chúng tôi một nắm cơm và một hộp đồ khô. Ông ta tỏ vẻ rất thân mật và cho chúng tôi biết trước đây ông là chính trị viên của một trại tù ở đó có nhiều vị thừa sai bị giam giữ.
Tất cả những người trên đây đều làm ra vẻ tự đắc, tự tin. Họ tự cho họ là những kẻ chiến thắng, những “siêu nhân!”.
Trong bóng tối hoàng hôn đang trùm xuống dày đặc, tôi thoáng thấy vài bóng người đang thèm khát lục lọi trên những xác GMC mà trước đây, trước mắt tôi, họ đã bị cấm bén mảng đến.
Thứ Ba, 18-3-75
Vừa rạng đông, đồng chí Ba trao cho chúng tôi giấy phép đã hứa, do chính tay ông ta ký. Điểm nầy minh xác vai trò quan trọng của ông ta. Chúng tôi được tự do ra về.
Mọi sự đã xẩy ra như đã được loan báo. Kontum là thành phố thứ hai sau Ban Mê Thuột, đã được “Giải phóng”. Trên đường phố chỉ thấy toàn là bộ đội trong quân phục màu xanh.
Tại Tòa Giám Mục, tiếp theo nỗi lo âu do sự mất tích của chúng tôi là sự vui mừng khi thấy chúng tôi trở về bình an. Mọi người tranh nhau hỏi tôi: “Sao, họ đối xử với Đức Cha như thế nào? Họ không giam giữ Đức Cha à?”. Những khám phá mới lạ nầy làm nẩy nở trong lòng nhiều người một niềm hy vọng: Phải chăng chúng ta có thể đối thoại được với họ!
Cuộc họp hẹn lỡ hôm qua, được bắt đầu ngay. Chủ đề được đặt ra một cách rõ rệt: Chấp nhận biến cố đang xẩy ra như là “Thánh Ý Chúa”. Không sợ hãi, không thất vọng, không hèn nhát. Sứ mạng của chúng tôi vẫn được tiếp tục: Đem thông điệp của Chúa Kitô đến với hết mọi người, bất cứ họ là ai, phải trở nên “Men Đức Tin” trong xã hội mới sắp được hình thành trên sự đổ nát của xã hội cũ. Và cái giá phải trả cho công việc nầy là gì? “Môn đệ không thể hơn chính Thầy của mình”.
Vừa mới chấm dứt cuộc họp, chúng tôi lại phải vội vã tìm chỗ ẩn núp. Máy bay của Quân Lực Miền Nam đến dội bom chiếc cầu ngay cửa ra vào của thành phố. Phòng không Bắc Quân lại bắn trả. Cuộc chiến lại tiếp tục.
Những vụ cướp phá, hôi của đang diễn ra trong thành phố. Dân chúng còn ở lại, bất chấp bom đạn, đua nhau cướp phá các kho gạo đang bốc cháy, đột nhập các cửa tiệm và các nhà vắng chủ để hôi của. Những người “trách nhiệm” mới, hình như nhắm mắt làm ngơ. Tuy bị nhiều thiệt hại, nhưng không đến nỗi như chúng tôi lo ngại, thành phố đã không bị tàn phá hoàn toàn. Như vậy, thật là quá may mắn vì một số người thuộc đoạn cuối của đoàn di tản, đã thoát thân được hôm qua, nay lại lục tục trở về.
Đêm xuống thật nhanh. Một sự lạ! Nhà máy điện hoạt động và cung cấp ánh sáng ít nhất là cho vài khu vực trong thành phố. Sự lạ kế tiếp: Loa phóng thanh của Ty Thông Tin trổi lên những bản nhạc hùng và những bản tin về cuộc chiến thắng.
Bây giờ chúng tôi mới được biết là một số công chức, những người đã không chạy trốn, là thành phần của “Đạo quân thứ 5”.
Thứ Tư, 19-3-75
Bệ vệ trong bộ lễ phục Giám Mục, tôi tiến về Thánh Đường, để ban phép thêm sức cho một cộng đoàn người sắc tộc. Cuộc lễ đã được ấn định cách đây vài tuần và hôm nay không có lý do để hủy bỏ. Trong khi nghi lễ đang tiến hành thì chiếc cầu lại bị máy bay Miền Nam đánh phá. Trong Thánh Đường bằng gỗ, cửa đóng kín, tiếng hát và tiếng cầu kinh đã át hẵn tiếng bom nổ. Lễ xong, đám rước long trọng tiến ra khỏi Thánh Đường trước những cặp mắt ngỡ ngàng của các anh bộ đội. Đầu đội mũ, tay cầm gậy, tôi ban cho họ điều mà tôi có: Phép lành đầu tiên của tôi.
Sau đó, tôi lái xe đến chiếc cầu “nổi tiếng” ấy, vì biết đâu sẽ có những người bị thương cần được di chuyển. Mấy anh bộ đội vẫn canh phòng nghiêm nhặt. Họ chỉa bazooka vào chiếc xe dân sự duy nhất được phép di chuyển trong thành phố nầy. Một anh tiến lên phía xe tôi:
- Ông không được tiến xa hơn nữa, máy bay dội bom có thể trở lại!
Lại là vị “Tướng” của ngày hôm qua. Thật là hai chúng tôi được sinh ra để gặp nhau. Vậy tại sao chúng tôi lại không thể thuận thảo với nhau nhỉ?
Tôi ngỏ ý muốn đến thăm ông ta và muốn biết ông ta ở đâu?
Ông ta chỉ trả lời: Xin ông đừng ở lại nơi đây.
Tôi không còn muốn kỳ kèo gì thêm nữa.
Thứ Năm, 20-3-75
Và vị “Tướng” đã đến gặp tôi tại Tòa Giám Mục. Ông ta đã đáp lại tính tò mò của tôi, nhưng ông ta đã nắm phần chủ động trong việc định đoạt ngày, giờ và nơi gặp.
Diện đối diện, trong văn phòng của tôi, tôi nhận diện rõ hơn con người đang ngồi trước mặt tôi. Ông ta không còn giống như anh bộ đội – y hệt như những anh bộ đội khác – mà tôi đã gặp hôm qua giữa khung cảnh núi rừng.
Ông ta có vẻ bảnh trai, vui tính và thành thật. Và tôi cũng vừa khám phá ra rằng, cách đây bảy năm về trước, tôi đã gởi một lá thư cho ông ta. Lúc bấy giờ, tôi đã viết thư cho một người “vô danh”, chỉ huy vùng mật khu – y như người ta quẳng một cái chai có đựng tín hiệu xuống mặt biển – để yêu cầu người nầy phóng thích cô y tá Renata Kuhner người Đức. Một năm sau, cô nầy được trả tự do và đem về cho tôi thư trả lời viết tay và ký tên là Chương.
- Có phải chính là ông không? Tôi hỏi.
Ông ta chỉ mỉm cười – có lẽ đó là cách ông ta xác nhận – rồi, với một giọng vô tư, ông ta tin cho tôi biết Bắc Quân đã chiếm Dalat và rồi ngày gần đây sẽ đến lượt Saigon.
Trong cuộc gặp gỡ nầy, có thêm một người khác nữa, cũng bận quân phục bộ đội, đi theo ông ta. Ông nầy có vẻ là một chính trị viên: Gương mặt rắn rỏi, nghiêm khắc, khó dò. Ông không nói một lời nào, chỉ ngồi nghe, quan sát và dĩ nhiên là để ghi nhận tất cả những gì xẩy ra. Ông là gì đối với vị “Tướng”? Chỉ chắc một điều là sự hiện diện của ông, không làm cho cuộc trao đổi giữa hai chúng tôi được dễ dàng.
Bất cần, tôi nêu lên vài vấn đề sẽ có tính cách chung cho cả đôi bên kể từ nay. Tôi cho biết là bệnh viện của chúng tôi – bệnh viện duy nhất đang hoạt động trong toàn tỉnh – hiện được điều hành bởi hai bác sĩ ngoại quốc mà một là người Mỹ và tôi yêu cầu cho hai bác sĩ ấy được tiếp tục nhiệm vụ.
- Năm 1975 không phải là năm 1945 hay 1954 – Vị “Tướng” đáp lời – Chúng tôi biết phân biệt giữa người Mỹ tốt với người Mỹ xấu. Ông tin lại cho bác sĩ cứ yên tâm tiếp tục nhiệm vụ.
Vị “Tướng” ra vẻ thành thật. Còn ông kia thì không tài nào đoán được.
Tiếp theo câu trả lời đầy khích lệ nầy, tôi mạnh dạn yêu cầu cho tôi và các vị linh mục khác thuộc giáo phận của tôi được tự do đi lại để làm công việc mục vụ.
Có lẽ đã tiên đoán được sự từ chối của người “đồng chí” đi theo, nên câu trả lời của vị “Tướng” rất mơ hồ:
- Việc nầy cần có thời gian để xét lại.
Tôi lặp lại lời yêu cầu của tôi muốn được giữ liên lạc với ông ta. Ông cho tôi biết địa chỉ, rồi nói tiếp: Nhưng hôm nay xin hãy tạm ngưng câu chuyện tại đây.
Thứ Sáu, 21-3-75
Tôi đi thăm trại định cư Chu Pao, trại Cùi và bệnh viện Minh Quy, tại đây tôi báo tin cho hai bác sĩ về quyết định của vị “Tướng” và hai ông rất vui mừng.
Với chủ tâm, tôi nhất quyết phải đi lại thật nhiều và “ra mặt” tối đa, để cho mọi người được quen mắt. Một đôi lần tôi đã bị bộ đội “khó dễ” đòi phải có giấy phép đi lại, nhưng rồi cũng được thông qua cho đi.
Thứ Bảy, 22-3-75
Trong thành phố Kontum, các cán bộ chính trị đã đến thay thế bộ đội. Là những thành phần đáng sợ, họ đưa ra những quyết định mới: Thành phố được chia thành nhiều phường, khu vực, tổ. Tại mỗi cấp, có một ban hay một người phụ trách. Dân chúng không được đi lại tự do, phải khai báo địa chỉ cư trú, không được vắng mặt, dù chỉ là trong một đêm khỏi nhà của mình vì bất cứ lý do gì nếu chẳng được cấp giấy phép trước.
Một điều mới lạ: Đêm đến, mọi người từ trẻ đến già, bất luận nam hay nữ, phải đến dự những buổi “Giáo dục công dân”. Người nào vắng mặt sẽ bị báo cáo và bị trừng phạt. Sáng, trưa, chiều, tối, loa phóng thanh không ngớt nhắc nhở về nhiệm vụ của người công dân trong chế độ mới.
Và đó là “Họ” chỉ mới làm chủ thành phố trong bốn ngày thôi đấy!
Chủ Nhật, 23-3-75
Từ 5 giờ sáng, loa phóng thanh đã oang oang kêu gọi người nào có xe hơi hãy ra đón những người chạy loạn nay trở về.
Chiếc xe “Mehari” (tức La Dalat) nhỏ bé của tôi theo đuôi vài chiếc xe khác đáp lời kêu gọi trên. Dọc đường xe tôi vượt qua những người đi ngược chiều. Tôi buộc lòng phải từ chối lời kêu cứu của những người còn đủ sức để đi hết chặng đường “khổ giá” của họ. Đây rồi, một cụ bà, lưng còng xuống gần như thành “góc vuông” đang dẫm chân tại chỗ hơn là đang đi tới; một bà mẹ bụng chửa lớn, mặt mày bạc chợt như sắp chết, cùng với bốn đứa con nhỏ với những đôi mắt thất thần vì khiếp đảm. Ít chỗ trống trong xe phải dành cho họ vậy. Tôi giúp họ dồn lên xe.
- Thế cha của mấy cháu đâu rồi? Tôi hỏi.
- Mất tích… hay chết rồi. Nào ai có hay biết!
Vào đến cổng thành phố, một anh bộ đội chận xe lại, bắt trình giấy phép.
Tôi trả lời là cách đây có một giờ, tôi đã được phép đi qua. Tôi chỉ đáp lời kêu gọi chung và đã vâng lời chính quyền đi làm nhiệm vụ công dân.
Anh ta sững sờ rủa mắng tôi và hét lên rằng: Lời kêu gọi trên không dính dáng gì đến người ngoại quốc, rằng anh ta sẽ bắt giữ tôi và tịch thu xe.
Tôi bình tĩnh nhưng cứng rắn trả lời:
- Tôi muốn gặp cấp chỉ huy của anh.
- Cấp chỉ huy? Chính tôi đây, xuống khỏi xe ngay!
- Những người nầy sắp chết đến nơi rồi. Tôi nói tiếp.
- À, ông chưa biết “Cách Mạng” là gì? Rồi đây ông sẽ biết. Anh ta đáp lại.
- Ít nhất là anh cho tôi chở họ về nhà họ rồi tôi sẽ đến gặp đồng chí chính trị viên Ba hay đồng chí tham mưu trưởng Chương để xin cấp giấy phép.
Tôi đã thắng: Hai cái tên Ba và Chương như có một hiệu lực “thần bí”. Anh ta ôn tồn trở lại và như có một chút hối tiếc, nói với tôi:
- Thôi được, ông đi đi, nhưng lần sau đừng hòng có đi lại mà không có giấy phép. Ông hiểu chưa?
Thứ Hai, 24-3-75
Bà cụ già đã chết trong đêm nay.
Ông cán bộ phụ trách nơi có bệnh viện Minh Quy, cho gọi hai bác sĩ đến.
- Chỉ là một thủ tục thông thường - Cán bộ nói với hai ông như vậy – Cứ về tiếp tục công việc.
Thứ Ba, 25-3-75
Lần đầu tiên sau ngày “Giải Phóng”, nhiều cán bộ đến Tòa Giám Mục. Họ xem xét, dọ hỏi người nầy người nọ rồi rút lui.
Hôm nay, tôi quyết định đi thăm “trả lễ” vị “Tướng” của tôi. Đến tại địa chỉ ông ta cho thì không có ông.
Với một nụ cười gượng gạo, người tùy phái đưa tay chỉ về một hướng bất định và nói:
- Có lẽ ở đằng kia kìa.
- Tại nơi “đằng kia” – một anh bộ đội người sắc tộc nói với tôi – “Hãy đợi đây”. Anh ta ra đi và trở lại với một cán bộ.
- Không phải nơi đây – ông cán bộ nói – có người sẽ dẫn ông đi.
Một anh cán bộ dẫn tôi đi theo.
- Ông đợi đây – anh ta nói.
Anh bộ đội đi về hướng một căn nhà. Cả vườn lẫn nhà có vẻ bị bỏ hoang và không có một bóng người. Hơn nửa tiếng đồng hồ qua đi mà vẫn chưa thấy người dẫn đường trở lại. Tôi chỉ còn có nước trở về nhà.
Sau đó, một người ra vẻ thạo về phong cách của những người “kháng chiến” cho tôi hay là những viên chức của chế độ mới nầy vẫn tiếp tục cách sống ở thành phố cũng như khi còn ở mật khu vậy! Không bao giờ họ ở một chỗ trong hai ngày hoặc hai đêm liên tiếp.
Cả một cách “xử thế” mới mà tôi cần phải học hỏi thêm.
Thứ Tư, 25-3-75
Trong giáo phận của tôi, có một số linh mục “cấp tiến”. Hôm nay có ba vị đến gặp tôi. Họ tỏ ra rất phấn khởi. Họ cho tôi biết, họ có những “liên hệ” rất tốt với những người có trách nhiệm trong chế độ mới nầy.
- Rồi đây – họ nói – chúng tôi có thể làm việc chung với chính quyền Cách Mạng.
Như thế là Giáo Hội khốn khổ của Chúa vẫn chưa thể thoát ra khỏi sự thông đồng với quyền lực đang tại vị. Tôi thầm nghĩ như vậy!
Thứ Năm, 27-3-75
Thứ Năm Tuần Thánh. Khoảng 10 giờ sáng, hai bác sĩ Edric Baker người Tân Tây Lan và George Christian người Mỹ, lại bị cán bộ khu vực gọi lên. Bỏ dở việc săn sóc bệnh nhân, hai ông vội vã lên trình diện. Một chiếc xe Jeep đợi sẵn đã chở hai ông đi đâu không ai hay biết. Hai ông chỉ có đủ thì giờ viết vội vài chữ để xin áo quần thay đổi.
Vì sự liên lạc giữa bệnh viện và Tòa Giám Mục không phải là chuyện dễ dàng, nên mãi đến chiều tôi mới nhận được tin nầy.
Nếu hai bác sĩ là những người mà công việc rõ ràng rất “cần thiết” cho công ích mà còn bị thình lình bắt đi như vậy thì các thừa sai và ngay cả chính tôi nữa là những người không mấy “ích lợi” cho chế độ thì số phận chúng tôi sẽ ra sao? Chúng tôi có thể “biến mất” đi như thế bất cứ lúc nào. Sự “mất tích” bất ngờ nầy được chuẩn bị một cách bí mật và chu đáo, cho thấy đây là một lời “cảnh cáo” không hơn không kém.
Rút kinh nghiệm ở Trung Quốc vào những năm 50, Tòa Thánh La Mã cách đây ba năm về trước, đã tiên liệu và ban cho hàng Giám Mục Việt Nam những đặc quyền để bảo đảm quyền kế vị của các Giám Mục. Tôi lập tức quyết định sử dụng đặc quyền ấy. Tôi cho mời ngay vị Linh Mục Việt Nam mà tôi đã để ý từ lâu. Tôi trao cho Ngài thư ủy quyền của Tòa Thánh gởi cho tôi và tôi nói với Ngài là nhân danh Đức Thánh Cha, tôi yêu cầu Ngài nhận chức Giám Mục phụ tá với quyền kế vị nầy.
- Cha có một giờ đồng hồ để suy nghĩ và hãy vui lòng trở lại cho tôi biết ý kiến.
Một giờ sau, Ngài trở lại:
- Con thấy rằng con không thể từ chối.
Tôi thừa rõ Ngài là một con người của Đức Tin và Nhiệm Vụ.
Chiều lại, tại Thánh Đường, sau lễ Rửa Chân, tôi thông báo cho mọi người biết sự lựa chọn và quyết định của tôi.
Rồi trong bầu không khí yên lặng và linh thiêng của lời cầu nguyện, tôi cử hành nghi lễ truyền chức Giám Mục cho vị sau nầy đương nhiên là người kế vị của tôi, nếu vì bất cứ lý do nào mà tôi không còn có thể thi hành sứ mạng Giám Mục của tôi nữa. Vị Tân Giám Mục không có một “huy hiệu” nào của chức phẩm Giám Mục. Tôi liền trao cho Ngài chiếc mũ, cây gậy và chiếc nhẫn của tôi. Mọi cái khác, hai chúng tôi sẽ chia sẻ với nhau trong tình huynh đệ. Tôi cảm thấy lòng tôi tràn ngập một niềm vui mừng lớn lao và thanh khiết như nỗi vui mừng của Giáo Hội Tiên Khởi.
Thứ Sáu, 28-3-75
Thứ Sáu Tuần Thánh. Tôi liền cho ra một bản thông cáo sẽ đọc trong tất cả họ đạo, báo tin cuộc tấn phong của vị Giám Mục phụ tá, để mọi giáo dân được biết tin.
Sự vui mừng và nỗi buồn tủi thường lẫn lộn trong cuộc sống hằng ngày. Chúng tôi không sao quên được hai vị bác sĩ thân yêu. Làm thế nào để có thể giúp đỡ họ? Làm thế nào để khỏi nguy hại cho họ? Chúng tôi không thể nào mà không can thiệp cho họ, nhất là sau khi “người ta” đã có những lời bảo đảm với chúng tôi và ngay cả với chính họ. Nhưng biết can thiệp với ai đây? Với ông “Tướng” tham mưu trưởng? Nhưng biết kiếm ông ta ở đâu? Với con người bí ẩn đã đi theo ông “Tướng”? Nhưng ông nầy ở đâu? Vả lại ông ta là ai? Thế là chúng tôi đành phải đi đến những người thuộc cấp dưới. Nhưng những người nầy nói rằng họ cũng không hay biết gì về sự việc đã xẩy ra.
Thật là cả một màn đen bí mật bao trùm lấy mọi người.
Những người chạy loạn vẫn tiếp tục trở về. Họ kể lại cảnh tượng hãi hùng thảm khốc trên Liên Tỉnh Lộ số 7 như sau: Sau khi di chuyển rất chậm chạp trong một đêm (15-3) và một ngày (16-3), đoàn người di tản gồm trên 200 ngàn người, vừa quân nhân vừa thường dân, cùng với gần 4 hoặc 5 ngàn chiếc xe đủ loại, đã đến được Cheo Reo. Họ đã mất hơn 30 tiếng đồng hồ để chỉ đi được 100 cây số. Họ đã bỏ lại bên vệ đường nhiều xác chết trẻ em, những người đau ốm, những người già cả, nằm lăn lóc dưới ánh nắng mặt trời và làm mồi cho ruồi nhặng. Khi những làn sóng người vừa đến tỉnh lỵ nhỏ bé nầy, thì Cộng Quân bắt đầu pháo kích bằng móc chê. Mọi người chen lấn nhau chạy ra cây cầu ở sông Ba. Tại đó, một toán Cộng Quân đã phục kích sẵn. Thế là họ lại bỏ hết tất cả xe cộ, vật dụng và ngay cả những người chết và bị thương để chạy trốn vào rừng rậm. Bờ biển, chiếc phao hy vọng cuối cùng ở cách xa đó 130 cây số. Những người sống sót lại tiếp tục đi, đi mãi để rồi cuối cùng không còn thấy một dấu vết đường mòn nào cả. Đoàn người thất thểu cố gắng kiếm lối ra để trở về lại sông Ba với hy vọng gặp được đoàn tiếp cứu từ Nha Trang lên. Trong khi đó, Cộng Quân được tăng viện, cố tiến nhanh để chặn đường những đơn vị của Miền Nam, những tên “phản quốc” đã chạy trốn trước lực lượng “giải phóng”. Cuộc chạm trán xẩy ra bên bờ sông Ba. Cộng Quân trực xạ bằng tiểu liên AK 47, bằng Bazooka và liệng lựu đạn vào đám tàn quân của Miền Nam. Những xác người được tung lên cao rồi rớt xuống và được dòng nước sông Ba cuốn đi. Những thương binh đã tự sát vì không còn hy vọng được tiếp cứu. Thật đúng là một “Đại lộ kinh hoàng”.
Những người may mắn còn sống sót sau trận chiến vô vọng nầy, bị mất hết không còn gì, chỉ còn cách lê lết về lại Pleiku hoặc Kontum. Chính là những con người khốn khổ nầy mà chúng tôi đang đón tiếp với cả một tấm lòng thương cảm sâu sắc và thầm lặng.
Chiều hôm nay, một trong những người đó đã đến với chúng tôi. Ông ta đã để lại trong bìa rừng bà vợ và ba đứa con. Căn nhà lá rách nát của ông, nay chỉ còn là một đống tro tàn. Chính là một ông “Gióp” đang đứng trước mặt chúng tôi. Nhưng ông còn đủ can đảm để nói với chúng tôi rằng: Sau cảnh tối tăm của ngày Thứ sáu Tuần Thánh, vẫn là ngày Phục Sinh sáng ngời muôn thuở.
Chỉ có những tâm hồn nghèo khó như ông Gióp mới có thể tiếp nhận nỗi cùng khổ một cách cao cả như thế. Và bài học nầy không thể học qua sách vở.
Thứ Bảy, 29-3-75
Thứ Bảy Tuần Thánh. Trong đêm vọng Phục Sinh nầy, các tân tòng được nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức. Thật là một bí mật khó dò trên con đường Đức Tin của mọi nơi và của mọi người. Những con người nhận lãnh Bí Tích Thánh Tẩy đêm nay đều biết rằng, về phương diện loài người, họ không có gì để thủ lợi, mà chỉ là hoàn toàn chịu thiệt thòi mất mát.
Chủ Nhật, 30-3-75
Chủ Nhật Phục Sinh. Trong Thánh Đường của thành phố, nghi lễ hy vọng được tổ chức cho những người đã trở về. Không một lời nói nào, không một thái độ nào của sự nổi loạn hay của sự thất vọng. Một cán bộ đã bí mật thố lộ với một người trong chúng tôi: “Trong sự sụp đổ toàn diện, cơ chế duy nhất còn giữ được trật tự và thể giá của mình chính là Giáo Hội của các ông”.
Thứ Hai, 31-3-75
Sự kiểm soát đi lại vẫn còn lỏng lẻo. Nhiều nguồn tin từ các nơi xa lọt được về thành phố. Nhờ vậy mà chúng tôi biết được có người thấy hai bác sĩ của chúng tôi bị đưa đi đến trại tập trung cải tạo, chúng tôi cũng đã biết từ ngay sau ngày “Giải Phóng” nhiều quân nhân, công chức và những cán bộ xã, ấp của chính quyền Miền Nam đã được tập trung tại các trại ấy để được học tập.
Thứ Ba, 1-4-75
Tôi và Giám Mục phụ tá đến thăm bệnh viện Minh Quy. 250 bệnh nhân đang nằm điều trị tại đó. Ngoài ra mỗi ngày có trên 60 người đến để được khám bệnh. 19 nữ tu sĩ người sắc tộc, trong số nầy có 6 y tá có bằng cấp, thay phiên trực nhật thế cho các bác sĩ đã bị bắt. Ngày hôm sau, nữ y tá phụ ở khu giải phẫu đã phải một mình phụ trách một trường hợp giải phẫu bụng, và bệnh nhân vẫn còn sống.
Thứ Tư, 2-4-75
Mỗi ngày, những người sống sót trên Liên Tỉnh Lộ số 7 tiếp tục trở về. Qua những người nầy, chúng tôi được biết tin tức về Cha J. – một thừa sai mà chúng tôi cho rằng đã chết. Ngoài ra tin tức về một nữ tu sĩ khác bị thương nặng, nhưng chúng tôi không thể nào tiếp cứu được.
Cán bộ luôn luôn giáo dục mọi người rằng, việc tố giác người khác là nhiệm vụ của mỗi người công dân. Trong những buổi họp ban đêm, họ thử dò chừng phản ứng của nhân dân bằng cách tố giác Linh Mục tội nầy, tội nọ; chẳng hạn như làm Tuyên Úy trong quân đội Ngụy… Ngay trong buổi họp, nhiều giáo dân đã đứng lên phản đối sự vu khống nầy. Ít nhất là chúng tôi đã hướng dẫn cho những người nầy về ý nghĩa của đức công bằng, sự tôn trọng của những giá trị luân lý, sự can đảm tranh đấu cho tự do. Nhưng thật tình, tôi cũng rất lo sợ cho họ vì chính họ vẫn chưa được biết “Cách Mạng là gì!”.
Thứ Năm, 3-4-75
Bốn ngàn dân tỵ nạn được định cư trước đây tại vùng Chu Pao, mà đa số là người sắc tộc thuộc vùng Bắc Kontum, đã được lệnh chuẩn bị phải trở về làng cũ của họ là những nơi hiện không còn dấu vết gì nữa cả. Những cơn mưa đầu mùa mới bắt đầu. Số lúa gieo đang lên mạ. Họ xin ở lại Chu Pao cho đến hết mùa gặt sắp đến. Lời yêu cầu của họ đã bị cương quyết từ chối. Họ phải lên đường trong một ngày rất gần đây. Viễn tượng một năm đói khát thật là chắc chắn. Mọi người khiếp sợ nhất là khi được biết thêm rằng không một vị thừa sai hay nữ tu nào được phép đi theo đàn chiên của mình.
Thứ Sáu, 4-4-75
Một vị Linh Mục về thăm Ban Mê Thuột ngày 11 tháng 3, vừa về lại Kontum. Ngài kể lại rằng trận chiến tại Ban Mê Thuột không đúng như đài phát thanh Saigon đã tường thuật. Quân đội Miền Nam bị đánh bất ngờ, đã nhanh chóng bị tràn ngập bởi đối phương trội hơn về hỏa lực cũng như về quân số nên chỉ kháng cự được trong vòng 4 tiếng đồng hồ. Đến 6 giờ sáng, cuộc chiến chấm dứt. Không có một cuộc phản công nào đã xẩy ra, ngoại trừ một cuộc dội bom của không lực Miền Nam trên thành phố đa phần đã chiếm đóng: 100 thường dân đã bị tử thương trong cuộc dội bom nầy. Tòa Giám Mục không bị cháy, Đức Giám Mục không bị chết hay bị thương hay bị bắt. Nhiều thường dân đã muốn chạy trốn ra khỏi thành phố, nhưng mọi ngả thoát ra đều đã bị chận. Tóm lại, có nhiều người bị chết nhưng không phải là “biển máu”.
Chiều lại, một Linh Mục Việt Nam mà chúng tôi đã bặt tin tức từ ngày 17 tháng 3 nay trở về với thân hình tiều tụy. Ngài là một nhân chứng đáng tin về một thảm kịch mà Ngài đã chứng kiến một cách kinh hoàng từ đầu đến cuối. Ngài đã đi lạc trong rừng suốt mười hai ngày tròn, đã cận kề cái chết mà không hy vọng thoát ra được. Ngài kể lại rất cặn kẽ như sau:
- Tôi thấy nhiều cha mẹ đã trở nên điên loạn đã giết chết những đứa con đang còn hấp hối, nhiều binh sĩ Miền Nam đã tự bắn vào đầu hoặc gỡ chốt lựu đạn rồi nằm sấp lên trên hay đã thắt cổ tự tử. Những đoàn người ngơ ngác, sắp chết khát và chỉ còn cách uống nước tiểu của chính mình, nhưng vẫn cố tiến lên trong rừng rậm. Những ai không còn đủ sức để đi nữa thì bị bỏ lại đàng sau để rồi chết trong cô đơn tức tưởi. Chính trong cái sâu thẳm của cô đơn và thất vọng ấy mà tôi phải làm nhiệm vụ của một Linh Mục.
Sau 12 ngày sống trong cảnh địa ngục ấy, tôi may mắn gặp được một toán bộ đội. Họ tỏ lòng thương xót chúng tôi, họ cho chúng tôi thức ăn và nước uống, họ bồng hộ những em bé và họ hướng dẫn chúng tôi đến một con đường, mà ở đó họ cho chúng tôi lên những chiếc xe cam nhông. Nếu không có họ giúp đỡ thì chúng tôi đã chết từ lâu.
Vị Linh Mục nầy, gốc ngoài Bắc, đã di cư vào Nam năm 1954. Vài người trong những anh bộ đội nói trên là người trong làng cũ của Ngài, một xứ đạo rất xưa và rất đạo đức ở ngoài Bắc. Ngài đã nói cho họ nghe về ông bà, cha mẹ họ. Một trong những anh nầy đã đưa Ngài xem ảnh Đức Mẹ được giấu kín trong một gấu áo và nói với Ngài rằng chính mẹ anh đã trao ảnh ấy cho anh ngay trước khi anh đi vào Nam để chiến đấu.
Rồi Ngài kể tiếp:
Bộ đội giải phóng cũng như quân đội Miền Nam có rất nhiều thanh niên được bắt đi làm nghĩa vụ quân sự (đi quân dịch). Dân chúng Miền Bắc không hoàn toàn là Cộng Sản và những anh bộ đội nầy chưa chắc đã hiểu biết gì nhiều về Cộng Sản. Và chính ở đây bắt đầu về sự ảnh hưởng của vai trò và quyền lực vô biên của cán bộ chính trị viên luôn luôn sát cánh với đơn vị để hướng dẫn, kiểm soát và kềm kẹp. Rất may là trong toán bộ đội chúng tôi gặp, không có tên “hắc ám” ấy đi theo.
Bộ đội Miền Bắc thật sự thường xuyên bị nhồi sọ và đầu độc rằng: Phải cương quyết giải phóng Miền Nam khỏi sự thống trị của đế quốc Mỹ. Phải đem lại cho đồng bào ruột thịt Miền Nam, hiện đang sống dưới ách nô lệ ngoại bang và trong sự nghèo đói, những đặc ân của Cách Mạng. Những anh bộ đội trẻ nầy đầu óc luôn bị nhồi nhét như vậy lại còn bị kềm kẹp bởi một kỷ luật sắt, đã vô tình trở thành thứ dụng cụ sắc bén của Cách Mạng để đàn áp nhân dân.
Nhưng may thay, trên con đường đẫm máu số 7, vẫn còn thấy được vài con người chưa mất hẵn “tính nhân loại”. Những con người nầy không phải là một minh chứng cho lòng nhân từ của chế độ, nhưng đã mạnh mẽ nói lên rằng, dù sao trong thâm tâm con người vẫn còn có chỗ cho lòng :trắc ẩn”; chủ thuyết không thể chấp nhận, nhưng con người luôn luôn vẫn đáng kính trọng.
Thứ Bảy, 5-4-75
Năm 1972, gần 7.000 giáo dân người sắc tộc đã rời bỏ làng mạc để trốn chạy trước sự tấn công của Việt Cộng. Chính quyền lúc bấy giờ đã định cư họ tại tỉnh Phú Bổn. Hai vị thừa sai L. và M. sau vài tháng bị giam giữ, đã trở lại với họ tại khu định cư.
Bây giờ họ đã được “giải phóng”. Họ đã được lệnh phải trở về làng cũ, cùng với số dân ở Chu Pao, số người được lệnh phải trở về đến 11.000 người. Họ phải bỏ lại mùa màng vừa mới gieo, bỏ lại nhà cửa, của cải, chỉ mang theo được những gì có thể gùi được trên vai: Ít lương thực và những đồ dùng tối cần. Xe của bộ đội chở họ đến Kontum và từ đây họ phải đi bộ từ 60 đến 90 cây số để về đến làng cũ. Người già cả, đàn bà mang thai, những người bệnh hoạn, cũng như trẻ con cũng phải chịu chung số phận nghiệt ngã nầy. Một cuộc “diệt chủng” trá hình bắt đầu. Riêng hai vị thừa sai, họ chỉ được phép trở về Kontum sau khi đoàn quân đã về đến làng. Như thế đủ chứng minh, sự hiện diện của các Linh Mục bên cạnh người sắc tộc đương nhiên bị cấm đoán.
Chủ Nhật, 6-4-75
Một toán cán bộ đến thăm Tòa Giám Mục và Chủng Viện kế cận. Họ tìm hiểu về nhà in của giáo phận, trường dạy nghề và vườn trẻ. Những cơ ngơi nầy hiện trống vắng, nhưng tất cả những thiết bị vẫn còn nguyên vẹn và sẵn sàng để hoạt động lại ngay nếu chính quyền Cách Mạng cho phép. Những vị “quan khách” rất đỗi kinh ngạc trước sự bề thế của những nơi nầy. “Lẽ dĩ nhiên vì đó là của Mỹ”, một người trong bọn họ nhận xét như thế. Họ đâu có biết rằng, chính các vị thừa sai người Pháp - những người đầu tiên đặt chân lên vùng cao nguyên nầy – đã đến hoạt động tại đây gần một thế kỷ rưỡi nay rồi!
Đám di dân của Chu Pao đã được lệnh lên đường trở về làng cũ. “Người ta” đã tuyên bố công khai rằng: Đây là một sự trừng phạt vì họ đã chạy trốn cuộc giải phóng năm 1972. Không một nhà báo, nhà nhiếp ảnh hay một đại diện đài truyền hình nào đã có mặt để lưu ý dư luận quốc tế. Im lặng và đêm tối dày đặc bao trùm lên tất cả. Không ai có quyền đến quấy phá một “trật tự mới” đang đem lại hạnh phúc cho nhân dân! Hay phải chăng đây chỉ là khởi điểm của một sự sát hại người “vô tội”, nó sẽ còn tiếp diễn mãi mãi.
Thứ Hai, 7-4-75
Toán cán bộ lại trở lại. Người chỉ huy tuyên bố ông ta có trách nhiệm chỉ giáo cho chúng tôi một lề luật mới, kiểm kê và bắt chúng tôi khai báo về cá nhân chúng tôi. Trong gần nửa tiếng đồng hồ, ông ta đọc cho chúng tôi nghe một loạt những quyết định và điều lệ về nhiệm vụ của một người công dân. Ông ta bảo tôi, với tư cách là người chịu trách nhiệm nơi đây, tôi phải làm một bản kê khai đầy đủ và chính xác tất cả bàn ghế, vật dụng, máy móc, kho dự trữ… của Tòa Giám Mục và những cơ ngơi phụ thuộc. Công việc nầy phải được xúc tiến ngay bây giờ và ngay tại nơi nầy. Chưa hết, mọi người chúng tôi phải làm và nộp cho ông ta một bản kê khai lý lịch. Chúng tôi, 17 người tất cả: Thừa sai, linh mục Việt Nam, nữ tu và nhân viên, được tập trung vào một lớp học. Người chỉ huy, mặt lạnh như đồng, mắt nhìn chúng tôi một cách xoi mói để tỏ ra quyền lực của mình. Đúng là tác phong của một “thượng cấp”.
Cuộc “lên lớp” kéo dài trong 5 tiếng đồng hồ. Mỗi người chúng tôi trao “bài làm” lại cho ông: chỉ vài chữ hay trang giấy trắng. Ông ta làm ra vẻ không thèm liếc mắt đọc những tờ giấy nầy. Sau khi ông cùng thuộc hạ ra khỏi lớp, chúng tôi có cảm tưởng là một biến cố quan trọng vừa đánh dấu cuộc đời chúng tôi: Từ nay, chúng tôi là những người bị theo dõi, vào sổ đen…
Thứ Ba, 8-4-75
Họ lại đến Tòa Giám Mục và bắt chúng tôi tập hợp lại một lớp học. Chúng tôi phải làm lại bản khai hôm qua vì chưa được thành khẩn đúng mức. Trong khi chúng tôi “trả bài” thì các cán bộ đi lục soát, điều tra khắp nơi để rồi đánh giá bản kê khai của chúng tôi có trùng hợp với sự kiểm kê của họ hay không? Chúng tôi thừa rõ đây là phương cách để có bằng chứng buộc tội chúng tôi sau nầy. Sau lần làm việc thứ hai nầy, tôi được cảnh cáo là, với tư cách là người chịu trách nhiệm về những người đang chung sống, mọi vi phạm của những người nầy sẽ được xem như là “sự đồng lõa của tôi trong âm mưu chống lại Cách Mạng”.
Thứ Tư, 9-4-75
Linh Mục J. với tình trạng bi đát, cuối cùng đã về đến Kontum. Là người Pháp duy nhất đã sống trong thảm kịch Liên Tỉnh Lộ số 7, Ngài đã bị bắt, bị trói tay, bị đánh đập vì bộ đội mặc nhiên xem Ngài là một sĩ quan hay một cố vấn Mỹ. Tất cả những người Việt Nam có mặt, đồng thanh bảo đảm Ngài là một thừa sai người Pháp. Ba ngày sau, Ngài được trả tự do sau khi đã bị đối xử một cách tàn nhẫn…
Thứ Năm, 10-4-75
Một cán bộ khu vực đến gặp tôi:
- Chúng tôi cần có phòng ốc để tổ chức những lớp huấn luyện. Ông có sẵn lòng cho chúng tôi mượn tạm hai trường học để dùng trong một thời gian ngắn không? Đây chỉ là một lời yêu cầu, ông không bắt buộc phải… Chúng tôi rất tôn trọng quyền tư hữu của mọi người dân.
Ông ta nói với một giọng rất từ tốn, có thể làm xúc động nhiều người…!
Cũng với một giọng rất hòa nhã, tôi trả lời:
- Xin ông vui lòng trình lại với Ủy Ban Tỉnh là tôi rất sẵn sàng bàn thảo vấn đề nầy với chính quyền cấp tỉnh.
Tôi chủ ý muốn bắt liên lạc với cấp cao hơn, vì thật ra chúng tôi vẫn chưa được biết ai là người điều khiển cấp tỉnh và ông ấy hiện ở đâu? Phải chăng là vị “Tướng” hay là ông chính trị viên thường đi theo ông “Tướng” như bóng với hình? Hay là một người nào khác?
Thứ Sáu, 11-4-75
Đây rồi, đoàn di dân bị đuổi khỏi Phú Bổn vừa đến nơi. Nằm lăn lóc ở ngoài trời trong sân trường, họ lại phải lên đường vào sáng hôm sau. Một vài người liều lĩnh đến Tòa Giám Mục để năn nỉ tôi cho phép những vị thừa sai cùng theo họ về làng cũ… Họ làm như tôi có toàn quyền giúp họ. Họ có biết đâu rằng lời yêu cầu của họ là như một thanh sắt nung đỏ đang xoáy vào vết thương trong tim tôi! Không phải sự ngây thơ của họ đã làm tôi xúc động, nhưng chính là vì tôi nhận thấy rằng điều mà họ cho là quý giá nhất trong giờ phút cùng cực nầy và trước viễn tượng một tương lai bất định, chính là sự hiện diện của những “chứng nhân” của Chúa Kitô. Nếu có vị Linh Mục nào đang “đi tìm lý lịch” của mình mà chưa biết mình là ai thì chính những tâm hồn đơn sơ nầy đã biết rõ điều ấy.
Thứ Bảy, 12-4-75
Vừa rạng đông, dưới cảnh trời giông bão, đoàn di dân lên đường về làng cũ.
Mãi đến xế chiều, hai Cha L. và M. mới được phép đến Tòa Giám Mục. Họ đã được lệnh không được đi xa hơn. Họ phải nghĩ rằng đó chỉ là một biện pháp tạm thời. Thật tội nghiệp! Họ đâu có biết rằng thế giới đã đổi dời…
Kể từ nay, sáu người ngoại quốc chúng tôi bị chỉ định cư trú và hai bác sĩ ngoại quốc bị giữ ở trại cải tạo.
Chủ Nhật, 13-4-75
Trong buổi họp “nhồi sọ” dân chúng được tiến hành triệt để và chính xác hơn, cán bộ chính trị nói với một bà cụ:
- “Ông già” sao không thấy đến họp? Tại sao?
- Cán bộ đã biết rõ ông ấy bị què và bị điếc đấy chứ?
- Không sao cả, bảo ông ấy cứ đến. Dù ông ta không nghe hiểu được gì, nhưng sự có mặt của ông chứng tỏ ông tán thành Cách Mạng. Sự vắng mặt của ông được xem như là sự chống đối của cả nhà. Bà hiểu chưa? Kể từ nay, bà phải chịu trách nhiệm về sự có mặt của ông ấy trong các buổi họp!
Các cán bộ đi đến từng nhà một và bắt buộc chủ gia đình phải mua ảnh của vị Cha Già Dân Tộc: Chủ Tịch Hồ Chí Minh và phải treo ảnh ấy vào chỗ cây Thánh Giá cũ hoặc đặt trên bàn thờ ông bà. Dân chúng tức tối phản đối và tiếp theo là sự hăm dọa của cán bộ. Tôi rỉ tai để giáo dân truyền miệng với nhau là không nên trực diện chống lại lệnh của cán bộ, phải nhận ảnh của Hồ Chí Minh và một lần nữa, để làm chứng Đức Tin của mình, hay treo ảnh ở một chỗ khác nhưng không kém quan trọng. Cán bộ phải làm ngơ. Họ biết rõ cách áp dụng tạm thời chiến thuật muôn thuở: “Tiến một bước, lùi hai bước”.
Thứ Hai, 14-4-75
Hôm nay, một bà mẹ Công Giáo đến với tôi:
- Hôm qua, một nữ cán bộ phụ trách dạy trẻ từ 6 đến 10 tuổi, đã hỏi: “Các em biết đọc kinh không?”
- Có… có… - các em trả lời.
- Vậy các em đọc kinh Lạy Cha đi.
Các em ngoan ngoãn đọc kinh và cô cán bộ ta lắng nghe và khen ngợi. Rồi ca, hát, nhảy múa và các trò chơi khác được tiếp tục…
Bất thình lình, cô cán bộ hỏi:
- Các em có muốn ăn kẹo không?
- Muốn chứ… - các em vui vẻ trả lời.
- Vậy các em hãy đọc kinh lúc nãy cầu xin Chúa cho các em kẹo đi…
Các em ngây thơ bắt đầu đọc lại kinh Lạy Cha.
- Sao! các em đã được kẹo chưa?
Cô cán bộ hỏi các em và không cần đợi câu trả lời, cô nói tiếp: Đấy các em xem, người ta dạy láo các em đấy thôi. Không có Chúa, Mẹ nào cả. Bây giờ các em lặp lại theo cô nhé…
Rồi những khẩu hiệu: Hồ Chủ Tịch muôn năm… Bác Hồ kính yêu của các cháu muôn năm… được hô to vang dội cả lớp.
Đến đây, một phép lạ xẩy ra… Từ phía cửa sổ, một số bánh kẹo được tung vào lớp.
Thứ Ba, 15-4-75
Đối với một nhóm thanh niên, cán bộ giải thích:
Nhiệm vụ của mỗi công dân là tham gia vào việc xây dựng xã hội mới, tùy theo khả năng và sức lực. Các anh là nông dân, là công nhân, các anh phải làm việc để sản xuất tối đa. Nếu không làm như thế là các anh ăn cắp của tập thể. Lãng phí thời giờ là một tội nặng. Vừa rồi trong khu phố các anh, 450 thanh niên đã đi nhà thờ trong một tiếng đồng hồ, như thế là gần 500 giờ lao động phí phạm. 500 giờ!!! Các anh có biết là bao nhiêu sào ruộng đã không được cày và mất bao nhiêu tạ lúa không? Thật vậy, những người trên đây đều có tội đối với xã hội. Chính thể mới nầy không cấm các anh giữ đạo, đó là việc riêng của mỗi người. Nhưng nhà nước cấm buộc không được phí phạm thời giờ cho những việc vô bổ. Các anh hiểu chưa?
Những lời cảnh cáo trên đây tạm áp dụng cho dân chúng ở thành phố là nơi mà tạm thời các Nhà Thờ còn được phép mở cửa, và mọi người phải tự hiểu lấy là, kể từ nay giờ lễ sẽ bắt đầu vào lúc 4 giờ sáng, ăn chận bớt thời gian của giấc ngủ. Còn ở vùng thôn quê, nơi mà không một nhân chứng nào bén mảng đến để tìm hiểu những gì đang xẩy ra tại đó, thì cán bộ ngang nhiên áp dụng một chế độ khắt khe hơn: Cấm đọc kinh trong gia đình, cấm mang ảnh tượng, cấm đọc sách đạo… cấm dạy giáo lý…
Thứ Năm, 17-4-75
Cuối cùng rồi tôi cũng tìm được cái nghị định về tự do tôn giáo. Nghị định nầy được ký từ năm 1955 do chính tay của Hồ Chí Minh. Thay cho giấy được đi lại mà tôi không được cấp, tôi tạm giữ bản sao nghị định nầy luôn luôn trong người, đề phòng khi bị chận hỏi sẽ xuất trình, may ra chứng minh được là mình đang ở trong tình trạng hợp lệ với luật pháp.
Thứ Sáu, 18-4-75
Hôm nay, đúng tròn một tháng chúng tôi được “giải phóng”. Biết bao chặng đường gian khổ đã qua. Tôi mơ màng đứng trước một lồng chim trong đó có vài con chim yến đang tung tăng nhảy nhót. Một con đậu lại trên một cành cây nhỏ, nhìn tôi với cặp mắt đen tròn, gật mỏ một cái, bay đi… đụng vào lưới sắt rồi bay trở lại… Hình như nó muốn nói với tôi một điều gì? Đột nhiên, tôi nghe tiếng của nó: Ông thấy không, chúng tôi cũng đang được tự do như ông trong một cái lồng khác! Rồi ý nghĩ mở cửa lồng cho chim thoáng nảy ra trong óc tôi. Và lập tức tôi mở cánh cửa lồng chim, một cánh cửa từ nay đã trở thành một biểu tượng của tự do, thứ tự do mà người cũng như chim hằng mong ước.
Thứ Bảy, 19-4-75
Một y tá Tin Lành và 50 trẻ mồ côi do chiến cuộc đã đến xin tá túc tại bệnh viện Minh Quy từ ngày 18 tháng 3 khi thành phố đang trải qua những ngày khói lửa. Hôm qua, anh ta biến mất. Nhiều nhân chứng xác nhận với tôi là anh ta đã bị bắt đi. Tuy vậy, hôm nay, nhiều cán bộ đã đến điều tra tại bệnh viện và hỏi anh y tá ấy ở đâu? Một bà xơ trả lời: “Các ông đã bắt cầm tù anh ấy rồi”. “Tại sao bà biết?”- Cán bộ hỏi lại. “Tất cả thành phố đều biết.” – Bà xơ trả lời.
Một cán bộ tự xưng là bác sĩ, đến bệnh viện điều tra hàng tiếng đồng hồ. Tôi lo ngại đây là một dấu hiệu không lành. Bệnh viện nầy là bệnh viện duy nhất đang hoạt động và đang đầy nhóc bệnh nhân.
Chủ Nhật, 20-4-75
Mỗi tháng một lần, tất cả các Linh Mục thuộc giáo phận thường gặp nhau để dự buổi “canh thức cầu nguyện” về đêm tại Tòa Giám Mục. Sáng hôm sau, tất cả đồng tế với Giám Mục trong buổi lễ, tiếp đến họp nhau để báo cáo công việc trong tháng qua, bàn thảo những vấn đề cần thiết và nhận những chỉ thị mới. Nhưng chiều hôm nay, chúng tôi được thông báo là kể từ nay không còn được phép hội họp nữa: Mọi cuộc hội họp được xem là có tính cách phá hoại và chống lại Cách Mạng.
Biết bao giờ mới chấm dứt được những phiền toái như thế mỗi ngày mỗi xẩy ra thêm? Tôi ủy nhiệm cho vị phụ tá của tôi – vì Ngài là người Việt Nam – đến liên lạc với các cấp chính quyền. Nhưng rồi cũng không được giải quyết thỏa đáng. Thế giới của chúng tôi đã bị ngăn cách rồi hoàn toàn bị khép kín.
Thứ Hai, 21-4-75
Ông cán bộ đã đến điều tra bệnh viện Minh Quy, được chỉ định làm bác sĩ trưởng của bệnh viện. Chúng tôi chỉ được tin qua lời đồn đãi. Thật rõ ràng là bệnh viện nầy đã được xem như là một “chiến lợi phẩm” và Tòa Giám Mục chịu trách nhiệm được xem như không có. Tuy nhiên, tôi cũng đã nghĩ rằng họ đã đưa ra một giải quyết hợp tình cho một tình trạng không thể chấp nhận được: Một bệnh viện đã không có lấy một bác sĩ trong nhiều tuần nay. Giám Mục phụ tá sẽ đến chào hỏi vị bác sĩ mới nầy và sẽ bảo đảm với ông ta về sự cộng tác chân thành của toàn thể nhân viên trong bệnh viện.
Thứ Ba, 22-4-75
Bà y tá trưởng hơn một tháng nay một mình khám bệnh cho tất cả từng ấy người đã trao ống nghe khám cho vị bác sĩ mới.
- Không – bác sĩ nói – Tôi đã không thực hành khám bệnh từ lâu. Tôi không còn quen việc. Bà cứ tiếp tục.
Ông nầy tỏ ra chỉ để ý đến các kho dự trữ của bệnh viện và hằng ngày hình như ông ta đã ở lại đó suốt cả thời gian làm việc.
Thành phố đông đúc trở lại: Trên 20.000 người. Cả là một đám dân nghèo, bệnh tật, buồn bã và kín đáo! Mạnh ai nấy lo sửa sang lại nhà cửa, vườn tược bị tàn phá và chôn cất những xác chết cuối cùng. Một vài tiệm đã mở cửa nhưng hàng hóa không còn đầy đủ như trước. Trường học vẫn còn đóng cửa. Những người khỏe mạnh được trưng dụng đi lao động Xã Hội Chủ Nghĩa tại các ruộng tập thể với chỉ tiêu 100 ngày công mỗi người. Họ được đề cao như những chứng nhân hồ hởi của Cách Mạng và hình ảnh của họ rồi đây sẽ được vinh dự đưa lên màn ảnh của truyền hình.
Thứ sáu, 25-4-75
Lần đầu tiên, tôi nhận được giấy mời của Ủy Ban Cách Mạng khu vực ghi rõ: “Linh Mục Seitz phải đến trình diện tại văn phòng của Ủy Ban vào lúc 10 giờ sáng ngày 26-4-75. Tôi lặp lại: đúng 10 giờ”. Ký tên: không rõ.
Không cần phải lanh trí cho lắm, tôi cũng đoán được đây chỉ là một cú “trả đũa” đúng lúc, vì tôi thừa biết người ký giấy nầy là ai rồi. Đó là tên Long A… người gốc thị xã Kontum nầy. Anh ta đã biến mất mấy năm nay, bỏ lại vợ và các con. Có người biết có thấy anh ta trong các trận đánh vào năm 1968 và 1972. Mặc kệ, chúng tôi đã giúp đỡ gia đình, con cái anh ta như đã làm với mọi người khác. Anh ta là cán bộ trung, nhưng không phải vì thế mà anh ta là một người không đáng sợ. Sinh trưởng và lớn lên tại địa phương, anh ta biết rành rẽ về mỗi một người dân tại đây. Anh ta tỏ ra rất hăng say, rất cứng rắn đến mức độc ác. Anh ta thuộc hạng người chuyên sử dụng chính sách đe dọa đàn áp. Tôi sẽ không đến trình diện.
Thứ Bảy, 26-4-75
Hôm nay, tôi cử Linh Mục thư ký của tôi đi thay tôi. Được làm thư ký cho Tòa Giám Mục trong giai đoạn nầy thật không “ngon lành” chút nào cả.
Bệ vệ ngồi giữa hai phụ tá, ông ủy viên Long A… nói lớn:
- Ông về nói lại với Giám Mục là chúng tôi luôn luôn để mắt đến ông ta. Tòa Giám Mục chỉ treo vỏn vẹn có ba lá cờ giải phóng: Đó là một hình thức chống đối công khai. Tại sao Tòa Giám Mục lại không tiếp tục cấp phát gạo cho dân chúng?
- Vì đã hết gạo trong kho.
- Không phải thế. Các ông khinh miệt dân chúng. Có phải Giám Mục đã chia đất cho nhiều gia đình không?
- Đúng thế.
- Ông nói lại với Giám Mục, đấy không phải là một hình thức cho thuê đất mà là một sự tái cấp phát. Vả lại tôi không còn muốn thấy các Linh Mục ra vô Tòa Giám Mục mà tôi không hay biết. Kể từ nay, mọi sự thăm viếng đều phải được báo cáo cho tôi. Ông hiểu chưa? Ông có thể ra về.
Thật đáng tiếc cho ông ủy viên, vừa mới bắt đầu ra quân, anh ta đã thua tôi keo đầu, anh ta đã không đòi hỏi sự có mặt của tôi.
Chủ Nhật, 27-4-75
Chúng tôi bình tĩnh phân tích về tương lai của những Linh Mục người ngoại quốc. Ba giả thuyết có thể xẩy ra: - Thứ nhất, một phán quyết của Tòa Án Nhân Dân có thể đưa chúng tôi đến giam giữ tại một trại tù nào đó cho đến mục xương. – Thứ hai, một viên đạn bắn vào gáy hay một tai nạn “xảy ra trong chớp mắt”. – Thứ ba, bị trục xuất ra khỏi Việt Nam. Khi nào? Trong điều kiện nào? Cũng như bao bạn bè chúng tôi trong thời gian qua, chúng tôi đã sẵn sàng từ lâu để chấp nhận giải pháp chót nầy. Còn giải pháp thứ hai xem ra không mấy chắc chắn vì như vị “Tướng” đã nói: “Chúng tôi đang ở vào năm 1975”.
Các ông ấy đâu có hiểu rằng dù với giải pháp nào đi nữa thì chúng tôi cũng bất cần. Với một tâm hồn thanh thản, chúng tôi thừa biết điều tối thiết và căn bản mà chúng tôi đã đạt được, chính là sự nhìn biết và kính mến Chúa đã ngự trị trong tâm khảm của con dân Việt nầy cho dù số người Công Giáo chỉ là thiểu số. Nhiệm vụ đã hoàn tất, chúng tôi có thể biến mất đi.
Thứ Hai, 28-4-75
Chúng tôi vừa đốt xong những tài liệu quý giá còn lại tại Tòa Giám Mục. Có thể trong số nầy có những tài liệu rất hữu ích cho lịch sử mai sau. Khi trao phó chúng cho ngọn lửa hồng, tôi tự an ủi mình mà nghĩ rằng… đến giờ “Vị Chúa Tể của Lịch Sử” đánh dấu chấm cuối cùng vào chương chót thì sẽ không có điều nào thiếu sót để được đưa ra ánh sáng.
Thứ Ba, 29-4-75
Những đài phát thanh ngoại quốc mà chúng tôi còn bắt được, cho chúng tôi hay rằng người Mỹ cuối cùng cũng sẽ được di tản khỏi Saigon. Giữa Điện Biên Phủ năm 1954 và Saigon năm 1975, không thể có một tiêu chuẩn đánh giá chung. Người dân Việt, Cộng Sản hay không Cộng Sản, đã không bị lầm lẫn về điều đó.
Thứ Tư, 30-4-75
Radio Saigon không còn phát thanh nữa. Đúng 12 giờ trưa, thủ đô của Miền Nam đã được “giải phóng”. Cả thế giới thở ra nhẹ nhỏm: “Hòa bình đã đến với Varsovie!”. Phải, chính là thứ hòa bình đó, chứ không phải thứ nào khác.
Nhưng không ai hiểu nổi thứ hòa bình nầy là gì nếu họ không hiểu rõ nguồn gốc phát sinh ra cái ngày hôm nay và ý nghĩa đích thực của cái gì đang chấm dứt mà một màn hỏa mù dày đặc đã phủ kín quá lâu rồi: Tại điểm phát xuất là một cơ hội đã bị đánh mất, tại điểm hẹn đến là một giai đoạn bành trướng đương nhiên của chủ thuyết Mác Xít trên toàn cầu, đã làm nghiêng hẵn cán cân của vùng Đông Nam Á Châu về phía thế giới Cộng Sản. Ai mà ngờ được như thế!
Thứ Năm, 1-5-75
Suốt cả ngày, như những đợt sóng đua nhau lướt vào bờ biển, đài phát thanh của thành phố không ngớt vang lên những tin chiến thắng của Cách Mạng. Lệnh đã được loan ra phải thay thế cờ Mặt Trận Giải Phóng được dung nhượng từ trước đến nay, bằng lá cờ duy nhất nền đỏ sao vàng, cờ của Cộng Hòa Nhân Dân Miền Bắc hay là cờ Cộng Sản. Thật là điều rất lô gích và chúng tôi không một ai lấy làm ngạc nhiên cả!
Thứ Sáu, 2-5-75
Từ tảng sáng, trong suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, trọng pháo và móc chê thi đua nhau nổ. Chiến tranh chưa chấm dứt sao? Mục tiêu là những rặng núi ở chân trời phía Nam tỉnh Kontum.
Chiều lại, chúng tôi được biết những gì đã xẩy ra: Đó là những người “Kháng Chiến Mới” đang chống lại những “Ông Chủ Mới”. Những người du kích mới nầy mang một danh xưng đã được biết đến từ lâu trên vùng Cao Nguyên nầy: “Mặt Trận Thống Nhất Giải Phóng Các Sắc Tộc Bị Áp Bức” (F.U.L.R.O.). Họ bị thiệt hại: 30 tử thương và nhiều người bị thương.
Tất cả các làng của người sắc tộc quanh vùng đã bị nghi ngờ có liên hệ với tổ chức nầy. Một dân thường đã bị tuyên án tử hình và bị xử bắn ngay tại chỗ.
Nguyễn Quang Cẩn chuyển dịch