Đinh Từ Thức
50 năm sau Sổ tay viết lại – Bài số 5
PHẢN BỘI THÔNG MINH
Nửa thế kỷ trước, nước Mỹ đã không tôn trọng lời cam kết giúp VNCH chiến đấu tới cùng trước làn sóng xâm lăng của Cộng Sản Thế Giới. Nhiều người, cả Việt lẫn Mỹ, cũng như dư luận thế giới, đã gọi đây là một sự phản bội đáng xấu hổ. Nhưng có học giả Mỹ đã khẳng định: “sự phản bội của nước Mỹ đối với Nam Việt Nam là một trong những điều thông minh nhất mà nước tôi đã từng làm”.
Trên đây là hình chụp lại bài báo ba cột, trang nhất báo The Washington Post, số phát hành đề ngày Thứ Sáu, 17-5, 1996, với tựa chính: Một Gia Đình Thành Công qua Bằng Cấp, và tựa phụ: Tất cả Sáu Con của Người Việt Nhập Cư Tốt Nghiệp Từ U-Va.
Xin được trình bầy đầu đuôi câu chuyện. Vì chuyện có liên hệ trực tiếp tới gia đình người viết, khi viết lại, cảm thấy một chút ngại ngùng; giống chụp hình “tự sướng” để khoe bạn bè. Nhưng, vì chuyện cũng lên hệ tới nhiều người, xưa và nay, nếu bỏ qua trong “mùa kỷ niệm”, cũng cảm thấy thiếu sót, nên đành kể lại. Nếu có điều chi sơ sót, mong được bạn đọc cho biết.
Chúng tôi có sáu con, khi tới Mỹ vào mùa Hè 1975, con lớn nhất 13 tuổi, con nhỏ nhất mới được 6 tháng. Được một xứ đạo ở Alexandria, Virginia, ngoại ô Thủ Đô Washington, bảo trợ. Trong gần hai năm đầu, chúng tôi đã làm đủ thứ công việc để gây dựng lại cuộc sống. Nhà tôi; vốn là giáo sư trung học ở trường Trưng Vương Sài Gòn; ngoài việc săn sóc đàn con mình, nhận coi thêm một vài đứa trẻ tại nhà. Tôi làm cho Colonial Parking, một hãng có nhiều nhà, và bãi đậu xe tại Washington,D.C.; lúc đầu làm những việc vặt, như nhặt rác, cắt cỏ chung quanh bãi đậu xe, nửa năm sau “lên chức” car attendant, lái xe của khách đậu vào chỗ, rồi lấy xe trả khi khách trở lại; lương tối thiểu $2,50 một giờ. Sau một thời gian học việc, nhà tôi làm kỹ thuật viên điện tử (electronic technician), cho một hãng sản xuất đồ điện tử. Từ đầu năm 1977, tôi kiếm được việc khá hơn, tại hãng Xerox.
Trong khi ấy, các con thấy bố mẹ cực nhọc, cố chăm chỉ học hành. Lúc đầu, hơi vất vả, sau một vài niên khoá, cũng bắt kịp bạn bè cùng lớp. Chúng tôi chia nhau, nhà tôi làm ca ngày, tôi làm ca chiều; từ 4 giờ chiều tới nửa đêm. Lúc nào cũng có một trong hai người ở nhà với bọn trẻ. Các con giúp đỡ lẫn nhau, cùng lớn lên; cùng vào một trường trung học, cùng được nhận vào hội “Học Sinh Danh Dự” (Honor Society), và cuối cùng, tất cả sáu anh chị em cùng được nhận vào Đại Học Virginia (University of Virginia: UVA). Đại Học này đã được Tổng Thống thứ ba của Hoa Kỳ, Thomas Jefferson, thành lập tại Charlottesville, tiểu bang Virginia, năm 1819. Đây là một đại học công lập khá nổi tiếng, và sáu anh chị em cùng được thâu nhận vào học, là thành tích thứ nhì một gia đình đã đạt được trong lịch sử gần 200 năm của trường. Điều được nhiều người chú ý hơn, đây là một gia đình tị nạn nhập cư với hai bàn tay trắng, đến từ Việt Nam; nơi từng bị chiến tranh tàn phá trong nhiều năm, nơi từng có quân đội Hoa Kỳ chiến đấu, và trên 58 ngàn chiến sĩ đã hy sinh tính mạng tại đó.
Con lớn nhất của chúng tôi vào UVA năm 1980, con nhỏ nhất ra trường năm 1996. Con gái đầu ra trường năm 1984, rồi được nhận vào cao học trường luật và tốt nghiệp năm 1987. Thành ra trong suốt 16 năm, lúc nào cũng có từ một đến ba con ở trường; chúng tôi đi về như con thoi giữa nhà và trường, cách nhau hai giờ lái xe. Trong bài diễn văn dịp lễ tốt nghiệp của con trai út chúng tôi, Anthony Thuỵ Đinh, tháng 5,1996, Viện Trưởng John T. Casteen III đã đề cập tới câu truyện những đứa con một gia đình Việt tị nạn, đã đến đây, và mọi người đã cố gắng vươn lên như thế nào. Hơn mười ngàn người hiện diện trên sân cỏ đã đứng lên, cho một tràng pháo tay, vô cùng cảm động. Nhật báo Washington Post, cũng như hãng truyền hình NBC, đã có tường thuật về chuyện này.
Ít ngày sau, cháu Thuỵ nhận được lá thư từ một người không quen biết, là Tiến Sĩ Robert T. Turner, Phụ Tá Giám Đốc Trung Tâm Luật An Ninh Quốc Gia, thuộc Trường Luật UVA. Người viết tạm dịch phần chính của lá thư đề ngày 31-5, 1996, như sau:
Hai mươi lăm năm trước, tôi là một Đại Uý Bộ binh, phục vụ hạn kỳ thứ nhì tại Nam Việt Nam; và vào cuối tháng Tư 1975, tôi rời Việt Nam lần cuối trong vụ di tản lần chót. Tất cả, tôi đã tới Việt Nam năm lần giữa 1968 và 1975, và trong thời gian ấy tôi đã có nhiều ngưỡng mộ và cảm tình với những người tôi đã gặp ở đó.
Tôi chỉ muốn ông biết rằng tôi đã là một trong những người đầu tiên đứng dậy hoan hô khi Viện Trưởng Casteen thuật lại câu chuyện của gia đình ông. Nó thực sự đã khiến tôi chảy nước mắt. Tôi biết rằng cha mẹ ông đã vô cùng hãnh diện về những gì ông và các anh chị em của ông đã làm được – và đúng thế, đó là một thành tựu đáng kể -- nhưng tôi chỉ muốn nói với ông rằng những cố gắng của ông cũng đem lại nụ cười trên khuôn mặt những “người lạ”, những người quan sát từ bên lề. Chúng tôi hoan hô ông tại lễ tốt nghiệp không phải chỉ vì chúng tôi hãnh diện về những gì ông đã làm, nhưng còn bởi vì ông đã làm cho chúng tôi có cảm tưởng tốt về nước Mỹ. Tôi cám ơn ông về điều này.
Có một cảnh vào cuối cuốn phim The Green Berets trong đó John Wayne nói với một đứa nhỏ “chính mày là lý do của mọi hy sinh cho cuộc chiến này” (“You’re what this is all about”). Đúng vậy, khi tôi tình nguyện phục vụ tại Việt Nam, không phải để giúp ông Nguyễn Văn Thiệu nắm giữ quyền hành, mà vì tôi đã nghĩ rằng tương lai của Nam Việt Nam sẽ khá hơn dưới một xã hội dân chủ thay vì trong một chế độ độc tài. (Vào năm 1975 tôi đã viết một cuốn sách 500 trang, Vietnamese Communism: Its Origins and Development – Chủ nghĩa Cộng Sản Việt Nam: Nguồn gốc và Phát triển, khi tôi là một học giả của Viện Hoover tại Stanford – nên đã nghĩ rằng tôi cũng có một chút hiểu biết về đề tài được đề nghị.)
Khi Hoa Kỳ bỏ rơi Nam Việt Nam sau 1973, nhiều người trong chúng tôi đã cảm thấy rất tức giận – và không ít ân hận – về những gì đất nước chúng tôi đã gây ra cho một tập thể nhân hậu. Tôi vẫn còn cảm thấy tức giận (và không ít ân hận) về Việt Nam; nhưng tôi chỉ muốn ông hiểu rằng ông và gia đình ông đã làm rất nhiều để khiến tôi cảm thấy lạc quan hơn. Tôi khen ngợi ông về những hy sinh và thành tựu đã đạt được, và tôi chúc ông rất thành công trên bước đường thăng tiến của đời mình.
Thụỵ đã viết mấy lời cảm ơn Tiến sĩ Turner, và lại nhận được lá thư thứ nhì của ông, cũng viết trên giấy có tiêu đề với địa chỉ của người gửi và người nhận như trước, đề ngày 28 tháng 6, 1996, nhưng với ngôn ngữ thân mật hơn. Dưới đây là bản dịch phần chính lá thư thứ nhì:
Tôi đã nổi giận vào năm 1975. Tôi đã mong đợi nước tôi cư xử một cách danh dự và giữ những cam kết của mình để bảo vệ tự do, và tôi đã xấu hổ về những gì chúng tôi đã làm trong việc bỏ rơi những nước không cộng sản tại Đông Dương. Một mặt, tôi rất vui khi nhìn thấy những câu truyện thành công của người Việt tị nạn như bạn và gia đình bạn. Nhưng, từ một cách nhìn khác, tôi nhận ra sự thành công của bạn ở đây sẽ giúp cho nước Mỹ rất nhiều, hơn bất cứ những gì chúng tôi đã làm để giúp bạn. (Gửi ra một chiếc thuyền cấp cứu để vớt những người sống sót từ một chiếc tầu đã bị ta sai lầm phóng thuỷ lôi đánh chìm, khó có thể coi là việc ban ơn). Tôi nghĩ lịch sử sẽ chứng minh, từ quan điểm hẹp hòi và vị kỷ của dân tộc Mỹ, rằng sự phản bội của nước Mỹ đối với Nam Việt Nam là một trong những điều thông minh nhất mà nước tôi đã làm – vì làn sóng những người Việt nhập cư sẽ chứng tỏ họ nằm trong số những hàng “nhập cảng” giá trị nhất của chúng ta (nhấn mạnh của người dịch).
Dĩ nhiên, bây giờ chẳng còn điều gì chúng tôi có thể làm để sửa lại những sai lầm trong mấy thập niên trước. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm việc để bảo đảm rằng Chính quyền của chúng ta sẽ hành xử một cách có danh dự trong những năm sắp tới. Như Thomas Paine đã nhận định: “Một cách duy nhất để ma quỷ chiến thắng là khi những nhân tài không làm gì cả”. Là những người Mỹ với nền giáo dục xuất sắc, tôi hy vọng rằng bạn và các anh chị em của bạn sẽ giữ vai trò chủ động trong mọi mặt của đời sống Mỹ -- và sẽ đóng góp để Chính quyền của chúng ta giữ danh dự khi giao tiếp với thế giới trong những năm tới,
Hình chụp lá thư thứ nhì của Tiến Sĩ Bob Turner
Hai lá thư của Tiến Sĩ Turner gửi cho con út của chúng tôi, tuy đã viết từ 29 năm trước, nhưng có mấy điều vẫn đậm nét thường trực trong đầu óc người viết:
- Sự phản bội của nước Mỹ đối với Nam Việt Nam là một trong những điều thông minh nhất mà nước tôi đã từng làm.
- Người Việt nhập cư sẽ chứng tỏ họ trong số những hàng “nhập cảng” giá trị nhất của chúng ta.
- Chúng ta có thể làm việc để bảo đảm rằng Chính quyền của chúng ta sẽ hành xử một cách có danh dự trong những năm sắp tới.
- Và sẽ đóng góp để Chính quyền của chúng ta giữ danh dự trong khi giao tiếp với thế giới trong những năm tới.
Bây giờ, 50 năm sau khi Nam Việt Nam bị phản bội, chính là “những năm tới” của 1996. Rất nhiều người Việt nhập cư đã chứng tỏ, họ là “những thứ nhập cảng” giá trị của Mỹ. Nhưng không phải chỉ có người Việt nhập cư mới làm lợi cho Mỹ. Tất cả mọi người nhập cư đều góp phần vào phúc lợi chung, là làm cho nước Mỹ thêm giầu, mạnh, hạnh phúc, và luôn xứng đáng là người bạn tốt của mọi người trên thế giới. Đó là lý do chính mà mọi người từ khắp nơi đã tìm tới Mỹ, không phải tới đây để ăn hại hay làm loạn.
Nói về thành quả của những người nhập cư Mỹ thì quá nhiều, không thể kể hết. Nổi bật hơn cả trong 50 năm qua, là Steve Jobs; đã qua đời; cha đẻ của Apple, có người bố gốc Syria. Người giầu nhất thế giới hiện nay là Elon Musk, cha mẹ gốc Nam Phi và Canada. Những gì mà các con, nói chung, cả gia đình chúng tôi đã có được chẳng đáng kể gì, so với nhiều người khác. Ngay trong số những người bạn rất thân với chúng tôi, cũng không hiếm những con cháu thành công vượt bực; mà tôi không dám nêu rõ tên, sợ phạm tới đức khiêm nhường của các bạn quý.
Nhưng, trong thành phần người Việt tị nạn tại Mỹ, có những người quá nổi tiếng, dù khiêm nhường, vẫn không tránh khỏi “bị” nêu danh, như Việt Đinh (không có liên hệ họ hàng với người viết), và thế hệ kế tiếp, là Amanda Nguyễn. Việt Đinh được coi là luật gia số một của Mỹ, và Amanda Nguyễn là nhà vận động nhân quyền, tác giả một đạo luật bảo vệ nữ quyền, là khoa học gia, phi hành gia đã bay vào không gian…
Việt Đinh (Fox Corp.) Amanda Nguyễn (Rise)
Từ mùa bầu cử 2024, Cộng đồng MAGA đã nặn ra một mẫu người nhập cư là hiện thân của tất cả mọi sự xấu, rồi biến hình mẫu này thành con ngáo ộp, để doạ nhũng cử tri dễ tin và dễ sợ. Kết quả bầu cử ra sao, mọi người đã biết. Và những người nhập cư đã là một thứ dê tế thần, để “Bên Thắng Cử” chứng tỏ lời hứa tranh cử được thực hiện nghiêm chỉnh. Nhưng người mẫu nhập cư do MAGA nặn ra, có thực sự phản ảnh người nhập cư trong đời thật?
- Trước hết, bà mẹ của Việt Đinh đã không tới Mỹ để làm “Welfare Queen”, như nhân vật sống như bà hoàng, nhờ gian lận trợ cấp an sinh xã hội, mà ứng cử viên Ronald Reagan đã mô tả trong mùa bầu cử 1976. Là thuyền nhân, bà đã liều chết mang con tới Mỹ để tìm sự sống. Đã làm những công việc cực nhọc, lương thấp, như hái trái cây tại các nông trại, may vá…, để cố nuôi con nên người.
- Người mẫu nhập cư của MAGA là những kẻ có tiền án, giết người, hiếp dâm, buôn ma tuý, thành viên các băng đảng khủng bố, hoặc nhẹ nhất là giết chó mèo của hàng xóm để ăn thịt. Nói chung, là những kẻ trực tiếp đe doạ an ninh thịnh vượng của xã hội Mỹ. Trong đời thực, Việt Đinh theo mẹ tới Mỹ năm 1978, cùng với năm anh chị em khi mới 10 tuổi, cha là tù nhân chính trị vẫn còn lẩn trốn ở VN. Tuy phải giúp mẹ làm việc vặt, Việt Đinh vẫn xuất sắc trong việc học, đứng đầu lớp ở trung học, được học bổng vào Harvard, rồi trở thành Phụ Tá Bộ Trưởng Tư Pháp ở tuổi ngoài 30. Chẳng những không thuộc thành phần phá hoại, khủng bố, Việt Đinh đã là kiến trúc sư chính của USA Patriot Act 2001 (Đạo Luật chống khủng bố, sau biến cố 11-9-2001).
- Cũng trái với người mẫu nhập cư do MAGA mô tả, Việt Đinh không phải là một gánh nặng cho xã hội Mỹ, mà đã tự mình tạo dựng một sản nghiệp lớn, bằng đầu óc của mình. Theo mô tả của David Lat trên Original Jurisdiction, Việt Đinh là luật gia số một tại Mỹ, và tiền lương năm 2019 là 24 triệu Mỹ Kim. Khi chấm dứt nhiệm vụ Chief Legal Officer tại Fox Corporation vào cuối năm 2023, Việt Đinh đã được trả 23 triệu MK tiền mặt. Theo bản tin địa ốc The Real Deal, ngày 10 tháng 5, 2019, Việt Đinh đã mua một ngôi nhà tại Brentwood, CA, với giá 19.05 triệu MK.
- Thế hệ kế tiếp của thuyền nhân gốc Việt cũng lẫy lừng không kém. Sinh ra tại California vào ngày Song Thập (10/10) 1991, Amanda Nguyễn cũng xuất sắc trong việc học, được nhận vào Harvard. Rồi không phải là kẻ gây ra tội ác như mẫu người nhập cư của MAGA, mà là nạn nhân của một vụ hiếp dâm. Sự việc đau buồn này đã biến Amanda thành một lãnh tụ vận động nhân quyền, đưa đến sự ra đời của Sexual Assault Survivor’s Right Act (Đạo luật về Quyền của Nạn Nhân bị Tấn Công Tình Dục), được toàn thể lưỡng viện Quốc Hội thông qua, và Tổng Thống Obama ban hành vào tháng 10, 2016.
Theo Chanel Miller viết trên báo TIME 2-3-2022: Vào năm 2016, Amanda Nguyễn đã ăn mừng một thắng lợi quan trọng khi Tổng Thống Obama ký Sexual Assault Survivors’ Rights Act trở thành luật. Giúp thảo ra đạo luật này để sửa lại cách lưu trữ bộ sưu tập chứng cớ tấn công tình dục ở cấp liên bang, là cách phản ứng của cô sau khi được biết vào năm 2013, là bộ sưu tập về vụ hiếp dâm của chính cô sắp bị loại bỏ. Người đứng đầu tổ chức bất vụ lợi Rise về quyền dân sự không dừng lại ở đó; Cho đến nay, Cô Nguyễn, 30 tuổi, đã tiếp tục giúp làm những luật tương tự tại 40 tiểu bang, và đã đưa hoạt động của mình tới Liên Hiệp Quốc, nơi cô đang hướng dẫn một cố gắng để tiến tới việc thông qua một quyết nghị bảo vệ các nạn nhân trên toàn thế giới.
Những thành quả của hai người nhập cư gốc Việt tiêu biểu, thuộc hai thế hệ, là Việt Đinh và Amanda Nguyễn còn rất nhiều, quá nhiều để kể hết ra đây; ai muốn biết, có thể dễ dàng tìm thấy trên Internet.
***
Nêu ra những thành quả tốt đẹp của người từ khắp nơi vào Mỹ, không có nghĩa khẳng định rằng trong số những người nhập cư không có người xấu, không có kẻ phạm pháp. Ở đâu cũng có kẻ xấu, người tốt. Thống kê đáng tin cậy ghi nhận rằng, tỷ lệ phạm pháp của người nhập cư thấp hơn so với tập thể những người không thuộc thành phần nhập cư. Sự thật như vậy mà gán cho thành phần nhập cư những tội lỗi xấu xa là việc làm độc ác, vô nhân đạo. Hãy nhìn thẳng vào cuộc đời của những nhân vật danh tiếng, không thuộc thành phần nhập cư trong thế hệ hiện tại, sẽ thấy rõ đâu là sự thật.
Trước hết, đương kim tổng thống, có bao giờ bị truy tố, bị buộc tội về dân sự và hình sự không? Ai cũng đã biết câu trả lời.
Đương kim phó tổng thống, từng lên tiếng chỉ trích người nhập cư về những việc làm xấu xa. Xin hỏi, trong thân tộc, họ hàng ông có bao nhiêu người nghiện rượu, nghiện ma tuý? Bao nhiêu người sống bằng trợ cấp xã hội? Sách và những bài báo của ông đã nói đủ, khỏi cần kể ra đây.
Gia đình tổng thống mới nãm nhiệm được ba tháng: Có bao nhiêu người nghiện và trao đổi ma tuý? Bao nhiêu người bị kết án và buộc tội đại hình? Mọi người cũng đã có câu trả lời.
Tóm lại, khi những người không thuộc thành phần nhập cư thấy mình chẳng có gì tốt đẹp hơn người nhập cư, thì đừng nên chỉ trách người mà không trách mình. Đó không phải là cách hành xử của những người có danh dự.
***
Điểm chót trong những ưu tư của Bob Turner là những người nhập cư sẽ đóng góp vào việc “giúp Chính quyền của chúng ta giữ danh dự trong khi giao tiếp với thế giới”.
Theo dõi những gì diễn ra qua cuộc tiếp Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu Dục vào ngày 28 tháng 2, 2025, không ai nhìn thấy cái gọi là “danh dự khi giao tiếp với thế giới”. Nhất là, tin Reuters ngày 6-3-25 cho biết, chính quyền hiện tại còn nghĩ tới chuyện rút lại quy chế tạm dung của 240.000 người Ukraine đã tới Mỹ hợp pháp, và họ có thể sẽ bị trục xuất trở lại Ukraine. Vậy thì, chúng ta chỉ có thể đóng góp một lời cầu xin:
- Nếu 50 năm trước, Mỹ đã phản bội Nam Việt Nam một cách thông minh, thì bây giờ, xin đừng phản bội Ukraine một cách ngu ngốc.