Ngô Thế Vinh
Trung Tá Biệt Cách Dù
VŨ XUÂN THÔNG
Một Chiến Binh,
Một Bạn Hiền Vừa Ra Đi
Hình 1: Tốt nghiệp khóa 17 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt 1963, Vũ Xuân Thông tình nguyện gia nhập Lực Lượng Đặc Biệt, một binh chủng mới của quân lực Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ. Hình trên là Đại Úy LLĐB Vũ Xuân Thông khi đang là Liên Toán Trưởng Thám Sát của Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta, sau này, sát nhập với Tiểu Đoàn 81 để trở thành Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, một lực lượng tổng trừ bị thiện chiến trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. [nguồn: LĐ81 BCNDLLĐB]
*
Vũ Xuân Thông sinh ngày 9 tháng 12 năm 1939 tại Hà Nội. Là gia đình có đạo dòng, Thông theo học trường Puginier, là một ngôi trường cổ xưa được xây cất từ năm 1897 tại Hà Nội. Năm 1954, khi gia đình di cư vào Nam, ở tuổi 15 Thông là con trai cả trong một gia đình lúc đó có 4 anh em: Vũ Xuân Thông, Vũ Văn Thanh, Vũ Văn Phượng, Vũ Thị Bích, sau này trên vùng đất mới, gia đình Thông có thêm 2 người em nữa là Vũ Hồng Vân, Vũ Văn Dũng.
Hình 2: Trường Puginier, là một trường Dòng cổ xưa mang tên Giám mục Puginier được xây cất từ năm 1897 – được coi như “một dấu ấn của Dòng La San Trên Đất Thần Kinh Bắc kỳ” chỉ sau trường Taberd đã có trước đó tại Nam Kỳ (trái). Cậu học sinh 7 tuổi Vũ Xuân Thông, với chiếc mũ beret đen (hàng sau, phải). Sau 1954, các công trình La San ở toàn Miền Bắc bị chính quyền CS giải thể, trường Puginier sau này đổi tên thành trường Trung học phổ thông Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. [nguồn: tư liệu gia đình VXT]
Hình 3: Hình chụp gia đình Ba Mẹ Vũ Xuân Thông và các con ở Hà Nội năm 1951, Vũ Xuân Thông là con trai cả đứng ở bìa phải, lúc ấy mới 12 tuổi đã bắt đầu “trổ giò” cao lớn hơn hẳn các em. [tư liệu gia đình Vũ Hồng Vân, em gái Vũ Xuân Thông]
Có bố là công chức từ thời Vua Bảo Đại, ngay sau Hiệp định Genève 1954 ông quyết định đem toàn gia đình vào Nam và chọn định cư ở Đà Lạt. Vũ Xuân Thông tiếp tục theo học trường công lập Trần Hưng Đạo, tới Tú tài 2 không có lớp nên VXT phải vào Sài Gòn theo học trường Chu Văn An cho đến hết năm cuối trung học.
Sẵn có năng khiếu về hội họa, Thông có giấc mơ đầu đời là trở thành kiến trúc sư, nhưng rồi với học trình dài 6 năm rất tốn kém, với đồng lương công chức khiêm tốn của bố, lại phải nuôi một gia đình 6 anh em đang ở tuổi ăn học, mà Thông là con cả nên biết là gia đình không kham nổi. Vũ Xuân Thông đã chọn một hướng khác. Là trai thời loạn, rồi cũng tới lúc phải “xếp bút nghiên”, Thông mơ ước trở thành phi công. VXT viết:
“Ngay từ những năm đầu ở Trung Học, tôi đã rất ngưỡng mộ Không Quân dù chỉ qua hình ảnh của các anh phi công Mỹ, Pháp và Anh trong thời kỳ Thế Chiến thứ hai và trong thời gian chiến tranh Việt Nam vào những năm 50. Tôi có ý định sẽ gia nhập Không Quân Việt Nam, nhưng mộng không thành vì khi khám sức khỏe ở Bệnh Viện Cộng Hòa tôi mới phát giác ra là thị lực con mắt phải của tôi chỉ có 7/10. Thế là vỡ mộng…”
Mộng phi công cũng không thành. Lựa chọn tiếp theo của Thông là thi vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, một học viện quân sự danh tiếng của Đông Nam Á được ví như một West Point của Mỹ hay một Saint-Cyr của Pháp thời bấy giờ.
Vũ Xuân Thông gia nhập Khóa 17 Lê Lai từ trung tuần tháng 11 năm 1960 gồm hơn 200 thanh niên tuấn tú, nhưng rồi qua một chương trình huấn luyện sàng lọc khắt khe, ngày ra trường 30 tháng 3 năm 1963 chỉ còn lại 180 tân sĩ quan. Thời gian thụ huấn dự trù là 4 năm, khi ra trường, ngoài cấp bậc Thiếu úy Hiện dịch, mỗi khóa sinh còn được cấp văn bằng Cử nhân Khoa học Ứng dụng, nhưng rồi do nhu cầu chiến trường đang thiếu sĩ quan nên Khóa 17 đã mãn khóa sớm, với thời gian thụ huấn được rút ngắn xuống chỉ còn là 2 năm 4 tháng.
ĐẠI ĐỘI THÁM SÁT
VÀ NHỮNG NGÀY NHẢY TOÁN
Trước ngày tốt nghiệp, Vũ Xuân Thông đã có ý định tình nguyện gia nhập binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt (ARVNSF / Army of the Republic of Vietnam Special Forces), được tổ chức giống như LLĐB Hoa Kỳ. Tổng Thống Kennedy đã khai sinh ra những toán lính Mũ Xanh (Green Berets) này với ước mong đó là những chiến sĩ giải phóng các dân tộc bị áp bức – De Oppresso Liber, và cũng nhằm đối phó với mọi loại hình thức chiến tranh phi quy ước (unconventional warfare) trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.
Hình 4: Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam chính thức thành lập tháng 4 năm 1963, với chiếc Mũ Xanh lá cây rừng, và phù hiệu cánh dù với cọp bay trên vai áo.
Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam trên giấy tờ được thành lập từ tháng 4 năm 1963, chỉ một tháng trước ngày Thông ra trường, nhưng trước đó, Thông đã được nghe rất nhiều huyền thoại về những hoạt động bí mật đã có từ năm 1957 của các tổ chức như Liên Đội Quan Sát Số 1, rồi Liên Đoàn 77, rồi Liên Đoàn 31, rồi lại đổi danh thành Liên Đoàn 111, với các chương trình thả Toán Thám Kích ra Bắc, cùng với các hoạt động bí mật ngoại biên khác nữa. Các tổ chức trên chính là tiền thân của Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam sau này. (Phan Văn Huấn, Câu Chuyện Chiếc Mũ Xanh)
Về trình diện Bộ Tư Lệnh LLĐB đóng ở Nha Trang, Vũ Xuân Thông được cử đi học ngay khóa nhảy dù, và tiếp theo là một khóa Lực Lượng Đặc Biệt về mưu sinh và thoát hiểm tại Trung Tâm Huấn Luyện LLĐB Đồng Bà Thìn cùng với một chương trình huấn luyện về diện mạo mới của cuộc Chiến tranh Vô quy ước (Unconventional Warfare).
Sau đó, Thông được phân phối về Trung Tâm Huấn Luyện Hành Quân Delta [TTHLHQ Delta] với 12 toán Thám Sát đang hoạt động. Mỗi toán Thám sát chỉ gồm 6 người, mỗi người với lương khô đủ cho 6 ngày, 2 bi đông nước uống, băng cấp cứu cá nhân, vũ khí trang bị thật gọn nhẹ với 1 cặp lựu đạn M67, 1 súng M16 và 2 cấp số đạn, một lưỡi lê, tất cả toán viên được huấn luyện chu đáo với khả năng hoạt động sâu trong vùng kiểm soát của đối phương. Mỗi toán được trực thăng thả vào hậu phương địch để hoạt động trong một vùng nhất định, thời gian hoạt động trung bình từ một tuần cho tới 10 ngày, có thể lâu hơn, chủ yếu làm các nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, tránh đụng độ, nếu có thể bắt cóc tù binh để khai thác, và khi tình thế cho phép, Toán sẽ hướng dẫn các Trung đội Xung kích của Tiểu Đoàn 81 đột nhập phá hoại chớp nhoáng các mục tiêu quân sự của địch. Yếu tố bất ngờ là ưu điểm cho những chiến công của đơn vị.
TTHLHQ Delta lúc ấy đã có Chỉ huy trưởng là Thiếu Tá Phan Văn Huấn, xuất thân Khóa 10 Trường Võ Bị Đà Lạt. Thời gian đầu, TTHLHQ Delta hoàn toàn được Phi đội trực thăng 281 Hoa Kỳ tăng phái và yểm trợ.
Nếu là thả Toán, Phi đội trực thăng gồm 5 chiếc: một trực thăng chỉ huy / Lead Slick (hay còn gọi là C&C / Command & Control), một chiếc chở Toán Thám Sát vào vùng hoạt động, 2 gunships hộ tống, và thêm một trực thăng sẵn sàng cấp cứu (rescue).
Thường thì chính Thiếu Tá Huấn đích thân bay trên chiếc C&C, trực tiếp chỉ huy và điều hợp các phi vụ thả và bốc toán, kể cả trường hợp cứu toán khi bị lâm nguy, hay với hoạt động hành quân lớn hơn, được tăng cường thêm các phi đội trực thăng bạn để thả các Trung đội Xung Kích đánh nhanh và rút nhanh ra khỏi trận địa.
Hình 5: BCD Phan Văn Huấn, CHT / LĐ81 BCND từ 1970 tới 1975. Tiểu sử của Anh đã gắn liền với từng bước phát triển các đơn vị đã có trước đó từ năm 1957. Người Anh Cả Phan Văn Huấn đã được vinh thăng cấp Đại Tá tại Mặt Trận tử thủ An Lộc 1972. Đơn vị Biệt Cách Nhảy Dù đã đi vào Chiến Sử với 2 câu thơ của cô giáo Pha: “An Lộc địa sử ghi chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”.
LIÊN ĐOÀN 81 BIỆT CÁCH NHẢY DÙ
Cùng với Tiểu Đoàn 81 BCND có 6 Đại Đội Xung Kích túc trực ứng chiến, cứu Toán hay phối hợp với TTHLHQ Delta trong các cuộc hành quân đột kích phá hoại chớp nhoáng các mục tiêu quân sự của địch.
Vũ Xuân Thông đã dạn dày lửa đạn và trưởng thành từ những Toán Thám Sát cho tới khi trở thành cấp chỉ huy của Liên Đoàn 81. Thời gian Nhảy Toán, với Vũ Xuân Thông đó thực sự là những ngày gian khổ. Và Thông đã thương biết bao những người lính nhảy Toán ấy trong suốt những năm tháng chỉ huy họ sau đó.
Hình 6: Vẫn với chiếc Mũ Xanh màu lá cây rừng (trái) của Lực Lượng Đặc Biệt và thêm Phù hiệu tam giác với Chim Ưng và Cánh Dù 81 may trên vai áo của Liên Đoàn 81 BCND – phù hiệu này do chính BCD Vũ Xuân Thông vẽ khi đang là Trưởng Ban Ba LĐ 81 BCND (phải); tất cả đã tạo nên những huyền thoại về người chiến binh BCND sau này. [nguồn: tư liệu Gia Đình 81 BCND]
Khi bắt đầu giai đoạn Việt Nam hóa cuộc chiến tranh, Liên Đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ [ 5th Special Forces Group, US) rút khỏi Việt Nam, Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam cũng bị giải thể vào tháng 8 năm 1970. Nhưng Liên Đoàn 81 BCND vẫn tồn tại với tiếp liệu và vũ trang bắt đầu bị hạn chế. Các phi đội trực thăng của Không quân Việt Nam đã hoàn toàn thay thế phi đoàn trực thăng 281 Hoa Kỳ, nhưng với một chiến trường sôi động và ác liệt hơn trước rất nhiều. Các phi công trực thăng Việt Nam đã rất can trường hoàn thành ngoạn mục nhiệm vụ được giao phó dĩ nhiên với nhiều hy sinh và tổn thất cho tới ngày 30.04.1975.
Và rồi khi mà Hà Nội bất chấp Hiệp ước Paris 4 bên, quyết định đưa hàng chục sư đoàn Bắc quân công khai tràn xuống xâm lấn Miền Nam, với nguồn vũ khí vô hạn của Trung Quốc và Liên Xô, cuộc chiến tranh đã hoàn toàn thay đổi bản chất, không còn là du kích chiến mà là những trận địa chiến với hỏa lực kinh hoàng của đối phương.
Với Liên Đoàn 81 BCND, Bộ Tổng Tham Mưu VNCH qua nghiên cứu phân tích và lượng giá những trận địa, đã đưa ra các nhận định và đi tới kết luận là:
Liên Đoàn 81 BCND có 3 khả năng đáng kể mà ít có đơn vị tổng trừ bị nào có được, đó là: (1) Có thể tách ra thành từng toán nhỏ hoạt động nhiều ngày trong hậu tuyến địch, (2) Có thể đánh đêm bằng du kích chiến; (3) Có thể tập trung lại để đánh trận địa chiến như các đơn vị khác được.
Từ đó Bộ Tổng Tham Mưu đã đưa tới quyết định: phát triển LĐ 81 BCND thành Lữ Đoàn, với quân số bổ sung không gì khác hơn là các tân binh quân dịch, và điều gì đã khiến những tân binh này đã mau chóng trở thành những chiến binh thiện chiến khi gia nhập Liên Đoàn 81 BCND?
Dĩ nhiên giai đoạn huấn luyện hiệu quả là không thể thiếu, nhưng chỉ có thể giải thích là tinh thần chiến đấu với thành phần những tân binh ấy phần lớn đều dựa vào sự tự hào trên màu cờ sắc áo của đơn vị, như Sư đoàn Nhảy Dù với chiếc Mũ Ðỏ, Thủy Quân Lục Chiến thì có mũ Xanh, Biệt Ðộng Quân có Mũ Nâu, và anh em Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù thì hãnh diện với chiếc Mũ Xanh màu lá cây rừng có từ thời Lực Lượng Đặc Biệt. Tất cả đều phải qua bao gian khổ kể cả xương máu và mạng sống của đồng đội họ mới tạo được những chiến công, và phần lớn cũng nhờ niềm kiêu hãnh trên màu cờ sắc áo đó. [Phan Văn Huấn, Câu Chuyện Chiếc Mũ Xanh]
…
Vũ Xuân Thông khi viết Những Cánh Thép Ngày Trước để ca ngợi những phi công VNCH can trường, các Phi đội trực thăng bạn đã anh dũng yểm trợ cho LĐ81 BCND trong suốt các cuộc hành quân, mà Thông đã ví họ như bùa hộ mạng, nhưng VXT cũng không quên dí dỏm nói về những gian khổ hy sinh xương máu của bản thân và đơn vị mình.
“Xin cho chúng tôi được hân hạnh nhận các chiến hữu Không Quân là bạn để dễ bề tâm sự và để nói hết những điều cần nói sau 37 năm dài. Vì không nói ra lúc này sẽ không có dịp nào để nói, giữa chúng ta từ lâu đã cư xử với nhau rất mực huynh đệ chi binh, nhưng cũng đầy hào khí giang hồ. Tôi sẽ không nhắc lại những chiến công oanh liệt của các bạn hay của chúng tôi. Tôi chỉ muốn nhắc lại – các bạn những người đi vào chiến tranh với dáng vẻ hào hoa phong nhã, lúc nào quân phục cũng sạch bóng, trang bị nhẹ nhàng…
Không giống như đám chúng tôi bao giờ cũng vậy hễ xuất quân là quần áo rằn ri, lôi thôi lếch thếch… nào là ba lô, súng ngắn, súng dài, dây nhợ quanh người, lựu đạn lủng lẳng đằng trước, đằng sau. Mỗi lần được bốc ra khỏi vùng hành quân thì ôi thôi khỏi nói, dù có yêu tôi cách mấy cũng chỉ đứng xa mà chào mừng chứ chưa ai dám ôm hôn tôi thắm thiết. Mười lăm ngày hay một tháng luồn lách qua bờ bụi, lên xuống đồi núi dưới cái nắng nóng ẩm, mồ hôi rơi xuống mờ cả mắt lau không kịp. Bộ đồ trận lúc nào cũng đẫm ướt mồ hôi nhiều khi chảy theo hai bắp chân xuống đôi giày đi rừng.
Đêm nằm trên chiếc poncho gấp đôi, mồ hôi vẫn còn đọng ướt cả lưng. Cứ như thế ngày này sang ngày khác, bộ đồ trận ướt rồi khô, bao nhiêu mùi hôi đều thấm sâu vào vải áo quần. May mắn lắm mới qua được một con suối còn lại chút nước, vội vàng múc cho đầy 2 bi đông nước, xong cùng nhảy xuống hụp cho ngập đầu rồi lại tiếp tục đi.
Ấy là những ngày không chạm địch, còn có thời gian ngồi xuống để thay một đôi vớ đã bốc mùi khó chịu. Những lần chạm địch thì coi như được phép quên đi những khó chịu hàng ngày, quên đi mình đã chưa ăn gì suốt một ngày qua, đã chưa uống một ngụm nước. Tàn cuộc thắng hay thua, lúc ấy mới biết mình còn đủ mồm miệng để ăn vội bọc cơm sấy…
Còn các bạn tôi thật khỏe, ngồi trong buồng lái tha hồ tung hoành ngang dọc, hết phi vụ quay về phi trường, đi thẳng vào Câu lạc bộ làm một ly cà phê đá, khỏe re trong lúc chờ cho các chuyên viên “check” tàu, tái trang bị bom đạn, “rocket” để chờ phi vụ tiếp theo.
Chưa nói đến vài ngày chúng tôi được xả hơi sau mỗi cuộc hành quân, cởi được bộ đồ hôi hám, thay vào một bộ quân phục mới để cùng xuống phố phường uống vài chai “33” cho đã bù lại những ngày phải uống nước sông nước suối. Nhưng nếu có xuống phố hay buổi tối tạt vào một tiệm nhảy nào lại đụng mấy bạn, và bao giờ chúng tôi cũng lép vế, lép vế về đủ mọi phương diện. Đôi khi có một tí tình còm để an ủi những hễ chấm được cô nào vừa ý là y như rằng đã có một ông Không Quân nào sắp sửa rước đi rồi! Nói cho vui vậy thôi chớ vội cho rằng chúng tôi đả kích các bạn nhé, thua thì thua rồi. Xưa còn trẻ đã không thắng các bạn, nay đầu đã bạc, chân mỏi gối mòn, hơi sức đâu mà ganh với đua…”
Cái gia tài của người lính như tôi còn lại há không phải là quá khứ của 15 năm trong quân đội hay sao? 15 năm trong một đời người như chúng ta, những người lính đã sống qua cuộc chiến ác liệt, đầy máu và nước mắt, vinh có nhục có và đôi khi buồn nhiều hơn vui, dù muốn quên cũng khó quên…
Đã bao lần không quản ngại trước lưới lửa phòng không của địch tua tủa như pháo bông để mang chúng tôi và xác đồng đội ra khỏi vùng vây địch. Qua hàng trăm cuộc hành quân, những đôi cánh thép đã mặc nhiên như gắn ngay sau lưng chúng tôi, đã chắp cho chúng tôi đôi cánh thép. Đơn vị của chúng tôi đã gắn liền với Quân Chủng Không Quân của các bạn.”
NGƯỜI LÍNH VŨ XUÂN THÔNG
NGOÀI ĐỜI VÀ TRONG PHIM ẢNH
“Người Tình Không Chân Dung” là một cuốn phim hiện thực về chiến tranh Việt Nam. Các diễn viên đa số gốc quân đội như Vũ Xuân Thông, Minh Trường Sơn, Minh Đăng Khánh, Dương Hùng Cường, Nguyễn Mộng Hùng (Hùng sùi), Hà Huyền Chi… Sau biến cố 1975, cùng với số phận của giới văn nghệ sĩ Miền Nam, hầu như tất cả đều bị bắt đi tù đày. Riêng diễn viên Dương Hùng Cường, binh chủng Không quân, bút hiệu Dê Húc Càn, đã bị chết trong nhà tù CS Phan Đăng Lưu 1987. Đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc cũng không thoát cảnh lao tù, cho đến lúc sức khỏe bị suy kiệt lại thêm bệnh tật mà không có thuốc men, chỉ được thả về khi sắp chết và anh qua đời sau đó.
Hình 7: BCD Vũ Xuân Thông, cũng từng là diễn viên nghiệp dư, với tên là Thịnh Sư Tử, trong một cuốn phim chiến tranh Người Tình Không Chân Dung (1971) của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc.
Nội dung phim Người Tình Không Chân Dung nói về Mỹ Lan, mô phỏng theo một chương trình “Giờ của Dạ Lan” của đài phát thanh Quân đội VNCH, người khai sinh ra chương trình này từ 1964 là Đại Tá Trần Ngọc Huyến – từng là Chỉ Huy Trưởng Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Chương trình Dạ Lan rất phong phú được phát thanh từ 7 tới 9 giờ hằng đêm, với giọng nói dịu dàng của một thiếu nữ hậu phương đêm đêm tâm tình chuyện trò với các anh chiến sĩ ngoài tiền đồn. Phần hấp dẫn nhất vẫn là mục trao đổi thư tín giữa Dạ Lan và các quân nhân nơi tiền đồn xa xôi hẻo lánh. Chương trình Dạ Lan kéo dài được 9 năm, kết thúc năm 1975.
Mỹ Lan trong phim – là Dạ Lan ngoài đời, cô đã đến gặp một đại tá xin được vào chiến trường để tìm người yêu. Ban đầu bị từ chối, nhưng rồi vị đại tá cũng đồng ý và chỉ định một đại úy tên Thịnh có biệt danh Thịnh Sư Tử (Vũ Xuân Thông) đưa Mỹ Lan đi vào chiến trường, và đây cũng là dịp cô đã được tận mắt chứng kiến đời sống thật của những người lính. Rồi cô được tin người yêu mà cô đang tìm kiếm đã bị thương, đang nằm trong một Quân Y viện, cũng nơi đây cô đã phải chứng kiến những cảnh thực của những vết thương chiến tranh. Tài tử nghiệp dư Vũ Xuân Thông, là lính chuyên nghiệp dày dạn chiến trường, VXT không cần diễn xuất, những khúc phim của anh là một phần của đời sống thực ngoài đời…
Trở Về Với Nhiệm Vụ
Nhiệm vụ chính của Liên Đoàn 81 bấy lâu là thả các toán thám sát vào hoạt động ngay trong lòng địch, những nơi mà những đơn vị khác ít khi hành quân vào vì lực lượng địch quá đông, hoặc vì địa thế hiểm trở, vì ngoài tầm hoạt động của pháo binh, vì xa nơi hoạt động của các đơn vị bạn, v.v... Các toán thám sát có cái lợi thế là quân số ít – mỗi toán chỉ có 6 người, dễ dàng lẩn tránh khi gặp địch, dễ dàng thoát hiểm khi bị địch truy kích vì đã được huấn luyện kỹ về mưu sinh thoát hiểm. Nhiệm vụ các toán thám sát là thu lượm tin tức hoạt động của địch để báo cáo lên cấp trên, tùy theo mục tiêu, các toán có thể tổ chức đột kích, phục kích bắt tù binh khai thác tin tức.
Có những mục tiêu ngoài khả năng của toán, nhưng theo yêu cầu của Quân Đoàn, Liên Đoàn 81 đôi khi cũng mở những cuộc đột kích vào hậu tuyến địch như trận phục kích ở thung lũng Ashau thuộc tỉnh Thừa Thiên năm 1968; và trận đột kích ở vùng Tam Biên (biên giới Việt, Miên, Lào) thuộc tỉnh Kontum năm 1972 tiêu diệt đoàn xe tiếp tế của Bắc quân… Ngoài nhiệm vụ phục kích, đột kích nói trên, tùy theo tình hình Liên Đoàn 81 còn có thể tập trung lại để hành quân quy mô phối hợp với các đơn vị khác như ở tại thành phố An Lộc năm 72, Quảng Trị năm 73…
Có thể nói, suốt năm 1974 cho đến ngày 30/4/1975, Liên Đoàn 81 BCND, thay vì là Tây Nguyên – nơi địa bàn hoạt động quen thuộc, thì nay hoàn toàn tăng phái cho Quân Đoàn III để hoạt động trong các chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu D, và các vùng rừng núi thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Bình Tuy, Phước Tuy, Long Khánh, và Biên Hòa. Và rồi cho đến ngày 6 tháng 1 năm 1975…
LĐ81/BCND và Niềm Đau Phước Long
Ngày 3 tháng 1 năm 1975, khi tỉnh Phước Bình đã rơi vào tay địch, Liên Đoàn 81 được lệnh tăng viện cho tỉnh lỵ Phước Long đang nguy ngập. Trung Tá Vũ Xuân Thông và Thiếu Tá Nguyễn Sơn chỉ huy hai Chiến đoàn BCND với quân số chỉ vỏn vẹn hơn 300 chiến binh chuẩn bị nhảy vào cứu Phước Long.
Dự trù, cuộc đổ quân được chia ra làm hai đợt, nhưng ngày hôm đó phi trường Biên Hòa bị pháo kích, một số trực thăng bị hư hại. Giờ xuất quân ấn định là 9 giờ sáng nhưng mãi đến chiều, mới tập trung đủ số trực thăng ở phi trường Long Bình để đưa BCND vào trận địa Phước Long cách đó hơn 100 km.
Đúng 2 giờ chiều, 30 trực thăng cùng cất cánh. Sau một giờ bay, trận địa Phước Long đã hiện ra trước mắt. Đỉnh núi Bà Rá đã lọt vào tay Việt Cộng. Từ cao điểm đó, pháo địch rót như mưa vào quân ta, Phước Long như chìm trong biển lửa. Không thể thả BCND xuống khi các phi tuần oanh tạc vẫn chưa đến để làm tê liệt các ổ pháo của địch quân. Lại thêm trời đã sẩm chiều, Phước Long với núi rừng âm u bao quanh, rồi màn đêm kéo đến. Và CHT/LĐ 81 Đại Tá Phan Văn Huấn đã quyết định không thả quân BCND vào một chảo lửa như thế.
Trong trận địa Phước Long, Biệt Cách Dù Vũ Xuân Thông – là cấp chỉ huy và cũng là nhân chứng sống sót, anh kể lại trong bài viết Những Cánh Thép Ngày Trước, về một trận đánh có thể coi như trận đánh cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của anh, và đã không kết thúc bằng một chiến thắng; đây cũng là nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời còn lại của anh. Vũ Xuân Thông viết:
“Vào tháng 1 năm 1975 khi Biệt Đoàn BCND chúng tôi được lệnh tăng viện cho Tiểu Khu Phước Long, lúc này đang bị hơn một sư đoàn địch vây hãm, các đơn vị địa phương hầu như đã tan hàng. Nói là Biệt Đoàn nhưng thật ra chỉ có 2 Biệt Đội 811, 814 và Bộ Chỉ Huy, tổng cộng khoảng 320 nguời. Không Đoàn 43 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn 3 Không Quân là đơn vị yểm trợ và đổ quân, dưới cơn mưa pháo 105 ly, 155 ly, hỏa tiễn 122 ly và súng cối, và các phi đoàn trực thăng đã hoàn thành nhiệm vụ một cách phi thường với tổn thất không đáng kể.
VXT viết tiếp: Đích thân Chỉ Huy Trưởng của tôi, Đại Tá Phan Văn Huấn và Đại Tá Triệu bên Không quân đã trực tiếp chỉ huy cuộc đổ quân. Nhìn từ trên trực thăng xuống thị xã Phước Long tôi nghĩ khó mà đáp được vì cả thị xã ngập trong khói lửa của đủ loại pháo chưa kể hỏa lực phòng không của địch tua tủa bắn lên đầy trời với đủ loại từ đại liên 50, súng cá nhân, 23 ly và 37 ly. Tiếng đạn pháo nổ dưới đất cộng tiếng các loại phòng không nổ ngang trời nhắm vào các phi tuần A-37 và F-5 đang cố thả những trái bom và bắn rocket yểm trợ cho cuộc đổ quân vang rền cả một vùng trời.
Tôi chỉ còn trông cậy vào tài bay bổng của các bạn đưa tôi an toàn xuống đất, chỉ cần chúng tôi đặt được chân xuống đất, dù chưa biết sau đó sẽ ra sao. Và thật như một phép lạ, cả hai lần đổ quân đều trót lọt, tất cả đều nhờ tài khôn ngoan của phi hành đoàn. Thay vì đáp ngay xuống thị xã, các phi hành đoàn của Không Đoàn 43 Chiến Thuật đã đáp xuống cạnh các khe suối cạnh thị xã, là những nơi khuất tầm quan sát của các tiền sát viên địch. Địch đã bố trí quanh khu vực Phước Long một trung đoàn phòng không với đủ mọi loại súng từ 12 ly 8 đến 23 ly và 37 ly. Tiền sát viên của địch ở khắp nơi, nhất là đỉnh núi Bà Rá đã bị địch chiếm mấy ngày trước. Biệt Đoàn I Chiến Thuật của tôi chỉ gồm có Bộ Chỉ Huy và 2 Biệt Đội, không quá 300 người. Lực lượng trú phòng của Tiểu Khu Phước Long và các đơn vị tăng phái không còn bao nhiêu.
Tiểu Đoàn 7 thuộc Trung Đoàn 9 của Sư Đoàn 5 chỉ còn không quá 100, Đại Đội 5 Trinh Sát, Sư Đoàn 5 chỉ còn hơn 10 người đã giạt vào đơn vị tôi, Đại Đội Trinh Sát Sư Đoàn 18 Bộ Binh còn Đại Đội Trưởng và hơn một trung đội. Hai Tiểu Đoàn Địa Phuơng Quân đã tan hàng, quân nhân còn lại cũng lẫn lộn trong hàng rào phòng thủ của Biệt Đội 811 của tôi. Cộng chung lại không quá 500 tay súng để chọi lại với lực lượng địch trên 10 ngàn với đủ bộ xe pháo mã tốt.
F-5 và A-37 vẫn yểm trợ tích cực nhưng với một hệ thống phòng không chằng chịt không thể xuống thấp để có thể đánh bom chính xác hơn. Từ dưới đất tôi thấy chỉ một chút sơ hở là những chiếc F-5 và A-37 kia sẽ vỡ tung, có một vài trái bom đã rơi vào vị trí bạn… phải chấp nhận thôi. Dù sao sự hiện diện của những chiếc phi cơ này cũng khiến địch không dám điều động thiết giáp tiến sát đến vị trí chúng tôi. Dân và lính bỏ đơn vị tràn ngập vị trí chúng tôi khiến không thể nào kiểm soát được, tuy vậy chúng tôi vẫn đẩy lui được nhiều đợt xung phong của địch và đã hạ được 4 chiến xa địch.
Vào lúc chạng vạng tối ngày 5 tháng 1 năm 1975, chiến xa địch và bộ binh tiến sát vị trí Bộ Chỉ Huy của tôi, sau đợt pháo 130 ly, 155 ly, 122 ly và 105 ly, chúng thả một toán đặc công vào 2 lô cốt trống, nhờ phát giác kịp thời nên chúng đã bị tiêu diệt ngay sau đó.
Suốt trong thời gian từ ngày 4 tháng 1 năm 1975 đến ngày 6 tháng 1 năm 1975, không lúc nào địch ngưng pháo vào vị trí chúng tôi, chúng mở nhiều đợt tấn công có chiến xa yểm trợ mong tiến sát vào vị trí chúng tôi. Sáng ngày 5 tháng 1 năm 1975, tôi đơn phương quyết định không cho C-130 thả dù tiếp tế nữa vì 1/2 khu vực thị xã đã rơi vào tay địch trước đó 2 ngày. Hầu như 9/10 những kiện hàng tiếp tế đều rơi vào tay địch, các phi vụ oanh kích không còn hiệu quả, không còn pháo binh yểm trợ, không tiếp viện. Ở tại Quân Đoàn III, Trung Tướng Dư Quốc Đống từ chối lệnh thả phần còn lại của Liên Đoàn 81 BCND. Trong tình thế này, tôi buộc phải cho lệnh đơn vị rút khỏi Phước Long để bảo toàn đơn vị, tôi đã phải để lại hơn 60 xác đồng đội tại đây. Một điều đau đớn chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử của đơn vị tôi. Tôi đã phải phân tán đơn vị tôi thành từng toán nhỏ, lợi dụng đêm tối, vượt qua hàng rào bao vây của địch để thoát ra ngoài. Phước Long thất thủ vào sáng ngày 6 tháng 1 năm 1975.
Trớ trêu thay, sau khi Phước Long thất thủ, Không quân đã phải ra tòa vì tội "mất Phước Long", đó là một quyết định bất công. Đúng hơn, là cấp thẩm quyền vẫn quyết định đưa Biệt Cách Dù vào "biển lửa" khi đã có ý định bỏ rơi Phước Long mới là kẻ có tội. Nhưng không, các ông Tướng thì chẳng thấy trách nhiệm gì nhưng cũng phải kiếm cho ra một con dê tế thần để trút hết tội lên đầu nó là yên – Biệt Cách Dù ư, không ổn và cả thất nhân tâm nữa khi đơn vị này đã làm nên lịch sử ở An Lộc. Vậy còn
Không Đoàn 43 Chiến Thuật phải lôi họ ra điều trần trước hội đồng tướng lãnh, Đại Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng LĐ81 BCND đã đến buổi họp, ông xin được phát biểu trước:
_ Mất Phước Long, lý do tại sao, quý vị đều biết nhưng không ai nói ra. Phần Biệt Cách Dù 81, chúng tôi vào chỗ chết đã đành, bởi nghề nghiệp chúng tôi là chọn chỗ chết để đi vào. Riêng với anh em Không Quân, các phi hành đoàn trực thăng đã làm quá bổn phận của họ, chết lây với chúng tôi thật tội nghiệp. Nay đưa họ ra tòa là điều tôi cho là vô lý. Nếu có lỗi làm mất Phước Long, tôi nhận lỗi. Xin quý vị ở lại tiếp tục họp và cho tôi biết kết quả. Tôi xin phép ra về vì còn nhiều việc phải làm".
Và sau đó, Đại Tá Huấn vội vã ra về vì Phước Long đã mất, Bộ Chỉ Huy BCND chỉ mới cứu ra được hơn 100 quân. Việc phải làm gấp rút, chạy đua với kim đồng hồ là làm sao vào vùng lửa đạn, linh hoạt điều động các phi vụ trực thăng 221, 223, 231, 237 với các phi công vô cùng can trường cùng với ông trên chiếc CNC L-19 đang bay vào tìm kiếm số anh em BCD còn thất lạc và bốc họ ra khỏi chảo lửa, trước khi họ bị tiêu diệt và bắt làm tù binh.
VXT viết tiếp: Trong lúc đơn vị tôi còn đang tìm cách vượt qua vòng vây của địch thì ngày 7 tháng 1 năm 1975 đã có một buổi họp cao cấp của Quân Đội, giống như tòa án quân sự, họ cố gán ghép việc thất thủ Phước Long là do lỗi của Không Đoàn 43 Chiến Thuật thuộc Sư Đoàn III Không Quân Biên Hòa. Thật là vô cùng phi lý nếu không nói là ngược ngạo. Trong khi những phi cơ của các Phi Đoàn Trực Thăng 221, 223, 231, 237… và phi cơ L-19 còn đang bay tìm kiếm và bốc các toán đã vượt qua được vòng vây địch thì tại hậu phương những ông Tướng đang họp để kết tội họ.
Trách nhiệm làm mất Phước Long nếu nói thuộc về tôi, người đã tự quyết định rút khỏi Phước Long, hoặc cao hơn là vì chỉ huy trực tiếp của tôi đã không buộc tôi phải hy sinh cả đơn vị để cố thủ một vị trí mà gần như đã hoàn toàn bị chiếm giữ bởi quân địch. Chúng tôi còn sống sót không trách cứ bất cứ cấp chỉ huy nào. Người lính chỉ biết tuân hành mệnh lệnh nhưng rõ ràng trách nhiệm làm mất Phước Long thuộc về người đã ra lệnh thả một đơn vị 300 người vào chỗ cầm chắc 90% để thua về một mục đích chính trị. Một ván bài tháu cáy, và đã thua, là khởi sự cho sự sụp đổ sau này.
Mãi 2 ngày sau, ngày 8 tháng Giêng, tôi – VXT và Bộ Chỉ Huy, mới thoát ra khỏi được vòng vây địch. Ban đêm di chuyển qua các bãi trống, tôi phát giác được nhiều chốt của địch đang bám giữ các bãi đáp này. Sáng cuối cùng chúng tôi tới được một nương sắn (khoai mì), đã thấy nhiều trực thăng đang bốc các toán lẻ cách thị xã khoảng 5 đến 10 cây số. Tôi không còn máy để liên lạc với họ vì chiếc máy truyền tin PRC-25 cuối cùng đã bị Hiệu Thính Viên của tôi đánh rớt xuống nước khi vượt qua sông vào buổi tối. Phương tiện liên lạc duy nhất là một mảnh kiếng nhỏ bằng 2 đầu ngón tay, tôi cũng không hy vọng được bốc ra.
Ở tại Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn, mọi người đều nghĩ tôi đã tử trận hoặc bị bắt. Còn đang kiểm điểm xem còn lại bao nhiêu người trong Bộ Chỉ Huy của tôi, bất chợt tôi nghe lùng bùng ở tai. Tôi biết đang có trực thăng bay rất thấp vì tiếng quạt gió làm rung chuyển lớp không khí còn ướt hơi sương, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn chiếc chiếc trực thăng UH1 đã ở ngay phía trước.
Anh em vội bẻ gãy một số cây khoai mì, trong lúc đang ra dấu cho trực thăng vào vị trí, tôi chợt nghe nhiều loạt súng cá nhân từ các đồi bên cạnh bắn qua, có lẫn cả tiếng nổ của đạn súng cối bắn vào vị trí quanh bãi đáp. Vì số cây khoai mì còn nhiều nên trực thăng chỉ lơ lửng trên đầu ngọn cây khoai mì, anh em tự nhảy lên bám vào càng leo lên rồi kéo người khác lên. Đạn bắn càng lúc càng gần, đốn gẫy các cây mì chung quanh.
Vì đạn địch bắn quá gần nên phi hành đoàn buộc phải cất cánh vội vàng. Tôi và Đại Úy Thành, sĩ quan liên lạc Không Quân (ALO/ Air Liaison Officer) phải nhảy lên mới bám được vào càng bên trái của chiếc trực thăng.
Khi anh em kéo tôi lên được trên sàn tàu, tôi phải xoay người lại nhờ anh em bám chặt hai chân, cúi xuống nắm lấy hai cổ tay của Đại Úy Thành và la lớn để anh thả hai tay ra thì tôi mới kéo anh lên được. Nhưng Anh Thành vẫn không chịu buông tay ra và la lên: “Cho tàu đáp xuống”. Khi chiếc trực thăng đã bốc lên cao khoảng 200 bộ, bỗng nhiên anh bỏ tay ra không báo trước nên tôi đã để vuột anh. Nhìn anh rơi xuống như một chiếc lá rụng, chiếc áo jacket da bò xòe ra như một cánh bướm mất hút với tiếng la thảm thiết của anh, tôi như người mất hồn… Cả phi hành đoàn đều cúi xuống nhìn anh rơi mà không màng đến hàng trăm viên đạn phòng không đang túa theo chiếc trực thăng đang nặng nề rời bãi. Chiếc trực thăng duy nhất của Không Đoàn 43 do Trung Úy Sơn (Sơn Rỗ) lái đã phải cất cánh với 32 người kể cả phi hành đoàn, nó đã bị quá tải (overtorque), chỉ bay mà không đáp được nữa vì nếu đáp sẽ không còn có thể cất cánh được nữa.
Trong đời binh nghiệp của tôi từ khi còn là một toán trưởng thám sát cho đến khi trở thành một cấp chỉ huy cao hơn, chưa bao giờ tôi phải ân hận như thế, đã để rớt Đại Úy Thành. Hình ảnh của anh còn mãi trong tôi như một cơn ác mộng luôn đè nặng lên tôi trong nhiều năm.” [Vũ Xuân Thông Những Cánh Thép Ngày Trước]
*
Hình 8: Trang nhất báo Tiền Tuyến Thứ Năm ngày 8.1.1975, viết về niềm đau mất Phước Long. Phước Long là quân cờ Domino đầu tiên đã đổ xuống, kéo theo một chuỗi những sự suy sụp của toàn Miền Nam, kết thúc bằng ngày 30 tháng 4 năm 1975, cách đây đúng 50 năm.
Là sĩ quan cấp tá, cũng như vị chỉ huy trưởng đơn vị, gia đình Vũ Xuân Thông vẫn sống giản dị trong khu trại gia binh Bắc Tiến của Liên Đoàn. Sau khi thoát trận Phước Long trở về, lại phải chứng kiến và nghe tiếng gào thét thảm thiết của những người vợ mất chồng hay những đứa con mất cha, cảnh tượng ấy quá sức chịu đựng của Thông vào lúc ấy. Như cơn ác mộng mà Thông không bao giờ quên cả nhiều năm về sau này.
NGÀY ĐẶT CHÂN TỚI HOA KỲ 1992
Ngày Thứ Ba 06.04.1992, vợ chồng BCD Vũ Xuân Thông tới phi trường LAX, California sau hơn 13 năm tù đày trong các trại tù khắc nghiệt của Cộng Sản từ Bắc xuống Nam, kể cả nhà tù Chí Hòa và Trại Trừng giới A20 tỉnh Phú Yên.
Cụm chữ A20 đứng sau tên Vũ Xuân Thông là dấu ấn của giai đoạn cực kỳ khó khăn khi VXT bị dẫn độ từ trại Hàm Tân về Khám Chí Hòa, và từ Khám Chí Hòa ra Trại Trừng Giới A20, vì bị kết tội có liên hệ tới một vụ chống đối của các tù nhân tại trại Hàm Tân nhằm phản đối những cư xử quá bất công trong trại cải tạo và Vũ Xuân Thông bị gán cho tội lãnh đạo cuộc “nổi loạn”.
Bị kết tội ấy có thể khiến Thông bị án tử hình nhưng rồi nhờ vào lúc đang có Chương trình H.O. mà Vũ Xuân Thông mới được thả ra.
Hình 9: Trên trang nhất tờ Việt Báo, ngày 6 tháng 4 năm 1992 có đăng hình Vũ Xuân Thông, “người chiến sĩ và diễn viên” đã tới phi trường LAX, từ trái là vợ chồng VXT với nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh ra đón. [tư liệu Ngô Thế Vinh]
Cho dù tới Mỹ muộn màng ở tuổi 53, Vũ Xuân Thông tuy không tốt nghiệp một trường Mỹ Thuật nào, nhưng sẵn có hoa tay từ thời Trung học, lại giỏi tiếng Anh nên Vũ Xuân Thông đã dễ dàng kiếm ngay được việc làm như một đồ họa viên – graphic designer cho một Công ty kiến trúc Mỹ Allied Earth Technology để tự mưu sinh và Vũ Xuân Thông chỉ nghỉ hưu ở tuổi đã ngoài 80 khi sức khỏe không còn cho phép.
NGÀY LỄ ĐỘC LẬP 1993
Fouth of July là Ngày Lễ Độc Lập của Hoa Kỳ, tập thể người Việt tị nạn cùng hòa nhịp trong niềm vui ấy. Và cách đây 32 năm (1993), như một “duyên khởi” các anh BCD Đào Minh Hùng, BCD Ngô Thế Vinh, BCD Phan Văn Huấn, BCD La Cao, BCD Phạm Châu Tài, BCD Vũ Xuân Thông, BCD Võ Đình Lâm, BCD Võ Xuân Đồng đã gặp nhau tại Long Beach, để cùng chia sẻ những ưu tư về cuộc sống trên vùng đất mới, và không quên đồng đội với thân phận các anh chị em BCD-LLĐB kém may mắn hiện còn sống lưu lạc khắp nơi hay đang chịu cảnh kỳ thị lầm than nơi quê nhà.
Hình 10: Fouth of July 1993, từ trái: BCD Đào Minh Hùng, BCD Ngô Thế Vinh, BCD Phan Văn Huấn, BCD La Cao, BCD Phạm Châu Tài, BCD Vũ Xuân Thông, BCD Võ Đình Lâm, BCD Võ Xuân Đồng họ đã gặp nhau tại Long Beach, cũng là ngày đánh dấu sự hình thành của Gia Đình 81 BCD/LLĐB tại Hải Ngoại. [nguồn: tư liệu Gia Đình 81 BCND]
Từ đó các anh đã cùng đi tới quyết định thành lập Gia Đình 81 / BCND vào ngày 4 tháng 7 năm 1993. Không ai khác hơn, BCD Đại Tá Phan Văn Huấn, con chim đầu đàn của Liên Đoàn 81 đã được anh em đề cử vào chức vụ Hội Trưởng đầu tiên. Anh Tư – một tên gọi thân thương BCD Phan Văn Huấn từ khi anh đang còn là Thiếu Tá – mà anh rất thích, cho dù sau này anh đã lên những cấp bậc cao hơn. Và tiếp sau đó, Anh Tư đã được toàn thể anh em lưu nhiệm nhiều lần qua các kỳ đại hội và đã đảm nhiệm chức vụ Hội Trưởng Gia Đình 81 BCD-LLĐB ròng rã suốt 20 năm.
“Kể từ ngày thành lập GÐ81/BCD/LLÐB đã liên lạc được trên 500 anh em Delta (kể cả Biệt Kích Quân), Biệt Cách Dù và Lực Lượng Ðặc Biệt, đã gây được quỹ TÌNH THƯƠNG để tương trợ cho các gia đình thương binh tử sĩ và anh em BCD/LLÐB nghèo khổ ở quê nhà, số tiền tương trợ đã lên tới trên 50 ngàn Mỹ kim và đã được báo cáo chi tiết trên 28 bản tin nội bộ. Tuy GÐ81 là một hội riêng nhưng công việc làm đều được thực hiện dưới danh nghĩa chung cho cả hai đơn vị BCND và LLÐB vì Danh Dự của “màu cờ sắc áo”, và của chiếc nón màu Xanh lá cây rừng Dũng Cảm”. [Bản Tin Gia Đình 81 BCD LLĐB, 2013]
Cho đến tuổi 84, do sức khỏe suy yếu, anh Tư không còn kham nổi công việc nặng nhọc này nữa và Đại hội Gia Đình 81 đã phải bầu một Hội trưởng mới là BCD Thiếu Tá Đào Minh Hùng thay anh cho tới nay.
Hình 11: Hình trên là một tấm Thiệp Chúc Xuân Quý Sửu (1973), mà anh chị BCD La Cao may mắn còn giữ lại được. Bao nhiêu năm đã qua cùng với biết bao biến cố lịch sử, giờ đây lưu lạc nơi xứ người, nhìn lại tấm thiệp cùng với địa danh các chiến trận như: An Lộc, Quảng Trị, Dambe (Krek, Cambodia), Bến Thế (Bình Dương), Tân Phú Trung (Củ Chi)… mọi người không khỏi hãnh diện và cả bùi ngùi nhớ lại những ngày xưa cũ. Tấm Thiệp Xuân này có được là do nét vẽ tài hoa của BCD Vũ Xuân Thông LĐ81 BCND. [nguồn: tài liệu Gia Đình 81, do BCD Đỗ Đức Thịnh cung cấp]
Hình 12: Một Vũ Xuân Thông trong đời thường, vào một ngày Chủ Nhật cuối tuần được nghỉ ngơi, ngồi dưới nắng đẹp trong vườn nhà ở San Diego. [album gia đình VXT]
Hình 13: Sau những năm dài tù đày, họ có khoảnh khắc gặp nhau tại Little Saigon, từ trái, Thiếu Tá BCD Trần Quang Huế (2016), Trung Tá BCD Vũ Xuân Thông (2025), Thiếu Tá BCD Nguyễn Sơn (2014), Trung Úy BCD Nguyễn Hiền. Ngoại trừ BCD Nguyễn Hiền, 3 chiến hữu BCD kia nay đã là “người trăm năm cũ”. [tư liệu Gia Đình 81 BCND]
KHÔNG THỂ NÀO ĐƠN GIẢN HƠN
Ở tuổi 86, Vũ Xuân Thông ở lần cuối nhập viện, với sức khỏe gần như suy kiệt – như một cây tùng cây bách hết nhựa, VXT không còn tự sinh hoạt độc lập được nữa và tới giai đoạn vượt khả năng chăm sóc trong vòng tay thương yêu của gia đình, nhóm bác sĩ điều trị Bệnh viện Sharp San Diego quyết định cho chuyển Thông vào một Nhà Dưỡng / Nursing Home trong tình trạng cận tử / hospice. Nơi đây có dịch vụ chăm sóc 24/7, nhưng không có cung cấp các bước điều trị tích cực. Là gia đình có đạo dòng, Thông đã được một linh mục Việt Nam từ một nhà thờ gần đấy, tới làm đầy đủ “phép bí tích”. Sau ngày ấy, Vũ Xuân Thông vẫn được gần gũi với sự chăm sóc của gia đình. Đã ở tuổi 86, mà Thông vẫn mong mau chóng hồi phục, lái được xe để có thể đi làm trở lại.
Trong khoảng thời gian này, tôi vẫn được nói chuyện qua phone với một Vũ Xuân Thông hoàn toàn minh mẫn, với thần thái thanh thản và không phải trải qua giai đoạn đau đớn nào. Như một thói quen, Thông vẫn gọi tôi là bác sĩ nhưng chúng tôi thực sự là hai người bạn, không chỉ trong thời gian hơn 2 năm tôi còn là Y sĩ trưởng của LĐ81 BCND và cả những năm xa cách nhau về sau này.
Rồi cái ngày phải đến đã đến, Vũ Xuân Thông đã nhẹ nhàng ra đi vào lúc 6 giờ sáng ngày 12 tháng 3 năm 2025 trong thanh thản, với dặn dò gia đình vợ con và các em của Thông trước đó, là sẽ không có tổ chức tang lễ, không đăng cáo phó, không có nghi thức phủ cờ. Ước nguyện của Anh là được thiêu ngay với tro than và được thả ra biển ngay sau đó.
Từ thành phố biển San Diego, nhìn sang bờ bên kia Thái Bình Dương là Quê Nhà, một Quê hương Việt Nam mà Vũ Xuân Thông đã dâng hiến tất cả tuổi trẻ trong suốt cuộc đời binh nghiệp của Anh. Không có một “tang lễ” nào có thể đơn giản hơn thế. BCD Vũ Xuân Thông đã đi vào một cuộc hành trình khác, trong một thế giới khác, nơi đó không có máu lửa của chiến tranh, nơi anh có thể sống với ước mơ đầu đời của mình, được theo học ngành kiến trúc mà anh mơ ước, và rồi Anh sẽ vẽ những căn nhà ánh sáng không phải cho anh, mà cho những đồng bào đã từng khốn khổ trên vùng đất lửa đạn như anh, và nay cũng như Anh, họ cũng đã qua thế giới khác.
Hình 14: từ trái, tấm thân tứ đại của Vũ Xuân Thông, vốn cao 1,82 mét nay thu lại chỉ còn là một nhúm tro than; đúng theo ước nguyện của người đã khuất, hũ tro cốt đã được thả ngay trong cùng ngày trên một vùng biển vắng Imperial Beach nơi cực nam San Diego lúc 3:35 chiều thứ Năm 27.3.2025; biển San Diego vẫn xanh với chông chênh những ngọn sóng “nước vẫn còn chau mặt với tang thương”.
Trong khi bên Việt Nam, một đất nước tự hào là đã “thống nhất” từ 50 năm – nhưng lòng dân thì vẫn chưa tụ, một đất nước vẫn chưa có tự do dân chủ. Và từ suốt nhiều tháng nay, cả một bộ máy nhà nước đang rầm rộ chuẩn bị cho cuộc diễu binh lớn không tiền khoáng hậu với tổn phí lên tới nhiều triệu Mỹ kim để kỷ niệm 50 năm ngày “Giải Phóng” [sic] Miền Nam, vẫn với các khẩu hiệu không suy suyển “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào,” vẫn hừng hực không khí thù hận không biết còn kéo dài cho tới bao giờ.
NGÔ THẾ VINH
Sài Gòn 1975 – San Diego 2025